Ngay lúc đó, tôi đã có bài viết khá dài Cột đá kiến trúc hay lin ga để trao đổi lại. Vì lời khuyên của thầy tôi từ một lí do tế nhị ngoài khoa học, tôi nhất trí rút bài về nên tạp chí không in bài đó. Vào năm 2000, được sự động viên của bạn bè, tôi lần nữa viết bài về di vật này với nhan đề Tiếp tục quan sát cột đá chùa Dạm nhưng sau đó vì lí do PGS Chu Quang Trứ lâm bạo bệnh nên tôi không gửi in.

Trong những bài viết trên, bằng những số đo thực địa,bằng cách quy chiếu lịch sử thước đo cần có cho công trình kiến trúc dựa trên các số đo đó,bằng cách nhìn nhận phong cách điêu khắc kiến trúc đá đời Lí còn sót lại, bằng cách so sánh với những ghi chép trong văn bia, trong sử kí, tôi đã khẳng định ý kiến của các bậc tiền bối như kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, nhà dân tộc học Từ Chi, nhà nghiên cứu mĩ thuật Nguyễn Đỗ Cung rằng đó là chiếc cột đỡ một tấm kiến trúc nào đó là hoàn toàn đúng đắn, còn những người sau này gọi nó là cái linga là hoàn toàn suy diễn. Nhờ vào sự đo rộng ra các hiện vật đá đang còn thời Lí ở Phật Tích, ở Đội Sơn, ở Quốc Oai... mà tôi đã nêu giả thiết khoa học là trong các công trình của mình, nhà Lí đã dùng thước đo nhà Đường với chiều dài là 31,1cm chứ không dùng thước đo nhà Tống là triều đại song tồn.
Gần đây, khi tiếp xúc với nhiều công trình của học giả rất đáng kính Tạ Chí Đại Trường như Thần,người và đất Việt, Sử Việt đọc vài quyển, Sex và các triều đại... tôi thấy học giả đã nhiều lần nhắc đến chiếc cột này với tư cách linga hay mukhalinga. Dù học được nhiều về cách đọc cổ sử của ông nhưng với trường hợp này ( cùng một số tư liệu khác) tôi e rằng ông đã sơ ý và tin theo người khác khi những ý kiến đó phù hợp với lô gíc biện luận của ông. (Tôi vẫn mong có dịp cùng ông đi thực địa, không chỉ chuyện này, một số nơi để sửa chữa những tì vết trong những luận đề vốn sáng rõ và hấp dẫn của ông).Giải thích sai về một di sản văn hóa quan trọng nhiều khi dẫn đến những suy diễn,những nhận định sai về tinh thần, về tư tưởng một triều đại.
1. Quan sát tiếp tục và giả thiết hợp lí.
a, Về phần cây cột đá.
Cần nói ngay là cây cột đá hiện nay ở hiện trạng phế tích. Dấu vết của sự đổ của công trình kiến trúc trên đó còn vạch hằn xước trên vỏ phía bắc cột là phía phần kiến trúc đổ xuống. Xem một phế tích thì cũng như đọc một văn bản mà hơn 2/3 mối đã gặm mất. Cần tái hiện lại nguyên trạng nó chứ không nên dựa vào hiện trạng xem nó giống cái gì. Hiện trạng, ta thấy cột đá được chia làm 3 phần chính: phần dưới là khối hộp vuông với những vết đẽo rất thô phác, còn nguyên cả rãnh chạm sâu trên đá sa thạch, qua vài lần chém góc vuông sơ sài để tiếp cận với phần giữa, phần trụ tròn chạm đôi rồng (cù, một loại rồng có sừng) được gia công tỉ mỉ, nõn nuột với nhiều hoa văn tinh tế, hoàn mĩ. Phần trên cùng bắt đầu với các lỗ ngàm, ở mặt ngoài, chỗ còn nguyên vẹn cũng chỉ được vo tròn để tạo mặt cong phẳng, dễ lấy mực,dễ gia công chứ không được điêu khắc. Các lỗ ngàm đã rõ là các lỗ lắp dầm chống nghiêng, đường rãnh còn nguyên trên đầu cột cho ta thông tin về dầm chịu lực tương tự cột đá đang còn ở chùa Xã Đàn. Như vậy phần trên làm sao mà đọc thành linga được. Trừ phần giữa có đôi rồng/cù ra, chúng ta có quyền nghi vấn, liệu mĩ thuật đời Lí có phô diễn trước chúng ta một mĩ cảm thô ráp đó không?. Theo chúng tôi là không. Trên những di vật Lí còn lạ, ta thấy trên từng cm2 của nó đều được kì công trau chuốt và hoàn thiện. Cột đá này không thể là ngoại lệ. Phần trên và phần dưới của cột chắc chắn được che lấp bởi những thành phần khác được gia công nghệ thuật. Chúng ta sẽ so sánh sau, khi quan sát các hiện vật khác cùng những ghi chép trung đại khả tín để lại.
b, Về phần bệ cột.
Trong hiện trạng, bệ cột còn lại hai lớp đá chồng xen kẽ lên nhau. Lớp dưới ở mặt ngoài chạm hoa văn sóng rải và phần chân hoa văn sóng lừng, lớp trên chạm phần ngọn sóng lừng. Hình như xưa nay, mặc nhiên mọi người coi đó là một bệ trụ hoàn thiện. Nhưng rõ ràng không phải như vậy. Trên mặt những viên đá lớp trên, còn rất rõ mép giật cấp thành gờ cao để lắp thêm các lớp đá nữa, các mộng đuôi cá hãy còn để níu các viên đá, còn gờ thì làm cho các viên đá đó đều có lực hướng tâm, không bị bay ra ngoài, tạo thành một khối vững chắc sau khi đã lắp ráp. Các đồ án hoa văn cũng không có dấu hiệu chấm dứt ở đây. Vậy còn mấy lớp đá nữa?. Rất may, phía bên kia, đối xứng với cột đá qua trục thần đạo, còn một phế tích hình hộp có bốn mặt bên là hình thang cân đáy lớn ở phía dưới rất vững chãi, trên mặt còn một tấm bia Lí, chữ đã mờ hẳn, mặt sau còn hai chữ tín thí. Về kiểu bệ hộp thang này, ta còn thấy đồ án của nó bằng đất nung qua một hiện vật đời Lí còn trưng bày tại Bảo tàng lịch sử. Ở góc còn nguyên vẹn hơn cả, ta thấy còn đến 6 lớp hoa văn tương tự chồng lên nhau và những viên đá trên cùng chưa phải là lớp cuối. Nếu thêm một lớp nữa (lớp thứ 7) thì sẽ chạm mặt bằng chân rùa đội bia. Chúng tôi đã kéo dây thăng bằng từ đó sang cột đá thì đúng vào mặt trên phần khối vuông của cột, tiếp giáp phần có đôi rồng chầu. Chúng ta yên tâm rằng, phần khối vuông đã được lắp kín 7 lớp đá mang hoa văn sóng rải và sóng lừng.Như vậy là phía dưới, hình dạng cái linga cũng sẽ không tồn tại nữa.
2. So sánh hiện vật, đối chiếu sử liệu.
Hiện vật đá, gốm đời Lí thể hiện những triết lí, giáo lí, điển tích Phật giáo mạnh mẽ. Dãy 10 con thú ở Phật Tích là hiện thân của Phật vốn phổ biến từ thời vô tượng kỉ, đó là mã kị, ngưu kị, trư kị, tượng kị, sư tử kị. Những con nhạn bằng đất nung ( khảo cổ học gọi là uyên ương) đó chính là bồ tát trong điển Ngũ bách nhạn vi ngũ bách bồ tát hay Ngũ bách nhạn thỉnh kinh hóa bồ tát (hiện vật này trên mái núi chùa Dạm có thể đào thấy rất nhiều), các thế long tọa, liên tọa đều là các biểu tượng Phật giáo. Thật khó lòng hình dung một biểu tượng nguyên khởi của đạo Hin đu là linga lại chen vào chốn thiền lâm đó được. Về hiện vật tương tự, chúng ta còn thấy :
a. Tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh còn giữ một bệ đá mà từ phần trụ tròn của nó, được phủ kín bởi hoa văn sóng rải và hoa văn sóng lừng dâng cao còn thấy rõ ba lớp. Phần trên bị gãy nên khó đoán định chính xác.
b. Một di vật nổi tiếng để ở Bảo tàng Lịch sử được gọi tên là Trụ đá Bách thảo hay Trụ đá đời Lí. Trụ đá này còn để lại nhiều thông tin hơn bệ đá Phật Tích vì trên phần sóng nước, còn hầu như nguyên vẹn đôi rồng/cù giống hệt đôi rồng trụ đá chùa Dạm (và cũng như đôi rồng trên bệ bia tháp Sùng Thiện Diên Linh ở Đội Sơn). Phần trên đã bị gẫy.
c. Trong gia đình cụ bảo vệ chùa Dạm còn lưu giữ một hiện vật đá sa thạch cao 50cm có phần chân sóng và phần trên cánh sen, chúng ta dễ dàng nhận ra đây là một loại con tiện lan can.
d. Tại sườn núi Dạm, chúng tôi nhặt được một mảnh gốm men ngọc Lí có phần bệ và phần trụ tròn tương tự, có thể phục nguyên một chân đèn hoặc chân nến....
Về sử liệu thành văn trung đại, thỉnh thoảng có ghi những dòng đáng tin cậy về loại kiến trúc tương tự.
e. Việt sử lược ghi : " Năm mậu tuất...(1058)... Tháng sáu, xây điện Linh Quang,...phía trước dựng lầu chuông sáu góc một cột ( độc trụ lục giác liên hoa chung lâu).
f. Tấm bia Đại Việt quốc Lí gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi đặt trước chùa trên núi Đọi có ghi ở đoạn nói về Lí Nhân Tông "noi dấu vết quy mô thủa trước" mà sửa chùa Diên Hựu: "Giữa ao trồi lên một cột đá; trên cột có một đóa hoa sen nghìn cánh xòe ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm(cam điện), trong đền đặt pho tượng sắc vàng". Việc này diễn ra vào năm 1601 theo Toàn thư.
g. Ở đoạn trước đó cũng trong bia này, khi ca ngợi tài khéo của Lí Nhân Tông xây dựng thắng duyên, viết: " Quảng vận thần công, hoằng suy thánh đoán. Tinh tu thắng sự, cần chí lương duyên. Kiến quảng chiếu chi đăng đài, hướng đoan môn chi đình thượng. Trung tiêu nhất cán,ngoại thiết thất tằng. Cù cung xuất nhi bổng kim liên, phùng sa lung chi hộ lan diệm. Uẩn cơ vi ư địa hạ, viên chuyển như luân. Thước quang thể ư thiên trung, oánh hoàng tự nhật." Chúng ta có thể dịch là: " Rộng vận cái công sức của thần, cả suy cái tính toán của thánh. Sửa sang thắng sự, chăm chút lương duyên. Dựng đài cao Quảng Chiếu ở trên sân đoan môn. Trong nêu một cột, ngoài xếp bảy lớp. Rồng/cù uốn cong đỡ lấy tòa sen vàng, may lồng nhiễu mà che cho ngọn lạp. Dấu máy ngầm dưới đất,quay tròn tựa bánh xe quay. Rực ánh sáng giữa không trung, như ánh mặt trời chói lọi.". Đoạn văn trên có vẻ ước lệ bởi ngôn từ nhà Phật nhưng chúng ta ngạc nhiên về tính miêu tả của nó. Thời gian diễn ra sự việc trước việc sửa chùa Diên Hựu, tương ứng với những năm xây dựng chùa tháp và hành cung ở Lãm Sơn ( từ 1086 đến 1094) và 1087 Lí Nhân Tông đã về đó mở Lãm Sơn dạ yến. Dạ hội thì đèn nến sẽ rất rực rỡ. Có thể trong thời gian đó hoàng đế đã cho dựng các đài Quảng Chiếu ở kinh thành với quy mô nhỏ hơn ( dể có thể giấu máy dưới đất mà xoay như Cửu phẩm liên hoa ở Bút Tháp thế kỉ XVIII hay tương truyền Cửu phẩm liên hoa của Mạc Đỉnh Chi đời Trần) và đã dựng tại Lãm Sơn một công trình hoành tráng.
Từ những chỉ dẫn trên, chúng ta có thể hình dung tổng thể công trình (mà phần sót lại là phế tích cây cột đá và phần bệ ở chùa Dạm) như hình dạng lúc ban đầu, đồng thời, đáp ứng những nghi vấn ở phần hộp vuông và phần ngọn trụ đá về mĩ cảm.
Theo chúng tôi, nhà Lí có một loạt kiến trúc- điêu khắc khá đồng dạng, lớn có thể là ngôi chùa, lầu chuông, đài Quảng Chiếu, bé có thể là cây hương, trụ đựng đồ lễ, trụ đèn nến... làm chủ yếu bằng đá, dựa trên một trụ đá tròn mà đồ án chia ra 4 phần rõ rệt:
Phần dưới cùng là bệ sóng nước (sóng rải, sóng lừng)
-
Phần tiếp theo là đôi rồng chầu nhật/nguyệt
-
Phần trên là đài sen (gỗ hoặc đá) nhiều lớp cánh
-
Phần trên cùng là phần công năng: ngôi chùa, tháp chuông, đăng đài, chỗ để hương đèn, nến hình hộp vuông, lục giác, bát giác...
Các kiến trúc tôn giáo và quan dụng đều thấm đẫm triết lí Phật giáo. Và chúng tôi cho rằng, nên tiếp cận nó theo hướng quy chiếu Đường - Đại La - Lí Trần thì sẽ gần chân lí hơn là hướng Chăm Pa - Lí Trần mặc dầu hướng sau có tinh thần dân tộc hơn theo quan điểm hiện hành.
3. Giả thiết bản vẽ kĩ thuật
Dựa vào các số đo khách quan mà tôi đã trình bày trong các bài báo trước đây, hoàn toàn ta có thể vẽ nó ra thành bản vẽ kĩ thuật. Muốn kiểm chứng điều này, bất cứ ai cũng có thể đo vẽ cột đá sừng sững qua năm tháng này. Khó lòng ngược lại ý kiến của chúng tôi.
Từ số lượng, kích thước, hình dáng các lỗ dầm chống nghiêng 1,2,3,4,5,6 chúng ta có thể hình dung các dầm nghiêng của công trình, khối lượng và hình dáng cơ bản của nó.
Điều tôi đã từng nói trong bài báo trước là việc phát hiện ra rãnh dầm xuyên xuyên tâm chịu lực trên đỉnh cột hiện hữu với mặt gáy là 23cm đẳng hướng với lỗ dầm nghiêng 6 và 3, giúp chúng ta phát hiện dầm chịu lực đầu tiên mà gáy nhỏ hơn hoặc bằng 23cm. Chúng tôi giả định độ dày cạnh bên là bội số 2 của gáy thì sẽ là 46cm. Với 6 lỗ, chúng ta có kết cấu 3 thanh dầm dài chéo nhau, tạo ra một bộ dầm chong chóng chìa ra cân đối. Mỗi phần chìa ra của mỗi dầm, chúng tôi tạm cho là bằng đường kính trụ đá tròn, chúng ta có thể vẽ được bản vẽ kĩ thuật kết cấu bộ dầm chịu lực của công trình. Việc tính tải trọng của bộ dầm này là hoàn toàn có thể và hết sức khả quan. Qua nhờ người tính hộ, chưa kể sức chịu của dầm chống nghiêng, với dầm gỗ lim, sức tải của bộ dầm là 54 tấn.
4. Kết luận
Linga là một biểu tượng văn hóa quan trọng thuộc Ấn Độ giáo, là biểu tượng thần Shinva. Với tư cách là một biểu tượng, quá trình của một nền văn hóa sẽ dùng nó để tư duy, để sáng tạo và để tiếp nhận. Biểu tượng quan trọng thường phổ biến cho nhiều loại hình nghệ thuật cùng một lúc và lặp đi lặp lại nhiều nơi, nhiều hiện vật. Đến bây giờ tôi cho rằng, dẫu ở các di tích nhà Lí người ta thường chứng kiến một số sự tiếp thu văn hóa Chăm Pa nhưng hoàn toàn không có những chứng cớ đáng tin cậy để nói rằng văn hóa nhà Lí đã dùng linga để tư duy, sáng tạo nếu không nói ngược lại là đã có thể kì thị nó. Cách gọi cột đá chùa Dạm là linga đúng là một sai lầm đáng tiếc về nhận thức, xa rời chân lí, dẫn đến xu hướng đọc sai tiến trình văn hóa dân tộc.
Tôi hoàn toàn mơ mộng và tin tưởng ở lòng đất Thăng Long, lòng đất tại các nơi có di tích nhà Lí và di tích văn hóa Đại La cơ hữu trước đó, sẽ cung cấp cho ta tài liệu mới về đồ án hiện vật này cũng như những điều mà tôi chưa nói hết.
(Bản do tác giả gửi cho VHNA)