Những góc nhìn Văn hoá

Kẹt giữa Đạo - thống và Thế - quyền - Thân phận của Kẻ sĩ (Thức nhận trở lại chủ đề Nho Lâm Ngoại Sử)

1. Gian díu giằng co giữa Đạo và Thế
Ý kiến cho rằng Nho Lâm Ngoại Sử là cuốn tiểu thuyết tố cáo chế độ khoa cử bát cổ đã trở nên rất phổ biến. Thế nhưng chả nhẽ một cuốn sách 56 hồi viết bằng cả cuộc đời chỉ để chứng minh điều mà ngay tự thời đó đã không ít người nhận thấy:

“Quan lại mà chế độ khoa cử bát cổ chọn luyện nên hoặc tham lam bạo ngược hoặc dung tục vô đạo”, “Chế độ khoa cử bát cổ làm cho nho lâm hư ngụy tham lam, đạo đức suy đồi, nhân cách méo mó, tâm hồn đê tiện đi”(1). Đồng ý văn bát cổ cử nghiệp quả thật đã trở thành một thứ cặn bã văn hóa. Và nền khoa cử thu gọn tất cả sự phong phú của học vấn và tâm hồn nhân cách vào trong mấy mươi hàng văn tứ lục công thức sáo rỗng quả thực không phải là cơ chế tuyển chọn và đào tạo người hiền tài. Thế nhưng, vấn đề cần được đặt ra là sự thực thì kẻ thống trị có thực sự cần chọn hiền tài hay không? Khoa cử bát cổ là cơ chế tuyển hiền hay chỉ là công cụ nô dịch? Vả chăng, những nho nhân chân tài thực học có chí kinh bang tế thế lẽ nào lại không đối phó nổi thể chế khoa cử đã trình thức hóa đến độ trở thành công thức đó? Thực tế thì trong Nho Lâm Ngoại Sử, ngoài tiểu thư họ Lỗ (dù biết rõ không thể đi thi) chuyên tâm tập luyện văn bát cổ, cậu thiếu niên Khuông Siêu Nhân một dạo cần mẫn đọc sách ôn thi chép bài văn mẫu của thầy tú Mã Nhị ra, còn có nho nhân nào thực sự nấu sử sôi kinh? Viết tốt hay viết dở với chuyện thi đậu hay không cũng chẳng có quan hệ tất yếu gì với nhau. Đọc chuyện Chu Tiến chấm bài thi của Phạm Tiến là đủ biết điều đó. Điều quan trọng trong cử nghiệp như nhiều nhân vật đã chỉ ra là vận dụng tổng hợp nhiều tri thức bên ngoài trường thi mới hòng đối phó nổi các kì thi. Ngoài chuyện đó ra thì chỉ còn hai chữ may rủi nữa mà thôi. Thực tế tự sự của tiểu thuyết chỉ rõ điều đó.

Miêu tả khoa cử bát cổ trong Nho Lâm Ngoại Sử làm cho độc giả ý thức một điều là – kẻ thực sự đang chơi trò chơi khoa cử như miếng mồi dụ dỗ nô dịch trí thức nho nhân chính là kẻ thống trị. Vượt lên sự miêu tả chính xác chế độ khoa cử bát cổ, tác giả Nho Lâm Ngoại Sử đã tiến đến chỗ phủ định việc dùng chế độ đó như một công cụ nô dịch cả một giai tầng dẫn đến sự suy đồi của nhân cách và bại vong của cả nền văn hóa(2).
Câu chuyện chính trong thời đại quân chủ còn gì lớn hơn quan hệ giữa Đạo và Thế. Từ sau Tùy Đường, câu chuyện đó có thêm một tình tiết quan trọng – chế độ khoa cử. Hai thời Minh và Thanh khác biệt lịch sử lớn nhất có lẽ chỉ ở chỗ người Mãn thay thế địa vị thống trị truyền thống của dân tộc Hán. Không ngại so sánh bản thân Ngô Kính Tử với nhân vật đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết của ông: Vương Miện bước từ buổi ngụy triều (Nguyên Mông) sang thời dân Hán khôi phục chính thống còn Ngô Kính Tử thì lại ở vào lúc quyền thống trị giang san của người Hán rơi vào tay ngoại tộc Mãn Thanh. Lịch sử lại trùng diễn những khúc quanh mà câu chuyện giằng co giữa Đạo và Thế vẫn còn đó. Vẫn là văn tự ngục, trò diễn tiến hiền chiêu tài, chiến tranh với man mọi, vinh thân phì gia nhờ xuất thân khoa cử bát cổ (khởi từ đầu Minh duy trì trong suốt thời Thanh) - loanh quanh từng ấy đề tài. Tầm cao trong quan sát lịch sử cũng như chiều sâu trong phản tư trọn nền văn hóa và tầm rộng của việc bao quát sinh hoạt của cả một giai tầng nho nhân – tất cả những điều đó đã khiến cho tiểu thuyết của Ngô Kính Tử có được một hệ đề tài - chủ đề riêng. Nhận xét tiểu thuyết này mượn chuyện đời Minh phúng dụ thời Thanh, tố cáo chế độ khoa cử thối nát và biến thái của nho lâm, phê phán công danh phú quý… đều chỉ là những cách nói phiến diện, không tránh được có phần đơn giản hóa vấn đề trong phân tích đề tài - chủ đề của Nho Lâm Ngoại Sử.
Chúng tôi cho rằng nội hàm văn hóa lớn nhất của Nho Lâm Ngoại Sử chính là việc đề cập trực diện mối quan hệ giữa Đạo và Thế, giữa chính quyền và sĩ nhân khoa cử. Thực ra, mối quan hệ này là cả một câu chuyện lớn của nền văn hóa Hán và lịch sử dân tộc Trung Hoa. Vấn đề là cho đến thời Minh và Thanh, do chỗ khâm định khoa cử bát cổ mà quan hệ đó lại càng phải được chú ý một cách đặc biệt hơn. Nho Lâm Ngoại Sử là bộ tiểu thuyết đầu tiên mà cũng có thể bộ tiểu thuyết vĩ đại duy nhất của văn học cổ điển Trung Quốc đã thành công trong việc thức nhận và phô bày mối quan hệ siêu thời đó. Nổi lên hàng đầu trong cái thế giới nghệ thuật mà nhà văn dày công tạo dựng đương nhiên là nỗi bối rối bàng hoàng cùng cuộc đọa lạc chán chường của giai tầng trí thức trong chế độ khoa cử bát cổ. Nhưng đó chưa phải là tất cả những điều mà tác giả muốn giãi bày. Mũi nhọn phê phán của tác giả đã đâm xuyên thâu qua các hiện trạng chế độ khoa cử và bi kịch của giai tầng có chữ (độc thư nhân) chạm thấu đến nốt thắt tật bệnh trong mối quan hệ giữa một bên là quyền lực và một bên là văn hóa.
Thực tế lịch sử cho thấy, thiên tử - hiện thân toàn vẹn nhất của thế quyền ngay từ lúc giành thiên hạ cho đến lúc an tọa ngai vàng coi sóc muôn dân đều phải luôn luôn thông qua một sự diễn giải “Đạo” đặng biện minh cho tính chính đáng của nền cai trị mới. Tối cao của thế quyền phải làm cho bách tính tin tưởng mình là đại biểu duy nhất của đại nghiệp phụng thiên thừa vận còn những thần tử chịu ơn vua ăn lộc nước kia là những sĩ đại phu giúp triều đình thực hành Đại Đạo chớ không phải là nô bộc của thế quyền. Nô bộc thực sự ấy là đông đảo những công nông thương kia. Nói cách khác, trong quá trình đấng quân vương thống nhất Đạo thống và Thế quyền lại với nhau, khoa cử là một trong những công cụ có vai trò quan trọng hàng đầu. Đây có khi cũng là điểm mà Âu châu trung đại nên “học tập” Trung Quốc. Trung Quốc đặc biệt từ thời Minh đi đôi với việc chính quyền trung ương tập quyền ngày càng chuyên chế thì toàn bộ nền học thuật cũng từng bước nhất nguyên hóa. Từ thời đại Khổng Tử qua Hán, Đường, Tống đến Minh Thanh, giai tầng sĩ – đội ngũ thực hiện Đạo thống ngày một thái hóa đi dưới uy quyền chuyên chế. Từ chỗ như tuồng nửa thầy nửa bạn của quân vương đi đến chỗ trở thành trung thần rồi thành ra nô tài. Trong quá trình chuyên chế không ngừng đó, Đạo cũng từng bước bị nhất nguyên hóa, kinh viện giáo điều và hình thức hóa để cuối cùng biến thành mấy bộ kinh thư vừa đủ dùng cho khoa cử bát cổ(3).
Thi cử có kì (Hương, Hội, Đình thí), trong lúc “văn tự ngục” lúc nào cũng có thể xử. Trước sự dụ dỗ và uy hiếp và sắp đặt của thế quyền, khoa cử cuối cùng cũng đã trở thành chiếc cầu độc mộc thông đường từ Đạo thống sang Thế quyền. Xuất thân “chính đồ”, đi “chính lộ” ấy là chỉ chen chân qua được chiếc cầu khoa cử. Bi kịch là ở chỗ, không phải nho nhân nào cũng đứng cao hơn hoàn cảnh để nhìn thông thấy tỏ được cái gọi là “chính nghiệp” - học-đi thi - làm quan. Chu Hy thao thao bàn chuyện cách vật trí tri nhưng phải đến Ngũ Tứ, sĩ nhân mới thực sự biết trí tri cách vật là gì! Đối với đông đảo sĩ nhân, lịch sử dường như chỉ là một chuỗi dài của các triều đại nối tiếp nhau gìn giữ sự nhất thống giang sơn thiên hạ. Rất ít người thức nhận phản tư trở lại sự thay đổi trong quan hệ giữa Đạo thống và Thế quyền. Đằng sau những trần thuật tản mạn các câu chuyện rải rác trong tiểu thuyết, Ngô Kính Tử rõ ràng luôn có ý thức nhấn mạnh sự khác biệt lịch sử xưa nay. Phân biệt xưa nay đó rõ ràng liên quan trực tiếp đến nhận thức về quan hệ giữa Đạo thống và Thế quyền. Trong hồi 39, tác giả để nhân vật Quách Hiếu Tử trên đường đi tìm cha(4) khuyên một hiệp khách từ bỏ những nghĩa cử kiểu Kinh Kha, Nhiếp Chính xưa: “Ngày nay so thế nào được với thời Xuân Thu, Chiến Quốc… … Ngày nay là lúc bốn biển một nhà.” (Nho Lâm Ngoại Sử, hồi 39, tr.428, Tương ứng bản dịch Chuyện Làng Nho, tập 2, tr.202)(5).Một chỗ khác, cũng trong tình tiết bàn luận thời thế xưa nay, tác giả để cho nhân vật Mã Thuần Thượng khuyên một thư sinh trẻ tuổi: “Ngày nay nếu Khổng Phu Tử sống lại thì ngài cũng phải học để đi thi, quyết không giảng những là “Nói ít điều sai, làm ít điều phải thẹn” (ngôn quả vưu, hành quả hối). Vì sao? Vì nếu ngài cứ lo “nói ít điều sai, làm ít điều phải thẹn” thì ai cho ngài làm quan và đạo của Khổng Tử cũng không được nữa” (Nho Lâm Ngoại Sử, hồi 13, tr.162; Tương ứng bản dịch Chuyện Làng Nho, tập 1 tr.255).        
Lịch sử Trung Hoa từ Xuân Thu Chiến Quốc qua Tần sang Hán - Ngụy, Lục Triều rồi Minh Thanh phản ánh quá trình chính trị đi từ tập quyền đến độc tài khiến cho văn hóa đi từ đa nguyên đến chỗ độc tôn nhất gia độc đạo. Mặc dù không là một tôn giáo nhưng trên thực tế ta hoàn toàn có thể gọi đạo Nho là quốc giáo của Trung Hoa quân chủ. Thần quyền khi được tôn lên trên thế quyền như Âu châu trung cổ là một chuyện. Ngược lại như Nho giáo bị hòa lẫn vào trong thế quyền ở Trung Hoa lại là một chuyện khác. Dưới chế độ khoa cử, gần như phần đa trí thức Trung Hoa đều là nho sĩ. Trọn vẹn cả nền văn hóa phong kiến lấy Nho học làm đề tài chính, trong lúc bản thân đề tài này lại lấy kinh học làm trung tâm. Kinh học đã trở thành một học thuyết tổng hợp bao gồm trong nó chính trị xã hội học, sử học cho chí triết học. Từ triều đại này sang triều đại khác tất cả đều củng cố cho thống trị tập quyền của mình dựa vào việc giải thích và phát huy cái gọi là kinh học đó. Tống Nho hấp thu Phật giáo để triết học hóa kinh học. Vào đầu đời Minh việc dùng nghĩa lí luận chứng luân thường của Tống Nho đã trở thành học thuyết quan phương và là tư tưởng thống trị của vương triều. Đến đời Hồng Trị Chính Đức, học thuyết Vương Dương Minh đem lại chút thanh tân cho nền lí học đã trở nên xơ cứng. Nhưng trong điều kiện văn hóa tập quyền rốt cuộc nó lại đi vào cực đoan, trống rỗng trở thành một thứ báo hại quốc gia. Điều đáng suy nghĩ là sang đến thời Thanh, tập đoàn thống trị lại một lần nữa đề cao Trình-Chu. Lí học vẫn là vũ khí tư tưởng tốt nhất phục vụ cho việc củng cố nền thống trị tập quyền.
Trong tình hình đó, khoa cử chính là chiếc cầu mà thiên tử đã khéo léo bắc nối giữa chính trị và văn hóa nói chung. Hãy hình dung cảnh tượng ùn tắc bên này cầu là đông đảo sĩ tử nho nhân bạch diện thư sinh toàn thiên hạ, trong lúc bên kia cầu thấp thoáng dưới tàn vàng lọng tía các đại nhân đại biểu cho thế quyền (thực tế thế quyền bao gồm tối cao hoàng quyền và tập đoàn quan lại với số lượng có hạn). Trường minh đăng Khổng - Mạnh treo cao trên cầu soi bước chính đồ cho nho nhân. Sĩ nhân - những người quẩy trên vai gánh nặng văn hóa buộc phải chen chân trên cầu khoa cử bởi vì công danh phú quý đồng nghĩa thi đậu làm quan để nắm quyền. Thành ra cái giai tầng đảm đương sự nghiệp văn hóa giáo dục của dân tộc – nho sĩ rốt cuộc đã bị trói buộc hoàn toàn vào vòng khoa hoạn.
Một số thơ văn bên ngoài cuốn tiểu thuyết để đời Nho Lâm Ngoại Sử cho thấy Ngô Kính Tử rất tôn sùng cái gọi là phong độ Ngụy - Tấn. Có thể lí giải điều đó nếu ta chú ý đến một điều là vào thời Ngụy Tấn, Đạo thống còn chưa hoàn toàn bị Thế quyền khống chế. Văn nhân Ngụy Tấn còn có thể giữ được trên những mức độ nào đó sự độc lập chính trị và tư tưởng (Đào Uyên Minh là một đại biểu vĩ đại). Đối với văn nhân Ngụy - Tấn, thiên nhiên nhiều khi còn quan trọng hơn danh giáo. Cái gọi là phong độ Ngụy-Tấn bao hàm trong nó cảm giác ưu việt và lòng tự tôn của văn nhân trong tính cách là một quần thể xã hội. Thực tế thì dưới thời Ngụy -Tấn, cái quan hệ giữa sĩ và thế quyền chuyên chế hẵng còn chưa bị khóa chặt bởi khoa cử. “Đến thời Ngô Kính Tử, cùng với sức khống chế to lớn và sự củng cố địa vị của lí học, văn nhân trên đại thể đã hoàn toàn mất đi động lực và nhuệ khí trong việc giữ độc lập nhân cách quần thể và sức đối kháng hoàng quyền”(6).
Nho Lâm Ngoại Sử kể chuyện Đỗ Thiếu Khanh khi chú giải Thi Kinh thường vẫn muốn thoát ra khỏi sự chuyên chế văn hóa đơn nhất. Nhân vật này nói “Chu Hy cũng là một nhà”. Nói rõ ràng hơn, Đỗ Thiếu Khanh muốn nới lỏng một chút quan hệ giữa văn hóa, học thuật và chính trị cùng triết học kinh viện. Theo sự lí giải của Đỗ Thiếu Khanh, Chu Hy bản thân cũng chỉ xem cách hiểu kinh điển của mình như một trong nhiều cách khác của chư nho. Độc tôn bình chú của Chu Hy là cái “nông cạn hẹp hòi” (nguyên văn cố lậu) của người đời sau, “không liên quan đến Chu Tử”(7). Đỗ Thiếu Khanh quả đã nhận ra sự thực lịch sử xã hội.
Trên thực tế, một bậc tiên phong đề xướng học thuyết của mình nếu không được quan phương hóa bởi lực lượng chính trị cụ thể thì mãi chẳng bao giờ trở thành “sư biểu”. Một học thuyết muốn trở thành “kinh”, thế tất phải được chú giải theo quan điểm của nhà thống trị. Mà nhiều khi kẻ lập thuyết cũng đâu nghĩ đến và đâu biết chuyện lí luận của mình lại thành khuôn vàng thước ngọc duy nhất đúng, duy nhất tốt cho hậu nhân xã hội mới! Khi tư duy văn hóa đã xơ cứng còn triều đình thì đã thành công trong việc thần thoại hóa, quyền uy hóa một học thuyết nhất định thì những kẻ sĩ còn nhận thức được sự thực của vấn đề như Đỗ Thiếu Khanh không phải là nhiều (Ý kiến phổ biến cho rằng đây cũng là nhân vật có tính cách tự truyện nhất của tác giả bộ tiểu thuyết). Mà kẻ biết rồi lại công khai nói ra lại càng ít nữa! Đại bộ phận các nhân vật trong Nho Lâm bạc đầu học thuộc kinh sách, mòn tay áo viết văn bát cổ thời gian cơm áo đâu mà dám đòi ngồi chú giải lại kinh sách!
2. Kẹt giữa giằng co Đạo – Thế: thân phận Kẻ Sĩ
Nói một cách khái quát, Nho Lâm Ngoại Sử là cuốn tiểu thuyết dành để trình bày và cắt nghĩa mối quan hệ giữa chính quyền và văn hóa. Toàn bộ hệ thống hình tượng nhân vật Nho Lâm Ngoại Sử xoay trở trong cái vòng khoa cử bát cổ + chế độ đặc cách tuyển cử “hiền tài” (trưng tịch) + khủng bố văn tự ngục. Ba mắt xích đó biểu lộ tập trung mối quan hệ giữa thế quyền và trí thức nho nhân. Một chuỗi dài tên tuổi các nho nhân từ thầy trò Chu Tiến, Phạm Tiến, anh em Lâu Bổng, Lâu Tán, cha con họ Thang, hai quan Biên Tu và Thị Độc họ Lỗ họ Cao, nho sĩ trẻ tuổi Khuông Siêu Nhân, Ngưu Phố Lang, các danh sĩ Đỗ Thận Khanh, Trang Thiệu Quang, Đỗ Thiếu Khanh cho đến các thầy đồ Mã Nhị, Dương Chấp Trung, Vương Ngọc Huy cùng các nhà thơ Trần Tư Nguyễn, Đinh Ngôn Chí… đủ hợp thành một quần thể “liệt truyện nho nhân”. Tất cả đều được tác giả tiểu thuyết miêu tả như là những con người nhờ vào chữ để mưu cuộc nhân sinh cụ thể.
Thực tế lịch sử cho thấy trong một xã hội mà quân quyền chủ nghĩa đã đạt tới đỉnh cao, tất cả đều dễ dàng bị chính trị hóa và đạo đức hóa. Bản thân đạo đức dưới chế độ quân chủ cũng đã sớm bị chính trị hóa. Khổng học ngay từ đầu đã không muốn chia tách đạo đức và chính trị, không muốn tách rời một đấng quân tử với một bề tôi giỏi. Thế nhưng đây cũng chỉ là lí tưởng. Trên thực tế, ách cai trị quân quyền đã mượn triết học và chính trị Khổng giáo để đảm bảo đặc quyền quý tộc chóp bu. Việc đó đương nhiên gắn liền với chuyên chế, lừa dối và mua chuộc. Hậu quả là triết học bị kinh viện hóa, học thuật bị từ chương hóa, khoa cử bát cổ hóa, giáo dục biến thành học gạo. Trong tình hình đó, trí thức đương nhiên phải là nạn nhân trực tiếp và văn hóa dân tộc là kẻ chịu thiệt. Không được sự chấp nhận của Thế, Đạo làm sao có thể được thi hành giữa đời? Nho Lâm Ngoại Sử có chi tiết thầy đồ kiêm nhà soạn tài liệu ôn thi khoa cử bát cổ Mã Thuần Thượng giảng cho một cậu đồng sinh rằng Khổng Tử nếu sống đời nay thì cũng phải lều chõng lo đường cử nghiệp. Mã nói không đi thi thì “Ai cho Khổng Tử làm quan? Đạo của Khổng Tử thế là cũng không được rồi!” Chi tiết này ngoài việc bộc lộ tính cách hủ lậu của chính người nói - một ông đồ gàn cùng ý vị phê phán khoa cử bát cổ ra lẽ nào lại không phản ánh một điều gì đó sâu xa hơn liên quan đến mối quan hệ giữa Đạo thống và Thế quyền? “Trị quốc bình thiên hạ” là giấc mơ của nho giả trong khi “cùng tắc độc thiện kì thân” cũng chỉ là một mộng tưởng mà thôi. Trên thực tế hiện thực những nguyên tắc xử thế và phương châm nhân sinh của nho gia như “tu thân tề gia, trị quốc bình thiên hạ” và “đạt tắc kiêm tế thiên hạ, cùng tắc độc thiện kì thân” đều bị chia cắt thành hai nửa đối lập. Kẻ “trị quốc bình thiên hạ” không chắc đã là “tu thân tề gia” cũng như người “đạt tắc kiêm tế thiên hạ” khi cùng cũng khó mà “độc thiện kì thân”(8).
Tác giả Nho Lâm Ngoại Sử khéo léo hé mở chủ đề chính của tiểu thuyết ngay từ hồi giáo đầu qua việc tạo dựng cuộc trò chuyện về thiên văn giữa Vương Miện với già Tần: “Già xem, Quan Sách phạm vào Văn Xương, văn nhân thời đại gặp nguy ách”. Không nên đơn giản hóa ý nghĩa của tình tiết này như là một sự ám thị tình trạng ngục văn tự thời Thanh. Thuộc vào hồi truyện có tính cách giáo đầu (Thuyết tiết tử phu trần đại nghĩa, Thác danh lưu ẩn quát toàn văn) cho toàn tiểu thuyết, chi tiết đó phải được hiểu như là một ẩn dụ về mối quan hệ giữa chính quyền và trí thức. Nếu nói Sử Kí là bộ chính sử đầu tiên trên thế giới có đối tượng trần thuật là cả một quốc gia(9) thì cũng không ngại nói rằng Nho Lâm Ngoại Sử chính là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của quốc gia đó đã dành trọn sự trần thuật của mình cho giai tầng sĩ. Cái giai tầng đã mắc kẹt giữa giằng co giữa Đạo thống và Thế quyền, trì trật chen chúc trên chiếc cầu khoa cử trong trường kì lịch sử.
 
-------------------
(1) Từ Minh An, “Luận Nho Lâm Ngoại Sử đối truyền thống văn hóa đích tập thành, phê bình hòa siêu việt”, Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu, kì 1, 1999.
(2) Trong thực tế lịch sử văn minh Trung Hoa, thời Minh trên đại thể đã đi xuống dốc. Thành tựu văn hóa nổi bật nhất của thời đại này có lẽ chỉ là tiểu thuyết. Một phần nguyên nhân xuất phát từ chỗ tiểu thuyết so với các lĩnh vực tinh thần khác phần nào đó đã thoát được ít nhiều sự độc đoán và nô dịch trực tiếp của chính trị. Trong thời buổi đó, tiểu thuyết đã trở thành kẻ “ẩn cư” trong nền văn hóa. Đối với chính thống mà nói, tiểu thuyết khác chi thân phận Vương Miện (hồi 1), “tứ khách” (hồi 55) dạt rìa đời sống chính trị xã hội mà Ngô Kính Tử đã giới thiệu trong tiểu thuyết?
(3) Tranh bìa bản dịch tiếng Việt Nho Lâm Ngoại Sử (Chuyện làng Nho, Nxb.Văn Học, 2001) vẽ cảnh một nho nhân còng lưng kéo chiếc xe có chở sách. Cứ như trần thuật trong tiểu thuyết thì sách học đi thi (kinh sách – bản chú giải đã được chỉ định, các tập văn quyển mẫu tương tự “bộ đề - bài làm mẫu” ngày nay) cũng chả nhiều! Nói nôm na là triều đình cũng đã tạo điều kiện “khoanh vùng” cho cái học đi thi của sĩ nhân rồi!
(4) Tình tiết truyện gợi ý độc giả rằng chính cử nhân Vương Huệ (xuất hiện ngay từ hồi 2)- người đang lẩn tránh truy nã của triều đình chính là thân phụ của Quách. Cử Vương bị truy nã vì tội phản nghịch. Sáng tác của Vương vì thế cũng trở thành “cấm tàng trữ”. Nét đề tài chủ đề này sẽ được nhấn đậm hơn trong trần thuật câu chuyện Trang Thiệu Quang gặp Lô Tín Hầu bàn chuyện sưu tàng sách cấm ở các hồi 35, 36.
(5) Tất cả các đoạn dẫn tác phẩm trong bài này đều dẫn dịch từ Nho Lâm Ngoại Sử, Tân thế giới xuất bản xã, bản in 2001; Số trang đối ứng bản dịch ở đây thống nhất dẫn theo bản dịch tiếng Việt Chuyện Làng Nho, Nxb.Văn Học, bản in 2001.
(6) Ninh Gia Vũ, “Tùng Thế Thuyết Tân Ngữ đáo Nho Lâm Ngoại Sử”, Minh Thanh Tiểu thuyết Nghiên cứu, 1997 niên, đệ nhất kì (các trang 4 và 12).
(7) Tình tiết như sau: Một nhóm các nho nhân Trì Hành Sơn, Mã Thuần Thượng, Tiêu Bá Tuyền đến chơi nhà Đỗ Thiếu Khanh. Nghe Trì nhắc chuyện Đỗ viết cuốn “Thi Thuyết” chú giải Kinh Thi, Tiêu thì hỏi có phải Đỗ chú giải Kinh Thi nhằm để chuẩn bị cho việc chuẩn bị bài cho việc đi thi, Mã thì đoán Đỗ chú giải dựa vào sách đi thi do nhà nước công bố - hai bộ Ngũ Kinh Đại ToànTứ Thư Đại Toàn (gọi chung là Vĩnh Lạc Đại Toàn – Bộ sách quan phương biên soạn phục vụ cho giáo dục dưới triều Minh Thái Tổ, triều đại đã chính thức quy định chế độ khoa cử bát cổ “xào xáo” chế biến bài thi từ những chú giải bình luận được chính thống hóa - LTT). Đỗ Thiếu Khanh trả lời: “Chu Hy chú giải Ngũ Kinh, tự mình lập thành học thuyết riêng. Cũng là muốn người đời sau đọc của mình trong so sánh với chư nho. Chỉ theo mỗi chú giải của Chu Tử ấy là cái hẹp hòi dốt nát của hậu nhân, không liên quan đến Chu Tử.” Như ta đã biết, hai thời Minh Thanh để củng cố ý thức hệ thống trị, chính quyền đã độc tôn học thuyết. Các ý kiến có tính cách tranh minh bị xem là phản nghịch. Giải thích một bài trong Kinh Thi của Đỗ Thiếu Khanh tiếp đó dẫn ra một vài ví dụ: “(Bài Nữ viết kê minh (phần Trịnh Phong của Kinh Thi-LTT) đâu phải nói chuyện người đàn bà không dâm loạn. Đại phàm là sĩ quân tử đầu óc chỉ mỗi ý ước làm quan nên đâm ra kiêu ngạo với vợ. Còn vợ thì tơ tưởng chuyện làm quan phu nhân. Muốn mà chả làm được thế là việc gì cũng chả hài lòng, cãi lộn cả lên! Anh xem, đôi vợ chồng này không màng công danh phú quý, ngồi đánh đàn uống rượu, tri thiên lạc mệnh. Đó chính là bậc quân tử tu thân tề gia thời Tam Đại.” (Nho Lâm Ngoại Sử, Tân thế giới xuất bản xã, 2000, hồi 14, tr.376; Tương ứng bản dịch Chuyện Làng Nho, tập 1, tr.121). Gạt qua một bên ý vị giỡn cợt của một nhà nho tài tử, ta vẫn còn thấy rõ ý vị nói xỏ thời đại rõ mồn một trong câu nói của Đỗ Thiếu Khanh. Xem ra tác giả Nho Lâm Ngoại Sử ít ra trong tình tiết truyện vừa nói thực sự đã phạm điều kị húy rồi.
(8) Trong Trung Quốc Tự Sự Học (Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 1996 và 1998), Andrew H.Plaks nêu vấn đề mà ông gọi là bút pháp irony (phản phúng – tạm dịch mỉa ngầm) của các danh tác trong tiểu thuyết Minh-Thanh. Ông viết hẳn một chương với một loạt các mục: Tây Du Kí – “bất chính kì tâm bất thành kì ý”, Kim Bình Mai – “Bất tu kì thân bất tề kì gia”, Thủy Hử Truyện – “Bất trị kì quốc”, Tam Quốc Diễn Nghĩa – “bất bình thiên hạ”. Theo tinh thần của Plaks, chúng tôi xin bổ sung: Nho lâm Ngoại Sử - “bất học kì đạo”.
(9) Ý của Phan Ngọc trong Lời giới thiệu cho bản dịch Sử Kí, Nxb.Văn Học, bản in 1988, tr.15. Chúng tôi muốn được nhắc đến Phan Ngọc ở đây vì chính ông cũng là dịch giả của Nho Lâm Ngoại Sử.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570056

Hôm nay

292

Hôm qua

2367

Tuần này

22439

Tháng này

228580

Tháng qua

129483

Tất cả

114570056