Những góc nhìn Văn hoá
Những chiều thời gian thơ
Thời gian như chuyến tốc hành
Mang theo lá đỏ và anh trở về
Tóc xanh vừa lỗi lời thề
Thoắt, thành mây trắng cuối hè bay ngang

Ngu ngơ chạm phải ao làng
Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay
Trái đất ơi! ngược vòng quay
Cho ta gặp lại cái ngày đầu tiên.
(Bài thơ thời gian - Lê Quốc Hán)
Lần đầu đọc Bài thơ thời gian của Lê Quốc Hán, tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi: Phải hiểu như thế nào về cái tên của bài thơ ấy? Đấy là bài thơ về thời gian hay là bài thơ của thời gian? Xem ra, đấy không đơn thuần chỉ là sự khác biệt về mặt từ ngữ. Bởi nếu hiểu là bài thơ viết về thời gian thì điều ấy sẽ gợi hình dung về tác phẩm như một sự miêu tả tương đối khách quan về những quy luật của thời gian (và rộng hơn là quy luật của cuộc đời). Như thế, thời gian là đối tượng bị nhà thơ chiếm lĩnh, nó bị động. Còn nếu hiểu đấy là bài thơ của thời gian thì vấn đề có lẽ sẽ khác hơn. Ở đây, thời gian đóng vai trò chủ thể, nó chủ động tạo lập bài thơ của chính mình bằng nhịp vận hành vĩnh cửu của sinh giới. Từ đây có thể hình dung thời gian như một thi sĩ - tác giả của bài thơ vũ trụ. Và như thế, phải chăng Bài thơ thời gian cũng chính là sự tự lên tiếng của thời gian?
Vậy là ngay từ cái tên, một cái tên tương đối giản dị, dường như vấn đề có vẻ đã trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên đó cũng mới chỉ là những suy đoán ban đầu. Dù sao thì với tôi, tiêu đề ấy cũng trở thành một sự chỉ dẫn, một sự gợi ý và nó đòi hỏi có thêm những luận chứng cụ thể từ trên văn bản bài thơ để có thể xác định câu trả lời.
Mở đầu bài thơ là một so sánh giản dị: “Thời gian như chuyến tốc hành”. Nó cho thấy khá rõ góc độ tiếp cận và chiếm lĩnh đối tượng của nhà thơ. Đấy là so sánh của một cái nhìn từ bên ngoài đối tượng, với mục đích khái quát nên những đặc điểm chung nhất, phổ quát nhất của nó. Thời gian gắn liền với sự chảy trôi không ngừng. “Chuyến tốc hành” đóng vai trò định tính, định lượng cho sự chảy trôi chóng mặt và không ngừng nghỉ ấy. Nói cách khác, thời gian ở đây không phải là thời gian vô thủy vô chung của vũ trụ mà là thời gian nhân sinh, nó được đo đếm bằng đơn vị đời người. Đấy là chuyến tàu tốc hành của đời người. Và đó là hành trình trở về của con người: “Thời gian như chuyến tốc hành/ Mang theo lá đỏ và anh trở về”. Hình ảnh “lá đỏ” được nối với “anh” bằng liên từ “và”, chúng là một cặp hình ảnh tương ứng, đồng hiện. Nếu “lá đỏ” là một dấu hiệu phôi pha rõ nét của thiên nhiên thì nó cũng là hình ảnh song trùng với “anh” - cái tôi nhà thơ trên hành trình trở về ga cuối của đời người. Nhưng phải đâu sự “trở về” ấy chỉ có vậy? Đấy dường như còn là sự trở về với bản nguyên sau một hành trình dằng dặc trải nghiệm, vật vã và tìm kiếm ở/ trong mỗi người. Sự vận hành một chiều của con - tàu - thời - gian ấy là một quy luật khắc nghiệt nhưng khi nhìn nó trong tính tất yếu, trong một thái độ chấp nhận và tự chủ, con người bỗng nhiên có cảm giác thư thái, nhẹ nhõm rất gần một sự “bừng ngộ”. Đó dường như chỉ có thể là thái độ và cách nhìn của một người có tuổi và từng trải. Người đọc nhận ra một sự phân thân trong thi sĩ khi ông gọi chính mình bằng “anh”. Đấy là một cách để khách quan hóa cái tôi trữ tình và cũng là một cách để nhà thơ mở rộng khái quát về phạm trù thời gian - vốn dĩ khắc nghiệt với tất cả. Từ đây, sự trôi chảy của thời gian như một tất yếu (chủ đề đã được nói đến rất nhiều trong thi ca) tiếp tục được nhấn mạnh bởi những hình ảnh đối chiếu, so sánh trong hai cặp lục bát tiếp theo:
Tóc xanh vừa lỗi lời thề
Thoắt, thành mây trắng cuối hè bay ngang
Ngu ngơ chạm phải ao làng
Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay.
Trong bốn câu thơ, tác giả chỉ tập trung vào hai hình tượng là “tóc xanh” và “sen”. Cùng với những trạng từ chỉ thời gian được sử dụng khá dày trong bốn dòng như vừa, thoắt, đã... , sự biến đổi của thời gian và đời người đã được những hình tượng này lột tả một cách hết sức cô đọng và hàm súc. Có thể nói, cho dù ám ảnh về thời gian qua sự đổi thay kinh ngạc của mái tóc “mới sớm còn tơ chiều đã tuyết” đã là một ám ảnh kinh điển trong thi ca xưa nay, những câu thơ này cũng đã “găm” vào trí nhớ của độc giả bởi vẻ đẹp vừa mộc mạc vừa tinh tế của nó. Nhịp thơ lục bát góp phần diễn tả cái nhịp vận hành, sinh hóa của thời gian, chậm rãi, tuần tự và dường như không thể đảo ngược chiều. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dường như song hành với nhịp thời gian, nhịp thơ cũng dần “tăng tốc”. Nếu như ở những câu trên, sự tương phản giữa tóc xanh/ mây trắng (xưa/ nay, mất/ còn, quá khứ/ hiện tại...) được phân bổ thành hai dòng khá cân đối, đều đặn thì ở hai câu tiếp, tốc độ ấy đã được nén lại trong một dòng thơ tám chữ: “Sen chưa kịp hái/ đã tàn trên tay”...
Cũng từ đây, mạch thơ dần biến đổi. Thay cho cái nhìn tương đối bình tĩnh và khách quan của kẻ “đứng ngoài” giờ đây là cái nhìn thời gian từ bên trong, được lọc qua hồi ức và cảm niệm cá nhân, được nội cảm hóa. Hình ảnh “tóc xanh” vốn dĩ rất giàu ý vị tượng trưng, khi gắn với cụm từ “vừa lỗi lời thề” như vẫn còn thảng thốt một nỗi niềm riêng tư nào đó chăng? Và trước cảnh “sen chưa kịp hái đã tàn trên tay” dường như còn đó cả nỗi niềm “ngu ngơ” tiếc nuối. Những sắc màu thời gian trở nên ám ảnh: lá đỏ, tóc xanh, mây trắng... Cảm xúc riêng tây đã len vào khiến cho những khái quát về những quy luật chung nhất về thời gian, về cuộc đời bỗng thấm thía một dư vị trữ tình. Tuổi trẻ, tình yêu, cái đẹp... mong manh quá trước thời gian chăng? Nhưng dường như cũng chỉ có thời gian mới có thể cho ta nhận ra những giá trị ấy trong đời một cách lặng lẽ và sâu sắc đến thế. Và cũng chỉ thời gian mới có thể cho con người thấu suốt bản ngã và nhận ra chính mình. Có lẽ chính vì vậy mà mạch thơ đã đẩy tới hai câu kết như một tất yếu:
Trái đất ơi! ngược vòng quay
Cho ta gặp lại cái ngày đầu tiên.
Khi nhận ra quy luật của vòng quay thời gian, một khát vọng rất tự nhiên đã xuất hiện: khát vọng đảo chiều thời gian. Đấy dường như là một khát vọng muôn thuở. Ở đây, cái tôi nhà thơ đã lên tiếng bằng những thôi thúc nội tâm không thể cưỡng lại. “Ngày đầu tiên” là gì? Tôi vẫn muốn nghĩ một cách chủ quan rằng đấy không chỉ là ngày đầu tiên của vòng thời gian vũ trụ viên miễn, bất tận, mà là “ngày đầu tiên” của những gì đẹp đẽ nhất trong đời của mỗi một con người, ngày đầu tiên được tâm hồn lưu giữ và tưới tắm bằng những mảnh kí ức trong trẻo, tinh khôi, ngọt ngào và tươi tắn nhất. Như thể tình yêu, như hạnh phúc con người.
Bài thơ thời gian là sự giao cắt của hai điểm nhìn. Một là của một người đã đi gần hết chặng đường đời và có đủ trải nghiệm để đưa ra những khái quát hóa về cuộc đời, về thời gian một cách tương đối bình thản và đầy sức nặng chiêm nghiệm; một là của kẻ đang bị cuốn phăng không ngừng trên dòng chảy thời gian, và biến đổi, mất mát, phôi pha ngay trong từng khoảng khắc - “Từ tôi phút trước sang tôi phút này” (Xuân Diệu) - và vừa trôi đi vừa không ngừng thảng thốt, khắc khoải nhìn lại hòng tìm kiếm dấu tích tồn tại của cái tôi trên dòng chảy “vô tăm tích” ấy.
Như vậy, nhìn từ toàn cục, Bài thơ thời gian trước hết là bài thơ viết về thời gian - thời gian được nhìn và cảm từ trong một con mắt cá nhân. Nhưng trong một điểm nhìn cụ thể hơn, có thể nói bài thơ ấy cũng còn là một bài thơ của thời gian. Thời gian đã viết nên bài thơ của nó bằng lá đỏ, tóc xanh, mây trắng... - thứ ngôn ngữ không lời vĩnh cửu, cũng vĩnh cửu như chính khát vọng của con người trước thời gian./.
tin tức liên quan
Videos
Thử định vị Tự lực văn đoàn
Hội thảo khoa học: “Dòng họ Nguyễn Trọng - Trung Cần với sự nghiệp bang giao, xây dựng và bảo vệ đất nước”
Hãy đọc lời ai điếu cho khoa học minh họa
Nhật bản và cải cách Minh trị (1866) trong nhận thức của nguyễn Trường Tộ
“Tết trồng cây” nét đẹp văn hóa mới ở Thanh Chương
Thống kê truy cập
114569296

280

2432

21679

227820

129483

114569296