Những góc nhìn Văn hoá

Thực tại và con người trong tiểu thuyết của Haruki Murakami

1. Trong những thập niên cuối cùng của thế kỉ XX, người ta đã liên tục tiên đoán về sự cáo chung của lịch sử, âm nhạc, văn học, về cái chết của tiểu thuyết trước cuộc xâm lăng ồ ạt của truyền thông đa phương tiện, truyền hình số, internet… Tuy vậy, bất chấp những tiên đoán ảm đạm đó, thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI đã trôi qua, nền văn hoá nói chung, văn học nói riêng vẫn dồi dào sức sống.

 Có lẽ, sức sống đó nằm ở chính sự vận động nội tại của văn học, khiến nó “nằm ngoài định luật băng hoại” và “không thừa nhận cái chết”, nói như Seđrin. Một trong những yếu tố quyết định tạo nên sự vận động và phát triển của văn học chính là sự thay đổi quan niệm về con thực tại và con người được soi sáng bởi tư tưởng triết học, mỹ học của thời đại.

Nhật Bản là quốc gia có nền văn học phát triển sớm và có nhiều thành tựu.  Bước sang thế kỉ XX, tiếp thu ảnh hưởng văn học phương Tây, Văn học Nhật Bản đã trải qua quá trình hiện đại hoá và đạt đến đỉnh cao với những tác giả như Atukagawa Ryunosuke, Kawabata Yasunary, Oe Kenzaburo...Đứng trước những “tượng đài” đó, nhiều nhà văn đã không hề nao núng, không chấp nhận dừng lại viết theo kiểu cũ, mà đã không ngừng sáng tạo, có sự thay đổi về cái nhìn và bút pháp. Haruki Murakami là một trong những nhà văn như thế. 

Haruki Murakami sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949 tại Kyoto. Thời trai trẻ, ông chủ yếu sống tại Kobe, hiện tại sống ở Boston, Mỹ. Cha ông là con của một thầy tu Phật giáo, mẹ là con gái của một thương gia ở Osaka. Cả hai đều dạy môn Văn học Nhật Bản. Tuy vậy, ngay từ nhỏ, Haruki Murakami lại yêu thích âm nhạc và văn học phương Tây, đặc biệt là nhạc Jazz.  Ông đã theo học ngành nghệ thuật sân khấu tại đại học Waseda, Tokyo.  

Để trở thành một nhà văn Nhật Bản nổi tiếng với những tác phẩm lừng danh  như Rừng Na-uy, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, Người tình Sputnik, Biên niên kí chim văn dây cót, Kafka bên bờ biển, 1Q84…  Haruki Murakami luôn không ngừng sáng tạo và thực sự đã “viết nát bản đồ mỹ học”. Theo Giáo sư Mitsuyoshi Numano, tác phẩm của Haruki Murakami hấp dẫn, phổ quát vì có văn phong trau chuốt, cốt truyện, cấu tứ, đan xen khéo léo giữa hiện thực và kì ảo, mang phong vị Nhật Bản vừa đủ trong bầu không khí kiểu Âu Mĩ và có sự đồng cảm với cuộc sống thành thị của những người độc thân trẻ tuổi. Còn theo chúng tôi, bên cạnh những lí do kể trên thì cái chính là bởi, những điều Haruki Murakami đặt ra trong các tác phẩm đã khắc chạm đến những vấn đề mang tính nhân loại, đặc biệt là cuộc vật lộn của con người trong hành trình cuộc đời để tìm thấy bản ngã đích thực của mình trong một thế giới nhiều khả thể.  Bằng những hiểu biết về tâm lí của người Nhật đương đại, về âm nhạc, triết học, khoa học tự nhiên và những khát khao của con người trong cuộc truy tầm bản ngã, ý nghĩa đích thực của cuộc sống… trong tác phẩm của mình, Haruki Murakami đã đặt ra những vấn đề mang tính nhân loại sâu sắc và thực sự đã chạm vào nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người, khiến mỗi lần đọc xong tác phẩm của ông, chúng ta không khởi ngỡ ngàng vì bắt gặp mình trong đó.    

Haruki Muraki trong diễn văn nhận giải thưởng Văn học Jerusalem Prize đã tự nhận: Tôi tự tạo ra qui tắc cho mình và “đứng về phe trứng” – phía người dân.  Với “khát vọng cải biến văn chương Nhật từ bên trong theo hướng Mỹ hoá”, ông luôn mong muốn “tìm kiếm một vẻ đẹp mới và chủ trương toàn cầu hoá văn chương”. Nếu đất nước Nhật Bản với trầm tích văn hoá truyền thống đã nuôi dưỡng tâm hồn Y.Kawabata, thấm đẫm trang văn của ông ở tinh thần an nhiên tự tại, xúc cảm trước cái đẹp bình dị, sâu lắng, thâm trầm thì Âu - Mỹ với tư duy hiện đại, lối sống, thị hiếu mới đang hấp dẫn giới trẻ đã ảnh hưởng phong cách của Haruki Murakami. Vì thế nên, nếu nhân vật trong tác phẩm của Y.Kawabata là kiểu con người tượng trưng cho một vẻ đẹp truyền thống dân tộc trong một “thế giới đã hoàn tất” thì ở tác phẩm của Haruki Murakami, họ lại là những con người mang nỗi ám ảnh về bản thể của con người hiện đại, đầy sự cô đơn và hoang mang trước một thực tại vỡ vụn. Tác phẩm của ông đã mở ra một thế giới khả thể với nhiều kiểu con người trong đó. Nghiên cứu vấn đề thực tại và con người trong sáng tác của Haruki Murakami, chúng tôi mong muốn chỉ ra quan niệm mới về thế giới và con người để thấy được những vấn đề phổ quát, nhân loại mà Haruki Murakami đã đặt ra. 

2. Thực tại là những gì hiện đang tồn tại xung quanh chúng ta, là một lát cắt cuộc sống.  Trong sáng tác của Haruki Murakami, ta bắt gặp một thực tại đa diện. Trước hết, đó vẫn là một không gian đời thường sống động với những sinh hoạt cụ thể trong bối cảnh nước Nhật hiện đại.

Rừng Na-uy tái hiện bối cảnh xã hội Nhật Bản những năm 60. Đó là thế giới của những hộp đêm, những nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, đời sống sinh viên bê tha, không lý tưởng và những cuộc biểu tình đòi giải tán đại học.  Trong tiểu thuyết, người đọc ấn tượng với khu học xá có những con người tẻ nhạt, bí hiểm kéo cờ, hạ cờ mỗi ngày, với lớp học vắng ngắt thiếu sức sống; không gian nhà nghỉ Ami – nơi đặc biệt dành cho những người “không thể hoà nhập được” với đời sống.

Trong Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới có những không gian thực gắn với những sinh hoạt bình thường của nhân vật như căn hộ chung cư, công viên, siêu thị, thư viện... Mở đầu Biên niên ký chim vặn dây cót, Haruki Murakami tái hiện không gian cuộc sống đời thường trong căn nhà ở một khu phố với người đàn ông vừa nghe nhạc, vừa nấu mì Spaghetti. Nhưng tạo ấn tượng với người đọc là không gian Nhật Bản thời hậu chiến được tác giả đặc tả qua góc khu phố Setagaya hiện đại nhưng vô cùng tĩnh mịch, xám ngắt và không gian trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai trải dài từ Nomonhan  năm 1939, trại tù Xibêri, biên giới Ngoại Mông đến vườn thú TânKinh - Mãn Châu.

Kafka bên bờ biển, không gian thực hiện lên qua các địa danh khác nhau của Nhật Bản như Takamatsu, Nakano, Kobe, Kochi, Tokyo, Shikoku, khu nhà nghỉ, khách sạn, đường sá, ga tàu, quán café, quán bar, miếu đường, thư viện…  Những không gian đó gần gũi, gắn bó mật thiết với con người trong cuộc sống thường ngày.

Tuy vậy, trong hầu hết sáng tác của Haruki Murakami lại là thực tại kì ảo của giấc mơ và trí tưởng tượng. Trong Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, tác giả dụng công miêu tả phòng thí nghiệm sau thác nước vừa như thật nhưng cũng vừa hoang đường với bọn ma đen, với con người có khả năng tắt âm thanh, lấy kí ức ra khỏi hộp xương sọ...Ở Kafka bên bờ biển, căn phòng ở thư viện Komura cũng vừa thực vừa ảo.  Đó là nơi ngày xưa người yêu của Saeki từng sống nhưng từ khi Kafka chuyển về đây, căn phòng lại là nơi chứng kiến mối tình của Kafka và linh hồn Saeki. Cứ đêm đêm, linh hồn cô gái 15 tuổi Saeki lại hiện về ngắm bức tranh Kafka bên bờ biển, còn Kafka lại ngắm nhìn nàng và yêu say đắm linh hồn ấy.

 Không chỉ là không gian kì ảo, xen giữa thực và ảo mà trong sáng tác của Haruki Murakami ta còn bắt gặp một thực tại phi thực. Trong Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, người đọc ấn tượng về một vùng đất kỳ lạ được gọi là “chốn tận cùng thế giới”, được bao quanh bởi bức tường thành chỉ có chim bay qua được, con người ở vùng đất này sống lặng lẽ, không khổ đau, không lo lắng, không có tâm hồn, kí ức vì họ đã bỏ lại cái bóng của mình ngoài tường thành.

Cũng trong Kafka bên bờ biển, ta bắt gặp thứ thực tại phi thực. Đó là một thị trấn nhỏ lọt thỏm giữa thung lũng trong một khu rừng rậm, nơi trú ẩn của những linh hồn đã mất. Ở đó, Kafka được gặp cha mẹ, Saeki tìm lại được thời gian đã mất, và cả những khoảng trống trong ký ức của Nakata cũng như được lấp đầy.   Không gian nghệ thuật trong Biên niên ký chim vặn dây cót cũng mang tính siêu thực, đó là thế giới sống động của vô thức, ảo giác. Nhà văn đặc tả qua không gian khách sạn mơ, những căn phòng tối, người dấu mặt hay khả năng đi xuyên qua bức tường. 

          3.  Trong thực tại với nhiều khả thể đó, Haruki Murakami đã miêu tả thế giới con người đa dạng, phong phú. Trước hết, con người trong sáng tác của Haruki Murakami là kiểu nhân vật ám ảnh, tâm hồn bị chấn thương, méo mó.

Nhân vật trong Rừng Na-uy là những con người có vẻ bề ngoài lành lặn, bình thường nhưng tâm hồn lại bị tổn thương, bị ám ảnh bởi quá khứ nặng nề. Nếu ám ảnh của Watanabe là sự thất vọng về tình yêu trong quá khứ không được đền đáp, thì với Reiko lại là những ám ảnh về thân xác của cô bé học trò bị đồng tính.  Còn Naoko thì luôn ám ảnh về cái chết của người chị gái và người yêu Kizuki.  Những ám ảnh đó đã gây ra cho nhân vật những chấn thương tinh thần trầm trọng, đặc biệt là với Naoko. Hình ảnh cái giếng luôn hiện hữu trong ý nghĩ của Naoko và cô nghĩ, nếu ai rớt xuống đó sẽ chết trong sự cô đơn. Hình ảnh này còn xuất hiện trong những sáng tác khác của Haruki Murakami như một biểu tượng của sự cô đơn.

Người tình Sputnik, Miu lại ám ảnh về sự phân thân của mình trong quá khứ, ám ảnh này chi phối lên tất cả cuộc sống của chị khiến cô trở thành một người bất lực về thể xác.  Hajime trong Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời là một người đàn ông trung niên khoẻ mạnh, hấp dẫn.  Anh rất thành đạt, gia đình hạnh phúc nhưng lại luôn ám ảnh về tuổi ấu thơ, người bạn gái chân đi khập khiễng và luôn cảm thấy thiếu vắng trong lòng.  Khiếm khuyết của Hajime chính là khoảng trống vô hình trong tâm hồn, anh cứ mải miết đi tìm một mối tình hư ảo.  Anh đã gặp lại Shimamoto-san- người bạn gái thời học sinh, nhưng rồi sau một đêm ân ái mặn nồng người ấy ra đi vĩnh viễn và tâm hồn anh lại bị chấn thương trầm trọng hơn.

 Không những thế, trong sáng tác của Haruki Murakami còn có kiểu nhân vật cô đơn, hoài nghi, luôn khát khao đi tìm bản  ngã và ý nghĩa cuộc đời.  Đây là kiểu nhân tiêu biểu nhất trong tiểu thuyết của Murakami. Trong Rừng Na-uy, Watanabe hoài nghi tất cả các giá trị, hoài nghi về đời sống tình cảm của con người.  Kizuki và Naoko còn cực đoan hơn, họ không thể chấp nhận thực tế nên đã tự tử.  Kizuki tự tử khi anh mới 17 tuổi vì không thể giải thích được những bí ẩn về thân xác.  Anh rơi vào sự cô đơn tuyệt đối và đã tìm đến cái chết để giải toả cho những ẩn ức sâu kín đó.  Naoko cuối cùng cũng tự tử vì cảm thấy cô đơn, trống rỗng trong tâm hồn, không thể hòa nhập với thế giới.

Cũng viết về kiểu con người này, nhưng trong Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, nhà văn lại có cách nhìn khác.  Hajime luôn có cảm giác cô độc, lẻ loi vì mình là con mộtDù có một cuộc sống hạnh phúc nhưng anh luôn thấy thiếu vắng, mải mê theo đuổi một bóng hình trong quá khứ, theo đuổi một cái gì đó thật vô hình như  ảo ảnh... Shimamoto-san thì không thể quên được người bạn thời niên thiếu, điều đó thôi thúc cô tìm lại Hajime, khao khát được sống đúng nghĩa với tình yêu dù chỉ một lần.

Haruki Murakami còn rất thành công trong việc xây dựng kiểu con người đa ngã, các bản ngã trong cùng một con người phải đấu tranh với nhau để  tồn tại.  Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới rất tiêu biểu cho cách xây dựng kiểu con người này. Nhân vật toán sư, người đọc giấc mơ, với “bóng” là ba dạng “cái tôi” tồn tại khác nhau của cùng một bản thể. Tác giả đã xây dựng hai cuộc hành trình song song.  Hành trình thứ nhất: nhân vật toán sư 35 tuổi, không người thân với cuộc đi tìm kí ức, đi tìm ý nghĩa và hạnh phúc qua cách giải các mật mã.  Hành trình thứ hai: người đọc giấc mơ – cũng xưng tôi, có nhiệm vụ là đọc các “giấc mơ xưa” tại thư viện. Để đến được nơi tận cùng của thế giới, anh phải để lại “bóng” của mình trong trại giam bóng.  Đâylà cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa, bí mật của “nơi tận cùng thế giới”, truy tìm lại tâm hồn đã bị đánh mất của “người đọc mơ”.

Trong Người tình Sputnik, tôi, Miu và Sumire cũng là những nhân vật như vậy.  Tất cả đều mang trong mình nhiều bản ngã khác nhau.  Họ đã chọn sai bản ngã của mình nên phải chịu sự cô đơn khủng khiếp – cô đơn như những vệ tinh Sputnik đơn độc ở ngoài không gian. Người tình Sputnik chính là cuộc tìm kiếm vô vọng của con người ý nghĩa của cuộc sống. Có những người đã chọn sai như tôi và Miu nhưng có người người vẫn tiếp tục tìm kiếm như Sumire ở một thế giới khác.  Có thể nói, miêu tả con người trong cuộc tìm kiếm bản ngã không còn là điều mới mẻ trong văn học. Đọc Linh Sơn của Cao Hành Kiện hay bất kì một tiểu thuyết nào của Haruki Murakami, người đọc đều phải vật lộn trong hành trình tìm kiếm đó cùng nhân vật. Trong Kitchen, Banana kể câu chuyện về một người đàn ông goá vợ, ông ta đã cải giới thành phụ nữ để làm mẹ chăm sóc con trai mình. Sự lựa chọn ấy thật nghiệt ngã song đầy tính nhân văn hiện đại. Nhưng có thể nói, chưa bao giờ có cuộc tìm kiếm nào lại được miêu tả ám ảnh như trong Người tình Sputnik với sự tách đôi của Miu và mái tóc bạc trắng chỉ sau một đêm khi Miu 25 tuổi.    

Có thể nói, tạo ra nhiều kiểu thực tại khác nhau, xây dựng kiểu con người cô đơn, bị tổn thương, hoài nghi cuộc sống và đa ngã không phải là điều mới mẻ trong văn học.  Nhưng điểm đặc biệt là, nhân vật của Haruki Murakami không cần đến phép lạ mới có thể di chuyển từ hiện thực đến thế giới phi thực. Trong sáng tác của ông, nhiều “cái tôi” cùng tồn tại nhưng không theo kiểu có mặt ở nơi này thì không có ở nơi khác, mà song song tồn tại một cách độc lập. Đó cũng chính là quan niệm về thế giới và con người của mỹ học Hậu hiện đại.

 4.  Ngay thời điểm Haruki Murakami bắt đầu viết tác phẩm đầu tiên thì Văn học Việt Nam cũng có sự chuyển mình. Trong ba mươi năm văn học kháng chiến, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là dòng chủ lưu. Đây cũng là thời kì lên ngôi của các đại tự sự. Thế giới trong văn học thời kì này được miêu tả một cách toàn vẹn. Đó là thế giới của những câu chuyện anh hùng, của những huyền thoại lung linh nhiều màu sắc, là thế giới của những lý thuyết lớn mang tính toàn trị có tham vọng chi phối, dẫn dắt toàn bộ đời sống con người. Con người thời ấy mang trong mình những chữ vàng lấp lánh: anh hùng, kiên cường, bất khuất, gan dạ, trung hậu, đảm đang. Cuộc sống phân định: địch- ta, đen- trắng, tốt- xấu rõ ràng.

 

Sau năm 1975, chiến tranh đã kết thúc, với mẫn cảm thời cuộc, nhiều nhà văn đã thấy không thể viết theo quán tính với cái âm hưởng hào hùng ấy nữa, khuynh hướng văn học phản sử thi xuất hiện từ các sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng… Chính nhờ nhìn thấy được giới hạn của văn học trước đó mà các nhà văn thế hệ tiền đổi mới đã biết viết khác. Cái khác nằm ở cách nhìn về hiện thực và kĩ thuật viết. Thế hệ nhà văn tiền đổi mới không tuyên ngôn, không “đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” nhưng những khát khao viết khác đã rục rịch từ thời Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh… Họ là những đại diện cho một thế hệ nhà văn biết hoài nghi những gì đã được “niêm phong” sau hai từ Sự Thật. Bởi vậy, hiện thực trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là thế giới “Không có vua”, chỉ có những “Huyền thoại phố phường”, ông đã dạy chúng ta “Những bài học nông thôn” và an ủi người tha hương “Không khóc ở California”.  Ông đã viết những truyện cổ tích không có hậu, những đoạn kết giả định, những “siêu hư cấu sử ký” (historiographic metafiction- Linda Hutcheon), đặt nhân vật trong các cuộc hành trình tìm kiếm những hoang tưởng, danh vọng bất định…Thế giới người trong sáng tác của Phạm Thị Hoài phần lớn là những dị nhân méo mó, vô hồn, sống vô nghĩa. Cách hành văn lệch chuẩn ngữ pháp, giọng điệu chế giễu, rẻ rúng. Chiến tranh trong sáng tác của Bảo Ninh được nhìn từ phía nỗi buồn nên những thân phận người đã kinh qua cuộc chiến ấy khó có thể sống bình thường.  Dư chấn của quá khứ khủng khiếp ấy không thể nào lặng yên trong tâm hồn họ.  Nỗi buồn chiến tranh là một câu chuyện không có đầu không cuối, tiểu thuyết lồng tiểu thuyết, các thủ pháp của dòng ý thức được sử dụng phù hợp. Họ dám khước từ cách viết truyền thống - nhà văn là “chủ nhân ông biết tuốt”, luôn giữ ở vai trò là người kể chuyện. Họ đã dám từ giã những “siêu truyện” của một thời yêu, căm, chiến, hận để quan tâm đến thân phận con người cá nhân trong muôn mặt đời thường.  Quá trình giải thiêng ấy đã diễn ra một âm thầm nhưng quyết liệt. Ngoài những cây bút mở đường như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, nhiều tác phẩm của Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Thuận,…cũng đã đưa ra quan niệm mới về thế giới và con người.

Tuy vậy, sự đổi mới về cách nhìn thực tại và con người  trong văn học Việt Nam chưa có sự thay đổi về chất như sáng tác của Haruki Murakami. Những tác phẩm của ông, từ Rừng Na-uy; Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới; Biên niên kí chim văn dây cót; Kafka bên bờ biển; Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời; đến Người tình Sputnik… thực sự là những hành trình đầy trăn trở, những cuộc lãng du kì lạ trong hiện thực, những cuộc vượt thoát ra ngoài không, thời gian và thám hiểm vào cõi nội tâm đầy bí ẩn của con người để  truy tầm bản ngã cho mình.  Và Haruki Murakami, với những tác phẩm sâu sắc, đã lặng lẽ hòa vào dòng văn học mới bằng cảm thức của thời đại con người hoang mang trước sự đổ vỡ của các đại tự sự (grands récits).  Haruki Murakami qua các kiệt tác của mình đã không làm cái việc đáng chán là gom nhặt các mảnh vỡ của hiện thực để xây dựng một hình ảnh ngụy tạo về thế giới hoàn hảo như con người mong muốn nhìn thấy mà ông bình thản chấp nhận thế giới là hỗn mang như vốn có. Và nhân vật của Haruki Murakami đã được đặt trong cái thế giới chông chênh ấy. Trong cõi hỗn loạn, xô bồ của đời sống, họ phải dằn vặt, nghĩ suy, trăn trở và nhiều khi đã tìm đến cái chết để giữ được bản ngã của mình.  

5. Nhìn vào sự phát triển của văn học, chúng ta thấy quan niệm về thực tại trong triết học đã ảnh hưởng, chi phối đến các mô tả, diễn dịch thế giới bên ngoài vào văn học nghệ thuật.  Dưới ảnh hưởng của triết học tự nhiên, chủ nghĩa duy lý, tinh thần thực chứng, khi diễn dịch thế giới vào tác phẩm, các nhà văn thường quan tâm đến thực tại nhất phiến, thế giới đã hoàn tất (ready made world).  Điều này thể hiện rõ nhất văn học cổ điển nói chung, văn học hiện thực, nhất là hiện thực xã hội chủ nghĩa nói riêng. Với chủ nghĩa hiện thực, thực tại thường được đồng nhất với thế giới khách quan. Chủ nghĩa hiện thực thường nhấn mạnh khả năng nắm bắt hiện thực ưu việt của mình, trong khi chủ nghĩa cổ điển đã hướng tới thực tại trong quá vãng. Chủ nghĩa hiện đại về cơ bản khước từ nguyên tắc trình bầy (reprezentation) dễ dãi.  Nghệ thuật hiện đại nhìn thực tại như một thời đại, trong đó mọi mối quan hệ giữa con người đã tan rã, sự lạ hoá làm cho con người trở nên yếu đuối bất lực trước sự phi lý tràn ngập trong xã hội.  Tuy vậy, những vấn đề của thực tiễn đã vượt ra khỏi sự lí giải được của triết học tự nhiên, lý tính. Triết học Dercactes dù có làm mưa làm gió trong lịch sử tư tưởng nhân loại cũng có lúc phải bộc lộ những hạn chế của mình. Những phát minh khoa học vĩ đại, những cuộc chiến tranh tàn khốc trong lịch sử, sự bất ổn của đời sống, nhất là đời sống tâm hồn con người đã khiến con người hoài nghi về một thế giới đã được sắp đặt hoàn hảo.  Triết học nhân sinh hiện đại với quan niệm về tồn tại người, cùng với những thành tựu mới về vật lý, tâm lý học, đã mở ra những khả thể về thế giới.  Sự thất vọng về một thế giới tốt đẹp thực tế đã khiến con người mơ đến một thực tại ảo ảnh được phản ánh rõ nét trong văn học hiện đại, ở đó văn bản là thế giới. Nhưng càng về sau, với tâm lí bất tín nhận thức, con người đã bắt đầu hoài nghi về những học thuyết có thể mang đến sự bình ổn giả tạo.  Quan niệm về thực tại của Lyotard đã đặt dấu chấm hết cho những siêu tự sự làm còn người ảo tưởng về một thế giới hài hoà, tiêu biểu là triết học của Hegel và triết học Marx.  Hai siêu tự sự này đã vẽ ra viễn tưởng hợp thức hoá được mọi tri thức khoa học và chỉ ra vai trò giải phóng xã hội bằng khoa học.  Phản ánh tâm thức của thời đại cáo chung của các đại tự sự, “Thượng đế” đã chết, văn học hậu hiện đại chấp nhận thực tại hỗn mang, văn bản là thế giới. Cái thế giới phi trung tâm với những đứt gãy hỗn độn đó cần một “tư duy thi ca” để mô tả và nó rất gần với cảm quan Phật giáo, Thiền học và thế giới.  Phải  chăng vì thế trong thời đại này, phương Đông nói chung, các nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo nói riêng như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…nói riêng có những ưu thế hơn phương Tây trong việc nắm bắt cảm thức Hậu hiện đại?  Thông qua tác phẩm của mình, Murakami đã thể hiện được cảm thức của thời đại đỗ vỡ các giá trị và đã thực sự bước vào địa hạt Hậu hiện đại.  Các nhà văn hậu hiện đại tin bản chất của thế giới là hỗn mang, “mọi sự đều là theo cách của nó”. Mỗi người thấy một thế giới khác nhau, bị chi phối bởi nhiều hệ quy chiếu. Mỗi hệ quy chiếu là một thế giới, qua đó phát hiện được nhiều bản thể trong con người. Con người vốn có nhiều bản ngã và họ phải tự đấu tranh để chọn bản ngã hay nhất, tốt nhất phù hợp với thực tại.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Hoài Thanh (sưu tầm và biên soạn, 2004), Văn học hậu hiện đại thế giới những vấn đề lý thuyết, NXB Hội Nhà văn, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây.

2.     Haruki Murakami, http://vi.wikipedia.org.

3.     Haruki Murakami, Mãi mãi đứng về phe trứng (Diễn văn nhận giải Jerusalem), http//cafevn.org.

4.     Haruki Murakami, Rừng Nauy- Noruwei no mori, Norwegian Wood, (Trịnh Lữ dịch), NXB Hội Nhà văn, 2005.

5.     Haruki Murakami: Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời-Kokkyō no minami, taiyō no nishi, South of the Border, West of the Sun, (Cao Việt Dũng dịch),  NXB Hội Nhà văn, 2007.

6.     Haruki murakami, Kafka bên bờ biển - Umibe no Kafuka, Kafka on the Shore (Dương Tường dịch), NXB Văn học, 2007.

7.     Haruki Murakami, Người tình Sputnik- Supūtoniku no koibito,Sputnik Sweetheart (Ngân Xuyên dịch), NXB Hội Nhà văn, 2008.

8.     Haruki Murakami, Biên niên kí chim vặn dây cót - Nejimaki-dori kuronikuru,The Wind-Up Bird Chronicle (Trần Tiễn Cao Đăng dịch), NXB Hội Nhà văn, 2008.

9.     Haruki Murakami, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới - Sekai no owari to hādoboirudo wandārando, Hard-Boiled Wonderland and the  End of the World, (Lê Quang dịch), NXB Hội Nhà văn, 2010.

10.  Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ Văn học, NXB Chính trị Quốc gia, 1999.

11.  Mitsuyoshi Numano, Thế giới thơ và tiểu thuyết - Từ Truyện Genji đến Haruki Murakami, Trung tâm Giao lưu Văn hoá Nhật Bản, 9-2009.

12.  Nhật Chiêu, Thực tại trong ma ảo (Đọc Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami), (8. 2008) nguồn http://vietbao.vn/giaitri/thuc-tai-trong-ma-ao/ 40229474/236/

13.   Jean-Francois Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại (Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu), NXB Tri thức, 2007.

14.  Nguyễn Thị Minh Thủy (2005), Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay, Luận văn Thạc sỹ Ngữ văn, Trường Đại học Vinh.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114563197

Hôm nay

2138

Hôm qua

2299

Tuần này

2138

Tháng này

221721

Tháng qua

129483

Tất cả

114563197