Những góc nhìn Văn hoá

Mai Quỳnh Nam - từ CÁC SỰ VIỆC RỜI RẠC đến PHÉP THỬ THUẬT TƯ BIỆN

1. Các sự việc rời rạc (NXB Hội Nhà văn, H., 2002)
Mới xem qua về hình thức, thơ Mai Quỳnh Nam có vẻ như là nghịch lý giữa một bên là những quan sát thực tế, những chi tiết bắt nguồn từ đời sống hiện thực qua các bài Thấy và ghi lại, Tin ngắn, Tường thuật, Lính trinh sát, Lời người nhặt rác, Kinh nghiệm đương thời... và phía bên kia là những chiêm nghiệm, những suy tư suy tưởng giàu tính triết lý qua các bài thơ không có tiêu đề và những Lô gic khác, Quan hệ giới, Sự phản kháng...

Bạn đọc có quyền hỏi - với tất cả những sự việc có vẻ rời rạc, ý tưởng rời rạc và câu chữ cũng rời rạc nốt - liệu thơ Mai Quỳnh Nam có phải là thơ! Ông nhà thơ không trẻ chưa già đã một thời đi qua chiến tranh và trở thành nhà nghiên cứu thứ thiệt về xã hội học - văn hóa học liệu có quá sùng tín thơ ca, quá yêu thơ mình và tin yêu cả cách nói của riêng mình? Những người quen biết đều biết rằng Mai Quỳnh Nam in thơ không nhiều lắm, không chuộng chạy theo số lượng, không chạy theo mùa vụ và cứ một mình đắm say với lối viết kẻ cả vừa hiện thực vừa siêu thực. Ngay chùm các bài thơ không có tiêu đề của ông có khi được dệt nên bằng cảm xúc trong veo, được tinh lọc từng chữ từng thanh: Ánh sáng dịu dàng/ tỏa ra/ từ khiếm khuyết vầng trăng, khơi gợi một điều gì sâu lắng tựa như đọc thơ haiku (Nhật Bản); khi khác lại như một họa sĩ siêu thực vung vẩy sắc màu tạo nên bức tranh mà với người này là kiệt tác còn với ai kia chỉ biết để che mái chuồng gà:
Các cô gái đẹp tựa tiên sa ào ã mưa rào
 kết thành sóng
 những xung động ảo
 hoặc nữa:
Hành vi đen nhọn sắc
 ánh sáng mênh mông
 không phủ khắp...
Thiên về lối thơ suy tưởng, Mai Quỳnh Nam thường không viết về các dạng tình cảm cụ thể, sự kiện cụ thể, con người cụ thể và đặc biệt không có lấy một địa danh cụ thể nào. Tất cả được đặt trong các quan niệm, các mối quan hệ, các tương quan, các chỉnh thể lớn và nhỏ. Tất cả đều được nhìn nhận trong các liên kết, các tương tác nhằm biểu đạt và thể hiện những cách hình dung khác nhau về lẽ tự nhiên, về sự sống đời người và số phận con người, bắt đầu từ những thành viên thân thuộc nhất:
 anh, em và con
 thành tam giác gia đình
 một thế giới đẹp xinh
 mở ra nhiều thế giới
 (Liên kết nhỏ)
Đó mới chỉ là một mảng liên kết trong vô số những sự việc rời rạc bất tậnkhông có khởi đầu và kết thúc, những chuyển động của cà phê và sữa, hạt và phản hạt, hy vọng - không hy vọng, lửa - lụi tàn và sức cháy, vết than - mầm cây và mặt trời... Có một điều gì tựa như cội nguồn tâm thức phương Đông, từ Nhất mà biến hóa đến Vô cùng, cảm nhận “một” mà không hẳn đối lập với “những” qua các bài: Một người, Một người nữa, Lại một người nữa, Về một cảnh quan cũ, Thông cáo kiểu Maiacốpxki về một cái chết hành chính và bên kia là Những ngày, Những chiếc đĩa hát, Những nét vẽ... Từ đây tôi đọc được đằng sau cách hình dung về thế giới với những giới hạn và chuyển động không ngừng là tâm thức khâm phục đến tuyệt đối các qui luật tự nhiên. Tự nhiên trước hết là một sức mạnh, một uy lực bí hiểm. Trong đêm đen thật buồn, những đứa trẻ lang thang tìm nơi trú ngụ đã vẽ lăng nhăng lên bức tường khung kính nhà buôn - ám tượng về lẽ nhân vi phản tự nhiên, về cái giàu và cái nghèo, về những số kiếp con người. Thế rồi những ám tượng “thiên nhân cảm ứng” vô thức ấy đã chuyển hóa thành cơn giông, thành những tia chớp lằng nhằng và chói đỏ:
                                       hình như thiên nhiên
                                       tỏ thái độ về một điều gì đó
                                                                   (Những nét vẽ)
Thể hiện tâm thành trước tự nhiên, nhà thơ nuối tiếc tính đếm từng khoảng khắc tháng ngày, đồng nhất mình với từng nét đẹp sự sống trong cõi vô cùng vô tận của thời gian:
nắng trôi qua đã trọn một ngày
 một cánh chim bay, một niềm hy vọng
 trong ký ức thời gian xa thẳm
 (Cuối ngày)
Nhà thơ đặt con người cá thể muôn thuở băn khoăn với câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại” đối diện cùng ngoại giới, cảnh vật:
ngoài trời, tuyết đang rơi
 trong thế giới tự nhiên biến đổi
 (Một người)
Mai Quỳnh Nam không viết nhiều về thiên nhiên nhưng những phác họa về thiên nhiên thường bao giờ cũng có ý nghĩa thống lĩnh thế giới và hình bóng con người chỉ càng tôn vinh vẻ đẹp man mác của thiên nhiên:
                                   đám thợ cày tát nước đêm đông
                                   gió hun hút, dòng sông lạnh ngắt
                                   bữa tiệc tối thiên nhiên bày đặt
                                   rải từ trời xuống đất trắng và đen
                                                            (Sự bày đặt của thiên nhiên)
Rút cuộc nhà thơ tìm về thế giới tự nhiên, thực hiện cuộc hòa giải với tự nhiên, lựa chọn lối sống hòa hợp cùng tự nhiên trong nguyện ước tâm tưởng:
                                   thôi, đành hẹn cùng nhân loại cổ
                                   ta về rừng nguyên thủy, nguyên sinh
                                   đem đổi hết những khối hình đơn điệu
                                   lấy xum xuê, thô ráp, tươi lành
                                                                       (Hiện đại)
Tôi nghĩ rằng thơ Mai Quỳnh Nam hẳn vẫn kén chọn bạn đọc. Mỗi người đọc cũng sẽ có cách tiếp nhận khác nhau. Riêng tôi cho rằng thơ ông đã có đường nét, hướng thử nghiệm của ông sẽ góp phần làm cho diện mạo nền thơ hiện đại thêm phần phong phú. Thơ Mai Quỳnh Nam - Các sự việc rời rạc, những suy tưởng hướng về các tương quan trong một thế giới thuận theo tự nhiên, đang cần được sắp xếp lại theo lẽ tự nhiên. Thơ Mai Quỳnh Nam - Các sự việc rời rạc, những bài thơ chỉ viết hoa chữ mở đầu, không có dấu cuối dòng, không có dấu cuối bài, để mở câu chữ ùa tràn về phía người đọc...
           
2. Phép thử thuật tư biện (NXB Hội Nhà văn, H., 2007)
Tôi đã từng băn khoăn tự hỏi: Thơ Mai Quỳnh Nam có thực là thơ? Thơ ông thật giàu suy tư suy tưởng nhưng lại đi đến phá vỡ mọi hình thức thể loại thi ca truyền thống, chủ ý gia tăng nhịp câu, giảm vần điệu, khó đọc khó ngâm và thường khó nhớ khó thuộc. Đơn cử một bài thơ không nhan đề:
Cả rừng lau trắng ngời
trôi
            không luân hồi
Rõ ràng "rừng lau" là một thực thể, một thực tại, một hiện thực cố định. Thế nhưng "rừng lau trắng ngời" kia có thể "trôi" lại gợi liên tưởng đến những đám mây. Cái sự "trôi - không luân hồi" có thể đúng với đám mây đã một đi không trở lại - "Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay" - nhưng cánh rừng lau kia biết có luân hồi với không luân hồi? Hay chính sự "trắng ngời" của cả rừng lau đã đạt tới tính phổ quát, đạt tới sự hiện hữu trong tâm tưởng ngỡ như không có cả luân hồi, không cần đến luân hồi, không biết đến luân hồi. Bài thơ ba - câu - văn - nói ngắt nhịp ba dòng kia có thể đã được viết theo phong cách haiku hay chính là một áng haiku có thể trộn lẫn trong bất cứ tập thơ dịch haiku nào khác?!
Thơ Mai Quỳnh Nam thuộc dòng thơ triết lý, thiên về chiêm nghiệm, muốn truy tìm một điều gì sâu xa đằng sau những sự kiện, hiện tượng, nhân vật, con số cụ thể. Nhà thơ thường đi từ quan sát đến nhận xét và mở ra những suy tưởng lớn lao:
                        Bên thần miếu có con nhân sư
                        nó là thứ nửa người, nửa ngợm
            tái diễn bi kịch lớn
Bản thân con nhân sư "nửa người, nửa ngợm" gợi nên bản chất CON và NGƯỜI, có khi "người thắng ngợm", có khi "ngợm thắng người". Con nhân sư tự ngàn xưa đã thế, vẫn thế và tiếp tục "tái diễn bi kịch lớn". Nhà thơ cùng chúng ta nhìn nhân sư mà phát hiện ra tấn bi kịch con người, cảnh giác với con người, thức tỉnh bản tính người trong mọi con người.
Theo lối thơ chiêm nghiệm, Mai Quỳnh Nam thật hiện đại lại xuôi dòng tâm thức phương Đông trong cách nói:
                        Công có bộ lông rất đẹp
                        nhờ tắm ánh nắng mặt trời
                        người ta vẫn nói vậy thôi:
                        - Công có bộ lông rất đẹp!
Bài thơ mang hình thức "thủ vĩ ngâm" này được tác giả cẩn thận ghi chú: "Các quan sát quang phổ cho thấy màu sắc huyền ảo ở bộ lông công, nhất là ở phần đuôi, là kết quả của hiện tượng pha màu, do có sự tương tác giữa ánh sáng với cấu trúc của lông công, chứ không phải bởi chính các sắc tố của chúng". Nhà thơ cẩn thận quá! Lại nhớ câu chuyện công án Cây tùng ở ngoài sân của thiền sư Triệu Châu. Hãy nhìn cây tùng ở ngoài sân, khi ta nói "Cây tùng" thì đó không còn và không phải là cây tùng như ta vừa nhận thức. Cây tùng là một tổng hợp của những lá, cành, thân, rễ, là phức hợp của những vỏ, gỗ, cuống lá, gân lá, diệp lục... Thiền sư nói: Khi chưa học thiền, ta thấy cây tùng chỉ là cây tùng. Khi học thiền ta thấy cây tùng không chỉ là cây tùng. Học xong thiền ta thấy cây tùng vẫn chỉ là cây tùng. Nhà Phật học Nhất Hạnh diễn giải: "Nhưng cây tùng ở ngoài sân kia, ai mà chẳng thấy? Nếu ta đặt một câu hỏi như thế thì quả thực ta chưa trông thấy cây tùng. Có thể hàng chục lần một ngày ta đi ngang qua cây tùng, có thể hàng chục lần một ngày ta ngắm nhìn cây tùng, nhưng chưa chắc ta đã thực sự thấy cây tùng...". Có phần nào tương đồng, con người ta cùng nhìn ngắm, cùng nói một lời "Công có bộ lông rất đẹp" nhưng khả năng thâm nhập đối tượng, sự chiêm nghiệm và hiểu biết lại khác xa nhau biết bao nhiêu.
Thơ Mai Quỳnh Nam in đậm dấu ấn cá nhân, cá thể. Ông chiêm nghiệm để chấp nhận, thừa nhận cái cá nhân, cá thể và đi đến xác định cái riêng, cái đơn côi, đơn nhất không chỉ là đặc điểm hình thức bề ngoài mà chính là một phẩm chất, một giá trị:
Đám mây màu hồng nhạt
                                    đang chuyển dần sang xanh
con ơi, vầng mây trắng
nhiều khi trôi một mình...
Cảm nhận về sự tồn tại con người trong dòng luân chuyển của thời gian, nhà thơ nhìn về phía chiều tà, nhìn về bến đợi, soi lại tháng ngày và định hướng cõi hư vô:
Anh đi cùng em trong cuộc đời này
                                    qua một số bến
                                    qua rất nhiều gian nan
                                    khi chết
                                    mỗi người văng về một nơi trên thế gian.
Ở đây, tất cả những "anh", "em" không chỉ là lứa đôi cụ thể trong cuộc đời này mà đã đạt tới biểu trưng của những tương tác, những quan hệ, những hiện hữu giả tạm trong vũ trụ vô cùng vô tận và trước thời gian vô thủy vô chung... Nhà thơ cực tả cái cá nhân, lâm thời đẩy cảm xúc chủ quan thành sự thống lĩnh, tuyệt đỉnh, duy nhất:
Không một ai ngoài anh
                        tất cả, anh là duy nhất
nếu giả định này có thật
                        thì anh đồng nghĩa với trái đất.
Không chỉ bàn về cái cá nhân qua sự chiêm nghiệm, Mai Quỳnh Nam còn bày tỏ được cái cách chiêm nghiệm, cách đo nhìn, cách tự biểu hiện cảm xúc cá nhân với những quan sát tinh tế, trẻ thơ, duy mỹ, duy cảm, thăng hoa những quan sát sự việc đời thường thành ấn tượng phổ quát và một vẻ đẹp xao lòng, viên mãn, tràn đầy:
 Tiếng lá chạy lạt xạt mặt đường
Tiếng hạt ngô tí tách trên bếp than hồng
chớm sang đông,
thoáng chút rùng mình trong se lạnh
chợt hiện một xao xác xa xôi thời son trẻ
đời đẹp và buồn đến thế...
 (Mùa)
Đến bài thơ Những câu hỏi, nhà thơ chất vấn về cuộc đời những con người bình dị, về hiện thực chiến tranh bi hùng, về số phận người lính đi ra từ cuộc chiến để rồi tìm đến lời kết:
Khởi nguồn từ sông Lam...
có biết bao câu hỏi
trong đầu Mai Quỳnh Nam...
Đến lúc này, nhà thơ vốn ở ngôi thứ nhất chủ thể lại đóng vai trò người kể chuyện, mô tả về những câu hỏi trong đầu một nhân vật - khách thể Mai Quỳnh Nam nào khác. Có thể nói đây chính là sự phân thân giả tưởng trong cảm xúc nhà thơ, từ đó đạt tới khả năng đồng nhất ý thức con người cá nhân tác giả với câu hỏi đặt ra mang tính khách quan và đại diện cho tiếng nói của mọi con người.
Gắn với chất triết lý, suy nghiệm và đặt cược niềm tin vào con người cá nhân, thơ Mai Quỳnh Nam luôn trăn trở đặt lại vấn đề, luôn tự phản biện, tự ý thức và phát hiện ra những tứ thơ, những hiện trạng mới khuất lấp sau những thói quen đã trở thành định kiến: thời gian để suy tính - mệt hơn chính công việc. Rồi ông thức tỉnh và đốn ngộ ra hệ quả gắn với cái điều người xưa thường gọi là "nhân vi":
không có việc đó - chưa chết
có - có thể chết ngập trong việc đó
                                                            (Sự lựa chọn)
Khi khác, hồi tưởng lại câu chuyện tình yêu, nhà thơ mãn nguyện trong hồi kết tuyệt vời hạnh phúc nhưng dường như vẫn tiếc nuốicho những hao phí, những ước lệ và tháng ngày không tải:
 thực tế, chúng ta đã mất
đã mất rất nhiều
trong thời gian chờ đợi tình yêu
 (Ngày 3 tháng 10)
Phù hợp với dòng thơ chiêm nghiệm, giàu chất triết lý, hình thức thơ Mai Quỳnh Nam cũng bộc lộ những lối nói riêng, cách biểu cảm riêng. Thơ ông thường nhiều điệp từ, nhiều giả định, nhiều câu hỏi, nhiều cách lật đi lật lại vấn đề, nhiều cách đảo câu đảo chữ:
                        Cá sống dưới nước
                        rắn sống dưới nước, trên bờ
                        người không phải động vật lưỡng cư
                        sống cả trên bờ, dưới nước
                        thích nghi theo qui luật
                        nước - bờ
                        bờ - nước
                                                            (Sự thích nghi)
Hoặc nữa là một cách chơi chữ, một lối "thả lá thơ chơi" để tạo nên cách nói mới, ngồ ngộ, gợi cảm:
                        Những con thú nhồi bông chẳng khóc, chẳng cười
                        thuần túy đồ chơi
                        đồ chơi thuần túy...
                                                            (Tặng cô bé đang lớn)
Tôi xin nhắc lại, thơ Mai Quỳnh Nam kén chọn bạn đọc, thiên về lối thơ để đọc và chiêm nghiệm, không thuộc dòng thơ để ngâm, để ca hát, để truyền miệng thuộc lòng từ người này sang người khác...
 
 
                                                                                    (Tạp chí Nhà văn, số 10-2003;
Văn nghệ, số 31, ra ngày 4-8-2007)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570226

Hôm nay

2262

Hôm qua

2367

Tuần này

22609

Tháng này

228750

Tháng qua

129483

Tất cả

114570226