Còn điều nữa mà ít người nói tới là linh mục Đắc Lộ (tên được Việt Nam hóa) đã cố gắng sống theo phong cách, ngôn ngữ và tư tưởng Việt Nam trong khi truyền bá Phúc Âm, với lòng qúy mến và thương yêu thành thật, không chỉ coi đó là phương tiện giảng đạo. Nhưng mặt khác, linh mục Đắc Lộ cũng có những nhận xét không đúng về một số tôn giáo có trước tại Việt Nam, gây thắc mắc cho nhiều người.

HỘI NHẬP VỚI THỜI ĐẠI, KHÔNG PHẢI VỚI QÚA KHỨ
Trước khi nói tới việc hội nhập văn hóa Việt Nam của linh mục Đắc Lộ, chúng ta cũng nên bàn qua một điểm quan trọng của việc hội nhập văn hóa nói chung. Hội nhập có phải là bắt chước cách ăn mặc, nói năng, cư xử, có phải là hiểu và thông cảm được tâm tình và ý nghĩ của những người mình muốn hội nhập? Những điều này đều đúng nhưng không cần thiết đối với chúng ta, vì chúng ta đã là người Việt Nam. Cái khó là làm sao giải thích đạo và sống đạo phù hợp với truyền thống tâm linh và luân lý Việt Nam. Điều quan trọng ở đây là phải hội nhập với văn hóa của thời đại chúng ta đang sống, không thể đi ngược thời gian để hội nhập với thời đại của cha ông chúng ta.Về điểm này, tôi đồng ý với Ông Nguyễn Chính Kết khi ông viết: “Hội nhập văn hóa là thích ứng việc diễn tả sứ điệp Chúa Kitô và đức tin Kitô giáo theo cung cách văn hóa của dân tộc và của thời đại.” (2)
Trên quan điểm này, nếu chúng ta chỉ chú trọng việc thay đổi y phục, võng lọng, cờ quạt có mầu sắc dân tộc trong các lễ nghi, chúng ta mới chỉ hội nhập vẻ bề ngoài hay diễn lại tuồng tích lịch sử. Khiêng kiệu sơn son thiếp vàng, mặc khăn đóng áo dài, đốt nhang, đánh trống đánh chiêng đều chấp nhận được vì cả dân tộc Việt Nam ngày nay vẫn còn dùng những thứ này trong các nghi lễ truyền thống. Nhưng đội mũ tư văn để đọc văn tế trong nhà thờ, bắt các thiếu niên mặc quần áo lính thú thời xưa để vác cờ đi rước và vác lọng che cho các cha thì có vẻ làm trò và trình diễn lỗi thời. Khi nhìn mấy em nhăn nhó phải mặc quần áo kiểu này, tôi bèn nhớ tới một bài học thuộc lòng tả binh lính thời xưa mà tôi đã học cách đây trên 50 năm:
Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay xách dáo, quan sai xuống thuyền
Tùng tùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa.
Dĩ nhiên không thể cho các em mặc kiểu binh sĩ thời nay, càng không nên cho mặc kiểu nón cối dép râu, để khiêng kiệu và cầm cờ, lọng. Nhưng bắt các thiếu niên chuyên mặc quần jeans và nghe nhạc rock phải cuốn xà cạp và đội nón dấu trước công chúng đã khiến nhiều em khóc thầm, dù nước mắt không đến nỗi nhiều như mưa.
Cách đây một trăm năm, việc xây nhà thờ theo kiểu đền đài miếu mạo là một ý kiến hay. Nhưng ngày nay, việc đó không còn cần thiết. Kiến trúc theo văn hóa của thời đại mới dựa trên sự thoáng đãng và tiện nghi. Ngay những tháp nhà thờ vút cao kiểu gothique cũng đã hiện diện trong phong cảnh của quê hương Việt Nam suốt bốn thế kỷ, đã trở nên quen thuộc, và đã trở thành một phần của văn hóa Việt Nam, không cần phải phá đi xây lại. Dù sao, những thứ đó cũng chỉ là những hình thức bề ngoài. Đâu là sự hội nhập cốt lõi bề trong? Văn hóa cũng thay đổi theo thời gian, dù thay đổi chậm.
Vì vậy, khi tìm hiểu việc hội nhập của linh mục Đắc Lộ là phải tìm hiểu cách thức hội nhập của linh mục vào nền văn hóa Việt Nam của thế kỷ thứ 17, không phải thế kỷ 21.
THÍCH ỨNG VỚI NẾP SỐNG VIỆT NAM
Linh mục Đắc Lộ sinh ngày 15/3/1593 tại Avignon, Pháp, thuộc Dòng Tên, sang Á châu giảng đạo, đến Đàng Trong của Việt Nam tháng 12/1624. Lúc đó là thời vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, từ sông Gianh trở ra, và chúa Nguyễn ở Đàng Trong, từ sông Gianh trở vào. Một năm rưỡi sau, tháng 6/1626, linh mục trở về Áo Môn (tức Macao, một nhượng địa thuộc Bồ Đào Nha tại bờ biển phía Nam Trung Quốc, nơi có trụ sở chính của Dòng Tên tại Á châu). Ngày 19/3/1627, linh mục từ Áo Môn đến Đàng Ngoài, tại cửa Bạng (Thanh Hóa). Tháng 5/1630, linh mục bị chúa Trịnh Tráng trục xuất, phải về Áo Môn. Linh mục trở lại giảng đạo ở Đàng Trong thêm một thời gian nữa từ 1640 tới 1645. Sau đó cha về lại Áo Môn. Năm 1654, cha đi Ba Tư rồi qua đời tại Ispahan 5/11/1660, thọ 67 tuổi. Trong những lần lưu trú ngắn ngủi tại Việt Nam, linh mục Đắc Lộ đã làm được nhiều việc quan trọng còn ảnh hưởng tới ngày nay.
Trước hết là thích ứng về ngôn ngữ. Linh mục Đắc Lộ hiểu rằng phải nói được tiếng Việt mới có thể giảng đạo cho người Việt. Ngoài việc giảng đạo, còn phải thăm hỏi, chuyện trò, tâm tình với người Việt bằng tiếng Việt thì mới có thể thu hút cảm tình và làm công tác mục vụ. Linh mục Đắc Lộ có biệt tài về ngôn ngữ. Chỉ một thời gian ngắn ở Đàng Trong, linh mục đã có thể tranh luận với các quan chức. Khi vừa đến Đàng Ngoài năm 1627, linh mục đã đứng ngay tại thuyền giảng đạo cho dân chúng trên bờ và mẻ lưới đầu tiên là đã thuyết phục được 32 người nhập đạo (3).
Linh mục Đắc Lộ biết hòa mình với tập tục Việt Nam, không bắt người ta tôn trọng thói quen của mình. Khi đến Việt Nam, linh mục để tóc dài và ăn mặc như người Việt với quần ta, áo thụng hay áo dài nam, ăn nói, chào hỏi, cư xử như người Việt Nam. Khi gặp các Chúa Trịnh, Nguyễn, linh mục chào lậy sát đất kiểu “ngũ thể đầu địa”, khiến các Chúa rất vui lòng, không giống như những người Tây phương khác chỉ bỏ mũ, nghiêng mình và khẽ cúi đầu (4). Linh mục đồng ý cho bổn đạo gọi mình là “thầy”, không bắt gọi là “cha” như ở Tây phương. Người Việt Nam có thói quen gọi các bậc tu trì các tôn giáo là thầy, giống như gọi thầy dậy của mình theo Tam cương “Quân, Sư, Phụ”. Chính Chúa Giêsu cũng xưng thầy với các môn đệ, không bao giờ nhận mình là cha, chỉ xưng tụng có “Cha trên trời”.
Ngoài ra, linh mục Đắc Lộ cũng thấu hiểu cách đối xử với các bậc quan quyền người Việt. Chẳng hạn họ thích nhận lễ vật của những người đến viếng thăm hay xin xỏ điều gì. Họ coi đó là thái độ kính mến, thần phục, “tốt lễ dễ kêu”. Trong cuốn “Lịch sử Đàng Ngoài”, linh mục Đắc Lộ cho biết lần đầu viếng thăm chúa Trịnh Tráng năm 1627, ông đã dâng chúa những phẩm vật thuộc tôn giáo rất khiêm tốn, chúa nhận mặc dầu nhỏ mọn và thưởng lại cho ông những vật rất qúy. Lần gặp sau, linh mục dâng tặng chúa Trịnh một sách hình cầu Eucliđê mà một linh mục ở bên Tàu đã dịch ra chữ Tàu và có trang trí nhiều hình toán học rất đẹp (5). Thời đó, các quan quyền rất nghiêm khắc, thường nạt nộ dân để thị oai, các thầy dậy học cũng chủ trương “hay chữ dữ đòn”, những người có tí chữ nghiã thì kiêu căng. Các linh mục biết dân chúng vẫn ấm ức trong lòng về cách đối xử này dù không dám nói ra. Vì vậy, các linh mục không muốn cho người ta cúi sâu chào kính như đối với các vị quan quyền và tôn sư. Trái lại, các ngài đã dùng thái độ hòa nhã, thân mật khi tiếp xúc với mọi người và đã thu phục được cảm tình của họ.
THÍCH ỨNG LỄ NGHI CÔNG GIÁO VỚI PHONG TỤC VIỆT NAM
Linh mục Đắc Lộ cũng như các linh mục Dòng Tên thời bấy giờ đã biết cách thích ứng các lễ nghi Công Giáo với phong tục tập quán Việt Nam. Cụ thể là thay đổi nghi thức rửa tội: bỏ muối vào tay người được rửa tội chứ không bỏ vào miệng, không dùng nước miếng của mình để xức vào người được rửa tội, không xức dầu trên ngực của phụ nữ và chỉ xức trên trán… Hai linh mục Saccano và Đắc Lộ đề nghị lời đọc khi làm phép rửa tội như sau (viết bằng chữ quốc ngữ hơi khác chữ bây giờ): “Tao rửa mầy, nhân nhất danh Cha, nhất danh Con, và nhất danh Su-phi-ri-tô Săng-tô. Amen”. Các linh mục Dòng Tên ở Áo Môn quyết định dựa theo công thức này nhưng thay đổi chút ít: “Tao rửa mầy, nhân danh Cha, và Con, và Su-phi-ri-tô Săng-tô. Amen”(6). Lúc bấy giờ các linh mục chưa tìm ra tiếng “Chúa Thánh Thần” nên vẫn để nguyên chữ “Spirito Santo”. Công thức này cũng được hỏi ý kiến 14 giáo dân ở Đàng Ngoài và họ đã ký biên bản chấp thuận.
Một điểm tâm lý quan trọng khác dễ đánh động lòng người Việt Nam, đó là tôn trọng người qúa cố. Linh mục Dòng Tên Antonio Francisco Cardim (1595-1659) đã viết trong cuốn “Tường trình về Đàng Ngoài”: “Một trong những điều làm dân chúng cảm động là thấy các Kitô hữu làm tang lễ cho các đồng đạo qua đời với tất cả danh dự, như đưa xác với đuốc sáng, nến thắp và những lễ nghi trang trọng. Họ cho đạo Công Giáo rất thích hợp với tâm tư của ho” (7).
Người Việt Nam rất thích thi ca, thường học thuộc lòng những đoạn hay để ngâm nga và truyền khẩu. Linh mục Đắc Lộ thấu hiểu tác dụng của thơ, vè, vãn đối với người Việt Nam. Vì vậy linh mục đã khuyến khích bà Catarina thuộc hoàng tộc trước tác ca vãn về giáo lý, về cuộc đời Chúa Giêsu (8). Người Việt Nam cũng thích lối hát ả đào và hát chèo, nên linh mục Đắc Lộ có sáng kiến áp dụng các lối hát này và lối múa cung đình vào việc ngắm đứng và dâng hoa. Nhờ đó những sinh hoạt phụng vụ trở nên hấp dẫn (9).
THÍCH ỨNG THẦN HỌC VỚI NGÔN NGỮ VÀ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM
Theo linh mục Đỗ Quang Chính, linh mục Đắc Lộ, sau khi bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài năm 1630, được giữ lại Áo Môn dậy học tại trường Madre de Deus trong suốt mười năm. Lẽ ra, cha có thể được cử trở lại Đàng Trong và ngay cả Đàng Ngoài nếu biết điều đình khéo với Chúa Trịnh. Nhưng có một số linh mục ở Áo Môn không muốn cho cha đi vì trong thời gian ở Việt Nam cha tỏ ra “qúa mới”, đã đặt nhiều danh từ tiếng Việt như “Ky-tô giáo”, “Chúa Trời Đất” và lập dòng tu Thầy Giảng (10). Điều này chứng tỏ linh mục Đắc Lộ đã tìm tòi những tên gọi mà người Việt Nam có thể hiểu và cảm được để diễn giải giáo lý.
Trước tiên là danh từ Deus. Thời đó ở xứ ta tuy có vua, nhưng vua chỉ làm vì, mọi quyền hành nằm trong tay chúa. Vì thế, linh mục Đắc Lộ đã dùng chữ Chúa coi như vị quyền uy cao nhất. Chúa đây cũng không phải là Chúa của một nước mà là của toàn vũ trụ, gọi nôm na theo kiểu bình dân là Chúa Trời Đất. Dần dà nói gọn là Đức Chúa Trời. Chữ Đức đặt trước một tước vị có nghiã coi trọng tước vị đó. Chính linh mục Đắc Lộ đã giải thích như vậy trong tự điển Việt-Bồ-La do cha là tác giả. Sau đó là những danh từ khác hoàn toàn mới như thiên thần, linh hồn, thiên đàng, hỏa ngục, tội tổ tông, rửa tội, xức trán, thầy cả, kẻ giảng v.v…(11). Tiếng Việt trước đó chỉ có danh từ địa ngục, tức ngục nằm sâu dưới đất, không có danh từ hỏa ngục: ngục có lửa thiêu đốt.
Để thích ứng công tác mục vụ, linh mục Đắc Lộ đã thành lập đoàn “thầy giảng” gồm những người tình nguyện được huấn luyện để phụ giúp các linh mục trong việc giảng đạo và duy trì đức tin của giáo dân, trong khi chờ đợi có các linh mục người bản xứ. Chân Phước An-Rê Phú yên, thầy giảng tử đạo, là đệ tử của linh mục Đắc Lộ.
Việc diễn tả thần học Công Giáo bằng tư tưởng và văn hóa Việt Nam đã được linh mục Đắc Lộ áp dụng một cách khéo léo. Đối với tin tưởng bình dân, mọi sự đều trông cậy vào Trời: “lậy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống…”, linh mục Đắc Lộ nhân đó giảng thêm: “Khi thế gian nói rằng “Lậy Trời” thì thiếu một chữ “Chúa”, vì vậy phải thêm đơm chữ ấy mà từ rày về sau nói làm vậy: Tôi lậy Đức Chúa Trời là Chúa cả trên hết mọi sự” (12).
Người Việt Nam có truyền thống coi nặng chữ Hiếu với cha mẹ và chữ Trung với vua. Linh mục Đắc Lộ khai triển tư tưởng này bằng cách đề cao lòng hiếu vơi cha ruột mình, với vua là cha của đất nước và với Chúa Trời Đất là cha của vũ trụ. Ông Nguyễn Chính Kết gọi đó là “Thần Học Tam Phụ”. Trong cuốn “Phép Giảng Tám Ngày”, linh mục Đắc Lộ đã viết về vấn đề này như sau: “Bây giờ ta phải hay có ba đấng bề trên là ba cha, ta phải thờ ở đấng nào cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh ra thân xác cho ta, đấng giữa là vua chúa trị nước, đấng trên là Đức Chúa Trời Đất, làm chúa thật trên hết mọi sự. Có ba đấng này ta mới được sống được ở” (13).
Dân tộc ta cũng chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, nên coi trọng Tam Cương, Ngũ Thường. Tam Cương là Quân, Sư, Phụ (vua, thầy học và cha). Linh mục Đắc Lộ dùng ý niệm có sẵn này để diễn giải về “Tứ Cương”, thêm một “Cương” nữa là “Thiên”, và còn gọi “Tứ Cương” là “Tứ Đại”: Thiên, Quân, Sư, Phụ. “Thượng hữu Thượng Đế, Thống Quân chư sinh, Hạ hữu vương Sư, Cận hữu Phụ Mẫu” (14) (Trên hết có Thượng Đế, sau đó có Vua thống trị con dân, dưới có Thầy dậy, gần có Cha Mẹ). Với những lối diễn tả rất Việt nam này, thần học Công Giáo đã được hiểu một cách dễ dàng và đón nhận một cách nồng nhiệt.
GÓP PHẦN CẢI TIẾN CHỮ QUỐC NGỮ
Như đã nói ở phần trên, linh mục Đắc Lộ rất có khiếu về ngôn ngữ. Ngoài tiếg Pháp, linh mục còn thông thạo các thứ tiếng Ý, Bồ, La-tinh và Việt Nam. Các linh mục Dòng Tên thời đó xác nhận là cha thích nghiên cứu tiếng Việt Nam nhất. Khi bị cầm chân tại Áo Môn không được trở lại Việt Nam, cha vẫn hoàn tất các tác phẩm viết bằng tiếng Việt dưới dạng chữ quốc ngữ. Linh mục đã học tiếng Việt với linh mục Francisco de Pina và với một em trai Việt Nam 13 tuổi. Em trai này cũng là một thần đồng ngôn ngữ. Chỉ sau ba tuần học hỏi lẫn nhau giữa em và cha Đắc Lộ, em đã biết nhiều tiếng của cha và biết giúp lễ bằng tiếng La-tinh. Em được cha Đắc Lộ rửa tội và đặt tên là Raphael Rhodes, lấy tên họ của cha. Sau đó em đã trở thành thầy giảng (15).
Linh mục Đắc Lộ không phải là người đầu tiên sáng chế ra chữ quốc ngữ theo mẫu tự La-tinh. Trước đó đã có những giáo sĩ rất giỏi tiếng Việt và đã phiên âm nhiều danh từ tiếng Việt theo mẫu tự La-tinh. Theo Nguyễn Khắc Xuyên thì giáo sĩ Gaspar Luis đã soạn một cuốn giáo lý bằng tiếng Đàng Trong khoảng 1616-1620 (16). Nhưng linh mục Đỗ Quang Chính lại cho rằng các giáo sĩ Dòng Tên tại Hội An đã soạn thảo sách giáo lý này năm 1620 và giáo sĩ Francisco de Pina là tác giả chính. Giáo hữu Việt Nam chép tay bản chữ nôm để dùng, còn các nhà truyền giáo lại chép sang mẫu tự La-tinh. Nếu đúng như vậy thì đây là cuốn sách Việt Nam đầu tiên viết bằng mẫu tự La-tinh (17). Rất tiếc đến nay chúng ta không còn bản nào của cuốn sách này.
Về phía linh mục Đắc Lộ, cha đã hoàn thành hai tác phẩm bằng chữ quốc ngữ:
Tự điển Việt-Bồ-La
Phép Giảng Tám Ngày
Hai tác phẩm này được Thánh Bộ Truyền Giáo xuất bản tại Roma năm 1651. Theo linh mục Đỗ Quang Chính thì hai sách này chắc được soạn sau năm 1636 vì chữ viết đúng hơn lối viết của linh mục Đắc Lộ trước đó. Sự tiến bộ này một phần nhờ hai cuốn tự điển của Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa trong đó có những tiếng Việt Nam được phiên âm theo mẫu tự La-tinh. Ngoài ra, linh mục Đắc Lộ còn học hỏi thêm về cách ghi danh và đánh dấu đúng với thầy giảng Y-Nhã (do tên thánh Ignatio), một người thông thạo văn chương, triết học, đã làm quan trước khi nhập hàng thầy giảng ở Đàng Trong (18). Chữ quốc ngữ trong hai tác phẩm này tuy chưa giống hẳn chữ quốc ngữ hiện nay, vẫn còn những bất toàn được bổ túc sau này, nhưng đã là thứ chữ quốc ngữ tiến bộ nhất cho tới lúc đó, lại được xử dụng trong hai tác phẩm lớn do Tòa Thánh xuất bản. Có thể nói linh mục Đắc Lộ đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử chữ quốc ngữ.
Với tài năng hội nhập và tài năng ngôn ngữ như thế, người ta không lấy làm lạ khi thấy linh mục Đắc Lộ đã rất thành công trong việc giảng đạo. Theo Cao Huy Thuần trong “Đạo Thiên Chúa Và Chủ Nghiã Thực Dân Tại Việt Nam 1857-1914” (luận án tiến sĩ tại Mỹ năm 1990) thì “Cuối năm1629, ông rửa tội cho 6,700 người, trong đó có một vài công nương của triều đình” . Tuy có nhiều tài cán và công lao như vậy, linh mục Đắc Lộ cũng không tránh khỏi những sai lầm khi phát biểu những nhận xét liên quan tới một vài tôn giáo có trước tại Việt Nam.
KHÔNG HIỂU, HIỂU SAI HAY XUYÊN TẠC ?
Trong cuốn “Phép Giảng Tám Ngày”, linh mục Đắc Lộ đã gọi Khổng Tử là “người chẳng phải hiền, chẳng phải thánh, thật là độc dữ”. Cũng trong sách này, tác giả đã viết nhiều điều sai về Đức Phật. Thí dụ: Tất Đạt Đa “đẻ được một con gái đoạn thì đi ở trên rừng một mình, dẫu vợ cãi mà chẳng cho, vì mình đã quen làm việc dối như pháp môn phù thủy… thong dong nói khó cùng ma qủi. Mà trong nhiều qủi dậy nó thì có hai qủi tên là Alala và Calala quen làm thầy nó liền, mà nó thì ngồi giữa hai thầy qủi ấy, mà dậy nó đầu hết chớ tin có Chúa Trời” (tr.105-106).
Sai lầm thứ nhất là Thái Tử Tất Đạt Đa có con trai, không phải con gái. Sai lầm thứ hai là Đức Phật không bao giờ dùng tới pháp môn phù thủy. Ngài không tin vào thần thánh, không coi mình là thần thánh, chỉ nhận mình là người chỉ lối cho chúng sinh tìm ra con đường tự giải thoát.
Linh mục Trần Thái Đỉnh, trong bài tham luận gửi tới cuộc hội thảo về “Hội nhập của Ki Tô giáo tại Việt Nam qua một số tác phẩm và tác giả Công Giáo của thế kỷ 17 và 18” được tổ chức tại Sài gòn vào đầu tháng 11-1995, phát biểu rằng giáo sĩ Đắc Lộ trong sách “Phép Giảng Tám Ngày” đã xuyên tạc đạo Phật khi cho rằng Đức Thích Ca dậy dân thờ bụt (tức thờ ngẫu tượng) và lấy mình làm cội rễ các bụt, như thể mình là kẻ làm nên trời đất. Cuốn sách luôn nói đến sự “thờ bụt thần ma qủi”, hạ Đức Phật xuống hàng ma qủi. Linh mục Trần Thái Đỉnh nói tiếp: “Tác giả dùng hai từ “giáo bụt” để dịch hai từ “idolorum” cũng như đã dùng hai từ “thờ bụt” để dịch hai từ “cultus idolarum”. Thứ đến, cuốn sách nói đến việc Đức Phật dậy hai thứ đạo; trước hết Ngài dậy thuyết vô thần. Sau đó vì người ta cho đó là điều “trái lẽ lắm”, cho nên Ngài dậy thuyết luân hồi và dậy người ta thờ bụt thần, tức thờ các ngẫu tượng. Đây cũng lại là những lời lẽ cho thấy: hoặc vì không hiểu, hoặc vì muốn xuyên tạc, tác giả đã không thấy rằng: có thể đây chỉ là hai hình thức bị bóp méo của Tiểu Thừa và Đại Thừa. Dầu sao, không bao giờ Đức Phật dậy hai giáo thuyết mà cuốn sách nói tới: thuyết vô thần và thuyết thờ ngẫu tượng. Đức Phật đã không đặt vấn đề Thiên Chúa tạo thành vũ trụ. Ngài chỉ đặt vấn đề giải thoát… Có thể nói Phật pháp vô thần theo nghiã tiêu cực nghiã là không đặt vấn đề, nhưng không chủ trương thuyết vô thần”(19).
Chúng ta, những người của thế kỷ 21, qủa tình không thể hiểu nổi tại sao một người uyên bác như linh mục Đắc Lộ có thể sai lầm trầm trọng như vậy về Phật giáo, lại còn gọi Đức Phật là “nó”, là “thằng”( thằng hay dối người ta), thứ ngôn ngữ trái với tài ăn nói và thuyết phục khéo léo của linh mục. Chúng ta chỉ có thể đoán rằng, vào thời đó, các giáo sĩ Tây Phương có tâm trạng hăng say qúa độ trong việc bênh vực và truyền bá đạo của mình, một thứ “extremist” hay “excès de zèle”. Họ coi thường nền văn minh của Đông Phương, cho đó cũng chỉ là thứ thấp kém giống như đời sống vật chất lam lũ, nghèo khổ, chậm tiến của dân chúng mà họ gặp hàng ngày. Vì vậy họ không cần tìm hiểu tường tận, chỉ cần dựa vào một số chi tiết để đả phá, nhằm mục đích làm sáng tỏ đạo của mình. Các thừa sai có thể nghĩ rằng cứu rỗi các linh hồn ra khỏi các “tà đạo” là nhiệm vụ thiêng liêng nhất, là thi hành đức bác ái ở mức độ cao nhất, dù có phải đụng chạm tới ai khác. Chúng ta không thể phán đoán tâm trạng và ước muốn của những người sống cách chúng ta trên ba thế kỷ. Chúng ta chỉ biết nói một lời xin lỗi, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị đã làm đối với những ai cảm thấy bị xúc phạm, và thêm rằng linh mục Đắc Lộ có thể không hiểu, hoặc hiểu sai, hoặc sa “chước cám dỗ làm điều thiện” (Tentation de faire du bien, cách nói của triết gia Pháp H. Duméry), chứ không cố tình xuyên tạc.
SỬA SOẠN CHO PHÁP XÂM CHIẾM VIỆT NAM ?
Vấn đề này từ trước không thấy ai đặt ra. Bỗng đến năm 1998, nhà xuất bản Giao Điểm tại Hoa Kỳ tung ra cuốn “Alexandre de Rhodes người đầu tiên vận động Pháp chiếm Việt Nam và chữ quốc ngữ”. Cuốn sách có nhiều bài của nhiều tác giả khác nhau, nhưng tựu trung đều nhắm kết án linh mục Đắc Lộ đã dọn đường cho thực dân Pháp chiếm Việt nam và phủ nhận công trình của linh mục trong việc cải tiến chữ quốc ngữ. Lập luận của họ căn cứ trên bản dịch quyển “Thiên Hồ, Đế Hồ” của Phan Bội Châu và một đoạn tường trình của linh mục Đắc Lộ trong cuốn “Divers Voyages et Missions” (Hành Trình Và Truyền Giáo).
Giáo sư Chương Thâu viết từ Hà Nội ngày 14/2/1995 cho biết vào tháng 10/1994, tại San Diego Hoa Kỳ, có một nhà xuất bản lậu in lậu bản dịch cuốn “Thiên Hồ! Đế Hồ!” do cụ Phan Bội Châu viết bằng Hán văn năm 1923 nhằm kể tội ác của thực dân Pháp lợi dụng Thiên Chúa giáo và thông qua một số kẻ đội lốt thầy tu để xâm lược, như Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine). Họ in nguyên bản dịch Việt ngữ của Chương Thâu nhưng thay 30 trang nghiên cứu phân tích tác phẩm của người dịch bằng một lời giới thiệu dài 13 trang do Cửu Long Lê Trọng Văn ký tên, trong đó có đoạn: “Sự thật thì Bá Đa Lộc đâu phải là kẻ đội lốt tôn giáo đầu tiên. Ông ta chỉ là kẻ thừa kế để tiếp tục thực hiện ý đồ của kẻ đội lốt tôn giáo A. de Rhodes (Đắc Lộ) mà thôi” (20).
Cụ Phan Bội Châu không nói gì tới Đắc Lộ. Chỉ có Cửu Long Lê Trọng Văn mượn lời kết án của cụ Phan để kéo thêm Đắc Lộ vào hàng bị cáo, mà lại là bị cáo nặng tội nhất, vì đã sửa soạn trước “trên hai trăm năm” cho Pháp chiếm Việt Nam. Ngoài việc “ăn ké” cụ Phan với hậu ý, ông Lê Trọng Văn và các bạn cùng lập trường “hận thù tôn giáo” đã túm lấy đoạn văn sau đây của chính linh mục Đắc Lộ để kết án linh mục:
“J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me fournirait plusieurs soldats qui allait à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Evêques, qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Eglises. Je suis sorti de Rome à ce dessein le 11e Septembre de l’année 1652 après avoir baisé les pieds du Pape” (Divers Voyages et Missions, xuất bản năm 1653 tại Paris, đoạn cuối chương 19, phần 3).
Tôi xin dịch nguyên văn nghĩa đen của đoạn văn trên như sau: “Tôi tin rằng nước Pháp, vương quốc ngoan đạo nhất thế giới, cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông Phương, để vùng này thần phục Chúa Giêsu Kitô, và đặc biệt tôi sẽ tìm ra ở đấy phương tiện để có các Giám Mục, là những người Cha và những người Thầy của chúng tôi trong các Giáo Hội này. Tôi rời La Mã với dự tính này ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi đã hôn chân Đức Giáo Hoàng”.
Tôi xin qúy vị thức giả nếu có thảo luận về đoạn văn này, xin thảo luận bằng nguyên bản tiếng Pháp do chính tác giả viết, đừng căn cứ trên những bản dịch ra các ngôn ngữ khác, vì e không hiểu hết được ý định của người viết. Ông Lê Trọng Văn và các bạn của ông lấy nguyên câu nghiã đen “nhiều chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông Phương” để kết án giáo sĩ Đắc Lộ đã thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng can thiệp với nước Pháp để nước này gửi quân sĩ đi xâm lăng Đông Phương, trong đó có Việt Nam. Nhưng khi phân tách chữ và nghiã, người ta có thể hiểu khác:
- Chữ “Plusieurs” trong tiếng Pháp không diễn tả số nhiều hàng trăm, hàng ngàn. Tự điển Larousse giải thích là “un certain nombre” (một số nào đó), tương đương với từ “Several” của Anh ngữ. Như vây chữ “nhiều” ở đây không thể qúa một chục. Khi muốn nói số lượng lớn, người Pháp dùng “un grand nombre” hay “beaucoup de”. Nếu chỉ xin gửi một chục hay qúa lắm là vài chục chiến sĩ thì làm sao xâm lược được cả Đông Phương? Vì vậy, chữ chiến sĩ ở đây phải hiểu là chiến sĩ Phúc Âm. Ngoài ra, “chinh phục Đông Phương” cũng phải hiểu là chinh phục các linh hồn cho Chúa, vì đi ngay trước câu “để vùng này thần phục Chúa Giêsu Kitô”.
- Một chữ quan trọng khác là chữ “y” trong câu “j’y trouverais”. Đây là tiếng trạng từ chỉ nơi chốn (complément circonstantiel de lieu) có nghiã “ở đấy, nơi đó, từ đó” để khỏi lập lại một nơi chốn đã được nói đến trước đó. Vì vậy, câu “tìm ra ở đấy” phải được hiểu là tìm ngay tại Đông Phương hay tìm từ trong hàng các chiến sĩ Phúc Âm những giám mục, những bậc thầy… Nếu đã tìm được các vị lãnh đạo tôn giáo ở đó và đã chinh phục được các linh hồn cho Chúa thì còn cầu quân lính Pháp đến làm gì ?
Vì vậy, khi dịch phải lột được ý của nguyên bản, không thể dịch từng chữ theo nghĩa đen kiểu “Biển dâu” dịch thành “ Strawberry sea”. Ông Nguyễn Đình Đầu, một trí thức Công Giáo trong Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước lại có lối dịch rất văn hoa. Ông thay chữ “các chiến sĩ” thành “các thừa sai” và “chinh phục Đông Phương” thành “nước Cha trị đến”. Lối dịch của Ông Nguyễn Đình Đầu đã được chính thức chấp nhận trong cuộc hội thảo “Tưởng niệm Alexandre de Rhodes” nhân 400 năm ngày sinh của linh mục do Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam tổ chức tại Sài gòn vào tháng 3/1993. Phần cuối cuôc hội thảo, các tham dự viên đã làm kiến nghị lên chính phủ yêu cầu khôi phục vị trí xứng đáng cho A. de Rhodes, lấy lại tên đường đã đặt theo tên linh mục tại Sài Gòn (con đường có trụ sở Bộ Ngoại Giao VNCH, trước dinh Độc Lập) và dựng lại bia tưởng niệm trong khuôn viên thư viện quốc gia Hà Nội được lập từ năm 1941. Tên đường mang tên linh mục tại Sài Gòn đã bị đổi sau 30/4/1975, bia ghi công linh mục tại Hà Nội đã bị gỡ từ 1954. Tại sao bỗng dưng chế độ lại thay đổi quyết định một cách tử tế như vậy? Phải chăng nhờ tài dịch hoa mỹ của ông Nguyễn Đình Đầu? Người ta chỉ biết rằng thời gian sau đó có hội nghị thượng đỉnh các quốc gia nói tiếng Pháp (Sommet de la Francophonie) họp tại Hà Nội, và nhân dịp này chính phủ Pháp đã viện trợ cho Việt Nam nhiều tiền, kể cả tiền xây một hội trường quốc tế tại Hà Nội. Chúng ta cũng nên nhớ linh mục Đắc Lộ là người Pháp.
Lịch sử không thể kết án linh mục Đắc Lộ sửa soạn cho Pháp chiếm Việt Nam. Linh mục rời Việt Nam vào giữa thế kỷ 17. Quân Pháp đến Việt Nam vào giữa thế kỷ 19. Chẳng lẽ linh mục có viễn kiến chính trị và biết tính toán trước 200 năm? Hơn nữa, linh mục Đắc Lộ rất yêu Việt Nam, không muốn cho ai xâm lăng nước này đâu. Đô đốc Charles Meyer đã thuật lại lời của linh mục Đắc Lộ nói về Việt Nam: “Đây là một xứ sở thần tiên, đẹp, phì nhiêu, khí hậu tuyệt vời, và lụt lội thì mang lại những điều bổ ích”(21). Chắc linh mục muốn nói việc lụt lội đem phù sa làm mầu mỡ ruộng đồng. Ngoài ra, linh mục Đắc Lộ còn xác định lập trường của mình với Ông Nghè Bộ (một chức quan lớn coi về hành chánh và tài chánh ở Đàng Trong, không phải là ông nghè đỗ tiến sĩ): “Tôi đến xứ Nam và ở lại đây chẳng vì mục đích nào khác ngoài ý muốn giữ trọn giới răn Thiên Chúa, là đấng mà Vương cũng như tôi, và các vua chúa thế gian đều phải tôn thờ kính mến. Cho đến nay tôi vẫn rao giảng Đức Tin song không hề cưỡng bách ai theo… Vả lại, ngoài việc giảng đạo làm sáng danh Thiên Chúa, tôi hoàn toàn vâng phục mọi lề luật của nhà Vương và của quan lớn nữa” (Glorieuse Mort của A. de Rhodes) (22). Linh mục Alexandre de Rhodes đã thực tình yêu mến đất nước, con người và văn hóa Việt nam. Muốn hội nhập thành công thì phải “biết” và “yêu”. Đối với chúng ta, có thể chúng ta đã “yêu”, nhưng khi muốn hội nhập đạo Chúa vào văn hóa Việt Nam, chúng ta đã “biết” đủ hay chưa ?
GHI CHÚ
(2) (4) (6) (9) (11) (14) NGUYỄN CHÍNH KẾT, Ngôn Sứ Thời Đại Mới.
Các trang 45, 61, 67, 66, 64, 73. Hy Vọng, Hoa Kỳ 2001
(3) (5) (7) (16) NGUYỄN KHẮC XUYÊN, Để Hiểu Lịch Sử Đạo Thiên Chúa Ở Việt
Nam Đầu Thế Kỷ XVII. Các trang 130,111,139,55. Ánh Sáng, Hoa Kỳ 1994
(8) PHAN PHÁT HUỜN, Việt Nam Giáo Sử, tr 93. Cứu Thế Tùng Thư, Sài Gòn 1965
(10) (15) (17) (18) ĐỖ QUANG CHÍNH, Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659.
Các trang 41, 42, 80, 22, 23, 83. Đường Mới, Paris 1985
(12) (13) A. DE RHODES, Phép Giảng Tám Ngày. Các trang 16, 17.
Tủ sách Đại Kết in lại theo nguyên tác xuất bản tại Roma 1651
(19) Xem “Cái Nhìn Về Phật Giáo Trong Phép Giảng Tám Ngày của A. de Rhodes”,
in lại trong “Kitô Giáo Từ Thực Chất Đến Huyền Thoại” từ trang 61 tới 66.
Văn Hóa , Hoa Kỳ 1996
(20) Xem “Alexandre de Rhodes Người Đầu Tiên Vận Động Pháp Chiếm Việt Nam
Và Chữ Quốc Ngữ” của nhiều tác giả. Các trang 18, 19, 20.
Giao Điểm, Hoa Kỳ 1998
-id-, Nguyễn Xuân Thọ trích dẫn
Xem “Người Chứnh Thứ Nhất hay Thầy Giảng An-Rê Phú Yên”
Của PHẠM ĐÌNH KHIÊM. Tinh Việt Văn Đoàn, Sài Gòn 1959
Nguồn:dunglac.org