Những góc nhìn Văn hoá

Thần thánh và bươm bướm - vài cảm nhận sơ sài

Đã biết một Đỗ Minh Tuấn nghiêm trọng với thơ, chơi bời với hội họa, phù phiếm với điện ảnh thì cũng cần phải biết một Đỗ Minh Tuấn đùa giỡn với văn xuôi. Đã đành thiên hạ cổ kim không thiếu gì những cao thủ coi văn chương như chuyện trong túi mình. Song đùa giỡn kiểu “Thần thánh và bươm bướm” thì không phải ai cũng có thể giỡn chơi được. Đó là một lối viết làm chủ chữ nghĩa nhưng hoàn toàn buông thả tư duy, và câu chuyện cứ thế trào ra, thẳng như tên bay, ào như nước chảy, lại biến hóa không biết đâu mà lường.

 
Văn chương xưa nay khó ở sự biến hóa, cốt ở biến hóa, và hay, dở, hấp dẫn hay nhạt phèo cũng ở chỗ có hay không có sự biến hóa mà phân loại ra. Lão ăn mày ở đầu truyện là một ví dụ. Ôi! Lão chỉ còn mỗi việc khăn gói trở về quê với bao nhiêu quà cáp, bao nhiêu quý hóa... thế mà sinh ra cái ống tiêu cũ để rồi con thạnh sùng chui vào cổ họng để lão phải vĩnh viễn nằm lại... Hay là chi tiết vợ gã bắt ếch đang đêm mang quần áo cho vợ Thao đang trần truồng giữa cánh đồng. Cái xấu không cần phải suy nghĩ, song cái tốt, tốt đến bất ngờ...
 
Biến hóa trong văn chương Đỗ Minh Tuấn không những tạo nên sự hấp dẫn trong mỗi trang sách, mà còn cứu được cả những trường đoạn viết dở, ví dụ trường đoạn về thánh Chấn. Cao thủ ấy dẫu có buồn thì tôi cũng cứ xin nói rằng đoạn này là dở nhất. May mà có cô bé tên Liên đến chữa bệnh mất ngủ thành ra câu chuyện thánh Chấn cũng đỡ nhàm chán đi phần nào.
 
Nhưng đến chi tiết về cuộc mua súng lục của anh cựu chiến binh tên Thao thì là một sáng tạo đầy thông minh, ý tứ sâu sắc không sao kể xiết. Tiếc là chưa có thì giờ để bàn sâu về chuyện này, từ tư duy đến hành động, từ hoàn cảnh đến hiện vật... Viết cứ như đùa mà trước, sau gồm đủ cả thế sự, nhân tình...
 
Trong “Thần thánh và bươm bướm” thì chủ là “mộc” mà khách là “nhân”. Nhân vật chính là cây gạo ra hoa bốn mùa nhuộm đỏ ao làng, nhuộm đỏ đàn vịt... và cây bưởi cũng ra hoa đủ bốn mùa để giữ mạng sống cho một quái thai. Ấy là “thần thánh”. Còn toàn thị những con người trong truyện, kể cả “sứ giả của cõi vô hình” (lão ăn mày), lẫn vị “Thánh” tên Chấn, kể cả ta, tây... tất thảy đều là... bươm bướm hết.
 
Tóm lại, tuyền bộ sách là một hiện thực, chính xác là hiện thực trào lộng. Hiện thực mà siêu thực, siêu thực mà Liêu trai. Song chất Liêu trai hoàn toàn không nằm ở chữ, mà nằm khí văn (Liêu trai mà không hề cũ). Lối viết này đặc biệt kì thú. Có cảm giác thánh thần, ma quỷ phục sẵn trên mặt giấy. Và Đỗ Minh Tuấn chỉ còn làm mỗi việc là đè chữ của mình lên...
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570162

Hôm nay

2198

Hôm qua

2367

Tuần này

22545

Tháng này

228686

Tháng qua

129483

Tất cả

114570162