Những góc nhìn Văn hoá

Xem xét bộ ván khắc Thiền uyển tập anh năm Vĩnh Thịnh 11(1715) [Góp ý cùng học giả Lê Mạnh Thát]

Ở đây, không xem trực tiếp mà xem gián tiếp qua bản in ván cũng như bản được chụp lại. Những dấu hiệu hiển nhiên trên đó giúp cho ta nhận thức được bộ ván khắc tác phẩm này. Bài viết chúng tôi dừng lại việc ở việc quan sát vật chất, chưa đi sâu vào chữ nghĩa.

Lý do của việc xem xét là vì đang có những ý kiến khác nhau về bộ ván đó, hay nói cách khác là đang có những ý kiến khác nhau về di biến động của hai bản in tác phẩm Thiền uyển tập anh mang kí hiệu thư viện A 3144 và VHv 1267 mà học giả Lê Mạnh Thát định danh là bản Lê I và bản Lê II.
Chúng tôi quan tâm đến vấn đề này khi đọc tài liệu cho mấy bài viết về quê Lý Công Uẩn và triều Lý trong lịch sử. Việc xác định rõ tài liệu sẽ có ích cho việc sử dụng nó, cho việc tìm hiểu vấn đề truyền bản tác phẩm quý giá hàng đầu này trong kho tàng văn liệu trung đại Việt Nam. Hơn nữa, khi đọc các công trình biên dịch, chú thích và khảo cứu tác phẩm, không phải ai cũng sẵn sàng các tài liệu để đối chiếu giúp cho sự đọc hiểu của mình. Chúng tôi sẽ bước đầu làm việc đó giúp độc giả mong vấn đề sẽ sáng rõ hơn.
 
1.Các ý kiến khẳng định khác nhau.
Học giả Trần Văn Giáp (1932), Ngô Đức Thọ (1990) cho rằng hai bản giống nhau hoặc “ là hoàn toàn như nhau”. Cụ Ngô Đức Thọ viết: “ Hai bản A3144 và VHv 1267 hoàn toàn giống nhau và có thể xác định là cùng được in ra từ một bộ ván in của Thích Như Trí (gọi chung là bản Vĩnh Thịnh)”.
Học giả Lê Mạnh Thát (1999) sau khi phê phán ý kiến trên và tiến hành hiệu đối kĩ lưỡng từng chữ, cho rằng đây là hai truyền bản khác nhau, ông viết: “Truyền bản Lê II (tức bản A3144)...Chữ khắc chân phương, dễ đọc, nên rất dễ gây ra sự nhầm lẫn giữa bản này và bản đời Lê I (tức bản VHv1267). Nét chữ của nó mập hơn bản kia...”. Cùng với việc căn cứ vào lời bạt ở cuối bản này có ghi tên, tự, quê của người cung tiến, ông cho rằng: “...việc in truyền bản đời Lê II này tất nhiên xảy ra vào những năm trước sau năm 1750”.
Cách viết của học giả Lê Mạnh Thát tuy khá là dấp dính khi ông dùng những từ như chữ khắc, việc in, lần in, bản in, truyền bản để tránh chữ ván in (mà Ngô Đức Thọ đưa ra), nhưng vẫn khiến người đọc dễ nhận ra ông muốn nói đến một bản khắc được thực hiện trên một bộ ván khác với một lần làm sách khác cho bản Lê II.
Chúng tôi thấy cần làm rõ hơn rằng, nếu vậy thì, học giả Lê Mạnh Thát đã sai.
 
2.Một số dấu hiệu cần xem xét.
Hiện cả hai bản in từ bộ ván khắc Vĩnh Thịnh 11 (năm 1715) vẫn đang được lưu giữ tại thư viện Viên nghiên cứu Hán Nôm chứ không phải bản in trước (A 3144 – Lê I) đã mất như học giả Lê Mạnh Thát nói. Vì in cùng một bộ ván nên khổ sách cả hai bản là hoàn toàn như nhau.
Trước hết, chúng tôi so sánh bản A 3144 với bản Lê I được in trong sách Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh (1999) của học giả Lê Mạnh Thát thì không khó khăn gì nhận ra bản Lê I là ảnh chụp của chính bản in ván A 3144, ngoại trừ mấy khác biệt khi ông làm bản thảo như: bỏ bớt các tờ bìa phân biệt quyển thượng và quyển hạ mà những thủ thư thời trước 1945 đã đóng vào; bỏ bớt những tờ lót vốn có ở đầu và cuối các quyển thượng / hạ khi Viễn đông bác cổ sưu tầm được; làm sạch các dấu điểm chấm câu trong bài tựa ở các trang 1a, 1b, 2a, 2b, 3a, tạo nên một sự khác nhau giữa bản in và bản chụp; bản chụp trong sách Lê Mạnh Thát còn nguyên tờ 65, trong khi đó, bản A 1344 đã bị mất tờ đó, dấu xé vẫn còn, và sự việc này được xác nhận vào ngày 2 – 8 – 1958 bởi một người kí tên là Thụ ghi trên đầu trang 64b. Vì các tờ 63 và 62 có vết cháy tàn thuốc lá thủng lỗ tròn, có thể đoán là có người sơ ý đã để cháy tờ 65 và phi tang đi khi trả sách cho thủ thư. Những thư mục có ghi sách mất tờ 65 mà học giả Lê Mạnh Thát trích dẫn đều được làm sau 1958. Chính những việc nêu ở trên đã làm cho nhiều nhận định về văn bản học cũng như về tính chất các truyền bản của ông thiếu căn cứ. Chúng tôi đoán rằng, học giả Lê Mạnh Thát chưa bao giờ cầm trên tay bản in ván đó cả, chắc ông dựa vào bản chụp mà thôi.
Sau khi đã quan sát và so sánh các tự dạng đặc biệt giống nhau như “in” ở các bản, chúng tôi thực hiện vài thao tác đơn giản để khẳng định ý kiến của mình.
    a-Trước hết, đơn giản nhất, chúng tôi chụp các văn bản và đồng quy cùng kích thước, sau đó in ra rồi đem từng tờ đã in, chồng lên nhau, chiếu ánh điện mạnh từ dưới lên (kiểu chồng bản đồ) thì thấy rằng tất cả các trang, các chữ đều trùng khít tăm tắp lên nhau, kể cả các dấu hiệu uyển chuyển, tinh tế nhất (dĩ nhiên là trừ những chỗ mà bản VHv 1267 – Lê II đã sửa bản A 3144 – Lê I trên ván khắc). Kết luận đưa ra là không thể có 2 lần khắc trên những bộ ván khác nhau mà lại giống nhau như thế được.
     b-Tiếp theo, đề phòng việc in theo kĩ thuật phủ bản với sự tuyệt hảo chính xác của thợ, chúng tôi tiến hành quan sát những dấu hiệu đặc dị thể hiện trên cả 3 bản, trong đó, đặc biệt chú trọng đến vết nứt ván thể hiện trên cả hai bản in và và một bản chụp. Chúng tôi thấy tối thiểu có đến 11 chỗ ván nứt như nhau:
     Trang 6a dòng 1 (6a1) chữ thứ 10 trên xuống.
     Trang 9a1 chữ thứ 5 trên xuống.
     Trang 10a1 chữ thứ bảy trên xuống.
     Trang 16a1 chữ thứ 12 trên xuống.
     Trang 33b11 chữ 11 trên xuống.
     Trang 46a1 chữ 12 trên xuống.
     Trang 57b chữ thứ 8 trên xuống.
     Trang 61a1 chữ thứ 7 trên xuống.
     Trang 68b11 chữ thứ 9 trên xuống.
     Trang 69a1 chữ thứ 7 trên xuống.
     Trang 70a1 chữ thứ 9 trên xuống.
     c-Việc quan sát những nhóm chữ bắt đầu có sự hư hại, xuống cấp (mục, mủn, xây xát) cũng được chúng tôi chú ý trên các bản và nhận ra rằng, trên các bản in và chụp, về cơ bản, thể hiện như nhau, những gì bản A3144 (Lê I) có thì cũng đều thể hiện trên bản VHv1267: đó là ở các trang 7b mép dưới,11b mép dưới và trên,15b góc trái trên, 19b mép dưới, 21a góc phải trên... 29a mép trên, 29b mép trên,... 39a mép trên và dưới v. v...
     d-Rất nhiều chữ nét bị gẫy bất thường (do mục hoặc do sơ suất khi làm vệ sinh mặt ván) ở các bản cũng thể hiện giống nhau mà liệt kê thì dài dòng.
Sau khi đã quan sát ít nhất 4 đặc điểm như trên, chúng tôi có những ý kiến như sau:
    -Hai bản in A3144 và VHv 1267 được tiến hành trên cùng một bộ ván Vĩnh Thịnh 11 (1715). Bản in Lê I mà ông Lê Mạnh Thát dùng trong Nghiên cứu Thiền uyển tập anh là bản A3144 được chụp lại trước 1958.
    -Thời gian in ván cả hai bản diễn ra khá lâu sau khi bộ ván khắc hoàn thành. Khó mà xác định là thời gian cụ thể của việc in (vì độ hư hại của ván tùy thuộc vào tính chất của ván, điều kiện bảo quản, kĩ năng bảo tu...), nhưng dựa vào kinh nghiệm quan sát các bộ ván có tuổi trên 100 năm ở nhiều chùa như Thiên Thai, Pháp Vân, Bổ Đà,.. chúng tôi đoán rằng sách được in vào cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19, có nghĩa là sau khi khắc ván khoảng 80 đến 90 năm, khó mà sớm hơn.
    -Thời gian giữa lần in trước (bản in A3144) và lần in sau (VHv1267) được tiến hành khá gần nhau. Ở bản in sau, xuất hiện một số vết nứt mới nhưng chưa nhiều, các vết nứt cũ có phát triển nhưng chưa trầm trọng. Thậm chí ở trang 24a chữ đầu tiên dòng 1, chúng tôi còn phát hiện dấu vết một sợi lông chổi bị két lại trên chữ và đều được in lên trên cả 2 bản, chứng tỏ từ lần in trước đến lần in sau, ván chưa qua nhiều lần làm vệ sinh...
Đến đây, chúng ta thấy quan niệm cho rằng cả hai bản in A3144 và VHv1267 giống nhau, về cơ bản là đúng đắn.
 
3.Những thông tin mới.
Xem xét 2 bản in hiện còn lưu trữ tại kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi bất ngờ nhận ra tờ lót đóng vào cuối quyển 1 ở bản A3144 cũng là 1 tờ của chính bộ ván Vĩnh Thịnh 11 đang nói. Tờ lót được gập trái lại, nay đã đứt mép nên có thể đọc được và quan sát được tự dạng. Ở mép trang, dẫu đã bị rách, may còn đọc được chữ Thiền... và số trang là 78. Nội dung là tiếp tục ghi phương danh những tín thí đã góp tiền của cho việc làm sách. Cùng với dấu hiệu bài bạt chưa kết thúc, chúng ta thấy bộ ván khắc còn có tiếp những tấm khác chứ không dừng lại ở tờ 74 như bản in VHv1267 phản ánh. Điều này cho ta thấy rằng bản in A3144 được tiến hành trước đó, hoặc chỉ in nội dung Thiền uyển tâp anh mà không in bài bạt, hoặc bài bạt đã mất trong quá trình lưu giữ sách. Cả 2 bản in chưa phản ánh hết bộ ván khắc mà chúng ta đang quan tâm. Khi thời gian đã trôi đi khá lâu, với mục đích thực dụng là đem đến cho độc giả nội dung của Thiền uyển tập anh, những người in sách đã lược bớt những trang cuối khắc phương danh tín thí. Việc làm của họ thiếu cẩn trọng nhưng có thể hiểu được vì cũng như bây giờ, chúng ta chú ý nhiều đến nội dung mặt trước của tấm bia còn mặt sau khắc tên người cung tiến thì ít chú ý hơn vậy.
Khi đã biết rằng, bộ ván khắc đủ cả bài tựa và bài bạt hậu, ta thấy những ý kiến của học giả Lê Mạnh Thát về những người cung tiến cho “lần in” “vào khoảng 1750” (được ghi trên bài bạt) khác với những người có tên ở bài tựa mà ông cho là “đã xuất gia và dân thường” cung tiến vào 1715 là phải xem lại. Xem lại văn bản, chúng tôi thấy rằng, danh sách ở bài tựa (trang 3b) gồm nhà sư Như Trí và các môn đồ là sa di, thiện nam tử, thiện nữ nhân là những người làm bản thảo, đứng ra chủ trì hưng công, đi vận động quyên góp. Họ là môn sinh của Như Trí và tất cả đều đã xuất gia. Họ không còn giữ tên thật ngoài đời của mình, khác với danh sách ở bài bạt là tên đời thường vẫn giữ nguyên bên cạnh tự hiệu nhà Phật. Những chữ thiện nam tử, thiện nữ nhân bao hàm nhiều nghĩa, không loại trừ nghĩa chỉ những môn sinh Phật giáo đã xuất gia. Phật quang đại từ điển viết: “ Thiện nam thiện nữ – Gọi đủ: Thiện nam tử (Phạm Kula-putra), thiện nữ nhân (Phạm: Kula-duhitri...). Chỉ cho người nam, người nữ có tâm lương thiện. Trong kinh điển, tiếng xưng hô này thường được dùng đối với chúng tại gia. “Thiện” là từ khen ngợi những người do tin Phật nghe pháp mà tu các thiện nghiệp. Theo kinh Thắng man thì những điều kiện để trở thành thiện nam tử, thiện nữ nhân là xả bỏ ngã chấp, ngã ý, chí tâm quy y đức Phật. Trong kinh A di đà kinh thông tán, ngài Khuy cơ nói rằng: Thiện nam tử, thiện nữ nhân là Ưu bà tắc, Ưu bà di trong tiếng Phạm, tức là những người nam nữ tại gia giữ gìn 5 giới. Cũng có các thuyết khác, như trong kinh Tạp a hàm quyển 30, các tỉ khưu cũng được gọi là thiện nam tử. Còn trong kinh điển Đại thừa thì đối với Bồ tát thì gọi là thiện nam tử, đối với tỉ khưu thì phần nhiều gọi tên, nhưng cũng có khi gọi tỉ khưu là thiện nam tử...”. Tỉ khưu là những người đã xuất gia, tu hành khất thực. Trong cách viết đối ý của mình, mấy chữ thiện nữ nhân cũng có thể hiểu là đã xuất gia, nà ta vẫn quen gọi nôm na là tì kheo ni.
Danh sách ở bài bạt hậu chính thực đó là những thí chủ cung tiến cho việc làm sách vào năm 1715, danh sách này rất dài gồm cả những người là tín đồ Phật giáo nhưng cũng có người bình thường, hảo tâm, có tự hiệu theo Nho giáo. Bài tựa và bài bạt giống như mặt trước và mặt sau thường thấy ở một tấm bia vậy.
Tóm lại, dù trên bản in VHv1267 cho ta thấy ván khắc đã được sửa chữa một số chữ và cụm từ (nhưng là rất thưa thoảng, trung bình hơn 3 trang mới sửa 1 chữ) khó lòng mà quan niệm đây là một truyền bản khác với những người đóng góp cung tiến khác để làm sách, cách lần khắc đầu hơn 30 năm như học giả Lê Mạnh Thát đã cố chứng minh. Đồng thời, việc sửa chữa trên ván cũng diễn ra rất muộn, cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19.                          
                                               
                                                                                                Hà Nội ngày 21 – 9 – 2011.
 
 
Tài liệu tham khảo:
    -Thiền uyển tập anh – Bản in ván kí hiệu A3144. Kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm.
    -Thiền uyển tập anh – Bản in ván kí hiệu Vhv1267. Kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm.
    -Lê Mạnh Thát – Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. 1999.
    -Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thị Nga – Thiền uyển tập anh. Nhà xuất bản Văn học. 1990.
    -Phật quang đại từ điển – Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. 2000.
    -Các bản chụp Thiền uyển tập anh và một số tài liệu in ván khắc ở các chùa Bổ Đà, Vĩnh Nghiêm, Pháp Vân, Thiên Thai. Tư liệu cá nhân.    
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570284

Hôm nay

233

Hôm qua

2287

Tuần này

233

Tháng này

228808

Tháng qua

129483

Tất cả

114570284