Những góc nhìn Văn hoá

Roger Garaudy (1913. )

R.Garaudy sinh năm 1913 tại Marseille, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp năm 1945. Từ 1945 đến 1958 là nghị sĩ, từ 1959 đến 1962 là thượng nghị sĩ. Ông được biết tới với tư cách là nhà phê bình văn học, nhà hoạt động chính trị của Pháp.

R.Garaudy đã từng nghiên cứu ở Viện Triết, Viện Hàn Lâm Xô Viết. Là giáo sư ở Đại học Poitiers, từ 1959, ông phụ trách Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa Marx của Đảng cộng sản Pháp. Với tư cách nhà lý luận, ông viết nhiều tác phẩm đề cập đến các vấn đề khác nhau của chủ nghĩa Marx như: về chủ nghĩa xã hội ở Pháp, nhận thức luận của chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa nhân đạo mác xít, đạo đức mác xít, chủ nghĩa Marx thế kỷ XX v.v...
Về mặt lý luận - phê bình văn học, Garaudy viết không nhiều, quan trọng nhất và nổi bật nhất trong số đó là tác phẩm Về một chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến (Dun réalisme sans rigages) xuất bản năm 1963. Cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng và gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi.
Trong cuốn sách này, Garaudy đã đề cập ba tác gia của ba lĩnh vực khác nhau: họa sĩ P.Picasso, nhà thơ, nhà ngoại giao St.J.Perse và đặc biệt là nhà tiểu thuyết Kafka, một nhân vật phức tạp, “khó hiểu” bậc nhất trong lịch sử văn học thế giới hiện đại. Viết về Kafka, Garaudy đã giúp chúng ta có cách nhìn nhận mới về “hiện thực” và tác phẩm: “Kafka không phải là một kẻ thất vọng. Đó là một nhân chứng, Kafka không phải là người cách mạng. Đó là người đánh thức. Tác phẩm của ông thể hiện thái độ của ông đối với thế giới. Nó không phải là một bản sao chép của thế giới, cũng không phải là cái gì đó không tưởng. Nó không có ý định giải thích hoặc biến đổi thế giới. Nó gợi ra sự chưa toàn vẹn của thế giới và kêu gọi sự vượt qua”.
Sự vượt qua đó được Picasso thể hiện rõ trong hội họa và Garaudy cho rằng những tác phẩm nghệ thuật trong quá khứ chỉ là một kiểu của chủ nghĩa hiện thực. Sự sáng tạo có tính chất lật đổ của Picasso đã khiến Garaudy nghĩ đến những cách nhìn nhận khác: “Mỗi một tác phẩm nghệ thuật giúp chúng ta cảm nhận được những chiều kích mới của hiện thực”.
Các tác phẩm chính của R.Garaudy: Nhà thờ, chủ nghĩa cộng sản và những người theo đạo Cơ Đốc (1949), Những nguồn gốc Pháp của chủ nghĩa xã hội (1949), Học thuyết duy vật về nhận thức (1953), Chủ nghĩa nhân văn mác xít (1957), Từ chủ nghĩa siêu thực đến thế giới siêu thực: Hành trình của Aragon (1961), Thượng đế đã chết (Nghiên cứu về Hégel, 1962), Đạo đức mác xít là gì (1963), Từ lên án đến đối thoại (1965), Chủ nghĩa mác xít ở thế kỷ XX (1966), Lénine (1968), Vì một cuộc đối thoại của các nền văn minh (1977), Những nhà hùng biện của cách mạng Pháp (1991), Đạo Hồi ở phương Tây (2000), Chủ nghĩa khủng bố ở phương Tây (2004),…
Lộc Phương Thủy giới thiệu
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569543

Hôm nay

2327

Hôm qua

2432

Tuần này

21926

Tháng này

228067

Tháng qua

129483

Tất cả

114569543