Những góc nhìn Văn hoá

Chủ nghĩa hiện đại như là sự phủ nhận và những tranh luận trong một cuộc thơ

Vừa qua Viện Văn học Việt Nam tổ chức toạ đàm về “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều”. Trên blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có bài tham luận của Đỗ Quyên về thơ hiện đại Việt Nam, trong đó có đưa ra câu hỏi “Có hay không chủ nghĩa thơ hiện đại Việt Nam?” và tác giả đã khẳng định ngay ở phần mở đầu rằng có tồn tại một thực thể gọi là chủ nghĩa hiện đại ở Việt Nam, và chủ nghĩa này thể hiện rõ nhất trong thơ, chứ không phải trong bất kỳ thể loại nào khác, không ở trong tiểu thuyết cũng chẳng ở trong hội hoạ.

Cơ sở mà tác giả đưa ra để bảo vệ cho lập luận của mình là: thơ Việt Nam đủ chất lượng nghệ thuật và tầm vóc số lượng (nghĩa là hay và nhiều) thể hiện qua Thơ Mới, thơ chiến tranh cách mạng, thơ hậu chiến, thơ miền Nam giai đoạn 1954-1975. Bài viết của Đỗ Quyên cung cấp một cái nhìn lộn xộn về  chủ nghĩa hiện đại, chúng tôi không có ý đi sâu phân tích tham luận đó mà chỉ muốn làm rõ hơn khái niệm chủ nghĩa hiện đại mà thôi.

Trước hết cần phân biệt giữa hiện đại và chủ nghĩa hiện đại. Hiện đại (modernity) để chỉ một giai đoạn phát triển trong lịch sử loài người. Ở phương Tây, thời kỳ hiện đại để chỉ giai đoạn chế độ phong kiến chấm dứt và chuyển sang chủ nghĩa tư bản. Có nhiều mốc thời gian để đánh dấu cho giai đoạn này. Các nhà sử học  thường lấy mốc năm 1453, khi đế chế Byzantin sụp đổ trước sức mạnh của đế chế Ottoman, trung tâm Chính thống giáo ở Constantinople dịch chuyển về Moskva, hoặc lấy mốc Christophe Columbus phát hiện ra châu Mỹ năm 1492, hay cuộc cải cách Tin lành năm 1517 do Martin Luther khởi xướng. Hiện nay, giới sử học lấy mốc chung là năm 1500 làm điểm mở đầu của thời hiện đại …Về mặt kinh tế xã hội, thời kỳ hiện đại được khắc hoạ bởi sự phát triển của công nghiệp hoá với phương thức sản xuất cũng như quan hệ tư bản, sự bùng nổ của đô thị hoá là một trong những hệ quả của quá trình này. Về mặt văn hoá, thời kỳ hiện đại nuôi dưỡng trong nó sự đột phá của khoa học và các dòng tư tưởng mới. Trong khi đó chủ nghĩa hiện đại (modernism) xuất hiện ở vào giai đoạn cuối của thời kỳ hiện đại (đầu thế kỷ XX), tức là khoảng 500 năm sau khi phương Tây trải nghiệm các cung bậc khác nhau của thời hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại chính là hệ quả tư duy của thời kỳ hiện đại, trong làn sóng phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản và công nghiệp hoá, là những suy tư trước các dòng tư tưởng của chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực…

Chủ nghĩa hiện đại có nguồn gốc, diện mạo và gương mặt riêng của nó. Anthony Giddens, người hay được trích dẫn trong các công trình nghiên cứu về chủ nghĩa hiện đại cho rằng điều kiện tiên quyết cho sự ra đời của thời kỳ hiện đại là chủ nghĩa tư bản và công nghiệp hoá[1], còn chủ nghĩa hiện đại là tiếng nói thể hiện “mối lo ngại và sự thù ghét…là hình thức phê phán thời kỳ hiện đại, do đó, chủ nghĩa hiện đại chính là sự đối lập, phản kháng lại hiện đại, mặc dù nó là một phần không thể tách rời khỏi hiện đại”[2]. Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật có những đặc trưng cơ bản như tính thẩm mỹ tự thân, không mang tính đại diện, không theo quy luật thông thường, có xu hướng thể hiện cảm giác tiêu cực như lo lắng, xa lánh, cô độc, chán ngán. Chủ nghĩa hiện đại chính là sự phản kháng lại thực tiễn hiện đại, là sự nổi loạn và mong muốn thay đổi. Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện đại lại là con đẻ của thời hiện đại, do đó nó là sự giằng xé giữa những đột phá và kế thừa, là niềm hoan ca sáng tạo nhưng đồng thời là sự bối rối của bế tắc sáng tạo. Chủ nghĩa hiện đại hướng tới sự phủ định bằng những hình thức thể hiện khác biệt. Đó có thể là những hình thức hoàn toàn mới, là sự phá bỏ kết cấu cũ hoặc cách nhìn cũ, hoặc với sự hỗ trợ của các phương tiện, công cụ mới như trong đa phần các  trào lưu của chủ nghĩa hiện đại như nghệ thuật đa đa, vị lai, tượng trưng, ấn tượng.. hoặc quay trở lại với những hình thức sơ khai với chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) hay nguyên sơ (primitivism).

Có thể nói, chủ nghĩa hiện đại ra đời trong lòng xã hội tư bản, ở vào thời kỳ phát triển cao nhất của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc. Nó thể hiện một thái độ tiêu cực hơn là tích cực, nó là một nỗ lực phủ định hơn là mong muốn đồng thuận. Vậy thì nó có gì giống với thơ ca Việt Nam vốn gắn liền với chủ nghĩa anh hùng cách mạng được sáng tác bằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong hào quang của quá khứ hào hùng? Liệu có thể ví một gã trai trải đời sảnh sỏi, ôm trong lòng nỗi chán ngán sau những cuộc rượu chè bất tận và muốn làm lại cuộc đời với một chàng trai quê bỡ ngỡ bước ra chốn thị thành? Không phải cái gì của Tây cũng là hay là tốt mà ta bắt buộc phải có. Cụ Ngô Đức Kế đã từng nhắc thói xấu của người Việt Xấu làm tốt, dốt làm thông, mượn văn minh của người mà trang sức bề ngoài, bất chấp cái văn minh ấy nó có phù hợp hay không.



[1] Anthony Giddens, Modernity and Self-Identity: Self and Society in the Late Modern Age, Stanford University Press, 1991, California, 15

[2] Lingchei Letty Chen, Reading between Chinese modernism and modernity: a methodological reflection, Chinese Literature: Essays, Articles, Reviews, 24 (2002)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570180

Hôm nay

2216

Hôm qua

2367

Tuần này

22563

Tháng này

228704

Tháng qua

129483

Tất cả

114570180