Tiếp đó hoặc đồng thời, là bài của Phạm Quý Thích thường được gọi là “đề từ”; Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Thắng đều có lời đề Tựa hoặc nhắc đến Truyện Kiều trong những lời đề tựa sách khác. Hà Tông Quyền có đến 45 bài thơ “Đề Kiều”. Riêng Kiều Oánh Mậu đã “biên tập” và bình điểm để khắc in Truyện Kiều... Tiếp theo đó là những cuộc thi Vịnh Kiều, thu hút khá nhiều tên tuổi sĩ nhân Bắc Hà như Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh. Có những cuộc vịnh Kiều từ tác phẩm của Nguyễn Du, nhưng cũng có những cuộc vịnh theo tác phẩm của Thanh Tâm Tài nhân. Tuy vậy ai dám chắc rằng, nếu không có tài năng của Nguyễn Du, không có Đoạn trường tân thanh thì mấy ai đã biết đến Kim Vân Kiều truyện, chưa kể là dù vịnh Kim Vân Kiều truyện mà cảm hứng đã được khơi dậy từ Đoạn trường tân thanh? ... Trong văn học Việt Nam, có lẽ chưa một tác phẩm nào chiếm lĩnh được lòng người nhiều như Truyện Kiều, từ niềm vui đến nỗi buồn, từ ước mơ đến thất vọng, từ căm giận đến vị tha ... Mỗi người có một con đường đến với Truyện Kiều và một cách “đam mê” Kiều. Ngay cả giới văn nhân cũng rất khác nhau, và Phan Mạnh Danh là một trường hợp đặc biệt. Ngoài việc tham gia cuộc thi Vịnh Kiều ở Hưng Yên năm 1905, danh sĩ còn đeo đẳng một tác phẩm, chỉ là “tập Kiều”, một cách “chơi thơ” thôi, mà đến 45 năm! Tác phẩm có tên Bút hoa, là kết quả công phu, nói như Phạm Quỳnh, của một “khách chơi thơ sành sỏi”, một “cách chơi phong nhã nhất”. Khi được in ra Bút hoa đã được trân trọng đón nhận, từ học giả Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp đến các nhà văn hoàng phái, các chính khách Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, vua Bảo Đại và nhiều vị túc nho khác, nhưng rồi lại bị chìm đắm, lưu lạc trong khói lửa. Đến nay, nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhìn lại Nguyễn Du trong thành tựu văn hoá Thăng Long, Bút hoa mới lại có dịp giới thiệu trước các nhà nghiên cứu. Có lẽ đó cũng là cái duyên may cho tác phẩm Bút hoa và cả tác giả Phan Mạnh Danh. Giới thiệu tập sách này, tôi mong góp một ví dụ nhỏ để minh chứng cho ảnh hưởng của Nguyễn Du trong giới danh sĩ văn nhân Bắc Hà trong thời đại trước và cũng giới thiệu thêm một nhà nho tài tử còn ít được nhắc đến.
Phan Mạnh Danh (ban đầu tên là Trung), hiệu là Thế Vọng, sinh ngày 12 tháng 12 năm 1866 (tuổi Bính Dần) trong một gia đình thi thư ở làng Phù Ủng, huyện Ân Thi, nay thuộc huyện Kim Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông là con trai trưởng cụ Thị độc Phan Trác Hoạt, cháu Phan Trứ(2), Hoàng giáp khoa Nhâm Thìn (1832) triều Minh Mạng, đồng khoa với Nguyễn Văn Lý, Phạm Sĩ Ái ..... Cụ Phan Trứ từng làm chức Tuần phủ Thuận Khánh, cũng từng đề Tựa tác phẩm Đông Khê thi tập cho Nguyễn Văn Lý. Phan Mạnh Danh được Ưng Trình coi là “ẩn sĩ, tên không muốn cho ai biết, bỏ cả cuộc đời vào thú thi văn”. Tuy Ưng Trình nói vậy, nhưng Phan Mạnh Danh cũng là một nhà giáo “có tiếng” (vì thế thường được gọi là “ông Giáo Trọng”) và một cây bút có mặt trên văn đàn Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX. Về sách giáo khoa ông có các quyển: Việt nam danh nhân diễn ca (1909), Vật lý học lớp tiểu học (1909), Ngũ đại châu địa dư, Vạn vật học (1910, viết bằng chữ Hán), những năm đầu của nền học mới, các sách giáo khoa ấy cũng giúp cho nhiều học trò thi đỗ. Về văn chương, ông có Cổ thi trích dịch, in năm 1943, Đa tình hận (dịch) nguyên tác của Từ Trẩm Á, in năm 1919, Tình sử (dịch) nguyên tác của Long Tử Do, in năm 1920, Tuồng Hoa tiên (cả Nôm và Hán) viết năm 1917, Phù Giang thi tập (sáng tác cả Nôm và Hán), in năm 1942, trong đó Xuân mộng sau được Thanh Hoa Thư xã Hà Nội in riêng năm 1953 và Bút hoa, trích in năm 1942, in lại năm 1943. Ngoài ra Phan Mạnh Danh cũng có bài đăng trên Tứ dân tạp chí và một vài báo khác. Riêng đối với Truyện Kiều ông có một mối “duyên nợ” riêng. Từ năm 1786 ông đã “nghĩ ra lối Kiều tập thơ cổ theo điệu thơ thổng của đào nương”(3). Chỉ sau hơn bốn năm ông đã làm “ra được một tập thơ hơn 60 bài liên cú và hơn 300 bài cách cú.”(4) Ban đầu tập thơ có tên là Bút hoa thi thảo, theo lời thuật lại của Đào Sĩ Nhã thì “ngay hồi mới soạn xong đã được các danh sĩ đề thơ, như cụ Nguyễn Tấn Cảnh, cụ Chu Mạnh Trinh, cụ Phạm Văn Thụ, cụ Trần Tán Bình, cụ Vũ Tuân; lại được nhiều người chép ra để lưu hành cả trong Nam ngoài Bắc”. (Sau ông tiếp tục bổ sung, sửa chữa, mãi đến năm 1942 mới hoàn thành và đem in với tên là Bút hoa). Năm 1905, tại Hưng Yên, Tổng đốc Lê Hoan có tổ chức một cuộc thi thơ Đề Thanh Tâm Tài nhân lục, Phan Mạnh Danh đã làm 1 bài Tựa bằng chữ Hán, 21 bài thơ chữ Hán, 21 bài thơ Nôm phỏng theo những bài chữ(5). Có những câu rất mượt mà và đậm chất triết lý, được nhà thơ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và Giải nguyên Vân Đình Chu Mạnh Trinh rất tán thưởng. như:
Có mộng tìm đâu cho thấy bạn,
Đứt hồn thương lắm biết chăng ai.
Hoặc:
Mộng tàn gối gió khi hơi lạnh,
Hồn dứt chuông suơng lúc tiếng rền.
Vì vậy mà tập thơ vịnh Kiều của nhà thơ đã được đạt giải cao.
Cùng với Đề Thanh Tâm lục, Những bức tiên hoa in trong Phù Giang thi tập cũng có nhiều câu thơ lục bát, song thất lục bát rất mượt mà, sâu sắc...
Tác phẩm của Phan Mạnh Danh cũng khá phong phú và đa dạng, ông cũng là một dịch giả khá sớm của Bắc Kỳ. Ông xứng đáng được giới thiệu với tư cách một tác giả, nhưng chắc chắn đó là công việc của một dịp khác, dưới đây chúng tôi chỉ xin tập trung vào tập thơ Bút hoa – cái duyên may của ông với Truyện Kiều như đã đề cập ở trên.
Bút hoa có một phụ đề là Thơ tập cổ. Tập thơ không phải một sáng tác của Phan Mạnh Danh nhưng công phu thì gấp đến mấy mươi lần. Ở đây không chỉ có cảm xúc, tài làm thơ mà còn cần đến một khả năng thẩm thơ vi diệu và một học vấn rất uyên thâm. Đó là sự kết hợp giữa tài, tình và học vấn. Đó là lý do để học giả Đào Duy Anh khi nhận được sách tặng đã coi là vật “trân quý”, cảm kích viết: “Tôi càng đọc, càng lấy làm khoái chí, càng thấy là tài tình, mà phải nghĩ rằng: đã có cái công phu ròng rã 45 năm, còn phải có cái bụng chứa biết bao nhiêu sách, thuộc biết bao nhiêu thơ, lại phải có biết bao nhiêu cơ tâm xảo trí mới thành được tập Bút hoa này”(6). Riêng tác giả, đối với tác phẩm cũng có biết bao gửi gắm, vừa khiêm nhường mà cũng vừa chờ đợi. Trước khi vào nội dung sách, Phan Mạnh Danh đã có một bài Chuyết đề bằng chữ Hán và một bài Tự thuật lẩy Kiều. Bài Chuyết đề (ý là trình bày về sự vụng về của mình) như sau:
Muội khước thì xu dữ thế đồ,
Do năng tục sĩ hựu cuồng nô.
Khuy ban tự chủy vô toàn báo,
Tập dịch do lai phỉ nhất hồ.
Tân giới sai cường tranh cựu giới,
Cố ngô hoàng hạ vấn kim ngô.
Thiên hiềm san hậu vong nan bổ,
Tiếu đảo huy mao học họa hồ.
Tạm dịch:
Không lấy gì làm sáng láng, cũng theo thời dấn bước trên đường đời,
Còn có thể làm kẻ sĩ tầm thường, lại là kẻ cuồng cho người sai khiến.
Nhòm qua chiếc ống tất không thấy được toàn vẹn nét vằn trên mình con báo.
Chắp nhặt miếng da dưới nách, xưa nay vốn chẳng phải cả bộ da con chồn.
Giới mới mạnh hơn đang tranh thắng với giới cũ,
Cái ta xưa chưa rảnh để chất vấn cái ta hôm nay.
Chỉ ngại rằng sau khi in rồi, khó có dịp sửa sang, bổ khuyết,
Nhưng cứ cười ngất vung bút mà tập tành học vẽ.
Bài Chuyết đề khá cứng cỏi, nhưng bài Tự thuật (lẩy Kiều) dường như rất nhiều tâm sự và có phần rất cô đơn:
Tiện đây gửi một hai điều,
Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên.
Cảo thơm lần dở trước đèn,
Ngẫm nhời phong nguyệt, nặng nguyền non sông.
Đêm ngày lòng những giận lòng:
Nào người tiếc lục, tham hồng là ai?
Còn non, còn nước, còn dài,
Còn toan mở mặt với người cho qua.
Ngộ khi gió táp mưa sa,
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.
Họa bao giờ có gặp người,
Phẩm đề xin một vài nhời thêm hoa;
Hữu tình ta lại gặp ta,
Ai tri âm đó, mặn mà với ai?
Nỉ non đêm vắn tình dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Bài Tự thuật viết ở Nam Định vào ngày 3 tháng 2 năm 1942, chuẩn bị cho sách đưa in và trước khi tác giả qua đời có hơn 4 tháng (Tác giả mất lúc hơn 5 giờ sáng ngày 9 tháng 6 cùng năm).
Tập Bút hoa gồm 5 phần: Mở đầu (gồm các bài giới thiệu Tiểu sử, Tựa, Đề, Bình luận); Kiều tập thơ cổ; Thơ cổ tập Kiều; Thơ cổ tập truyện Nôm, Thơ chữ tập cổ. Dưới đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu phần II và phần III, là phần tập Kiều, cũng là phần nội dung chính của sách.
I. Kiều tập thơ cổ, tác giả chia làm hai “lối”.
1.Lối thơ thổng ả đào.
Tác giả giải thích cách làm các bài thơ này như sau:
“Theo lối này thì lẩy trong sách Tàu ra mỗi chỗ một câu thơ, rồi ghép lại thành một bài thơ tứ tuyệt đủ niêm luật; bài thơ chữ ấy đọc xuống bốn câu Kiều liền, mà bốn câu Kiều này lại hình như dịch nghĩa những câu thơ chữ ấy ra. Dùng đủ 30 vần, từ vần nhất đông đến vần thập ngũ hàm. Câu nào trích ở sách nào dều có chua ở bên cạnh”.
Trong phần này tác giả “ghép” được 46 bài “tập thi” chữ Hán và chọn ra được 45 khổ thơ 4 câu Kiều tương đương, tức là gồm 180 câu lục bát. Xin nêu mấy ví dụ:
Từ bài thơ “ghép” chữ Hán:
Thùy gia tiêu tức đậu đông phong (Tình sử)
Khứ khứ li li tổng tụy dung (Ỷ lâu mộng)
Liệu đắc kim sinh vô ngã phận (Tái sinh duyên)
Lai sinh hoặc giả ký trùng phùng(7) (Tái sinh duyên)
(Tin tức nhà ai bị gió xuân (gió từ phương đông) ngăn trở,
Li li biệt biệt đều khiến dung nhan tiều tụy.
Chắc rằng kiếp này ta đã không có phận,
Mong kiếp sau hoặc có khi được gặp lại.)
Đọc xuống đoạn Kiều lẩy:
Vì ai ngăn đón gió đông,
Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi.
Trùng phùng dù họa có khi,
Kiếp này thôi có còn gì mà mong !
Lại tiếp một bài thơ chữ hiệp vần với đoạn Kiều lẩy:
Nguyệt hạ hoài nhân cảm khái trung (Liêu trai)
Sương kiều vọng đoạn tín nan thông (Trại Đào nguyên)
Thiên nhai hải giác tri hà xứ (Đường thi)
Sa thảo tiêu tiêu bán nhiễm hồng (Thi lâm)
(Dưới trăng, nhớ người trong niềm cảm khái,
Nhìn hút trên cầu sương, tin tức khó mà truyền đến nhau.
Chân trời, góc biển, biết là nơi nào?
Cỏ trên cát tiêu điều, một nửa đã úa đỏ)
Đọc xuống đoạn Kiều lẩy:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày mong mai chờ.
Chân giời, góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?
Hai khổ Kiều lẩy này bắt vần với nhau, nhưng không liền một đoạn Kiều. Nhiều trường hợp khác, bài thơ chữ và khổ Kiều lẩy chỉ gồm trong một khổ thơ thổng. Trường hợp này dễ hơn, ví dụ:
Từ bài thơ chữ:
Ngọc tác phu cơ, băng tác thần, (Tân Liêu trai)
Hối tương tịnh chất điếm phong trần. (Bách mỹ)
Đa nhân lợi hại tao phùng kiếp, (Thuyết Đường)
Nhược vị hồng nhan tích thử thân. (Bách mỹ)
(Ngọc làm nên da thịt, băng làm nên tinh thần,
Hối vì đã đem bản chất trong sạch khiến cho lấm vì gió bụi.
Phần nhiều vì chuyện lợi hại mà gặp phải kiếp nạn,
Giá như có vì vẻ hồng nhan mà tiếc tấm thân này).
Đọc xuống đoạn Kiều lẩy:
Tiếc thay trong giá, trắng ngần,
Đến phong trần cũng phong trần như ai!
Tẻ vui cũng một kiếp người,
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru?
Hoặc một bài thơ chữ:
Khuê trung thùy thục khả liên thân, (Tình sử)
Nguyệt tịch phong thần tổng não nhân! (Nhi nữ tình)
Thường động Lâm Truy thiên lý niệm, (Tùy viên toàn tập)
Tương phùng trừ thị mộng trung thân. (Hoa tiên)
(Ai chuộc cho tấm thân đáng thương trong phòng khuê này?
Trăng đêm, gió sớm, tất cả đều khiến người sầu não!
Luôn luôn động lòng nhớ đến Lâm Truy xa ngàn dặm,
Chỉ có trong mộng là được gặp gỡ gần cận nhau.
Đọc xuống đoạn Kiều lẩy:
Cửa người đầy đọa chút thân,
Sớm năn nỉ bóng đêm ân hận lòng.
Lâm Truy chút nghĩ đèo bồng,
Nước non để chữ tương phùng kiếp sau.
Quan sát các ví dụ trên có thể thấy mỗi bài thơ chẳng những bảo đảm niêm, vận, luật mà còn phải là một bài thơ hoàn chỉnh về ý tứ; đoạn Kiều lẩy bắt vần với bài thơ chữ, đúng theo phép “thổng” của hát ả đào. Những trường hợp ghép 2 đoạn “thổng” cho bắt vần với nhau, tác giả phải chọn được 8 câu thơ trong những bài thơ khác nhau, 8 câu Kiều cũng hiệp vần với nhau.
Như tác giả đã viết trong lời dẫn, những câu Kiều lẩy dùng để thích nghĩa bài thơ chữ Hán, nhưng chỉ “hình như là dịch” chứ không phải là dịch, vì vậy có những đoạn sát nghĩa (như đoạn thổng đã dẫn) hoặc rất sát nghĩa, như đoạn thổng sau đây:
Bài thơ chữ:
Trùng môn thâm tỏa vị tằng khai, (Thi lâm)
Hoa lạc vô nhân hồng mãn giai. (Trại Đào nguyên)
Tối thị hồn tiêu độc lập xứ, (Thăng bình truyện)
Ân cần tầm phỏng xuất mao trai. (Thi lâm)
Đọc xuống đoạn Kiều lẩy:
Mấy lần cửa đóng then cài,
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?
Tần ngần đứng suốt giờ lâu,
Dạo quanh, chợt thấy mé sau có nhà.
Đoạn Kiều “dịch” sát đến nỗi không cần phải dịch nghĩa bài thơ chữ ra văn xuôi nữa. Nhiều trường hợp đoạn Kiều lẩy không thể gọi là dịch sát nghĩa nhưng cái tình được biểu đạt lại hết sức sâu sắc và gợi cảm, hơn cả bài thơ chữ, như ví dụ sau:
Bài thơ chữ:
Tự tòng bình địa bộ thanh vân, (Tái sinh duyên)
Hồi thủ đông phong nhập mộng tần. (Tống thi)
Dát ngọc, tương kim thành để sự, (Tình sử)
Ngọc đường kim mã thuộc hà nhân. (Tống thi)
(Từ trên đất bằng bước lên đường mây (làm quan),
Ngoảnh lại, nhiều lần gió đông trở về trong mộng.
Dát ngọc, mạ vàng, thành được việc gì?
Nhà ngọc, ngựa vàng thuộc về ai?)
Đọc xuống đoạn Kiều lẩy:
Chàng từ nhẹ bước thanh vân,
Nỗi nàng, càng nghĩ xa gần càng thương!
Ấy ai dặn ngọc thề vàng,
Bây giờ kim mã ngọc đường với ai?
Trong cả phần Kiều tập thơ cổ thì “lối thơ thổng ả đào” này công phu hơn cả.
2. Lối thơ thổng mới
Tác giả giải thích cách làm như sau:
“Theo lối này thì lấy trong các sách Tàu ra mỗi chỗ một câu thơ, rồi đem hai câu ghép lại với nhau, đọc vần xuống hai câu Kiều liền kề; kế đến hai câu thơ chữ lẩy nữa, lại đọc vần với hai câu Kiều liền nối nhau. Câu thơ nào trích trong sách nào, đều có chua ở bên cạnh. Các bài đều xếp đặt trước sau theo thứ tự trong truyện Kiều”.
Trong phần này tác giả lẩy ra 252 cặp câu (504câu) lục bát, thông thường 2 cặp (4 câu) là một thổng, ví dụ:
Câu thơ chữ:
Nhân sự bách niên kham thế lệ, (Thi lâm)
Toán lai tăng mạnh vị tài đa (Nhi nữ tình)
(Chuyện cõi người trăm năm đáng rơi lệ,
Nghĩ lại, mệnh bị ghét vì nhiều tài)
Đọc xuống hai câu Kiều lẩy:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài, chữ mạnh, khéo là ghét nhau.
Lại hai câu chữ:
Kỷ kinh thương hải tang điền biến, (Thi lâm)
Thức mục linh nhân bất tận sầu. (Đường thi)
(Đã trải bao cuộc biển biến thành nương dâu,
Dụi mắt, khiến người ta sầu vô hạn)
Đọc xuống hai câu Kiều lẩy:
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Trường hợp này, bốn câu thơ chữ không cần phải ghép thành một bài tuyệt cú; chỉ cần câu thứ hai của 2 cặp câu chữ bắt vần với câu lục trong 2 cặp câu lục bát. Nhưng cũng nhiều trường hợp đoạn thổng của 8 câu Kiều liền nhau, ví như:
Hai câu thơ chữ:
Trù trướng đông lân thiên thụ tuyết, (Tô thi)
Nhất chi hồng phá hải đường xuân. (Tống thi)
(Buồn rầu (ngắm) bên hàng xóm phía đông nghìn cây tuyết phủ,
Một cành hải đường nở đỏ rực màu xuân)
Đọc xuống hai câu Kiều lẩy:
Hải đường lả ngọn đông lân,
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.
Hai câu thơ chữ tiếp:
Hân liêm dục cộng Hằng Nga ngữ, (Tình sử)
Thế lộ vô cơ nại nhĩ hà. (Đường thi)
(Cuốn rèm muốn cùng Hằng Nga trò chuyện,
Trên đường đời, không có cơ hội nào, biết làm sao hỡi nàng!)
Đọc xuống hai câu Kiều lẩy:
Một mình lặng ngắm bóng Nga,
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.
Lại hai câu thơ chữ tiếp theo:
Nhân thế kỷ hồi thương vãng sự, (Đường thi)
Phồn hoa chuyển nhãn thặng hàn hôi. (Liêu trai)
(Cuộc đời đã mấy lần cảm thương chuyện đã qua,
Cảnh phồn hoa trong chớp mắt chỉ còn lại tro nguội.)
Đọc xuống hai câu Kiều lẩy:
Người mà đến thế thời thôi,
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi.
Lại tiếp hai câu thơ chữ:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, (Kim cổ kỳ quan)
Phù thế bách niên na đắc tri. (Thi lâm)
(Có duyên thì dù xa nghìn dặm vẫn có thể gặp nhau,
Cuộc đời nổi trôi trăm năm sao biết được!)
Đọc xuống hai câu Kiều lẩy:
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Cũng như phần trên, những câu thơ Kiều lẩy phần nhiều chỉ “hình như dịch” câu thơ chữ, nhưng giàu tính mỹ cảm hơn. Từ đó có thể suy ra rằng, mặc dù tác giả nói đã “lẩy” những câu thơ trong sách Tàu trước rồi “lẩy” những câu Kiều để “dịch” nhưng thực chất là tác giả phải xuất phát từ những câu Kiều rồi mới chọn thơ để ghép bài thơ chữ. Và như vậy theo cảm nhận của chúng tôi chính bài thơ chữ mới “hình như dịch” những câu Kiều.
II Thơ cổ tập Kièu.
Tác giả giải thích cách làm như sau:
“Theo lối này thì chọn lấy nguyên một bài thơ cổ thất ngôn tứ tuyệt trong sách Tàu, đọc vần xuống 4 câu Kiều lẩy, mà những câu Kiều lẩy ấy lại dùng để phiên dịch bài thơ cổ kia. Bài thơ cổ nào, của thi sĩ nào và trích ở sách nào, đều có chua rõ”.
Phần này đúng là tác giả đã lẩy những câu Kiều để dịch một bài thơ chữ nguyên vẹn, tuy nhiên cũng phải chọn những bài nội dung gần gũi với ý tứ của thơ Kiều. Ví như các bài sau”:
Bài: KÝ QUÂN THỤY
(Oanh Oanh – Truyện Tây Sương)
Tự tòng tiêu sấu giảm dung quang,
Vạn chuyển thiên hồi lãn hạ sàng.
Bất vị bàng nhân tu bất khởi,
Vị lang tiều tụy khước tu lang.
(GỬI QUÂN THỤY
Oanh Oanh gửi – Truyện Tây Sương
Từ khi gầy yếu, nhan sắc kém tươi,
Muôn vàn suy tư trằn trọc, ngại xuống khỏi giường.
Chẳng phải vì xấu hổ với người bên cạnh mà không trở dậy,
Tiều tụy vì chàng mà lại thẹn với chàng.)
Đoạn Kiều lẩy dịch:
Mặt sao dầy dạn gió sương,
Quá chiều nên đã chán chường yến anh.
Nghĩ người thôi lại nghĩ mình,
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru.
Một bài khác:
TÍCH TRUNG TÁC
(Sầm Tham – Đường thi)
Tẩu mã tây lai dục đáo thiên,
Từ gia kiến nguyệt lưỡng hồi viên.
Kim dạ bất tri hà xứ túc,
Bình sa vạn lý tuyệt nhân yên.
(THƠ LÀM TRÊN SA MẠC
Sầm Tham – Thơ Đường
Ruổi ngựa về phía tây, tưởng sắp lên được trời,
Từ giã nhà đến nay đã hai lần thấy trăng tròn.
Đêm nay không biết trú ngụ ở nơi nào,
Bãi cát phẳng mênh mông vạn dặm, tuyệt không có khói bếp)
Đoạn Kiều lẩy dịch:
Dặm hồng bụi cuốn chinh yên,
Sân thu giăng (trăng) đã hai phen đứng đầu.
Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà.
Cách lẩy Kiều này mới đầu tưởng là đơn giản, nhưng trái lại, tìm được những câu Kiều “dịch” sát nghĩa lại có sự gắn kết hữu cơ giữa chúng rất khó. Ví như bài thơ sau:
TẶNG HOA KHANH
Đỗ Phủ - Đường thi
Cẩm thành ca quản nhật phân phân,
Bán nhập giang phong bán nhập vân.
Thử khúc chỉ ưng thiên thượng hữu,
Nhân gian ninh đắc kỷ hồi văn.
(TẶNG HOA KHANH
Đỗ Phủ - Thơ Đường
Nơi thành Cẩm, sáo đàn ngày ngày rộn ràng,
Một nửa hòa trong gió sông, một nửa bay vào trong mây.
Riêng khúc này chỉ ở trên trời mới có,
Trong cõi trần lẽ nào được nghe đến mấy lần?)
Đoạn Kiều lẩy dịch:
Đùng đùng gió giục mây vần,
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.
Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ai tri âm đó mặn mà với ai!
Xem ra đoạn Kiều lẩy này đúng vần, nhưng nghĩa không thật sát và ý tứ không liên lạc được với nhau.
Có thể vì “khó khăn” trong sự lựa “lẩy” thơ Kiều để dịch như thế nên Phan Mạnh Danh chỉ chọn có 10 bài thơ chữ và những bài Kiều lẩy dịch hay như bài Tích trung tác của Sầm Tham không nhiều. Và cũng không mấy bài cả ý và lời đều đạt đến độ tín nhã như các bài “dịch” trong phần Thơ cổ tập truyện Nôm sau đây.
Ví dụ bài Biệt hữu nhân của Trịnh Cốc đời Đường:
Dương Tử giang đầu dương liễu xuân,
Dương hoa sầu sát độ giang nhân.
Sổ thanh phong địch, ly đình vãn,
Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần.
Bài “tập Truyện Nôm” dịch thành:
Bên sông liễu mới mừng xuân, (Hoa tiên)
Thấy hoa mà lại bội phần nhớ thương. (Ngọc Kiều Lê)
Xa đưa tiếng địch lầu sương, (Vọng phu)
Một Tần với một Tiêu Tương một giời. (Lữ hoài ngâm)
Hay như bài Tống Nguyên Nhị sứ An Tây của Vương Duy đời Đường:
Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần,
Khách xá thanh thanh dương liễu tân.
Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu,
Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.
Bài “tập Truyện Nôm” dịch thành:
Mưa xuân bay ướt bụi trần, (Vọng phu)
Mừng xuân tơ liễu trước sân riềm rà. (Hoa tiên)
Tiễn đưa một chén quan hà, (Truyện Kiều)
Buồn vì đất khách ai là cố nhân. (Lữ hoài ngâm)
Bài dịch này rất sát ý và rất giàu tính mỹ cảm.
Bút hoa như một tác phẩm hoàn toàn “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Trong lời Tựa cho lần xuất bản năm 1942, Phạm Quỳnh viết:
“Ông Phan Mạnh Danh soạn ra tập Bút hoa này, cóp nhặt đến hơn ngàn câu thanh tao diễm lệ trong thơ cổ chữ Hán, đối chiếu với hơn ngàn câu(8) bóng bảy chải chuốt trong Truyện Kiều của ta, ghép vần ghép điệu, lựa lời lựa ý, Nôm với chữ, chữ với Nôm, phảng phất xa gần, tựa hồ dịch mà không phải dịch, rất công phu, thật cũng tài tình, âu cũng là để thỏa cái thị hiếu văn chương, biểu cái cốt cách phong nhã của một khách chơi thơ sành sỏi vậy”.
Sau đó trong một bài diễn thuyết giới thiệu Phan Mạnh Danh bằng tiếng Pháp (Nguyễn Tiến Lãng dịch ra tiếng Việt) đọc tại phòng Hội nghị Huế, ngày 3 – 5 – 1943, Phạm Quỳnh lại nhấn mạnh cái ý “nhà thơ chỉ có làm thơ mà thôi”, nhà thơ “có một hồn thơ chân chính” cũng là “chung cả phái nhà nho nước ta hồi trước”. Nhà thơ thuộc hạng “nhà nho áo vải”, đạo đức thanh cao, tuy không tham gia vào chính trường, nhưng đã để lại cho đời sau những áng thơ Nôm tuyệt hay, thấm đậm tâm hồn Việt, và “đã tự đào tạo lấy một giọng văn xứng đáng với cái thi hứng bay bổng và thanh cao đó”, tạo cho câu thơ tiếng Việt thường bị coi là “nôm na” đã “có cái vẻ lịch sự tột bực, có cái vẻ tiêu sái hoàn toàn ...”. Chính những áng thơ đó đã góp phần đưa thơ tiếng Việt “nôm na” nghiễm nhiên chiếm được địa vị cao quý trong viện Hàn lâm, trong xóm Tao đàn. “Những bài thơ này làm cho ta nhận rõ được rằng cái “Nàng thơ” của nước mình, khi nào bằng lòng cởi bộ áo nhà quê để mà mặc tấm áo triều của bà mạng phụ, thì cũng có vẻ trang nghiêm chẳng kém gì bà chị đạo mạo đời Đường đời Tống bên Tàu vậy”(9).
Như vậy, phải chăng Phan Mạnh Danh cũng là một trong số những người có vai trò làm cầu nối giữa thơ cổ Việt Nam và thơ mới hiện đại?
Bút hoa là một tác phẩm khó đọc, nhưng tin chắc nếu được dịch, chú giải, giới thiệu kỹ, Truyện Kiều sẽ có thêm một lời tôn vinh, Nguyễn Du có thêm một tri âm, còn chúng ta cũng hiểu thêm nhiều về thơ và cách chơi thơ của các bậc tiền bối.
Viết tại Ô Đồng Lầm
Tháng 10 - 2010
(1) Bài in trong Nghiên cứu Truyện Kiều – Những năm đầu thế kỷ XXI. Nxb. Giáo duc, 2009.
(2) Hiện chưa tra cứu được Phan Mạnh Danh là cháu gọi Phan Trứ bằng gì?
(3) Tử Tấn Đào Sĩ Nhã: Phan Mạnh danh tiểu sử, trong Bút hoa Trí Đức thư xã Hà Nội xuất bản lần thứ hai, 1953..
(4) Đào Sĩ Nhã, Bđd. Những lời dẫn về Đào Sĩ Nhã đều lấy ở trong bài này. Trong tập Bút hoa hiện có, về số bài thơ, xin xem phần thống kê của chúng tôi trong phần viết dưới đây. Những lời nhận xét và “đề từ” đều có in trong Bút hoa.
(5) Tập Đề Thanh Tâm lục được in trong Phù Giang thi tập, in năm 1942.
(6) Bài đã in trong Bút hoa.
(7) Chúng tôi in đậm các chữ hiệp vần các đoạn để độc giả dễ theo dõi.
(8) Con số câu thơ Phạm Quỳnh nói đây có lẽ là nói số câu thơ tác giả phải nhặt ra để chọn, hoặc nói về toàn bộ Bút hoa thi thảo ? Bản đã được in mới là bản trích tuyển.
(9) Bài diễn thuyết này đã in trong tập Xuân mộng, Tôn Thất Lương chú giải, Thanh Hoa Thư xã Hà Nội xuất bản năm 1953. Những câu dẫn trong đoạn đều trích từ bài này.