Điều đáng tiếc là việc tìm hiểu này chỉ có tính cách cục bộ, tức là chỉ tìm bới trong kho tàng văn chương bình dân những câu nói nhằm mục đích chứng minh cho một vài nhận định có sẵn của người viết, như việc đồng áng, kinh nghiệm nhà nông, tinh thần trọng học, tính châm biếm, lối tỏ tình v.v… Một số người lại đi qúa xa bằng cách vẽ ra cả một triết lý của dân tộc với những phạm trù vũ trụ, xã hội và nhân sinh dựa trên những câu tục ngữ, ca dao. Đó là trường hợp của hai tác giả Nguyễn Tiến Long và Phan Canh. Hai ông đã viết chung tác phẩm “Thi Ca Bình Dân Việt Nam, Tòa Lâu Đài Văn Hóa Dân Tộc” và cho xuất bản tại Sài Gòn năm 1969. Trong cuốn sách này, hai tác giả đã tìm tòi và sắp xếp những ý hướng triết lý làm nền cho lẽ sống của ngưới Việt. Hai ông viết:“Ở đây, chúng ta đi vào thế giới tiền nhân mà lẽ sống đã quyết định trạng thái tâm tư và sinh hoạt, cho nên chúng ta phải đặt thế giới tiền nhân trước ba yếu tố: con người với con người, con người với xã hội và con người với thiên nhiên” (1). Từ những nhận định tiên thiên này, hai ông đã khai triển một triết lý gán cho dân tộc Việt gồm vũ trụ quan với ý chính “vạn vật đồng nhất thể”, xã hội quan dựa trên “tương quan mâu thuẫn” và nhân sinh quan với ý niệm “con người chỉ là một cá thể của vũ trụ” và qui luật sinh tồn và hưởng thụ của vạn hữu cũng là qui luật sinh tồn và hưởng thụ của con người. Dĩ nhiên, việc tìm ra những câu tục ngữ và ca dao để “bắt” chúng chứng minh cho những quan niệm trên là điều có thể làm được, nhưng không tránh khỏi sự gượng ép. Người bình dân, qua văn chương truyền khẩu, không muốn và không thể dựng nên một hệ thống triết lý để dậy người hay để cho mình theo đó mà sống. Dĩ nhiên tư tưởng của họ bàng bạc trong lời nói, nhưng họ không lập ra những giáo điều, những qui luật triết học như nhiều người tưởng tượng hoặc “tán” qúa xa. Họ sống với văn chương truyền khẩu chứ không lập thuyết với văn chương truyền khẩu. Chúng tôi đồng ý với nhận định của Nguyễn Thùy và Trần Minh Xuân khi cho rằng:“Thi ca dân gian không là đối tượng ở ngoài ta để nghiên cứu, tìm hiểu, mà trở thành một cái gì “sống” nơi tự thân ta để suy nghiệm; có tương ứng với nó mới hy vọng khai triển, mở phơi. Tinh thần Việt Nam ẩn náu trong đó, cư ngụ u huyền trong tâm thức người bình dân ta xưa, mà mỗi lần lên tiếng là chỉ nói đến những điều hiển hiện, còn cái hoằng viễn, thâm sâu thường vẫn còn là “vô ngôn” đằng sau những lời minh bạch. Ca dao, dân ca của ta ẩn tàng một triết lý của dân tộc, một thứ triết lý vô ngôn, chỉ có trong cảm tính, không có nền tảng kết cấu thành hệ thống, một triết lý chỉ có trong cảm niệm, khó lòng giải thích bằng lý lẽ phân minh” (2).
Rút kinh nghiệm trên, chúng tôi không dám “đại ngôn” để nêu ra thuyết này thuyết nọ. Chúng tôi chỉ cố gắng trình bầy thật xát những tin tưởng, cách nghĩ và lối sống của người Việt qua cách nói trong văn chương truyền khẩu. Từ đó chúng ta sẽ rút ra những nét tiêu biểu của văn hóa Việt Nam.
A – NHỮNG TIN TƯỞNG SIÊU HÌNH
Cũng giống như nhiều dân tộc khác, người Việt Nam tin vào một đấng tối cao có khả năng tạo nên vũ trụ và con người, điều khiển thượng giới và hạ giới, đồng thời cũng tin tưởng vào những thần linh có phù phép thi ân giáng phúc hoặc thi tai giáng họa.
1/ Tin Trời
Đấng tối cao mà từ xưa tới nay người Việt Nam vẫn tin tưởng được gọi nôm na là “Ông Trời”. Trước hết, Ông Trời tạo nên vũ trụ, vạn vật:
Nhất, Ông đếm cát,
Nhì, Ông tát bể,
Ba, Ông kể sao,
Bốn, Ông đào sông,
Năm, Ông trồng cây,
Sáu, Ông xây rú,
Bảy, Ông trụ trời.
Bài đồng dao này nói lên việc khai thiên lập địa mà Ông Khổng Lồ, Ông Thần hay Ông Trời đã làm trong bảy ngày. Ngày thứ nhất đếm cát, kiểm điểm từ hỗn mang những vật liệu để xây dựng vũ trụ. Ngày thứ nhì đào bể. Ngày thứ ba tạo dựng bầu trời và tinh tú. Ngày thứ tư lập hệ thống sông ngòi để dẫn nước cho việc trồng cấy. Ngày thứ năm trồng cây. Ngày thứ sáu lập rừng. Ngày thứ bảy trồng cây trụ trời để nối liền trời với đất. Bảy ngày tạo dựng vũ trụ của “Ông” làm chúng ta nhớ tới cách Thượng Đế dựng nên vũ trụ và con người theo sách Khởi Nguyên hay Sáng Thế Ký (Genèse) của đạo Thiên Chúa trong Cựu Ước. Bài đồng dao không nói “Ông Trời của Việt Nam” dựng nên con người khi đã hoàn thành vũ trụ, nhưng nói việc Ông dựng nên cây trụ trời để nối trời với đất. Cây trụ trời có rễ dọc rễ ngang trên mặt đất khiến ta phải hiểu đó là giòng giống con người phát triển trên trái đất được “ăn thông” từ trời xuống:
Cây ngô đồng không trồng mà mọc
Rễ ngô đồng rễ dọc rễ ngang.
Huyền thoại Việt Nam thời Hồng Bàng có nói tới cây “chiên đàn” thân cao ngàn tầng, cành lá xum xuê rộng không biết bao nhiêu ngàn dậm, có chim thước làm ổ trên cây, nên nơi ấy lấy tên là Bạch Hạc (3). Giáo sư Trần Ngọc Ninh, căn cứ trên tài liệu của Hoàng Trọng Miên trong “Việt Nam Văn Học Sử”, cũng nói tới huyền thoại Mường về một cây gọi là cây “chu đồng”, thân cây rộng mười bốn sải tay, ngọn cao lên đến trời, có trái bằng đồng, có hoa bằng bạc; mỗi khi gió thổi, hoa lá rung lên phát ra tiếng nổ như tiếng sấm. Giáo sư Trần Ngọc Ninh cho rằng “cây ngô đồng” nên được sửa thành “cây chu đồng” mới đúng, vì cây chu đồng là một cây trong huyền thoại Lang Đa-Cần của người Mường, vị tổ huyền thoại của dân Mường có liên hệ với Lạc Long Quân. Dân Mường có nhiều huyền thoại rất giống huyền thoại Việt Nam, vì chính họ có nguồn gốc Việt Nam, chỉ vì sinh sống biệt lập trên rừng núi nên mới có những khác biệt theo thời gian. Theo suy luận của chúng tôi, có thể “Cây ngô đồng” trong câu ca dao lúc đầu là“cây chu đồng” hay“cây chiên đàn”, nhưng vì tam sao thất bản, vì một ngàn năm Bắc thuộc, dân mình nghe quen cây ngô đồng trong văn chương Tầu (Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu), nên chu đồng hay chiên đàn biến thành ngô đồng lúc nào không ai để ý. Dù sao thì “Trụ trời là một biểu tượng vô cùng quan trọng đối các dân tộc sơ khai. Trong cái ngữ vựng chuyên môn của Tôn-giáo học, đó là Thế-giới-trụ, Axis mundi. Trụ trời không những là cái cột chống trời (kình thiên trụ) mà còn là cái thông lộ huyền bí giữa Cõi Trời, Cõi Nhân-gian và Cõi Đất” (4). Đó là cơ sở niềm tin vào Trời của dân tộc Việt Nam.
Khi đã tin Ông Trời tạo nên vạn vật và con người thì cũng tin Ông Trời là đấng toàn năng, chí công và nhân từ. Toàn năng vì cái gì Ông cũng làm được, nên dân gian luôn cầu xin Ông cho mưa thuận gió hòa, hoa mầu tươi tốt để tìm thực phẩm cho sự sống:
Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy đầy bát cơm…
Nhờ Trời mưa thuận gió hòa
Nào cầy, nào cấy, trẻ già đua nhau.
Ơn Trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cầy sâu
Công lênh chẳng quản chi đâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Chàng ơi, trẩy sớm kẻo trưa
Cửa nhà cậy mẹ, nắng mưa cậy Trời
“Ông Trời của người Việt” cũng rất công minh. Ông vô hình, nhưng người ta tin Ông có mặt ở khắp nơi để cầm cân nảy mực mọi chuyện trên đời:
Trời có mắt.
Không có Trời, ai ở với ai.
Phí của Trời, mười đời không có
Đừng cậy khỏe, chớ khoe giầu
Trời kia còn ở trên đầu còn kinh.
Vì Trời công bằng, nên ai “ở hiền thì gặp lành, ở ác gặp dữ”, ai biết tu thân sửa mình thì tránh được những tai họa
Xởi lởi Trời gởi của cho, co ro Trời co của lại.
Của Trời Trời lại lấy đi
Dương đôi mắt ếch làm chi được Trời?
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Ai ăn ở tử tế đời này thì Trời cho để lại phúc đức cho con cháu đời sau:
Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời cho con.
Ông cha kiếp trước khéo tu
Nên sinh con cháu võng dù nghênh ngang.
Ông Trời cũng rất nhân từ, đã sinh ra con người nên yêu thương con người, chăm lo cho sự sống và cả phẩm cách của con người:
Trời sinh, Trời dưỡng.
Trời sinh voi, Trời sinh cỏ.
Trời đánh còn tránh miếng ăn.
Vì cảm thấy Ông Trời gần gũi và nhân từ như thế, người bình dân nhiều khi coi Ông Trời như một ông bố dễ thương, có việc gì cũng kêu với Ông, vì biết lúc nào Ông cũng lắng nghe con cái ỉ ôi và sẵn sàng can thiệp khi cần:
Đi đâu mà chẳng lấy chồng?
Người ta lấy hết, chổng mông mà gào
Gào rằng đất hỡi, Trời ơi!
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng?
Ông Trời ngoảnh mặt lại trông:
- Mày hay kén chọn, ông không cho mày.
Nhiều khi con người gây ra những chuyện lộn xộn, rắc rối trên đời nhưng không chịu nhận phần lỗi về mình, lại đem đổ hết cho Trời. Trời cũng là cái thân tội phải làm bia cho dân ca thán:
Trời làm một trận lăng nhăng
Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông.
Ông Trời sao ở chẳng cân
Kẻ ăn không hết, người lần không ra?
Ông Trời sao ở bất công
Kẻ hai ba vợ, người không vợ nào?
Vì dân Việt Nam tin tưởng nơi một Ông Trời toàn năng, chí công và nhân từ như thế nên rất dễ chấp nhận các đạo giáo từ ngoài du nhập. Đạo Phật với luật nhân qủa và đức từ bi. Đạo Khổng với luân lý sợ Trời (úy thiên mệnh), trung quân, ái quốc, hiếu với cha me. Đạo Lão với “đạo khả đạo phi thường đạo”. Sau này đạo Thiên Chúa với giáo lý tin Trời, yêu người, thảo kính cha mẹ. Tất cả đều hợp với những tin tưởng của người Việt Nam. Vì thế mới có“ tam giáo đồng nguyên”, hay đúng ra thì phải nói “đa giáo đồng nguyên”.
2/ Đa thần, bái vật
Ngoài việc tin Trời là đấng tối cao, người Việt Nam còn tin nhiều thứ thần thánh khác, tức là thờ những sức mạnh hữu hình hoặc vô hình có ảnh hưởng tới đời sống con người: sấm sét, mưa gió, thần núi, thần nước (Tản Viên Sơn Thần, Sơn Tinh Thủy Tinh), thần đất, thần sông (Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá). Ngoài ra còn “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Cây đa đầu làng, ngoài công dụng để khách bộ hành nhận ra làng từ đằng xa, ngoài bóng mát cho dân làng ngồi nghỉ, còn là nơi lập miếu thờ thần, là chỗ tích tụ những “ông bình vôi” đã kín miệng:
Sợ thần phải nể cây đa.
Ở cho phải phải phân phân
Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.
Thờ thần vật rồi lại còn thờ thần động vật. Người ta thờ cọp có lẽ vì cọp mạnh, hung dữ, có thể gây ra nhiều thiệt hại đến hoa mầu và sinh mạng, nên gọi một cách tôn kính là“Ông Ba Mươi”, vẽ hình cọp và dựng tượng cọp tại nhiều cửa đền cửa phủ. Sợ cọp thì thờ cọp, nhất là những con cọp tinh khôn mà người ta tin đã thành thần. Nhưng nếu bắt được cọp thì cũng không ngần ngại xẻ thịt cọp lấy bộ lông để khoác hay trang trí, lấy bộ răng nanh để làm bùa phép đeo quanh cổ, nhất là lấy bộ xương nấu cao hổ cốt thập toàn đại bổ. Ngư dân ven biển thì thờ cá voi được gọi cách tôn kính là “Cá Ông”. Trên đường từ bãi trước ra bãi sau Vũng Tàu thuộc xã Thắng Tam có đền thờ Cá Ông, còn giữ nguyên một bộ xương cá voi, hàng năm có tế lễ và mở hội. Đảo Thổ Châu thuộc hải phận Rạch Giá cũng có đền thờ Cá Ông. Thông tấn xã Việt Nam ngày 13/4/2003 loan tin một ngàn người đi đưa ma Cá Ông khổng lồ tấp vào bãi biển Nam Ô gần Đà Nẵng. Vùng này cũng có đền thờ cá voi mà dân chúng gọi là “Đền Cá Ông” được dân chúng đến lễ bái thường xuyên. Người ta thờ Ông vì tin Ông rất linh và có lòng tốt, từng kéo thuyền vào bờ khi sóng to gió lớn, hoặc nâng thuyền lên khi thuyền sắp chìm. Truyền thống đa thần bái vật đã có từ thời dựng nước, thuở thần tiên còn lẫn lộn với người. Truyền thống đó còn được duy trì tới ngày nay chứng tỏ dân Việt Nam vẫn tin có một cõi khác ở ngoài cõi hữu hình. Cõi khác đó có thể bảo vệ và cứu giúp cho những ai tin tưởng và biết kêu cầu những khi gặp gian nan:
Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.
Hữu tật thì bái tứ phương
Vô tật đồng hương chẳng mất.
Chẳng thiêng ai gọi là thần,
Lối ngay đường tắt chẳng gần ai đi?
Có một số học giả, trong đó có Đào Duy Anh, cho rằng dân Việt Nam thờ vật tổ (totem), theo “đạo vật tổ” (Totémisme). Người thì cho vật tổ là rồng tiên. Người thì cho là chim Lạc. Người thì cho là con nai vì dựa theo truyền thuyết Nàng Hươu Sao của người Mường. Trên thực tế, dân tộc Việt Nam không có ý niệm “vật tổ”. Danh từ này dịch từ chữ “Totem” được các nhà nhân chủng học dùng để gọi những vật được bộ lạc Ojibwa, thổ dân vùng Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mỹ tôn kính vì coi đó là tượng trưng của bộ lạc. Theo nhà dân tộc học Pháp Claude Lévi Strauss thì đạo vật tổ hay Totem giáo chỉ là cái tên sinh ra do sự cắt xén thực tại vụng về của một số nhà dân tộc học phương Tây, là hậu qủa của tinh thần làm việc sính hệ thống của họ (5). Người sơ thủy yêu qúy thiên nhiên, cây cỏ và thú vật, nên dựng một số hình tượng cây hay thú họ yêu thích, vì chúng là những thứ họ nhìn được, sờ được, ăn được. Những hình tượng này có thể được dùng trong các buổi tế lễ, nhưng họ không thờ chúng, mà qua đó họ hướng về những thần linh khác. Người Việt không thờ biểu tượng tiên rồng. Rồng tiên chỉ là hình ảnh cao sang của huyền thoại cổ tích mà dân Việt Nam nhận mình từ đó mà ra. Dân Việt chỉ thờ Kinh Dương Vương, thủy tổ của họ Hồng Bàng, tiền bối của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Vì vậy hình ảnh tiên không có, hình ảnh rồng chỉ được dùng để trang trí tại đình, chùa, không được thờ. Rồng là vật thần thoại có uy quyền và sức mạnh (rồng phun nước: mưa. Rồng hút nước: lốc xoáy, tornado), rồng tượng trưng cho sự khôn ngoan và sống tách biệt với các loài khác nên được dùng để chỉ nhà vua: mình rồng, bệ rồng, sân rồng, long bào, long sàng… Xét về ngữ lý học, rồng không được trọng vì bị gọi là con rồng, trong khi có những con khác được gọi là ông. Những con chim Lạc và những con nai khắc trên trống đồng cũng không phải là vật tổ của dân Việt. Chẳng qua người xưa sống tại một vùng đất có nhiều cò, sếu tại đồng bằng, nhiều hươu nai trên rừng núi, chúng là cảnh sống, lại là lương thực cho người, nên người diễn tả đời sống của chính mình với muông thú chung quanh trên trống đồng. Chỉ có vậy thôi. Không có vật tổ. Người Việt Nam chỉ tin Trời, tin thần linh và sùng bái những vật đã thành thần.
B – TÔN GIÁO
Nếu hiểu tôn giáo theo nghiã một tin tưởng siêu hình với tín lý và những lễ nghi đi kèm, với hàng giáo phẩm và hệ thống tổ chức giáo hội hữu hình, thì không có tôn giáo nào phát xuất từ dân tộc Việt Nam. Đạo Cao Đài và đạo Hòa Hảo ra đời tại miền Nam vào đầu thế kỷ 20 cũng không phải là những đạo thuần túy Việt Nam. Đạo Cao Đài là một tổng hợp đức tin của nhiều tôn giáo đã có trước. Đạo Hòa Hảo là một hình thức Việt Nam hóa đạo Phật.
1/ Đạo Tổ Tiên
Nếu chỉ căn cứ vào sự tin tưởng và những lễ nghi thờ kính với tất cả lòng thành thì Việt Nam có Đạo Tổ Tiên hay Đạo Ông Bà. Việc thờ kính tổ tiên đã có từ thời dựng nước. Bằng chứng là có di tích đền Hùng, Hội Đền Hùng, giỗ Quốc Tổ, những đền thờ các anh hùng dân tộc, nhà thờ họ của mỗi đại gia, bàn thờ gia tiên tại mỗi gia đình. Sau này khi đạo Khổng truyền sang Việt Nam, đức Hiếu lại càng được coi trọng. Dù vậy, việc thờ kính tổ tiên của người Việt và người Tầu không giống nhau. Người Tầu đặt nặng chữ Hiếu với cha mẹ, hiếu kính cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã chết (Sự tử như sự vong, sự sinh như sự tồn), nhưng coi nhẹ việc thờ kính tổ tiên. Người Việt Nam không những hiếu kính cha mẹ, ông bà, mà còn ngược lên tới tổ tiên, nguồn gốc để thờ:
Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Cây có gốc mới nảy nhành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.
Chim có tổ, người có tông.
Việc thờ phụng tổ tiên của người Việt Nam dựa trên quan niệm có sự liên lạc mật thiết giữa thế giới vô hình và thế giới hữu hình. Sự thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ giữa người sống và vũ trụ thần linh. Toan Ánh nhận định rằng “Đối với người Việt Nam, chết chưa phải là chết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn và hằng lui tới với gia đình. Thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt… Sự tin tưởng vong hồn ông bà cha mẹ ngự trên giường thờ có ảnh hưởng nhiều đến hành động của người sống. Nhiều người vì sợ vong hồn cha mẹ buồn đã tránh những hành vi xấu xa, và đôi khi định làm một công việc gì cũng suy tính kỹ lưỡng, xem công việc đó lúc sinh thời cha mẹ có chấp nhận hay không” (6).
Vì vậy, bổn phận đầu tiên là phải nhớ công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên:
Uống nước nhớ nguồn.
Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây.
Khôn ngoan nhờ ấm cha ông
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ.
Tiếp đến là phải biết hãnh diện về tiền nhân của mình và ráng sống sao cho xứng đáng với các người, không để các người bị mang tiếng nhục vì con cháu:
Sống cơ đồ, chết mồ mả.
Sống về mồ mả, chẳng ai sống về cả bát cơm.
Muốn có hiếu với tổ tiên còn phải có tình liên đới với anh em cùng huyết tộc, nói rộng ra là tình liên đới của một dân tộc có cùng một tổ:
Bà con vì tổ vì tiên, không phải vì tiền vì gạo.
Cuối cùng, phải tỏ lòng thành và thực hành sự hiếu kính: phải lo săn sóc phần mộ, phải lo cúng giỗ đúng tuần tiết, lớn nhỏ không quan trọng:
Cao nấm, ấm mồ.
Bắt người bỏ giỗ, không ai bắt người cỗ bé.
Việc thờ kính tổ tiên, ông bà được thực hiện ở mọi cấp. Cấp quốc gia có việc thờ Quốc Tổ Hùng Vương và các anh hùng dân tộc, như Đức Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Đức Trần Hưng Đạo v.v…
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.
Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ.
(Cha: Đức Thánh Trần. Mẹ: Bà Chúa Liễu Hạnh)
Ai ơi! Mùng chín tháng Tư
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời.
Cấp làng xã có thờ Thành Hoàng tại đình làng. Thành hoàng là một vị anh hùng dân tộc hay một người dân thường, có khi là một tên ăn cướp hay một người hốt phân, nhưng đã làm nhiều việc phúc lợi cho dân làng khi sống cũng như khi chết. Làng chọn một vị làm thần của làng, xin vua ban chiếu sắc phong, thờ cúng quanh năm, mở hội lớn tế lễ hàng năm:
Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ.
Ở cấp gia tộc có nhà thờ họ để thờ tổ tiên từ ba đời trở lên. Người đứng đầu tộc lo việc hương khói và cúng giỗ. Chi phí lấy từ hoa lợi của ruộng hương hỏa, phần ruộng được tộc họ dành riêng cho việc bảo trì nhà thờ họ và thờ phụng tổ tiên. Đây cũng là nơi người sống dựa vào người chết để tính chuyện trăm năm và nối dõi tông đường:
Mẫu đơn mọc cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.
Cuối cùng, ở cấp gia đình có bàn thờ gia tiên, thờ cha mẹ, ông bà và các cụ thuộc đời thứ ba. Các cụ thuộc lớp trên nữa thì được rước về nhà thờ họ. Tuy nhiên, trên thực tế, bàn thờ gia tiên là để thờ tất cả những người đã khuất trong gia đình, ngoài cha mẹ, ông bà, còn thờ cả anh chị em đã chết, cả bà cô ông cậu, cụ kỵ tám đời mười đời. Bàn thờ gia tiên được đặt nơi trang trọng nhất trong nhà, thường là gian chính giữa. Nếu không có hương khói hàng ngày thì mỗi dịp kỵ giỗ vị nào là phải sửa cỗ và phẩm vật cúng. Chiều ba mươi Tết phải làm lễ gia tiên rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Mỗi khi có biến cố dù tốt dù xấu hay những thay đổi trong gia đình, như có người thi đỗ, thăng quan tiến chức, có người lìa trần, có thêm dâu rể mới, có cháu chắt mới sinh…, đều phải làm lễ cáo gia tiên để xin các cụ chứng giám, chia vui sẻ buồn, phù hộ, ban phước. Sự liên hệ giữa người sống và người chết chặt chẽ đến nỗi không ai muốn rời bỏ làng xóm, mồ mả tổ tiên để đi làm ăn xa. Có đi xa cũng phải nhớ ngày giỗ, ngày Tết trở về để làm lễ trước bàn thờ và vác cuốc ra đồng đắp mộ người thân cho cao. Mộ cha mẹ, ông bà có cao nấm thì mới ấm mồ và con cháu mới được phúc đức, làm ăn thịnh vượng.
Với sự tin tưởng, lòng thành và phong cách cử hành các lễ nghi tích cực như vậy, ta có thể nói việc thờ kính ông bà, tổ tiên đúng là một đạo mà người Việt Nam đã thực hành trước khi chấp nhận các đạo khác từ bên ngoài vào. Điều đặc biệt là việc thờ kính tổ tiên không cản trở việc có thêm một đức tin và hành đạo theo một tôn giáo khác, vì tôn giáo nào cũng dậy phải thảo kính cha mẹ và nhớ ơn tổ tiên. Chỉ có lễ nghi thờ cúng đôi khi gây ra những hiểu lầm, đặc biệt đối với đạo Thiên Chúa. Nhưng như chúng tôi đã trình bầy ở phần trước, mọi hiểu lầm đã được giải tỏa, và mọi người Việt Nam ngày nay cảm thấy gần gũi nhau hơn vì có chung một Tổ để nhớ về và có chung một tấm lòng hiếu kính cha mẹ, ông bà đã khuất.
2/ Đạo Phật
Chúng ta không bàn giáo lý và lịch sử du nhập của đạo Phật ở đây. Điều đó đã được nói ở phần ảnh hưởng của Phật Giáo trong văn hóa Việt Nam. Trong phần này, chúng ta chỉ tìm hiểu, qua văn chương bình dân, xem người Việt Nam tin Phật và thực hành đạo Phật như thế nào.
Trước hết, người Việt Nam rất tin tưởng vào quyền uy của Đức Phật. Họ coi Ngài là một vị đại thánh, có quyền ngang với Trời. Vì vậy, mở miệng nói là “Cầu Trời khấn Phật”, “Nhờ Trời Phật”, “Đội ơn Trời Phật”… Phật đi liền với Trời, chứng tỏ dân Việt tin cả Trời lẫn Phật. Dân ta đã Việt Nam hóa Đức Phật, thích coi Ngài là một đấng thần linh ban ơn giáng phúc hơn là đấng chỉ đường đi đến bến giác:
Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng.
Lâm râm khấn vái Phật Trời
Cầu cho cha mẹ ở đời với con.
Dân Việt cũng rất trọng đức từ bi, cứu khổ cứu nạn của đạo Phật:
Dẫu xây chín bực phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Điều mà người Việt tin tưởng hơn cả là luật qủa báo, gây nhân nào gặp qủa nấy. Tin tưởng điều này để tu thân, sửa mình, làm lành lánh dữ, khiến con người trở nên tốt hơn và xã hội nhân ái hơn:
Ác giả ác báo. Hại nhân nhân hại.
Qủa báo ăn cháo gãy răng
Ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy chầy.
Tham thì thâm
Bụt đã bảo thầm rằng chớ có tham.
Tu thân là trọng. Tu giữa đời mới khó, khó hơn là tu nơi cửa Phật:
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
Người ta rất không ưa những người tu không nên thân nhưng miệng nói toàn giọng đạo đức giả để dối mình, dối người. Người bình dân đã dùng những lời cay độc khi nói về hạng người này:
Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối.
Miệng Nam-mô, bụng một bồ dao găm.
Nam-mô một bồ dao găm, một trăm dao mác, một vác dao bầu, một xâu thịt chó.
Ba mươi xúc miệng ăn chay
Sáng ngày mồng một dựng cây trúc dài
Lâm râm khấn với Phật Trời
Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng.
Họ rất kính trọng những bậc chân tu, nhất là những vị khổ hạnh, không màng đến vật chất bề ngoài, vì “Nhà rách có Bụt vàng”. Trái lại, đối với những người “ra đi gặp vịt cũng lùa; gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu” thì họ rất nghiêm khắc, có những chỉ trích và diễu cợt rất nặng lời:
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu…
Thấy cô yếm đỏ răng đen
Nam-mô Di Phật lại quên mất chùa
Ai mua tiên cảnh thì mua
Thanh la, não bạt, thầy chùa bán cho
Hộ pháp thì một quan ba
Long thần chín rưỡi, Thích Ca ba tiền
Còn hai mụ Thiện hai bên
Ai mua bán nốt lấy tiền nộp cheo
Lệ làng còn thiếu bao nhiêu
Đẵn cây tre gộc cắm nêu sân chùa.
Con chim ăn qủa bồ nu
Ai làm nên nỗi thầy tu đeo xiềng
Thầy tu ăn nói cà riềng
Nu thưa quan cả đóng xiềng thầy tu.
Có người cho rằng sở dĩ có nhiều bài truyền khẩu chỉ trích, diễu cợt sư sãi là vì có nhiều nhà nho qúa khích, chỉ biết tôn thờ Khổng Tử, sẵng sàng bài kích các tôn giáo khác, làm ra những bài ca dao đem loan truyền trong dân gian. Điều này có phần đúng. Nhưng chúng ta cũng phải lưu ý tới một nguyên nhân khác. Đó là việc xây chùa dựng tượng xưa nay là công của dân một làng hay nhiều làng. Sau khi có chùa, chính họ đi tìm tăng ni thỉnh về coi chùa thờ Bụt và nuôi những vị tu hành này: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Các vị tu hành không được từ “trên” bổ nhiệm xuống và không có ai chế tài khi phạm lỗi. Vì vậy, dân làng vừa là đạo hữu lại vừa là chủ nhân của chùa và sư nên rất dễ bất bình khi gặp người tu hành không xứng đáng. Đây là nguyên nhân chính của việc có nhiều bài hát chọc diễu các tăng ni đôi khi rất sỗ sàng. Tuy vậy, đạo Phật đã ăn sâu bén rễ trong lòng dân tộc từ hai ngàn năm nay. Dù không phải toàn thể dân Việt đều là những Phật tử thuần thành, nhưng đa số đã qúa quen với cảnh chùa lời Phật. Tư tưởng và giáo lý của Đức Phật là một phần quan trọng trong văn hóa Việt Nam.
3/ Đạo Khổng
Đạo Khổng không đặt nặng vấn đề tin tưởng siêu hình, nhưng chú trọng về luân lý thực hành, ấn định cách tu thân và xử thế của con người trong xã hội. Đạo Khổng đã đến Việt Nam từ trên hai ngàn năm trước, cùng với bước chân của những người Hán đến xâm lăng Việt Nam. Nền giáo dục của Việt Nam từ đó dựa trên học thuyết Khổng Mạnh. Cơ cấu tổ chức nhà nước của các vua chúa Việt Nam thời độc lập cũng dựa trên mẫu mực Tống Nho. Vì thế ảnh hưởng của Khổng giáo trong nếp sống Việt Nam rất sâu đậm. Trong văn chương bình dân, ảnh hưởng này được nói tới nhiều, đặc biệt liên quan tới đức hiếu (phụ mẫu), nghiã thầy trò (sư đệ), tam tòng, tứ đức.
Liên quan tới Tam Cương (quân, sư, phụ) người bình dân ít nói tới vua. Vị thế của vua đã qúa rõ ràng và vững chắc, không ai dám bàn thêm. “Trung quân ái quốc” là điều hiển nhiên, là bổn phận, là mệnh lệnh. Nhưng đạo hiếu đối với cha mẹ cần phải được nhắc nhở hoài để con cái không xao lãng
Làm người phải biết cương thường
Xem trong ngũ đẳng, quân vương ở đầu
Thờ cha, kính mẹ trước sau
Anh em hòa thuận mới hầu làm nên.
Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ
Bài thơ ba chữ rành rành
Chữ “Trung”, chữ “Hiếu”, chữ “Tình” là ba.
Làm sao nên tiếng danh nho
Thần trung, tử hiếu để cho khen cùng.
Bao giờ cá lý hóa long
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.
Công cha như núi Thái Sơn
Nghiã mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
Nhờ được dậy dỗ như vậy từ tấm bé, người Việt Nam rất trọng đạo hiếu, thương yêu, kính phục, phụng dưỡng, thờ kính cha mẹ lúc sống cũng như lúc chết, dù đôi khi cha mẹ có cư xử bất công:
Muốn nói ngoa làm cha mà nói
Hay cha mẹ nghèo hèn:
Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo.
Về tình sư đệ, người Việt Nam rất kính trọng và biết ơn thầy dậy. Họ coi thầy như người cha tinh thần có công khai sáng tâm trí và mở đường cho họ đi vào tương lai, giúp họ leo những nấc thang xã hội, dù thầy sửa phạt rất nghiêm minh, đôi khi rất nặng tay
Hay chữ dữ đòn.
Không thầy đố mầy làm nên.
Một chữ nên thầy, một ngày nên nghiã.
Muống sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Về Tam Tòng, việc Tòng Phụ (theo cha) đã nằm trong chữ hiếu. Người ta chỉ nhấn mạnh đến việc Tòng Phu (theo chồng), chấp nhận hoàn cảnh của chồng, trung thành với chồng và gánh vác với chồng trong mọi việc
Con vua lấy thằng bán than
Nó đem lên ngàn, cũng phải đi theo.
Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo.
Tay mang khăn gói sang sông
Mẹ gọi, lậy mẹ, theo chồng phải theo.
Lậy cha ba lậy một qùi
Lậy mẹ bốn lậy, con đi lấy chồng.
Thuyền bầu trở lái về đông
Con đi theo chồng, để mẹ cho ai?
Mẹ già đã có con trai
Con là phận gái dám sai chữ “Tòng”!
Đi đâu cho thiếp đi cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
Xấu xa cũng thể chồng ta
Dù cho tốt đẹp cũng ra chồng người.
Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo theo chồng, tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
Lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
Về Tứ Đức (công, dung, ngôn hạnh), người phụ nữ Việt Nam cũng được thường xuyên nhắc nhở qua những lời khuyên của cha mẹ hay qua những mẫu mực được tán tụng để làm gương
Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa
…………
Con đừng học thói chua ngoa
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười
Dù no dù đói cho tươi
Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan.
Gái thời giữ lấy chữ trinh
Siêng năng chín chắn Trời dành phúc cho.
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên…
Người xấu, duyên lặn vào trong
Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài.
Hay quần, hay áo, hay hơi
Mà chẳng hay người là của bỏ đi.
Có thể nói những nguyên tắc luân lý của đạo Khổng không có gì khác biệt với nếp sống truyền thống của người Việt Nam. Người Việt đã quen thờ kính tổ tiên tất phải có hiếu với cha mẹ, có tinh thần trọng học lại sẵn lòng biết ơn nên tự nhiên qúy trọng thầy, biết giữ đạo vợ chồng và biết cách cư xử ở đời vì thuộc một dân tộc đã có văn hóa từ trước khi đạo Khổng du nhập. Vì vậy thật khó biết cái nào là thuần túy Việt Nam, cái nào là ảnh hưởng của đạo Khổng. Dù sao thì hai luồng tư tưởng, hai nếp sống không mâu thuẫn nhau, nên có thể song hành và bổ túc cho nhau.
4/ Đạo Lão
Đa số người Việt Nam không hiểu rõ những ý tưởng cao siêu của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh. Chỉ những nhà thâm nho mới có thể đọc và hiểu được những gì Lão Tử dậy. Tuy nhiên các vị cũng chỉ lấy một phần tư tưởng của Lão Tử để áp dụng trong cuộc sống, nhất là quan niệm vô vi, có nghiã là không làm, đúng ra là không bon chen, không tối mặt chạy theo tiền tài và danh vọng
Đời người có mấy gang tay
Hơi đâu cặm cụi cả ngày cả đêm.
Chi bằng cành trúc, áo tơi
Danh cương, lợi tỏa, mặc người ganh đua.
Đó là thái độ “bất tranh nhi thiện thắng”. Vì vậy, các cụ chủ trương hưởng nhàn khi có thể
Nhất cao là núi Tản Viên
Thanh nhàn vô sự là tiên trên đời.
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen.
Khi không tranh đua thì không có ghen tương, thù hận, rất dễ dàng “dĩ đức báo oán”. Tư tưởng thoát tục và hưởng nhàn của các nhà nho được truyền lan trong đại chúng. Tuy đại chúng không có điều kiện hưởng nhàn, nhưng tư tưởng thoát vòng danh lợi và tận hưởng những gì mình đang có được mọi người tán thưởng. Nhờ vậy, họ cũng bớt lòng tham, sân, si
Ông Cả ngồi trên sập vàng
Cả ăn, cả mặc lại càng cả lo
Ông Bếp ngồi trong xó tro
Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm.
Vua Ngô ba mươi sáu tàn vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Thác xuống âm phủ khác gì vua Ngô?
Tuy nhiên, việc hưởng nhàn và thoát vòng danh lợi chỉ được những nhà nho lỡ vận tán thưởng như một niềm an ủi, hay như một sự điều chỉnh nếp sống để thích ứng với hoàn cảnh. Đối với những vị “công thành danh toại” thì triết lý của Lão Tử chỉ được thực sự áp dụng khi các vị đã cởi áo từ quan hay được vua cho về vui thú điền viên. Còn đối với đại chúng bình dân thì đạo Lão phù hợp với thái độ an phận, vui hưởng cuộc đời đang có. Việc thực hành đạo Lão cũng có những biến thể để trở thành những hình thức mê tín dị đoan. Ngoài việc thờ các tiên thánh, dân gian còn thờ đủ thứ bà cô ông mãnh. Tuy nghèo, nhưng mỗi khi có chuyện gì, từ hiếm muộn tới ốm đau hay mất của, là phải kiếm tiền mua vàng hương và đồ lễ đem đến các cửa đình, cửa phủ, xin các thầy cúng làm lễ cầu tự hay giải hạn. Người mê tín thì tiền mất tật mang. Người tỉnh thì làm thơ diễu cợt
Chập chập thôi lại cheng cheng
Con gà sống lớn để riêng cho thầy
Đơm xôi thì đơm cho đầy
Đơm mà vơi điã thì thầy không ưa.
Nhiều bà còn mắc chứng lên đồng lên bóng. Mặc quần áo sặc sỡ, tô son điểm phấn lòe loẹt, lắc lư và múa tít mù theo điệu nhạc của cung văn, để các hồn cô, hồn cậu nhập vào. Được người chung quanh tán tụng, cô đồng càng khoái chí, nhẩy múa càng hăng và phóng tay ném tiền phát lộc cho mọi người có mặt, không nghĩ tới việc đeo nợ hay tán gia bại sản sau những cuộc lên đồng
Khăn chầu, áo ngự xênh xang
Lẳng lơ mấy khúc tình tang tang tình
Nhác trông lên thấy bóng cô mình
Múa may nhảy nhót, rập rình với chú cung văn.
Dù có những biến thể dẫn tới mê tín, dị đoan, đạo Lão cũng có những ảnh hưởng tốt trên tâm hồn và cách sống của người Việt. Vừa theo Khổng, vừa tin Phật, vừa chấp nhận một thái độ sống theo Lão, tất cả không có gì mâu thuẫn, chỉ làm phong phú thêm cho đời sống của người Việt.
C- GIA ĐÌNH
Gia đình có ông bà, cha mẹ, anh chị em. Đó là những thành phần có liên hệ máu mủ trực tiếp. Việc con cháu phải giữ đạo hiếu với ông bà, cha mẹ, chúng ta đã thấy rõ trong những mục nói về tổ tiên và ảnh hưởng của đạo Khổng. Điều cần nói thêm là bổn phận của cha mẹ đối với con cái. Trước hết là cha mẹ phải thương yêu con cái hết lòng, dù con cái có lầm lỗi hoặc không xứng đáng. Vì vậy mới có câu“Nước mắt chảy xuôi”. Thứ đến, cha mẹ phải lo nuôi dậy con cái
Nuôi con chẳng dậy chẳng răn
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng
Khi nuôi dậy con, cha mẹ phải biết theo dõi và giữ gìn khi con bước vào tuổi trưởng thành
Con gái mười bảy không ngủ với cha, con trai mười ba chớ nằm cùng mẹ
Lúc con cái lớn lên, tự lập thân hay đã có gia đình, cha mẹ vẫn ở chung để giúp đỡ con cháu. Gánh nặng nhờ có tình thương trở nên nhẹ nhàng, nên cha mẹ không nề hà lo việc nhà và nuôi cháu cho con đi kiếm ăn
Một mẹ già bằng ba con ở
Tuy nhiên hủ tục mẹ chồng nàng dâu trong xã hội Việt Nam xưa, và ở một mức độ nào đó vẫn còn tồn tại tới bây giờ, đã phần nào làm sứt mẻ tình gia đình giữa cha mẹ và con cái
Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng.
Đói thì ăn khế ăn sung
Trông thấy mẹ chồng thì nuốt chẳng trôi.
Mấy đời nước chảy trên cầu
Yêu nhau đâu có nàng dâu mẹ chồng.
Lồng cồng như mẹ chồng xới xôi
Bát đầy thì ít, bát vơi thì nhiều.
Hủ tục xung khắc giữa nàng dâu mẹ chồng bắt nguồn từ tâm lý tranh dành tình yêu hay phải san sẻ tình yêu giữa hai người đàn bà với cùng một đối tượng: người đàn ông con, người đàn ông chồng. Nó cũng thể hiện cái “tiềm thức trả thù” (subconscience of revenge) mà người mẹ chồng âm thầm mang trong lòng từ khi chịu cảnh làm dâu. Bực bội nhưng không thể nói với ai ngoài việc than thở với chồng. Bề ngoài, con dâu dù có giận hay không ưa mẹ chồng, vẫn phải lễ phép, cư xử đúng địa vị và bổn phận. Ít có người dám lăng loàn cãi lại hoặc đối xử tệ với mẹ chồng. Đại đa số vì yêu chồng, vì thấm nhuần lễ giáo, nên vẫn hiếu kính cha mẹ chồng như cha mẹ ruột
Dâu hiền nên gái, rể hiền nên trai.
Con gái là con người ta
Con dâu mới thật mẹ cha rước về.
Tôm rồng bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo de An Cựu em nuôi mẹ chồng.
Kế đến là tình anh chị em trong gia đình. Căn bản của tình anh em là cùng chung máu huyết của cha mẹ, như tay với chân
Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân.
Anh chị em phải biết đồng cảm, chia vui sẻ buồn với nhau
Em đau chị cũng buồn rầu
Bé mồm bé miệng kêu đâu bây giờ?
Phải biết giúp đỡ nhau, không sợ thiệt thòi
Chị ngã thì em phải nâng
Đừng thấy chị ngã em bưng miệng cười.
Lọt sàng xuống nia, sểnh vai xuống tay.
Và điều quan trọng không kém là anh chị em phải hòa thuận, không tranh chấp nhau, trước là giữ tình, sau là để cha mẹ vui lòng
Anh thuận em hòa là nhà có phúc.
Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Trong trường hợp người cha mất đi, người anh cả có trách nhiệm thay mặt cha để nuôi nấng và dậy dỗ các em, nếu các em còn nhỏ dại, giữ giềng mối gia đình khi các em đã khôn lớn. Đó là ý nghiã câu “Quyền huynh thế phụ”. Lỡ có điều bất hạnh xảy ra cho anh, chị, thì các em phải thay anh, chị, chăm nuôi các cháu: “Sảy cha còn chú, sảy mẹ nấp vú dì”.
Tình gia đình còn lan ra tới anh chị em họ được coi như thuộc một đại gia đình, một tông tộc. Theo chế độ phụ hệ, họ nội được coi gần hơn họ ngoại
Con cô con cậu thì xa
Con chú con bác thật là anh em.
Nhưng dù nội hay ngoại, dù gần hay xa, đã có liên hệ máu huyết là có liên hệ giòng tộc: “Giọt máu đào hơn ao nước lã” , phải thương yêu và có tình liên đới giúp đỡ lẫn nhau: “Chết một đống hơn sống một người”, “Một người làm quan cả họ được nhờ”, không được phân bì giầu nghèo khiến thiên hạ chê cười
Anh em chín họ mười đời
Hai đằng cùng có chẳng rời nhau ra
Chị em cùng khúc ruột rà
Kẻ giầu người khó, họ xa tám đời.
Người Việt Nam rất nặng tình gia đình. Vì nặng tình như thế, nên có hai điểm nổi bật trong nếp sống gia đình Việt Nam: Thứ nhất, địa vị của người cha rất được trọng vọng. Ông là người chỉ huy việc mưu sinh và điều khiển gia đình. Bà vợ đóng vai phụ tá và chuyên việc “tay hòm chìa khóa”. Nếu ông là trưởng tộc thì địa vị của ông càng quan trọng hơn, vì ông đứng đầu cả một giòng họ và có trách nhiệm lo việc hương khói thờ kính tổ tiên. Vì vậy uy quyền của ông rất lớn. Cả nhà, cả họ phải nể ông. Khi ông về già, dù không còn kiếm ra của cải, ông vẫn được nể trọng, được con cháu nuôi dưỡng, cung phụng, hỏi ý kiến, xin phép mỗi khi muốn làm việc gì quan trọng. Người già ở Việt Nam xưa không cần chế độ hưu bổng, vẫn được bảo đảm về vật chất, vẫn được thương yêu và kính trọng, vẫn có uy quyền tinh thần. Đó là lý do gây ra những sung khắc với con cái khi các cụ sinh sống ở ngoại quốc, cứ muốn được hành xử mọi thứ quyền như ở Việt Nam mà không chịu hiểu rằng hoàn cảnh đã đổi khác. Điểm thứ hai là sự liên đới giữa anh chị em trong đại gia đình, dù họ đã xa tới bốn năm đời, vẫn mật thiết. Chỉ cần dính dáng một chút dây liên hệ gia tộc là đã sẵn sàng dành ưu tiên cho nhau, sẵn sàng giúp đỡ và bênh vực nhau khi cần. Gặp nhau ở một nơi xa làng xã là ơi ới gọi nhau nhận họ, gặp ai cũng khoe là anh chị em, không cần phải xác định là anh chị em đời thứ mấy. Tình đại gia đình cũng rất nặng đối với người Trung Hoa và một số dân tộc Âu châu, đặc biệt những giống dân có máu La Tinh như Ý, Pháp, Hy Lạp… Tuy nhiên, các giống dân này còn cho phép anh chị em họ trực tiếp (con chú con bác, con cô con cậu con dì) lấy nhau. Dân Việt Nam thì không
Vua chúa cấm đoán làm chi
Để đôi con dì chẳng được lấy nhau.
Bình thường phải từ đời thứ tư anh chị em họ mới được phép lấy nhau. Sở dĩ vậy là vì người Việt Nam coi anh em đời thứ nhì, thứ ba qúa gần, không khác anh em ruột. “Anh em tám đời” vẫn còn thân thiết với nhau, huống chi mới có hai ba đời. Tình gia đình là một trong những nét nổi bật trong văn hóa Việt Nam.
D – VỢ CHỒNG
Đáng lẽ tình vợ chồng qua văn chương truyền khẩu được sắp chung với mục Tình Gia Đình. Chúng tôi tách riêng ra thành một mục khác vì tình vợ chồng trong nếp sống Việt Nam rất đặc biệt, có nhiều điều cần phải trình bày chi tiết hơn
1/ Không có tự do kết hôn
Trước đây, trai gái không có quyền tự do kết hôn. Đó không phải là luật lệ của triều đình, nhưng là luật bất thành văn theo luân lý và phong tục. Con trai, con gái đến tuổi lập gia đình, thường rất sớm, trai mười bảy gái mười ba, khi có thể sinh con, là đã được cha mẹ tìm nơi tìm chỗ dạm hỏi hoặc nhờ mai mối đến xin. Con cái không có quyền chọn và không có quyền từ chối quyết định của cha mẹ. Cũng có những cặp “to gan” dám hẹn hò tán tỉnh nhau một cách kín đáo. Nhưng khi quyết định kết hôn với nhau thì phải về trình cha mẹ. Nếu cha mẹ bằng lòng thì chính cha mẹ sẽ đi hỏi và chủ hôn. Nếu cha mẹ lắc đầu, dù chỉ một bên trai hay gái, thì đôi trẻ có yêu nhau cách mấy cũng bắt buộc phải chia tay. Chữ hiếu phải đặt trên chữ tình: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Đó cũng là ảnh hưởng “Tòng phụ” theo đạo Khổng. Trong trường hợp đôi trẻ yêu nhau qúa thắm thiết, không thể dứt nhau được, chỉ có cách bỏ nhà dẫn nhau đi làm ăn và cưới nhau ở nơi khác, đành “vị tình phụ hiếu” và sẽ bị cha mẹ đôi bên từ bỏ.
Chế độ hôn nhân ép buộc như vậy rất khắt khe, nhưng mọi người đều chấp nhận. Ngoài lý do phong tục, người ta còn thấy việc xếp đặt này cũng có nhiều điều hay. Trước hết là nhờ cha mẹ có kinh nghiệm, biết nhìn người, nhất là biết và hiểu con mình, nên có thể kiếm nơi “xứng đôi vừa lứa”, thuộc giòng dõi tốt, thích hợp với con mình cả về tính tình, việc làm ăn, lẫn việc sinh sản nối dõi tông đường
Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống.
Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi.
Mua thịt thì chọn miếng mông
Lấy chồng thì chọn con tông nhà nòi.
Chính vì thế mà có nhiều cặp vợ chồng khi mới về ở với nhau rất xa lạ nhau vì không quen biết nhau trước, nhiều khi không ưa nhau, nhưng lâu dần sẽ quen hơi bén nết, tình yêu đến từ từ và họ sẽ trở thành những cặp vợ chồng hạnh phúc nhất trần gian
Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi.
Lấy chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi bé không nằm với tôi
Đến khi mười tám đôi mươi
Đang ngủ dưới đất nó lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bảy cái thang giường gẫy bốn còn ba.
Điều lợi thứ hai là vì chính cha mẹ chọn, cha mẹ chủ hôn, nên vợ chồng không dám bỏ nhau. Khi cơm không lành, canh không ngọt cũng phải ráng giải hòa để có thể tiếp tục sống với nhau và làm vui lòng cha mẹ
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi, nhỏ lửa, cả đời không khê.
Chồng giận thì vợ làm lành
Nồi méo vung méo xoay quanh cũng vừa.
Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười chúm chím rằng anh giận gì?
Thưa anh, anh giận em chi
Muốn lấy vợ bé em thì lấy cho.
Bên cạnh những điểm tích cực, hôn nhân sắp xếp và cưỡng bách chắc chắn sinh ra lắm điều tiêu cực. Thứ nhất, có những người gả con vì lợi ích riêng của mình, không phải vì hạnh phúc của con
Mẹ tôi tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Tôi đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.
Thứ hai, có một số trường hợp người vợ chẳng may gặp phải ông chồng mất nết, ham rượu chè, cờ bạc, trai gái lăng nhăng. Người vợ vẫn phải cắn răng chịu đựng người chồng mình không chọn lựa và không thể đặt vấn đề ly dị, bỏ chồng, bỏ con
Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm, sóc điã nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp, hổ chàng
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà.
Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ.
Vì vậy mới có những câu giận lẫy, hối tiếc của những bà vợ lỡ có chồng hư đốn
Chồng gì anh, vợ gì tôi
Chẳng qua là cái nợ đời của nhau.
Chồng con là cái nợ nần
Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm.
Ngược lại, cũng có những người chồng là nạn nhân của những bà vợ bắt buộc phải nhận và phải chịu đựng nhiều thói hư tật xấu của vợ, như hoang phí, ghen tương qúa độ, không chung tình, nhất là tật bắt nạt chồng, đòi chồng phải làm mọi thứ theo ý mình, nếu không thì cảnh gia đình sẽ thành địa ngục.
Em còn bánh đúc bẻ ba
Mắm tôm quệt ngược cửa nhà anh tan.
Ta rằng ta chẳng có ghen
Chồng ta ta nghiến ta nghiền ta chơi.
Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ.
Vắng sao hôm có sao mai
Chồng em đi vắng có trai ở nhà.
Xưa kia có thế này đâu
Bởi chưng sợ vợ nên râu quặp vào.
Làm trai rửa bát, quét nhà
Vợ gọi thì dạ, bẩm bà con đây.
Một điểm tiêu cực khác của việc cưỡng hôn là tục tảo hôn. Đó là việc những người giầu cưới vợ cho con trai còn nhỏ xíu, nhiều khi chỉ có ba, bốn tuổi. Các cô dâu được cưới về, đúng ra là “mua” về, đều thuộc con nhà nghèo, bị cha mẹ “bán” đi để về làm việc không công cho nhà chồng. Khi chồng khôn lớn thì vợ đã sắp sửa về già. Lúc đó phải cưới vợ bé hay nàng hầu cho chồng, trở thành bà cả có quyền uy nhưng đã bỏ phí cả một thời son trẻ
Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng
Chị em ơi cho tôi mượn cái gầu sòng
Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên.
Ham giầu em lấy thằng bé tỉ ti
Làng trên xóm dưới thiếu gì trai tơ
Em đem thân cho thằng bé nó giầy vò
Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng
Mang danh là gái có chồng
Chín đêm trực tiết nằm không cả mười
Nói ra sợ chị em cười
Má hồng bỏ qúa thiệt đời xuân xanh
Em cũng liều vì thằng bé trẻ ranh
Đêm nằm sờ mó quẩn quanh cho đỡ buồn.
Buồn tình em lại bế thằng bé nó lên
Nó còn bé mọn đã nên cơm cháo gì
Nó ngủ nó ngáy khì khì
Một giấc đến sáng còn gì là xuân
Chị em ơi hoa nở mấy lần?
2/ Chung thủy
Bên cạnh những điểm tốt và xấu của hôn nhân cưỡng ép, tình vợ chồng Việt Nam có nhiều đặc tính qúy giá khác, đứng đầu là lòng chung thủy. Chung thủy là ăn ở với nhau lúc đầu như lúc cuối, trước sau như một, cùng chia sẻ mọi nỗi vui buồn, dù gặp hoàn cảnh nào cũng không thay lòng đổi dạ, lúc nào cũng trung thành với nhau, lúc nào cũng thương yêu nhau, kính trọng nhau như lúc mới: “Tương kính như tân”.
Biểu dương một tấm lòng son
Thủy chung tình nghiã, vuông tròn ái ân.
Đôi ta lên thác xuống ghềnh
Em ra đứng mũi để anh chịu xào
Sông Bờ, sông Mã, sông Thao
Ba con sông ấy đổ vào sông Thương .
Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấu qủa mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc, ta đừng quên nhau.
Đôi ta như thể con tằm
Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong
Đôi ta như thể con ong
Con quấn con quít, con trong con ngoài
Đôi ta như thể quân bài
Chồng đánh vợ kết chẳng sai quân nào.
Dù có gặp cảnh nghèo cũng chấp nhận, vẫn vui, vẫn hạnh phúc
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.
Yêu nhau chẳng quản chiếu giường
Dẫu rằng tầu lá che sương cũng tình.
Khi làm ăn khấm khá, có bát ăn bát để thì cùng chung hưởng, tình nghiã càng thêm đậm đà
Cơm trắng ăn với chả chim
Chồng đẹp, vợ đẹp, ngồi nhìn cũng no.
Đốt than nướng cá cho vàng
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi.
Khi phải xa nhau thì nhớ nhung, thương nhau phải cô đơn, một thân một mình gánh vác việc bổn phận
Anh đi đường ấy xa xa
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.
Anh đi anh nhớ non Côi
Nhớ sông Vỵ Thủy, nhớ người tình chung
Quản bao non nước ngại ngùng
Lấy ai san sẻ, gánh gồng đường xa?
Anh đi em ở lại nhà
Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ.
Tính chung thủy trong tình vợ chồng của người Việt Nam vẫn tồn tại tới ngày nay. Giữa bao cảnh tử biệt, sinh ly vì chiến tranh, đói khổ, tù tội, vượt biển, lòng chung thủy đã được thể hiện sáng ngời, xóa nhòa đi một số ít trường hợp tan vỡ vì yếu đuối, nhưng đa phần vì hoàn cảnh gây nên.
3/ Hy sinh
Tình nghiã vợ chồng có được bền lâu, tình trạng kinh tế của gia đình có được cải thiện, việc nuôi dậy con cái có được chu đáo hay không đều phải nhờ vào sự cố gắng xây dựng của cả vợ lẫn chồng. Tuy nhiên, người vợ là người nắm chià khóa của hạnh phúc gia đình. Nếu chồng hoang phí, không biết giữ của thì “chồng như cái giỏ, vợ như cái hom”. Nếu chồng vợ nọ con kia thì người vợ phải vững tay chèo lái gia đình để chờ chồng hồi tâm quay về với bổn phận:
Dù chàng năm thiếp bẩy thê
Thì chàng cũng không bỏ nái xề này đâu.
Nói tóm lại, bí quyết giữ hạnh phúc gia đình là phải hy sinh. Xem ra người vợ Việt Nam phải hy sinh nhiều hơn. Đó là một đức tính của phụ nhữ Việt Nam hay là một sự vinh danh người vợ, người mẹ? Trong tục ngữ, ca dao, chúng ta ít thấy nói tới sự hy sinh của người chồng, nhưng hầu hết đều ca tụng sự hy sinh của người vợ
Một ngày ba buổi trèo non
Còn gì mà đẹp, mà dòn hỡi anh!
Một ngày ba bữa cơm đèn
Còn gì má phấn, răng đen hỡi chàng!
Vì chàng thiếp phải mò cua
Những như thân thiếp thì mua mấy đồng.
Vì chàng thiếp phải mua mâm
Những như thân thiếp bốc ngầm cũng xong.
Vì chàng thiếp phải long đong
Những như thân thiếp cũng xong một bề.
Có những người vợ vui vẻ chấp nhận cảnh “hai sương một nắng”, lo cầy cấy, dệt vải, làm hàng xay hàng sáo, đi chợ hôm chợ mai buôn bán để giúp chồng nuôi sống gia đình, có khi còn nuôi chồng ăn học
Nửa đêm ân ái cùng chồng
Nửa đêm về sáng gánh gồng ra đi.
Bước vào phòng học gọi chồng
Trở ra sắp gánh sắp gồng ra đi
Không đi thì chợ không đông
Đi ra một bước, thương chồng, nhớ con.
Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm
Canh tư bước sang canh năm
Trình anh dậy học, chớ nằm làm chi…
Người vợ, người mẹ tảo tần nuôi gia đình là hình ảnh con cò lặn lội đi kiếm ăn ban đêm, lỡ chẳng may bị rơi vào tay kẻ muốn lợi dụng thì cũng cố nài nỉ xin bảo toàn danh tiết, không muốn để nhục cho con cái
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi vào
Tôi có lòng nào ông hãy sáo măng
Có sáo thì sáo nước trong
Đừng sáo nước đục đau lòng cò con.
Ngoài việc giúp chồng kiếm sống, người vợ còn đảm đang lo việc nhà việc cửa, vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con, khiến cô nào muốn rắp ranh “chia xẻ” anh chồng của nàng cũng phải phát sợ
Đang khi lửa tắt, cơm sôi
Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem.
Bây giờ lửa đã cháy lên
Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm.
Một tay đun chín bếp rơm
Một tay nạo mướp, chị nhường chồng cho.
Người vợ vất vả như thế nhưng không một lời than phiền. Nếu gặp anh chồng vô tâm, không biết tới công lao của vợ, nàng chỉ nhẹ nhàng nhắc chồng qua việc giận lẫy với con
Giận chồng mà chẳng bế con
Cha mày làm mất cái dòn mẹ đi.
Chính vì lòng chung thủy, vì đức hy sinh mà tình nghiã vợ chồng càng thêm thắm thiết, đến độ người nọ không thể thiếu người kia
Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông.
Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp.
Gối chăn, gối chiếu chẳng êm
Gối lụa chẳng mềm bằng gối đầu tay.
Tại sao người vợ Việt Nam lại sẵn sàng hy sinh nhiều như thế? Thưa, một phần họ được giáo dục từ nhỏ đức tính quên mình để lo cho người khác. Họ học thực hành từ những tấm gương sống động của bà, của mẹ, của cô dì. Phần khác vì họ yêu qúy chồng và được chồng yêu qúy lại
Nước lên cuốn sáo, nhổ đăng
Trong tay em có ngọc cũng không bằng có anh.
Chồng yêu cái tóc nên dài
Cái duyên nên đẹp, cái tài nên khôn.
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng, dầm sương.
Đức hy sinh trong đời sống vợ chồng được thể hiện rõ rệt trong văn chương truyền khẩu. Đó vừa là sự xác định một thực trạng vừa là những bài học để các cặp vợ chồng trông đó mà theo, để rồi từ đó rút ra một kết luận rất tự nhiên: chỉ có hy sinh và quên mình mới xây dựng và bảo vệ được hạnh phúc gia đình.
4/ Địa vị của phụ nữ được nâng cao
Trong văn hóa Khổng Mạnh được thể hiện ở Trung Hoa, địa vị của phụ nữ rất thấp kém. Người ta coi đàn bà là ngu dốt, khó dậy: “Phụ nhân nan hóa” ; coi con gái không đáng kể so với con trai: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” ; coi không có con trai nối dõi tông đường là điều bất hiếu lớn nhất: “ Vô hậu vi đại” ; coi phụ nữ không khác gì một đồ vật để xử dụng: hầu hạ, phục vụ sinh lý; hay như một món đồ chơi có thể gọt đẽo theo ý thích : bắt phụ nữ bó chân để tăng khả năng làm tình và không thể rời nhà đi ra ngoài. Ngược lại, người Việt Nam tuy cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của đạo Khổng, nhưng lại coi trọng phụ nữ. Dĩ nhiên, việc coi thường phụ nữ cũng có trong xã hội ta, nhưng ở mức nhẹ nhàng hơn ở Trung Hoa rất nhiều. Nếu ảnh hưởng của văn hóa Khổng Mạnh còn tìm thấy trong cách cư xử “chồng chúa vợ tôi”, chê bai đàn bà, thì đó cũng chỉ là việc nói lên cái mặc cảm tự tôn của đàn ông, một ẩn thể của tự ty
Khôn ngoan cũng thể đàn bà
Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông.
Đàn ông rộng miệng thì tài
Đàn bà rộng miệng điếc tai láng giềng.
Nói như vậy là nói lấy được, nói chầy nói cối, vì chưa chắc đàn bà kém khôn hơn đàn ông, chưa chắc đàn ông rộng miệng có tài hơn đàn bà. Thực tế, người chồng Việt Nam rất nể vợ: “Lệnh ông không bằng cồng bà”, và nếu muốn mọi việc trong gia đình được diễn tiến tốt đẹp, người chồng cần phải bàn bạc để có sự đồng thuận của người vợ: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Người phụ nữ được kính trọng chính là vì những đức tính của nàng
Hoa thơm ai chẳng nâng niu
Người thơm ai chẳng kính yêu mọi bề.
Nhiều khi người phụ nữ còn được tâng bốc qúa đáng theo lối nói thậm xưng của ngôn ngữ Việt Nam
Ba đồng một chục đàn ông
Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha
Ba trăm một mụ đàn bà
Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi.
Lấy phải chồng đần, xỏ chân đằng mũi.
Vợ là ông thì chồng là tớ.
Ngay trong thói tục đa thê, tức việc lấy nhiều vợ của những ông nhà giầu hay quyền qúy, người vợ cả phải được hỏi ý kiến và chính bà sẽ đứng ra cưới vợ bé cho chồng. Nếu bà không có con trai, bà sẽ tự động kiếm cho chồng một cô vợ nhỏ, nhiều khi không cần hỏi ý chồng, với mục đích giúp chồng có tí con trai nối dõi, khỏi mang tội bất hiếu. Con của vợ nhỏ phải gọi bà cả là mẹ và chỉ được kêu mẹ ruột của mình là dì. Nếu ông chồng có của và háo sắc, bà cũng sẵn sàng cho ông cưới thêm vài bà vợ hay nàng hầu nữa với điều kiện bà phải được góp ý trong việc chọn lựa và sẽ chỉ huy, phân phối công việc nhà cho các bà vợ nhỏ. Bà sẽ là người có nhiều quyền uy trong gia đình. Ngay ông chồng cũng phải nể và tìm cách vuốt ve bà
Mới yêu thì cũ cũng yêu
Mới có mỹ miều, cũ có công lênh.
Đa số những thiếu nữ chịu đi làm vợ hai, vợ ba hay nàng hầu đều thuộc thành phần nghèo, cha mẹ cho lấy nhà giầu để được ăn trắng mặc trơn, nhất là lại có một món tiền để đền ơn và giúp cha mẹ đỡ túng quẫn. Vì vậy, những người này thường bị bà cả khai thác đến nơi đến chốn kiểu “mua mâm thì đâm cho thủng”.
Lấy chồng làm lẽ khổ thay
Đi cấy đi cầy chị chẳng kể công
Tối tối chị giữ lấy chồng
Chị cho manh chiếu nằm không nhà ngoài
Sáng sáng chị gọi: Ớ hai!
Trở dậy nấu cám, thái khoai, băm bèo.
Vì chưng bác mẹ tôi nghèo
Cho nên tôi phải băm bèo, thái khoai.
Về phiá ông chồng, tuy được lấy nhiều vợ, nhưng phải biết cư xử sao cho khéo để uy quyền và tự ái của bà cả không bị xúc phạm, để quyền lợi của các bà bé không bị thiệt thòi. Như thế nhà cửa mới êm ấm và “chị em” mới giữ được hòa khí trong gia đình
Ngoảnh mặt sang Tề e Sở giận
Quay đầu về Sở sợ Tần ghen.
Năm con năm nhớ, mười vợ mười thương.
Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đều.
Nếu ông chồng không khéo léo, không biết giữ cho trong ấm ngoài êm, chính ông sẽ trở thành nạn nhân của tình trạng đa thê
Ba vợ, bẩy nàng hầu, đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi.
Xem vậy, làm chồng nhiều bà một lúc không biết sung sướng ở chỗ nào nhưng cũng có nhiều điều cực tấm thân. Tuy thế, ông nào có điều kiện vẫn hăm hở đi vào con đường này, trước là để khoe giầu, khoe sang, khoe phúc đức : “Cả sông đông chợ, lắm vợ nhiều con” , sau là vì bản tính của đàn ông vốn tham lam
Sông bao nhiêu nước cũng vừa
Trai bao nhiêu vợ cũng chưa bằng lòng.
Đàn ông một trăm lá gan
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.
Trong khi người đàn ông “có quyền hư” như vậy thì người đàn bà vẫn một lòng một dạ trung thành với chồng
Trai năm thê bẩy thiếp
Gái chính chuyên chỉ biết một chồng.
Đó cũng là một lý do quan trọng khiến người vợ được tôn qúy vì vẫn giữ lòng chung thủy, dù phải chấp nhận hy sinh và thiệt thòi. May thay cảnh chồng chung vợ chạ chỉ xảy ra nơi số ít những người giầu có no cơm rửng mỡ. Đối với những người lam lũ phải chạy ăn từng bữa, nuôi được một vợ và bầy con đã qúa cực nhọc, đâu còn dám nghĩ tới điều gì khác. Tục đa thê trước đây được công khai chấp nhận trong xã hội Việt Nam. Nó chỉ chính thức bị luật pháp cấm đoán vào đầu thập niên 1960 dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên những trường hợp đa thê lén lút vẫn còn tồn tại. Ngay tại Hoa Kỳ, luật cấm đa thê chỉ được ban hành năm 1970, đặc biệt nhắm vào những ông theo đạo Mormon ở tiểu bang Utah. Dù vậy luật pháp vẫn nhắm mắt làm ngơ đối với những ông có nhiều bà nhưng không khai báo chính thức (7).
Địa vị của người phụ nữ Việt Nam tuy có thấp kém hơn so với nam giới nhưng vẫn cao hơn so với phụ nữ tại nhiều nước khác, đặc biệt với phụ nữ Trung Hoa. Theo Quốc Triều Hình Luật đời vua Lê Thánh Tôn, chồng có quyền rẫy vợ và vợ cũng có quyền bỏ chồng, dĩ nhiên phải theo những điều luật rất khắt khe, không thể tùy tiện bỏ nhau. Ngoài quyền lợi được ấn định trong luật lệ, những người phụ nữ đoan trang, nhân từ đều được cả gia đình lẫn xã hội qúy trọng. Người mẹ, người bà luôn luôn là trung tâm điểm thương yêu và tôn kính của con cháu trong gia đình. Có lẽ đây là ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ ngày xưa còn truyền lại. Các bậc nữ lưu đã để lại nhiều tấm gương sáng chói để con cháu đời sau soi chung: những Âu Cơ, Tiên Dung của huyền thoại, những Liễu Hạnh Công Chúa, Bà Chúa Kho, Bà Chúa Sứ, Bà Đen của tín ngưỡng thần tiên, những Bà Trưng, Bà Triệu, Ỷ Lan Hoàng Hậu của lịch sử xa, rồi tới những Bùi Thị Xuân, Cô Giang, Cô Bắc của lịch sử gần. Anh thư sánh vai với anh hùng. Bởi thế người Việt Nam rất thắm thiết với “Nguyên lý Mẹ”, khởi đầu bằng huyền tích một mẹ trăm con, đã biến Phật Quan Âm là đàn ông bên Ấn Độ thành Phật Bà Quan Âm tại Việt Nam, đã tôn sùng Đức Mẹ Maria khi đạo Công Giáo du nhập nước ta.
5/ Tan vỡ nhẹ nhàng
Không phải bất cứ cuộc hôn nhân nào cũng thành công và cặp vợ chồng nào cũng có thể sống với nhau trọn đời. Cuộc sống lứa đôi nào cũng có sóng gió, không nhiều thì ít. Nếu biết “một câu nhịn là chín câu lành”, nếu biết lấy tình chung thủy và đức hy sinh để giải quyết những khó khăn thì sóng gió sẽ qua đi. Trong trường hợp không thể hàn gắn thì cuộc chia tay cũng rất nhẹ nhàng, nhiều khi còn mang vẻ ngậm ngùi, tiếc nuối, không thù oán chất chồng đến độ tàn sát nhau hay làm cho nhau tan gia bại sản như ta thấy nhiều cảnh thời nay.
Vì anh chẳng tại em đâu
Anh se chỉ mảnh, em khâu sao bền?
Trăng thanh nguyệt rạng mái đình
Chén son chưa cạn sao tình đã quên?
Xưa kia nói nói thề thề
Bây giờ bẻ khóa trao chià cho ai?
Hay là người đã nghe ai
Thả chông đường nghiã, rấp gai lối tình.
Đêm qua đêm lạnh đêm lùng
Đêm đắp áo ngắn, đêm chung áo dài
Bây giờ chàng đã nghe ai
Áo ngắn chẳng đắp, áo dài chẳng chung.
Trong ca dao, ta thấy người đàn ông chán vợ chỉ vì vợ dại, không biết cư xử, quán xuyến việc nhà, không thấy nêu lý do rẫy vợ vì vợ ngoại tình
Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.
Tiền đồng mua được cá tươi
Mua rau mới hái, mua người đảm đang
Tiền trinh mua vội mua vàng
Mua phải rau héo, mua nàng ngẩn ngơ.
Ô rô tiá, bạc hà cũng tiá
Ngọn lang giâm, ngọn miá cũng giâm
Anh thấy em tốt mã anh lầm
Bây giờ đã rõ, vàng cầm cũng buông.
Lý do chính của việc vợ chán chồng là thấy chồng thua kém người, khiến mình không thể nở mặt nở mày với thiên hạ
Chồng người đi ngược về xuôi
Chồng tôi ngồi bếp sờ đuôi con mèo.
Chồng người vì nước xông pha
Chồng em ở nhà, gà đá gẫy chân.
Chồng người thổi sáo, thổi tiêu
Chồng em ngồi bếp húp riêu bỏng mồm.
Chồng em như cái bóng đèn
Treo đâu sáng đấy, biết ghen là gì.
Ngỡ rằng cây cả bóng cao
Thiếp lăn mình vào phơi nắng cùng mưa.
Từ chỗ so sánh thấy chồng không bằng người, người vợ mới ước ao được sống với một người đàn ông khác xứng đáng với mình hơn
Thà rằng ăn nửa qủa hồng
Còn hơn ăn cả chùm sung chát lè.
Một đêm quân tử nằm kề
Còn hơn thằng nhắng vỗ về quanh năm.
Một ngày tựa mạn thuyền rồng
Còn hơn trọn kiếp ở trong thuyền chài.
Thà rằng làm lẽ thứ mười
Còn hơn chính thất những người đần ngu.
Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bõ công trang điểm má hồng, răng đen.
Chê nhau đần ngu, không biết cách ăn ở, chê nhau không xứng đáng với mình, đó là những lý do chính làm cho một số cặp vợ chồng chán nhau và đi đến tan vỡ. Ngoại tình ít khi là nguyên nhân, vì người chồng nếu thương ai ngoài vợ vẫn có thể “xin phép” vợ cho cưới về ở chung, nếu đủ sức cưu mang. Người vợ ít khi dám từ chối và không thể coi đó là lý do để bỏ chồng. Về phiá người vợ, việc ngoại tình rất khó xảy ra, trước là vì lễ giáo bắt buộc “gái chính chuyên chỉ có một chồng”, sau là vì giòng tộc, làng xóm xét nét những người vợ trẻ rất kỹ lưỡng, khiến họ không dễ đi khuya về tắt. Vì vậy, việc “Ông ăn chả bà ăn nem, đứa ở có thèm mua thịt mà ăn” ít xảy ra trong xã hội Việt Nam xưa. Nói chung thì những cuộc hôn nhân tan vỡ có cay đắng, nhưng xảy ra nhẹ nhàng, mang nhiều những giọt lệ thầm của tủi thân, luyến tiếc. Phần thiệt thòi nhiều hơn thường về phiá phụ nữ
Vợ chồng đầu gối má kề
Lòng nào mà bỏ mà về cho đang.
Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.
Từ phen ra tới giang tân
Sớm theo dặm tuyết, đêm lần ngàn mưa
Tiếc công anh chứa nước đan lờ
Để cho con cá vượt bờ nó đi.
Qua văn chương bình dân, ta thấy tình vợ chồng trong nếp sống Việt Nam có đặc tính chung thủy, hy sinh, đồng lao cộng tác. Vợ chồng ăn ở với nhau có tình có nghiã. Với thời gian và bổn phận, tình có thể bị sơ cứng hay hao mòn, nhưng nghiã vẫn phải tồn tại mãi mãi. Nghiã là lòng biết ơn nhau về những ngọt bùi cùng chia sẻ, là những kỷ niệm của thuở hàn vi, của con sống con chết, của những thành công cũng như những thất bại, của những ngày gian truân cũng như những giờ phút vinh quang. Vì vậy, có những cặp vợ chồng Việt Nam, tuy tình đã nhạt, họ vẫn không bỏ nhau, vẫn tiếp tục sống với nhau vì nghiã
Một ngày nên nghiã, chuyến đò nên quen.
Tay bưng chén muối, điã gừng
Gừng cay, muối mặn, ta đừng quên nhau.
E – LÀNG XÃ
Làng (tiếng thuần Việt), xã (tiếng Hán Việt) là đơn vị hành chánh căn bản của Việt Nam. Các nhà sử học cho rằng làng xã đã thành hình từ thời Hùng Vương khi có các Lạc Hầu, Lạc Tướng được giao nhiệm vụ cai trị các địa phương. Trên thực tế, tất cả mọi người Việt Nam đều là dân quê, đều từ làng xã mà ra. Người thành thị chỉ khác nhau ở chỗ từ quê ra tỉnh được bao lâu, được mấy đời. Ngay những người đã ra tỉnh làm ăn lâu năm, hình ảnh của làng quê vẫn in đậm trong lòng với mái đình, cảnh chùa, cây đa, bến nước, cổng làng, giếng khơi, lũy tre, bờ dậu…
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.
Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa, bến cũ, con đò khác xưa.
Chiều hôm hóng mát cổng làng
Gió hiu hiu thổi, mây vàng êm trôi
(Bàng Bá Lân)
Phong cảnh làng quê ở trong Nam có khác ngoài Bắc và Trung, nhưng nhà cửa cũng quây quần thành thôn xóm, dọc theo những con kinh, con lộ, cũng mái đình, bụi tre, hàng cau, hàng dừa, bến nước, trước và sau là ruộng thẳng cánh cò bay. Có những chiếc cầu tre (cầu khỉ) bắc qua kinh rạch đã đi vào ca dao miền Nam
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi
Khó đi mượn chén ăn cơm
Mượn ve uống rượu, mượn đờn uýnh chơi.
Làng là nơi có mồ mả tổ tiên, ông bà, là nơi mình “chôn nhau, cắt rốn”, là nơi có họ hàng, bạn bè thân yêu. Người ta sống với làng, già được làng trọng vọng, chết được làng chôn cất. Vì thế, tình cảm của người Việt Nam đối với làng xã rất đậm đà, gắn bó. Nếu phải bỏ làng đi xa làm ăn thì cho là “tha phương cầu thực” (đi xứ người kiếm miếng ăn), chỉ mong làm ăn khá giả để mau “qui cố hương” (trở về quê cũ). Những vị đại quan lương đống của triều đình thời xưa cũng xuất phát từ làng quê mà ra. Khi hết làm quan lại lui về làng ở ẩn, mở trường dậy học hay hưu dưỡng tuổi già. Con trai, con gái trong làng được khuyến khích lấy nhau, bất đắc dĩ mới phải lấy người làng khác
Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Tuy rằng cỏ cụt nhưng là cỏ thơm.
Có con mà gả chồng xa
Trước là mất giỗ, sau là mất con.
Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng bưng sang.
Má ơi, đừng gả con xa
Chim kêu vượn hót, biết nhà má đâu?
Trung tâm của làng là ngôi đình, nơi thờ thành hoàng của làng, nơi diễn ra các cuộc cúng tế theo tuần tiết. Dân Việt Nam có tín ngưỡng đa thần và đa giáo, nên đình không phải chỉ là nơi làm lễ cúng thành hoàng mà thôi, người ta còn cúng cả Ngọc Hoàng Thượng Đế, các thứ Thần Phật, quan ôn, quan tướng, bà cô, ông mãnh (8). Đình còn là nơi tổ chức các lễ hội vui chơi hàng năm, là dịp cho dân làng giải trí và cho trai gái gặp gỡ, tán tỉnh nhau
Ăn chơi cho hết tháng hai
Để làng đóng đám cho trai dọn đình
Trong thời trống đánh rập rình
Ngoài thời trai gái tự tình cùng nhau.
Người ta còn tin rằng sự may mắn hay tai họa của dân làng có liên hệ mật thiết đến phong thủy của đình làng
Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng toét cả, một mình em ru?
Nhưng đặc biệt đình là nơi hội họp của các cơ quan cai trị làng xã: hội đồng kỳ mục, ban hành chánh xã, tuần đinh, là nơi các cụ ăn uống, rượu chè, hút sách từ tiền công qũy hay từ đồ lễ nộp phạt, khiến dân làng có lời oán than
Bụng lép vì đình, bụng phình vì chùa.
Lý trưởng hể hả ra đình
Phó lý rập rình, nhảy nhót mừng reo
Khi đi thì bụng đói meo
Khi về bụng trễ lại đèo phần xôi.
Các cụ hương hào kỳ mục thi hành luật lệ có từ trước của làng hay đặt ra những luật lệ mới. Chính các cụ cũng ấn định phần đóng góp của dân làng, phân xử các vụ tranh tụng hay bắt lỗi những những người vi phạm lệ làng. Làng độc lập về hành chánh và tài chánh. Chính quyền địa phương (quận, tỉnh) và trung ương (triều đình) không có quyền can thiệp vào việc làng
Phép vua thua lệ làng.
Đất lề, quê thói.
ĐÌNH LÀNG ĐÌNH BẢNG, Bắc Ninh
xây năm 1736, được coi như ngôi đình lớn nhất và đẹp nhất Việt Nam
ĐÌNH LÀNG CHU QUYẾN, Hà Tây
một trong những ngôi đình lớn nhất miền Bắc
Người cùng đinh không có chức tước, loại “áo the thâm đứng dựa cột đình” chỉ đứng đó cho các cụ sai bảo. Khi nào bỏ tiền mua được chức nhiêu, chức khán, rồi làm cỗ khao vọng, mới được mon men ngồi chiếu dưới chia tí lộc thánh hay phần cỗ dấm ghém. Được hưởng cỗ như thế và có phần mang về, dù chỉ là khúc đuôi lợn luộc dài bằng ngón tay hay nắm xôi nhỏ như qủa cau, đã là một vinh dự lớn đối với người trong làng. Nó chứng tỏ người ấy đã rời khỏi thành phần thấp nhất để từ từ bước lên bậc thang danh vọng nơi hương đẳng, được gọi là ông nọ bà kia, không còn bị kêu là bố cu, mẹ đĩ
Một miếng giữa làng bằng một xàng xó bếp.
Thà thiếu thuế vua hơn thua việc làng.
Khi lấy vợ lấy chồng phải nộp cheo cho làng. Người vô cớ bỏ vợ, bỏ chồng hay chửa hoang là bị làng bắt vạ
Nuôi lợn thì phải vớt bèo
Lấy chồng thì phải nộp cheo cho làng.
Phềnh phềnh lớn giữa lớn ra
Mẹ ơi con chẳng ở nhà được đâu
Ở nhà làng bắt mất trâu
Cho nên con phải đâm đầu ra đi.
Khi các quan chức trong làng có quyền phân xử, có quyền ra hình phạt và có quyền quản trị tài sản của làng, thế nào cũng có những bất công và lạm dụng. Những hương chức hiếp đáp dân được gọi là cường hào ác bá, tên gọi có tính cách “tố khổ” ở đầu thế kỷ 20. Làng nào vô phúc có bọn cường hào ác bá cấu kết với nhau để rút tỉa của dân, thì dân làng điêu đứng cực khổ. Thực tế, tại đa số làng xã, sự cậy quyền cậy thế và nhũng lạm xảy ra trong giới hạn có thể chịu đựng được, vì các viên chức đều là người làng, trên nguyên tắc do dân làng bầu lên, sẽ sống và chết ở làng, nên không dám làm điều gì qúa độ. Dân làng cũng có tiếng nói qua các đại diện hàng thôn, hàng giáp. Ngoài ra còn có quan tri huyện, tri phủ canh chừng. Vì vậy đời sống ở làng xã không đến nỗi qúa đen tối như một số người vẽ ra vì mục tiêu chính trị.
Sự hiện diện của làng xã chứng tỏ xã hội đã được tổ chức qui củ từ lâu đời. Ưu điểm cuả làng xã là tạo được một môi trường sống ổn định trong thời bình, một đơn vị kháng chiến tự túc khi phải chiến đấu chống xâm lăng, rất cần thiết vào thời các phương tiện giao thông, truyền tin và tiếp tế còn thô sơ. Tuy nhiên việc qúa nặng tình với làng xóm cũng cầm chân dân làng, khiến họ không dám bay nhảy để tìm kiếm những điều mới lạ ở những chân trời khác. Ngoài ra, “đất lề quê thói” còn gò bó con người cả về tinh thần lẫn đời sống. Sống theo lề thói đó thì có an ninh, nhưng chắc chắn bị hạn chế rất nhiều về quyền tự do.
Tinh thần làng xã của người Việt cho tới bây giờ vẫn tồn tại. Vẫn còn những trận đánh nhau đến bể đầu để bảo vệ danh dự hay quyền lợi giữa dân làng này với dân làng khác. Vẫn còn những hội đồng hương ở những thành phố lớn qui tụ dân các làng đi “tha phương cầu thực”, thậm chí họ còn xây cả đình làng tại thành phố để thờ thành hoàng của làng mình và hàng năm cúng vọng về. Những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài chẳng những mang theo làng mà còn mang theo cả nước. Họ xây đình, chùa, miếu, nhà thờ, tổ chức lễ hội như ở Việt Nam, tổ chức cưới hỏi còn rình rang hơn khi sống ở trong nước. Điều này rất tốt trong ý định bảo vệ văn hóa, truyền thống và giúp người Việt tha hương cảm thấy gần gũi với đất nước và dân tộc hơn. Nhưng cũng có điều bất lợi là khó hội nhập vào xã hội mới, tạo nên những “ghetto” Việt Nam ở khắp nơi. Con cháu sinh ra hoặc lớn lên ở ngoại quốc không hiểu và không thông cảm được tình trạng này. Điều cần làm là phải biết dung hòa, không bất cập, cũng đừng thái qúa, và quan trọng nhất là phải giải thích cho những người trẻ hiểu ý nghiã tốt đẹp của việc bảo tồn những truyền thống đáng giữ của dân tộc. Đó là vấn đề giáo dục văn hóa.
F – QUỐC GIA
Trong văn chương bình dân, ý niệm quốc gia không được nói tới như một hệ thống tổ chức và cai trị với đẳng cấp từ trên xuống dưới. Vai trò của vua rất mờ nhạt. Ai cũng biết là có đấy nhưng qúa xa xôi, không liên hệ trực tiếp tới mình
Ngày ngày ra đứng cổng chùa
Trông lên Hà Nội thấy vua đúc tiền.
Người ta chỉ chú trọng đến dân và quan vì gần gũi với họ hơn. Vượt ra khỏi tình liên đới trong lũy tre làng, người Việt còn ý thức về tình đồng bào, về việc những người dân cùng trong một nước phải biết đoàn kết với nhau, thương yêu nhau, thông cảm nhau vì cùng chung sống trong một môi trường, một hoàn cảnh
Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn.
Hình ảnh khác của quốc gia gần với họ là những ông quan cai trị tại địa phương. Khổng giáo coi quan như cha mẹ dân (phụ mẫu chi dân). Người Việt không tán thành quan điểm này. Họ sợ và nể quan nhưng có vẻ không ưa quan, không mặn nồng với quan
Muốn sang thì cứ mà sang
Đừng bắt dân làng trải chiếu thắp hương.
Quan cần nhưng dân không vội
Quan có vội quan lội quan đi.
Sau là họ không muốn dính đến cửa quan, rất ngại kiện tụng
Chờ được vạ má đã xưng.
Được kiện như sọ trâu khô
Thua kiện như mồ ma đói.
Sở dĩ vậy là vì họ không tin tưởng vào sự công tâm của các cấp quan lại. Dưới mắt họ, quan chỉ xách nhiễu dân chúng để kiếm tiền và dành lẽ phải cho người biết hối lộ
Quan tha, nha bắt.
Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ.
Tốt lễ dễ kêu.
Dân chúng thích đưa các quan lớn ra làm đề tài diễu cợt. Họ vẽ ra hình ảnh có tính cách hí họa những ông quan oai phong hà hiếp dân lành nhưng lại có một đời sống khác không có gì là lẫm liệt, nếu không nói là đạo đức giả. Điều này chứng tỏ người dân chỉ bầy tỏ thái độ khúm núm sợ sệt những người có uy quyền đằng trước mặt, sau lưng họ coi thường
Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi.
Dĩ nhiên đây cũng là một lối nói phóng đại. Chỉ cần một anh lính, một thầy thư lại và một viên chức của ty Án Sát chọc ghẹo một thiếu nữ là cả ba bộ của triều đình đều bị lôi ra kết tội. Điều này chứng tỏ dân chúng chỉ tìm dịp để chế diễu hệ thống quan quyền
Em là con gái đồng trinh
Em đi bán rượu đến dinh ông nghè
Ông nghè cho lính ra ve
Trăm lậy ông nghè em đã có con.
Có con thì mặc có con
Thắt lưng cho tròn mà lấy chồng quan.
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma
Ban ngày quan lớn như cha
Ban đêm quan lớn rầy rà như con.
Thật ra không phải tất cả các quan chức đều xấu như vậy. Nhưng người Việt Nam có tính hài hước, ưa chế diễu những người có quyền để giải tỏa sự bực tức, cũng như cười cợt những người tu hành và đàn bà con gái vì vô hại và vì dễ kiếm đề tài.
Nếu các vị quan thay vua trị dân đều xấu xa như thế, đâu có ai muốn cho con đi học để làm quan. Trái lại, mộng ước lớn nhất của cha mẹ Việt Nam là có điều kiện cho con trai đi học để thi đậu làm quan. Đó là con đường tiến thân duy nhất để đổi đời, thoát cảnh nghèo hèn và bước lên hàng vinh quang, phú qúy.
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa
Mai sau nối được nghiệp nhà
Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.
Học trò đèn sách hôm mai
Ngày sau thi đỗ nên giai mới hào
Làm nên quan thấp, quan cao
Làm nên lọng tiá, võng đào nghênh ngang.
Các cô gái cũng thích lấy những anh học trò hay chữ, dù anh còn nghèo và chưa đỗ đạt gì. Các nàng sẵng sàng làm việc khổ cực để nuôi chồng ăn học, với hy vọng mai sau chàng thi đỗ làm quan, các nàng sẽ được hưởng cảnh “ngựa anh đi trước võng nàng đi sau”, sẽ trở thành bà cử, bà nghè: “đàn ông quan tắt thì chầy, đàn bà quan tắt nửa ngày nên quan”. Vì vậy các nàng tỏ ra rất dễ thương với những anh chàng “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”
Chẳng tham ruộng cả, ao liền
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.
Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ
Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.
Đôi bên bác mẹ cùng già
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông
Mùa hè cho chí mùa đông
Mùa nào thức ấy cho chồng ra đi
Hết gạo thiếp gánh gạo đi
Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao
Hỏi thăm đến ngõ thì vào
Tay đặt gánh xuống, miệng chào: Thưa anh!
Vì các cô khóa dễ thương như thế, nên các anh khóa đi học xa nhà không khỏi trạnh lòng nhớ nhung. Nhiều lúc các anh đọc chữ Thánh Hiền mà đầu óc để tận đâu đâu
Tam Hoàng Ngũ Đế chi thư
Có anh nhớ vợ ngồi thừ mặt ra.
Nếu nói người Việt Nam có tinh thần trọng học và hiếu học thì cũng không sai. Nhưng động lực chính thúc đẩy việc siêng năng học hành là thi đỗ để ra làm quan. Đi học là học Tứ Thư, Ngũ Kinh của Khổng Tử, học sử sách của các bậc Thánh Hiền, học thơ văn của các danh sĩ. Học trò trở thành Nho sĩ, môn đồ của Khổng Tử, không coi việc học chỉ là để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết hay tìm tòi khám phá những điều mới lạ. Sự học theo quan niệm Khổng Tử rất thực dụng. Học để biết tu thân, quản trị gia đình, ra làm quan giúp nước, thực hiện những nguyên lý của đạo Nho, từ đó đem lại thái bình, an vui cho trăm họ (Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Việc học để leo các nấc thang danh vọng trong xã hội Việt Nam có tính cách đại chúng, có nghiã là không phải chỉ những con vua, con chúa, con nhà quyền qúy, cha mẹ có vương tước mới được học hành để làm quan. Bất cứ người nào, không phân biệt thành phần xã hội (trừ trường hợp duy nhất là con đào kép hát: Xướng ca vô loài), không phân biệt giầu nghèo, nếu có chí và có óc thông minh, đều có thể tự do theo đuổi việc học và thi cử. Khi thi đỗ, tùy bằng cấp và khả năng, đều được bổ nhiệm giữ những chức vụ công quyền từ thấp lên cao. Nhiều học trò nhà nghèo, gốc gác nông dân, đã trở nên lương đống của triều đình, rường cột của quốc gia. Có thể nói xã hôi Việt Nam xưa không phân biệt các đẳng cấp qúy tộc, tăng lữ và thứ dân như xã hội Pháp trước cách mạng 1789. Vì hàng ngũ quan lại cũng từ đại chúng mà ra, nên quan nào hống hách, hiếp đáp dân, là lập tức bị dân chúng đưa ra làm đề tài diễu cợt. Nhờ đó, sự xa cách giữa dân với quan, sự hà khắc giữa quan vơi dân cũng giảm bớt đi nhiều phần. Có thể nói giai cấp qúy tộc của Việt Nam được bình dân hóa vì họ có gốc gác từ từng lớp bình dân mà ra.
Cuối cùng, ý niệm quốc gia của người Việt Nam là thi hành bổn phận công dân một cách cụ thể: đóng thuế và đi lính. Ngoài những đóng góp tại làng xã (cheo, vọng, phạt vạ, lúa sương để nuôi tuần đinh), dân còn phải đóng cho chính quyền trung ương thuế đinh (thuế đánh trên người công dân nam từ 18 đến 60 tuổi) và thuế điền (thuế ruộng đất). Việc đi lính được tình nguyện vào thời bình. Nhưng khi có giặc giã, chính quyền trung ương ra chỉ tiêu “bắt lính” cho mỗi tỉnh, tỉnh ra chỉ tiêu cho quận huyện và quận huyện ấn định số thanh niên phải đi lính cho mỗi làng. Bắt lính là hình thức thi hành nghiã vụ quân sự thời xưa, là đi quân dịch một cách bắt buộc. Không ai trốn được, nhưng cũng không tránh khỏi những cảnh mủi lòng, những lời than trách
Chàng ơi! phải lính thời đi
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có em.
Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay xách dáo, quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa.
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thời canh điếm, tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai?
Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những tre cùng nứa, lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng.
Sống gắn bó với làng xã nhưng vẫn có tình liên đới với người cùng trong một nước, vẫn làm tròn nghiã vụ đối với quốc gia. Khi có ngoại xâm, hết lòng chiến đấu để bảo vệ “quê cha đất tổ”, di sản của tổ tiên. Tôn trọng phép nước, nhưng có cái nhìn nghiêm khắc đối với những đại diện của guồng máy cai trị. Ý niệm quốc gia của người bình dân Việt Nam chỉ giản dị có thế, nhưng thiết nghĩ như vậy cũng đã qúa đủ cho một người công dân tốt.
G – TÍNH TÌNH CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
Nói về tính tình của một dân tộc, người ta có thể kể đủ thứ mà con người ở bất cứ gầm trời nào cũng có: nóng nẩy, kiên nhẫn, chịu khó, lười biếng, vị tha, ích kỷ, hiền lành, hung dữ v. v… Dân tộc Việt Nam cũng có đủ những tính đó tùy theo từng người. Nhưng những đặc tính nổi bật nhất nơi đại đa số người Việt Nam được nhắc tới nhiều trong văn chương bình dân là nặng tình cảm, đa tình tế nhị, hài hước và thực dụng.
1/ Nặng tình cảm
Nặng tình cảm là đối xử với nhau không phải chỉ vì lý mà còn vì tình. Người Việt Nam coi tình nặng hơn lý. Đặc tính này được thể hiện trong những trường hợp sau:
a – Giải quyết tranh chấp bằng tình cảm: Trong một cuộc tranh chấp, nếu hai bên cứ cãi lý với nhau thì vấn đề rất khó được giải quyết vì “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Sự nóng giận cũng không khuyến khích hòa giải:“Cả giận mất khôn”. Nếu quyết tâm tranh chấp thì sự việc phải được đưa đến cửa quan để nhờ phân xử, điều mà không mấy ai muốn làm. Vậy phải giải quyết bằng tình, nghiã là mỗi bên xuống nước một tí, nhường nhau một phần, thà bị thiệt thòi một chút mà mọi sự được êm đẹp:
Một câu nhịn chín câu lành.
Chín bỏ làm mười.
Có đi có lại mới toại lòng nhau.
Tranh quyền cướp nước chi đây
Coi nhau như bát nước đầy là hơn.
b – Đối xử theo cảm tính: Đã thân thì thương, đối xử với nhau theo tình cảm, không theo một sự hợp lý nào:
Yêu nhau trái ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng méo.
Yêu nhau mọi việc chẳng nề
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Yêu nhau xé lụa may quần
Ghét nhau kể nợ kể nần nhau ra.
Yêu nhau yêu cả đường đi
Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.
c – Dùng lời nói làm đẹp lòng: Biểu lộ tình cảm trước tiên là bằng lời nói. Một lời nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng ý có thể thay đổi hoàn cảnh và mua được cảm tình của người khác:
Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.
Chẳng được miếng thịt, miếng xôi
Cũng được lời nói cho nguôi tấm lòng.
Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
d – Nhớ ơn người làm ơn : Người Việt Nam biết ơn và nhớ ơn rất lâu người làm ơn cho mình. Không kể tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy dậy, họ còn tỏ lòng biết ơn rất sâu đậm thầy thuốc chữa bệnh và cả thầy bói, thầy tướng đã đoán trúng để họ tránh được tai họa hay tìm được của đã mất. Không ở đâu các vị tu hành của các tôn giáo được trọng vọng như ở Việt Nam. Tín đồ biết ơn các vị và trả ơn rất hậu vì coi các vị như những người thầy, người cha tinh thần. Sự biểu lộ lòng biết ơn của những người Việt sinh sống ở nước ngoài đã làm nhiều người ngoại quốc ngạc nhiên. Vào những dịp lễ lớn mỗi năm, nhiều thầy cô, bác sĩ, giáo sĩ, chủ nhân nhận được những món qùa giá trị của người Việt, một việc không xảy ra nơi người bản xứ:
Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
Ai mà phụ nghiã quên công
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.
Người Việt đối xử với nhau rất có tình, không cần phải là họ hàng thân thích, chỉ cần gặp gỡ nhau vài lần hay ở cạnh nhà nhau đã đủ để trở nên thân tình và tình đó được giữ rất lâu bền
Bán anh em xa mua láng giềng gần.
Khi xưa ai biết ai đâu
Chỉ vì điếu thuốc, miếng trầu nên quen.
2/ Tính đa tình tế nhị
Tình nói ở đây là tình trai gái. Con người ở đâu chẳng đa tình? Đó là định luật tự nhiên của việc nam nữ thu hút lẫn nhau để giống người được tiếp tục lưu truyền. Tuy nhiên, tính đa tình của mỗi sắc dân được thể hiện một cách khác nhau: sỗ sàng hay tế nhị, thanh tao hay tục tằn, đằm thắm hay hờ hững, văn hoa hay “dùi đục chấm nước mắm”. Về phương diện này thì phải nhận tính đa tình của người Việt Nam được thể hiện rất văn hoa và tinh tế.
a – Trai gái tỏ tình với nhau bằng văn chương: Trai gái Việt Nam không tỏ tình với nhau bằng cách hỏi thẳng “Có yêu tôi không?” hay qùi gối xin em cho cưới. Trai gái Việt Nam dùng những câu thơ, những câu đố, những bài quan họ, những câu hát trống quân, được hát lên trong lúc làm việc ngoài đồng hay những dịp hội hè đình đám để làm quen với nhau, chọc ghẹo nhau, ướm hỏi lòng nhau
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại, em than đôi lời
Đi đâu vội với anh ơi!
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.
Lá này gọi lá xoan đào
Tương tư gọi nó thế nào hỡi anh?
Đêm qua trời sáng trăng rằm
Anh đi qua cửa, em nằm không yên.
Mặt trời đã ngả về tây
Hỡi cô cắt cỏ bên đầy bên vơi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho tôi cắt với làm đôi chung tình.
Ngồi đây khuất bóng dừa xanh
Sao em mắc cở như cành hổ ngươi?
Trên đầu em đội khăn vuông
Trông xuống dưới ngực, cau buồng còn non
Cổ tay em vừa trắng vừa tròn
Mặt mũi vuông vắn, chồng con thế nào?
Nước mắm ngon dầm con cá đối
Em hẹn cùng chàng để tối em qua.
Nói qua, sao chẳng thấy qua
Để anh chờ đợi xót xa canh trường?
Vì chưng cách ngõ xa đường
Cho nên đôi lứa không thường gặp nhau.
Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh
Thương anh cũng muốn theo anh
Ngặt cha với mẹ không đành thì sao?
Cách biểu lộ tính trữ tình của nông dân miền Nam thì thẳng thắn hơn, bộc trực hơn và cũng bặm trợn hơn. Tuy bặm trợn nhưng vẫn “huê tình” bằng thơ văn
Gặp em như cá gặp mồi
Đặng, không, anh cũng dỡn một hồi cùng em.
Hai tay em cắm xuống bùn
Mình mẩy lấm hết, chớ anh hun chỗ nào?
Cầu trời đổ trận mưa rào
Bùn sình trôi hết, chỗ nào anh cũng hun!
Những câu hát làm quen và tán tỉnh nhau loại này rất nhiều. Có thể nói trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh đều có những câu thích hợp để tỏ tình. Riêng điều này, người ta có thể viết cả một tác phẩm. Truyền thống tỏ tình bằng văn chương còn tồn tại tới ngày nay. Những tập thơ bán chạy nhất là những tập thơ tình. Những bài thơ được nhớ lâu nhất và được nhiều người thuộc nhất là những bài thơ tình. Nhiều bài thơ tình, như của Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Trần Dạ Từ…, được phổ nhạc và đã trở thành những bài hát ca dao mới: Áo lụa Hà Đông, Tháng Sáu trời mưa, Em hiền như “ma soeur”, Người đi qua đời tôi… Có thể nói lối tỏ tình của người Việt Nam có tính cách văn hoa, lãng mạng (romantic), chứng tỏ dân tộc Việt có tâm hồn thi sĩ, thích nói thơ trong tất cả mọi việc, nhất là việc liên quan tới ái tình.
b – Thích nói vòng vo, không nói thẳng: Trong ngôn ngữ trao đổi của trai gái Việt Nam, chúng ta ít thấy những câu nói thẳng, nhắm trực tiếp tới mục tiêu. Họ thích lối nói bóng gió, vòng vo, vì cho rằng nói toạc ra ý nghĩ của mình là thiếu tế nhị, thiếu kín đáo, có vẻ tầm thường, dung tục, không xứng đáng với người thanh cao và với mối tình mang trong lòng. Vì vậy, ngay khi hỏi thăm hoàn cảnh độc thân của nhau, họ đã dùng những cách nói bóng bẩy, hỏi vòng quanh để đặt nghi vấn
Thân em như tấm lụa đào
Còn nguyên hay xé vuông nào cho ai?
Thấy anh em cũng muốn chào
Sợ rằng chị cả dắt dao bên mình.
Để cho nhau biết là mình vẫn còn độc thân, chưa bị ràng buộc với ai, họ trả lời rất văn hoa và khéo léo
Ngọc còn ẩn bóng cây tùng
Thuyền quyên đợi khách anh hùng vãng lai.
Gặp đây mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
- Mận hỏi thì đào phải thưa:
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
Hôm qua tát nước đầu đình
Để quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chồng, anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.
Như thế là chàng trai vừa trả lời vừa bắt đầu tán tỉnh. Thường tình, con trai ngỏ ý với con gái trước. Lối ngỏ ý đều theo kiểu cách rào trước đón sau, nói xa nói gần rồi mới đi đến chủ đề muốn nói. Đôi khi cũng chỉ nói bóng nói gió cho người nghe hiểu ngầm ý mình
Đường xa thì thật là xa
Cậy mình làm mối cho ta một người
Một người mười tám, đôi mươi
Một người vừa đẹp vừa tươi như mình.
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
Có rửa thì rửa chân tay
Chớ rửa lông mày, chết cá ao anh.
Con gái ngỏ ý với con trai cũng theo một kiểu cách ấy, nhưng kín đáo và ý nhị hơn
Gặp nhau ăn một miếng trầu
Gọi là nghiã cũ về sau mà chào.
Vào vườn hái qủa cau xanh
Bổ ra làm sáu, mời anh sơi trầu
Trầu này têm những vôi tầu
Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay
Trầu này ăn thật là say
Dù đậm, dù nhạt, dù cay, dù nồng
Dù chẳng nên đạo vợ chồng
Sơi dăm ba miếng kẻo lòng nhớ thương.
Rằng anh có vợ hay chưa
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào
Mẹ già anh để nơi nao
Để em tìm vào hầu hạ thay anh.
Sau giai đoạn tỏ tình, đến giai đoạn tìm hiểu trước khi đi những bước xa hơn. Ở giai đoạn này, người con gái có nhiều thắc mắc và ưu tư hơn con trai vì nàng nghĩ ngay đến chuyện trăm năm, không thích chờn vờn kiểu ong bướm lượn quanh hoa
Muốn cho sông cạn, đò đầy
Muốn anh chung mẹ chung thầy với em.
Vì vậy nàng phải tìm hiểu xem tâm tính và hoàn cảnh gia đình của người con trai như thế nào rồi mới lấy quyết định cuối cùng
Trông anh như thể sao mai
Biết rằng trong có như ngoài hay không?
Thấy anh em cũng muốn chào
Sợ lòng cha mẹ cây cao, lá dài.
Khi thấy mọi chuyện đã êm xuôi, có thể tiến tới, người con gái khôn ngoan khuyến khích chàng trai đi lại chào hỏi, thăm nom cha mẹ mình để giữ lễ và kết tình thân. Nàng cũng không quên đưa ra những lời hứa hẹn đầy ẩn ý mà anh trai nào nghe cũng phải mê mệt
Năng mưa thì giếng năng đầy
Anh hay đi lại, mẹ thầy năng thương.
Anh về xẻ ván cho dầy
Bắc cầu sông cái cho thầy mẹ sang
Thầy mẹ sang, em cũng theo sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Chưa quen đi lại cho quen
Tuy rằng cửa đóng mà then không cài.
Khi đã yêu nhau mà phải xa nhau vì còn phải đợi ngày hợp cẩn hay vì hoàn cảnh phải đi làm ăn xa, hoặc tòng quân đánh giặc, họ nhớ thương nhau da diết và bầy tỏ niềm nhớ thương một cách rất hiện thực và cảm động
Nhớ ai nhớ mãi thế này
Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn.
Nhớ ai em những khóc thầm
Năm thân áo vải ướt đầm như mưa.
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.
Đêm qua mới gọi là đêm
Ruột sót như muối, dạ mềm như dưa.
Đêm qua ba bốn lần mơ
Chiêm bao thì thấy, dậy sờ thì không.
Đem quân đóng cửa Hùng Quan
Chim muôn giọng hót, hoa ngàn hương đưa
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai.
Ngày ngày em đứng em trông
Trông non, non ngất, trông sông, sông dài
Trông mây, mây kéo ngang trời
Trông trăng, trăng khuyết, trông người, người xa.
Bài ca dao sau đây tả nỗi nhớ nhung một cách tuyệt diệu, tuy không não nuột, nhưng mang một nỗi ngậm ngùi day dứt, khiến người nghe cũng thấy lòng bâng khuâng, man mác:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Đêm đêm tưởng giải Ngân Hà
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.
Những khi cuộc tình duyên không thành vì chàng ra đi không hẹn ngày về với người ở lại hay vì chậm trễ trong việc trầu cau, chàng chỉ còn biết làm thơ để diễn tả sự nuối tiếc của mình
Anh đi trúc hãy còn măng
Anh về trúc đã cao bằng ngọn tre
Anh đi lúa chửa chia vè
Anh về lúa đã vàng hoe cánh đồng
Anh đi em chửa có chồng
Anh về em đã tay bồng, tay mang.
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng anh tiếc lắm thay!
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Ngay những lời trách móc nhau vì duyên không thành, hay tiếc cho mình, tiếc cho người kia gặp hoàn cảnh lỡ làng, cũng mang tính cách nhẹ nhàng, không hằn học hận thù
Thuyền ngược anh bỏ xào xuôi
Khúc sông quạnh vắng cho người sầu riêng.
Mình nói với ta mình hãy còn son
Ta đi qua ngõ thấy con mình bò
Con mình những trấu cùng tro
Ta đi xách nước rửa cho con mình.
Xưa kia ngọc ở tay ta
Bởi ta chểnh mảng, ngọc ra tay người.
Lọng vàng che nải chuối xanh
Tiếc chim loan phượng đậu nhành cây khô.
Ngôn ngữ của tình yêu trong mọi giai đoạn, mọi hoàn cảnh đều rất nên thơ và hầu hết được dùng theo kiểu ẩn dụ, ẩn ý (metaphor).
c – Biểu lộ tình cảm bằng cử chỉ, hành động : Ký giả Andrew Lâm, năm 2003, viết bài “Sống hai nền văn hóa”(Living two cultures) nói về hai thế hệ người Việt sinh sống ở Mỹ. Ông kể chuyện mỗi khi ông về thăm nhà, mẹ ông thường làm cho ông một món ăn ngon để biểu lộ tình thương của bà. Ông cố ăn hết món mẹ làm để tỏ lòng cám ơn và làm vui lòng mẹ. Hai mẹ con không cần nói yêu nhau và cám ơn bằng lời. Chỉ bằng hành động, họ đã hiểu tình yêu mỗi người dành cho nhau. Qủa đúng như vậy. Người Việt Nam không thích nói yêu đương xoen xoét ngoài miệng, trong khi bụng nghĩ khác và hành động ngược những lời mình nói. Họ nói ít, phải hiểu nhiều, và nhất là họ thích diễn tả tình cảm bằng cử chỉ và hành động.
Trong tình yêu, lời nói cũng quan trọng, nhưng cái làm người khác cảm động hơn chính là những cử chỉ ân cần, những trao đổi kín đáo bằng đầu mày cuối mắt, là những nụ cười, những giọt nước mắt mà người ta gọi là ngôn ngữ của thân thể (body language)
Con dao rọc lá trầu vàng
Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa.
Thương anh cứ đứng xa xa
Con mắt anh liếc cũng bằng ba đứng gần.
Cười nụ hay là cười tình
Cười trăng, cười gió, hay mình cười ta?
Đôi ta sang một con đò
Nhìn quanh vắng khách, trao cho miếng trầu.
Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ.
Đốt than nướng cá cho vàng
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi.
Anh về để áo lại đây
Đêm khuya em đắp gió tây lạnh lùng.
Anh về, em chẳng dám đưa
Hai hàng châu lệ như mưa tháng mười.
Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng chén nước, đi tìm người thương.
Tình yêu được biểu lộ bằng cử chỉ và hành động. Không cần nói người ta cũng hiểu rõ lòng nhau:“Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” (Kiều của Nguyễn Du). Tuy nhiên, những cử chỉ biểu lộ tình yêu phải đoan trang, không được xàm sỡ, nhất là ở nơi công cộng
Xin chàng hãy bỏ tay ra
Đến mai về cửa về nhà sẽ hay
Chàng đừng cầm lấy cổ tay
Khi xưa cành mận, khi nay cành đào.
Mỗi cử chỉ, dù bình thường, cũng là một “thông điệp” gửi cho người kia, vừa để thông đạt tình yêu, vừa nói lên nhân cách của mình
“Em không dám đi mau
Sợ chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giầu…”
(Nguyễn Nhược Pháp)
Tóm lại, cách biểu lộ tình yêu của người Việt Nam không ồn ào bằng lời nói, không vồ vập và sỗ sàng bằng động tác, nhưng bằng những lời văn hoa nói ít hiểu nhiều, bằng những cử chỉ đằm thắm, kín đáo, bằng những hành động không lời nhưng diễn tả rất hữu hiệu tình yêu.
3/ Tính hài hước
Một đặc tính nổi bật khác của người Việt Nam là tính hài hước, thích đùa bỡn, cười cợt mọi người, mọi việc. Dĩ nhiên, trên trái đất không thiếu những dân tộc có tính hài hước, nhưng cũng có những giống dân “cù không cười”. Tính hài hước của mỗi dân tộc mỗi khác. Cái khác của người Việt Nam là cái gì cũng cười cợt được. Cười cả Trời, Phật, thần thánh, cười cả vua quan, cười những chuyện vui và cười luôn cả những chuyện buồn
Sống thì con chẳng cho ăn
Đến khi cha chết làm văn tế ruồi.
Ngày sau con tế ba bò
Chi bằng lúc sống con cho lấy chồng.
Thế gian còn dại, chẳng khôn
Sống mặc áo rách, chết chôn áo lành.
Bà già đã tám mươi hai
Nằm trong quan tài, còn ghẹo ông sư.
Phải chăng đó là cách sống coi nhẹ mọi sự trên đời, biến “bi” thành “hài”, phản ảnh một thái độ lạc quan, yêu đời? Có tính khôi hài chưa đủ. Điều quan trọng là phải biết cách khôi hài, có cái nhìn tinh tế về người và việc, và biết diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ chính xác, tượng thanh, tượng hình, phong phú, nhiều khi một chữ hai nghiã. Tiếng Việt có dư khả năng để làm việc này. Nhờ đó, đặc tính hài hước của người Việt trở nên độc đáo hơn.
a – Cười việc thật, người thật với cái nhìn tinh tế: Có những việc không đáng cười vì rất bình thường, vậy mà người ta vẫn cười dỡn được chỉ vì nhờ có những nhận xét tinh tế và dí dỏm, cộng thêm những kinh nghiệm sống mang nhiều khiá cạnh tâm lý.
Chọc ghẹo những người tham ăn:
Bực mình chẳng muốn nói ra
Muốn đi ăn cỗ chẳng ma nào mời.
Tai nghe có đám giỗ gần
Trong bụng bần thần, chẳng muốn ăn cơm.
Chọc ghẹo những cặp tình nhân:
Gặp anh không ăn cũng no
Đau đầu cũng nhẹ, hen ho cũng lành.
Thấy anh em cũng muốn theo
Sợ mẹ anh nghèo, bán váy em đi.
Thấy em anh cũng muốn chào
Sợ thằng chồng cũ nó đứng hàng rào nó trông.
Thương anh không lấy được anh
Em về tự vẫn trên cành khoai môn.
Chọc ghẹo những phụ nữ hết duyên hay phải lấy chồng già
Một ngày lo bẩy lo ba
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên.
Còn duyên buôn thị, bán hồng
Hết duyên buôn mít cho chồng gặm xơ.
Còn duyên kén những trai tơ
Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng.
Trời mưa nước chảy qua sân
Em lấy ông lão qua lần thì thôi
Bao giờ ông lão chầu trời
Thì em lại kiếm một người trai tơ.
Vô duyên lấy phải chồng già
Kêu “chồng” thì lỡ, kêu “cha” bạn cười.
Càng già càng dẻo càng dai
Càng gẫy chân chõng, càng sai chân giường.
Chồng già vợ trẻ như hoa
Vợ già chồng trẻ như ma lạc mồ.
Chọc ghẹo các thầy bói, thầy tướng
Nhà này có quái trong nhà
Có con chó đực cắn ra đằng mồm.
Nhà bà có con chó đen
Người lạ nó cắn, người quen nó mừng.
Số cô chẳng giầu thì nghèo
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ, có cha
Mẹ cô đàn bà, bố cô đàn ông
Số cô có vợ, có chồng
Sinh con đầu lòng, không gái thì trai.
Chọc ghẹo những người lẩn thẩn, không biết nghĩ xa xôi
Trời mưa trong núi mưa ra
Mưa quanh, mưa quẹo, trong nhà không mưa.
Bờ sông lại lở xuống sông
Đàn bà mà lấy đàn ông thiệt gì?
Tối trời bắt xẩm trông sao
Xẩm thề có thấy ông nào xẩm đui.
b – Tô đậm khía cạnh vô lý để cười cợt những việc không bình thường: Sự đời có nhiều việc khác thường, nhiều hành động không giống ai, khi nói tới đã đủ để cười rồi. Nhưng với sự gia giảm, thêm mắm thêm muối của người kể, câu chuyện càng trở nên khôi hài hơn
Cười cảnh làm rể, làm chồng:
Công anh làm rể Chương Đài
Một mình ăn hết mười hai vại cà
Giếng đâu thì giắt anh ra
Kẻo anh chết khát với cà nhà em.
Công anh làm rể đã lâu
Chỉ ăn cơm hớt với đầu cá rô
Bao giờ anh lấy được cô
Cơm hớt phần chó, đầu rô phần mèo.
Chuột kêu chút chít trong vò
Lòng anh có muốn thì bò lại đây.
Chuột kêu chút chít trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay.
Làm trai cho đáng nên trai
Ăn cơm với vợ lại nài vét niêu.
Cười những bà già chưa hết lòng chồng:
Bà già đã tám mươi tư
Ngồi bên cửa sổ viết thư kén chồng.
Bà già đi chợ Cầu Đông
Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.
Cười những người đạo đức giả:
Đi tu Phật bắt ăn chay
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.
Gần chùa gọi Bụt bằng anh
Thấy Bụt hiền lành, bế Bụt đi chơi.
Sư đang tụng niệm nam mô
Thấy cô cắp giỏ mò cua bên hồ
Lòng sư luống những ngẩn ngơ
Bỏ kinh, bỏ kệ, tìm cô hỏi chào
Ai ngờ cô đi đằng nào
Tay lần tràng hạt ra vào băn khoăn.
c - Cười cợt ngoại hình của người khác: Nhà luân lý dậy“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”. Nhưng đại chúng bình dân lại thích nhìn dáng vẻ bề ngoài của người khác để so sánh giữa cái đẹp với cái xấu, nhất là để cười cợt những kẻ đã xấu người lại còn xấu nết.
Những người đáy thắt lưng ong
Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con
Những người béo trục béo tròn
Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày.
Những người con mắt lá răm
Lông mày lá liễu, đáng trăm quan tiền.
Người xinh cái bóng cũng xinh
Người dòn cái tỉnh tình tinh cũng dòn.
Mặt rỗ như tổ ong bầu
Cái răng khấp khểnh như cầu rửa chân.
Tóc quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn.
Từ xa cứ tưởng là tiên
Đến gần, con cú còn duyên hơn người.
Một đôi cho đáng nên đôi
Anh thì sứt mũi, chị tôi lẹm cằm.
Người thì chẳng đáng hòn chì
Ba hồn chín vía đòi đi võng đào.
Một yêu em béo như bồ
Chân tay ngắn ngủn, đít to như giành,
Hai yêu mắt toét ba vành
Đầu đuôi khoé mắt nhử xanh bám đầy,
Ba yêu tới cặp môi dầy
Mỗi khi ăn nói bắn đầy rãi ra,
Bốn yêu bộ mặt rỗ hoa
Lại thêm em có nước da mực tầu,
Năm yêu mái tóc trên đầu
Hôi như tổ cú, chấy bâu đầy đàn.
Cô gái Sơn Tây yếm thủng tầy dần
Răng đen hạt nhót, đôi chân cù lèo
Tóc rễ tre chải lược bừa cào
Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung
Trên đầu chấy rận như sung
Rốn lồi qủa mít, má hồng trôn niêu.
Cô tưởng mình cô ái ố mỹ miều
Chồng con chả lấy để liều thân ru?
Hai nách cô thơm như ổ chuột chù
Mắt thì dán nhấm, lại gù lưng tôm.
Trứng rận bằng qủa nhãn lồng
Miệng cười tủm tỉm như sông Ngân Hà.
Con rận bằng con ba ba
Đêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh
Hàng xóm vác gậy đi rình
Hóa ra rận đực nóng mình bò ra.
Bánh đúc cô nếm nồi ba
Mía re tráng miệng hết và trăm cây.
Giã gạo vú chấm đầu chầy
Xay thóc cả ngày được một đấu ba
Đêm nằm nghĩ hết gần xa
Giở mình một cái gẫy mười ba thang giường.
Dung nhan và tính tình của cô gái này được tô vẽ qúa đáng, theo kiểu thậm xưng.
d – Đùa cợt bạo mồm bạo miệng: Khi đùa cợt, nhiều người vẫn giữ được lời lẽ thanh tao. Nhưng trong thực tế, có những phụ nữ dám dùng giọng chanh chua, táo tợn, có những đàn ông mạnh mồm mạnh miệng kể chuyện một cách không e dè, nhờ thế độ hài hước mới đủ mạnh để chuyện kể được sống động hơn. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, lời lẽ vẫn giữ được vẻ nên thơ, có nhiều ngụ ý, dù đôi khi tả chân hơi kỹ:
Sông Hương nước chảy lờ đờ
Dưới sông có đĩ, trên bờ có vua.
Mèo hoang lại gặp chó hoang
Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai.
Bấy lâu vắng mặt ước ao
Bây giờ thấy mặt muốn cào mặt ra.
Gió nam tốc dải yếm đào
Anh trông thấy oản sao không vào thắp hương?
Em tuy là gái năm con
Chồng em rộng lượng, em còn chơi xuân.
Ước gì dải yếm em dài
Để em buộc lấy những hai anh chàng.
Chị em rủ nhau đi tắm đầm
Của em thì trắng, chị thâm thế này?
- Chị thâm bởi tại anh mày
Khi xưa chị cũng hạt chay đỏ lòm.
Anh ở trong ấy anh ra
Cớ sao anh biết vườn hoa chị tàn?
Hoa tàn nhưng nhị chửa tàn
Muốn xem chị vén bức màn cho xem.
Hỡi cô yếm thắm đeo bùa
Bác mẹ có bán anh mua nửa người
Anh mua từ rốn đến đùi
Từ bụng đến mặt mặc trời với em.
Hôm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ vét chảo, thấy cha vét nồi
Thấy em tựa cột liếm môi
Anh ngỡ con chó, anh lùi chân ra.
Của chua ai thấy chả thèm
Em cho chị mượn chồng em vài ngày.
- Chồng em đâu phải trâu cầy
Mà cho chị mươn cả ngày lẫn đêm.
Tròng trành như nón không quai
Như thuyền không lái, như ai không chồng
Gái có chồng như gông đeo cổ
Trai không vợ như phản gỗ long đanh.
Phản long đanh anh còn chắp được
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi
Không chồng khổ lắm chị em ơi!
e – Hài hước kiểu thậm xưng : Lối thậm xưng là lối nói khôi hài, chọc ghẹo một cách qúa đáng (exageration). Đó là cách nói ngoa, là phóng đại, tô mầu cho thêm vẻ hài hước. Trên thực tế, không phải tất cả những đề tài bỡn cợt đều là hư cấu. Đôi khi chúng vẫn xảy ra trong đời sống thường ngày dưới một khía cạnh hay một hình thức nào đó.
Chế diễu người phét lác:
Ở đâu mà chẳng biết ta
Ta con ông Sấm, cháu bà Thiên Lôi
Trước kia ta ở trên trời
Đứt dây rơi xuống làm người thế gian .
Chế diễu đàn bà góa không đoan chính:
Mẹ ơi, con ngứa nghề thay!
- Cha tổ bố mày, cũng giống tính tao.
Mẹ ơi, con muốn lấy chồng.
Con ơi, mẹ cũng một lòng như con.
Mẹ ơi, con đã có thai.
Con ơi, mẹ cũng được vài tháng nay.
Mẹ ơi, con đẻ hôm nay.
Con ơi, mẹ cũng đẻ ngay bây giờ.
Hỡi thằng cu lớn, hỡi thằng cu bé,
Cu tí, cu tị, cu tỉ, cu tì ơi!
Con dậy, con ăn, con ở với bà
Để mẹ đi kiếm một và con thêm.
Bố con chết đi, trong bụng mẹ đây nó vẫn còn thèm
Mẹ xem quẻ bói vẫn còn đàn em trong bụng này.
Con ra gọi chú vào đây
Để mẹ giao trả cái cơ nghiệp này mẹ đi.
Chế diễu phụ nữ có tính lẳng lơ:
Gái đâu cógái lạ đời
Chỉ còn thiếu một ông trời không chim.
Anh đánh thì em chịu đòn
Tính em hoa nguyệt mười con chẳng chừa.
Đêm đêm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều.
Áo người mặc đoạn cởi ra
Chồng người mượn tạm, canh ba lại hoàn.
Trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng
Mà duyên chưa lợt, má hồng chưa phai.
Chữ trinh đáng giá ngàn vàng
Từ anh chồng cũ đến chàng là năm
Còn như yêu vụng, dấu thầm
Họp chợ trên bụng đến trăm con người.
Chính chuyên cũng một anh chồng
Lẳng lơ cũng chẳng nằm không đêm nào
Một đêm tám chín anh vào
Lòng tôi nhân đức chẳng để anh nào ra không.
Có chồng càng dễ chơi ngang
Đẻ ra con thiếp con chàng, con ai?
Cái mặt thì giống ông cai
Cái đầu ông xã, cái tai ông trùm.
Chính chuyên lấy được chín chồng
Vo viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi
Không ngờ quang đứt, lọ rơi
Bò ra lổn ngổn chín nơi chín chồng.
Chế diễu người mê vợ một cách mù quáng:
Lỗ mũi em tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho,
Đêm nằm thì ngáy o o
Hồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà,
Đi chợ thì hay ăn qùa
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm,
Trên đầu những rác cùng rơm
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.
Tính hài hước của người Việt Nam có một nét đặc biệt mà ít dân tộc nào có, đó là nụ cười chuyên chở luân lý. Những câu hài hước có vẻ táo tợn nhất lại là những bài học dậy đời rất sống động: nói qúa cái xấu để gián tiếp đề cao cái tốt. Nói thậm xưng đến độ làm cho người nghe tự động sắp hàng vào phía chống đối điều xấu. Đó phải chăng là một phương cách “Dĩ độc trị độc”? Dù thích cười đùa, bỡn cợt, người Việt Nam cũng biết tự chế, đặt ra cho mình những giới hạn, vì
Cười người chớ vội cười lâu
Cười người hôm trước, hôm sau người cười.
Những câu ca dao đùa cợt tình yêu và nói xa gần đến hành động sinh lý có rất nhiều trong văn chương bình dân. Điều này không có nghiã là người Việt đa dâm hơn các dân tộc khác, cũng không có nghiã là họ bị uẩn ức sinh lý nên phải nói ra để được giải tỏa, theo kiểu giải thích dựa vào phân tâm học của Sigmund Freud. Thật ra phải hiểu ngược lại: người Việt Nam biết giữ sự thăng bằng giữa hai mặt của tình yêu: tình và dục (love/sex) luôn luôn đi đôi với nhau. Có tình mà không dục là tình chay, tình thiếu. Có dục mà không tình là hạ thấp dục xuống hàng thú tính. Đối với người Việt Nam, trao nhau tình yêu là cho nhau cả hồn lẫn xác, không có chuyện giải quyết sinh lý như ăn một miếng bánh hay uống một ly nước cho đỡ đói, đỡ khát. Về phương diện phân tâm học, được nói ra thoải mái những gì nghĩ trong lòng là được giải tỏa uẩn ức. Chính những người đạo đức giả không dám nói ra những điều cấm kỵ, cứ để nung nấu trong lòng, mới là những người bị uẩn ức tâm sinh lý. Theo tục lệ xưa còn truyền lại, nhiều làng còn thờ cái “nõn nường”, khắc sinh thực khí của người nam và người nữ bằng gỗ rước quanh làng vào dịp hội mỗi năm. Có người còn nêu nghi vấn về truyền thuyết bánh chưng đi với bánh dầy, cho rằng bánh chưng không đúng với quan niệm âm dương của người Việt cổ. Người Việt không quan tâm tới ý niệm trời tròn, đất vuông cho bằng sự kết hợp âm dương. Vậy bánh mà hoàng tử làm dâng vua Hùng Vương để được truyền ngôi phải là bánh tét và bánh dầy, vì bánh dầy tròn và phồng tượng trưng cho người nữ, bánh tét tròn và dài tượng trưng cho người nam. Tất cả những truyền thống và tục lệ này đề cao sự tác thành vũ trụ theo âm dương, đề cao sự truyền sinh, nói tắt là sự sống của con người và muôn loài, trong đó con người đứng đầu:“Nhân linh ư vạn vật”.
4/ Tính thực dụng
Người ta tìm thấy trong tục ngữ, ca dao rất nhiều câu, nhiều bài dậy về sự khôn ngoan ở đời. Nếu lựa lọc hết những câu đó và phân loại theo đề mục của những lời khuyên, chúng ta sẽ có một bộ sách luân lý và công dân giáo dục rất đầy đủ. Ở đây chúng ta đang bàn tới những nét đặc biệt về tính tình của người Việt Nam nên chúng tôi chỉ nói tới tính thực dụng của người Việt, được thể hiện rất rõ nét qua những lời khôn ngoan của văn chương bình dân. Thực dụng là biết rút ra từ kinh nghiệm sống những bài học để giúp mình đối phó với mọi hoàn cảnh, là có óc thực tế để chấp nhận những gì trong tầm tay với, là cố gắng thực hiện những gì trong phạm vi khả năng của mình, không nuôi ảo vọng và cao vọng hão huyền.
Trước hết, thực dụng bằng việc biết nhìn người qua dáng vẻ bề ngoài, qua cách ăn nói để phân biệt người tốt người xấu hầu đối xử cho đúng:
Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo thì lòng mới ngon.
Người khôn con mắt đen xì
Người dại con mắt nửa chì, nửa thau.
Những người ti hí mắt lươn
Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người.
Những người mặt nạc, đóm dầy
Mo nang trôi xấp, biết ngày nào khôn.
Chớ thấy áo rách mà cười
Những giống gà nòi, lông nó lơ thơ.
Áo dài chớ tưởng là sang
Bởi không áo ngắn mới mang áo dài.
Vàng thì thử lửa, thử than
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.
Văn hay chẳng nỡ đọc dài
Vừa mở đầu bài đã biết văn hay.
Sau đó, phải biết thăm dò tính tình, ý tứ của người khác, cũng là để đối xử cho khôn khéo và tránh bị rơi vào cạm bẫy:
Làm người phải đắn phải đo
Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu.
Người khôn đón trước rào sau
Để cho người dại biết đâu mà mò.
Sông sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm ai đo cho tường.
Thức lâu mới biết đêm dài
Ở lâu mới biết lòng người có nhân.
Cần tỉnh táo và khôn ngoan, tránh nói và làm một số việc có thể gây thiệt hại cho chính mình:
Xảy chân dễ chữa, xảy miệng khó chữa.
Vàng sa xuống nước khôn tìm
Người sa lời nói như chim xổ lồng.
Rượu nhạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.
Tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Thứ nhất sợ kẻ anh hùng
Thứ nhì sợ kẻ bần cùng, cố thây.
Sâu ao lắm cá, độc dạ khốn thân.
Đi đêm có ngày gặp ma.
Chê dao nhụt, có ngày cụt tay.
Một câu nhịn chín câu lành.
Một khía cạnh thực dụng khác là phải biết thích ứng với hoàn cảnh, không thể lúc nào cũng cư xử một kiểu, không phải lúc nào cũng đòi hỏi phải hội đủ những điều kiện mong muốn mới hành động:
Đi với Bụt mặc áo cà-sa
Đi với ma mặc áo giấy.
Lựa cơm gắp mắm.
Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.
Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.
Cách sông nên phải lụy đò
Tối trời nên phải lụy cô bán dầu.
Thực dụng cũng là chấp nhận cái tương đối, không nên “cầu toàn trách bị”:
Tối trăng còn sáng hơn sao
Dẫu rằng núi lở còn cao hơn đồi.
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn.
Cạn đầm thì uống nước khe
Hết người lịch sự thì ve người đần.
Cuối cùng, thực dụng là chấp nhận cái thực tế, cái cụ thể, cái có thể nhìn thấy ngay trước mắt, nắm ngay trong tầm tay, không tham lam đòi hỏi, không chờ đợi những điều xa xôi, ngoài tầm tay với:
Một bên quần rộng, áo dài
Một bên cầy cấy, lấy khoai đổ bồ
Hai bên em chọn bên mô?
- Hai bên em chọn bên bồ khoai lang.
Chẳng tham nhà ngói ba tòa
Tham vì một nỗi mẹ cha hiền lành.
Tham giầu đã thấy giầu chưa?
Vừa ăn vừa khóc như mưa tháng hè.
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
Bài học Thằng Bờm nói lên tính thực dụng của người Việt Nam. Họ không mơ mộng hão huyền, không dễ bị mê hoặc bởi những bánh vẽ. Được gì nắm cho chắc, không tin vào lời hứa, vì lời hứa thường giống “trăm voi không được bát nước sáo”. Tính thực dụng giúp người Việt dễ thích ứng với hoàn cảnh, dễ tìm ra giải pháp khi gặp khó khăn. Thực dụng đi đến thích ứng, quyền biến, nhưng đôi khi cũng trở thành “khôn lỏi”, tức khôn nhỏ, không có khôn lớn, không biết nhìn xa, không biết “thả con săn sắt, bắt con cá rô” .
Qua phần trên, chúng tôi đã cố gắng nêu lên những nét nổi bật về cách sống, cách nghĩ của người Việt Nam, từ tin tưởng, tín ngưỡng, tình cảm đến đời sống cá nhân, gia đình, làng xã và quốc gia qua văn chương bình dân, cụ thể là ca dao và tục ngữ. Kho tàng văn chương bình dân của chúng ta hết sức phong phú. Chúng tôi chỉ xử dụng một phần nhỏ, nhưng đã lựa ra những câu tiêu biểu có tính cách biểu lộ, phát hiện nếp sinh hoạt và suy tư của người Việt. Ngôn ngữ là một phần quan trọng của văn hóa. Ngôn ngữ diễn tả đời sống tức là diễn tả văn hóa. Qua việc phân loại, tìm hiểu và dẫn chứng ở những trang trên, chúng ta đã nhận ra phần nào nền văn hóa của dân tộc Việt Nam, một nền văn hóa truyền thống, có thay đổi với thời gian và hoàn cảnh, nhưng vẫn giữ được tính đồng nhất, vẫn giữ được những cốt tủy được truyền lại từ đời nọ đến đời kia. Chúng ta đã có dạng bản và chất liệu. Chúng ta có thể đi vào việc tô đậm những nét chính của nền văn hóa Việt Nam ở phần sau.
GHI CHÚ
NGUYỄN TIẾN LONG & PHAN CANH, Thi Ca Bình Dân Việt Nam, Tòa Lâu
Đài Văn Hóa Dân Tộc, tr. 95. Sống Mới, Sài Gòn 1969.
NGUYỄN THÙY & TRẦN MINH XUÂN, Tinh Thần Việt Nam, các tr. 359, 360.
Mêkông Tỵ Nan xuất bản tại Hoa Kỳ 1991.
Theo TRẦN THẾ PHÁP trong Lĩnh Nam Chích Quái.
Xem TRẦN NGỌC NINH, Tuyết Xưa, các tr. 223, 272. Khởi Hành. Hoa Kỳ 2002.
Xem TRẦN QUỐC VƯỢNG, Trong Cõi, sđd, tr. 34.
TOAN ÁNH, Tín Ngưỡng Việt Nam, Quyển Thượng, các tr. 23, 24. Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, không đề năm.
Theo Desmond MORRIS, Human Sexes, các tr. 105, 108. St. Martin’s Press. New York 1997.
Cảnh cúng đình.
“Suốt năm gian đình, đèn nến sáng trưng. Mũ mã, cờ quạt bầy thành đàn tràng, một đầu cao, một đầu thấp, ngang từ hồi đình nọ sang hồi đình kia. Từ trên xuống đồ cúng Ngọc Hoàng Thượng Đế và các chư Phật; cấp thứ hai cúng thần linh: quan ôn, quan tướng mùa hè; cấp thứ ba cúng chúng sinh: những bà cô, ông mãnh, ma đói, ma khát. Vì đêm nay cúng chúng sinh nên ở cấp thứ ba bầy la liệt đủ thứ qùa và hoa qủa như bánh đa, bỏng trắng, khoai sọ, chuối tây, kẹo bột. Và một nồi ba mươi cháo hoa khói nghi ngút. Sư ông chùa Vạn, cái đầu trọc trắng hếu, khoác áo cà sa đỏ, vàng, ngồi cao ngất nghểu ở giữa cấp thứ hai, chỗ cúng quan ôn, vừa ê a đọc kinh vừa cầm dùi gõ vào một cái mõ lớn, to cũng đúng bằng đầu nhà sư. Dưới chiếu, một lũ sư nhỏ cũng gõ mõ, đánh trống và ê a đọc theo” (TÔ HOÀI, Quê Người, các tr. 27, 28)
Nguồn: dunglac.org