Những góc nhìn Văn hoá

Văn hoá đặt tên của người Thái ở Quỳ Châu

Người Thái ở Quỳ Châu có câu ca Lực ồm piêng Pọ khư táng Pọ/ Nỏ nháo piêng lắm táng lắm có nghĩa là: Con lớn bằng bố thay bố/ Măng lớn thành cây thay cây. Đối với họ, đặt tên cho con là việc làm hệ trọng, gửi gắm nhiều mong muốn tốt đẹp của các bậc làm cha mẹ cho đứa con vừa sinh thành. Vì thế, mỗi đứa trẻ ra đời, người Thái đều tổ chức lễ đặt tên, còn gọi lễ Ọoc cọ. Từ ngàn đời nay, lễ Ọoc cọ đã trở thành nét văn hóa đầy tính nhân văn của người Thái.

 
Theo lễ tục, các bà mẹ sau khi sinh phải sưởi lửa ba ngày để trừ ma và phòng bệnh tật. Khi hết thời gian sưởi lửa, gia đình tổ chức lễ thôi sưởi lửa (nhái táu pháy hoặc ọc táu pháy, ọoc cọ). Đứa trẻ sẽ được đặt tên trong buổi lễ này.
Lễ đặt tên được tổ chức theo nghi thức cúng tế, dù giàu hay nghèo, dù đơn giản hay cầu kỳ, thì lễ cúng nhất thiết phải có 2 mâm. Một mâm cúng tổ tiên ông bà, thưa với tổ tiên về thành viên mới trong gia đình; một mâm cúng hồn vía đứa trẻ. Các món dâng cúng đều là sản vật ở địa phương được bày trên mâm như: thịt lợn luộc có đầy đủ, đầu đuôi, lòng; họ mọc cá, họ mọc gà được gói bằng lá chuối hoặc lá dong rừng, đây là những món không thể thiếu trong lễ cúng vía. Ngoài ra còn có trầu cau, rượu chai, rượu cần, áo sơ sinh của đứa trẻ, vòng bạc,...
Buổi lễ đặt tên diễn ra hết sức trang trọng. Bà mối làm nhiệm vụ đọc lời cúng làm vía cho cháu, tay cầm chiếc áo sơ sinh của bé và thời gian cúng rất lâu. Nội dung bài cúng kể về quá trình lớn lên, trưởng thành của đôi vợ chồng, lấy nhau và có mang, sinh nở vất vả, xin bà mụ phù hộ cho con cháu khoẻ mạnh. Trong dân gian truyền tụng thì bà mụ được quan niệm là bà mẹ trên mường trời chuyên đúc người bằng một cái máng. Bởi vậy các bà mẹ người Thái sinh con khi lớn từ 5 tuổi trở lên đều mời thầy mo cúng tìm tên Bà Bàu (Mẹ Cuồng, Mẹ Náng) cho con. Sau đó mọi người ngồi quây quần bên mâm cúng và buộc chỉ cổ tay (xù khoắm) cho cháu bé và những người có mặt trong buổi lễ, cầu mong cho ai cũng có sức khỏe và gặp nhiều điều tốt lành.
Với người Thái, việc đặt tên cho con là cả một sự kiện trọng đại. Vì thế mỗi cái tên cha mẹ đặt cho con trong lễ Ọoc cọ gửi gắm vào đó bao tình yêu thương, bao niềm hy vọng và bao mong ước cho con sau này có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy. Có những ước vọng lớn lao như gắn chữ Chàng - tinh thông, Hán - dũng cảm, nhiều khi chỉ là một mong muốn hết sức giản dị qua cái tên Piêng - tức là bằng chị bằng em. Những gia đình hiếm muộn, những đứa trẻ có anh, chị nó đã qua đời đặt tên cho con thật xấu để ma chê không bắt. Có khi tên của con cháu đặt là Cong, thể hiện tất cả kỳ vọng của ông bà, cha mẹ, Cong - có nghĩa là hy vọng hoặc là ao ước.
Bậc làm cha mẹ nào cũng mong muốn con cái mình hạnh phúc, có một cuộc sống đầm ấm. Điều đó được thể hiện qua cái tên là Ùn - tức là ấm, hoặc là quý nhau, tên Chừ là nhớ nhau.
Nhiều cái tên rất giản dị, trìu mến như Nhinh - là gái, Chai - là trai, Co - là cây, La - là con út, Piêng - là bãi bằng phẳng rộng, Xại - đẻ giữa trưa, Cù hoặc Tối - là mong có anh chị em. Còn những cái tên như Pắn - có nghĩa là chia, chia nhau cùng hưởng, Ét - là bé yêu hay nũng nịu, Chôm là mừng, Mớng là chúc tụng, Pọm là một lòng.
Tên các loài hoa cũng hay được dùng để đặt tên như Bọc - là hoa, Bua là sen. Khi mong cho con cháu là người nhẹ nhàng thanh thoát thường đặt tên là Dong, mong con cháu thành người nổi tiếng đặt tên là Siếng - tức là tiếng, hoặc con cháu mình đủ năng lực dẫn dắt, dìu dắt người khác nên người thường đặt tên là Chung hoặc Chả. Có khi ông bà, cha mẹ đặt tên con cháu gửi gắm vào đó những điều lớn lao như Chưa là làm giống, Chớ là tấm lòng, Kháng là gang với ngụ ý cứng rắn, bền vững, Tài hoặc Piền - mong con có cuộc sống thay đổi, đủ khả năng thay thế cha mẹ.
Cũng có khi người con khó nuôi, phải dựa vào người khác mới nên người được đặt lên là Pừng - là dựa vào, hoặc Inh - dựa vào họ ngoại, Giang là sấy. Mỗi đứa trẻ người Thái ra đời đều được đặt vào cái mẹt sảy gạo để chúng hấp thụ hồn lúa gạo, mong chúng hay ăn, chóng lớn, mau khôn; khi đứa trẻ hay đau ốm, khó nuôi, người nhà lấy mẹt hơ lên lửa để trừ ma tà. Với trường hợp đứa trẻ đau ốm mãi, gia đình mời thầy mo về cúng vía, xin âm dương cầu xin bà mụ - Nhà Thau đặt tên khác với quan niệm: Cày mí chừ pờ hốn/ Cốn mí chừ pờ Nhà Thau - nghĩa là: Gà có tên nhờ bộ lông/ Người có tên nhờ bà mụ.
Vợ chồng sinh con còi cọc đặt tên là Kía, cuộc sống vất vả nghèo khổ đặt tên con là Báu, Mên có nghĩa là củ nâu, củ sắn để con dễ nuôi và mong cho con có cuộc sống khá hơn bố mẹ. Khi không có con, phải nuôi con nuôi để có người nuôi dưỡng và thờ tự lại đặt tên là Ớn - tức là cảm ơn. Còn khi đặt tên con là Bun Khun thì lại là sự gửi gắm, mong cho con và gia đình được hưởng phúc, lộc, thọ.
Ngày nay, sự giao thoa và tiếp biến giữa các nền văn hóa, các dân tộc anh em diễn ra rất sôi động, vì thế văn hóa cũng đa sắc màu hơn và người Thái có cách đặt tên với nhiều ý nghĩa hiện đại hơn, phong phú hơn như: Đức, Nghĩa, Tâm, Minh, Quyên... Nhưng cho dù có sự hòa nhập của các nền văn hóa khác nhau nhưng người Thái vẫn đặt tên con theo truyền thống của tổ tiên, song song với tên trong khai sinh, nhằm chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, thể hiện những ước mơ, khát vọng của con người vươn tới cái đích của chân - thiện - mỹ. Đặt tên cho trẻ mới ra đời trong lễ cúng vía đầu tiên là nét văn hóa riêng có của người Thái ở Quỳ Châu, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái vùng Tây - Bắc Nghệ An ¢

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570254

Hôm nay

23

Hôm qua

2287

Tuần này

23

Tháng này

228778

Tháng qua

129483

Tất cả

114570254