Người xứ Nghệ

Núi Hồng ai đắp mà cao...

MỖI lần ngước lên Hồng Lĩnh tôi thường rưng rưng trong lòng niềm tự hào khi cất lên câu hỏi mà không cần lời đáp ấy. Bởi đã thấy núi Hồng cao lên trong câu ca điệu ví, trong việc làm của những con người cư ngụ nơi chín chín đỉnh non này. Làm nên một biểu tượng của non nước Hồng Lam.

Nguyễn Du từng hãnh diện mà giới thiệu với người quen địa chỉ cư trú của mình: Viễn lai tri thủ tương tầm lộ /Gia tại Hồng sơn đệ nhất thôn (Anh ở xa đến nhớ tìm nhà tôi ở thôn đầu tiên của núi Hồng - Gửi Huyền Hư..). Bậc đại thi hào đã nâng tầm núi Hồng lên chiều cao nhân thế qua tài năng trác việt của mình. Để bốn phương tám hướng tìm về ngọn núi nuôi dưỡng con người đã viết nên cuốn Truyện Kiều bất hủ.
Nguyễn Công Trứ, bậc đệ nhất lưu hào kiệt anh hùng (chữ của Trương Quốc Dụng) đã dành cho núi Hồng đánh giá công trạng bản thân. Năm lên lão Bảy mươi, trong bài thơ Tự thọ, đã nói rõ ý này: Tự tàm tiễn liệt hào vô trạng, Quái sát Hồng sơn hữu thị phi (Nghĩa là: Tự lấy làm thẹn, chẳng có chút công trạng gì. Thôi hãy phó mặc cho núi Hồng hạ lời khen chê).
Không cần đến ai và thời nào định giá, chỉ cậy đến núi Hồng phân xử, khen chê. Chỉ đặt lòng tin vào núi Hồng mà thôi. Ngoài ra mặc kệ! Vinh danh núi Hồng đến thế thì thôi. Nguyễn Công Trứ thật đã xứng là đấng bậc có công đắp cao thêm núi Hồng huyền thoại. Một Hồng Lĩnh với những tán bách, tùng trên từng vỉa đá, mà khi đắc ý cũng như khi phẫn chí, Nguyễn Công Trứ đã muốn: Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông.
Vách đá cheo leo nơi núi Hồng và tiếng thông reo trên thị xã Hồng Lĩnh hôm nay, đã xui tôi nhớ về một người sinh sau ngày mất của Nguyễn Công Trứ 55 năm (1913). Truyền hình Hà Tĩnh đã từng làm phim chân dung về ông, nên cũng có thể gọi ông là người đương thời, theo cách của VTV. Đó là ông Lê Như Quyến, một người trồng thông, đúng hơn là một người đến với nghề trồng thông ở núi Hồng. Cho núi Hồng cao lên những màu xanh.
Ông Quyến sinh quán ở Trung Lễ, Đức Thọ. Năm 2 tuổi thì cha mất. Ông nội cũng mất sớm. Cố nội vốn là một quan án sát tỉnh Quảng Trị cũng mất sớm khi còn tại chức. Ông Quyến được người bà con cho vào Quy Nhơn học hành. Hoạt động trong Hội Ái hữu và là cán bộ Tiền khởi nghĩa Quảng Bình. Từng làm Trưởng ty Thương binh Quảng Bình, Ty Thương binh Hà Tĩnh. Năm 1970, chuyển sang làm trưởng Ty Lâm nghiệp Hà Tĩnh. Việc đầu tiên của ông Quyến khi nhận nhiệm vụ Trưởng ty Lâm nghiệp là khẩn trương kiện toàn tổ chức. Tháng giêng nhận công tác thì tới tháng 3 ông đã tinh giảm bộ máy văn phòng Ty, từ 169 người xuống còn 79 người. Một việc làm cực khó, người cầm đầu phải quyết đoán lắm. Tiếp đến, ông còn làm một việc cũng rất ấn tượng; đó là đưa Văn phòng Ty ra đóng tại ngã ba Bãi Vọt, tức trung tâm thị xã Hồng Lĩnh bây giờ để tiện bề trồng rừng. Muốn trồng được thông thì phải ra Hồng Lĩnh!
Ai đã từng qua Bãi Vọt những năm 70 của thế kỷ trước, cái thời ông Quyến mang quân bản bộ đến cắm chốt, sẽ hiểu được thế nào là bản lĩnh, thế nào là quyết tâm của những con người muốn thể hiện ý chí của mình.
Một vùng mênh mông bên chân núi Hồng, Bãi Vọt trải ra như một khoảng lặng rợn người, rộng rênh. Một vùng cây vọt (có nơi còn gọi cây tiến) thứ lá nòi dương xỉ cứng quèo, thân cao chưa đầy vài ba gang, gọi cỏ không đúng mà cây càng sai. Thân tròn, to hơn tăm xe đạp chút xíu, trong ruột rỗng lại có lõi mềm như lõi cỏ lùng, bẻ ngang vỏ cây gãy chéo sắc nhọn, không cẩn thận, đâm vào tay chảy máu. Loại không phải cỏ mà chẳng phải cây này là chủ nhân thứ thiệt của ngã ba hoang sơ trên những lối mòn ngang dọc.
Ông Quyến ra Bãi Vọt lúc không còn trẻ nữa. Ông chỉ làm đến năm sáp nhập Nghệ Tĩnh (1976) thì về hưu. Trong khoảng thời gian gần 7 năm làm Trưởng ty Lâm nghiệp, ông đã phải mất nhiều thời gian cho việc học nghề trồng thông. Mà trồng thông trên núi đá Granit Hồng Lĩnh khó vô cùng. Công việc hàng ngày là lao động tay chân thực thụ. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ làm bầu, làm áo cho cây, đến tìm chủng phân hợp với cây thông. Nội một việc cỏn con như nhổ cỏ bầu cũng phải có quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.
Thế mà thành công có dễ đến đâu. Trong cuốn Hồi ký của mình, ông có lưu lại những bài nói, các công văn gửi các đơn vị trong tỉnh. Xin trích phần đầu phát biểu ở tổ chỉ đạo trồng cây thông tại Bãi Vọt (trong Hồi ký ông đánh dấu: văn bản số 03, tháng 11 năm 1972):
“Cũng do dốt nát của mình, và về mặt chỉ đạo thì thiếu quyết tâm, nên gần 2 năm tôi qua Lâm nghiệp với các đồng chí, tôi chưa gỡ ra manh mối về trồng cây thông nhựa! Trong khi đó tỉnh chúng ta có trên dưới 7 vạn ha đồi núi trọc, trơ sỏi đá từ 25 độ dốc trở lên. Nếu không trồng cây thông nhựa thì cũng chẳng biết trồng cây gì cho có kết quả..(…) Trước tình hình nầy, tôi và các đồng chí không chịu khoanh tay!..”
Nhận mình là dốt nát và chỉ đạo thiếu quyết tâm là cách nói nhún. Thực ra, ông và các cộng sự đã quyết liệt, đã một thời gắn bó với Hồng Lĩnh, với cây thông. Chả thế mà chỉ sau 4 năm lăn lộn với bao thất vọng rồi hy vọng, 10 ha thông thí điểm ở Suối Tiên, Thiên Tượng đã rủ bóng mặt hồ. Sau trồng thí điểm là trồng đại trà. Sau Hồng Lĩnh thông xanh là nhân rộng ra các Lâm trường trong tỉnh.
Từ những buổi chập chững ban đầu của ông (tháng 7/1971), đến ngày chúng tôi khởi quay những thước phim Người một thời với cây thông (năm 2000), Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã công nhận Hà Tĩnh có diện tích thông phủ xanh đồi núi chỉ đứng sau Đà Lạt! Khi xem, ông Quyến thích cảnh mình đang đứng cạnh một cây thông bên Suối Tiên hơn là cảnh ông đang ngồi viết Hồi ký, trên đầu là tấm Huân chương Độc Lập. Cũng như ông rất thú vị với trường đoạn, mấy anh em bác cháu trong ngày buốt giá, ra thắp hương tại nhà thờ của Uy viễn Tướng công. Trong phim, ông thành kính thưa với tiền nhân, rằng lớp hậu sinh đã trồng được trên Hồng Lĩnh một loài cây mà sinh thời Tướng công hằng ngưỡng mộ. Và thật sự chiều cao những cây thông ngày ấy đã nối thêm một một kích tấc của tiền nhân, của Hồng Lĩnh danh sơn.
Và rồi sau ông Quyến, tôi lại có dịp được biết thêm một người cũng từng gắn bó với núi Hồng, dẫu khi đạo diễn phim truyền thống của ngành, tôi đã không thể mời được ông Trần Quang Đạt, nguyên Chủ tịch tỉnh Nghệ Tĩnh trèo lên Thiên Tượng để đến đỉnh Vi ba, một nhỏn của núi Hồng mà truyền hình Nghệ Tĩnh đặt trạm tiếp phát. Căn bệnh thống phong đã không cho phép ông leo lên, dù chỉ dăm bậc đá con đường do ông trực tiếp chỉ đạo, khảo sát ngày nào. Cũng như ông là người đầu tiên đã lên kế hoạch cho Công ty vận tải quá cảnh C7 về đóng tại Bãi Vọt những ngày còn hoang vu. Ông Đạt cũng là người duyệt dự án cho xây Rạp Chiếu phim Hồng Lĩnh, khi nơi đây dân cư còn thưa thớt, trước ngày thị trấn Hồng Lĩnh ra đời. Nghĩa là trước ngày Hồng Lĩnh được chuyển lên thị xã còn rất lâu, dễ đến hàng chục năm.
Người dân Trung Lương trong trận lũ lịch sử năm 1978 đã không thể quên hình ảnh ông Đạt, đương kim Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, tự tay vơ cỏ để tìm ra dòng chảy rò giữa thân đê La giang, sát chân cống. Khi 2 tiểu đội trực chống lụt thay phiên nhau đào hố thăm dò xong, thì đích thân ông Phó Chủ tịch tỉnh nhảy xuống, tự mình khảo sát lưu lượng dòng chảy cũng như hướng chảy để xác định phương án đắp chặn ở đâu. Không phải ông không có người giúp việc, mà cái chính, ông là người thạo việc. Chưa có ai hơn ông trong việc tự mình tận tay tận mắt, từ buổi đầu khảo sát cho đến lúc thi công những công trình, những hồ đập, kênh mương trên đất Hà Tĩnh, rồi Nghệ Tĩnh. Và do vậy, ông sẽ là người nhảy xuống. Ông tin ông. Rồi dân tin ông. Trận lũ ấy cống Trung Lương không vỡ. Cả một vùng rộng lớn quanh Bãi Vọt thở phào.
Người dân Thuận Lộc hẳn chưa quên hình ảnh ông Chủ tịch tỉnh Trần Quang Đạt bao lần xắn quần lội bộ khảo sát để xây trạm bơm Lam Hồng. Cũng như họ đã quá quen với hình ảnh ông Đạt lội đồng ở Hồng Thuận, nơi bây giờ thị xã đang chuẩn bị xây công viên. Người ở đây đã gọi con đê này là Đê ông Đạt.
Bao nhiêu lần lại qua giữa vùng Bãi Vọt để ông Đạt và các đồng sự nhìn ra hướng mở đầy chất công nghiệp cho vùng đất này để năm 1981 thị trấn Hồng Lĩnh ra đời? Cho vóc dáng Hồng Lĩnh cao thêm! Chắc là nhiều người thị xã Hồng Lĩnh hôm nay biết.
Với núi Hồng, với thị xã Hồng Lĩnh, ông Đạt cũng đã có được dấu ấn của riêng mình. Ông như là công dân số một của thị trấn Hồng Lĩnh năm xưa, và sẽ là Cử tri danh dự cầm lá phiếu đầu tiên không số bầu cho Hồng Lĩnh đô thị loại 3 nay mai. Tôi hằng tin như vậy với tâm thế của người ngẩng trông Hồng Lĩnh để hiểu thêm núi Hồng ai đắp mà cao...
Cả ông Quyến và ông Đạt nay đã đi xa. Còn bao nhiêu người nữa, người trực tiếp, người gián tiếp trong 6 đơn vị hành chính đã đưa hết sức mình để xây nên một thị xã Hồng Lĩnh trong những năm gian khó. Sau 10 năm, 20 năm, rồi 30 năm, ai trong số những người đầu tiên của xí nghiệp Gạch, xí nghiệp Vận tải, Sửa chữa Ô tô, Cửa hàng ăn uống, Sành sứ gốm Cẩm Trang... còn ở với đất này? Và ai, trong số họ, trong lớp cán bộ chủ chốt của thị trấn rồi tiến lên thị xã đã làm vinh danh thêm ngọn núi Hồng mà sau vài năm nữa là đô thị loại 3 vẫn được mang tên núi?
Để núi Hồng, một biểu tượng của cả Xứ Nghệ cao thêm.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441463

Hôm nay

2180

Hôm qua

2283

Tuần này

21367

Tháng này

216637

Tháng qua

112676

Tất cả

114441463