Bên cạnh đó thì quá trình dựng nước – sự khai khẩn, tích hợp, phân khai rồi lại hợp nhất ... để có được một quy mô đất nước như ngày nay hầu như chưa được khảo cứu, bàn giải đến rốt ráo triệt để. Có những sự kiện đã được sử sách xưa ghi chép, nhưng quả thực đối với chúng ta ngày nay cũng không hẳn đã dễ hình dung, hoặc hiểu thấu tường tận. Chẳng hạn sự kiện vua Chiêm Chế Mân đem hai châu Ô, Lý làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân, để biên giới nước Đại Việt đời Trần được kéo dài đến Thuận Hoá. Sử sách ghi lại sự “sáp nhập” nhưng quá trình hoà nhập lại rất ít tài liệu. Biết rằng nhà Trần từng đã cử quan chức vào điều hành công việc, năm 1353 Trương Hán Siêu, là một trong số đó, “được cử lĩnh các quân Thần sách đi trấn Hoá Châu”. Bài thơ Làm ở Hoá Châu (Hoá Châu tác) là một bằng chứng văn chương về sự có mặt của ông ở nơi biên trấn xa cách Kinh thành đến mấy ngàn dặm ấy:
Ngọc kinh hồi thủ ngũ vân thâm,
Linh lạc tàn sinh khổ bất câm.
Dĩ niệm hoang giao mai bệnh cốt,
Hải thiên thảo mộc cộng sầu ngâm.
Hoa Bằng dịch:
Ngoảnh lại năm mây phủ đế đô,
Hồn tàn khôn xiết khổ bơ vơ.
Thôi đành cõi rậm vùi xương bệnh,
Cây cỏ chung sầu cũng hoạ thơ(2).
Cứ như nội dung bài thơ thì cho đến giữa thế kỷ XIV, mảnh đất này vẫn còn hoang rậm lắm; những người đi trấn thủ ở đây gần như bị “đi đầy” – gian khổ, tật bệnh và cô quạnh. Trương Hán Siêu cũng đã mất trên đường về trở về sau khi món nhiệm.
Nhưng rồi sau đó các vua Chiêm Thành lại nhiều lần đánh nới ra, có lần đến tận Thăng Long. Dường như phải đến sau các cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông, mảnh đất này (đã bao gồm thêm Quảng Nam) mới thực sự trở thành một gắn kết hữu cơ, và ngày càng thịnh đạt lên, nhất là từ sau khi có sự trấn trị của Nguyễn Hoàng (từ năm 1558). Lê Quý Đôn nhận xét về Nguyễn Hoàng và đời sống của miền dân cư đó như sau:
“...Nguyễn Hoàng thi hành chính sự một cách khoan dung hoà nhã, tiết chế quân đội rất nghiêm minh và kính cẩn, cho nên quân đội cũng như nhân dân hai xứ đều thân yêu tin phục. Hằng năm, cho chuyển vận thuế khoá ra giúp cho quân đội và nhà nước, triều đình được nhờ rất nhiều.” (Phủ biên tạp lục. Q.I )
Thế nhưng cùng với sự thịnh đạt, lần nữa Thuận Hoá lại có xu hướng tách ra. Ngoài biên giới tự nhiên sông Gianh, lại có thêm Luỹ Thầy nhân tạo, các chúa Nguyễn dần dần khẳng định ý tưởng lập giang sơn riêng, để thành “một nước”. Công cuộc “ly khai” nhùng nhằng đến gần hai trăm năm, từ 1600 Nguyễn Hoàng tự động bỏ về Thuận Hoá đến 1774, chúa Trịnh Sâm thân chinh “bình Nam”. Trong lịch sử đây là một chiến dịch quy mô, có tác động to lớn đến lịch sử dựng nước của dân tộc. Chính Trịnh Sâm đã chỉ đạo ghi lại cuộc “Nam chinh” này trong cuốn Bình Nam thực lục. Đọc những ghi chép của chính người chiến thắng, cùng mấy bộ sử sách sau đó như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của triều Nguyễn, chỳng tôi có mấy điều cảm nghĩ, xin trình bày dưới đây.
1. Cuộc Bình Nam của chúa Trịnh Sâm phải chăng là một tất yếu của quy luật diễn tiến lịch sử?
Các bộ sử trước đây đều coi nguyên nhân của tình trạng “Nam Bắc phân tranh” là do sự “phản bội” của các chúa Nguyễn, đặc biệt là từ Nguyễn Phúc Nguyên đến Nguyễn Phúc Khoát. Đúng là những nhân vật quan trọng thường tác động đến cục diện lịch sử, nhưng dẫu sao cũng không thể không tính đến xu thế của thực tiễn. Ba câu sấm tương truyền là của Trạng Trình khuyên chúa Trịnh, chúa Nguyễn và con cháu nhà Mạc, dù là lời tiên tri của Trạng Trình hay chỉ là sự đúc kết khi thế cục đã thành của người đời sau giả thác danh nghĩa Trạng, thì cũng đáng xem là một nhận định Minh Triết. Chúa Trịnh chưa đủ sức diệt tận gốc nhà Mạc, còn giữa Trịnh và Nguyễn thì, Nguyễn Hoàng là một người tài đức, sử sách đều nhận định như thế, Trịnh Tùng cũng là một nhân vật tài năng hiếm có. Trong thể chế phong kiến, một triều đình Lê Trung Hưmg chật chội khó có điều kiện để một lần nữa tạo được phong khí đồng tâm hiệp lực như giữa hai tướng tài văn võ Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải triều Trần. Và khi đã mỗi người một dinh cơ, có núi sông ngăn cách, quan niệm, chủ kiến, mưu lược khác nhau, thế và lực cũng ngang nhau thì cái xu thế ly tâm, muốn tự mình làm chủ – cát cứ - nảy sinh cũng có thể xem là đương nhiên. Xu thế giằng co ấy đã kéo dài hơn 150 năm. Đàng Trong và Đàng Ngoài đã đi qua thời kỳ thịnh đạt và dần dần suy thoái. Khoảng từ giữa thế kỷ XVIII, Đàng Ngoài bắt đầu loạn lạc, về sau các cuộc nổi dậy càng mạnh, có lúc lòng người chán nản đến nỗi chờ mong một sự đổi thay, còn Đàng Trong thì chúa nhỏ tài mọn, quyền thần lộng hành, xa xỉ, lòng người cũng ly tán. “Một nước” Tây Sơn đã có điều kiện hình thành, đang lớn mạnh. Nhưng Đàng Ngoài, các chúa Trịnh còn chèo lái được con thuyền đất nước. Trịnh Sâm nối tiếp Trịnh Doanh đã dẹp xong các cuộc nổi dậy, rất muốn thu giang sơn, quyền bính về một mối. Và khi Đàng Trong, chính quyền suy yếu thì đó là một cơ hội rất thuận lợi. Bùi Thế Đạt, Trấn thủ Nghệ An đã nhận định về tình hình ấy như sau:
“Hiện thời tình hình Quảng Nam rối loạn. Triều đình đã bình định xong Hưng Hoá (chỉ cuộc nổi dậy của Hoàng Công Chất), khắc phục được Trấn Ninh (nói về cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật), quốc đô chúng ta rất phồn thịnh. Nay Vương thượng đã soi tỏ, biết họ Nguyễn đến hồi suy vi hèn yếu. Cơ hội hiếm hoi này không nên bỏ qua”. (Bình Nam thực lục)
Nhưng không phải chỉ có các tập đoàn phong kiến cầm quyền muốn thôn tính lẫn nhau mà người dân, dường như ngoài sự chán ghét tệ tham nhũng hà khắc của Trương Phúc Loan, cũng đã chán tình trạng chia cắt cấm chợ ngăn sông. Non sông một dải, buôn bán thông thương, giao lưu họ mạc, thăm viếng cố hương, luật lệ thuế khoá, thi cử học hành thống nhất,..., một đất nước yên bình, một nền chính trị nhân ái, cơ hội cho những tài năng phát triển và người dân yên ổn làm ăn, đó là hy vọng, ước muốn chung. Xu thế đó lý giải hiện tượng dân phía nam sông Ranh quan sát cuộc tiến quân của quân Trịnh với một tâm lý thấp thỏm hy vọng: “hỏi quan quân ngày nào thì qua sông để cứu vớt trăm họ?”, “Cư dân trong luỹ (Bỉnh Sơn, Trung Sơn ở Thận Hoá) ngày ngày trông ngóng quan quân” và họ đã “vô cùng vui vẻ” sửa đường làm cầu cho quân Bắc qua sông... Khi quân của Việp Quận công vào đến thôn Ái Tử, “một lão thư sinh là Trần Duy Trung đã ngăn đường hiến một bài thơ mừng”:
Lâm phong chỉnh chỉnh hướng Nam kỳ,
Hạp cảnh mao nghê uỷ sở ty (tư).
Bát thế yếm văn Tần pháp lệnh,
Bách niên phục kiến Hán uy nghi.
Cùng tuyền đống trấp oanh lôi dạ,
Mãn địa cao miêu đắc vũ thì.
Nguyện chỉ Phú Xuân thôi tiến phát,
Binh cơ quý tốc bất nghi trì.
Dịch nghĩa:
Ngọn cờ đi về hướng Nam uy nghi trước gió,
Thấy cờ xí quân nhà vua, người dân trong cõi thoả nỗi mong chờ.
Trải tám đời, dân đã chán nghe pháp lệnh hà khắc nhà Tần,
Qua hàng trăm năm lại được thấy uy nghi nhà Hán.
Nơi suối cạn, loài trùng ngủ đông nghe tiếng sấm đêm mà dậy,
Khắp mặt đất, lúa mạ khô héo gặp mưa kịp thời.
Mong quân vua chỉ thẳng Phú Xuân mà giục giã tiến,
Việc quân quý ở thần tốc, không nên trễ tràng.
Và ngày đầu quân Triều đình qua sông đã có thể xem là “ngày hội” của dân bờ Nam:
“Lúc đầu quân Nguyễn ở bờ Nam Đại Linh Giang đặt đồn thú liên lạc cẩn mật. Cứ mỗi đồn khi cảnh báo thì phát ba tiếng “phần hoả đài’, luân chuyển đến Luỹ Thày. Đến nay Đại quân vượt sông, thấy ven bờ sông êm ắng không một tiếng báo hiệu. Thế rồi quân Nguyễn nhanh chóng đầu hàng. Nhân dân tranh nhau đem trâu gạo đến chào mừng. Việp Quận công khen ngợi, thăm hỏi người tật khổ. Họ đều có ý oán Trương Phúc Loan. Việp Quận phát hịch kể tội Phúc Loan, tuyên bố ý “vì dân trừ bạo” của Triều đình...Mọi người không ai không khoái chí”. (Bình Nam... Sđd )
Như vậy nên chăng có thể nói yêu cầu nhất thống, dù là Hoàng Lê hay An Nam, đến thời điểm bấy giờ đã thành một xu thế lịch sử, là ước vọng của người dân mà những nhân vật chèo lái quốc gia, ai đáp ứng được sở nguyện của dân, theo được xu thế lịch sử đều gặt hái được ít nhiều thành công. Và nếu thế trong công cuộc “nhất thống”, chúa Trịnh Sâm đã bước được một bước khởi đầu?
2. Bình Nam là một chiến dịch lớn – Thành quả và hệ quả.
Thành quả của công cuộc bình Nam là một chiến công. Nhà Lê đã khôi phục lại được phần đất lâu nay thực chất đã bị tách ra “làm nước riêng ”của một “họ”; bờ cõi xưa đã “liền một dải”. Trong hai thế lực “thù địch” của nhà Trịnh mà cũng là hai thế lực chia quyền với triều đình Trung ương thì một (Nguyễn Phúc Thuần) có thể coi như đã bị dạt ra ngoài cõi, còn một (Nguyễn Nhạc) cũng đã chịu thần phục, cộng tác. Chính quyền Trung ương đã có thể lại đặt các quan trấn trị, thi hành các thể chế một cách bài bản, nhất thống với Đàng Ngoài. Triều đình thêm đất thêm dân, thêm thuế khoá, được hưởng những thành tựu kinh tế, văn hoá khá rực rỡ, công sức khai phá từ thời Trần mà giai đoạn các chúa Nguyễn là quan trọng. Triều đình Trung ương mạnh lên, người ta hy vọng đất nước sẽ đến thời thịnh trị. Thế nhưng bên cạnh đó, cuộc Nam chinh cũng để lại không ít hệ quả nặng nề.
Trước hết Bình Nam là một chiến dịch lớn. Chúa Trịnh Sâm đã phải huy động vào đây một nguồn nhân lực vật lực khổng lồ. Hầu hết các nhân tài của Bắc Hà đều được giao nhiệm vụ phục vụ chiến dịch. Tổng chỉ huy là vị tướng có tài Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc. Và ngay đợt đầu ra quân đã huy động đến 23 doanh cơ đội quan binh (mỗi cơ 500 người), số quân lên tới 11.500 người cùng 23 vị chỉ huy phẩm trật đều từ tước hầu trở lên, trong đó có những tên tuổi rất quen thuộc, như Thạc Vũ hầu Hoàng Phùng Cơ, Khôi Vũ hầu Ngô Trác Oánh...Riêng trận ngày 17 tháng 10 Việp Quận công đưa quân qua sông Gianh đã dùng đến 35 thớt voi chiến, 700 thuyền bè lớn nhỏ, gồm 14.400 quân và hơn một vạn nghĩa chiến binh khuân vác. Tiếp theo là đợt “đặc sai”, Phan Trọng Phiên, Uông Sĩ Điển cũng lên đường; đến khi chúa Trịnh Sâm chính thức xuất quân thì số người hỗ tòng càng đông đảo và rất nhiều nhân vật quan trọng, nhiều vị phẩm tước hàng Quận công, như Thiều Quận công Vũ Huy Đĩnh, Đang Trung hầu Bùi Thế Toại, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Tôn Quận công Trương Khuông, ... Lê Quý Đôn, Nguyễn Hoãn, Nguyễn Đình Huấn, Nguyễn Đính thì ở lại giữ phủ điều hành mọi việc, có cả nhiệm vụ lo lương thực. Nhiều người khác như Đoàn Nguyễn Thục, Nguyễn Đình Diễn được giao việc vận lương và cung cấp lương. Về tiền thì “dự trù ban một vạn lạng bạc, ba vạn quan (hôn) tiền, 500 vạn bát lúa, và nhiều sắc lệnh, bài giản kim ngân”. Trịnh Sâm còn viết thư tay cho Việp Quận công dụ: “Để mưu việc lớn không lo tiểu phí. Cho phép ngân tử dùng hết lại cấp thêm, chớ ngại!”
Về lương thực thì qua Bình Nam thực lục có thể thấy khối lượng lúa gạo được huy động đáng phải kinh ngạc. Ngoài 500 vạn bát lúa ban đầu, chưa biết tổng số lúa gạo huy động là bao nhiêu, nhưng chỉ riêng ba đợt trong tháng 11 năm Giáp Ngọ (1774) con số đã rất lớn:
- Ngày 12 tháng 11 “Lệnh cho lấy 70 vạn bát thóc ở kho Vị Hoàng và mua hơn 500 vạn bát giã thành gạo chở tới lương trường Hà Trung. Lại lệnh cho quan bốn trấn mua thêm lúa gạo nạp cho quan điều lương”.
- Ngày 13 tháng 11 lại “Mệnh cho Thiều Quận công mua 30 vạn bát gạo”.
- Ngày 18 tháng 11 mua lúa ở Sơn Nam xay được 50 vạn bát gạo, Kinh Bắc 20 vạn, Hải Dương 40 vạn.
- Ngoài ra còn thêm số lúa thu được của chúa Nguyễn là 76 gian ở kho An Trạch, 33 gian ở kho Thạch Hãn.
- Bên cạnh gạo là muối. Cũng trong tháng 11 đã thu được 14 kho muối ở An Trạch và còn phát thêm 4000 quan để mua muối phát cho quân sĩ ...
Số ngân bài, kim bài chuẩn bị trước giao cho Hoàng Ngũ Phúc để khen thưởng khi quân đánh vào Phú Xuân là 1650 thẻ, trong đó có 50 thẻ bài vàng...
Còn nhiều con số khác về cuộc Nam chinh này được ghi trong Bình Nam thực lục, nhưng xin lược qua mấy nét chính. Chiến dịch kéo dài gần ba năm, (tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774) bắt đầu xuất quân, tháng 4 năm Định Dậu (1777) tạm dừng “cho dân binh được nghỉ ngơi”), thực chất triều đình chỉ thu phục được đất Thuận Hoá. Ban đầu quân triều đình tiến đánh với một thế chẻ tre, chỉ mất 3 tháng là bình được Phú Xuân (tháng 10 Giáp Ngọ qua sông Gianh, tháng Giêng Ất Mùi đã vào thành ăn tết). Tiếp đó tháng Tư năm Bính Thân (1776) quân triều đình lại có một trận thắng khá lớn ở Thác Bầu, khiến cho Nguyễn Nhạc núng thế phải “xin hàng”, nộp ba phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên và tình nguyện làm Tướng đi đánh Nguyễn Phúc Thuần ở Gia Định. Do vậy con đường từ Sơn Nam đến Thuận Quảng hải thuyền được lưu thông; tháng 6 Nguyễn Hữu Chỉnh đem sắc lệnh, ấn kiếm, cờ trống, áo mũ đến Trại Tây Sơn ban cho Nguyễn Nhạc, phong làm Tráng tiết Tướng quân Tây Sơn Hiệu tướng, tháng 7 Nguyễn Nhạc dâng khải trần tạ. Tuy nhiên sau đó quân triều đình không thể tiếp tục tiến sâu vào phía trong. Bắt đầu từ tháng 7, quân Bắc Hà “Tướng sĩ mệt mỏi khá lâu, thêm vào đó là địa khí nóng bức, tật bệnh hoành hành”, số quân ốm đau cảm nhiễm, thường lên đến vài trăm, có trận chỉ trên đường đi đã ốm đến 3000 người và trong số đó chết đến 600 người! Quân lính không còn sức chiến đấu, ngày 24 tháng 10 (1776) chủ tướng Việp Quận công phải dâng khải xin hưu binh. Lời Khải viết:
“Mối lo về thiên hạ không gì hơn là sức khoẻ không đủ để gượng làm. Trộm nghĩ mối thù nối đời với họ Nguyễn nếu trời cho thêm năm tháng để đãng bình Thuận Hoá thì đủ để rửa sạch mối hận của tổ tông. Nay quân sĩ đau ốm lâu ngày, lương thực vận chuyển chậm trễ, đi hay ở đều khổ. Vậy nên xin đặt Quảng Nam ra ngoài để sau này định liệu. Tạm chọn sai quân trấn giữ, trù tính để lại số quân cần cho việc trấn giữ Thuận Hoá, còn dân binh đi phục dịch thì cho về, cho thiên hạ được nghỉ ngơi, chờ một vài năm sau lòng người Thuận Hoá đã ổn định, tài lực dồi dào hãy tính đến Quảng Nam, như vậy mới dễ dàng thủ thắng”. (Sđd)
Như vậy từ tháng 10 (ÂL, 1776) triều đình đã lui quân. Trong chặng tiến đánh Quảng Nam quân Trịnh tổn thất khá nhiều. Chủ tướng Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Thiều Quận công Phạm Huy Đĩnh đều lần lượt “nhiễm cảm nặng, thân thể gầy yếu”, cuối cùng Thiều Quận công mất ở Thuận Hoá, Xuân Quận công được đưa về chữa bệnh, đến quê nhà thì mất, Việp Quận công trên đường về, mất trên thuyền ở Vĩnh Dinh! Sau đó, Nguyễn Nhạc biết được tình thế quân triều đình đã “sai người ra giữ” dinh Quảng Nam, xưng vương, xây dựng thành Đồ Bàn đặt quan chức theo như quy chế cũ của họ Nguyễn, rồi sai người “cầu phong”... Thực chất chúa Trịnh lại có một đối thủ mới.
Bình Nam thắng lợi, là một bước chuẩn bị cho quá trình nhất thống, nhưng có thể nhận định rằng Bắc Hà kiệt quệ sau chiến dịch này. Trịnh Sâm đã có một số kế sách khoan giảm thời hậu chiến như xét công khen thưởng, thăng chức, bổ nhiệm, đưa thi hài quân sĩ về quê an táng, lập đàn tế tướng sĩ trận vong, miễn thuế, hoãn thuế, tha thuế một số vùng, trấn ..., nhưng sự hồi phục một đất nước đâu phải dễ dàng. Và do vậy, phải chăng cuộc Bình Nam đã để lại một số nhân tố dẫn đến những suy thoái tiếp theo (?), đến nỗi Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ sau đó mấy năm đã có thể nói với Nguyễn Huệ “Người tài Bắc Hà chỉ có một mình Chỉnh. Chỉnh đã đi rồi thì đó là một nước rỗng không”!
3. Con người – nhân cách – tài năng Trịnh Sâm nhìn qua công cuộc Bình Nam.
Trịnh Sâm nối nghiệp chúa cha Trịnh Doanh năm 1767; chỉ trong vòng 7, 8 năm, chúa đã lập được ba chiến công: Bình Hưng (1769), Bình Ninh (1770) và Bình Nam (1774-75). Hoàng Công Chất và Lê Duy Mật là hai thế lực rất mạnh, họ không phải là “giặc cỏ”, cũng chưa thể nói cuộc nổi dậy của họ không có lý tưởng, thậm chí là lý tưởng đúng đắn. Thế nhưng nội chiến và cát cứ là điều bất lợi cho sự phát triển của lịch sử dân tộc. Trịnh Sâm trong thế chính thống, cầm quân đánh dẹp cũng là chức phận, lý giải sự nên chăng của các sự kiện lịch sử này, người viếtbài nàychưa đủ điều kiện đi sâu, chỉ có thể qua đây nghĩ về một vài khía cạnh của tính cách vị chúa trẻ. Trước hết là sự tinh tường trong cách phát hiện tài năng và sử dụng tài năng của Trịnh Sâm. Chúa quả là có “con mắt xanh” khi đánh giá tài năng các bề tôi và đặc biệt là dám vượt qua nghi kỵ để sử dụng được các tài năng ấy. Hoàng Ngũ Phúc là một trường hợp như vậy. Nhiều cuốn sử đều ghi các câu chuyện có tính chất ám chỉ Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Đình Bảo sẽ xâm hại Trịnh Sâm, nào “Hoàng Ngũ Phúc có ý mưu toan làm sự trái phép”, nào các câu sấm “thảo nhất điền bát”, “nhất thỉ trục quần dương”(1)..., nhưng rốt cuộc Trịnh Sâm đã bỏ qua những lời đồn đại, vẫn tin tưởng giao cho hai chú cháu họ Hoàng những trọng trách lớn. Và họ đã không phụ lòng tin của chúa. Bình Nam thực lục ghi rằng lúc đầu bàn việc Nam chinh đình thần đều cho là khó, chỉ riêng Trịnh Sâm “độc đoán” và chúa đã quyết giao cho Hoàng Ngũ Phúc. Mặc dù về con người Hoàng Ngũ Phúc chắc có nhiều điều để bàn, nhưng riêng trong cuộc Nam chinh, quả ông là linh hồn của chiến dịch. Ông là vị tổng chỉ huy thật giỏi giang, toan tính chu đáo; ông mất chiến dịch hoàn toàn không thể tiếp tục, thậm chí thành quả của nó cũng không thể giữ vững. Đối với cha con Ngô Thì Nhậm cũng vậy. Vì một sự hiểu lầm nào đó Trịnh Sâm quyết định cách hết chức tước “đuổi về làm dân chịu sai dịch” người bề tôi tin thân của cha là Ngô Thì Sĩ, nhưng rồi chúa cũng nhận ra chỗ sai của mình, khởi phục, tin dùng, và chính Ngô Thì Sĩ đã có nhiều chính tích tốt, đã góp phần chỉnh lý thành công tác phẩm Bình Nam thực lục này. Riêng câu nói về Ngô Thì Nhậm có thể cho thấy bản lĩnh và sách lược dùng người rất bài bản của chúa: “Ta nuôi ngươi như nuôi tuấn mã. Tuấn mã hay đá hay cắn làm người ta ghét, nhưng chạy ngày ngàn dặm, không có người cầm cương giỏi thì không chạy hết sức. Còn loại ngựa tồi mặc người sai khiến, ai mà chẳng yêu, nhưng ăn no nằm chuồng, chỉ tốn rơm cỏ thôi” (Ngô Thì Nhậm – Văn trần tình cáo Tĩnh Vương).
Điều thứ hai có thể thấy ở Trịnh Sâm, đó là một vị chúa trẻ có chí hướng, năng động, có tài cầm quân và quyết đoán. Từ việc lựa chọn thời cơ đánh – dừng đến các kế sách huy động nhân tài vật lực, bảo đảm cung cấp cho chiến dịch, chiến thuật vừa đánh vừa dụ - đàm, động viên khen thưởng, đối nội đối ngoại, dân vận, địch vận ... đều rất chu đáo. Nếu không phải người thực sự có kiến thức dụng binh, có kinh nghiệm chiến trận chắc không thể kín kẽ đến như thế. Trịnh Sâm trong buổi lễ xuất quân dẫn “sáu sư” (15.000 người) Nam chinh, từ lễ cáo trời đất đến tuyên dụ tướng sĩ, tuyên bố 42 điều lệnh, rồi Ngự chu xuất phát, quân thuỷ quân bộ theo thứ tự tiến quân, hiệu lệnh nghiêm túc trước lầu Ngự Long ở Vọng Giang đã để lại một hình ảnh hào hùng. Tiếp đó, những cuộc tập “Ngô công sinh giác trận” ở Nghệ An, những cuộc thuyền ngự vào bến Liên Hồi, vượt cảng Trầm Hào đầy khó khăn gió mưa, nắng hạn và những cuộc làm việc với các tướng chỉ huy, đưa ra những dụ lệnh điều chỉnh kịp thời về lương thực về đường hướng chiến trận, những cuộc khao quân, uý lạo tướng sĩ...quả thật đều có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn. Hơn thế sự có mặt của chúa Trịnh Sâm theo bước tiến của đoàn quân cũng tạo nên một sức động viên lớn lao, một chỗ dựa tinh thần thực sự.
Ngoài ra cũng trong chuyến đi này Trịnh Sâm mới có cơ hội bộc lộ một khía cạnh khác trong tư chất ông – tư duy sâu sắc, nhạy cảm và tinh thần hào sảng. Điều đó được thể hiện ở những bài thơ mà Bình Nam thực lục đã ghi lại. Đó là lòng cảm thông với những con người mà vận mệnh nằm trong tay ông, là những cảm nghĩ hào hùng của ông về đất nước, thế thời và chút tình với cỏ cây sông núi.
Tứ thơ có lúc bột phát khi phải “xông pha mưa gió mà đi”, nhân đó cảm thông với nỗi khổ của quân sĩ: “Gió mưa như thế chư quân lặn lội gian khổ, ta vô cùng xót thương”:
Hành hồi cảng đạo dạ thiều thiều,
Lãnh khí xâm nhân đới vũ triều
Cam dịch sái hoà phi ngọc tiễn,
Hồng đào trợ thắng khích lan nhiêu.
Mại chinh dĩ hướng tam đông vãn,
Xu phó hà kham vạn lý diêu (dao).
Cố thử đồng bào tâm tự thiết,
Trắc nhiên bản ý bút nan miêu.
.Dịch nghĩa:
Đường cảng quanh co, đêm dài dằng dặc,
Khí lạnh thấm vào người mang theo cả mưa và nước triều.
Rượu ngọt tưới khí hoà ấm, tên ngọc vút bay,
Sóng lớn giúp chí hăng hái giục mái chèo lan đua lướt.
Cuộc chinh phạt xa này đã vào tháng cuối đông,
Theo đòi việc vua nào ngại đường xa vạn dặm.
Ngoái nhìn quân lính đồng bào lòng như được cứng rắn thêm,
Mà nỗi niềm thương cảm không bút nào miêu tả được.
Tứ thơ cũng bột phát trong khi trải rất nhiều vất vả nhọc nhằn mà lòng vẫn bình thản, vẫn cảm nhận được vẻ đẹp hào hùng của thiên nhiên đất trời cao rộng:
Hoành Sơn Nam vọng bạch vân hoành,
Vạn lý cần lao niệm tại hành.
Luỹ chướng hiểu tuỳ nhung đại(1) thấp,
Độ khê mộ trục chiến bào oanh.
Thiên biên đề nhạn tha hương tứ,
Hải ngoại phi điêu tráng sĩ tình.
Nhất đới khởi dung phân Vũ phục,
Ô Châu chỉ định hội triều thanh.
Dịch nghĩa:
Từ trên Hoành Sơn nhìn về Nam thấy mây trắng bay,
Vạn dặm vất vả, chỉ nghĩ về cuộc hành trình.
Buổi sớm đi theo đồn luỹ lớp lớp, nhung phục ẩm sì,
Buổi chiều lội theo khe suối, chiến bào vấn vít.
Tiếng nhạn kêu bên trời, gợi nỗi buồn tha hương,
Cánh chim cắt bay vút ngoài biển, tỏ ý tình tráng sĩ.
Đất nước một dải, há lẽ chia thành Kinh, ngoại như thời vua Vũ(2),
Đã định ngày Ô Châu sẽ trở về với giáo hoá tốt đẹp của triều đình.
Thu lại được đất Thuận Hoá, đó là một chiến công quan trọng, là quyết tâm của nhiều đời chúa Trịnh, rất đáng tự mãn. Nhưng ngay trên đỉnh cao của hào quang chiến thắng đó Trịnh Sâm lại là người biết “cảnh tỉnh”. Chúa có hai điều cảnh tỉnh. Một, sự thành bại là do con người chứ không thể chỉ dựa vào đất hiểm:
Tất cánh vô nhân khuynh đống cán,
Mạc khoa hữu hiểm thị kim thang.
Nghĩa là:
Rốt cuộc nếu không có người (giỏi), để trụ cột nghiêng đồ,
Thì đừng khoe khoang gì thành cao hào sâu kiên cố, hiểm trở!
Và hai, sự hưng vong của các triều đại xưa nay lại cũng phụ thuộc vào việc vua chúa có dùng được người tài, loại bỏ được người ngu hay không:
Tế suy kim cổ hưng vong tích,
Tổng tại hiền ngu dụng xả gian.
Nghĩa là:
Suy xét kỹ nguyên nhân hưng vong của các triều đại từ xưa đến nay,
Tóm lại đều không ra ngoài việc dùng được người hiền, loại bỏ người ngu.
Cho nên vì lẽ đó mà:
Phú Xuân dĩ thuộc ngã giang san,
Lẫm lẫm dư hoài thượng vị khoan
Nghĩa là:
Phú Xuân đã thuộc về giang sơn ta rồi,
Mà lòng vẫn canh cánh âu lo, chưa được thư nhàn.
Quả là qua Bình Nam thực lục Trịnh Sâm đã được bổ sung một chân dung khác với Hoàng Lê nhất thống chí - một Trịnh Sâm thời tráng niên mạnh mẽ, quyết đoán, giàu ý chí và sáng suốt.
4. Giá như lịch sử có thể đặt ra một chữ nếu - Thay lời kết.
Trong công cuộc bình Nam, các bức thư gửi cho Nguyễn Phúc Thuần, chúa Trịnh đều nêu lý do “vì thương xót” “quốc thích” mà giúp diệt trừ gian đảng, dẹp “loạn” Tây Sơn, để giang sơn một mối, đất nước thái bình thịnh trị. Nguyễn Phúc Thuần cũng khẳng định tình thân ái họ hàng Trịnh - Nguyễn, khẳng định mình chỉ là người bề tôi coi giữ biên cương; đến Nguyễn Nhạc cũng nói “nhiều lần xin được xưng thần nạp cống”, còn việc “kêu gọi thân hào cố hữu thừa cơ nắm lấy một phương” chỉ là vì “Nguyễn gia kỷ cương thất chính, quyền thần lộng hành” ..., ai cũng thừa nhận mình là bề tôi triều đình, thừa nhận đất nước là một. Nếu tất cả những tuyên ngôn ấy đều thực sự biểu hiện thiện chớ của mỗi bờn, các nhóm cầm quyền dù không thật thương yêu nhau, nhưng có thể hợp tác thực sự với nhau để xây dựng và bảo về đất nước, thì như vậy một nước Việt Nam hình thể chữ S đã có thể định hình từ thập niên tám mươi của thế kỷ XVIII. Và nếu có một hình thức nào đó để hội hợp đầy đủ các anh tài trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hoá, kinh tế ... với những Trịnh Sâm, Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Đình Bảo, Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, các nhà văn hoá Nguyễn Nghiễm, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Lê Hữu Trác, Nguyễn Huy Oánh, Ngô Thế Lân, Nguyễn Thiếp và lớp sau như Trần văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Thiều ... có thể kể đến hàng trăm nhân tài, để đồng lòng xây dựng đất nước thì biết đâu chúng ta đã chẳng có một giang sơn bề thế, thịnh đạt, một bước phát triển mới, khác hẳn thời kỳ đen tối mà lịch sử quen gọi là cuối Lê - đầu Nguyễn? Và nếu như thế hẳn cũng tránh được ba bốn mươi năm nội chiến, “huynh đệ tương tàn” đến nỗi người ngoài thừa cơ kéo quân vào âm mưu biến đất nước ta lần nữa thành quận huyện của họ. May mà âm mưu ấy không thành nhờ tài năng Nguyễn Huệ!
Nhưng chữ nếu thường cũng chỉ được nêu ra khi một cục diện nào đó đã hoàn tất. Và như vậy nó chẳng bao giờ là hiện thực, mà chỉ đem lại sự tiếc nuối. Tuy nhiên nó có thể là kinh nghiệm để cảnh tỉnh hậu thế. Có điều hậu thế có học được và có điều kiện để học hay không thì lại là chuyện khác.
Ô Đồng Lầm tháng tám năm Mậu Tý
(9 - 2008)
(1) Bình Nam thực lục, hiện được lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A. 1396, Bản tạm dịch của nhà Hán học Hồng Phi. Những trích dẫn trong bài chúng tôi đều theo tài liệu này.
(2) Bản dịch thơ của Hoa Bằng, Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, Quyển thượng, Nxb. Khoa học Xó hội, Hà Nội, 1989
(1) “Thảo nhất điền bát” là chiết tự chữ “Hoàng”, chỉ Hoàng Đình Bảo; “Nhất thỉ trục quần dương” (một lợn đuổi bầy dê) là nói Hoàng Đình Bảo (tuổi Hợi) sẽ áp đảo cha con Trịnh Sâm (bầy dê, vì Trịnh Sâm và Trịnh Tông đều tuổi Mùi)
(1) Nguyên chữ này trong bản photo rất mờ, chúng tôi tạm đoán và dịch như trên, chờ tra cứu thêm..
(2) Kinh, ngoại: nguyên văn là Vũ phục. Thời vua Vũ phục là nơi nằm ngoài Kinh kỳ, tức là vùng lệ thuộc, chịu ơn đức triều đình và chịu phụng sự vua; một vùng còn hoang sơ, chưa được thấm nhuần giáo hoá.