Những góc nhìn Văn hoá

Giới thiệu tác phẩm Lại An quan dân lạc nghiệp sách của Hà Tông Huân

Hà Tông Huân là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, sinh năm 1697, quê ở Núi Vàng, xã Kim Vực, phủ Thiệu Hóa (nay thuộc xã Yên Thịnh, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa).

Hà Tông Huân là một trọng thần của triều đình, đã được cử nhiều chức vụ khác nhau như tham gia soạn sử, dạy học ở trường Quốc tử giám, làm Đốc đồng, Đốc trấn, Hiến sát...

Ông mất tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766), thọ 70 tuổi.

Ông sáng tác nhiều, nhưng tác phẩm còn lại rất ít, nhưng rất quý, trong đó có tác phẩm Lại an dân quan lạc nghiệp sách (Sách lược về việc vỗ yên quan dân an cư lạc nghiệp). Đây là kế sách trị nước bình thiên hạ mong cho dân chúng ấm no nước nhà giàu mạnh, thể hiện được tầm vóc trí tuệ và nhân cách cao cả của Hà Tông Huân. Dân là gốc của nước, nhà vua phải tu dưỡng bản thân noi theo các bậc tiên hiền, yêu dân như con, dốc lòng chăm lo chính sự, thưởng phạt nghiêm minh. Được vậy ắt mở thời thịnh thế, non sông vững bền, muôn dân an cư lạc nghiệp.

Tác phẩm được chép trong cuốn sách Hàn các văn thể trình thức 翰閣文體程式kí hiệu A.281 hiện đang được bảo quản trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách viết tay bằng chữ khải sạch đẹp, dày 226 trang, cỡ 32 x 22cm. Nội dung bao gồm những bài văn trúng cách trong các khoa thi Hội đời Lê, làm theo nhiều thể loại như phán, ca, tụng, tán, châm, minh, hịch, dụ, văn, bạt, sách, biện, thuyết, kí, chiếu, biểu, chế, luận, thơ, phú... với khá nhiều đề tài phong phú lấy trong các sách kinh điển của Nho gia hoặc bàn về các vấn đề chính trị, đạo đức, kinh tế... Dưới mỗi tác phẩm đều có ghi tên tác giả rất rõ ràng.

Phiên âm:

LẠI AN QUAN DÂN LẠC NGHIỆP SÁCH

Thịnh đức vạn vạn niên chi nguyên

Tuế tại Quý Tị nguyệt tại Ất Mùi nhật tại Nhâm Tuất

Thần cảm bất tinh bạch nhất tâm.

Dĩ thừa hưu mệnh nhi vi chi sách hồ

Thần thiết văn quan nãi trị đạo chi nguyên đắc kỳ nhân tắc vô khoáng quyết chức. Dân nãi vi quốc chi bản, an kì bản tắc hàm toại kì sinh. Vi dân thượng giả khả bất mệnh quan vi chi bản hồ. Đế Thuấn chi thời, quan hữu Tứ Nhạc thập nhị mục nhi lê dân mẫn đức. Thành Chu chi thời quan tằng tam bách lục thập viên thuộc nhi triệu dân phụ thành. Tự đế vương dĩ viễn nhi năng hưng đế vương chi công, cổ chi nhân hữu hành chi giả. Hán Văn đế dã quan kì cung tu huyền mặc, tướng tướng giai cựu công thần, trừng ố vông Tần chi chính. Ô hô nhân tai! Nhiên nhân xứ do hữu khước thiên. Lại tuy an kì quan hĩ, đán chính danh vị biên Giả sinh chi sơ. Dân tuy lạc kì nghiệp hĩ, đán gia giáo vị kê Khổng thánh chi ngôn. Tốt sử công khanh dĩ hạ tranh sự xa xỉ, dân sinh thị phú, vong tứ kiêu dâm. Thử thiên hạ sở cộng kiến, thị phi kì minh nghiệm da. Toán kế kiến hiệu, ưu ư Hiếu Văn giả. Thân ư quốc triều quan thần hữu vọng yên. Hồng duy Thái Tổ Cao Hoàng đế dĩ nhân nghĩa lập quốc dữ khai quốc công thần hiệp tâm phù tá, thiết quan hữu luân, an dân hữu đạo nhi lại xứng an dân chi hiệu dĩ.

Kiến ư sáng nghiệp chi sơ, liệt thánh hoàng dĩ trung hậu truyền gia, kị thân huân đại thần, đồng tâm di lượng, nhân quan dĩ tài, hoài dân dĩ nhân nhi sử an dân ninh chi hiệu. Hiệu kiến ư thủ thành chi hậu, ưu nguyện hoàng thượng bệ hạ mục mục kì đức dực kì tâm, đồng chỉnh quan phương cần tuất dân ẩn. Ngoại nhậm mỗ viên hữu chính tích giả, trừ kinh quan các xứ, hữu hà chính nhiễu dân giả tắc bất dung chi. Như thử tắc duy khâm nhược, duy dân tòng tòng, bách công doãn ly, triệu dân doãn thực. Dân tâm duyệt thiên ý đắc, dân tâm cố quốc bản ninh. Ức vạn niên duy đế vương chi nghiệp tín hồ kì bất bạt hĩ.

Thần cẩn sách

Dịch

Sách lược về việc vỗ yên quan dân an cư lạc nghiệp

Kỉ nguyên thịnh đức vạn vạn năm

Ngày Nhâm Tuất tháng Ất Mùi năm Quí Tị

Thần dám đem tấm lòng còn nhiều sơ sót, vâng mệnh vua làm bài sách rằng

Thần trộm nghe:

Quan lại là ngọn nguồn của đạo trị quốc, tìm được người xứng đáng thì không bỏ phí chức vụ. Dân là gốc của nước, yên được gốc nước thì mọi thứ đều tươi tốt sinh sôi. Làm người cai trị dân chúng há có thể không lay quan lại làm gốc sao? Thời đế Thuấn quan chức chỉ có Tứ nhạc Thập nhị mục(1) mà dân đen mến đức. Thời Thành Vương nhà Chu quan có ba trăm sáu người mà(2) muôn vạn dân chúng được sung túc. Từ chuyện của các bậc đế vương thời xưa mà có thể chấn hưng cơ nghiệp đế vương, người xưa đã có người làm rồi. Như Hán Văn Đế vậy(3), xem việc ông bỏ công tìm hiểu đạo trầm tĩnh vô vi, triền thần văn võ đều là cựu thần, vứt bỏ chính sách mất nước đời Tần. Ôi nhân thay! Nhưng điều nhân này còn có điểm thiên lệch. Quan lại tuy giữ yên chức vụ xong chính danh không vượt quá được bản tấu của Giả Sinh(4). Dân tuy an cư lạc nghiệp song việc giáo hóa không đạt được như lời đức Thánh Khổng. Cuối cùng làm cho từ bậc công khanh trở xuống đua nhau xa xỉ, dân chúng ưu giàu, buông tuồng phóng túng cuồng vọng dâm loạn. Điều đó cả thiên hạ đều cùng nhìn thấy, đúng sai rõ rành rành. Mưu việc phải xem hiệu quả, tài giỏi thay Hiếu Văn đế(5). Chốn thâm sâu giữa quốc triều, vua tôi đều trông ngóng. Lớn lao thay có Thái Tổ Cao Hoàng đế dùng điều nhân nghĩa để dựng nước cùng các bậc khai quốc công thần chung lòng phò tá, đặt ra thứ bậc chức quan, thực thi phương sách an dân mà đạt được hiệu quả quan viên xứng với chức vụ, nhân dân yên ổn vậy.

Xem lúc khởi đầu sáng lập cơ nghiệp, các vị thánh hoàng đều lấy đức tính trung hậu truyền trong gia đình, có các vị đại công thần thân thuộc chung lòng kính ngưỡng, dùng tài năng để làm quan, lấy đức nhân để chăm dân mà đạt được hiệu quả quan dân cùng yên ổn. Lại xem lúc sau này giữ gìn thành quả, rất mong hoàng thượng bệ hạ đức sáng rạng rỡ, tấm lòng phấn chấn, chăm chỉ chính sự, ân cần thương xót những nỗi khổ của dân chúng. Những quan viên ở ngoài có được công lao thì được phái tới kinh thành các xứ nhậm chức, nơi nào chịu nạn hạn lụt thì miễn giảm tô thuế, viên quan nào nịnh nọt hãnh tiến ắt phải trừ đi, có kẻ thi hành chính sách hà khắc nhũng nhiễu dân chúng thì quyết không dung tha. Như vậy tuân theo mệnh vua, dân chúng tin về, trăm nghề phồn thịnh, muôn dân no ấm.

Lòng dân vui được thiên ý, lòng dân vững vàng gốc nước bình yên. Cơ nghiệp đế vương triệu vạn năm tin rằng không thể lay chuyển được.

Thần kính cẩn dâng lên bài sách!

Chú thích:

(1) Đế Thuấn: một vị vua nổi tiếng tài giỏi trong thần thoại Ngũ đế của Trung Quốc.

Tứ nhạc là người coi sóc chư hầu bốn phương, thập nhị mục là các đầu mục của chín châu, dưới quyền Tứ nhạc.

(2) Chu Thành Vương (1115 - 1079 TCN hoặc 1042 TCN - 1021 TCN), tên thật là Cơ Tụng, là vị vua thứ 2 của triều Chu.

(3) Hán Văn Đế (202 - 157 TCN) tên là Lưu Hằng là vị vua thứ 5 dưới triều Tây Hán.

(4) Còn gọi là Giả Nghị (201 - 169 TCN), là viên quan nổi tiếng có nhiều công lao thời Hán.

(5) Hiếu Văn đế: thụy hiệu Hán Văn đế, thường gọi tắt là Văn đế./.

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.604-608

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570189

Hôm nay

2225

Hôm qua

2367

Tuần này

22572

Tháng này

228713

Tháng qua

129483

Tất cả

114570189