Văn hoá học đường

Truyện đọc cho học sinh tiểu học, thế giới bị lãng quên

Ở bậc tiểu học, bên cạnh sách giáo khoa Tập đọc và Tiếng Việt, mỗi lớp có một cuốn truyện đọc nhằm bổ trợ cho phân môn kể chuyện. Các cuốn sách này tuyển chọn nhiều chuyện, đoạn trích (gọi chung là chuyện) tập hợp theo các chủ đề, tổng cộng 231 chuyện. Các chuyện được chọn phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lý học sinh tiểu học, văn phong trong sáng nên rất được các em yêu thích, có tác dụng bồi bổ trí tuệ, giáo dục đạo đức, lối sống cho các em. Tuy nhiên, việc sử dụng, vận dụng sách truyện đọc ở tiểu học vẫn còn không ít bất cập.

 Những giá trị giáo dục quý
Mặc dù mới học lớp 2, song bé Vân Anh, trường Tiểu học Hà Huy Tập đã thích đọc sách truyện đọc dành cho các lớp 3,4,5. Bé mượn sách về đọc rất say sưa, nhiều khi bố mẹ phải ngăn cản vì sợ con cận thị. Bé nhớ rất tốt nội dung các câu chuyện và có thể trả lời được một số câu hỏi về nội dung, ý nghĩa của tác phẩm. Bé cho biết bé đã khóc khi đọc truyện “Bông hoa kì diệu” (truyện đọc lớp 1), “Bồ Nông có hiếu” (truyện đọc lớp 2), “Con thiên nga bé bỏng” (truyện đọc lớp 3), “Suất cơm phần bà”, “Cô bé bán diêm” (truyện đọc lớp 4). Hỏi vì sao thích đọc truyện, bé hồn nhiên: “Vì em thấy những câu chuyện đó gần gũi với em”. 
Các truyện, đoạn trích trong các sách truyện đọc ở tiểu học có nguồn gốc đa dạng, gồm: truyện cổ dân gian (kể cả chuyện cổ phóng tác), truyện lịch sử, dã sử, văn học nước ngoài (dân gian và hiện đại), sáng tác của các nhà văn trong nước và của các tác giả khác. Cô giáo Mai Anh, trường Tiểu học Hưng Bình chia sẻ: “Nội dung truyện đọc rất phong phú, có tác dụng giáo dục hữu ích đối với học sinh về lòng nhân ái, tình yêu thiên nhiên, tình cảm gia đình, bạn bè, tình yêu quê hương đất nước…Nét đặc sắc nhất của mảng truyện này, theo tôi là những câu chuyện sáng tác có tính nhân hoá, những con vật, loài cây, thậm chí cả sông núi cũng trở thành những nhât vật có tính cách sinh động, gần gũi với các em, được các em rất yêu thích”.        
Truyện “Thi nhạc” của Nguyễn Phan Hách (truyện đọc lớp 3) đã dựa trên đặc tính của các loài vật (vàng anh, ve sầu, gà trống, dế mèn, họa mi, vịt) để tưởng tượng nên một cuộc tranh tài thú vị. Qua truyện, học sinh không chỉ hiểu thêm về tính cách của các loài vật, đặc sắc thiên nhiên, phong cảnh bốn mùa và cả kiến thức về nhạc lý, nhạc cụ mà còn được giáo dục về tinh thần nỗ lực vươn lên trong học tập, ý thức tạo nét riêng, cá tính trong sáng tạo nghệ thuật. Đây là một trong các truyện mà đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn thấy hay, mới.
Cũng dựa trên đặc tính loài vật, cây cỏ, truyện “Chú bò ba bớt”, “Bác sĩ Gõ Kiến”, “Chim non không ngoan” (truyện đọc lớp 1), “Mẹ con nhà Chuối”, “Gà và Vịt”, “Bồ Nông có hiếu”, “Bé Chuối và bác Bồ Kết”, “Bác Ve Sầu” (truyện đọc lớp 2), “Bộ lông rực rỡ của chim Thiên Đường”, “Cá đi ăn thề” (truyện đọc lớp 3), “Ếch và Chẫu Chàng” (truyện đọc lớp 4), “Cuộc họp của loài chim” (truyện đọc lớp 5)…đã sáng tạo nên một thế giới thiên nhiên vô cùng sinh động, hấp dẫn, vừa ngây thơ, ngộ nghĩnh, vừa đem lại những bài học bổ ích cho các em.
Các truyện kể về danh nhân cũng không theo lối biên niên nhàm chán mà chủ yếu kể theo kiểu tình huống, tự nhiên, đầy cuốn hút. Bên cạnh các danh nhân của Việt Nam như Hồ Chí Minh, Hai Bà Trưng, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Yết Kiêu, Lê Lợi, Lương Thế Vinh, Đinh Núp…các cuốn truyện đọc còn giới thiệu về các danh nhân thế giới như Tây Môn Báo, Bao Công, Kỉ Xương, Louis Pasteur, Beethoven, Newton, Robinson Crusoe, Alexander Graham BellTrong các danh nhân nước ngoài, bên cạnh các nhân vật đã thành danh từ lâu, các sách truyện đọc đã giới thiệu những tên tuổi đương đại như Bill Gates, Stephen Hawking…khiến cho cuốn sách càng gần gũi với đời sống, có tính cập nhật thông tin cao.
Một điểm rất đáng ghi nhận của các cuốn sách truyện đọc cho học sinh tiểu học xét về mặt giáo dục kĩ năng sống cho các em là đã giới thiệu rất nhiều tình huống có tính thực tiễn sâu sắc, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của học sinh tiểu học. Có những vấn đề đạo đức, ứng xử rất cần thiết, tạo nền tảng cho nhân cách học sinh nhưng nếu giảng dạy theo kiểu thuyết giảng thì rất nhàm chán và không có sức thuyết phục, nhưng nếu thông qua các tình huống để các em tự nhận thức thì hiệu quả lại rất tuyệt vời. Ví dụ, thông qua truyện “Bồ Nông có hiếu” (truyện đọc lớp 2), các em sẽ thấm thía sâu sắc về lòng hiếu thảo. Hoặc truyện “Bài học nhớ đời” (truyện đọc lớp 4) đáng giá là một “bài học nhớ đời”, không chỉ đối với nhân vật trong chuyện, mà còn đối với các em học sinh về phẩm chất trung thực. Một khi độc giả (học sinh) đã nhập thân, hóa thân vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, thì sức mạnh của nghệ thuật được phát huy một cách kì diệu.       
Còn đó những băn khoăn…
Theo chúng tôi, truyện đọc cho học sinh tiểu học thực sự là một kho tàng quý giá, song điều đáng nói là không ít thầy cô giáo và phụ huynh chưa thực sự quan tâm hoặc biết cách khai thác. Vì chỉ là sách tham khảo, có tính bổ trợ nên trong chương trình học chính khoá cũng như học buổi 2 (buổi chiều) không có thời gian dành cho cuốn sách này. Vì vậy, chủ yếu là do học sinh tự đọc. Bên cạnh những em ham thích đọc thì vẫn còn không ít em ít, hoặc không quan tâm.   
Em Lê Thanh Hà, lớp 3B trường Tiểu học Lê Mao tâm sự: “Em ít đọc truyện đọc, hồi lớp 2 thì hay đọc hơn. Đây là chương trình tham khảo nên cô không dạy trong lớp, năm ngoái có cô giáo thực tập có đọc cho bọn em nghe, còn cô giáo chủ nhiệm thì không đọc và cũng không hỏi các em về các truyện đó”. Em Hà chỉ nhớ cuốn truyện đọc là “cuốn sách có hình con gấu ở ngoài bìa”, chứ không nhớ nhiều về nội dung cuốn sách.
Nguyên nhân khiến truyện đọc đang còn bị coi nhẹ xuất phát từ sự quá tải của chương trình. Dù chỉ ở bậc tiểu học, các em đã phải học rất nhiều môn, phải tiếp thu nhiều nội dung mới, khó. Chỉ riêng hệ thống thuật ngữ có nguồn gốc Hán Việt trong phạm vi chương trình cũng đã là một gánh nặng quá sức đối với các em. Học toán, các em phải bù đầu với các khái niệm “số hạng”, “hiệu”, “tam giác”, “chữ nhật”…Đã thế, còn thêm chương trình “nâng cao”, rồi các em ở vùng có điều kiện còn học thêm tiếng Anh. Đã học 2 buổi, hầu hết các em về nhà đều phải ôn luyện, làm bài tập, tập viết…đến mức nhiều em cận thị, không còn thời gian vui chơi.
Nguyên nhân thứ hai là do tính chất thực dụng của người lớn khiến nội dung giáo dục bị lệch lạc ngay từ lớp nhỏ nhất của bậc tiểu học. Đó là không ít bậc cha mẹ chỉ quan tâm đến tình hình học môn toán của con em, coi nhẹ môn tiếng Việt. Cứ suốt ngày bày toán cho con, hết cơ bản đến nâng cao, hết học ở trường lại gửi con đi học thêm, hết học trong sách lại giải toán trên mạng… chỉ cần con giỏi toán là được, còn môn tiếng Việt thì có bị yếu một chút cũng không sao. Không ít phụ huynh quan niệm giáo viên (tiểu học) giỏi nghĩa là dạy toán giỏi, là gửi con cho các thầy cô đó dạy thì sẽ giỏi toán. Đây là nguyên nhân khiến trẻ học lệch từ trong trứng nước, coi thường các môn xã hội, trong đó có cả các tác phẩm văn học.
Không được nuôi dưỡng tâm hồn bằng các tác phẩm văn học, nghệ thuật chân chính, trong tương lai, trẻ có nguy cơ trở thành người có nhân cách lệch lạc, vô cảm. Mặt khác, do đặc thù của học sinh tiểu học, nếu để trẻ tự đọc sách thì không thể tránh khỏi những hạn chế trong cảm nhận về tác phẩm. Những phẩm chất nhân văn được bồi đắp từ thửa ấu thơ sẽ có sức bền, sức lan tỏa vượt thời gian. Để hình thành thói quen đọc sách, người lớn cần động viên, khuyên khích trẻ bằng những biện pháp phù hợp. Hãy cùng đọc sách, suy nghĩ, trò chuyện với trẻ và tìm cách gieo vào lòng các em những hạt giống của trí tuệ và lòng nhân ái.  
       
 
  
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515464

Hôm nay

2142

Hôm qua

2367

Tuần này

21065

Tháng này

213403

Tháng qua

121009

Tất cả

114515464