Những góc nhìn Văn hoá

Hàm Anh: “khơi dậy những hạt mầm đã rơi vào cõi vô thức …”


Hàm Anh: Cảm ơn bạn đã đồng cảm sâu sắc với những lời thơ ấy của tôi. Tuy nhiên, phải thú thật là Mới và Lạ không phải là tiêu chí của tôi. Nếu ai đó chỉ ham tìm những vẻ mới lạ theo xu hướng thời thượng hiện nay, sẽ không để mắt tới Màu tự nhiên. Tôi không dám nhận mình là “lành nghề”. Tôi cũng không tin hễ cứ “lành nghề” là viết được thơ hay. Hơn nữa, với riêng tôi, làm thơ không phải là một nghề, tôi chỉ viết khi thực sự nhu cầu viết là một thôi thúc nội tại sống còn, ngoài ra tôi không thể viết vì bất cứ một lý do nào khác. Con đường đến với thơ của tôi ư? Tôi thực sự chưa nghĩ đến nó bao giờ. Tôi không thấy thơ là một điểm đến, mà hình như thơ chính là con đường, nó là những lối ta thơ thẩn một mình những lúc chả biết đi đâu giữa khu rừng đời sống này, chính xác hơn, nó là những bước chân mù lòa khi tôi chả biết mình là ai, nó là cái gương mà tôi phải tìm bằng được để soi thấy mình. Tôi nghĩ thơ có vẻ là lưu dấu ngôn ngữ của những tâm trạng ấy.

@ Màu tự nhiên đượm buồn, một nỗi buồn của người từng trải, đa cảm và đặc biệt nhạy cảm. Chị có thể chia sẻ với độc giả về một điều gì đã thôi thúc, ám ảnh hoặc gợi cho chị nhiều hứng thú không?

Hàm Anh: Người ta thường không tự biết được cái gì thực sự ám ảnh hoặc gợi cảm hứng cho mình, tôi nghĩ thế. Vì nếu biết thì chưa chắc nó đã gợi ám ảnh hoặc cảm hứng nữa. Nhưng tôi có thể bộc bạch thế này: khi tôi cảm thấy mình buộc phải cầm bút viết thường là lúc dường như trước mắt tôi có một cái gì đó lờ mờ trong sương mù, một cái gì tuyệt đẹp, thậm chí tới mức đáng sợ hay gây đau đớn, và tôi có mong muốn nắm bắt lấy nó, vẽ lên được hình hài của nó, gọi tên nó lên… Những lúc ấy tôi thường thấy mình như bóng tối đang dâng lên, như nước sông đang chảy xiết, như nước hồ đang ngạt thở giữa rừng, như con sâu đang lột xác hay như một người câm nghĩ rằng nếu bật được ra lời thì mình sẽ không chết. Còn những cảm giác ấy bắt nguồn từ ám ảnh gì thì quả thật là tôi không biết.

@ Bài thơ Màu tự nhiên được lấy làm tên chung cho toàn tập thơ đầu tay của chị. Tôi nghĩ, ở bài này, chị đã thành công trong việc tạo ra một thứ màu đầy tính biểu tượng. Thơ của chị giàu ý nghĩa biểu tượng. Đọc thơ chị có lẽ nên đi tìm cái ý nghĩa trượt bên ngoài ngôn từ thơ. Chị nghĩ sao về vấn đề này?Qua bài thơ Màu tự nhiên, chị muốn gửi tới độc giả thông điệp gì?

Hàm Anh: Trong thơ, có lẽ mọi thứ đều trở thành biểu tượng, cho dù ngôn ngữ có giản dị đến mấy. Màu tự nhiên tập hợp những bài thơ riêng tư mà đắn đo mãi tôi mới muốn chia sẻ với mọi người. Nó không có ý gửi một “thông điệp” nào theo cái ý mà các nhà phê bình hay nói tới. Tập thơ chỉ đơn giản là một món quà tôi tặng cho chính mình, và cho bạn đọc yêu thơ. Tôi vẫn có nhu cầu chia sẻ và muốn cảm thấy mình là một phần của cuộc sống lạ lùng này.

@ Tôi cũng cho rằng, tư duy nghệ thuật nói chung luôn có tính mơ hồ. Hình tượng thơ cũng cần có sự nhoè mờ cần thiết để độc giả  được thể nghiệm, được đồng sáng tạo. Không nên đòi hỏi ở thơ mọi thứ đều phải rõ ràng. Vì lẽ, đòi hỏi đó chẳng những thu hẹp ý nghĩa, giá trị của thơ mà còn phủ nhận lớp vô thức, tiềm thức trong hành động sáng tạo. Đành rằng vậy, nhưng tôi còn thấy, ở tập thơ của chị có dấu  ấn của cảm quan Phật giáo. Chị có thể cho độc giả biết thêm đôi nét về điều này chứ?

Hàm Anh: Ngày nhỏ tôi thích nhất là được đi lễ chùa với bà nội. Nếp chùa thanh tịnh u nhã với giếng chùa mát lạnh, những loài hoa dịu hương và thuần phác như lá - là những ký ức trong lành nhất của tuổi thơ tôi. Sau này, khi tập đọc rải rác lúc này lúc kia về Phật giáo tôi cảm thấy những triết lý nhà Phật giúp mình rất nhiều trong những quyết định và ứng xử ở đời sống hàng ngày.

@ Tôi thấy dọc suốt tập thơ, hình ảnh bóng tối, sự im lặng, với nhiều biến thể của nó trở đi trở lại nhiều lần. Chị có thể lí giải về điều này không?

Hàm Anh: Khi đọc lại những gì mình viết tôi cũng đã từng tự hỏi câu hỏi ấy. Và thú vị nghĩ rằng, đấy, không phải chỉ chính sự viết, mà là quá trình ngẫm ngợi lại những gì mình đã viết như con đường đi tìm bản thân, đi tìm hình tướng muôn mặt của đời sống, và khơi dậy những hạt mầm đã rơi vào cõi vô thức của mình. Trong Màu tự nhiên, bóng tối - sự chết - anh - sự sống là một tập hợp có liên kết với nhau, tráo đổi cho nhau, biến hóa từ nhau, và chúng mang "một vẻ đẹp buồn không tả nổi". Đối với tôi, bóng tối mang lại vẻ huyền diệu cho cuộc sống này. Và sự im lặng chính là “âm thanh cao nhất”.

@ Màu tự nhiên không ồn ào, gào thét, không gây sốc cho độc giả. Ngay ở tập thơ đầu tay này, chị đã có nhiều tìm tòi để phục hưng vẻ đẹp truyền thống của thơ. Tôi có cảm tưởng chị đã triệt để khai thác âm thanh của ngôn ngữ, hay đã đưa nhạc vào thơ. Bằng chứng rõ ràng ở chỗ: Màu tự nhiên giàu vần điệu, nhạc điệu đến mức gợi cho độc giả cảm giác chính các giai điệu đã sản sinh ra thơ, ra nhạc thơ. Có thể ví mỗi bài thơ trong tập Màu tự nhiên của chị với một bài hát vút lên từ cõi vô thức. Màu tự nhiên thêm một lần minh chứng cho mối tương giao giữa thi ca với âm nhạc, đồng thời cũng cho thấy chị đang đi tìm bản thể đích thực của mình. Viết - ở chị- trở thành một nhu cầu giải thoát, một sự đi tìm cho mình một gương mặt, một số phận, một điệu hồn. Màu tự nhiên có màu sắc của ảo ảnh, có tiếng nói của vô thức, của sự mường tượng.
Thưa chị, mỗi khi cầm bút, chị có nghĩ rằng mình phải đổi mới thơ ca một cách quyết liệt không? Chị quan niệm ra sao về đổi mới thơ ca, đổi mới thơ ca bắt đầu từ đâu?

Hàm Anh: Những nhận xét ưu ái của bạn chứng tỏ bạn nằm trong số những bạn đọc yêu quí thơ tôi. Tôi nghĩ rằng tạng thơ nào thì cũng có người đọc riêng của mình. Tôi chưa bao giờ thử nghĩ xem mình là một “cây bút” trẻ hay già. Chắc nếu nghĩ mình là một “cây bút” thì phải là người làm thơ khá chuyên nghiệp rồi, mà tôi thì vẫn ngại ngần khi có ai đó gọi mình là nhà thơ, vì rất có thể Màu tự nhiên sẽ là tập thơ đầu tiên và duy nhất của tôi thì sao? Tôi cũng chả bao giờ nghĩ mình cần phải và đang vượt lên hay tụt hậu. Cuộc chạy đua ấy chỉ có trong thị trường nghệ thuật và giới phê bình thời thượng thôi, chứ không nên và không thể có trong tâm lý sáng tác. Nghệ thuật không có ‘tiến bộ’ theo nghĩa vẫn dùng cho lĩnh vực phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội. Tôi không bao giờ có ý định phải ‘đổi mới thơ một cách quyết liệt’ theo nghĩa thông dụng của câu nói đã thành như khẩu hiệu này. Nhưng nếu phải nói chuyện đổi mới thơ thì tôi tin rằng nó phải bắt đầu từ bản thể của người làm thơ và cả người đọc và yêu thơ nữa. Nói ‘mọi chủ đề đều cũ cả rồi, muôn đời như vậy, cái cần làm là diễn đạt chúng khác lạ đi thôi thì có khác gì kết án mọi cung bậc của cuộc đời đều đã thành cũ rích, và việc còn lại là thay áo quần thời thượng cho chúng mà thôi”. Câu nói ấy chỉ có thể đúng trong lĩnh vực kỹ xảo, mà có vẻ phần lớn các nỗ lực đổi mới thơ và các loại hình nghệ thuật khác hiện đều đi theo hướng này. Tôi nghĩ đó là sai lầm, là bế tắc xuất phát từ một thượng tầng kiến trúc nghèo nàn vay mượn. Đổi mới thơ phải bắt đầu từ cái thượng tầng kiến trúc ấy. Và từ mỗi cá nhân người viết và người đọc.

@ “Màu tự nhiên” vận dụng, khai thác nhiều yếu tố hình thức để tạo ra một chuỗi lời biểu ý hàm súc, tinh tế và nhiều sức gợi. Chắc hẳn, những năm tháng học ở trường viết văn M.Gorki chị đã được trang bị một hệ thống lí thuyết về thơ ca, và về lịch sử phát triển của thể loại này? Chị có thể chia sẻ với độc giả một vài kỉ niệm hoặc bài học về sự sáng tạo không?

Hàm Anh: Ở trường Văn học Goocki tôi học khoa Dịch thuật chứ không phải khoa Sáng tác. Và đúng là tôi đã có điều kiện kinh qua những môi trường “chuyên nghiệp” nhưng phải nói rằng tôi chưa bao giờ học hành cho đến nơi đến chốn, tôi thấy xấu hổ về điều này và đang cố gắng tìm hiểu học hỏi thêm. Tôi cũng  từng may mắn có được những người thầy lớn, thầy Marian Tkachov - người đã dạy cho tôi tính nghiêm túc, cẩn thận trong công việc sáng tạo, thầy Phạm Vĩnh Cư - người đã nhìn thấy tôi khi còn là một cô bé tập tành làm thơ rất rụt rè, ngốc nghếch và đã tạo cho tôi một cơ hội để mở mang đầu óc và theo đuổi thiên hướng của mình; những bạn sinh viên Nga và quốc tế, những người yêu và làm nghệ thuật mà tôi may mắn quen biết, những kỉ niệm với họ đã hé mở cho tôi thấy nỗi sợ hãi và gian khổ của từng cá nhân khi đối diện với chính mình để tìm về bản thể chân thực giản dị nhất, sao cho mỗi vần thơ, mỗi con chữ, đều là máu thịt đích thực, tự nhiên nhất của mình.

@ “Màu tự nhiên” trong trẻo ở chỗ, người viết không chủ chủ đích làm thơ, không gò gẫm tạo ra các câu nhịp. Chị viết để ghi lại suy nghĩ, cảm xúc đang trôi chảy trong lòng mình. Vẻ đẹp của thơ chị, do vậy, trước hết hiển lộ ra ở cái màu tự nhiên, chân thành. Đọc lại tập Màu tự nhiên - chị thấy “ưng ý” nhất bài thơ nào? Xin chị cho độc giả biết rõ thêm về hoàn cảnh sáng tác và dự đồ sáng tạo bài thơ ấy?
Hàm Anh: Tôi có thể hỏi ngược lại bạn ở câu hỏi này không? Bao giờ tôi cũng thấy thích thú khi được biết bạn đọc tâm đắc với bài thơ nào của tôi. Tôi thường nghĩ: một bài thơ khi đã được in ra cho người khác đọc cũng giống như một đứa con đã đến tuổi trưởng thành, từ nay nó đã có một số phận riêng, có một đời sống riêng không hoàn toàn thuộc về sự bảo bọc của tôi nữa - vì thế mà tôi muốn biết nó sống ra sao với mọi người. Bạn đọc thơ tôi xin đừng quá quan tâm đến hoàn cảnh ra đời của nó, nó là một món quà tôi dâng tặng, xin hãy để nó “rơi trong lòng”… Còn dự đồ sáng tạo của một bài thơ ư? Đôi khi cái dự đồ ấy từ câu đầu đến câu cuối đã khác lệch nhau mất rồi!

@
“Màu tự nhiên” trở về với vẻ đẹp truyền thống của thi ca, nhưng không sáo mòn. Thơ của chị lạ, mới nhưng không đến nỗi khó hiểu, bí ẩn, hoặc diêm dúa - một lối thơ vốn đang thành “hiện tượng” trên thi đàn. Thưa chị, từ những ngày đầu cầm bút, chị chịu ảnh hưởng từ ai? Và về mặt nào? Nghe nói chị chịu ảnh hưởng thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa?

Hàm Anh: Nhà thơ Trần Đăng Khoa là bậc đàn anh, học trước tôi mấy khóa. Cũng giống như nhiều trẻ em yêu thích và tập làm thơ, những vần thơ của anh Khoa là nguồn gợi mở và khuyến khích tôi rất nhiều khi còn nhỏ. Sau này, khi có dịp được đào tạo cùng trường, tôi đã học được ở anh Khoa nhiều điều và từ những học hỏi ấy tôi dần dần biết rằng cái “chất” của tôi và của anh là khác nhau. Nhưng rõ ràng anh Khoa đối với tôi vừa là một người bạn vừa là một người thầy. Anh Khoa là một người kín đáo, ưa giễu nhại nhưng tôi tin rằng anh là một người say mê và nghiêm túc trong việc viết. Tập thơ Màu tự nhiên đã được anh đọc kỹ, cổ vũ và góp ý rất chân tình trước khi đưa cho nhà xuất bản.

@ Trân trọng cảm ơn chị!

HÀ THANH VÂN (thực hiện)
Nguồn: lethieunhon.com
 
 
 
VỀ ANH 1
 
Anh ở đây
trên da thịt em
từng-mi-li-mét
nghi lễ của chăn -
- hang động thời tiền sử
ngọn lửa bàn tay
nơi ánh sáng hòa cùng bóng tối
không ranh giới đêm ngày
ngộ - mê.
 
Không có nghĩa là anh không ở ngoài kia
lái máy bay trên lục địa Đen,
phát cỏ hoang tìm
dấu ngôi nhà cha mẹ xưa trên núi,
đổ màu ra
cho cạn dòng ẩn ức
vẫy vùng cùng tự do và
chết
 
Chiều nay
em biết anh là suối nắng trong lòng tay...
 
 
VỀ ANH 2
Đêm.
nhẹ và rỗng
những tiếng xe ầm ì xa xôi
như biển cả đơn độc
và giống nhau ở tất cả mọi nơi
Boston, Moscow , Paris hay Hà Nội -
Có phải bóng tối trả lại bản chất cho thế giới này
ánh sáng chỉ phơi bày bề mặt?
có phải im ắng là âm thanh cao nhất
chứa chất, báo hiệu?
Có phải anh là tiềm thức của em
trong cơn mơ trỗi dậy?
 
SƯƠNG
 
Tôi vẽ lên trong không gian
một bóng hình tri kỷ
        lặng lẽ
            ngồi xuống bên nhau...
 
cho tới khi cả tôi cũng biến thành sương giá
                    trên vai người đi câu...
 
NHỚ
 
Em nhớ anh
như nhớ linh hồn mình một hôm vắng nắng bỏ chơi xa...
để lại thân xác này ngơ ngác!
 
Em kêu anh
như tiếng con nai tác
vọng qua triền đồi mơ...
 
Em tha thiết anh, tha thiết, tha thiết
như xóm nhỏ vườn chiều chân núi tỏa hương mưa...
 
HUYỀN DIỆU
 
Nhìn xem
con ếch xanh
biến thành chiếc lá
còn đọng lại hai giọt mắt to
nơi góc vườn ẩm ướt
mưa…

NGÀY MƯA
 
Em nằm xuống anh
huyệt mộ của mình
cái chết được mong chờ
cái chết không tránh khỏi
anh là chốn cuối
bao bọc lấy em
không bỏ em một mình
trong bóng tối
ngày mưa
em sẽ không vẫy vùng
không khóc than
nằm ngoan như thỏ
hãy phủ đất lên người em đi
mưa... đi...
 
AN ỦI
 
Chỉ là những bài thơ thôi
chỉ là những máu thịt thôi
em sẽ thành hình hài trong bóng tối
anh sẽ thổi vào em một linh hồn ngời ngợi
mình sẽ thành một đôi trẻ hài đồng
qua cơn mưa đêm hấp hối
hiên nhà một ổ chim ban mai.
 
SÔNG, CỎ, LỬA VÀ TRĂNG
 
Nhớ
như là sông
trôi chảy trong lòng
 
Yêu
như là cỏ
xanh ngút đơn thuần
 
như là lửa
chạm vào cái gì cũng sáng
 
Đau
như là trăng
thanh thản.
 
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558159

Hôm nay

2141

Hôm qua

2379

Tuần này

21718

Tháng này

225702

Tháng qua

122920

Tất cả

114558159