Những góc nhìn Văn hoá

Những sự kiện của tâm hồn (Đọc thơ Lâm Quang Mỹ)

Trong một lần trao đổi với Lâm Quang Mỹ về thơ, chúng tôi, hai nhà thơ với thi pháp sáng tạo khác nhau nhưng đã cùng chung một quan niệm : Trong cuộc sống, chúng ta có thể và thực tế là khác nhau về cá tính, nhưng tâm hồn phải cùng một mẫu số chung đó là vẻ đẹp và lòng nhân ái.

Và thơ ca cũng vậy. Trong mỗi tác phẩm văn học có thể thường hiển lộ ba yếu tố mà tôi gọi đó là những sự kiện. Thứ nhất : Những sự kiện mang tính xã hôị. Thứ hai : Nhưng sự kiện mang tính ngôn ngữ. Và thứ ba : Những sự kiện của tâm hồn. Trong ba yếu tố đó có thể cùng diễn ra trong một tác phẩm văn học. Nhưng sự kiện quan trọng nhất làm nên một tác phẩm văn học thực thụ là sự kiện của tâm hồn. Điều ấy lý giải vì sao một nhà thơ với thi pháp A vẫn tìm được những âm hưởng từ một tác phẩm của nhà thơ với thi pháp B. Chính thế khi đọc thơ Lâm Quang Mỹ, tôi đã được sống dù ít hay nhiều cái đời sống tinh thần được tạo ra bởi những câu thơ ông viết.

 
Hầu hết những bài thơ của Lâm Quang Mỹ thường đi từ một hiện thực đời sống đến hiện thực của tâm hồn. Thi ca xuất hiện trên đoạn cuối của con đường ấy. Nếu chúng ta dừng lại với hiện thực của đời sống cùng với một chút cảm xúc không thôi, chúng ta chỉ bắt gặp một cái gì đó giống thi ca chứ không phải thi ca. Lúc đó, nó chỉ có thể kéo người đọc tham gia vào một tâm trạng chứ không thể đưa người đọc tham gia vào những sự kiện của tâm hồn. Theo tôi, mỗi bài thơ dù ngắn hay dài thì mục đích cuối cùng của nó phải tạo ra những sự kiện tâm hồn. Chỉ như vậy, cuộc cách mạng về Mỹ học trong tác phẩm nghệ thuật mới được thực thi. Trong thơ, Lâm Quang Mỹ thường mở đầu bằng những hiện thực của đời sống như một văn bản của ký ức hay của hiện tại. Ví dụ trong bài „Xa”, ông viết câu đầu tiên : Thu đến mà ta lại ra đi. Câu thơ đó giống một câu văn xuôi dù cho nó được gieo vần hay tạo ra một nhịp điệu nào đó. Nhưng hai câu cuối bài thơ ông đã viết : Ai đã xa ta chiều thu ấy/ Mang cả hồn ta tận mù khơi. Một sự kiện của tâm hồn đã xẩy ra và nó tạo ra một đời sống tinh thần. Và ở đấy, tinh thần của thi ca đã xuất hiện. Cũng như vậy ở bài Tiếng gọi , câu đầu ông viết : Nửa đêm choàng thức dậy. Với câu này, ta thử viết một câu văn xuôi : Nửa đêm choàng thức dậy, tôi thấy mẹ tôi vẫn đang ngôi khâu áo. Nhưng những câu cuối ông viết : Những tiếng như mờ xa/ Những tiếng như thiết tha/ Tự ngàn xưa vọng tới/ Sâu thẳm đáy lòng ta. Như vậy, hiện thực của đời sống là của cải của mọi người còn hiện thực của thi ca thì của riêng nhà thơ. Hiện thực của thi ca tạo ra một tinh thần của đời sống và từ đó những sự kiện của tâm hồn bắt đầu xuất hiện. Và những sự kiện đó tác động vào khả năng thẩm mỹ của người đọc. Trước cửa nhà tôi có một cây si. Cứ sáng sáng, có một con chim sẻ từ cây si bay vào cửa sổ tôi và đập cánh liên tục tìm cách vào bên trong. Tôi nghĩ vì lý do gì đó mà con chim muốn bay vào trong nhà. Tôi đã mở cửa. Nhưng cứ mở cửa là con chim lại bay trở về cây si. Và khi đóng cửa lại thì nó lại bay và đập cánh bên cửa kính. Chắc là có một điều gì đó. Cuối cùng tôi bước ra ngoài ban công và đóng cửa lại rồi nhìn vào. Một điều kỳ diệu hiện ra trước mắt tôi. Trong tấm cửa kính kia là một cây si. Một cây si giống như đúc cây si bên ngoài nhưng nó mang một màu sắc mới, một sự rung động mới và một bầu trời mới. Tấm kính màu trà và những gì đó khác nữa đã cùng tham gia vào để dựng lên một cây si khác. Cây si bên ngoài ô kính là một hiện thực của đời sống còn cây si bên trong là hiện thực của thi ca. Nó làm tôi liên tưởng đến thơ ca, trong đó có những bài thơ của Lâm Quang Mỹ. Ông không phải là nhà thơ câu nệ vào chủ nghĩa này hay chủ nghĩa khác. Nhưng ông đã dựng lên trong thơ mình những hình ảnh và biểu tượng của Mỹ học từ những hiện thực quá xác thực của đời sống.  
Nếu bất kỳ ai hỏi tôi rằng : Nhân loại đã và đang sống như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử của mình, thì tôi có thể lựa chọn cách trả lời là đọc hai câu thơ của Lâm Quang Mỹ :
            Chúng ta đang sống sau
            Hay trước những cơn bão ấy ?
Tất cả chỉ như thế : Xác thực và Đau đớn. Thơ ca, với lượng ngôn ngữ vô cùng ít ỏi đã khái quát toàn bộ số phận của con người : đói rét, bệnh tật, chiến tranh, nỗi sợ hãi và nỗi cô đơn. Lâm Quang Mỹ, với khả năng hàm súc hoá ngôn ngữ và sự trải nghiệm sống sâu rộng, đã làm được điều không dễ dàng ấy. Có câu thơ của ông đọc xong, tôi cảm thấy tóc trên đầu chúng ta bỗng bạc trắng : Ngày như đứa trẻ nhỏ/ Đêm đã ngoài sáu mươi. Câu thơ như một cái giật mình kinh hãi. Trong hai câu thơ đó là số phận, là suy tưởng, là văn hoá. Hai câu thơ đó thật đẹp và cũng thật đau đớn. Những câu thơ hay những bài thơ như vậy thực sự đã làm một cuộc cách mạng trong tâm hồn người đọc. Nó lay động và đánh thức trước hết sự nhận thức của chúng ta về chính bản thân mình sau đó là một vẻ đẹp, thậm chí một vẻ đẹp đau buồn. 
Dù gián tiếp hay trực tiếp, thơ Lâm Quang Mỹ vẫn luôn luôn nhằm khám phá những nguyên lý và ý nghĩa của đời sống tinh thần con người từ chính những hiện thực giản dị. Mỗi bài thơ của ông là một cuộc độc thoại của chính tác giả về thân phận và cái đẹp. Vì thế nó không cho ông lẩn tránh hiện tại. Ông không thể chạy trốn chính con người ông. Không một nhà thơ nào có thể chạy trốn được thời đại của anh ta và càng không chạy trốn được chính bản thân mình. Chính thế mà những câu thơ chân thực và trong sáng, buồn bã và sâu sắc của ông đã vang lên như một giọng nói trong bóng tối của số phận và lịch sử con người. Thi ca phải luôn luôn hiểu rằng nó chống lại thói phù phiếm của cảm xúc và của ngôn ngữ. Và nhà thơ đã tìm đến một nhận thức mới trong chính những câu thơ mà mình viết ra. 
Khi đọc câu thơ : Và chỉ một chiều thu tiễn biệt/ Để lá vàng rơi ba mươi năm, tôi thấy khoảng khắc buồn bã và những lộng lẫy của số phận không chỉ kéo dài ba mươi năm mà là mãi mãi. Nói như Charles Simic, nhà thơ Mỹ nổi tiếng : Sứ mệnh của thi ca là tìm cách lưu giữ mãi mãi trong mỗi bài thơ của mình vẻ đẹp của một khoảng khắc đời sống đã trôi qua./. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570163

Hôm nay

2199

Hôm qua

2367

Tuần này

22546

Tháng này

228687

Tháng qua

129483

Tất cả

114570163