Những góc nhìn Văn hoá

Vài sử liệu về thế giới đương thời trong Giá Viên Toàn Tập

1. Khái lược về Phạm Phú Thứ và Giá Viên toàn tập
Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) là một người con ưu tú của Quảng Nam, là một Nho sĩ xuất sắc của thời đại, là một đại thần huân công của triều Nguyễn.

Lúc còn nhỏ, ông là người thông minh hiếu học, kiến văn uyên bác, đỗ đạt đại khoa; khi làm quan, ông là người chính trực khảng khái, hộ quốc tí dân, ra Bắc vào Nam, đi Đông sang Tây. Trong lĩnh vực lập ngôn, ông để lại cho đời một khối lượng sáng tác đồ sộ, phong phú về nội dung, đa dạng về thể tài[1]. Tổng cộng có ít nhất 12 biệt tập, 17 hợp tập (với các tác giả khác), 4 bộ sách khoa học kĩ thuật phương Tây và 1 bộ về chính trị Tùng chính di quy (chỉ thực hiện giới thiệu và xuất bản[2]). Trong đó nổi bật nhất là 2 bộ Giá Viên toàn tập 蔗園全集Tây hành nhật kí 西行日記(Nhật kí đi Tây).

Giá Viên toàn tập là một tổng tập đồ sộ (gần hết các tác phẩm) của Phạm Phú Thứ với hơn 1600 trang chia thành 26 quyển đầy đủ cả thơ văn và các loại thể, có lời bình, tựa, bạt của những nhân vật quan trọng trong triều Tự Đức và quan nhân Trung Hoa lúc bấy giờ, do Án sát sứ tỉnh Quảng Nam là Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại và Án sát sứ tỉnh Quảng Trị là Doãn Tân Trương Trọng Hữu kiểm tập, con cháu dâu rể và người thân quen của cụ kiểm khắc, được in vào đầu thế kỉ trước. Văn bản được khắc bằng thể chữ Khải chân phương, thông thường, đều đặn, có xen lẫn một số chữ dị thể và nét chữ không đều ở một số trang trên giấy tốt có kẻ khung. Văn bản tuân theo quy định của văn bản học Hán Nôm, có lối khiêm xưng và kị húy 6 chữ từ đời Tự Đức đến đời Thành Thái gồm “thời”, “hồng”, “nhậm”, “tôn”, “hạo”, “hoa”.
                   
(Trang bìa Giá Viên toàn tập và trang in chân dung Phạm Phú Thứ)
 
2. Hình ảnh thế giới qua kiến văn của Phạm Phú Thứ
Trong quá trình làm quan, Phạm Phú Thứ đã 2 lần ra nước ngoài. Một lần công cán sang Trung Quốc vào năm 1851 và một lần đi sứ phương Tây vào thời gian 1863 đến 1864. Đây là những cơ hội tốt giúp ông mở rộng kiến văn, nâng tầm hiểu biết. Là một người luôn có tư trưởng canh tân tiến bộ, Phạm Phú Thứ luôn ghi chép tỉ mỉ về mọi điều tai nghe mắt thấy ở xứ người. Ngoài bộ Tây hành nhật kí hết sức nổi tiếng và đã được dịch ra tiếng Việt, ông còn có 2 tập thơ chữ Hán phản ánh về 2 chuyến “công du” ở Trung Quốc và phương Tây. Đó là Đông hành thi lục 東行詩錄, quyển thứ 4 của Giá Viên toàn tập,lưu dấu quá trình công cán của tác giả ở Quảng Đông, gồm 86 bài thơ; Tây phù thi thảo西浮詩草, quyển thứ 8, diễn tả toàn bộ hành trình đi sứ Tây phương của phái đoàn Phan Thanh Giản - Phạm Phú Thứ - Ngụy Khắc Đản, gồm 32 bài thơ.
Tây hành nhật kí, như tên gọi của nó, ghi chép chi tiết từng hoàn cảnh, sự kiện  trên con đường đi sứ theo từng thời điểm tương ứng. Chính vì vậy, tác phẩm này đã được biên dịch và giới thiệu rất sớm, từ thập niên 60 của thế kỉ trước. Song Đông hành thi lục Tây phù thi thảo gần như chưa được biên dịch, giới thiệu trọn vẹn ngoại trừ 2 bài trong số 86 bài của Đông hành thi lục (in trong Thơ đi sứ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và một số bài của Tây phù thi thảo do Quang Uyển và cháu Phạm Phú Thứ chọn dịch. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu một vài sử liệu về thế giới đương thời dưới góc nhìn của Phạm Phú Thứ chủ yếu qua 2 tập thơ Đông hành thi lụcTây phù thi thảo.
Trong một chuyến đông hành, khi hòa mình vào đêm hoa đăng trong lễ hội Vu Lan ở Quảng Đông, tác giả đã tái hiện lại phong cảnh nơi đây bằng những đường nét hữu tình:
盂蘭勝席展佳辰
嶺外繁花粤海瀕
江上帆樯紛似織
月中燈火炫生銀
Vu Lan thắng tịch triển giai thời
Lãnh ngoại phồn hoa Việt hải tân
Giang thượng phàm tường phân tự chức
Nguyệt trung đăng hỏa huyễn sinh ngân
Vu Lan thắng hội mở đúng thời
Việt hải phồn hoa sóng trùng khơi
Thuyền bè trên sông như dệt cửi
Dưới nguyệt đèn hoa tỏa sáng ngời (…)[3]
         (Trung nguyên tịch giang lâu thư hoài 中元夕江樓書懷)
Tác giả còn viết lời chú thích: “廣城中元莭, 作放河燈每舟架結玻璃燈至一二千盞, 如此者數十艇中盛香花作佛事 = Quảng thành Trung nguyên tiết, tác phóng hà đăng mỗi chu giá kết pha li đăng chí nhất nhị thiên trản, như thử giả sổ thập đỉnh trung thịnh hương hoa tác Phật sự = Ở thành Quảng Đông vào tết Trung nguyên, [người ta] thả đèn trên sông, mỗi thuyền kết từ một đến hai ngàn ngọn đèn thủy tinh, khoảng chục thuyền như vậy, [người ta bày] hương hoa (để) cúng Phật”.
Đặc biệt, Quảng Đông từ lúc bấy giờ đã thường xuyên có chợ đêm. Trúc Đường Phạm Phú Thứ đã lắng nghe trong không gian tinh mơ những thanh âm gần gụi của cuộc sống đời thường từ phía chợ đêm vọng lại. Ở đó có cả bức tranh thiên nhiên, có cả cái xôn xao của cuộc sống con người và có cả những bóng hình lặng lẽ:
蕭蕭風葉满江干
徹曉商聲送夜寒                          
走市人歸爭賤買
高楼秋遠獨凴欄
Tiêu tiêu phong diệp mãn giang can
Triệt hiểu thương thanh tống dạ hàn
Tẩu thị nhân qui tranh tiện mãi
Cao lâu thu viễn độc bằng lan
Sông thu gió nhẹ lá muôn ngàn
Tiếng chợ sớm mai tiễn đêm hàn
Mọi người tranh nhau mua giá rẻ
Lầu xa lẻ bóng tựa lan can
(Hiểu khởi 曉起)
Tác giả có chú thích rõ hơn về chợ đêm ở đây: “城西有夜市雜貨, 偷走到此俗謂之走市人, 利其價賤爭買之= Thành tây hữu dạ thị tạp hóa, đa du tẩu đáo thử tục vị chi tẩu thị nhân, lợi kì giá tiện tranh mãi chi = Phía tây thành có chợ đêm [bán] tạp hóa, nhiều người đến đây. Tục gọi [những người ấy] là người đi chợ, [họ] lợi dụng những lúc hàng hóa giá rẻ thì tranh nhau mua.”
Ngoài ra, trong tập Đông hành thi lục còn cung cấp nhiều vấn đề khác như sử liệu về Thiên Hậu, vua Hàm Phong hoặc sử liệu về người Tây tập trung rất đông đúc ở phương Đông cũng như việc họ vận chuyển buôn bán hàng hóa ở Hàng Phố hay sử liệu về tôn giáo ở nơi đây (Châu Giang kỉ kiến tạp vịnh珠江紀見雜咏, tờ 23b). Đặc biệt trong Đông hành thi lục, lần đầu tiên ta thấy xuất hiện từ ngữ “công ty 公司” (Tự Châu Giang phiếm chu chí hoa địa Thúy Lâm Viên kỉ sự 自珠江泛舟至花地萃林園紀事, tờ 24a). Đây là tài liệu rất đáng tin cậy và có ý nghĩa đối với các nhà ngôn ngữ học.
Nếu như ở Đông hành thi lục, Phạm Phú Thứ nói về Quảng Đông có nét chung với nước ta, thì đến Tây phù thi thảo, tác giả lại chủ yếu so sánh những khác biệt lớn giữa nước ta và các nước phương Đông với Pháp - Tây Ban Nha thuộc phương Tây.
Việt Nam chúng ta ngày nay có lẽ đã quen với văn hóa giao tiếp “bắt tay”, nhưng ở thời Phạm Phú Thứ (trước khi đi sứ) thì lại chưa có. Ông rất lấy làm lạ về điều đó:
同舟期利涉
握手且爲歡
Đồng chu kì lợi thiệp,
Ốc thủ thả vi hoan
Cùng thuyền mong thuận lợi
Bắt tay nhau làm quen
và thêm chú thích: “西人每早相與敍問握手爲禮. 其暫辰與客亦然 = Tây nhân mỗi tảo tương dữ tự vấn ốc thủ vi lễ. Kì tạm thời dữ khách diệc nhiên = Người Tây có thói quen mỗi sớm bắt tay chào hỏi nhau. Với khách tạm thời lúc này cũng như vậy.” (Xuất Cần Giờ tấn dữ thuyền nhân tự hậu thư thử 出芹蒢汛與船人敘後書此). Lễ nghi giao tiếp này còn được Phạm Phú Thứ thường xuyên nhắc đến trong Tây hành nhật kí. Như vậy, đây cũng là một tư liệu đủ độ tin cậy để chúng ta có thể khẳng định về văn hóa giao tiếp “bắt tay” của người Việt có lẽ xuất hiện muộn nhất cũng từ thập niên 60 của thế kỉ XIX.
Một chi tiết khác là đàn ông phương Tây không cầm quạt:
乞扇人情切
通風布帒忙
Khất phiến nhân tình thiết,
Thông phong bố đại mang
Mượn quạt, thắm nhân tình
Túi gió thổi dốc mình
Ông chú thích thêm: “西人男不攜扇, 惟婦人用之. 過此熱甚, 撘船西官每向使部乞扇者, 船長急下通風帒爲層看火機者取凉 = Tây nhân bất huề phiến, duy phụ nhân dụng chi. Quá thử nhiệt thậm, đáp thuyền Tây quan mỗi hướng sứ bộ khất phiến giả, Thuyền trưởng cấp hạ thông phong đại vi tầng khán hỏa cơ thủ lương = Người Tây đàn ông không mang quạt, chỉ phụ nữ dùng. Qua nơi này rất nóng, trên thuyền quan Tây thường hỏi đoàn sứ bộ [Việt Nam] để mượn quạt, thuyền trưởng vội vàng mở ống thông gió dùng đốt động cơ để lấy hơi mát” (Xích hải 赤海)
Hay sử liệu về lễ nghi tặng hoa cho sứ giả:
歸來一簇名花贈
猶是腔城三月天
Qui lai nhất thốc danh hoa tặng,
Do thị Xoang-thành tam nguyệt thiên
Trở về tặng một bó hoa đẹp
Ngày ấy tháng ba xứ Xoang-thành
Dòng chú thích nói rõ hơn về lễ nghi đón tiếp sứ đoàn: “我國七月伊葉國曆爲三月, 辰伊國接使員呵暼導觀諸臺及其名園樀花三簇持贈 = Ngã quốc thất nguyệt Y-diệp quốc lịch vi tam nguyệt, thời Y quốc tiếp sứ viên Ha-biếc-đạo quan chư đài cập kì danh viên trích hoa tam thốc trì tặng =Tháng bảy [âm lịch] ở nước ta là tháng ba âm lịch của Y-diệp, lúc ấy Tiếp sứ viên của Y-diệp là Ha-biếc-đạo quan sát các đài và cầm ba bó hoa đẹp đem tặng” (Đăng Á-lợi Xoang-lí hành đài 登亞梨腔里行臺).
Hoặc sử liệu về quang cảnh văn minh hiện đại ở nước Pháp nhìn từ trên đường xe lửa. Cho dù ở thành thị hay thôn quê, người ta đều xây nhà mái bằng có lầu, cửa bằng kính. Ngay cả cửa trên tàu hỏa cũng làm bằng kính. Các cột dây điện thoại chạy dài theo cả con đường:
立國千餘八百年
富彊機巧擅西偏
江山花樹璃窻裡
樓館街衢電線邊
Lập quốc thiên dư bát bách niên
Phú cường cơ xảo thiện Tây biên
Giang sơn hoa thụ li song lí
Lâu quán nhai cù điện tuyến biên
Nghìn tám trăm năm nước lập thành,
Trời Tây giàu mạnh nổi lừng danh.
Non sông, hoa cỏ gương lồng bóng,
Đường sá, lâu đài, điện báo quanh (...) (Hoài Mai dịch)
(Phú-lãng-sa hỏa xa đạo trung thư sự 副浪沙火車道中書事)
Ngoài ra, một số bài trong Tây phù thi thảo còn cung cấp những tư liệu về việc làm đường cát, dùng lừa để vận chuyển hàng hóa, thời tiết khô hạn ở A-điên; trang trí kiến trúc, đèn đường ở Pari, rượu sâm banh, vấn đề tôn giáo, ngày thiết triều của phương Tây, v.v.. Bài Đông Tây dị thú ngũ vận 東西異趣五韻nói về sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây về múi thời gian, sắc phục quân lính, tình hình quân đội, văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử giao tiếp nam nữ…
Giá Viên toàn tập cũng còn đề cập đến sự khác biệt về giáo dục, lễ tục của Trung Quốc với các nước phương Tây như Anh, Pháp, Nga, Mĩ, đồng thời nêu ra sự thỏa thuận giữa họ trong việc thành lập các cơ quan để thông thương (Hỉ Nguyễn Tuân Thúc Bắc sứ qui đối chước thư tặng 喜阮恂叔北使歸對酌書贈)…
Tất cả những điều trên đối với nhãn quan của chúng ta hiện tại thì không có gì nổi bật. Nhưng trong cái nhìn của người đương thời thì những hình ảnh thế giới như vậy lại là hiện tượng thiên kì vạn dị, không thể nào không ghi chép lại và truyền cho nhiều người. Chẳng phải có một số câu chuyện bi hài về cái chết oan của một vài vị khi đi sứ phương Tây hoặc ra nước ngoài về kể lại những sở kiến cho triều đình Tự Đức đó hay sao?
Tóm lại, Giá Viên toàn tập chứa rất nhiều sử liệu về thế giới đương thời ở nhiều lĩnh vực khác nhau, là tài liệu quan trọng và chân xác để chúng ta nghiên cứu về mối quan hệ của Việt Nam với thế giới cũng như sự hiểu biết về thế giới của người Việt Nam ở thời điểm lịch sử bấy giờ. Đồng thời cần tổ chức biên dịch, giới thiệu và nghiên cứu thơ đi sứ, đặc biệt thơ đi sứ phương Tây của nhà nước phong kiến nhằm mở rộng phạm vi đề tài văn học Việt Nam thời trung đại mà bấy lâu nay còn bỏ ngỏ.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.                  Phạm Phú Thứ, 蔗園全集Giá Viên toàn tập (bản chữ Hán), kí hiệu VHv.8/1-4, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

 

[1] Chúng tôi đã nghiên cứu và công bố các bài viết/ công trình về Giá Viên toàn tập như: Sưu tầm và giới thiệu di cảo Hán Nôm của Phạm Phú Thứ (Đề tài NCKH cấp cơ sở), Đà Nẵng, 2007; “Khảo sát chữ húy trong Giá Viên toàn tập” // Kỷ yếu Hội thảo “Ngữ học trẻ 2008”, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - Đại học Vinh xuất bản, 4/2008; Nghiên cứu văn bản và giá trị học thuật của Giá Viên toàn tập (Luận văn cao học Hán Nôm), ĐHKHXH&NV, Hà Nội, 2008; “Một vài giá trị sử liệu của Giá Viên toàn tập” // Tạp chí Khoa học và Giáo dục ĐHSP Huế, số 3 (07)/2008; “Tìm hiểu giá trị văn học của Giá Viên toàn tập” // Kỷ yếu Ngữ học toàn quốc 2009, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - UBND TP Cần Thơ xuất bản, 4/2009; Nghiên cứu đặc điểm văn cúng của Phạm Phú Thứ qua Giá Viên toàn tập (Đề tài NCKH cấp cơ sở), Đà Nẵng, 2009;“Văn cúng và văn cúng của Phạm Phú Thứ” // Văn hóa dân gian Đà Nẵng - Cổ truyền và đương đại, Nxb Đà Nẵng, 2010
[2] Nhiều nhà nghiên cứu nhầm lẫn cho rằng 4 tác phẩm Bác vật tân biên, Hàng hải kim chân, Khai môi yếu pháp, Vạn quốc công pháp là của Phạm Phú Thứ.
[3] Toàn bộ nội dung trích dẫn được sử dụng đều do chúng tôi phiên âm và tạm dịch. Nếu do người khác dịch, chúng tôi có ghi chú bên cạnh.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570053

Hôm nay

289

Hôm qua

2367

Tuần này

22436

Tháng này

228577

Tháng qua

129483

Tất cả

114570053