Bắt đầu là hình thức ca trù hát thờ ở đình làng, khán giả chủ yếu là những người nông dân chân nấm tay bùn ở làng, ở xã. Sau đó phát triển thành hình thức hát chơi, phục vụ nhu cầu giải trí của tầng lớp quý tộc, thương nhân, những người lắm tiền nhiều của thì khách nghe lúc này chủ yếu là các quan lại, quý tộc, tướng tá, nho sĩ, văn nhân… Theo thời gian cùng với sự biến thiên về nghề nghiệp, nhân vật ả đào chuyển từ hình thức nghiệp dư trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp sống bằng nghề, mối quan hệ giữa ả đào và những người thưởng thức cũng thay đổi.
Đào nương không phải là những nông phụ chỉ hát vào một vài dịp lễ hội nhất định của làng xã, mà đến cuối thế kỷ XIX họ là những người phụ nữ sống hoàn toàn bằng nghề hát. Ả đào có thể hát bất cứ khi nào khách yêu cầu, hay nói cách khác họ đã mang cuộc đời của những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Quan viên cũng không còn là những khán thính giả chỉ thưởng thức ca trù một cách thụ động mà trong mỗi cuộc hát, họ còn đóng vai trò của người đồng sáng tạo. Trên chiếu hát ả đào, trong không gian đầy nghệ thuật, sắc đẹp, tài năng của người hát; cảm giác giao lưu gần gũi thân mật, quan viên là người đặt lời cho điệu hát để ca nương thể hiện. Trong những tư liệu về Nguyễn Khản và Nguyễn Hữu Chỉnh, hai ông đều được hậu sinh khen là phong lưu nức tiếng vì sành âm luật, trong nhà không lúc nào ngớt tiếng sênh ca. Rất nhiều các sáng tác của Nguyễn Khản được các giáo phường tranh nhau truyền tụng. Và đa phần trong số các quan viên là những nhà nho tài tử - những kẻ sĩ xuất thân từ Cửa Khổng sân Trình nhưng tính chất Nho học đã nhạt đi rất nhiều. Họ có thể là những bậc đại khoa, cũng có thể là những vị “tám khóa thi chưa khỏi phạm trường quy”. Họ có thể là những trọng thần cỡ Tổng đốc, khâm sai mà cũng có thể là những loạn thần tặc tử trong cái nhìn nghiệt ngã của triều đình. Nhưng họ đều giống nhau ở hai phẩm chất là thị tài và đa tình. Gò bó, ngột ngạt trong môi trường chính thống đầy những niêm luật, ước thúc, họ tìm đến sinh hoạt ca trù như một nhu cầu tất yếu, nhằm thỏa mãn cái tôi bản ngã, ngoài vòng cương tỏa khắt khe của lễ giáo phong kiến. Như vậy cả ả đào và khách nghe đều là những người đi ra ngoài khuôn khổ Nho giáo nên giữa họ có nhiều điểm tương đồng. Gặp nhau trong cuộc hát, một lần, nhiều lần, mối quan hệ giữa ả đào và khách nghe phức tạp và phong phú dần theo thời gian.
Ban đầu là mối quan hệ giữa người phục vụ giải trí và người trả tiền để được phục vụ, sau đó là mối quan hệ giữa những người biểu diễn nghệ thuật và người thưởng thức, đánh giá và trong những mối quan hệ ấy nảy sinh mối quan hệ tình ái nam nữ. Mối quan hệ này được Phạm Quỳnh nhấn mạnh trong bài viết Văn chương trong lối hát ả đào: Hát ả đào không thể không nói chuyện tình; quan viên với cô đào không thể không có khi dan díu với nhau. Ta thử xem các cụ đời xưa có lôi thôi như các ông đời nay không. Lôi thôi thì chắc cũng lôi thôi, nhưng xem ra lôi thôi một cách tao nhã và diễn ra những lời văn chương rất thú vị. Các cụ cũng lẳng lơ cũng trăng hoa lắm, mà các cô đào cũng chẳng kém gì:
“Trông trăng trăng cũng nực cười
Nhìn hoa hoa cũng lắm lời thế ư”[1]
Các cụ chơi ả đào nhiều khi là chơi ngất ngưởng:“Ngoài là thú mà trong là tình”…[2] Mà ở đời duy có tình mới là thú:
“Trong trần thế thực là cảnh giả
Dứt tài tình chẳng cũng uổng lắm ru?
Xin xin đừng oán mà ngu”[3]
Có ai lại sẵn lòng oán tình bao giờ? Nhưng cái tình lắm lúc cũng nó cũng rầy rà lắm:
“Nợ tính tình rầy lắm chị em ơi!
Đã dan díu chót vay rồi phải trả.
Khi đón gió, khi chờ trăng, khi xem hoa, khi bẻ lá,
Điệu đồng tâm nấn na biết là bao!...”[4]
Mối tình giữa ả đào và văn nhân ban đầu tưởng như là một sự chơi, ai ngờ thành ra cái nợ. Lúc đầu mình tưởng là dan díu chơi cho vui, ai ngờ mình dan díu, người ta cũng dan díu lại, đã chót vay thời phải trả, vay trả trả vay, hai bên đắp đổi, mà thành ra nấn na qua ngày… ấy sự tình là thế, mà nợ tình cũng là thế, nhưng nợ tình là nợ phong lưu, làm tài trai không thể tránh được. Song chỉ ghê một nỗi, đã mắc vào khó gỡ cho ra:
“Đa tình mới dữ,
Mắc míu vào đố gỡ cho ra?
Khéo ghẹo người một cái tinh ma,
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy?...
Tình huống bút thần khôn tả vẽ,
Càng đa tình càng ngốc càng si.
Cái tình là cái chi chi?”[5]
Thế ra các cụ khôn ngoan như thế mà cũng chưa giải được cái tình là cái chi chi. Có cụ bi quan quá cho cái tình là cái dại đó mà thôi:
“ Cái tình là cái dại
Nợ phong hoa rước lấy mà chơi.
Nực cười thay chẳng gốc đẻ ra lời,
Đố ai rũ làm sao cho trắng khỏi?
Đám trẻ vui quanh trò múa dối,
Cuộc tình say lẩn giấc chiêm bao.
Thôi đoái thương phỏng nhớ lại vơ sầu,
Lẩn thẩn hẹn hò trăng, van vỉ gió.
Ấy mấy biết tình kỳ là nợ đó,
Uẩy thợ trời còn vẽ ra chi?
Thà ngu, thà ngốc, thà si”.
Mối quan hệ tình cảm gắn bó thân thiết giữa cô đào với những khán thính giả cũng được ví với mối quan hệ giữa tài tử với giai nhân. Không phải gỗ đá gì, các cụ xưa đến nghe hát ả đào cũng tình chán. Giá dĩ các cụ lại tự nhận mình là phong lưu công tử, là văn nhân thi sĩ, đem cái sắc đọ với cái tài, nên các cụ lại càng nồng nàn về tình lắm. Các cụ gặp gỡ cô đầu, tự tình cùng cô đầu, dan díu với cô đầu, chung tình với cô đầu, gắn bó keo sơn, nặng nhời thề thốt, những là túc trái với lại tiền nhân, rồi lúc hợp, kẻ ở người đi, các cụ cũng hoặc trách con người lẳng lơ phụ bạc, hoặc thương con người mảnh phận hồng nhan, hoặc khổ vì con người đã nhận làm ý trung nhân, nó khiến các cụ nhớ phỏng, sầu vơ, hẹn giăng, van gió, nó làm các cụ bứt rứt trăm đường, nghìn nỗi, nó lơ lửng trên các cụ thành ngây ngây, dại dại, chịu không sao rũ trắng được nợ tình. Như vậy, ngay từ thế kỷ XVIII, giữa ả đào và văn nhân đã nảy sinh mối quan hệ tình ái nam nữ, chứ không chỉ dừng lại ở quan hệ giữa người biểu diễn nghệ thuật với người thưởng thức đánh giá. Những mối tình giữa ả đào và văn nhân để lại nhiều giai thoại thú vị, được nhiều người biết đến nhất là câu chuyện của Nguyễn Công Trứ và cô đào Hiệu Thư. Thời trẻ, Nguyễn Công Trứ rất mê cô đào Hiệu Thư, nên xin làm kép đàn cho cô. Một hôm, ông theo cô đến hát ở một đám mừng. Đi đến giữa đồng, ông giả vờ bỏ quên dây đàn ở nhà, sai chú tiểu đồng quay về nhà lấy. Đi đến giữa đồng, chỉ còn hai người, Nguyễn Công Trứ thừa dịp buông lời trêu ghẹo, tán tỉnh, cô “ứ hự” tỏ ý không bằng lòng. Về sau, Nguyễn Công Trứ làm đến tổng đốc Hải Nam, nhân tiệc mừng sinh nhật có mời ả đào đến hát. Cô Hiệu Thư tuy đã đứng tuổi nhưng giọng hát còn hay, vẫn tới hát mừng. Trông thấy ông quan cầm chầu là anh kép ngày xưa đã trêu ghẹo mình, cô hát một câu mưỡu: “Giang sơn một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng”. Nguyễn Công Trứ lúc đó mới nhận ra cô đào ngày trước, thấy nàng vẫn chung thủy đợi mình, bèn cưới nàng làm thiếp. Qua khảo sát một số nguồn tư liệu, có thể khẳng định rằng người có nhiều giai thoại nhất với các đào nương chính là Nguyễn Công Trứ. Không chỉ nổi danh với câu chuyện tình giữa ông với nàng Sử - nàng Hiệu Thư lúc còn trẻ tuổi. Càng về già, ông càng mê hát: ra trận cũng có đào nương theo nên ông được tặng hai câu:
“ Tử sĩ tán dư trần tích kiếm
Ca nhi khiến hậu tuyết sinh tì”.
(Quân giặc tan rồi, gươm lấm bụi
Tiệc ca vừa mãn bạc phờ râu).
Trí sĩ ở núi Nài, đi đâu vẫn “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”, kể cả khi lên chùa.
Cụ Phan Bội Châu cũng từng viết về việc ấy:
“Hà như Uy Viễn tướng công thú,
Túy ủng hồng nhi thướng pháp môn”.
(Sao bằng cái thú ông Uy viễn,
Say, dắt đào nương tới cửa chiền”.
Ở tuổi 73, Nguyễn Công Trứ còn có tình ý với một bà trẻ, và có câu thơ nổi tiếng “Tân nhân dục vấn lang niên kỷ - Ngũ thập niên tiền nhị thập tam” (Nàng muốn hỏi tuổi anh – Năm mươi năm trước, tuổi mình hăm ba). Nhiều tài liệu cho rằng bà vợ hầu ấy là Phan Thị Bảo, một đào nương của phường hát Như Sơn, nay thuộc xã Thạch Hải (Thạch Hà). Nhiều tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát có nhắc đến mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa ả đào và văn nhân như là những cặp đôi tài tử - giai nhân. Theo Nguyễn Công Trứ, sự gặp gỡ này là do số phận, đã là tài tử - giai nhân ắt sẽ gặp nhau:
“Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên
Trong nhất kiến tình duyên như đã
Tỳ bà hữu hạnh phùng Tư mã
Quân tử đa tình cánh khả lân
Nọ mấy người tài tử giai nhân
Duyên chỉ thắm bỗng dần dẫn đưa lại
Dầu nghìn dặm băng sơn quế hải
Đã tình duyên se lại cũng nên gần
Liễu hoa vừa gặp chúa xuân
Châu Trần nào có Châu Trần nào hơn”
(Duyên gặp gõ – Thơ văn Nguyễn Công Trứ - tr.114)
Tác giả Cao Bá Quát cũng có chung quan điểm này:
“Tài tử giai nhân là nợ sẵn
Giải cấu nan là chữ làm sao?
Trải xưa nay chừng đã biết bao
Kìa tan hợp nọ khứ lưu đâu dám chắc.
Giai nhân khứ khứ hành hành sắc
Tài tử chiêu chiêu mộ mộ tình”.
Giai nhân vì nhan sắc mà luân lạc, tài năng của người tài tử rồi cũng chìm trôi, ít người nhớ đến, mối đồng cảm kì lạ ấy là sợi dây nối tơ duyên tài tử - giai nhân, một mối quan hệ đầy duyên nợ nhưng lại quá phong tình khó giữ cho bền chặt.
Bài Giáo phường phong cảnh ca của nhà nho Trần Trọng Nghĩa (người Hương Sơn, xuống ở Cổ Đạm) có đoạn nói về làng giáo phường xưa trong đó cũng nhắc đến mối quan hệ giữa ả đào và các quan viên.
“… Nhìn phong thủy cũng ra chiều thành quý,
Ngoài thị tứ thiếu chi là lịch sử,
Cầu đường quan xe ngựa vãng lai.
Tiếng phồn hoa gái sắc trai tài.
Náo nức những đào kia kép nọ.
Người mến cảnh quần quần áo đỏ,
Khách tìm hoa lọng tía dù xanh.
Đêm năm canh thấu tính tình tinh
Ngày sáu khắc rộn tiếng tùng cắc cắc.
Lấy tuyết nguyệt phong hoa làm bản sắc
Cuộc cầm kỳ thi tửu sẵn trò chơi
Âu ca cổ vũ nối lời.
Riêng ngày tháng một phương trời Thuấn Vũ…”
Theo tác giả Thái Kim Đỉnh, trong bài viết Một ít giai thoại và thi ca về đào nương xứ Nghệ [ 8, 433] trong số các vị “dân chi phụ mẫu” đến làm quan ở Nghệ Tĩnh không hiếm những danh sĩ thi nhân. Có những người đòi phường Cổ Đạm lên hát hầu, nhưng cũng có những người lặn lội đến tận nơi xem cảnh, tìm người… như Tri huyện Nghi Xuân Nguyễn Lương Hàn, Tuần phủ Hà Tĩnh Ưng Bình … và để lại cho phường một số bài ca. Thúc Gia Thụy Ưng Bình là một ông quan có tinh thần dân tộc và là nhà thơ mê ca hát. Khi ở Hà Tĩnh đi hát, ông viết một số thơ và bài hát nói cho đào nương, trong đó có nhắc đến mối ân ái, hợp tan, tan hợp giữa ả đào và những người thưởng thức:
“Tĩnh thành tam lão kim tượng biệt,
Dặm tràng đình chi xiết nỗi chia bâu.
Ngoắt ông xanh mà hỏi một vài câu,
Cơ tan hợp vì đâu nên nỗi thế?
Lách cũ vài hàng xem cũng ế,
Đồ xưa cao giá ít ai mua.
Lão lên non hành lạc, lão về chốn kinh đô,
Còn một lão đang tu chùa Cổ Đạm.
Khi viễn vông ngâm câu hoài cảm.
Băng ngọc hồ ta tạm gửi cho nhau.
Còn nhiều ân ái về sau.”
Có thể nhận thấy rằng đây là mối quan hệ khá phức tạp, khó tách biệt rạch ròi. Giữa lớp đào nương với lớp tao nhân mặc khách trong đám du khách (quan viên) thường có mối tình cảm đặc biệt không phải là tình trai gái, cũng tuyệt nhiên không phải là thứ tình nhục thể tầm thường, mà lại bắt nguồn từ sự đồng cảm về cuộc đời và nghệ thuật, mối tình đồng điệu “Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu” như cụ nghè- thi sĩ Chu Mạnh Trinh nói. Đó là sự giao hòa của những tâm hồn đồng điệu và cao thượng.
Nhờ có mối tình đồng điệu này mà có được cảnh tượng như câu thơ cụ Thượng Củng – Nguyễn Công Trứ.
“Bồng bềnh một chiếc thuyền lan
Một cô đào nhỏ một quan đại thần…”
Mà có hiện tượng “Bạch phát với hồng nhan”, “riêng một thú thanh sơn đi lại” trong bài hát nói của cụ nghè Dương Khuê.
Vì vậy, có mối tình trải qua năm tháng, hội ngộ, biệt ly như giữa thi hào Nguyễn Du với “ Người gảy đàn đất Long Thành” với “ Người đào hát cũ của em trai”, với “ Người đào hát La Thành”, mà giáo sư Vũ Ngọc Khánh gọi là “cô Nguyệt” và kể thành một giai thoại: Nguyễn gặp nàng trong một tiệc hát ở Cổ Đạm. Nàng có nhan sắc, hát hay và sống giang hồ, nhưng vẫn giữ gìn phẩm chất. Nhưng rồi nàng sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật, và mất ở một thành triều khẩu. Nguyễn hay tin lần sang thắp hương trước mộ nàng, rồi làm bài thơ điếu; có những câu thê thiết không chỉ khóc riêng nàng:
“… Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh
Chủng trung ưng tự hối phù sinh
Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng
Phong nguyệt không lưu túi hậu danh…”
Nguyễn Vũ Mỹ dịch:
“Cõi thế ai thương người bạc mệnh,
Dưới mồ riêng hối kiếp phù sinh.
Phấn son lúc sống chưa rồi nợ,
Trăng gió đời sau luống để danh…”
Tuy nhiên, cách nhìn đầy thương cảm, trân trọng đó không phải là thái độ của tất cả các nhà Nho. Chính trong mối quan hệ phức tạp giữa ả đào và các quan viên lại bộc lộ những thái độ, những cách nhìn khác nhau từ phía những người thưởng thức. Điều này sẽ được chúng tôi làm sáng tỏ hơn ở tiểu mục bên dưới.
2.2.2. Cái nhìn đa chiều từ phía người thưởng thức
Cái nhìn thiếu trân trọng, miệt thị từ phía nhà Nho:
Công chúng của ca trù là công chúng của một xã hội trọng văn chương. Nếu như đối tượng phục vụ công chúng của hát chèo, quan họ, ví dặm là đám đông, là nông dân thôn nơi thôn dã thì đối tượng của ca trù là giới nho sĩ, tao nhân mặc khách. Sinh hoạt ả đào cũng là một môi trường văn hóa đáp ứng nhu cầu tinh thần mà không có một hình thức sinh hoạt văn hóa đương thời nào khác có thể so sánh. Người đi nghe hát, khán thính giả chủ yếu là đàn ông. Họ trình bày cái nhìn mang tính chất hưởng thụ của người đàn ông đối với môn hát ca trù, đối với người ả đào. Một thú chơi phong lưu tao nhã. Tất nhiên, còn gì vui hơn, thích thú hơn được nghe hát và thưởng thức sắc đẹp, đôi khi cả tình yêu của các nữ diễn viên. Không chỉ thưởng thức tiếng đàn ca, sênh phách của các đào nương trên chiếu hát, nhiều mặc khách tao nhân còn tận hưởng vui thú đó trên một chiếc thuyền con giữa dòng sông tĩnh mịch vằng vặc ánh trăng. Một túi thơ, một bầu rượu cùng tiếng hát của các cô đầu đã đi vào thơ văn của biết bao thi sĩ:
“Giữa dòng sông tơ trúc vang lừng
Trên đỉnh núi cỏ hoa man mác.
Phong cảnh ấy nghìn vàng khôn đổi chác
Đủ giang sơn, phong nguyệt, cầm ca.”
(Ngắm trăng nghe hát trên sông – Vô danh – VNCTBK)
Trong khung cảnh hữu tình đó, được ngắm trăng nghe hát trên sông cùng người đẹp thì còn gì tuyệt bằng. Ngay trong bài thơ tác giả cũng có ý thể hiện khao khát có mối quan hệ tình ái với những cô đầu. Các từ “giang sơn”, “phong nguyệt” đều hàm nghĩa chỉ đôi nam nữ. Rõ ràng trong không gian sinh hoạt ca trù giữa ả đào và văn nhân đã nảy sinh những tình cảm đặc biệt và chắc chắn rằng hát ả đào là bộ môn nghệ thuật rất được các nhà Nho xưa ưa thích. Thế nhưng, các cô đào – chủ nhân cuộc hát lại không được nhiều nhà Nho xem trọng. Hầu hết họ xem ả đào là một phần của thú cầm ca, là thú vui, là công cụ phục vụ nhu cầu giải trí chứ không xem các cô đầu là con người có số phận, có cuộc đời riêng. Điều này dẫn đến quan niệm “xướng ca vô loài”, xã hội Việt Nam trung đại vốn có ý thức coi thường nghề ca xướng, miệt thị các nghệ sỹ; triều đình cũng quan niệm nghệ sĩ chỉ là kẻ để mua vui. Một quan niệm đạo đức Nho giáo đề cao trinh tiết, thủy chung như nhất của phụ nữ tất không dung nạp người ả đào nhan sắc thành tài sản chung cho mọi đàn ông có tiền (họ hay nói đến vàng, ngàn vàng, lạng vàng). Bởi thế người ả đào chưa bao giờ có được cái nhìn trân trọng trong xã hội Việt Nam cho đến tận hết thế kỷ XIX. Ca trù giống như các loại hình âm nhạc khác, không có vị trí xã hội vinh dự như văn học. Bởi văn học mở đường công danh cho đám sĩ tử, văn học dùng để thi cử chọn quan lại, người có tài, văn học được chọn để viết chiếu chỉ, văn học còn nuôi tâm lý thượng lưu: “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”. Và trong vai trò giáo hóa là “thi dĩ ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo”… người làm nghề ca hát bị cấm thi cử ở thời Lê Thánh Tông và luật Hồng Đức còn cấm quan lại và thuộc lại lấy vợ làm làm nghề hát xướng, nếu lấy thì xử phạt và bắt ly dị. Trong khi đó, nhu cầu mua vui tiềm tàng trong triều ngoại nội và các cuộc vui âm nhạc có từ người tự do đến đám quan lại, các nho sỹ yêu thích văn chương. Chính vì thế, các nhà nho đi nghe hát để thị tài, khoe tài, để thoả mãn nhu cầu giải trí của mình, tuy nhiên nhiều người trong số họ thể hiện rõ thái độ miệt thị, cái nhìn thiếu trân trọng đối với nhân vật ả đào. Thái độ ấy bộc lộ ngay từ cách gọi tên “con hát”, “bọn ca nhi”. Cách xưng hô như vậy thể hiện sự xem thường, khinh miệt của cả xã hội đối với những người làm nghề cầm ca trên chiếu hát. Từ phía người tiếp nhận, tác giả Nguyễn Đôn Phục cho rằng: “Hát cũng có mấy vẻ hay: một là vẻ sốc vác, tức là hát khỏe, hai là vẻ đài các, tức là vẻ lịch sự; ba là vẻ thảm thiết nấu nung, tức là vẻ buồn; bốn là vẻ tài tình, tức là vẻ đĩ, vẻ lẳng lơ” [Khảo luận về cuộc hát ả đào, Nguyễn Đôn Phục, [26, 110]. Qua cách phân chia ca trù thành “vẻ tài tình, tức là vẻ đĩ, vẻ lẳng lơ” cho thấy thái độ có phần thành kiến, khắt khe, không tôn trọng đối với chủ nhân bộ môn nghệ thuật này. Không chỉ dừng lại ở đó, trong xã hội còn có rất nhiều lời đố kỵ, dèm pha ca nương, coi người ca nương như “một vật mang họa”. Nào là: Nón chóp dứa vợ nhà trò, Quyển tịch nhân tình tận, nào là: lấy quan, quan cách…
Nhiều tài liệu cho rằng sự kỳ thị con hát bắt đầu trỗi dậy ngày càng sâu, theo chân sự hấp thu Nho giáo ngày càng nặng ở người Việt. Đến thời Lê Thánh Tông còn nặng nề hơn, nhà vua quy định lệ thi cử cấm con cái phường ca hát và bọn phản nghịch không được đi thi, gần như so con hát ngang với hàng tạo phản. Sự kỳ thị của vua quan lan dần xuống dân chúng. Vì thế con hát ngày càng bị khinh bỉ. Nhiều tài liệu cũng cho thấy nghề hát xướng không được tôn trọng và không có vị trí trong xã hội chủ yếu vì những lí do sau:
Ca hát là công việc không tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Theo dân ta thời đó, chỉ có nghề nông mới là có ích. Đến thợ thủ công còn chưa hẳn được coi trọng, huống hồ là bọn lái buôn, con hát.
Xã hội ta xưa quan niệm “lũ xướng ca vô loài là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đọa, chính sự sống của họ cũng không phải là sa đọa, mà chỉ vì những vai trò của họ đóng khi xướng hát: khi diễn xướng người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bày tôi quỳ lạy, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con... Tất cả cái vô luân là ở đây, ở đấy luân thường đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn."[6]
Hơn nữa nghề ca hát thường dễ sa vào mối quan hệ tình cảm nam nữ, đặc biệt khi đối tượng phục vụ chủ yếu của lối hát ca trù lại là giới đàn ông, những người có học, những kẻ lắm tiền nhiều của, thì mối quan hệ tình ái giữa ả đào và các quan viên là điều khó tránh khỏi. Lâu dần, người ta coi những đào nương, ca kỹ không khác gì các kỹ nữ.
Từ thời Lê Sơ trở đi, ca hát dần phổ biến như một hình thức nghệ thuật giải trí hấp dẫn đối với trí thức nhưng không được quan điểm chính thống xem trọng. Những người xuất thân con hát còn bị vùi dập nặng nề, có tài cũng không ra làm quan được. Một trong những trường hợp hiếm hoi ngoi lên từ nghề này là Đào Duy Từ. Cha mẹ là con hát, phải chạy chọt hối lộ để con được đi thi. Mẹ nhận lời cưới của viên trưởng xã để ông ta đổi tên cho Từ đi thi. Nhưng cuối cùng, viên trưởng xã tức giận vì mẹ cứ kiếm cớ từ chối mình, tấu lại sự thật cho quan trên, khiến Từ bị đánh trượt. Mẹ uất quá mà tự sát. Từ phẫn chí bỏ vào Nam theo chúa Nguyễn, sau trở thành “Ngọa Long” của đất Đàng Trong, giúp chúa Nguyễn xây dựng cơ sở bền vững đến chống Trịnh và cát cứ Đàng trong.
Ở Đàng ngoài, sau chuyện này, người ta mới bắt đầu hối tiếc, nhận ra sự phi lý của việc cấm con hát đi thi, nhưng cũng chưa chịu bỏ. Phạm Đình Hổ sau này chép trong Vũ Trung Tùy bút cũng phải nửa nuối tiếc, nửa đồng tình (vì Phạm Đình Hổ cũng là một nhà Nho.)
Tìm đến với chiếu hát ả đào được coi là thú vui của các quan lẫn trí thức, nhưng việc coi các cô là lăng loàn, đĩ thõa coi thường họ cũng là một thực tế.
Nguyễn Công Trứ rất thích hát xướng vì ông tìm thấy trong hát ca trù thú phong lưu, vừa được thưởng thức nghệ thuật ca hát lại vừa tự do tình ái với các cô. Nói cách khác là có nội dung kép trong thú hát của các nhà nho. Ta có thể thấy điều đó trong các sáng tác của Nguyễn Công Trứ. Trong bài Tài Tình ông viết:
“Thú tiêu sầu rượu rót thơ đề
Có yến yến hường hường mới thú
Khi đắc ý mắt đi mày lại
Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng”.
Nguyễn Công Trứ đến với cuộc hát ả đào để giải trí và cuộc vui ấy sẽ chẳng thú vị nếu không có các cô đào rót rượu đề thơ. Đặc biệt, buổi hát ấy cũng chẳng để lại ấn tượng gì sâu sắc nếu không có những cái “mắt đi mày lại” giữa ả đào với các quan viên. Còn gì thú hơn khi được sống trong không gian hành lạc có rượu, có thơ, có đào hát cận kề không ngớt tiếng sênh ca. Nguyễn Công Trứ công khai thông báo cho mọi người biết về những mối quan hệ tình ái giữa ông và các ả đào. Điều lạ lùng là ông có một số bài thơ đùa bỡn các cô ả đào không thật trân trọng. Tương truyền có rất nhiều giai thoại kể về mối quan hệ giữa Nguyễn Công Trứ với các cô đào. Các giai thoại thường kể, đi đâu Nguyễn Công Trứ cũng thường mang theo các cô đào theo hầu, dù là ra trận hay lúc vãn chùa. Có phải chỉ vì mê nghệ thuật hay còn thú nhục dục nữa ? Thật khó kết luận.
Với Nguyễn Công Trứ, ả đào vừa là nghệ sĩ đem lại cái hay, cái đẹp của nghệ thuật lại vừa là đối tượng tiêu khiển nhục dục, đây là một sự thật trong sự “tiết lộ” của Nguyễn Công Trứ:
“Lật đật qua đèo nóng nực thay
Hai cô thương đến lại cho giày
Ơn này biết lấy chi mà trả
Xin quỳ hai gối chống hai tay”
(Cảm ơn hai cô đầu – Tư liệu về NCT – Tr.198)
Chúng ta chú ý đến lối nói đùa ỡm ờ đầy ngụ ý “xin quỳ hai gối chống hai tay”- có lẽ trong cuộc đời thực, các cô ả đào đã thế nào đó để ông có thể đùa táo tợn đến như vậy. Sự thiếu trân trọng đã bộc lộ ở đây.
Không chỉ làm thơ trêu ghẹo các cô đào trẻ, mà ngay đến các cô đào già ông cũng bỡn cợt, tỏ rõ thái độ thiếu trân trọng trong từng câu chữ:
“Liếc trông đáng giá mấy mười mươi
Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười
Trăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết
Hoa tàn song lại nhị còn tươi
Chia đôi duyên nọ đà hơn một
Mà nét xuân kia vẹn cả mười
Vì chút tình duyên nên đắm thắm
Khéo làm cho bận khách làng chơi”
(Bỡn cô đào già – Thơ văn Nguyễn Công Trứ)
Ban đầu tác giả có ý trêu ghẹo cô đầu già nhưng vô tình làm họ bị tổn thương. Bởi khán thính giả chủ yếu của ca trù là giới đàn ông, họ đến cuộc hát không phải chỉ để nghe hát mà còn để thưởng thức sắc đẹp của các ca nhi. Vì thế các ả đào trẻ, có nhan sắc, có tài đàn hát chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn các khán thính giả đến nghe hát. Tuy nhiên dù nói thế nào thì khi đã về già, khi nhan sắc tàn phai, khi tiếng sênh ca không còn như trước nữa, chắc chắn họ sẽ phải chấp nhận một cuộc đời rất bấp bênh. Lúc đó, một vài khách làng chơi có tìm đến họ cũng chỉ vì một chút tình duyên xưa cũ mà thôi. Người ca nương lấy tài sắc, thậm chí dâng hiến cả tuổi thanh xuân để mua vui cho những người đàn ông lắm tiền nhiều của, nhưng những gì họ nhận được chỉ là cái nhìn khinh bỉ, coi thường của những khách làng chơi. Một sự hưởng thụ thanh và sắc say mê đến vô tư đến vô tình là tình trạng chung của các văn nhân tài tử trước người ca nữ.
Bản thân Nguyễn Công Trứ mê hát ả đào từ thuở thiếu thời, ông có quan hệ mật thiết với làng ca trù Cổ Đạm, một làng có truyền thống về nghệ thuật ca trù. Và đến hồi cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, nó đã trở nên rất phổ biến trong tầng lớp phong kiến, quý tộc và giới nho sĩ. Nhưng công khai nói ra thú chơi đó bằng thơ ca thì Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên. Rất nhiều các nhà nho đi hát có tình duyên với các cô đào nhưng tuyệt nhiên im lặng không nói câu nào trong thơ ca. Nhưng với Nguyễn Công Trứ thì khác, ông nói to sự thật hưởng lạc của thời đại, bởi lẽ đó là thực tế đời sống của nhiều người trong giới nho sĩ và quý tộc: “ Chơi cho lịch mới là chơi/ Chơi cho đài các cho người biết tay”. Ông cũng chủ trương nói thực với lòng mình, nên ông viết khá nhiều bài thơ và hát nói dành cho các cô đầu, các thê thiếp: ông bỡn cô đào già, ông thay người tiểu thiếp tự tình, ông cảm tác khi bỏ vợ lẽ, ông khoe khoang cảnh lậy vợ hầu khi đã vào tuổi thất thập cô lai hi… Ở tuổi 73 ông vẫn lấy một nàng hầu trẻ 17 tuổi (theo Thái Kim Đỉnh đó là một ca nữ) và tỏ rõ thái độ đắc ý:
“Xưa nay mấy kẻ đa tình
Lão Trần là một, với mình là hai
Càng già càng dẻo, càng dai”
(Tuổi già lấy vợ hầu)
Ông còn say sưa luận về chữ tình trong tiếng chát tom tom chát: “Đa tình là dở/ Đã mắc vào đố gỡ cho ra/ Khéo quấy người một cái tinh ma/ Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy/ Đã gọi người nằm thiên cổ dậy/ Lại đưa hồn đứng ngũ canh đi/ Nực cười thay lúc phân kỳ/ Trong chẳng nói xiết bao nhiêu biệt lệ/ Tình huống ấy dẫu bút thần khôn vẽ/ Càng tài tình càng ngốc càng si”(Chữ tình).
Chu Mạnh Trinh cũng say mê lu bù ở nhà hát, mỗi lần đi chùa Hương mang theo nửa tá cô đầu:“… Một thuyền đàn sách, lưng bầu gió trăng…”
Dọc đường thì “Suối khe thét nhạc, thông rừng dạo sênh” cho đến cả chốn thiền môn:
“… Lên chùa chân bước khoan khoan
Khi mô, mô Phật, khi tang, tang tình.
Thuyền nan một lá xinh xinh
Non non, nước nước, mình mình, ta ta!...”
Cao Bá Quát trước khi theo Lê Duy Cự “nổi loạn” cũng đã quen chân tới chốn bình khang và thực tế thì ông là một trong những tác giả quan trọng của thể loại hát nói.
Bài “Tự tình” của ông là sự phô lộ công khai nỗi sầu nhớ trong xa cách của kẻ đang yêu, và hẳn là nó được viết ra từ sự nồng nàn gắn kết giữa “thánh Quát” với một đào nương nào đó: “Giai nhân nan tái đắc/ Trót yêu hoa nên dan díu với tình/ Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh/ Rầu rĩ bấy xuân về oanh nhớ/ Phong lưu tài tử đa xuân tứ/ Tràng đoạn Tiêu lang nhất chỉ thư/ Nước sông Tương một dải nông sờ/ Cho kẻ đấy người đây mong mỏi/ Bứt rứt nhẽ trăm đường nghìn nỗi/ Chữ chung tình biết nói cùng ai/ Trót vì gắn bó một hai”.
Như vậy, không chỉ ngoài xã hội mà cả trong văn thơ, nhìn từ phía những người thưởng thức là các nhà Nho thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, họ đều xem ả đào là một phần của thú cầm ca, là thú vui giải trí thanh sắc chứ không phải là những con người có tâm sự, thân phận và cuộc đời riêng. Ngay cả với Nguyễn Công Trứ, một văn nhân say mê hát ả đào, gần gũi gắn bó mật thiết với các cô đào, thậm chí không ít thê thiếp của ông xuất thân là những ca nương, vậy mà ông cũng chỉ xem họ như là phương tiện, công cụ phục vụ nhu cầu giải trí, tiêu khiển lúc vui buồn. Điều đó cho thấy cái nhìn có phần thành kiến, khắt khe, thậm chí là miệt thị đối với người ả đào- chủ nhân của lối hát ca trù đã tồn tại trong tâm thức tiếp nhận của các nhà nho giai đoạn này.
Không chỉ có Nguyễn Công Trứ mà sau này trong các sáng tác của Dương Khuê, Nguyễn Khuyến cũng thể hiện rất rõ sự thiếu trân trọng với các ả đào. Dương Khuê cũng là khán thính giả thường xuyên của lối hát ả đào. Dương Khuê nổi danh là tác giả của rất nhiều sáng tác dành riêng cho các đào hát và những mối quan hệ đặc biệt với các ca nương. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ tôn trọng họ như những người tri kỷ mà chỉ xem họ như một thú vui, một trò tiêu khiển. Đào nương giống như một cung cụ giải trí, không có quyền mệt mỏi, không được sống với cảm xúc thật của chính mình. Thậm chí khi nhà có tang trở vẫn phải đàn hát, giả bộ tươi cười mua vui cho quan khách. Giai thoại kể lại rằng: Cô đào Hai có chồng cũng tên là Hai, quê ở Trung Kỳ, làm kép đàn. Kép Hai mới mất chưa lâu, cô Hai lấy cớ nhà có chuyện buồn, ngồi lâu không tiện, xin cho về sớm. Tác giả giữ cô lại, làm một bài hát nói để cô hát. Đặc biệt ngay từ câu mở đầu, khi nhắc đến người chồng mới mất Dương Khuê đã có ý đùa cợt:
“Hồng phấn kỷ nhân vi quả phụ
Bạch đầu nan lão Trác Văn Quân”
(Lâu nay son phấn (người đẹp) mấy người chịu làm góa phụ
Nàng Trác Văn Quân khó lòng ở vậy đến lúc bạc đầu).
Quả phụ Trác Văn Quân đã bỏ nhà trốn theo Tư Mã Tương Như. Dương Khuê không những không cảm thông, thương xót cho cuộc đời bất hạnh của người ca nữ mà còn bỡn nàng khó lòng chung thủy với chồng cho trọn vẹn.
“Nhân vong cầm tại
Nhớ chàng Hai mà hỏi lại cô Hai
Tiện đây hỏi một đôi lời
Đàn bản ấy cùng ai so phím cũ
Hồng phấn kỷ nhân vi quả phụ
Bạc đầu nan lão Trác Văn Quân
Thế thì khi gió gác, lúc trăng sân
Chừng Bạch tuyết, Dương xuân còn tưởng nhớ
Hãy ngồi lại hát chơi lúc nữa”
(Tặng cô đào Hai – Dương Khuê – VNCTBK – tr.404)
Đã đành là đùa, nhưng cách đùa cũng phản ánh từ đáy sâu tâm lí, họ thiếu tôn trọng những người ả đào. Dù rất yêu thích lối hát ca trù nhưng trong con mắt văn nhân, ca nhi chỉ giống như một công cụ phục vụ nhu cầu giải trí, không có quyền nghỉ ngơi, thậm chí khi bệnh tật, ốm đau họ vẫn phải gắng gượng phục vụ quan khách. Trong con mắt các văn nhân, đào nương chỉ là người đem lời ca tiếng hát, mua vui cho các quan khách chứ không xem họ như những bậc tri ân, tri kỷ. Thái độ coi thường ấy bộc lộ rất rõ trong bài hát nói “Thăm cô đầu ốm”. Đằng sau những câu hỏi thăm xã giao là yêu cầu đòi hỏi được phục vụ:
“Hãy tung màn gượng dậy làm vui
Tiện đây hỏi một đôi lời
Lòng chiều khách đã xuôi xuôi thế chửa?
Đàn cầm sắt gảy chơi khúc nữa
Rượu hoàng hoa còn chứa hay không?”
(Thăm cô đầu ốm – Dương Khuê – VNCTBK – tr.419)
Thông tin từ bài hát nói này tương đồng với chi tiết anh trai Nguyễn Du là Nguyễn Khản từng bắt cô đào có tang ở lại hát, không cho về. Điều đó cho thấy sự tiếp nối liền mạch trong tâm thức tiếp nhận người ả đào từ các thế kỷ trước vẫn còn ảnh hưởng rất sâu sắc đến cách nhìn nhận của các văn nhân giai đoạn này.
Từ một phương diện khác, trong mối quan hệ tình ái giữa ả đào và khách chơi, ca nữ bao giờ cũng là người chịu thiệt thòi, bất hạnh hơn cả. Đó có thể là sự chênh lệnh tuổi tác như trong Hồng Hồng Tuyết Tuyết, hay là sự nhớ nhung của cô đầu với tình quân (Tặng cô đầu Cần), hay là nỗi băn khoăn về mối tình lửng lơ, mơ hồ như trong Ở nhà hát ngẫu hứng và cũng có thể là tâm sự của cô đầu về ký ức những năm tuổi trẻ (Tặng cô đầu Phẩm)… Có thể nói dù ở hoàn cảnh nào trong mối quan hệ với các văn nhân, ca nữ cũng là người chịu thiệt thòi nhiều nhất nhưng cũng bị coi thường nhiều nhất.
Giống với Dương Khuê, Nguyễn Khuyến cũng bộc lộ thái độ thiếu tôn trọng, cái nhìn coi thường, miệt thị với những người làm nghề ca xướng. Trong bài hát nói “Cô Sen mơ bóng đè” tác giả không chỉ cười nhạo giấc mơ của cô đào Sen mà còn phê phán thói “õng ẹo”, lẳng lơ của các ả đào:
“Bóng người, người nghĩ bóng ta
Bóng ta, ta nghĩ hóa ra bóng người.
Tỉnh ra rồi mới nực cười,
Giấc hồ ai khéo vẽ vời cho nên.
Cô đầu Sen là người Thi – liệu
Cớ làm sao õng ẹo với làng nho.
Bóng đâu mà đè lên cô,
Bỗng thấy chuyện nhỏ to thêm thắc mắc.”
Trong không gian sinh hoạt ca trù, giữa ả đào và văn nhân đã nảy sinh mối quan hệ tình cảm đặc biệt nhưng trong tâm thức tiếp nhận của nhiều nhà Nho, ả đào chỉ được xem là công cụ phục vụ nhu cầu giải trí, là xướng ca vô loài. Tuy nhiên, bên cạnh cách nhìn xem thường, khinh miệt đó, một số tác giả lại bày tỏ niềm thương cảm chân thành với số phận của nhân vật ả đào - những kiếp người tài hoa nhưng bạc phận. Điều đó cho thấy cái nhìn đa chiều từ phía những người thưởng thức đối với thân phận của các kĩ nữ - ả đào.
Cái nhìn trân trọng, đồng cảm từ phía những người thưởng thức:
Các nhà Nho xưa tìm đến với lối hát ả đào để vượt ra khỏi vòng kiềm tỏa của xã hội phong kiến. Họ tìm thấy trong hình thức sinh hoạt ấy cái tư tưởng muốn thoát ra khỏi vòng bó buộc của luân thường, sự giam hãm của khoa cử, đường hẹp hòi của sĩ hoạn, khuôn phép của tinh thần Khổng Mạnh… Không chỉ say mê tiếng hát của các đào nương, nhiều người trong số họ còn đặt mình vào cương vị người ả đào để cảm thông, trân trọng và cất lên tiếng nói nhân đạo sâu sắc.
Một trong những nhà nho như thế là tác giả Phạm Đình Hổ. Trong tập thơ Đông dã học ngôn thi tập, Phạm Đình Hổ đã thể hiện một cảm xúc liền mạch, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của ông tới thân phận của những người phụ nữ nói chung và số phận của các ả đào nói riêng. Đặt mình vào vị trí của các ca nhi, cảm thông với thân phận của ca nữ là cảm hứng chung của tác giả khi viết về những con người là nghề cầm ca. Tiêu biểu cho mạch cảm xúc ấy là hai bài Tiểu cơ ca (Con hát nhỏ) và Cựu cơ ca (Con hát xưa).
Ở bài Tiểu cơ ca là niềm thương cảm đến xót xa của tác giả với người ca nữ nhỏ ở độ tuổi mười hai:
“Doanh doanh nhị lục thùy gia nữ
Độc hướng phong tiên vũ Sở yêu
Vân nguyệt song nga sơ xước ước
Hương tùy tiêm bộ ám yêu kiều”
Dịch nghĩa:
“Cô bé mười hai đẹp nõn nà
Một mình uốn lượn múa rồi ca
Mày non mây thấm xanh mươn mướt
Gót ngọc hương theo dáng điệu đà”
Vẻ đẹp của người ca nữ nhỏ được miêu tả với vẻ đẹp kiêu sa trong từng điệu múa, lời ca. Để làm vừa lòng khách làng chơi, cô bé say sưa, chau chuốt trong từng cử chỉ, dáng điệu, chăm chút tới từng chi tiết nhỏ nhất:
“Bình sinh vị giải chu nhan ngộ
Trang bãi do căng thúy tụ kiều”
(Bình sinh không hiểu tâm can khách
Chau chuốt còn lo vạt áo sa).
Tác giả thương cảm cho thân phận của người ca nữ nhỏ, cô bé ngây thơ, cố gắng đem hết tài năng và nhan sắc phục vụ trong các cuộc hát, mà chưa hề nghĩ tới tương lai bất hạnh của những kiếp cầm ca. Trong số những quan văn đến nghe cô hát, liệu có bao nhiêu người hiểu được những cố gắng thầm lặng của cô và liệu có ai trong số họ sẽ đồng cảm và đưa cô ra những cuộc vui ấy. Dường như đó cũng là nỗi niềm xót xa của tác giả cho số phận của người ca nữ, dù có trong sáng và nỗ lực đến đâu cũng không thoát khỏi kết cục bi thảm, sẽ bị chìm đắm trong bể khổ không người cứu vớt:
“Thế lộ du du thanh nhãn thiểu
Phất huyền thùy vị thoát ngân điêu”
(Đường đời dặc dặc ai là kẻ
Cởi áo ngân điêu chuộc bé ra).
Không chỉ thương cảm cho thân phận của người ca nữ nhỏ, Phạm Đình Hổ còn bày tỏ sự quan tâm của ông với các ả đào xưa – những người đã chứng kiến và trải qua biết bao sự thay đổi của thời cuộc, đã từng đi qua một thời vàng son và phải sống cuộc đời phiêu bạt ở hiện tại:
“Chức cẩm phường đầu thị thiếp gia
Thử sinh khởi liệu ngộ trâm thoa
Phủng trang cực lệ Tuyên phi viện
Án phách tân truyền Lại bộ ca
Tang hải kỉ hồi kinh nhập mộng
Quần thoa vô kế mạn tùy ba
Bất tri Liên Thụy cung tiền nguyệt
Niên khứ niên lại giảo nhược hà”
(Cựu cơ ca)
Dịch thơ:
“Nhà em ngay ở đầu phường
Phận trâm thoa để dở dang kiếp này
Cung Tuyên phi ấy dâng khay
Vì quan Lại bộ trổ tài cầm ca
Bể dâu trong mộng xót xa
Phận hèn cam chịu sóng xô gió đùa
Năm qua, tháng lại bây giờ ra sao?”
(Con hát xưa)
Thấu hiểu cuộc đời của các ả đào, tác giả bày tỏ niềm xót xa, thương cảm cho thân phận hèn mọn của những ca nhi. Không giống với các nhà nho khác cùng thời thường có cách nhìn miệt thị, xem ca nhi chỉ là “bọn con hát” phục vụ nhu cầu giải trí; Phạm Đình Hổ thể hiện sự trân trọng, cảm thông với thân phận của những kiếp cầm ca.
Tuy nhiên, người đồng cảm với thân phận của những kĩ nữ - ả đào sâu sắc nhất phải kể đến Nguyễn Du. Tấm lòng thương cảm ấy được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ sáng tác của ông, bao gồm cả thơ chữ Hán và thơ Nôm. Chứng kiến cảnh đời bấp bênh, phiêu bạt, không ổn định của những kỹ nữ - ả đào, nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du thể hiện niềm xót xa đến tột cùng. Giai thoại gắn với bài Điếu La Thành ca nữ giả được Vũ Ngọc Khánh kể lại trong Ba trăm năm lẻ: “Nguyễn Du đã ghé Cổ Đạm nhiều lần, làm quen với nhiều đào nương nổi tiếng, trong đó có nàng Nguyệt (…) cố Nguyệt không họ hàng gì với ông. Ông chỉ biết nàng trong một tiệc đàn ở Cổ Đạm. Cô gái ấy có giọng hát hay, sắc đẹp quyến rũ, một cuộc sống giang hồ trôi nổi nhưng vẫn giữ được phẩm chất. Con người ấy đã mất trong cảnh nghèo nàn khốn khó, không người chăm sóc lúc ốm đau (…) Nguyễn Du sang thôn Triều Khẩu, hỏi thăm và viếng nàng một bài thơ. (Ba trăm năm lẻ, tr.100, tr.119). Điếu La Thành ca nữ giả là lời than khóc của Nguyễn Du cho số kiếp bạc mệnh của đào Nguyệt:
“Non bồng sa xuống một cành xinh
Sắc đẹp màu xuân nức sáu thành
Cõi thế ai thương người bạc mệnh
Dưới mồ riêng hứa kiếp phù sinh
Phấn son lúc sống chưa rồi nợ
Trăng gió đời sau luống để danh
Ỹ hắn trần gian không kẻ biết
Suối vàng làm bạn với Kỳ Khanh”.
(Bản dịch thơ)
Không chỉ thương cảm cho phận bạc của người ca nữ đã mất, với những ca nhi vốn là các đào hát nổi danh một thời, nay đã về già phải chấp nhận cuộc sống cực khổ cũng được tác giả nhắc tới với tấm lòng đầy cảm thương. Đối lập với quá khứ vàng son, khi thời thế đổi thay, khi nhan sắc tàn phai, cô đào Cầm phải chịu cảnh lưu lạc, nghèo khổ, không nhà, không người thân. Cảm thương cho số phận của người ca nữ bất hạnh là mạch nguồn cảm xúc chính để Nguyễn Du làm bài thơ Long thành cầm giả ca. Mùa xuân năm 1813, Nguyễn Du được tham dự một tiệc hát bên Hồ Giám. Trong số những ca nữ được mời đến góp vui hôm đó có một ca nữ già, nhan sắc tuy đã tàn phai nhưng tiếng đàn tuyệt kỹ. Tiếng đàn đặc biệt đó khiến Nguyễn Du nhận ra người ca nữ đó chính là cô Cầm – danh ca nổi tiếng một thời. Chứng kiến sự tiều tụy của người ca nữ năm xưa, Nguyễn Du cảm thương mà làm bài ca này. Phần nguyên dẫn trước khi vào tác phẩm ông viết: (Dẫn theo Vũ Ngọc Khánh“Tôi không biết nàng là ai nhưng nghe tiếng đàn thì dường như đã quen biết, nên động lòng thương. Tiệc xong, hỏi thì chính là người xưa đã gặp. Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế! Tôi bồi hồi không yên, ngẩng lên cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay. Người ta trong trăm năm, những vinh nhục buồn vui thường không lường được” [22, 151]. Nếu trong quá khứ, cô Cầm là một giai nhân nức tiếng ở đất Long thành:
“Long Thành nức tiếng giai nhân
Họ tên không nhớ, Nguyễn Cầm nổi danh
“Cô Cầm” quen gọi trong thành,
Khúc cung phụng cũng tài lành hơn ai.
…
Mới chừng 21 tuổi xuân,
Áo hồng ánh mặt bội phần đẹp xinh”.
Và nổi danh với tài đàn hát tuyệt kỹ, làm đắm say cả các tướng lĩnh Tây Sơn:
“ Người nghe mê thích vô cùng
Đó là những khúc nhạc trong Trung Hòa
Tây Sơn quan khách tiệc hoa
Mải vui quên cả tiếng gà tan canh
Đua nhau gieo thưởng tranh giành
Tiền coi như thể bùn tanh khác gì”.
Tuy nhiên đó chỉ là những hình ảnh huy hoàng trong quá khứ, hiện tại khi nhan sắc phai tàn, khi thời thế thay đổi, cô Cầm của ngày xưa đang dần bị đi vào quên lãng. Hiện thực phũ phàng đối lập hoàn toàn với những ánh hào quang rực rỡ của một thời đã qua:
“Tiệc hoa đủ mặt những hoa
Phía sau có một bóng già hoa râm.
Rõ ràng khô héo sắc thần,
Đôi mày liễu úa, vóc thân mai gầy.”
Không chỉ cảm thông, xót xa cho cuộc đời gian truân của cô đào Cầm, Nguyễn Du còn khóc thương và bày tỏ nỗi niềm buồn thương của mình với thân phận nhân vật ả đào nói chung.
“Trăm năm chớp mắt có gì đâu
Truyện cũ thương tâm nhỏ lệ sầu
Từ lánh về Nam đầu đã bạc
Giai nhân nhan sắc cũng phai màu”.
Tấm lòng nhân đạo và cảm hứng về người kĩ nữ ấy xuất hiện xuyên suốt trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du. Hình ảnh của Thúy Kiều, Đạm Tiên trong Đoạn trường tân thanh là hình ảnh của những kỹ nữ - mang dáng dấp ả đào được Nguyễn Du trân trọng, bênh vực. Thúy Kiều có đầy đủ các yếu tố của một kỹ nữ: có tài đàn hát lại từng sống trong các thanh lâu, kỹ viện. Tuy nhiên khi viết về Thúy Kiều, Nguyễn Du lại hướng sự quan tâm, đồng cảm đến thân phận của những con người đang bị cả xã hội coi khinh và lên tiếng bênh vực:
“Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều
Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm
Lấy tình thâm trả nghĩa thâm
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời”
Không thể phủ định rằng trong xã hội phong kiến phương Đông có rất nhiều lí do hiện thực đã đẩy cuộc đời các kĩ nữ vào chỗ bi kịch. Trước hết là cách nhìn của xã hội Nho giáo hóa khinh bỉ họ, xem là xướng ca vô loài. Rồi bản thân nghề nghiệp của họ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lấy nhan sắc và tài năng ca hát làm chỗ dựa cho sinh kế, tuy nhiên khi nhan sắc phai tàn, khi giọng hát đã suy giảm, họ phải chấp nhận kiếp sống bấp bênh, lưu lạc. Chứng kiến sự thật này khiến nhà thơ nghĩ đến một định mệnh, một bất hạnh như là quy luật không thể tránh khỏi của lớp người tài sắc, tài tình. Thấu hiểu thân phận của những người làm nghề ca xướng, sau Truyện Kiều, cảm hứng về nhân vật kĩ nữ một lần nữa được nhắc lại trong Văn tế thập loại chúng sinh:
“Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp
Liều tuổi xuân buôn bán nguyệt hoa.
Ngẩn ngơ khi đã về già
Ai chồng con tá, biết nhờ cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đá
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”
Mệnh đề hồng nhan phận bạc ấy được Nguyễn Du đặc biệt nhấn mạnh với thân phận của những kĩ nữ - ả đào. Trong Truyện Kiều rất nhiều lần Nguyễn Du nhắc đến nỗi bất hạnh mà người tài sắc phải gánh chịu:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
“Thương thay cũng một thân người
Khéo thay mang lấy sắc tài làm chi”
“Nghĩ đời mà ngán cho đời
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”.
Người phụ nữ tài sắc không chỉ làm cung phi, làm món mồi tranh đoạt của bọn quyền quý. Họ còn đem tài sắc phục vụ nhu cầu ăn chơi giải trí của bọn đàn ông và làm thành một lớp người đặc biệt trong xã hội được gọi là đào nương, ả đào, cô đào. Sống bằng lời ca tiếng hát, những phụ nữ gọi là ả đào đã bán tài hát hay, đàn ngọt của mình, thậm chí phải “mắt đi mày lại” với khán thính giả đàn ông để rồi không ít người trở thành vợ thiếp - vợ nhỏ. Và cái kết cho họ bao giờ cũng là cuộc sống cực khổ, cô đơn và bất hạnh, thậm chí có người phải bỏ mạng trong cảnh nghèo đói, bệnh tật, không cửa không nhà. Không chỉ cảm thông với thân phận của những phụ nữ tài sắc, Nguyễn Du còn nhìn thấy nơi họ một sự tương đồng với thân phận của những nhà thơ như mình. Viết Độc tiểu thanh kí Nguyễn Du đã nhìn thấy thân phận mình trong thân phận nàng Tiểu Thanh – nhân vật mang dáng vẻ là một kĩ nữ. Tiểu Thanh tài tình nhưng bất hạnh chết yểu. Nguyễn Du liên tưởng đến thân thế của chính mình và những người làm thơ văn nghệ thuật, một thứ thơ văn không phải để lập thân, nói chí, giáo huấn mà để bộc lộ cảm xúc. Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh nhưng lại nghĩ đến mình: “ Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như?” (Độc Tiểu Thanh kí). Có thể suy đoán rằng triết lý “tài mệnh tương đố” được bắt nguồn từ những quan sát và suy ngẫm lâu dài của Nguyễn Du về thân phận những người phụ nữ nói chung và nhân vật ả đào nói riêng mà ông đã có dịp chứng kiến ngay trong gia đình mình và bắt gặp đâu đó trên đường đời. Nhân vật ả đào vừa mang những đặc điểm nghề nghiệp riêng có, vừa có nét tương đồng với nhân vật phụ nữ nói chung. Chỉ có họ, với nghề nghiệp ca múa giải trí, mới có cơ hội quen biết, giao lưu tình cảm với các văn nhân nho sỹ, trở thành nhân vật tài sắc nổi bật trong văn học. Sự bạc mệnh là mệnh đề chung của mọi nhân vật phụ nữ cùng thời nhưng đặc biệt tập trung vào nhân vật ả đào – kĩ nữ. Viết về họ, bao giờ Nguyễn Du cũng thể hiện sự cảm thông, trân trọng đầy thương cảm. Chính tấm lòng yêu thương, đồng cảm ấy cho thấy Nguyễn Du có tầm nhân bản cao hơn các nhà Nho khác.
[1] Trích ở bài Trăm năm ai chẳng bạc đầu (Mưỡu), tương truyền của cụ Dương Khuê Vân Đình
[2] Trích ở bài Đường sĩ hoạn lẽ công cho chính, bài cổ, không truyền của ai.
[3] Trích ở bài Thế nhân mạc oán tài tình lụy bài cổ, không truyền của ai
[4] Trích ở bài Ngó lui ngó tới tương truyền của cụ Dương Khuê Vân Đình
[5] Trích ở bài “Đa tình mới dữ”, bài cổ không truyền của ai.
[6] Toan Ánh, Phong tục Việt Nam, Khai Trí, 1969, tr.429