Những góc nhìn Văn hoá

Sự hình thành thơ mới như một hiện tượng khu vực

Trong khu vực Đông Á gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam... đều có một hiện tượng văn học giống nhau, gọi là “Thơ mới”. Cả bốn nước này có cùng hệ thống quan niệm thẩm mỹ, hệ thống thể loại, đều chịu sự chi phối của cái nhìn Nho giáo: quan niệm văn để chở đạo, thơ để nói chí (Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí). Từ đề tài, nhân vật, cốt truyện đến hình ảnh, ngôn ngữ, tả không gian, thời gian đều nằm trong một hệ thống ước lệ. Quan niệm Thi dĩ ngôn chí, Văn dĩ tải đạo của Nho gia đã lấn át cái bản ngã, hạn chế khả năng bộc lộ cái tôi cá nhân cũng như tính độc đáo của người sáng tạo. Nói cách khác, những nước này có tính đồng văn về lịch sử, văn hoá truyền thống.

Xét về hoàn cảnh lịch sử, từ giữa thế kỷ XIX, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam đều là các nước tiền công nghiệp trước khi tiếp xúc với phương Tây công nghiệp hiện đại. Đây là cuộc biến thiên lớn nhất tạo nên một tình thế đối lập mãnh liệt giữa cái cũ và mới, giữa Á và Âu, giữa bảo thủ và cấp tiến. Chính sự tiếp xúc này đã có những biến đổi sâu sắc, tạo nên những lớp người mới, làm thay đổi cách sống, cách nghĩ và ngay cả cách cảm. Sự gặp gỡ với phương Tây đã cởi trói và làm thay đổi nhiều quan niệm từ hàng chục thế kỷ. Và sự thay đổi trong cách nhìn, cách cảm khiến cho thế hệ mới có cái nhìn khác hẳn về những vấn đề rất đời thường, xem đó như là một sự chệch hướng về nhận thức.
Một phong trào văn học bao giờ cũng gắn liền với hoàn cảnh xã hội, gắn liền với một tầng lớp xã hội nhất định. Sự thay đổi thể hiện ở văn xuôi và mạnh mẽ nhất là ở lĩnh vực thơ. Lãnh vực thi ca là nơi ký thác tâm hồn, gửi gắm tình cảm, tất nhiên phải chịu một sự xáo trộn không nhỏ. Điều này cũng dễ hiểu, vì thơ là thể loại có truyền thống lâu đời ở cả bốn nước, là nơi thể hiện trực tiếp tâm trạng cá nhân con người và là điểm khác biệt cơ bản giữa quan niệm truyền thống và hiện đại. Là lĩnh vực nhạy cảm nhất với những thay đổi về hình thức, ngôn ngữ, vần điệu nên khi văn học phương Tây ảnh hưởng đến văn học phương Đông, áp lực đòi hỏi văn học phải cách tân và sự xung đột tạo ra cái mới diễn ra chủ yếu ở phạm vi thơ.
Khái niệm Thơ mới đều có mặt trong các tài liệu nghiên cứu văn học ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Đó là dòng thơ tiếp nhận ảnh hưởng của thơ phương Tây, biến đổi thơ truyền thống để phân biệt với thơ cũ. Tuy Thơ mới xuất hiện ở những nước có khác nhau về thời gian nhưng đều vào khoảng cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Đó là giai đoạn “Văn học giao thời”, theo nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Hượu đã phân tích và xác định. Thơ mới ra đời đã đáp ứng kịp thời những nhu cầu, những tư tưởng tình cảm mới, những thị hiếu thẩm mỹ mới của một tầng lớp thanh niên mới bấy giờ cùng với sự giao lưu của văn hoá Đông Tây.
Khái niệm Thơ mới có nội hàm khá thống nhất ở bốn nước này, đều chỉ thể loại thơ đầu thế kỷ XX khi tiếp nhận sự ảnh hưởng của thơ phương Tây. So với Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên thì Thơ mới ở Việt Nam hình thành chậm hơn. So sánh về mặt loại hình thì đó là sự lệch pha về mặt thời gian. Thơ mới xuất hiện đầu tiên là ở Nhật Bản. Tập Shintaishi (Tân thể thi) - Thơ phong cách mớiở Nhật Bản ra đời năm 1882. Ở Triều Tiên, Thơ mới ra đời trong phong trào khai sáng của dân tộc từ cuối thế kỷ XIX. Đến thập niên đầu thế kỷ XX, bài Thơ mới đầu tiên của Triều Tiên in năm 1908 của tác giả Choinamsun. Đây là một trong những thủ lĩnh của phong trào thi ca khai sáng đầu thế kỷ. Bài thơ có nhan đề Chú bé và biển cả. Với bài thơ này, cách tiếp cận thơ ca hoàn toàn mới khác hẳn với quan niệm nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc, thể thơ đã có sự cách tân về số câu, số chữ:
Biển dâng sóng cao như núi
Đập mạnh vào vách đá
Cái trò yếu ớt đó có là gì với ta?
“Ngươi có biết sức mạnh của ta không?”,
                               biển gầm gào hỏi.
Biển sôi trào hăm doạ
Chẳng có con sông nào ào đến làm ta sợ
Trái đất mạnh mẽ, kiêu căng, ta xem như
                                          thứ đồ chơi...
Biển trong bài thơ ngầm chỉ con đường hiện đại hoá mà Triều Tiên phải vượt quavà đó là một đề tài tiêu biểu của Thơ mới Triều Tiên hồi đầu thế kỷ.
Sự gặp gỡ giữa Thơ mới Việt Nam và Thơ mới Triều Tiên thể hiện ở chỗ: những bài thơ đều được viết theo hình thức thơ tự do chứ không phải theo sự gò bó khuôn khổ của thơ cũ. Ở Trung Quốc, tác giả Hồ Thích công bố 8 bài Thơ mới trên tờ tạp chí Tân thanh niên vào tháng 02-1917 được xem như là sự khởi đầu của Thơ mới ở nước này. Cùng thời điểm này, ở Việt Nam, trong tờ Nam Phong tạp chí số 5 tháng 11-1917 với bài Bàn về thơ nôm, Phạm Quỳnh đã đưa ra nhận định của mình về sự phá tung những ràng buộc, khắc nghiệt của thơ cũ: “Người ta thường nói thơ là tiếng kêu tự nhiên của con tâm. Người Tàu định luật nghiêm cho nghề làm thơ thật là muốn chữa lại, sửa lại cái tiếng kêu ấy cho nó hạp hơn, nhưng cũng nhân đó mà làm mất cái giọng thiên nhiên vậy”(1). Thơ mới được tính từ nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt ngày 10-3-1932 Phan Khôi đã bằng bài Tình già kèm theo bài viết giãi bày Một lối Thơ mới trình chánh giữa làng thơ trên báo Phụ nữ tân văn số 122. Ngay những tác phẩm của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Lan Sơn ra đời trước đó, đến lúc Phụ nữ tân văn, Phong hoá dấy lên phong trào Thơ mới, mới đưa in. Và đến năm 1932 chính là năm chín muồi để Thơ mới tự khẳng định và phát triển thành phong trào.
Đầu giai đoạn này, Tản Đà nổi lên như một nhân vật điển hình. Là một nhà nho nhưng ông lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng duy tân. Ông quan niệm: “In hết quyển này ra quyển khác/ Có văn có ích, có văn chơi” (Lo văn ế). Quan niệm văn chơi được mở đầu từ Tản Đà, báo hiệu sự xuất hiện một thời đại trong thi ca mà sau này Hoài Thanh đã tổng kết trong Thi nhân Việt Nam. Lần đầu tiên trong văn học hiện đại, cái tôi trữ tình được coi như là nhân vật trữ tình số một. Cái tôi trữ tình ngông nghênh, tài hoa của Tản Đà với quan niệm văn chơi đã tạo điều kiện cho sự phát triển tự do của cá nhân con người. Tản Đà cũng là cá nhân, cũng thích ứng với đời sống thị thành. Ông là người đi đầu chống lại những giả dối, khuôn sáo và là người dạo bản đàn mở đầu cho văn học mới. Nhưng cái tôi cá nhân của Tản Đà là cái cá nhân ngông ngạo của một nhà nho tài tử chỉ thích hợp với đô thị phương Đông. Tản Đà không thể nhập cuộc vào đời sống Âu hoá, vì vậy mà không có sự đồng cảm với các nhà Thơ mới. Nhưng dù sao theo hướng cách tân của Tản Đà, các nhà Thơ mới (1932-1945) đã làm thay đổi bộ mặt thi ca Việt Nam.
Phong trào Thơ mới ra đời đã thu hút được sự quan tâm của độc giả cũng như giới phê bình qua các cuộc diễn thuyết, tranh luận, có nhiều ý kiến ủng hộ Thơ mới. Phong trào này đánh dấu bước tiến về tư tưởng và tình cảm, tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong thi ca ở Việt Nam. Đó là cái xao động, cái náo nức của một phong trào đang thay da đổi thịt không chỉ cho thơ mà cho cả tâm hồn mình. Cùng với các cây bút trong Tự lực văn đoàn, các nhà Thơ mới chủ trương một sự cách tân mạnh mẽ trong văn học. Thơ mới chứa đựng nhiều nỗi niềm: niềm vui gắn bó sự sống và tạo vật, niềm vui trong những khát khao và sự bù đắp của tình yêu đôi lứa, tình yêu đối với cuộc sống... Những tình cảm ấy gắn liền với từng cuộc đời nhà thơ nhưng đồng thời nó cũng mang theo hơi thở chung của thời đại. Đó chính là tiếng nói, tâm tình của các tầng lớp tiểu tư sản thành thị và trí thức Việt Nam trước một thực tại xã hội không như mình mong muốn. Trong giai đoạn này, đối với đa số tiểu tư sản trí thức Việt Nam, con đường văn chương có lẽ là lối thoát trong sạch nhất. Đối với họ, văn thơ  là nơi có thể gửi gắm nỗi niềm tâm sự, bộc lộ tình cảm thầm kín của mình.
Ra đời vào những năm 1930-1945, trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt, phong trào Thơ mới Việt Nam thể hiện sự đổi mới về ý thức của con người. Nó là sản phẩm tất yếu nằm trong trào lưu văn hoá của dân tộc. Nảy sinh và phát triển trong khoảng hơn ba thập kỷ đầu thế kỷ XX, phong trào Thơ mới chính là nỗi niềm của cả một thế hệ. Thế hệ ấy đã tự tìm về mình và tự thể hiện mình một cách sâu sắc. Tuy thời gian ở mỗi nước khác nhau nhưng điểm gặp nhau của bốn nước này là sự hình thành và phát triển Thơ mới đều là quá trình lâu dài, góp phần vào quá trình gia nhập văn học thế giới hiện đại.
Đối chiếu, so sánh phong trào Thơ mới ở Việt Nam với ba nước trên để thấy được điểm giống nhau cũng như khác biệt giữa các nền văn học của các nước này. Xét trên bình diện lịch sử văn học, Thơ mới Trung Quốc bắt đầu phát sinh trong buổi giao thời cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi mà giai cấp địa chủ và tư sản dấy lên phong trào đòi cải cách, đòi thiết lập chế độ quân chủ hợp hiến trong nước. Thời kỳ này phong trào dịch thuật đóng góp không nhỏ trong việc đưa ngôn ngữ phương Tây sang Trung văn. Các bản dịch tuyên truyền tư tưởng và văn hoá tư sản thông qua các nhà xã hội học, kinh tế học, triết học đã có một sự khởi sắc đối với tư tưởng người Trung Quốc nói chung và trên lĩnh vực thơ nói riêng. Tuy còn là những bước đi chập chững, rụt rè nhưng những cuộc vận động này đã tạo nên một tiếng nói riêng cho văn học và đặc biệt là thơ.
Hai cuộc vận động mang tên Phong cách văn học mới Cuộc cách mạng trong thơ tạo nên con đường đi mới, khả quan cho văn học Trung Quốc. Người chủ xướng cuộc vận động Phong cách văn học mới là Lương Khải Siêu (1873-1929). Ông được xem là một trong những thủ lĩnh của phong trào cải cách. Những bài viết của ông tuy còn sử dụng văn ngôn nhưng ý thức của ông đem đến cho người đọc ngôn từ đại chúng dễ hiểu, làm cho văn học thích nghi với thời hiện đại. Phong trào Cuộc cách mạng trong thơ cũng đem đến sự đổi mới trong việc mở rộng đề tài thơ, mở rộng từ ngữ mới. Ngôn ngữ thơ là khẩu ngữ, không bị bó buộc bởi những qui tắc luật lệ chặt chẽ.
Thơ mới Trung Quốc là con đẻ của phong trào cách mạng văn hoá mới Ngũ tứ năm 1919 của Trung Quốc. Phong trào Thơ mới này đề xướng tự do, dân chủ, sáng tạo nên một nền văn học mới bằng bạch thoại. Bạch thoại được sử dụng trong thời gian này diễn tả những ý tưởng mới, dân chúng dễ hiểu hơn. Trong phần giới thiệu bài dịch Thơ mới Trung Quốc, Trần Đình Sử cho rằng: “Tiếng nói sống động hàng ngày, khác hẳn lối văn ngôn - từ ngữ đầy rẫy những tiếng cổ “chi, hồ, giả, dã” lỗi thời”(2). Hình thức của thơ ca cổ điển Trung Quốc quá cũ, quá lạc hậu: “Các quy phạm thơ cũ như cách luật thanh vận, từ ngữ bóng bẩy, điển hình cầu kỳ đã trở thành xơ cứng, trống rỗng”(3), không còn phù hợp với nhu cầu biểu đạt tình cảm mới. Sự xuất hiện của các nhà văn có khuynh hướng đổi mới, do sự tiếp xúc với văn hoá phương Tây như Lương Khải Siêu, Đàm Từ Đồng, Hạ Tằng Tựu tất yếu dẫn đến sự đổi mới trong thi ca.
Cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ trong văn học Trung Quốc thật sự bắt đầu khi Hồ Thích xuất hiện. Năm 1917, Hồ Thích đưa ra những quan điểm của mình về cải cách văn học. Ông quan niệm rằng: “Nếu muốn có một tinh thần mới, nội dung mới thì không thể không trước hết đập tan các gông xiềng trói buộc tinh thần ấy” và “thể văn của văn học mới phải tự do, không cách luật, khác hẳn thi từ cũ”(4). Quan niệm này muốn khẳng định một nền văn học mới phải tương ứng với một hình thức thể hiện mới. Những bài thơ bạch thoại của Hồ Thích đăng trên tạp chí Tân thanh niênvào tháng 1-1917 đã đánh dấu sự đổi mới trong thi ca. Và cũng chính những bài thơ này là sự khởi đầu dẫn đến phong trào Thơ mới rầm rộ ở Trung Quốc. Ngoài ra, tập thơ Những thử nghiệm của ông xuất bản tháng 03 năm 1920 là tập thơ đầu tiên viết theo lối khẩu ngữ. Hy vọng của ông muốn qua tập thơ này người đọc thấy được sự chuyển đổi từ thơ cũ sang thơ mới và cho thấy được sự cách tân của ông trong lĩnh vực nhịp điệu thơ.
Theo quan niệm của những nhà Thơ mới ở Trung Quốc lúc này, văn học mới thì phải tự do, đập tan các gông xiềng trói buộc tư tưởng mới, tinh thần mới. Và phương thức được xem là tốt nhất để thoát khỏi mọi ràng buộc của thi luật là dùng khẩu ngữ, lời đối thoại. Hồ Thích cho rằng bài thơ Con ngòi của Chu Tác Nhân (em trai của Chu Thụ Nhân là nhà văn Lỗ Tấn) là kiệt tác số một của Thơ mới. Khẩu ngữ, ngôn ngữ bạch thoại được xem như là một phương tiện để định ra những xung đột giữa cũ và mới, là sự cách tân, đổi mới để chuyển tải ý tưởng của thi ca.
Nói đến phong trào Thơ mới ở Trung Quốc không thể không nói đến nhà thơ Quách Mạt Nhược. Ông là người đại diện cho tinh thần đổi mới Thơ mới. Tập thơ Nữ thần của ông mang dư âm của Thơ mới, một lối thơ hoàn toàn tự do, thể hiện cá tính sáng tạo. Cái tôi biểu hiện thật rõ nét trong thơ ông. Đó là một lối thơ thể hiện tinh thần của thời đại, là tiếng nói đại diện cho tình cảm mới, tư tưởng mới.
Cũng như các nước Đông Á, Thơ mới Trung Quốc có sự ảnh hưởng của thơ Pháp nên tư tưởng chủ đạo của Thơ mới Trung Quốc là giải phóng cá tính, khẳng định cái tôi. Thời gian đầu, thi ca Trung Quốc khẳng định khát vọng lý tưởng, khuynh hướng lãng mạn rõ nét và sau đó là khuynh hướng tượng trưng thể hiện sự chiêm nghiệm cuộc sống.
Trong sự đối sánh với Thơ mới Trung Quốc, cùng thời gian này phải kể đến Thơ mới Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Nga Alexander Dolin trong lời giới thiệu tuyển tập Thơ mới Nhật Bản đã khái quát chung cho hiện tượng mang tính chất phổ biến khu vực này. Dolin cho rằng: “Sự sụp đổ của một nếp sống có từ lâu đời vào thời nổ ra cuộc cách mạng Minh Trị (1868) lẽ tự nhiên đã gây nên những biến đổi căn bản trong tất cả các lĩnh vực đời sống vật chất và tinh thần của đất nước, trong đó có nghệ thuật. So sánh nghệ thuật truyền thống của nước nhà với nghệ thuật tiên tiến của phương Tây, giới trí thức Nhật Bản thấy ra sự không phù hợp của nó với những nhu cầu tinh thần của thời đại và ở một giai đoạn nào đó họ đã đi gần đến thái độ đoạn tuyệt hoàn toàn với vốn cổ điển”(5). Ý kiến này đã phần nào khẳng định sự biến đổi trong tầm nhìn của Nhật Bản, hướng về một cuộc sống phù hợp với tinh thần thời đại.
Ở Nhật Bản, phong trào chủ nghĩa lãng mạn đạt đến đỉnh cao vào những năm 90 thế kỷ XIX đã đưa vào thế giới Tanca nhiều tài năng rực sáng. Các nhà thơ trẻ đã chỉ ra rằng Tanca có thể truyền đạt những chuyển động hết sức tinh tế của tâm hồn, những cảm hứng, những niềm say mê. Tuy nhiên, Tanca vẫn nằm trong khuôn khổ ngôn ngữ văn học cổ điển nên chưa phản ánh sắc nét hơi thở sống động của thời đại. Tác giả tập Shintaishi - Thơ phong cách mới đầu tiên ở Nhật Bản ra đời 1882 đã từ bỏ Tan caHai cu cản trở các nhà thơ hiện đại tự do nói lên tư tưởng, tình cảm của mình. Ngay các nhà nghệ thuật truyền thống Nhật Bản cũng ngưỡng mộ các phiên bản của Xedan, Vangoc, Uytxle, họ chịu ảnh hưởng nghệ thuật mới (Art Nouveau).
Cuối thế kỷ XIX, Ochiai Naobumi cho ra đời một tập Thơ mới gồm những Tanca được tân tạo. Nhiều nhóm thơ ca được thành lập. Thơ hình thức mới (tập Shintaishi) thuộc về lãng mạn, đặc biệt Isikava được xem là một trong những nhà thơ lớn viết Tanca táo bạo nhất. Ông cũng là người báo trước sự ra đời của phong trào Thơ mới ở Nhật Bản.
Nishiwaki Junzaburo lại hiện đại hoá thơ Nhật Bản bằng cách chuyển dịch chủ nghĩa hiện đại của thế giới phương Tây vào Nhật Bản. Ngay từ giai đoạn đầu của thời Minh Trị, những nhà thơ Nhật Bản đã tìm cách dịch và giới thiệu thơ phương Tây vào Nhật Bản với hy vọng các nghệ sĩ kiểu mới bứt khỏi gông cùm của những quy phạm thời trung đại, khao khát hấp thụ thành tựu tri thức mới, tạo nên một cảm hứng mỹ học mới để áp dụng vào thơ ca: tập Omokage (Những ngấn tích- 1889), Kaichòon(Hải triều âm - 1905)... Đến với những tập thơ này, người đọc làm quen một kiểu cảm thức mỹ học mới mẻ, dung dị vì lối sử dụng từ ngữ gần gũi đời sống và thể thơ tự do của các nhà thơ phương Tây. Chính điều này đã khiến Hagiwara Sakutaro hoàn thành tập thơ Tsuki ni hoeru (Sủa trăng) vào năm 1917. Với tập thơ này, Hagiwara Sakutaro đã cố gắng làm mới thơ Nhật Bản bằng cách đem ngôn ngữ đời thường vào thơ. Và tập thơ của ông đã đánh dấu sự chuyển mình đầu tiên trong thơ Nhật Bản thời cận đại (kindai).
Kitahara Hakusu, một nhà thơ có tâm hồn luôn luôn sục sôi, nhiều cung bậc tình cảm được bạn đọc Nhật Bản và những người yêu thơ chú ý đến. Nhạc tính trong thơ ông thể hiện một bút pháp luôn tìm tòi đổi mới về nội dung. Điều đó ghi dấu ấn ở các tập thơ Kỷ niệm, Ngọn gió sau những cơn mưa (1933). Dấu tích văn hoá phương Tây, nhất là nền văn hoá Pháp, ảnh hưởng đậm nét trong thi phẩm của Horiguchi Đaigaku. Ở tập thơ Tôi của thi sĩ, cái tôi của nhà thơ thể hiện sâu lắng, khẳng định cái đẹp của sự sáng tạo. Đặc biệt, bài thơ Người đàn bà của ký ức đã đi sâu vào nội tâm con người.
Vườn tôi, con chim nhỏ hát
Những bài hát phiền muộn sớm, chiều
Trong ký ức tôi, một người đàn bà khóc
Hôm nay, ngày mai, những giọt nước mắt tiêu điều
...
Hỡi chim nhỏ vườn nhà, hỡi người đàn bà thương nhớ
Và mày nữa, hỡi trái tim ta
Sao tất cả chưa ngớt than van
Sao tất cả chưa ngớt khóc?...
Đó chính là nỗi buồn thấm thía của nhân thế mà ông từng cho đó là cái thực của nỗi lòng, là khát vọng được thể hiện, được nói ra bằng thơ ca.
Nishiwaki Junzaburo lại đề cao tính hiện đại của ngôn ngữ thơ ca phương Tây vào Nhật ngữ. Tiếng Nhật đã được Nishiwaki ngoại hoá trong hình thức nghệ thuật mà chủ yếu là biện pháp tu từ và kết cấu ngữ pháp. Ngôn ngữ mới lạ này tạo nên sự sinh động, lôi cuốn và giúp các nhà thơ cũ bứt phá ra khỏi những phong cách và cảm thức văn chương Nhật Bản cố hữu, đã ảnh hưởng không nhỏ đến những thế hệ mới của Nhật Bản hiện đại (gendai).
Thơ mới Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên cũng như Thơ mới ở Việt Nam là một hiện tượng khu vực có tính chất loại hình. Thơ mới là sản phẩm của văn hoá đô thị, là tiếng nói của con người cá nhân hiện đại, của tầng lớp trí thức đô thị bấy giờ. Họ muốn biểu hiện cảm xúc tình yêu cá nhân, bộc lộ cái tôi cá nhân trong hoạt động sáng tạo, thơ ca thật sự trở thành tiếng kêu tự nhiên của con tim. Thơ mới là tiếng nói của cái tôi cá nhân cá thể, cái tôi cá nhân được tồn tại một cách đầy ý nghĩa trong cuộc sống. Điểm gặp gỡ của Thơ mới các nước trong khu vực Đông Á là sự đổi mới trong ngôn ngữ thi ca, hình thức thi ca, tư duy thi ca. Nếu như trước đây trong thơ trung đại, quan niệm Thi dĩ ngôn chí, Văn dĩ tải đạo của Nho gia đã lấn át cái bản ngã thi gia thì Thơ mới ra đời là đồng nghĩa với sự khẳng định cái tôi cá nhân, đề cao cái bản ngã cá nhân. Đây là thời kỳ con người được tự do thể hiện mình - con người cá thể.
 Hoàn cảnh lịch sử xã hội - văn hoá ở khu vực Đông Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã dần hình thành cái tôi chủ thể, cái tôi tự do trong sáng tạo thơ ca. So sánh Thơ mới ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam về mặt loại hình, về sự ảnh hưởng của tâm lý xã hội, đó là sự ảnh hưởng mang tính quy luật. Chính ý thức tự do được đề cao đã khiến Thơ mới của những nước này thể hiện khát vọng, ý tưởng táo bạo đổi mới và đặc biệt là làm phong phú thơ ca. Điều đó được biểu hiện trong quan niệm sáng tác và trong thi phẩm của các thi sĩr
_____________                                                      
(1)                 Nguyễn Tấn Long: Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng, trung, hạ), NXB Văn học, Hà Nội, 1996, Tr.14.
(2)                 ,(3), (4) Trần Đình Sử(Dịch và giới thiệu): “Thơ mới Trung Quốc”, Văn học nước ngoài, Số 5-1997, tr.111.
(3)                 Alêcxandr Đôlin: “Thế kỷ bạc của thơ Nhật Bản” (Ngân Xuyên dịch), Tác phẩm mới, Số 4-1992, tr.35.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570068

Hôm nay

2104

Hôm qua

2367

Tuần này

22451

Tháng này

228592

Tháng qua

129483

Tất cả

114570068