T ẠP chí Văn hóa Nghệ An số 205 ngày 25/9/2011 có bài “Đi tìm tính cách dân tộc Việt từ cấu trúc của thể loại lục bát” của Nguyễn Mạnh Hà (NMH). Bài có một số điểm thiếu chính xác, xin được trao đổi cùng tác giả.
T ẠP chí Văn hóa Nghệ An số 205 ngày 25/9/2011 có bài “Đi tìm tính cách dân tộc Việt từ cấu trúc của thể loại lục bát” của Nguyễn Mạnh Hà (NMH). Bài có một số điểm thiếu chính xác, xin được trao đổi cùng tác giả.
Xuất phát từ lục bát là thể thơ dân tộc, tác giả cho rằng “mối quan hệ giữa lục bát với tính cách dân tộc” là “mối quan hệ khả hữu”. Mặc dù viết: “Thao tác làm việc của tôi là, từ thể loại lục bát đi tìm tính cách dân tộc” nhưng trong bài, tác giả lại thể hiện cách làm việc ngược với thao tác đó, nghĩa là từ những đặc điểm (theo tác giả) tính cách dân tộc rồi áp đặt một cách ngẫu hứng vào thể loại lục bát.
Mặt khác, nhiều nhận định về tính cách dân tộc cũng như một số vấn đề khác của tác giả còn nặng về suy diễn, võ đoán, thậm chí sai sót.
NMH lý giải về nguồn gốc của lục bát Việt Nam: “Dầu thời điểm ra đời chưa được thống nhất nhưng giới nghiên cứu nhìn chung đều gặp nhau ở điểm cho rằng lục bát là thể loại văn học dân tộc, được hình thành dựa trên cơ sở nền sản xuất nông nghiệp lúa nước”. Đây là suy đoán thiếu căn cứ của tác giả, bởi vì một thực tế là trên thế giới, nhiều nước có nền nông nghiệp lúa nước từ lâu đời như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… nhưng không có lục bát, hoặc lục bát không trở thành “quốc thi”. Các nước này đều có cánh đồng “mênh mang, tít tắp”, người lao động đều có sự “thảnh thơi, thư thái”, nhưng nước họ không có thể thơ lục bát có “nhịp điệu đều đặn, luân phiên” như Việt Nam. Tác giả không chỉ ra được mối quan hệ logic từ cái riêng có của nền sản xuất lúa nước Việt đã sản sinh ra thơ lục bát. Đây là hệ quả của lối tư duy “ngược” thiếu khoa học: từ quan niệm lục bát là thể thơ dân tộc, mà dân tộc ta là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước nên tác giả cho rằng nền sản xuất lúa nước đã “đẻ” ra lục bát.
Tác giả còn nêu một số nhận định thiếu chính xác như tiêu chuẩn về cái đẹp của người Việt là “sự mảnh mai, sự hài hòa, cân xứng” (“hài hòa” là tiêu chuẩn của cái Đẹp có tính chất quốc tế) hoặc “người Việt lại thích cách diễn đạt hài hòa, đăng đối, nhịp nhàng, có vần vè” (ví dụ người Trung Quốc cũng rất thích cách diễn đạt này).
Xin hỏi tác giả, thơ Đường hàng nghìn năm nay không thay đổi về niêm luật, thể thơ, gieo vần bằng, phải chăng vì thế mà có thể dẫn đến kết luận người Trung Quốc cũng có tính cách “thích yên ổn, không thích di dịch”?
Trong phần cuối bài, NMH lại viết: “Lục bát ưa sự ổn định về mặt cấu trúc vần, nhịp, nhưng lại là thể loại có tính mở cao. Tính mở ấy không chỉ nằm ở lí thuyết kéo dài mãi số lượng câu chữ mà còn biểu hiện ở việc dễ dàng chấp nhận các lựa chọn từ ngữ, diễn đạt miễn sao đảm bảo vần, nhịp. Điều này chứng tỏ một đặc điểm trong tính cách của người Việt đó là sự dễ dãi, dễ chấp nhận”. Khi cần thuyết minh cho tính cách “thích yên ổn” của người Việt, tác giả nêu nhận định lục bát qua hàng trăm năm không thay đổi về cấu trúc, cách gieo vần. Nhưng khi cần nói về tính cách “dễ dãi, dễ chấp nhận” trong tư duy người Việt, tác giả lại nêu ra đặc tính “mở” của lục bát. Quả là “nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong”, đằng nào cũng đúng.
NMH viết: “Với sức trường tồn và tính đặc thù đó nên trên phương diện dịch thuật, việc chuyển ngữ đối với thể loại lục bát trở nên hết sức khó khăn nếu người dịch không muốn biến câu “dịch tất diệt” trở thành một câu thậm đúng”. Không chỉ đối với thể loại lục bát, mà tất cả các thể loại thơ ca khác đều có hiện tượng “dịch tất diệt” và “chuyển ngữ khó khăn” bởi vì sự khác biệt giữa các nền văn hóa, ngôn ngữ. Hiện tượng dịch bài thơ “Nguyên tiêu” (“Rằm tháng giêng”) bằng chữ Hán, thể thất ngôn tứ tuyệt của Hồ Chí Minh là ví dụ. Bản dịch của Xuân Thủy sang tiếng Việt, thể lục bát dù đã rất tài hoa song không thể sánh được với nguyên tác.
NMH nhận định: “ở đất nước sản xuất nông nghiệp lúa nước, do tính chất lao động, người phụ nữ đóng một vai trò hết sức quan trọng”. Nhận định này thiếu chính xác, bởi vì trong sản xuất nông nghiệp lúa nước, chính người đàn ông có vai trò quan trọng hơn phụ nữ do ưu thế về thể lực, kinh nghiệm. “Lão nông” trong “lão nông tri điền” là đàn ông.
Tác giả cho rằng vai trò quan trọng của người phụ nữ trong sản xuất là cơ sở cho việc hình thành chế độ mẫu hệ ở nước ta nói riêng và trong lịch sử loài người nói chung. Về vấn đề này, TS Lý Tùng Hiếu trong bài “Nam quyền trong chế độ mẫu hệ ở Việt Nam”(1) giải thích: “Chế độ mẫu hệ vốn có lịch sử rất xa xưa, nguồn gốc của nó có thể tìm thấy trong chế độ quần hôn của “thời đại mông muội”… Bởi vì con cái sinh ra chỉ biết có mẹ chứ không biết rõ về cha, và vì nguồn thực phẩm do người phụ nữ hái lượm gieo trồng ít bấp bênh hơn sản phẩm săn bắt của nam giới, cho nên có thể nói chính chế độ quần hôn và loại hình kinh tế săn câu lượm hái của thời nguyên thủy đã khiến cho vai trò của người mẹ trong gia đình trở nên trọng yếu. Từ đó mà hình thành chế độ mẫu hệ”. Tác giả Lý Tùng Hiếu viết tiếp: “Bên cạnh đó, chế độ mẫu hệ ở Việt Nam còn có một đặc điểm thứ hai, ít người biết đến hơn. Đó là ở các tộc người theo mẫu hệ này, quyền lực thực tế không thuộc về nữ giới mà thuộc về nam giới”. Từ quan điểm cơ sở thiếu chính xác, tác giả tiếp tục nêu nhận định chưa đúng về nguồn gốc của tục thờ Mẫu, đạo Mẫu trong văn hóa Việt: “Chính vì vai trò của người phụ nữ quan trọng như vậy nên ở nước ta, từ rất sớm, đã hình thành truyền thống coi trọng người phụ nữ mà đỉnh điểm đó là tục thờ Mẫu, thờ các vị thánh nương”. Nguồn gốc của tục thờ Mẫu không phải như tác giả nghĩ, mà là xuất phát từ tín ngưỡng dân gian thờ các vị thiên thần từ thời cổ đại(2) (Ngọc hoàng Thượng đế, Thần Mây - Mưa - Sấm - Sét, Thần Núi rừng, Thần Sông nước, Thần Đất) hòa trộn với tín ngưỡng ngoại lai (Đạo giáo).
Nói người Việt Nam có truyền thống tôn trọng người phụ nữ là đúng, song thiết nghĩ không nên coi đây là tính cách (tiêu biểu) của dân tộc. Bởi vì trong nền văn hóa phương Tây, người phụ nữ mới thực sự có địa vị bình đẳng, được tôn trọng và đề cao.
Tác giả cho rằng những câu mở đầu bằng “thân em”, “chiều chiều” hoặc trong hình thức đối đáp đều do người phụ nữ sáng tác. Đây là nhận định không đúng với thực tế. Trong đa số các trường hợp, không có cơ sở để nhận định bài ca là do nam hay nữ sáng tác, mà là sản phẩm của cộng đồng, mang tính tập thể. Sự “hóa thân”, “đổi vai” là chuyện thường tình trong sáng tạo nghệ thuật, ví dụ bài thơ “Tiếng hát sông Hương” của Tố Hữu. Trong các cuộc hát đối đáp, thường có một nho sỹ (là nam giới) giỏi chữ nghĩa làm nhiệm vụ “gà” lời cho các bên. Vì vậy, có bên khi bị bí đã “bức xúc”: “Đù mẹ con hát, tổ cha thằng bày”.
Tác giả có một thao tác đánh tráo khái niệm khi đưa dẫn chứng về sự khác biệt xúc cảm tình dục giữa nam và nữ để nói về “đặc điểm cơ thể” của hai phái, rồi lại áp đặt khá khiên cưỡng vào nhịp điệu thể lục bát.
NMH viết: “Một thực tế khá thú vị là các sáng tác đó thường có độ dài 2 câu. Điều này cho thấy một sự bột phát, không nằm trong logic, ngoại lệ quy luật sáng tạo thơ ca”. Chúng tôi tự hỏi, không biết có “quy luật thi ca” nào quy định thơ phải dài hơn 2 câu? Nhận định của tác giả về việc những câu thơ lục bát có độ dài trên 2 câu không có sức sống trường tồn trong lòng người dân không biết xuất xứ từ khảo sát, nghiên cứu nào. Theo chúng tôi, đây là nhận xét thiên về cảm tính, không đúng với thực tế. Người dân thuộc bài 2 câu nhiều hơn, đơn giản vì nó ngắn, dễ nhớ, dài hơn thì khó nhớ hơn. Trong thực tế, nhiều bài có tính phổ cập rất cao có độ dài trên 2 câu như “Công cha như núi Thái Sơn”, “Anh đi anh nhớ quê nhà”, “Ngày nào em bé cỏn con”, “Làng ta phong cảnh hữu tình”, “Thằng Bờm”... Tác giả chỉ thấy mặt hạn chế (về đặc điểm tư duy người Việt) qua thể lục bát 2 câu, mà chưa thấy được tính chất đặc sắc, ưu điểm của nó là sự cô đúc, nói ít gợi nhiều, có sức lắng đọng, lan tỏa sâu xa, vô cùng trong tâm trí con người. Đó là biểu hiện của một dân tộc có tư duy đã đạt đến một trình độ rất cao, chứ không phải hạn chế, có phần ngây thơ như tác giả nghĩ.
Việc quy kết do tư duy thiên về cảm tính, thiếu chiều sâu nên người Việt thường quan tâm đến các tin “giật gân” trên báo chí cũng không đúng. Đưa tin giật gân, câu khách, giải trí, “tin vịt”… vốn xuất phát từ phương Tây, gần đây mới được báo chí Việt đua nhau bắt chước. Nói thế cũng để thấy, người phương Tây cũng rất thích, rất quan tâm đến thể loại này, mặc dù họ vốn được xem là có lối tư duy duy lí, logic, có chiều sâu, dài hơi, không “bột phát rồi chợt tắt” như người Việt.
Thiết nghĩ, sẽ hay hơn, đúng hơn nếu tác giả chuyển bài viết sang dạng tùy bút hơn là một bài báo khoa học.
2245
2367
22592
228733
129483
114570209