Những góc nhìn Văn hoá

Cuộc tỷ thí giữa Hitle và Giun đất trong cuốn tiểu thuyết ma mãnh của Đặng Thân(*)

Cuốn tiểu thuyết nói đến ở đây là cuốn “3339.Những mảnh hồn trần” của tác giả Đặng Thân, NXB Hội nhà văn xuất bản năm 2011, dày ngót 700 trang, mô tả chi tiết kèm bình luận diễn biến cuộc “so găng” giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Việt với hai đội tuyển Hitle và Giun đất, trong đó, những tượng đài văn hóa Tây phương lừng lững như lực sỹ thể hình chỉ việc đứng yên triển khai hết các cơ bắp văn minh để những con bướm ma mang “những mảnh hồn trần” dị hợm, nhố nhăng đâm đầu vào mà  rơi dần xuống đất.

 Từ song thoại đến tỷ thí về văn hóa
Thực ra, cuốn tiểu thuyết của Đặng Thân là một cuộc song thoại văn hóa Đông Tây, đúng hơn là Tây–Việt. Gọi là “song thoại” chứ không phải đối thoại vì hai tuyến nhân vật đại diện cho hai típ văn hóa, hai dòng chảy văn hóa chưa hề đối thoại với nhau một cách chính thức mà chỉ triển khai các MÃ, các niềm tin và giá trị của mình một cách hồn nhiên; mặt khác, xung quanh các sự việc, tâm tư của họ còn có các cuộc độc thoại của nhân vật và các đàm thoại tự do của tác giả và độc giả. Cuộc song thoại dần dà trở thành tỷ thí vì Đặng Thân có mưu đồ nghệ thuật ranh mãnh muốn “Tọa sơn quan hổ đấu” gây hấn giữa hai dòng văn hóa Đông Tây để mình thành “ngư ông đắc lợi” nên đã lợi dụng sở cởi mở của sân bãi hậu hiện đại để thường xuyên thò bàn tay kích động, dàn trận, xui nguyên giục bị làm cho cuộc song thoại trên bề mặt trở thành cuộc cạnh tranh điểm số ở chiều sâu, trong nhận thức của nhân vật và độc giả. Đọc xong toàn bộ cuốn sách cũng có thể thấy thiện ý của tác giả muốn dung hòa hai kiểu văn hóa Đông và Tây, kết hợp cứng và mềm, hồn thiêng và hồn trần, đô thị nhà thờ cổ điển châu Âu với các kiểu nhà quê thuốc lào thơ ca tóc xanh môi đỏ trên đất Việt. Một dự án văn hóa xuyên quốc gia, xuyên thời đại đã được Đặng Thân hì hục triển khai kết hợp dân tộc và quốc tế, truyền thống và hiện đại đúng như định hướng mà Nghị quyết các kiểu đã vạch ra, chỉ khác nghị quyết ở tiếng cười giễu nhại thông minh xuyên câu chữ, việc đời và kinh sách.
Tiểu thuyết “3339.Những mảnh hồn trần”có hai tuyến chuyện độc lập song hành, một tuyến về gia đình dòng tộc của anh chàng Schditt người Đức đại diện cho văn hóa, tâm linh, tôn giáo đồ sộ nghiêm trang và mạnh mẽ của phương Tây; một tuyến khác là Mộng Hường mông to với  những người thân, bè bạn, người yêu, nhân tình nhân ngãi và đối tác của cô ta đại diện cho “những mảnh hồn trần”, những thứ nhà quê thời @ trộn thơ, tiếng Anh với thuốc lào và sex. Các nhân vật của mỗi tuyến tha hồ trình diễn say sưa các chiêu thức văn hóa của mình. Nhưng Đặng Thân đã bài trí phông cảnh như sân khấu của một cuộc thi truyền hình trực tiếp, rồi bằng thủ thuật montaz luân phiên đối sánh của điện ảnh chàng đạo diễn láu lỉnh đã tạo nên trong đầu người đọc hình ảnh hai đội thi với hai kiểu văn hóa khác nhau, thậm chí tương phản nhau, nên tự nhiên hình thành xung đột văn hóa, so sánh văn hóa trong nhận thức. Trước khi đi vào khảo cứu cuộc trình diễn văn hóa của hai đội, cần giới thiệu qua hai nhân vật điển hình có vai trò làm Avatar cho đội tuyển của mình là Hitle (đội Tây) và Giun đất (đội Việt).   
Hitle là ai và tại sao ông ta lại trở thành đấu sĩ văn hóa trong tiểu thuyết của Đặng Thân? Xin thưa, Adolf Hitle chính la anh chàng người Đức sau khi vỡ mộng làm họa sỹ đã gây ra Đại chiến thế giới thứ 2. Hitle được chọn dẫn dắt đội văn hóa phương Tây vì ông ta là nhân vật lịch sử đầu tiên bước chân vào tiểu thuyết và được trình bày như một đứa con hoang của văn hóa phương Tây, chỉ tin và đời sống thực tế và sức mạnh vật chất, say mê bạo lực và bị ám ảnh bởi những công trình kiến trúc hoành tráng và đồ sộ. Vì thế, có thể coi Hitle là đứa con ngoại giáo của văn hóa phương Tây nhưng thu hút tinh túy của nền văn hóa ấy để đẩy đến cực đoan làm nên ý chí, bản lĩnh và tội ác.
Đặng Thân lấy Hitle mở màn cho văn hóa Tây phương là để tạo cảm hứng tụng ca cái hoành tráng, triệt để, cái mạnh mẽ, quyết liệt rạch ròi và tàn bạo của nó như đã thấy trong các phần ca ngợi hệ thống nhà thờ đồ sộ, tôn sùng những cột đá lớn, liệt kê những kinh sách đồ sộ, thán phục bản lĩnh hiếp dâm mạnh mẽ. Hítle được trình bày như sự phóng to những đặc tính của nền văn hóa tạo nên những hiện tượng đáng khâm phục đó, là ví dụ cho thấy trong tấm gương phản diện khổng lồ ấy có vai trò tích cực của văn hóa phương Tây. Nói cách khác, Hitle đại diện cho cái Ác xây dựng trên những nguyên lý Thiện của phương Tây vì thế có thể đại diện cho cả hai mặt của nền văn hóa ấy.
Còn Giun đất là ai? Trong thành ngữ dân gian Việt Nam “Con giun xép lắm phải quằn”. Trong tâm thức văn hóa Việt, giun đất giống như một thứ lò xo đạo đức vừa có sức nén nhẫn nhục, vừa có sức bật vùng lên. Nhưng hành động giun nhẫn nhục và hành động giun vùng lên vì sức lực nhược tiểu của giun chẳng thể làm thay đổi gì mọi vật. Giun làm điều thiện hay giun làm điều ác thì hiệu quả vẫn chẳng khác gì nhau. Vì thế, giun cũng có thể coi là nhân vật đại diện cho cả hai mặt Thiện Ác của văn hóa Việt.
Gần đây, giun trở thành nhân vật có tầm vũ trụ khi được Trịnh Xuân Thuận tác giả cuốn Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao lấy lỗ giun đào làm ví dụ cho lỗ đen. Giun đào lỗ chui xuống đất, nhưng đào thế nào cuối cùng lỗ giun đào lại vòng lên mặt đất, nghĩa là càng tiến lên càng quay về chỗ cũ. Giun trở thành nhân vật hài có tầm triết học như vậy đấy! Nó có thể là biểu tượng của sự luẩn quẩn trong định hướng, thụt lùi trong phát triển, là hiện thân của một thứ “lỗ đen” trong văn hóa Việt Nam.
Mặc đù đã từng sắm hai vai diễn lớn - một vai tuồng đạo đức và một vai hài triết học, chú Giun đất vẫn chỉ được đạo diễn Đặng Thân cho đóng vai quần chúng trong tiểu thuyết của mình. Giun chỉ xuất hiện trong một “đoạn trữ tình ngoại đề” ngắn ca ngợi đạo đức không cạnh tranh của giun “lỗ ai nấy rúc”, biện hộ cho tầm vóc của giun “giun có việc của giun, rồng có việc của rồng”, “giun mà biết ứng xử đúng thời thì cũng vinh hiển được vậy”; “nếu biết triển khai giun tính cho đúng thời đúng lúc thì lo gì không đến bến vinh quang. Nếu cả nhân loại hoằng dương được “giun pháp” thì hòa bình trong tầm tay vậy”. Chỉ cho giun một vai diễn ngắn nhưng Đặng Thân đã phát huy được những vai diễn quá khứ của giun, để giun tiếp tục  giữ vai trò cầu nối mong manh giữa cái Thiện và cái Ác, tiếp tục là hiện thân của sự nhập nhèm giữa phát triển và tụt hậu, khiến giun trở thành một nhân vật mang chứa trong thân xác mềm yếu nhẫn nhục của mình bao nhiêu mảnh hồn trần trong tiểu thuyết. Giun đất được coi là đấu sĩ văn hóa đại diên cho văn hóa Việt thời @ trong tiểu thuyết Đặng Thân vì những phẩm chất và duyên nghiệp của giun có thể tiêu biểu cho các nhân vật Mộng Hường, Bốp, cô Tâm, thầy Sơn – “những mảnh hồn trần” đang vật vờ, nhắng nhít, lang thang trong bao nhiêu bộ dạng thảm thương, nham nhở và nhếch nhác nhưng vẫn áo tưởng về tầm vóc tâm linh, thi ca, vũ trụ.
Chỉ cần theo dõi những gì diễn ra qua màn trình diễn sex, ta thấy đội Hitle bỏ xa đội Giun đất vì sự đàng hoàng mạnh mẽ của cánh đàn ông. Đội Hitle trình bày một thứ sex mạnh mẽ, trần trụi, khi yêu sẵn sàng hiếp dâm, sẵn sàng chịu trách nhiệm trả giá cho bản năng tình dục như Arsch ông nội Schditt, hiếp xong thì xin lỗi thanh minh, thề sẽ chết nếu không được yêu, không được nhận lời yêu thì lại đè ra hiếp; thậm chí sau khi hiếp dâm có thể viết sách bạo dâm ác dâm như Sade để trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất, môt kiểu Thánh tử vì đạo, một vô thức cộng đồng gây ảnh hưởng xuyên qua các thiên tài văn chương như Doxtoiepxki, Kapka và Nietzche. Những cuộc cưỡng hiếp của đội Hitle mang màu sắc tình yêu và tôn giáo. Trong khi đó, đội “những mảnh hồn trần” của Giun đất thì luôn khoác áo thầy tu, thầy giáo, nhà thơ để nấp sau những chức phận cao siêu, những sứ mệnh thiêng liêng mà lén lút tụt quần phái yếu. Những cuộc hiếp dâm mang mặt nạ tình yêu những không có tình yêu. Khi có có tình yêu thì không có tôn giáo và ngược lại, khi có tôn giáo thì không có tình yêu. Trong khi đội Hitle trình diễn sex rất đàng hoàng mạnh mẽ, thì đội Giun đầy mặc cảm đạo đức luôn cứ phải làm tôi tớ, làm ma cô, làm áo quần che đấy bản năng để thực hiện sex theo cách của đám đạo đức giả. Ghen tuông của đội này cũng đầy bạo lực, hài hước` và bẩn tưởi. Nhìn tổng quát các tiết mục trình diễn của cả hai đội thấy sex trong tư duy của Đặng Thân là sex tôn giáo, sex văn hóa, sex giáo dục. Trong mọi trường hợp, sex chỉ là chiến lợi phẩm của cuộc chiến giải thiêng, ở đó nhân vật không có khoái cảm mà độc giả thì hoặc đê mê vì khoái cảm văn hóa, hoặc cảm thấy đau đớn nhục nhã vì bị cưỡng hiếp văn hóa.
Theo dõi tiếp các màn trình diễn của hai đội, thấy rõ sự tương phản giữa những khối hồn thiêng bề thế của đội Hitle với “những mảnh hồn trần” nhếch nhác của đội Giun đất. Đội Hitle đã cho thấy hồn thiêng văn hóa, hồn thiêng tôn giáo của Phương Tây luôn trụ vững trên giá đỡ của văn minh vật chất, luôn được tôn thờ và bảo vệ trong những không gian đồ sộ và tinh khiết. Các binh đoàn tâm linh tôn giáo phương Tây với các vị thống soái lừng danh, các cỗ trọng pháo kinh điển và các pháo đài nhà thờ kiên cố, theo sau là những đội quân du mục Do Thái mang tâm hồn thiêng của đá rầm rộ kéo đi chiếm lĩnh các đỉnh cao của lịch sử văn hóa tâm linh nhân loại. Cũng có lúc hồn thiêng Thiên Chúa giáo phải cộng sinh với hồn trần của dân du mục Do Thái, nhưng hai hồn này được gắn kết với nhau một cách khá hữu cơ, không ghép nối lổn nhổn theo kiểu trộn cái tâm linh cao khiết vào cái suồng sã đời thường như hồn trần Việt.
Đội Giun đất đã trình diễn nhiều màn thảm bại. Qua những câu chuyện tình yêu, làm ăn của Mộng Hường và những tình nhân, bè bạn của cô thấy rõ cảnh “những mảnh hồn trần” Việt chen chúc mà bơ vơ, đối thoại mà như độc thoại, vu vơ mà như nổi loạn, đối mặt mà thực ra vẫn đang lang thang phiêu dạt trong tầng trời bí mật, trong cái kênh dị hợm của riêng mình. Chúng làm rối loạn những “hồn bướm mơ tiên”, những hồn thiêng sông núi. Những mảnh hồn trần nham nhở ấy đang ám trong những Mộng Hường kệch cỡm, những thằng Bớp lưu manh, những thầy Sơn đạo đức giả, những cô Tâm nửa đạo nửa đời. Những nhân vật kiểu ấy có thể không mới, có thể đã xuất hiện ở các tác phẩm khác, thậm chí được các tác giả khác xây dựng công phu hơn, dày dặn hơn. Nhưng trong tiểu thuyết này họ giống như những hình nhân vàng mã được đặt vào một không gian nghệ thuật tâm linh ước lệ, được gọi tên chung là “những mảnh hồn trần” nên họ có một sắc thái ẩn dụ, ẩn hiện như ma trơi, lập lòe như đóm đóm, chập chờn nồng nặc và tự tin như thuốc lào đặc sản và lòe loẹt đỏm dáng như các chương tình quảng cáo trên TV. Vì thế, có thể coi “3339.Những mảnh hồn trần” của Đặng Thân giống như một lễ cúng cô hồn, xá tội vong nhân trong ngày Rằm tháng Bảy văn chương.
Tụng ca một bên, giễu nhại một bên
Mặc dù đội Hitle đã chiến thắng trong trận tỷ thí văn hóa do Đặng Thân cầm chịch, nhưng về mặt văn chương nghệ thuật đội Hitle đã thua, vì cách kể chuyện và xây dựng nhân vật của Đặng Thân cho đội này không có được bao nhiêu hồn vía. Scheditt là một kiểu nhân viên Google tẻ nhạt, sau khi “luộc” hết những miếng ngon nhất trong di sản của ông bà, anh ta chẳng còn gì hấp dẫn. Hầu như không có tư tưởng, không rõ cá tính, không có giọng điệu riêng, vậy mà anh ta được Đặng Thân xây dựng như một thứ mậu dịch văn hóa, giữ độc quyền thông tin liên văn bản cho nhóm lợi ích văn hóa phương Tây. Hơn thế nữa, anh ta cứ phải mặc mãi bộ comple cổ lỗ sỹ của thế kỷ 19, không được Đặng Thân khoác cho bộ thời trang sang trọng của tư duy diễu nhại.
Thủ pháp giễu nhại của Đặng Thân trong tiểu thuyết này có vẻ nhuần nhuyễn cao tay. Tác giả vận dụng nhiều chiêu thức lạ: vặn xác thay hồn, hàn lâm hóa, đặt nhân vật vào không gian liên văn bản, nhìn nhân vật thô tục qua lăng kính tôn giáo thiêng liêng. Anh chàng Bớp, một nhân vật thế tục hồn nhiên đã được Đặng Thân lố bịch hóa bằng cách đặt hắn vào hệ quy chiếu của Thiền để dán nhãn chứng ngộ cho mỗi trạng thái tâm lý và mỗi hành vi của hắn. Giễu nhại bằng cách đặt nhân vật vào không gian văn hóa liên văn bản đã tạo ra những hiệu quả hài hước thú vị, giống như cảnh tượng một bức ảnh Chúa Trời tự nhiên xuất hiện lủng lẳng trên trên mông một con chiên. Nhân vật không biết, chỉ một số độc giả nhìn thấy và hiểu rằng tác giả đang dùng liên văn bản để chơi trò chơi buộc đuôi dán nhãn sau lưng nhau của đám học trò. Đó là một giễu nhại-liên văn bản thành công vì nó đã tạo ra một không gian ảo với tính toàn thể bị bóp méo và xuyên tạc.
Tuy nhiên, Đặng Thân đã tự giới hạn những chân trời sáng tạo văn chương khi bắt đôi chân của con ngựa thần hậu hiện đại phải dừng bước trước biên giới Việt Nam, không thể bay tới những miền đất khác. Cho nên, những nền văn minh tôn giáo tâm linh đồ sộ của dòng họ Schditt và đồng hương Hitle của anh ta được trình bày trong “3339.Những mảnh hồn trần” hoành tráng và nghiêm trang đến mức người ta thấy nó có một quyền uy văn hóa đặc biệt làm tê liệt khả năng giễu nhại của Đặng Thân. Hình ảnh một Đặng Thân ngổ ngáo giấu biến lưỡi tầm sét giễu nhại sau lưng cung kính cúi đầu trước văn hóa phương Tây là một hình ảnh phi lý như quả bí. Như vậy có nghĩa là chàng ngư dân Đặng Thân khi quăng lưới trên biển cả Hậu hiện đại mênh mông đã không dám bắt những con cá to nhất, bỏ phí cơ hội trở thành ông lão trong truyện Hemingway quyết đuổi theo con cá khổng lồ và trở thành anh hùng trong lịch sử văn chương nhân loại!
Liên văn bản và chiều thứ tư của ngôn ngữ
Liên văn bản là một thủ pháp gắn với tư duy mở của sáng tác hậu hiện đại. Nó cho phép tác giả đặt hình tượng vào những vùng tham chiếu khác nhau tùy theo theo ý đồ sáng tác. Giống như hệ thống đèn chiếu trên sân khấu, những tưởng tượng liên văn bản sẽ làm bật lên một cạnh khía nào đó của nhân vật, sự kiện hay hành động mà tác giả muốn nhấn mạnh, mốn tạo hiệu ứng đặc biệt. Vì thế, nếu không gắn với nhân vật và ý đồ thể hiện nhân vật, thì các thủ pháp liên văn bản được dùng chỉ là những luồng sáng chiếu vu vơ, thậm chí gây hiệu ứng thừa sáng, lóa mắt, xóa nhòa nhân vật và sự việc.
Trong “3339.Những mảnh hồn trần” những thủ pháp liên văn bản gắn liền với cảm hứng giễu nhại đều gây hiệu quả đặc biệt, tác giả chiếu cả những chum tia X-quang triết học tâm linh xuyên qua nhân vật làm hiện lên hồn cốt của “những mảnh hồn trần”. Những liên văn bản không gắn với cảm hứng giễu nhại đều có xu hướng liệt kê Google dễ dãi lan man.
Ta có thể xem xét các  thủ pháp liên văn bản chính mà Đặng Thân sử dụng như sau:
1.Liên văn bản sấm truyền: Gồm các đoạn trích sấm ngữ, kinh sách, tạo ra các chuẩn của “hồn thiêng” giúp độc giả soi xét “hồn trần”; giữ nhịp văn hóa cho tiểu thuyết. Trước khi các liên văn bản kiểu này xuất hiện, Đặng Thân giống như nhà ảo thuật giấu cái thiêng trong tay áo, dơ hai bàn tay lên: “ Không có gì nhé?! Đầy rác rưởi bóng bay mông đít tục tĩu nhảm nhí nhé?” Thế rồi, sau vài chiêu ảo thuật đánh lừa khán giả, Đặng Thân chìa ra một cái ban thờ: “Các ngươi có hiểu gì về bàn thờ không? Cái góc này của ta!” Và đó là trò tiếp thị cho cái thiêng giữa đống rác rưởi văn hóa dâm đãng, lòe loẹt và ngọng líu ngọng lô.
2.Liên văn bản mật ngữ: Tạo ra vẻ thâm u bí ẩn của thế giới tâm linh, gợi nghĩ cho khán giả, đưa khán giả vào không gian văn hóa của cái thiêng. Trong mảng này, Đặng Thân giành nhiều câu tôn vinh văn hóa và tâm linh phương Đông.
3.Liên văn bản hàn lâm: Tạo ra vẻ uyên bác của người viết và mở rộng cảnh quan văn hóa; có những lúc tạo hiệu quả lạ giống như là Đặng Thân chủ động dán chữ vào nhân vật theo kiểu họa sỹ vẽ BodyA’rt hay tác giả cố tình bê các nhân vật nhúng vào các dung dịch tự tạo bằng sách báo xé ra tẩm nước bọt, nước cống trong đời thực để tạo ra sự tanh tưởi văn hóa cần cho tác phẩm. Nhưng cũng có lúc  những liên văn bản kiểu này gây cảm giác các nhân vật bị Đặng Thân lột trần truồng ra ném vào biển cả của Google để bị chìm nghỉm đi trong đó.
4.Liên văn bản truyền thông: Tạo không khí thực cho các hư cấu, tạo tính thời sự cho câu chuyện. Nhưng nhiều khi dễ dãi lan man gây ấn tượng cắt dán giản đơn.
5.Liên văn bản hè phố: Các comment của độc giả mạng cuối mỗi chương để thăm dò, mỵ dân, làm duyên hè phố. Nhưng nhìn chung nhạt, thể hiện cách nhìn phiến diện và hời hợt của thầy bói xem voi.
Cái đáng chê nhất của các thao tác liên văn bản là ở chỗ nó tố giác sự thiên vị văn hóa của Đặng Thân đối với đội Hitle. Hầu như các liên văn bản đều tập trung vẽ rắn thêm chân, tô vẽ cho bề dày bề rộng bề sâu và chiều cao sang trọng của văn hóa tâm linh và tôn giáo Phương Tây. Lẽ ra phải so găng giữa Jessu và Thích ca, Giáo Hoàng với các Bồ tát chẳng hạn, thì lại so với Mộng Hường đầu bé mông to. Tội nghiệp đội Giun đất, lúc đầu cũng có nhiều tình huống lẽ ra được tác giả hỗ trợ đánh bóng thêm bằng một chiêu liên văn bản tới các chùa chiền, dân số, thánh nhân, đĩ điếm và chiến công của hồn Việt, tôn giáo Việt như đã thống kê nhà thờ, dân số và kinh sách của hồn Tây thì tác giả lại lờ đi. Về sau, có lẽ tác giả cũng tự thấy bất công, có nguy cơ tiểu thuyết phải đi vòng kiềng vì “chân khô chân héo” nên bắt đầu liên văn bản đến các sách vở Trung Hoa, thỉnh thoảng mới có những liên văn bản đến các cụ tổ Việt, các kinh sách Việt, các anh hùng Việt, nhưng cũng “năm thì mười họa hay chăng chớ”, không được cấp tập bề thế như các liên văn bản về văn hóa và tôn giáo phương Tây.
 
Mặc dù, cách liên văn bản kiểu Đặng Thân chỉ dùng chủ yếu như thủ pháp tụng ca họ hàng và quê hương Scheditt, song cũng có thể ghi nhận cái mà nhà văn gọi là “chiều kích thứ tư của ngôn ngữ” mà những liên văn bản này đem đến cho tiểu thuyết. Cụ thể, chiều thứ tư của ngôn ngữ liên văn bản thể hiện qua mấy đặc điểm sau:
1- Các văn bản dẫn ra ít nhiều có sự tù mù về nguồn gốc, về bản chất;
2- Các thông tin chen ngang thường hỗn độn về thứ bậc, về đẳng cấp và chất lượng;
3- Các văn bản được nhà văn sử dụng luôn ở trong trạng thái nhập nhèm về ranh giới, về trách nhiệm.
Tất cả những cái đó hội lại thành một hiệu ứng bất ngờ có thể gọi là chiều thứ tư của ngôn ngữ là: Thông qua việc dùng cái sắc nét tỏ tường để cắt dán chân dung cái mập mờ hỗn độn trong đời sống và tâm thức, tác giả đã vô tình tạo nên sự lập lờ sinh động và đa nghĩa của hình tượng văn chương.
Quyền lực hậu hiện đại
Chăm chú đọc “3339.Những mảnh hồn trần” và suy ngẫm kỹ, ta có thể thấy Đặng Thân đã thể hiện rõ một khát vọng tạm gọi là “Thoát giun luận”, cái khát vọng muốn cho hồn Việt, văn hóa Việt, tâm linh Việt, tham vọng Việt, bản lĩnh Việt, khí phách Việt sẽ phải như Thánh Gióng vươn vai lớn vượt trở thành Đại nhân cách ổn định, minh bạch và bề thế như cách của phương Tây, chứ không đong đưa mãi giữa Rồng và Giun như đã từng đong đưa hàng thế kỷ.
Đặng Thân đã thể hiện rõ thái độ của một Thiên lôi văn hóa cầm lưỡi tầm sét giễu nhại để bảo vệ cái thiêng. Thế giới trong “3339.Những mảnh hồn trần” đã bị lưỡi tầm sét hậu hiện đại của gã Thiên lôi này đánh cho vụn nát, nham nhở, tanh bành để săn tìm “những mảnh hồn trần” đang cư trú trong những hang ổ văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, lưỡi tầm sét đó chỉ hướng về phương Đông, nơi có những Đấng giác ngộ, những hiền giả được gã ca ngợi hết tầm. Mặc dù gã Thiên lôi chê bai cái cứng ngắc của phương Tây, nhưng gã không dám hay không có hứng quay búa giễu nhại nện vào những khối bê tông văn hóa thô cứng ấy!?
Những đập phá giễu nhại trong văn chương hậu hiện đại cũng là cách kiểm tra sức sống của văn chương giống như người Tây tạng ném trẻ sơ sinh xuống dòng suối buốt giá rồi vớt lên, để nếu đứa trẻ nào còn sống nó sẽ đủ sức tồn tại trong vùng đất khắc nghiệt này. Vì thế, thái độ né tránh giễu nhại tôn giáo và văn hóa Phương Tây đã bộc lộ sự yếu đuối của tác giả và vô hình chung đã hạ bớt tầm nhân loại của tác phẩm này. Độc giả thế giới sẽ quan tâm nhiều hơn nếu tiểu thuyết của Đặng Thân chạm đến cả “những mảnh hồn trần” của họ, sáng tạo ra một ngày Xá tội vong nhân cho “những mảnh hồn trần” của toàn nhân loại, thay vì chỉ say sưa chẩn bệnh cho loài Giun đất và làm lễ cúng cô hồn cho văn hóa Việt Nam.
Những ý kiến chê tiểu thuyết của Đặng Thân là “tạp thuyết”, liệt kê tri thức, bày biện ngổn ngang, tham lam dễ dãi…cũng có cơ sở ở cách thể hiện có phần hỗn tạp của anh. Song cái bừa bộn  nhồi nhét thừa thãi ở đây có cái gì giống như một bữa tiệc buphe bày biện đủ thứ linh tinh thượng vàng hạ cám mà thực khách nhiều khi không chạm đến, nhưng không phải lúc nào cũng là thừa. Những ai tạp ăn thì cứ việc lấy cho đầy đĩa để rồi sau bữa tiệc có thể vào toilet thoải mái ói ra hết tất cả những gì nhà văn bày biện. Thế rồi, một cú giật nước cuối cùng ở một liên văn bản vu vơ có thể tẩy sạch những nôn ọe hậu hiện đại kia, tẩy sạch tâm hồn các “sát thủ đầu mưng mủ”, giúp cho độc giả thoát khỏi cái mê lộ của sự vụn vặt, nháo nhào, tan tành, thừa mứa, tìm lại chút thiêng trong cái nhẹ bụng mà họ đã chán chường. Đó là ngón võ “mầm đá ngược”. Thay vì bỏ đói thực khách để khi được ăn một ngọn rau họ cũng thấy ngon như cách Trạng Quỳnh đã làm, Đặng Thân nhồi cho thực khách no nê để rồi họ tìm thấy cái khoái cảm của cú nôn ra.
“3339.Những mảnh hồn trần” là khu vườn lạ, một sắp đặt văn hóa tâm linh tạo nên một khu vườn văn chương lổn nhổn, rườm rà và rất nhiều cạm bẫy, nhưng khá thú vị. Một quyền lực nghệ thuật hậu hiện đại không biết từ đâu đã bỗng nhiên ngự trị trên mảnh đất còn hoang sơ, khiến cho khi lạc vào khu vườn đó, con chim nào cũng phải hót lên, dù đó là tiếng hót gọi đàn vì cảm thấy lạc lõng bơ vơ xa lạ, hay tiếng hót hân hoan của kẻ tìm thấy mảnh đất hoang để xây những tổ ấm văn chương mới cho bầy đàn mình. Và không loại trừ có cả những tiếng hót bắt buộc phải cất lên vì sợ hãi sự lặng im ma mãnh và bí ẩn giữa mảnh đất hoang.
Chắc chắn cuốn tiểu thuyết này, với tất cả những thành công và hạn chế của nó sẽ gây ảnh hưởng nhiều chiều, nhiều cấp độ trong sáng tác của nhiều cây viết trẻ Việt Nam./.
Hà Nội,5 -1-2012
..........................................................................................
(*): Tham luận tại hội thảo về tiểu thuyết “3339.Những mảnh hồn trần” của Đặng Thân tại Trung tâm văn hoá Pháp (Hà Nội), ngày 7.1.2012
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114569533

Hôm nay

2317

Hôm qua

2432

Tuần này

21916

Tháng này

228057

Tháng qua

129483

Tất cả

114569533