Những tướng thân Pháp, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân bi coi là có dính líu. Lodge tin Khánh là một trong những tướng có khả năng nhất và khác với tướng Trần Văn Minh, sẽ ngả theo kế hoạch chiến tranh bí mật và thả bom Bắc Việt của lầu Năm góc. Lodge đem Khánh và gia đình vào toà Đại sứ lánh nạn và hứa nếu cần sẽ di tản cả gia đình ra khỏi nước bằng máy bay.
Đảo chính ( của tướng Khánh ) xẩy ra ngày 30-1. Trước ngày đó Washington đã làm áp lực xuống De Gaulle, làm như là nhóm tướng tá Nam Việt bị coi là có ý tưởng trung lập có thể xử sự theo lệnh hay theo ý của De Gaulle.
Theo nhiều bằng chứng mà các nhà ngoại giao và các cơ quan tình báo thâu thập được, thì trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng, ngay sau Đảo chính 1-11, đã có 2 phái theo 2 xu hướng khác nhau : xu hướng thiên về giải pháp của Pháp ( Dương văn Minh, Lê văn Kim, Mai Hữu Xuân, Trần Văn Đôn, Nguyễn Văn Vỹ ), xu hướng trung thành với đường lối của Mỹ ( Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Hữu Có, Phạm xuân Chiểu, Đỗ Mậu ). Nội bộ quân đội trước đã rất mong manh, nay có thể bị coi là đã tan vỡ. Tham vọng chính trị của các tướng lãnh quân đội được thả giàn và những cuộc đảo chính nối tiếp nhau để các tướng lãnh thay nhau vơ vét viện trợ Mỹ mỗi ngày một kếch xù.
Để tránh Nam- Việt Nam bị rơi vào tay cộng sản quá mau chóng, Johnson thấy cần phải thuyết phục De Gaulle với bất cứ giá nào để De Gaulle tuyên bố là kế hoạch trung lập hoá Nam Việt không phải là ngay tức khắc. Johnson kiếm được một đồng minh là Gaston Deferre úng cử viên tổng thống đảng xã hội Pháp năm 1965. Được tiếp ở toà Bạch Ốc, Deferre chỉ trích thẳng cánh chính sách trung lập hoá Đông Nam Á của De Gaulle và cho là De Gaulle chỉ có mục đích làm Mỹ lúng túng. Deferre hứa là khi trúng cử sẽ tức khắc đi đến Washington hỏi ý các đồng minh trước khi quyết định đường lối chính trị của mình !
Paris nghĩ là sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nam-Việt Nam và sự hăm doạ leo thang chiến tranh trong một kỳ hạn ngắn có thể là những quân bài chủ của Tây phương nếu - và chỉ nếu - đặt mục đích tối hậu là thương lượng. Sự hoà hoãn của Liên Xô có thể giúp ích cho việc đó. Là siêu cường quân sự độc nhất ở Thái Bình Dương, Mỹ phải đối đầu với thế lưỡng nan của một cuộc chiến tranh với Trung Quốc mà Mỹ vẫn coi như là một cường lực thuộc thủa sơ khai, hung bạo, hiếu chiến và nuôi óc bành trướng. Nhưng để tránh một kịch bản chiến tranh, đổi lại với một sự cam kết rõ ràng là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tôn trọng một thứ trung lập nào đó, Paris tin chắc là Mỹ có thể điều đình thẳng thắng với cả hai, Việt Nam dân chủ Cộng hoà và Trung Quốc..
Nếu khó mà có thể nghi ngờ thái độ hoà hoãn của Liên Xô cho tới đầu năm 1965, thì cho tới bây giờ vẫn khó mà biết được ý của Trung Quốc về những đề nghị đàm phán của Pháp. Trong số các nhà sử học có người khẳng định là, với mục đích loại trừ những kẻ thù theo " chủ nghĩa xét lại ", Mao nghĩ đến chiến tranh nhiều hơn là hoà bình, nhất là sau chuyện vịnh Bắc bộ. Nhiều người khác lại nhắc lại là CHNDTQ đã khuyên Hà Nội thận trọng trước những gây hấn của Mỹ vì Trung Quốc thật sự sợ bị lôi cuốn vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ. Ít nhất là tới đầu năm 1965, Trung Quốc khuyên đồng minh của mình nên để ngỏ cửa cho sự điều đình.
Phân tích lập trường của Hà Nội cũng ngần ấy khó khăn :Các nhà lãnh đạo VNDCCH, một mặt muốn mở cửa điều đình với những thủ lãnh mới của Sài Gòn, một mặt, ngay từ tháng 12- 63, đưa ra quyết định tăng cường áp lực quân sự tại miền Nam. Bộ Chính trị đảng Lao Động có vẻ chia rẽ : nhiều nhân vật như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và có lẽ cả tướng Giáp tán thành giải pháp trung lập miền Nam để tránh một cuộc chiến tranh lâu dài và ác nghiệt. Tuy nhiên với sự vươn lên của Lê Duẩn trong lúc sức khoẻ của Hồ Chí Minh bắt đầu suy đồi, bộ Chính trị đã bị bẻ theo hướng thân Trung Quốc. Tiếp theo là một làn sóng thanh trừng trong nội bộ Đảng, trong giới trí thức và sinh viên. Chỉ mấy tuần sau, bộ Chính trị chuẩn y gửi những đơn vị tác chiến đầu tiên của QĐNDVN vào miền Nam. Bắc Việt cũng bắt đầu phải tập sự ngoại giao làm sao giữ được thăng bằng giữa 2 cường quốc địch thủ cùng trong phe cộng sản. Bắc Việt cũng không muốn trở lại bàn hội nghị nữa vì cảm thấy là nạn nhân của Hội nghị Genève năm 1954. Đại sứ Mai Văn Bộ bộc lộ rõ ràng mối oán giận của các nhà hữu trách VNDCCH đối với Bắc Kinh và sự ngờ vực đối với Paris, khi phê phán : " Ở Genève chúng tôi đâu có nhờ người Trung Quốc thương lượng. Họ đã chiếm chỗ của chúng tôi ". Lý Văn Sáu, cựu đại biểu phái đoàn Giải phóng miền Nam trong hội đàm Paris cũng nói lại là nhiều người Việt coi Hội nghị Genève là một bức chế.
Ý chí muốn xích lại gần Hà Nội
Ngày 1-7-65, Mai Văn Bộ khẳng định với Nanac'h, giám đốc Á châu sự vụ bộ Ngoại giao là chính phủ của ông muốn bình thường hoá quan hệ ngoại giao với nước Pháp. Ngày 24- 1-66, Hồ Chí Minh gửi một lá thư cho tướng De Gaulle yêu cầu De Gaulle dùng " uy thế của mình để làm ngưng lại cho kịp thời những âm mưu nham hiểm mới của Mỹ ở Việt Nam và ở Đông Dương ". De Gaulle viết thư trả lời " chủ tịch Hồ Chí Minh " ngày 8-2. Ngày 15, bức thư trả lời được chính thức đăng trên báo chí với những lời lẽ rất hoà giải và lễ độ làm ngạc nhiên và bực mình những giới có liên hệ với Nam-Việt Nam.
Không chỗ nào mà những lời chỉ trích sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam được giới truyền thông nói tới nhiều bằng trong bài diễn văn Phnom Pênh. Nếu 73% dân Pháp đồng ý với nội dung bài diễn văn đó thì cũng có nhiều chính khách, nhà báo, nhà ngoại giao tiếc là De Gaulle chỉ cáo giác một bên là Mỹ và như vậy khó có thể đứng làm trung gian giữa 2 bên được. Mendès France cho bài diễn văn vô ích, không thực tế. Tuy Mendès France cùng quan điểm với De Gaulle về cách hay nhất để làm mất sự sợ hãi giữa Mỹ và Trung Quốc là trung lập hóa toàn thể Đông Nam Á, Mendes France khác De Gaulle về phương cách : cho cách hay nhất là De Gaulle nên đi thẳng đến Hà Nội, Washington hay Bắc Kinh để trình bày những đề nghị của mình ngõ hầu làm giảm bớt những nghi ngờ và những đối kháng.
Báo chí Trung Quốc im hơi lặng tiếng về cuộc viếng thăm Cam Bốt của De Gaulle vì các nhà lãnh đạo CHNDTQ coi Hiệp định Genève là đã lỗi thời trong khi De Gaulle vẫn muốn dựa vào nó.
Sainteny móc nối một đường giây cho tương lai
Sainteny, tổng trưởng bộ Cựu chiến binh trong nội các Pompidou từ 1962 đến 1966 được De Gaulle tin cậy vì là người đã tham dự nhiều về công chuyện Việt Nam và thỉnh thoảng vẫn có liên lạc với những nhà ngoại giao người Việt và người Mỹ công cán ở Paris. Ông nói với người Mỹ là Việt Nam thống nhất có lợi cho Tây phương : " biên thùy " Nam Bắc được mở, những thành phần không cộng sản trong nước sẽ được lợi thế vô kể vì, theo kinh nghiệm của ông khi còn ở Hà Nội, đa số người dân miền Bắc không thích hệ thống cộng sản.
Cũng vì De Gaulle biết Sainteny được các lãnh tụ cao cấp Bắc Việt như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng mến chuộng nên ngày 24-2 ông được De Gaulle trao cho một bức thư cầm tay cho chủ tịch nước VNDCCH, nói là De Gaulle muốn có những tiếp xúc mới và chỉ giữa 2 người với nhau.
Sainteny được Nguyễn Duy Trinh, bộ trưởng ngoại giao, phó thủ tướng tiếp ngày 4-7, và sau đó được chính thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp. Ngày hôm sau 5-7, Sainteny được tiếp chuyện " mặt đối mặt " với Hồ Chí Minh ở Chủ tịch phủ. Cảm tưởng của Sainteny là chủ tịch VNDCCH không còn giữ quyền chính nữa, giao phó cho Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh có vẻ thất vọng về bức thư của De Gaulle. Tuy không có ảo tưởng gì về những lời khuyên của mình, Sainteny cũng cảnh giác những người đối thoại về hậu quả của một cuộc tranh đấu đến tận cùng, có thể làm lụn bại Việt Nam hay làm Việt Nam rơi hoàn toàn vào quĩ đạo Trung Quốc. Rút cục những cuộc hội đàm với Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, có vẻ hữu ích cho mối bang giao Việt - Pháp nhiều hơn là tìm được một giải pháp ngoại giao ..
Ảnh hưởng của Bắc Kinh bao trùm Hà Nội lúc đó. Bắc Kinh thúc đẩy tiếp tục chiến tranh để hưởng lợi : Mỹ bị thua một nước nhỏ, sẽ mất hết uy tín ở phương Đông, bang giao giữa Washington và Moscou sẽ bị lục đục, sự tùy thuộc Bắc Kinh về viện trợ sẽ mỗi ngày một lớn. Nhưng cái khốc liệt nhất là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang mở những cuộc thanh trừng các tầng lớp tư sản, trí thức, sẽ tiếp tục đem chiến tranh Việt Nam ra để biện bạch.
Tuy nhiên khi Sainteny gặp Phạm Văn Đồng lần thứ hai, lần đầu tiên Phạm Văn Đồng nói sẽ ngưng xâm nhập nếu Mỹ ngừng thả bom. Bộ Ngoại giao Mỹ không giấu nổi sự ngạc nhiên và bằng lòng. Dean Rusk ra huấn thị cho đại sứ Mỹ gặp Sainteny để làm sáng tỏ những câu nói của Phạm Văn Đồng. Một ủy ban đàm phán do Averell Harriman cầm đầu ủy nhiệm Giáo sư Henry Kissinger, ngôi sao đang lên của Washington và cũng là chỗ quen biết của vợ Sainteny, Claude Dulong, lo việc này. Kissinger gặp Sainteny ngày 13-6-1966 trước khi ông trở lại Á Đông.
Nói tóm lại Sainteny đã không trở về với 2 bàn tay trống. Cuộc viếng thăm Hà Nội của ông đã cho toà Bạch ốc thấy ông là người trung gian có tiềm năng. Toà Bạch Ốc tưởng đã gạt bỏ được mãi mãi vai trò trung gian của chính phủ Pháp sau bài diễn văn Phnom Penh.
Một đường giây đầy hứa hẹn : Pennsylvania
Pennsylvania là mật mã của một đuờng giây bí mật trong đó có tên của 2 người Pháp không thuộc ngành ngoại giao bên cạnh tên của giáo sư Kissinger : Hebert Markovich và Raymond Aubrac. Marcovich là một nhà vi sinh vật học thuộc viện Pasteur Paris, Aubrac là nhân viên cao cấp của FAO ( Tổ chức Liên Hiệp Quốc về thực phẩm và canh nông ). Aubrac được mời vào đường giây này vì là cựu kháng chiến và là chỗ thân tình của Hồ Chí Minh. Hai sứ giả Pháp được Henri Kissinger nhờ nhắn tin với Hà Nội là chính phủ Mỹ sẵn sàng ngừng ném bom Bắc Việt với điều kiện là VNDCCH không tăng cường thâm nhập Nam Việt. Kissinger nhấn mạnh chữ " ngưng tăng cường thâm nhập " thay vì " ngưng thâm nhập ".
Tới Hà Nội ngày 21-7 hai trung gian Pháp được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đón tiếp, lấy cớ để tái lập sự liên lạc giữa viện Pasteur Paris và viện Pasteur Hà Nội. Ngày 24, 2 người được gặp Phạm Văn Đồng. Marcovich đưa tin của Kissinger cho thủ tướng VNDCCH. Aubrac nói thêm vào là vấn đề kiểm soát sự thâm nhập phải được giải quyết và Mỹ hoan nghênh những đề nghị của Hà Nội. Thủ tướng hỏi " Làm sao họ biết được chúng tôi ngừng thâm nhập ?" Marcovich trả lời là với máy bay trinh thám có thể kiểm soát được một phần.
Buổi chiều Aubrac được Hồ Chí Minh tiếp. Sau 15 phút hàn huyên về gia đình Aubrac mà Chủ tịch biết rất rõ từ khi còn ở nhà Aubrac năm 1946, Hồ Chí Minh bắt đầu bằng một bài thuyết trình về lịch sử, địa dư và địa lí chính của cuộc chiến tranh, rồi Hồ Chí Minh trở lại những câu chuyện thường và có ý nói là những chi tiết về thuơng lượng đều do thủ tướng Phạm Văn Đồng nắm giữ.
Ngày hôm sau 2 người gặp lại Phạm Văn Đồng. Ông lập lại với 2 người là ngưng chiến đòi hỏi phải ngưng thả bom vô điều kiện, vô thời hạn và Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam. Marcovich ngắt lời và có ý cho là thiếu thực tế. Phạm Văn Đồng đành phải nói rõ ràng : Quân đội Mỹ có thể ở lại cho tới khi đạt được một thoả hiệp chính trị ở Nam Việt. Nếu cần phải bàn bí mật thì bàn tuy không thích hội đàm bí mật ( chỉ giữa Mỹ và Bắc Việt ). Không cần phải có sự tham dự của GPMN khi những vấn đề được đem ra bàn không dính dáng gì tới Nam-Việt Nam.
Khi trở về Paris, Aubrac và Marcovich vội vã tường thuật cho Kissinger nghe. Những lời nói của Phạm Văn Đồng được Washington cho là thực tế và khích lệ : đàm phán bí mật, không có sự hiện diện của GPMN, quân đội Mỹ vẫn có thể ở lại miền Nam cho đến khi những vấn đề chính trị được giải quyết, thành lập một chính phủ liên hiệp trong đó có.những nhân vật của chính phủ Sài Gòn.
Một lần nữa toà Bạch Ốc đã không cho là cần thiết phải giảm bớt nhịp độ thả bom miền Bắc song song với sự tiến bộ đạt được của đường giây Paris. Rội bom ác liệt nhất trong chiến dịch Rolling Thunder là từ ngày 20 đến 23-8. Chính phủ VNDCCH từ chối tiếp thư của các sứ giả Pháp gửi cho Mai Văn Bộ. Đường giây bị tắt ngấm.
Sự trỗi lên của đường giây Manac' h
Thàng 10-1967, Manac'h nhận lời Mỹ đóng vai trò trung gian không chính thức giữa sứ quán Mỹ ở Paris và tổng đại diện VNDCCH để chuyển vận thư tín và thúc gấp cuộc đối thoại. Manac' h nhận được khẳng định của Bộ ngày 8-12 : " Nếu Mỹ ngưng thả bom, sẽ có thể có những cuộc hội đàm ". Manac' h nói với Bộ là vì vấn đề tâm lí đối với dân Mỹ, cần phải nói rõ ràng hơn, khẳng định hơn, như ( "những cuộc hội đàm sẽ diễn ra... ). Ngày 29-12 một bản tuyên bố của Nguyễn Duy Trinh bằng tiếng Pháp được phổ biến với những động từ được chia ở Thì tương lai, không chia ở điều kiện thức (văn phạm Pháp) nữa : Sau khi ngưng thả bom vô điều kiện (...) VNDCCH sẽ bắt đầu những cuộc nói chuyện với Hoa Kỳ về những vấn đề có liên quan..." Mai Văn Bộ khẳng định với Manac' h là bản tuyên bố hoàn toàn có tính cách chính thức và từ ngữ " ngưng thả bom vô kỳ hạn "đã được bỏ đi. Về thời gian từ khi ngưng thả bom đến khi mởcuộc hội đàm, Bộ nói rõ : " VNDCCH mở cuộc đàm phán ngay khi sự ngưng thả bom được thực hiện "
Hai địch thủ có vẻ đi gần nhau về những điều kiện được đòi hỏi để mở cuộc hội đàm.
Chọn Paris làm chỗ hội đàm hoà bình
Ngày 20-1 1968, giáo sư Roussel chủ tịch hội Y giới Việt-Pháp, 3 ngày trước khi đi công tác y tế ở Hà Nội, được mời tới điện Élysée để De Gaulle trao cho một nhiệm vụ bí mật là thăm dò phản ứng cúa thủ tướng VNDCCH, không những về sự tăng cường quan hệ Việt-Pháp sau bài diễn văn Phnom Pênh, mà còn về sáng kiến của De Gaulle là mở những cuộc hội đàm sơ bộ về hoà bình ở Paris. Khi được Phạm Văn Đồng tiếp kiến, Phạm Văn Đồng phát biểu " Ông nói với tướng De Gaulle là tôi đón nhận mọi ý kiến. Trái banh ở bên tướng De Gaulle ". Qua câu trả lời, Điện Élysée coi là đã nhận được sự ưng thuận mặc nhiên của chính phủ Bắc Việt về ý tưởng một hội nghị tương lai ở Paris bàn về hoà bình Việt Nam.
Theo CIA, điện Élysée muốn chắc chắn có được sự hỗ trợ của cả hai chính phủ Việt Nam về sự chọn lựa Paris, nên đã nhờ một người trung gian kín đáo trao cho chính phủ Nam Việt một bức thư về sự lựa chọn này. Tuy không biết danh tính của người trung gian này, nhưng chắc cũng phải là một nhân vật quan trọng mới tiếp xúc được với những nhân vật cao cấp của chế độ nhưNguyễn Văn Hiếu, cố vấn chính trị, anh của tổng thống Thiệu, nhiều tổng trưởng trong đó có tổng trưởng ngoại giao Trần Văn Đỗ và đại sứ Sài Gòn ở Mỹ. Người trung gian cũng nói riêng với một nhân viên CIA là cuộc thăm viếng nhằm mục đích muốn soi sáng tổng thống Thiệu và những cố vấn của ông về thái độ của De Gaulle và của những nhà hữu trách chính trị Pháp đối với chính phủ Nam Việt và về những diễn tiến chính trị trong sự quyết định của Bắc Việt khi chấp thuận những cuộc thương lượng. Người trung gian cũng biện bạch cho sự xích lại gần Hà Nội của Paris là muốn cân đối ảnh hưởng của Trung Quốc cộng sản và chính phủ Pháp vẫn quyết tâm giúp chính phủ Nam Việt bằng mọi phương tiện có thể được, vì có trách nhiệm tinh thần với những người Việt Nam chống cộng đã chiến đấu cho và với người Pháp. Người trung gian cũng nói hi vọng cuộc hội đàm diễn ra khi Hồ Chí Minh còn sống chứ không với Lê Duẩn hay với Trường Chinh. Chính phủ Pháp cũng cho quyết định hội đàm của Hà Nội là một hành động can đảm trước những áp lực của Bắc Kinh chống cuộc hội đàm.
Hoàn toàn là tình cờ hay là kết quả của đường giây bí mật này ? Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Evening Star ngày 23-4, Trần Văn Đỗ khẳng định là Nam-Việt Nam không bác bẻ sự chọn lựa Paris làm nơi hội đàm sơ bộ giữa các nhà ngoại giao Mỹ vả Bắc Việt, và ngay cả cho những cuộc hội đàm sau này nếu mang lại kết quả. Bắc Việt và Nam Việt đều có quan hệ ngoại giao với nước Phàp và các nhà ngoại giao Nam Việt có thể đóng vai trò quan sát viên của mình một cách tự do.
Kết luận
Ngày 24-4-69, tướng De Gaulle lấy cớ không được tín nhiệm trong một cuộc trưng cầu dân ý, từ chức. Từ sau biến cố tháng 5-68 ông đã sửa soạn ra đi để bảo toàn phẩm giá. Ông chỉ chờ cơ hội..
Khi ông đưa ra một giải pháp để thay thế sự can thiệp quân sự của một cường quốc có quân lực mạnh nhất thế giới, khi ông cố gắng đẩy xa chiến tranh lạnh ở những nước Đông Nam Á bị tù túng trong những liên minh, rồi thúc gấp mở ra những cuộc đàm phán, phải chăng De Gaulle đã góp phần cho sự thăng bằng thế giới ?
Đường lối chính trị của De Gaulle đã đưa tới sự hòa giải biểu tượng với Việt Nam mà không chối bỏ tình hữu nghị với Hoa Kỳ. Những giá trị chung giữa các nền văn minh được công nhận và được đặt lên trên những tách biệt về lí tưởng và những khủng hoảng từ đó mà ra. Sự thừa nhận những giá trị đó đến từ một người đã biết tự nhận những lỗi lầm của mình để từ đó đã rút tỉa được những bài học tích cực. Một người biết chấp nhận tầm vóc bi kịch của Lịch sử
Nguyên Phong lược dịch