Ông không chống đối lại sự tăng gia những mối liên lạc với Việt Nam Cộng hoà trong khi sự bang giao với Hà Nội vẫn còn ở trong tình trạng căng thẳng mà nguyên nhân chính là các chính phủ đệ Tứ Cộng hoà trước nay vẫn dành ưu tiên cho Sài Gòn và vì chiến tranh Algérie. Tháng 11-59, tổng trưởng bộ Tài chính của De Gaulle, Antoine Pinay ký một loạt thoả ước mới về tài chính, kỹ thuật và văn hoá với chính phủ Diệm. Những tranh cãi về ruộng đất và tài chính được giải quyết trọn vẹn. Trong bức thư cám ơn thủ tướng Michel Debré, Diệm gợi ý là về phần mình, sẵn sàng làm sâu rộng mối bang giao Pháp-Việt. Tình trạng kinh tế và xã hội ở Nam-Việt Nam hồi đó đáng lo ngại, căng thẳng với Mỹ về vấn đề kinh tế mỗi ngày một lớn, viện trợ Mỹ bị các cố vấn của Diệm chỉ trích là không kiến hiệu và sau chót là Diệm thấy quyền hành của mình quá mong manh nên cũng muốn tìm ở Pháp một chỗ dựa. Sau đảo chính hụt 11-11-60 mà ngay toà đại sứ Hoa kỳ cũng không tỏ vẻ mạnh mẽ chống lại như sự mong đợi của anh em Diệm, Nhu khẳng định với đại sứ Pháp Roger Lalouette là " nếu nước Pháp muốn, giờ của Pháp đã điểm ở Việt Nam ".
Để lời nói đi đôi với viêc làm, chính phủ Diệm làm dễ dàng sự nhập cảng hàng Pháp mặc dầu Mỹ ráng giấu sự không bằng lòng của mình. Trong địa hạt quân sự, Diệm cũng có vẻ chỉ trích phương pháp của các huấn luyện viên Mỹ và cho là phương pháp chống chiến tranh du kích của Pháp thích hợp hơn. Mỗi ngày Diệm một thêm bực tức về sự vụng về và ngược thời của viện trợ Mỹ, cũng như vòng cương tỏa của Mỹ mỗi ngày một quá đỗi sau cuộc viếng thăm của phó tổng thống Johnson tháng 5-61, và của tướng Taylor tháng 10-61, Diệm tâm sự với Roger Lalouette là ông muốn " cân bằng lại sự chi phối của Mỹ bằng sự hiện diện của một cường quốc thứ ba, ưu tiên là Pháp, hay Pháp cùng Anh ". Quai d'Orsay ( bộ Ngoại giao Pháp ) biết là Diệm bất lực trước sự mất an ninh mỗi ngày một lớn, nên mỗi ngày một trở lên độc đoán, thất nhân tâm, bị cả 2 phía đe doạ :phía những người chống cộng quá khích muốn dựa vào Mỹ nhiều hơn, phía những người theo Pháp muốn dân chủ và trung lập. Nhưng bộ ngoại giao Pháp bị phó mặc, phải tự định đoạt lấy đường lối trong sự giao thiệp với Sài Gòn nên chỉ có cách đứng ở thế trung dung, thoả mãn một vài đòi hỏi của chính phủ Sài Gòn, đồng thời cũng tránh những liên lạc cá nhân quá thân thuộc..
Có lẽ cũng vì vậy mà De Gaulle tiếp tục từ chối không tiếp Diệm hay Nhu ở điện Élysée mặc dầu nhiều nhân vật Pháp có mối liên lạc mật thiết với Diệm từ trước tới nay như Marius Moutet ( Tổng trưởng bộ Hải ngoại năm 1946-47 ), Antoine Pinay, bộ ngoại giao Pháp... Những người này tự cho mình trách nhiệm nhắc lại với De Gaulle là năm 1959 tổng thống trước De Gaulle là René Coty có ngỏ ý mời Diệm qua thăm Paris. Mùa Xuân 1960, Roger Lalouette, đại sứ Pháp, chuyển lời của phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ muốn Diệm qua thăm Pháp hay nếu không được thì cho chủ tịch Quốc hội Trương Vĩnh Lễ cũng là chủ tịch hội Pháp-Việt Nam qua thăm. Một năm sau, tổng thư ký điện Élysée trình bày lí lẽ mong De Gaulle chấp thuận cho Ngô Đình Nhu vào yết kiến trong triển vọng một cuộc thăm viếng Paris. Lí lẽ đưa ra : Ngô Đình Nhu là một người thấm nhuần văn hoá Pháp và là một người có ảnh hưởng lớn ở Nam-Việt Nam đến nỗi những người thân cận cho là đây mới là đầu não của chế độ, Diệm chỉ là ông ... trưởng phòng ! Về phía Nhu, Nhu cũng muốn có sự giúp đỡ của Pháp để giành lại được một chút tự do đối với Mỹ đang hăm dọa đẩy ông xa người anh để gia tăng sự giám hộ của Mỹ trên đất nước.
Nhu chỉ được vào yết kiến thủ tướng Michel Debré chưa đầy một giờ ngày 24-6-61. Khi trở về Nhu tuyên bố rất hài lòng về cuộc thăm viếng... mặc dầu gặp " kháng cự trên đỉnh " . Cái kháng cự này làm Diệm buồn rầu vì Diệm là người thành thực ngưỡng mộ De Gaulle. Diệm đã có một lần tâm sự với Lalouette là ảnh hưởng của De Gaulle ở những nước trong thế giới thừ Ba vừa lớn, vừa sâu rộng, vừa lâu dài là vì De Gaulle từ chối thỏa hiệp với những sức mạnh của hỗn độn và không đứng lại ở những quyền lợi vật chất nhất thời. Nhưng nếu Diệm khen ngợi De Gaulle rất cương quyết với cộng sản ở Âu Châu, rất có óc độc lập và hợp tác với các nước nói tiếng Pháp, thì Diệm cũng rất tiếc là ở Á châu De Gaulle nhượng bộ trước tiếng kèn trung lập mà Diệm đồng hoá với một đường lối chính trị yếu ớt và với chủ nghĩa thất bại.
Roger Lalouette người mai mối giữa Bắc- và Nam- Việt Nam
Đầu hè, chính phủ Diệm phải đương đầu với cơn khủng hoảng lớn nhất : cuộc nổi loạn hoà bình của những người Phật giáo. Bị chính trị hoá mau chóng, cuộc xung đột trở thành công khai giữa các nhà sư được sự hỗ trợ của một phần dân chúng và chế độ thân công giáo của Diệm. Chính phủ Nam-Việt Nam đổ tội cho cộng sản thâm nhập mọi chỗ đã tạo ra và nuôi nấng cuộc nổi loạn. Nhiều cựu tổng trưởng trong chính phủ Diệm lại tố cáo ngược lại là chính CIA đã đổ dầu thêm lửa. Sự kiện nhà sư Thích Trí Quang trốn vào nhà một nhân vật ngoại giao Mỹ, rồi trú ẩn ở sứ quán Hoa Kỳ, chứng tỏ có bàn tay Mỹ nhúng vào. Nhiều bằng chứng tình báo Pháp thâu thập được, vạch rõ vai trò của người Mỹ. Hoàng thân Bửu Hội khi đó làm đại sứ Việt Nam Cộng hoà ở Maroc và ở nhiều xứ Phi châu có mẹ là môt sư bà đang sửa soạn tự thiêu, khẳng định là có sự hiện diện của nhân viên CIA trong chùa Xá Lợi và các nhân viên này đang tận tay "làm việc các nhà sư " Hoàng thân thuyết phục Diệm chấp thuận cho một phái đoàn của Liên Hiệp quốc tới Sài Gòn điều tra. Đến Sài Gòn ngày 10-10-63, phái đoàn này đưa ra kết luận là không có đàn áp Phật giáo. Cũng theo giáo sư luật Đại học Varsovie Maneli, trưởng đoàn đại diện Ba Lan tại Ủy hội đình chiến năm 1963, thì CIA hỗ trợ những người Phật giáo chống Diệm trái với ý của ngay cả của đại sứ Nolting.
Các cơ quan Mỹ thì lại giải thích hoàn toàn khác : Hành động đàn áp của Diệm đã làm một rắc rối nhỏ ở địa phương thành một khủng hoảng chính trị, có thể làm đổ sập nền tảng của chế độ. Toà Bạch Ốc nhân cơ hội không " xuống thang " như đã giao ước với Nhu nữa : Lẽ ra theo đúng kế hoach thì phải bớt lần lần số nhân viên quân sự Mỹ từ 14 ngàn xuống còn 1500 cuối năm 1965. Trước sự từ chối của Diệm không chịu cho Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ, Kennedy đem Cabot Lodge thuộc đảng Cộng Hoà ngày trước là đối thủ tranh cử với mình, thay thế đại sứ Nolting vì bị coi là quá gần Diệm.
Triển vọng quân đội Mỹ tới làm cả hai bên đều sợ : Sài Gòn còn một chút tính hợp pháp và một chút độc lập sẽ mất hết. Hà Nội đã trông thấy sự thành công trong việc khuynh đảo miền Nam, cũng lo sợ là cuộc chiến tranh sẽ kéo dài khiến khó mà ra khỏi được sự chế ngự mỗi ngày một lớn của Bắc Kinh và thoát được một cuộc khủng hoảng kinh tế khá trầm trọng. Người Pháp cũng chia sẻ với cả hai bên mối lo nghĩ đó nên còn tin tưởng vào một giải pháp chính trị và hài lòng khi nghe những lời tuyên bố khá ôn tồn của cả hai bên bờ vĩ tuyến số 17 : Tháng 9-62, Hồ Chí Minh tuyên bố với chủ tịch Ủy hội Quốc tế Ấn độ là muốn bắt tay với Diệm được coi là một người " yêu nước theo kiểu của mình ". Phạm Văn Đồng thì gợi ý là đai diện Pháp Jean François de la Boissière nên viếng thăm Sài Gòn và trong tương lai sẽ tiếp đón Roger Lalouette ở Hà Nội. Diệm cũng vậy, khi bàn cãi với đại sứ Pháp cũng không gạt ra ngoài một cách dứt khoát triển vọng một giải pháp hoà bình, nhưng muốn mình là người khởi xướng. Những người cầm quyền Việt Nam muốn Pháp đặt nhịp cầu đầu tiên ? Triển vọng đó khá quyến rũ Paris, nhưng Á đông vụ bộ ngoại giao dư biết là chuyện đó sẽ làm tăng thêm ảnh hưởng của những người trong bộ máy chính quyền Mỹ muốn thay thế Diệm bằng một chính phủ hoàn toàn được dùng để phục vụ những mục tiêu của Washington.
Roger Lalouette là một nhà ngoại giao lão luyện và rất rành rẽ về những vấn đề Việt Nam. Ông biết một hành động quá lộ liễu sẽ làm Diệm bị thay thế rất mau lẹ để nhường chỗ cho một chính phủ hoàn toàn theo đường lối của Washinton. Ông quyết định trao cho giáo sư Maneli, người mà ông tin cậy, một kế hoạch ba giai đoạn cho Việt Nam : mở cuộc đối thoại giữa Hà Nội và Sài Gòn ; đặt những trao đổi kinh tế và văn hoá ; tổ chức những cuộc hội đàm về chính trị. Maneli quyết định chuyển tin ra Hà Nội nơi mà ông đi đi về về nhiều lần. Phạm Văn Đồng khẳng định là ông lúc nào cũng sẵn sàng mở cuộc hội đàm, công khai hay bí mật, và tất cả đều thương lượng được "trên căn bản độc lập và chủ quyền quốc gia ". Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị cho Xuân Thủy, tổng trưởng ngoại giao làm một danh sách hàng hóa có thể trao đổi với miền Nam. Maneli tương đối lạc quan, trở lại Sài Gòn nhất quyết gặp Nhu. Phạm Văn Đồng cũng đề nghị Diệm, để chứng tỏ thiện chí của mình, cho lập lại trao đổi kinh tế và văn hoá giữa hai miền. Miền Bắc sẵn sàng cung cấp than đá không đặt điều kiện nào với giá rẻ hơn giá trị trường thế giới để đổi lại gạo, thực phẩm và cao su. Phải đương đầu với một cơn hạn hán trầm trọng, Hà Nội cũng muốn thoát khỏi viện trợ của Trung Quốc, trở thành quá bao trùm từ khi Trung Quốc và Liên Xô tuyệt giao..
Ngày 1-6-63, Roger Lalouette thông báo cho tổng thống Diệm những điều mật mà Maneli thâu thập được. Điện Élysée cũng được thông báo về công việc mai mối của người đại sứ của mình và không tỏ dấu hiệu gì là không muốn Lalouette tiếp tục làm chuyện đó. Trong buổi trao đổi riêng với đại biểu Ba Lan nhân dịp tân tổng trưởng ngoại giao Nam-Việt Nam Trương công Cừu mới nhậm chức, Nhu đề nghị tiếp Maneli ngày 2-9. Sài Gòn lúc đó sống trong bầu không khí quá căng thẳng, bị chìm đắm trong những tiếng đồn là sẽ có đảo chính và đang có những mặc cả thầm kín..
Tướng De Gaulle " trở lại " sân khấu Đông Dương
Bằng một bản tuyên bố long trọng, tổng trưởng bộ Thông tin Alain Peyrefitte đọc ngày 29-8-63, vị tổng thống Cộng hoà Pháp quốc mở lại cái hồ sơ Đông Dương nóng bỏng : " Những biến cố trầm trọng đang diễn ra ở Việt Nam được nước Pháp chú tâm theo dõi với đầy cảm xúc và muốn thật tâm chia xẻ với dân tộc Việt Nam những thử thách mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng. Trong tình trạng hiện tại ở Á châu, dân tộc Việt Nam, một khi có thể khuyếch trương mọi hoạt động của mình trong hòa bình, thống nhất, độc lập với bên ngoài, và hoà hợp với các nước lân bang, sẽ có thể đóng một vai trò cho sự tiến bộ của riêng mình và cho sự thông cảm quốc tế... Lẽ tất nhiên là sự lựa chọn phương cách đi tới những mục tiêu đó hoàn toàn thuộc thẩm quyền của dân tộc Việt Nam. Nhưng nước Pháp sẵn sàng, trong phạm vi có thể được của mình, tổ chức với đất nước này một cuộc hợp tác hữu nghị. "
Phủ nhận một cách rõ ràng việc chia đôi Việt Nam, đồng thời cũng gắn liền với nhau hoà bình, thống nhất và trung lập, De Gaulle khuyến khích mọi người Việt Nam tự giải phóng khỏi ảnh hưởng quá mức của các thế lực ngoại bang : ảnh hưởng của " cộng sản quốc tế ở miền Bắc (nhất là Trung Quốc khi đó chế ngự tất cả ) ; ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở miền Nam.
Tuy vậy bản tuyên bố 29-8 không tạo ra được sự phấn khởi cho các đương sự. Hà Nội tỏ ra lãnh đạm và phải một tháng sau Phạm Văn Đồng mới công khai cám ơn De Gaulle về sự ông tuyên bố tiếp tục hỗ trợ Hiệp định Genève. Ở Nam- Việt Nam, ngược lại,, bản tuyên bố được đăng trên trang đầu tờ Việt Nam Báo. Báo chí Sài Gòn cho là De Gaulle có ý muốn khích lệ chế độ và muốn cổ võ chế độ độc lập với Mỹ hơn. Để chứng tỏ mình là ngưòi hiểu rõ tinh thần bản tuyên bố, Nhu tuyên bố với báo chí ngày 11-9-63 là những ý định của tướng De Gaulle - người có những " cái nhìn hoàn vũ ", người " biết thiết kế những dự án vĩ đại " - mà sau này, sau một kỳ hạn, chủ tâm của ông sẽ tạo ra được " một phương thức, cũng phải qua một kỳ hạn lâu dài, cho sự thống nhất xứ sở "
Lẽ tất nhiên là Washington là nơi tiếp nhận tồi tệ nhất lập trường của De Gaulle. Người Mỹ cũng bối rối về phương hướng chính trị của Pháp về Việt Nam và cũng trách cứ De Gaulle đã không giữ lời cam kết với Kennedy năm 1961 là không bao giờ biểu lộ công khai lập trường của mình.
De Gaulle, Lalouette và buổi chiều tàn của anh em Ngô
Ngày 24-8-63 toà Bạch Ốc gửi điện thư dặn dò đại sứ Lodge tìm một giải pháp để thay thế Diệm khiến CIA thấy như được cho phép, khuyến khích một số hữu trách quân sự Nam-Việt Nam làm đảo chính. Được báo tin là cuộc đảo chính chống anh em Diệm sẽ xẩy ra tức thời, Lalouette khuyên Lodge nên nhẫn nại vì Lalouette luôn luôn cho Diệm là hi vọng cuối cùng của hoà bình, vì là người duy nhất có thể đạt được một thoả hiệp với Giải phóng miền Nam và Hà Nội. Ông tiên đoán hạ bệ Diệm là một sai lầm không cách nào mà sửa được vì bất cứ một chính phủ nào khác cũng sẽ phụ thuộc Mỹ nhiều hơn và sẽ không để một chút hi vọng gì cho một giải pháp hoà bình. Lalouette nằm trong một nhóm nhỏ những người tán thành, đầu tháng 9, những cuộc gặp gỡ giữa Nhu và Maneli, người trung gian của Ủy hội Quốc tế.
Ngày 3-9, sau khi đưa bản tuyên bố ngày 29-8 cho Diệm, Lalouette nói chuyện với Diệm 3 giờ. Diệm hét ầm lên : " người ta nói, đang có dự định một cú bạo lực ( coup de force ). Người ta nói, tính mệnh tôi bị lâm nguy. Không thể tưởng tượng được là người ta có thể dùng đến những thủ đoạn như vậy đề chống chính phủ một nước bạn...".
Để che giấu sự sửa soạn làm cuộc đảo chính, Lodge nói với Lalouette là ông ta sắp đi gặp tổng thống Kennedy để xin gia hạn cho Diệm Nhu, ông ta thêm : " Nhu bằng lòng từ chức, bỏ Sài Gòn sống ở Đà Lạt. Nhưng Nhu không chịu bỏ Việt Nam vì không muốn mất liên lạc với GPMN.
Không thừa nhận chế độ mới ở Sài Gòn
Không thể đưa ra đây những chi tiết cuộc đảo chính ngày 1-11-63 chống Diệm và ngày 2-11 anh em Diệm bị giết. Paris được yêu cầu công nhận chính phủ lâm thời đứng đầu là Nguyễn Ngọc Thơ, cựu phó tổng thống của Diệm. Trong số 80 nước có liên lạc noại giao với Việt Nam Cộng Hoà dưới Diệm, 30 nước đã công nhận chế độ mới. Sài Gòn mong muốn sớm nhận được một dắu hiệu tích cực đến từ Pháp vì Pháp vẫn còn nhiều ảnh hưởng ở Nam-Việt Nam.
Paris chỉ chính thức nhận thưcủa chính phủ Sài Gòn ngày 16-11, 10 ngày sau khi tiếp được thư. Paris chỉ nói là sẽ tiếp tục những giao thiệp thường xuyên. Vì ngại thiện cảm ban đầu đối với nước Pháp trở thành ác cảm có hại cho quyền lợi nước Pháp, ban giám đốc Á châu sự vụ bộ ngoại giao thỉnh cầu De Gaulle nhiều lần trong tháng 11 là nên công nhận chế độ mới. De Gaulle vẫn làm thinh.
De Gaulle thật ra nhìn xa hơn và đúng hơn nhiều nhà ngoại giao. Giải pháp trung lập mà ông đưa ra có thể tránh cho Nam-Việt Nam một cuộc chiến tranh lâu dài và một sự bỏ rơi phũ phàng không còn gì là phẩm giá.
Có lẽ trong thâm tâm, tướng De Gaulle hi vọng trung lập hoá riêng biệt 2 miền, Bắc Việt và Nam Viêt. Nhưng ông cũng như người Mỹ, biết là rất khó khăn Bắc Việt chịu bỏ chế độ cộng sản và sự trung lập của Nam Việt cũng khó mà được Bắc Việt tôn trọng, Đồng thời cũng khó mà hãm được ý định ngự trị đang chớm nở của Trung Quốc.
Tướng De Gaulle chỉ đề ra cái đỡ tệ nhất : Sau một kỳ hạn, sự thống nhất Việt Nam sẽ do người cộng sản thực hiện dưới cái vỏ trung lập.
Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp