Những góc nhìn Văn hoá

Ví von trong hát đối đáp Xứ Nghệ

Không phải ngẫu nhiên mà ở xứ Nghệ chúng ta, có người gọi hát giao duyên, hát đối đáp là hát ví. Ví là ví von, mượn vật để ngụ tình. Điều đó cũng dễ hiểu.

Trong quá trình trao đổi tình cảm, không phải bao giờ nói thẳng ra những điều mình nghĩ, cũng là cách nói hay nhất, tốt nhất. Cổ nhân có câu: "Nói thật mất lòng". Cho nên trong khi trao đổi tình cảm, ngỏ lời với nhau, ông cha ta có khi phải tìm một cách nói khác: ví von.

Khi sử dụng ví von, vấn đề được trao đổi không trở nên thô thiển, mà ý vị hơn, sâu sắc hơn. Mặt khác, nó bộc lộ cho đối phương biết: bên kia rất thông minh. Lối hát khi được sử dụng ví von sẽ trở nên bay bổng, không khí buổi hát đầy hứng thú, sôi nổi hơn.

Sử dụng ví von tức là sử dụng nghệ thuật chuyển nghĩa, ẩn ý. Người nghe phải biết lĩnh hội lấy cái "thần" của câu hát được ẩn trong ngôn ngữ, chứ không thể hiểu theo lối "trực trần kì sự". Có thể nói, trong cái vỏ hình thức ấy, nội dung được chứa đựng ngầm.

Trong hát ví, vấn đề ý tưởng bao giờ cũng là nội dung ngầm chứa, còn vật đem ra để ví chỉ là phương tiện nghệ thuật. Cả hai có mối quan hệ khăng khít bổ sung cho nhau. Nội dung ấy, vấn đề ấy phải chọn cách nói ấy, hình thức ấy. Tìm hiểu nghệ thuật ví von trong hát đối đáp xứ Nghệ, ta thấy có mấy cách ví von sau đây:

1. Lấy người để ví với người.

Con Người được hát đối đáp đưa ra làm phương tiện ví von phải là người tốt, người đẹp. Chừng mực nào đó, người đó phải có tính "lý tưởng" để người đời noi theo.

Đó có thể là những nhân vật chính diện trong sách vở. Trước hết là trong truyện Kiều. Khi bên nam hát: "Đi ngang trước cửa nàng Kiều/Dừng chân đứng lại dặt dìu đôi câu". Thì bên nữ hưởng ứng ngay: "Đêm khuya gió lặng sương im/Tai nghe tiếng nhạc chàng Kim tới gần". Để rồi đôi bên hòa vào nhau trong tiếng hát chung: "Người xinh lại gặp người xinh/Khác chi Kim Trọng tiết thanh minh gặp Kiều". Hoặc trong lời hát đố: "Bây giờ hỏi thật anh tài/Đào nguyên một cõi Thiên thai ai trồng?". Thì bên nam hát đáp lại: "Thiên thai là của nàng Kiều/Riêng chàng Kim Trọng sớm chiều vào ra".

Tiếp đến là các nhân vật trong truyện nôm khuyết danh. Khi bên này hát: "Bây giờ ta gặp nhau đây/Khác chi Từ Thức lạc rày động tiên". Thì bên kia đáp lại: "Đôi ta kết nghĩa đá vàng/Cầm bằng Phạm Tải sánh nàng Ngọc Hoa".

Và sau đó là những con người có tài có đức trong cuộc đời. Một cô gái vùng Can Lộc đã yêu đám này lại còn ngấp nghé đám khác. Vì thế, vào một đêm, cánh con trai hát hỏi: "Thiên hạ thiếu chi người sang/Đã Lê Sĩ Bàng, lại Lê Sĩ Tiêm?" Lê Sĩ Bàng, Lê Sĩ Tiêm là hai anh em ruột. Đi thi hội, cả hai đều đậu tiến sĩ.

Như vậy là trong cách ví von này, bên những nét chung vẫn có những nét riêng của quê hương, làm cho đôi bên nam nữ cảm thấy có một cái gì đó gắn bó với quê hương thân thuộc, máu thịt của mình.

2. Lấy thần, phật, tiên,... để so sánh.

Tuy cuộc sống đời thường có khi còn chịu nhiều áp bức, bất công, cực khổ, nhưng người dân lao động vẫn từng giờ, từng phút ấp ủ ước mơ. Ước mơ ấy không thực hiện được trong cuộc đời thực, thì gửi vào trong nỗi khát khao qua từng câu hát, từng truyện kể. Bởi thế trong hát đối đáp, thần, tiên, phật,... được đưa vào khá nhiều.

Khi một chàng trai hát, hỏi một cô gái: "Cha em mần răng, mẹ em mần răng/Mà sinh em đẹp như trăng đêm rằm". Thì cô gái hát đáp lại: "Cha em là phật, mẹ em là tiên/Sinh em ra là mặt nguyệt có bốn bên con rồng chầu". Hay như lời hát kết sau đây: "Ta như tiên ở trên trời/Trước sau gắn bó không rời nhau ra".

Tại một cuộc hát đối đáp nọ, bên con gái truy cho bên con trai đâm bí. Bên con trai nổi khùng dọa đốt nhà. Thế là bên con gái hát luôn: "Khi nào lửa bén mái tranh/Tư tờ vô bộ tên anh đứng đầu". "Tư tờ vô bộ" là gửi đơn vào bộ Hình. Bên con trai liền trổ tài: "Anh về rạch gió lên mây/Theo ông Đại Thánh, theo thầy Đường Tăng". Bên con gái cũng không chịu lép vế, đáp ngay: "Em về làm bạn với tiên/Cùng bà La Sát bắt liền không tha". Thật là "cao nhân tất hữu cao nhân trị".

3. Lấy sự vật, sự việc gần gũi với con người, với lứa đôi, do con người làm ra để so sánh. Cái hay ở đây là sự vật, sự việc đều ngầm chứa tâm hồn con người. Sự vật, sự việc được đưa ra không rơi vào liệt kê khô khan, mà được sưởi ấm bằng trái tim người hát.

Sự vật ấy có thể rút ngay trong tác phẩm văn học: "Tri âm chưa tỏ tri âm/Muốn cho bên quạt bên trâm sánh bày". Hoặc được rút ra trong cuộc sống hàng ngày. Có khi là cái giếng và dây gàu: "Em tưởng cái giếng sâu, em nối dây gàu dài/Ai ngờ cái giếng cạn, em tiếc hoài cái dây". Là đôi đũa trong bữa ăn thường ngày: "Đôi ta như đôi đũa mới so/Nằm chung một chỗ còn lo nỗi gì". Là cái cúc, cái khuy, kim chỉ trên cùng một chiếc áo: "Đôi ta như cúc với khuy/Như kim với chỉ may đi cho rồi". Là miếng cau, miếng trầu trong khi giao tiếp: "Đôi ta như trầu với cau/mỗi nơi mỗi thứ thắm màu được sao?". Hoặc: "Đôi ta như trầu với cau/Vừa vôi, môi đỏ tìm đâu cho bằng". Khi bên nam lấy cái trống làng để đùa bên nữ: "Trống làng điểm một tiếng tòng/Chồng em to bụng có buồn lòng không em?". Thì bên kia đáp ngay: "Trống làng điểm một tiếng tòng/Chồng em to bụng chán lòng em ăn"?.

Nhờ lấy sự vật để ví von, nên nhiều câu hỏi trở nên trang nhã, sâu kín, không rơi vào dung tục, nông cạn. Một đêm đẹp trời, cánh con trai hỏi cánh bên kia: "Hỡi người đi đó xinh thay/Có khuôn đúc tượng, cho anh đây đúc cùng". Cánh con gái đã đáp lại thật ý vị, tình tứ: "Người sao ăn nói lạ lùng/Khuôn ai nấy đúc, đúc cùng ai cho!".

Có khi lấy sự việc để ví với sự việc. Một anh chàng bỏ công đeo đuổi một cô gái. Cuối cùng "xôi hỏng bỏng không". Một cô bạn đã hát ghẹo anh ta: "Công anh bứt cỏ bỏ tàu/Ngựa quan, quan cưỡi, có màu chi anh. Chàng trai buồn rầu đáp lại: "Mấy lời hẹn ước từ xưa/Mất tơ nên phải đến vơ lấy tằm".

Trên quê hương ta còn truyền lại giai thoại sau đây: Đinh Nhật Thận (1815 - 1866), hồi còn trẻ, có lần giữa ngày sau tết đến chơi nhà một bạn gái. Gặp độ trời mưa lâu, mặt sân trơn quá. Vừa vào đến sân, Đinh Nhật Thận bị ngã. Từ trong nhà, cô gái hát vọng ra: "Đến đây đàn hát chơi xuân/Khấu đầu lạy tạ cái sân làm gì?" Chàng trai họ Đinh đáp lại thật hóm hỉnh, một ý hai tứ: "Đất sao đất khéo lạ lùng/ Bấm vào chẳng chịu nằm cùng lại cho".

Rồi việc thả lưới, buông câu, là việc bình thường. Thế mà người xưa cũng đem ví vào việc lứa đôi tìm hiểu nhau. Gặp một chàng trai, cô gái hỏi: "Quê anh thì ở nơi đâu/Mà anh thả lưới, buông câu xứ này?". Anh ta ngâm: "Giằng đầu, nhất khẩu, chữ điền/Thảo đầu, vương ngã, là miền quê anh". Thì ra anh ta ở làng Phú Nghĩa.

Đến việc buôn bán nông sản, trái cây... cũng được đưa vào để ví von. Đây là nỗi niềm của một chàng trai với một cô gái phường buôn: "Buôn cam, anh tới Xã Đoài/Quả cam đã ngọt, con ngài (người) cũng xinh/ Bây giờ tình đã tỏ tình/Ta thương mình lắm, biết mình thương ai?. Cô gái đáp: "Em về chợ Rộ buôn khoai/Khoai bùi, khoai ngọt, con ngài cũng xinh/Bây giờ tình đã tỏ tình/Mình thương ta, ta thương mình ngại chi!".

4. Lấy thế giới thiên nhiên như trăng sao, mưa nắng, chim muông, cây cỏ, núi sông... để ví von.

Những câu hát đối đáp được ví von theo lối này khá nhiều. Và một điều đáng chú ý là nhiều câu khá bất ngờ, khá hay, và rất kỳ thú.

Thấy đối phương còn xa vời, chưa đâu vào đâu thì lấy mặt trời để ví: "Thấy anh như thấy mặt trời/Chói chang khó ngó, trao lời khó trao". Đến lúc hơi gần gũi thì đem trăng sao ra so sánh: "Đêm khuya cưởi xuống dần dần/Sao hôm xích lại cho gần sao mai". Rồi mưa gió cũng được đưa vào chuyện tình của họ. Một hôm, bên nam hỏi bên nữ: "Đọc thơ "Hành lộ tam chương"/Gái ngoan sao để trai cường xâm lăng?". Bên nữ đáp, cho đối phương biết vẻ đẹp bên trong hãy còn nguyên vẹn của mình: "Vườn xuân cửa đóng then cài/Gió mưa có tạt, tạt ngoài mái hiên".

Đến thời gian cũng được đưa vào để giục giã nỗi lòng đôi bên. Thời gian tượng trưng cho hoàn cảnh, tuổi tác. Một chàng trai gợi ý với một cô gái qua tiếng hát: "Trời chiều bóng đã nhá nhem/Thương anh chưa vợ, thương em chưa chồng". Cô gái đã đáp lại rất tình tứ và bộc bạch luôn tấm lòng của mình: "Thôi anh ơi! chớ có buồn/Khúc sông ở đó, ngọn nguồn ở đây". Hoặc: "Chim chiều về núi bơ vơ/Anh ơi chầm chậm, mà chờ duyên em".

Rồi cây cối, hoa quả có khi trở thành nhân chứng cho tình yêu lứa đôi, cho tấm lòng của họ. Đó là hoa cúc: "Trăm hoa đua nở mùa xuân/Cớ sao cúc lại muộn mằn sang thu?" Và đây là hoa đào: "Đi ngang thấy búp hoa đào/Muốn vào mà sợ bờ rào lắm gai!" Hay là quả chanh, quả khế: "Ra về lòng lại dặn lòng/Chanh chua chớ phụ, ngọt bòng chớ ham". Hoặc: "Em như khế ngọt sân chùa/Anh như gái rở, thấy của chua đi tìm". Có khi là quả chín ở cành cao: "Cây cao có quả chín muồi/Thèm thì chịu vậy, của trời khó ăn". Bên nam đã đáp lại: "Cây cao có quả chín muồi/Không cho choa vọc, cũng để đồi nó ăn". Có khi là một cành quế trên tay. Quế thơm, quế ngọt nhưng không gặp người tốt, nên phải chịu cảnh bất hạnh: "Tay cầm cành quế mà than/Tuổi thanh xuân không gặp bạn, lúc hoa tàn mới gặp nhau". Là cây thầu đâu, ngoài tươi trong héo: "Thân em như cây thầu đâu/ Ngoài tươi trong héo, dạ sầu tương tư". Khi hai bên chung một cảnh ngộ thì cái cây đưa ra cùng một loài: "Tre thì làm bạn với pheo/Bác mẹ ta nghèo, nên dễ thương nhau". Và bên kia hát tiếp: "Tre thì làm bạn với bương/Cùng vào một lạch, một luồng dễ đi".

Đến núi non, sông nước cũng hiện hữu trong lời hát ví. Một cô gái vùng Thạch Hà, Can Lộc được nhiều chàng trai cho vào "tầm ngắm". Cô chưa định về đâu. Thế là bên con trai có người hỏi thực ý định của cô. Cô gái trả lời thật tài: "Rú Bằng, rú Bể, rú Bin/Ba rú họp lại, rú mô gin (gần) thì em về". Đúng là "nhất cự ly, nhì cường độ". Con gái vùng Hương Sơn - Đức Thọ có tiếng là đẹp. Nhiều cô đã mượn núi để nâng cao phẩm giá của mình: "Em như con chim phượng hoàng/Đỗ cao Thiên Nhẫn có mây vàng bao quanh". Cả đến khi lựa chọn "đối tượng" cũng được người xưa lấy núi ra để hỏi: "Ăn cốm thì kẻo ăn xôi/Đã ngược Ba Dội, thì thôi Động Thờ". Liền được bên kia trả lời: "Vì chưng phong cảnh nên thơ/Ba Dội cũng muốn, Động Thờ cũng ham". Ba Dội và Động Thờ là hai ngọn núi trong dãy Đại Vạc, làm ranh giới tự nhiên giữa Diễn Châu và Nghi Lộc.

Và thật là thiếu sót nếu ta không kể đến chim muông, vật nuôi trong hát đối đáp. Tùy vào cảnh ngộ của từng người mà có cách ví von sát hợp. Khi gần gũi, ấm cúng thì ví: "Đôi ta như thể con tằm/Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong". Khi vui vẻ, thơ thới thì ví: "Chốn này vui vẻ, tưng bừng/Hạc nghe tiếng phượng đè chừng sang chơi". Khi tả vẻ đẹp của đôi bên thì cao giọng ngâm: "Hỡi người yểu điệu đi qua/trùng triềng mắt phượng cho ta bận lòng". Khi đôi bên đều là dân lao động làm ăn vất vả, thì hát chất phác, thật thà, suồng sã: "Con cò ăn bên kia hói/Con cói ăn bên ni sông/O kia ơi có phải đạo vợ chồng/Sang bên ni ta kè coọc". Nhộn hết chỗ nói!

Nhiều khi ví von được kết hợp với nhau thành tầng tầng, lớp lớp, có mặt của nhiều chủng loại. Lúc đó, ví von trở thành một trường tỷ dụ, ẩn dụ. Chia ra là để cho dễ nói, dễ viết, chứ trong thực tế thì phong phú, đa dạng hơn nhiều. Xin nêu ra đây một ví dụ khá tiêu biểu. Cô Võ Thị Nhẫn khi còn trẻ có lần hát đối đáp với Tiến sĩ Đinh Nhật Thận. Cô ta đã tự ví mình: "Em như hòn núi Ba Vì/Rộng thì bốn biển, hẹp thì trôn kim". Đã được chàng trai họ Đinh đáp lại: "Anh như con chim con con/Ngày dạo chơi bốn biển, tối về non hắn nằm/Anh thương em đứt ruột con tằm/Quyết xe săn mũi chỉ để xỏ nhằm cái trôn kim". Kết quả cả cô Nhẫn và cánh bên cô ta đã phục tài của đối phương.

Có thể nói: Trên cuộc đời hay trong cuộc sống có cái gì, thứ gì... thì khi hát đối đáp, hầu như đều ví von đến những cái ấy, thứ ấy. Tùy nơi, tùy lúc, tùy cảnh, tùy người mà câu hát có nội dung khác nhau và hình thức ví von sát hợp. Đó là cái tài, cái nổi bật của những lứa đôi trai gái, những nghệ nhân dân gian trên quê hương xứ Nghệ thân yêu của chúng ta.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114561069

Hôm nay

2182

Hôm qua

2271

Tuần này

2182

Tháng này

228612

Tháng qua

122920

Tất cả

114561069