Những góc nhìn Văn hoá

Bùi Duy Tân là một nhà nghiên cứu có bản lĩnh học thuật*

Lịch sử nghiên cứu văn học Việt Nam ở nước ta trong thế kỷ XX đã bắt đầu từ khá sớm, với nhiều tên tuổi đã trở nên quen thuộc với những ai quan tâm tìm hiểu văn học dân tộc. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, phải đợi đến thế hệ thứ ba là thế hệ như Phó giáo sư Bùi Duy Tân, chúng ta mới thấy có một sự chuyên môn hoá ở mức độ cao trong một lĩnh vực nghiên cứu.

Bùi Duy Tân đã có trên bốn mươi năm chuyên nghiên cứu và giảng dạy (ở bậc đại học) văn học Việt Nam từ thế kỷ X cho đến đầu thế kỷ XVIII. Nói như vậy để chúng ta có ngay một ý niệm về thẩm quyền chuyên môn và độ tin cậy của các trang viết được kết tinh bằng sự suy nghiệm, khảo cứu trong suốt quãng đời gắn bó trung thành của ông với một giai đoạn xác định của lịch sử văn học.

Những bài viết được tuyển chọn trong tập sách phản ánh trung thành định hướng nghiên cứu và sở trường của tác giả. Do sự quy định riêng của đối tượng nghiên cứu – các tác phẩm văn học trung đại vốn được viết bằng chứ Hán và chữ Nôm – sự nghiệp nghiên cứu của ông gồm hai mảng có gắn bó hữu cơ : khảo và luận. Phần khảo văn bản, tư liệu mang đậm phong cách của các thế hệ đi đầu khai phá mảnh đất văn học trung đại, cẩn thận, tỷ mỷ. Điều này là dễ hiểu. Giai đoạn văn học từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII khá xa chúng ta về mặt thời gian. Phần lớn văn bản thơ văn, tài liệu về tác giả, về tác phẩm, về các hiện tượng văn học đã trải qua một quá trình lưu truyền, sao chép, sửa chữa, việc sử dụng chúng đòi hỏi phải thẩm định thận trọng, đòi hỏi một thái độ hoài nghi khoa học. Mặc dù các thế hệ khác nhau đã có nhiều đóng góp cho việc khảo cứu văn học trung đại, song không vì thế mà không kiểm tra lại, kể cả kiểm tra lại chính bản thân văn bản đã công bố, đặt lại nhiều vấn đề về tác giả và văn bản tưởng như đã có câu khẳng định cuối cùng. Việc khảo, việc đặt lại nhiều vấn đề như thế là nhân tố quan trọng đã đem lại sự hứng thú cho người đọc công trình này.
Dựa vào văn bản Đại Việt sử ký toàn thư, dựa vào các tài liệu mới phát hiện của các đồng nghiệp nghiên cứu Hán Nôm, dựa vào gợi ý của các GS. Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Kiều Thu Hoạch,… Bùi Duy Tân đã kiên trì góp phần trả lại sự thật lịch sử cho một vấn đề tưởng như đã thành định đề, đó là câu chuyện về tác giả bài thơ ta vẫn quen gọi là Nam quốc sơn hà. Trong số các đồng nghiệp có quan tâm vấn đề tưởng như nhỏ và vô hại này, ông là người kiên trì lên tiếng bằng cách viết đến năm – sáu bài khác nhau, công bố trên hơn chục sách báo, tạp chí ở trung ương và địa phương (Hà Nội, Vĩnh Phúc), để cải chính rằng đây là tác phẩm vô danh thị, không phải của Lý Thường Kiệt như nhiều người cho đến nay vẫn nghĩ. Thực ra tầm quan trọng về mặt khoa học của việc xác định tác phẩm là vô danh hay hữu danh lớn hơn chúng ta tưởng. Khẳng định tác phẩm vô danh là sáng tác tập thể sẽ quyết định đến sự đổi mới việc bình giảng bài thơ, từ đó, buộc ta phải đi tìm cơ sở văn hoá – lịch sử để cắt nghĩa hiện tượng lưu truyền rộng rãi bài thơ và xa hơn, đối với nhà văn học sử, hiện tượng sáng tác tập thể về đề tài đất nước như thế sẽ buộc nhà nghiên cứu phải trình bày lại bức tranh văn hoá ở những thế kỷ đầu thời tự chủ, niềm tin vào lực lượng tâm linh, vào âm phù, sự phổ biến của sấm ký như là những cách sử dụng có hiệu quả tín ngưỡng tâm linh của con người Đại Việt, để phục vụ cho mục tiêu khảng định nền độc lập dân tộc, khẳng định thiên mệnh của các triều đại phong kiến Đại Việt, động viên tinh thần chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc. Những điều này bị bỏ qua nếu như ta vẫn cứ theo thuyết đã phổ biến cho rằng bài thơ là của Lý Thương Kiệt.
Những khảo cứu của Bùi Duy Tân về văn bản, về từ ngữ, mới nhìn có vẻ là tiểu tiết nhưng thực ra rất quan trọng. Do một lỗi dịch sai mà từ bốn chục năm nay chúng ta đã ngâm nga câu thơ dịch ấy " ức Trai lòng sáng như sao Khuê". Nhưng tại sao lòng lại sáng như sao Khuê, một so sánh không thành công và cũng không thấy được dùng trong thơ văn thời trung đại ? Nếu trả lại cho câu thơ cách dịch đúng "Văn chương Nguyễn Trãi lòng soi sáng", hiểu Khuê tảo là Văn chương, chúng ta sẽ nắm vững thêm một lần nữa, việc các triều đại phong kiến xưa vì đề cao văn chương mà đánh giá cao Nguyễn Trãi, sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trãi có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn.Bùi Duy Tân đã dẫn ra rất đúng chỗ lời đề tựa của Ngô Thế vinh cho thơ Nguyễn Trãi (Than ôi ! Trong trời đất không gì lớn hơn văn chương). Về danh xưng Tao đàn, ông đã truy tìm tận các tư liệu gốc và chưa thấy có văn bản gốc nào ở thế kỷ XV viết về thành lập hội Tao đàn và danh nghĩa Tao đàn. Cụm từ Tao đàn phó nguyên suý chỉ có trong bản in của Tồn Am gia tàng, thời Minh Mạng (thế kỷ XIX). Rõ ràng Tao đàn và các danh ngữ kèm theo là do người sau đặt ra, đưa vào các thư tịch đời sau. Tất nhiên, lôgic của nhận xét này là khá quan trọng, thậm chí tầm quan trọng của nó chính Bùi Duy Tân cũng không hình dung đầy đủ. Bởi lẽ, nếu đi sâu vào khảo sát, tìm ra lí do thúc đẩy người đời sau nghĩ ra danh xưng Tao đàn sẽ cho thấy thêm những khía cạnh khác của lịch sử văn học. Chẳng hạn, có thể nghĩ tới sự lí tưởng hoá, một ước mơ của các nhà nho các đời sau về một quan hệ vua tôi tốt đẹp khó lặp lại của thời Lê Thánh Tông, một sự lí tưởng hoá của hậu thế, theo hướng không tưởng xã hội, nền thịnh trị của triều đại này nhằm gián tiếp phê phán chính sự đương thời,… nếu tác giả có điều kiện triển khai sâu hơn những vấn đề như vậy thì ý nghĩa của các phát hiện của ông sẽ được nâng lên tầm mức khác.Những phát hiện, chỉnh lý của ông về văn bản thơ văn Phùng Khắc Khoan có cả tư liệu đem từ Hàn Quốc về được in trong một tập sách chuyên khảo ở Hà Tây, có trích đăng ở đây là một thành tựu rất đáng nghi nhận về văn bản học một tác gia lớn.
Với tư cách là nhà nghiên cứu văn học sử, ông cố gắng theo dõi các sự kiện văn học, cố gắng chính xác hoá để khắc phục tình trạng hàm hồ vẫn xuất hiện đây đó. Ông chưa kịp đưa vào công trình này một số khảo sát mới đây đã công bố hoặc mới ở dạng bản thảo chưa in đã được ông phát biểu từ lâu, nhưng tôi do chỗ quen biết nên được ông chia xẻ. Ví dụ cải chính lại vấn đề tác giả bài thơ Ngư nhàn vẫn được mọi người trong đó có chính ông đã xem là của Không Lộ thiền sư (đã đăng trên Tạp chí văn học), đặc biệt khảo sát lại kỹ lưỡng văn bản Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo,… lấy từ bản gốc tốt nhất Đại việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên. Từ những khảo cứu ấy, có thể giới nghiên cứu phải điều chỉnh lại cách hiểu, cách nghĩ tưởng như đã định hình, về một số kiệt tác của văn học trung đại.
Bùi Duy Tân là một nhà nghiên cứu có bản lĩnh học thuật. Chúng ta đều biết, một nền văn học được xây dựng không chỉ bởi các tác giả lớn mà còn cả một đội ngũ tác giả nhiều tầng bậc. Ông không chỉ tập trung vào nghiên cứu các tác giả, tác phẩm lớn đã được công nhận rộng rãi (như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm) mà còn đi vào khảo cứu các tác gia có tầm cỡ vừa phải, đến nay vẫn ít được mọi người quan tâm. Chúng ta biết ông đã chủ biên, tham gia dịch thuật, nghiên cứu về những tác gia như Thái Thuận, Nguyên Bảo, Phùng Khắc Khoan, Đào Duy Từ, Nguyễn Tông Quai, Mạc Thiên Tích,… nhờ vậy mà độc giả có cơ hội hình dung đầy đủ hơn bức tranh phong phú, nhiều màu sắc, nhiều giọng điệu của văn học dân tộc,... Bản lĩnh học thuật của ông còn thể hiện rõ ở chỗ ông nắm rất vững lịch sử nghiên cứu, luôn cố gắng trả lại công đầu cho những ai đã đạt ra một vấn đề mới, dù cho vấn đề đó đã được ông hoặc ai đó phát triển. Ông ghi nhận công của Vũ Nho như là người đầu tiên đã chính thức đặt vấn đề về việc dịch sai hai chữ Khuê tảo, yêu cầu phải lưu ý rằng người đầu tiên đã đưa ra cách giải thích hai chữ tồn nghi từng làm đau đầu giới nghiên cứu "song viết" là "song nhật" (tức ngày chẵn) là Bùi Văn Nguyên chứ không phải Nguyễn Quảng Tuân,… Những chi tiết cũng tưởng chừng nho nhỏ như thế lại là vấn đề lương tâm và nhân cách của nhà khoa học đáng trân trọng, nhất là trong lúc "thị trường khoa học" ở ta đang không phải là không có vấn đề.
Bùi Duy Tân cũng tỏ ra chắc chắn và sâu sắc trong phần luận. Là một nhà nghiên cứu đồng thời là nhà giáo giảng dạy văn học ở bậc đại học, ông có nhiều kinh nghiệm luận bàn văn chương trung đại. Những trang viết khái quát súc tích, chắc chắn về văn học trung đại Việt Nam xét từ điểm nhìn, từ hệ thống vấn đề như về quan niệm văn học, về hệ thống thể loại văn học Việt Nam thời cổ, khảo luận văn học về thế kỷ XVII - nửa đầu thế kỷ XVIII, về mối quan hệ giữa văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam,… là những đóng góp, kết tinh sức nghĩ, sức khái quát, khả năng tổng kết của một đời chuyên sâu nghiên cứu và giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu. Bằng sự hiểu biết thấu đáo, chắc chắn những vấn đề của văn học trung đại, ngay cả các bài đọc sách của ông cũng thấm đượm tinh thần học thuật. Ông có đủ thẩm quyền để phát biểu về một thế kỷ nghiên cứu văn bản thơ Nôm Nguyễn Trãi, đánh giá giá trị của bộ Tổng tập văn học Việt Nam hay giới thiệu công trình Di tích lịch sử văn hoá Việt Nam. Các nhận xét của ông đều có căn cứ cụ thể chứ không chung chung trong cả khen lẫn chê. Chúng rất có ích cho những ai đã tìm hiểu một cách cơ bản, chắc chắn văn học trung đại Việt Nam, nhất là giai đoạn từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XVIII. Thêm nữa ông thể hiện rõ thái độ trân trọng và tỏ ra khách quan thấu đáo trong những trang viết về các bậc thầy như Đặng Thai Mai (Đặng Thai Mai với nền văn học trung đại Việt Nam) ; hoặc một nhận định đúng mức về nhà văn hoá Cao Xuân Huy : "Vị trí sự biểu của thầy Cao Xuân Huy càng hiếm quý khi ở thầy nổi bật một nhân cách cao thượng, lương tâm thanh khiết tiêu biểu cho cả lớp trí thức cao học, con em các "thế gia vọng tộc" dứt khoát từ bỏ phú quý vinh hoa, lòng không bợn mảy may danh lợi, đem văn hoá phụng sự Cách mang, kháng chiến kiến quốc" Tưởng niệm thầy Cao Xuân Huy – vị sư biểu của nền Hán học Việt Nam hiện đại"…
Tất nhiên, đứng dưới góc độ người đọc, chúng ta có quyền đòi hỏi ở Bùi Duy Tân nhiều hơn. Chúng ta có quyền chờ đợi từ nhà nghiên cứu, nhà giáo có thâm niên nghề nghiệp và kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm những trang viết có tầm cao lý luận, khái quát hơn nữa. Và nhất là lanh hơn nữa hoàn tất công trình có khảo sát văn bản – lĩnh vực sở trường như ông vẫn thường nói. Nhưng công cuộc nghiên cứu văn học trung đại là sự nghiệp không bao giờ có điểm kết thúc. Các thế hệ sau vừa là học trò vừa là đồng nghiệp của ông –trong đó có tôi – sẽ phải tiếp tục công việc mà thế hệ ông đã đặt nền móng.
Với tư cách là một người đại diện cho thế hệ thứ ba trong "gia đình" nghiên cứu văn học Việt Nam, những gì mà Bùi Duy Tân đã làm thật đáng trân trọng, đáng được các thế hệ sau học tập.
(Theo Bùi Duy Tân tuyển tập.
NXB Giáo dục, H., 2007)
 
 (*): Lời đầu sách Tuyển tập Bùi Duy Tân. Tên bài do VHNA đặt

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114560411

Hôm nay

284

Hôm qua

2347

Tuần này

21729

Tháng này

227954

Tháng qua

122920

Tất cả

114560411