Những góc nhìn Văn hoá

Hành trình Truyện Kiều từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XXI[III]

3. Lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều: những chặng đường và những vấn đề đã đặt ra:

Chúng tôi dùng khái niệm “tiếp nhận” để chỉ hoạt động đọc, thưởng thức, phê bình, nghiên cứu Truyện Kiều đã diễn ra từ lúc sinh thời Nguyễn Du cho đến mãi hôm nay, thế kỷ XXI. Về đại thể có thể chia quá trình này thành mấy chặng đường như sau:

3.1. Tiếp nhận Truyện Kiều trong thế kỷ XIX: người đọc về căn bản là các trí thức nho sĩ [1]. Tất nhiên độc giả ở thế kỷ này chưa có ý thức nghiên cứu văn học; những cảm tưởng, nhận xét của họ về tác phẩm được trình bày dưới dạng thơ ca đề vịnh, bài đề tựa hay bạt chứ không phải viết bằng văn phong nghiên cứu. Tương truyền Phạm Quý Thích (1760-1825) là người đầu tiên đã viết bài thơ thất ngôn bát cú Đoạn trường tân thanh đề từ [2] .  Một loạt các bài tựa, bạt cho Truyện Kiều được các nhà nho viết ra trong thế kỷ XIX thường bộc lộ sự đồng cảm, chia xẻ đối với cảm hứng của Nguyễn Du: vấn đề số phận của tài tình, tức của những người phụ nữ nhan sắc tài hoa, bạc mệnh; mối tương liên giữa số phận của họ với số phận của những nhà nho nghệ sĩ tài hoa cũng tự xem là bạc phận. Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân viết (1820) : “Trong trời đất đã có người tài tình tuyệt thế tất thế nào cũng có việc khảm kha bất bình. Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê, đó là cái căn nguyên của hai chữ “đoạn trường” vậy. Thế mà lại có kẻ thương tiếc tài tình, xem thấy việc, trông thấy người, thì còn nhịn thế nào được mà không thở than rền rĩ (...). Có tài mà không gặp được tài, có tình mà không hả được tình, tài tình đã tuyệt thế, gặp toàn bước khảm kha, há không phải là con tạo đang tay ách người quá lắm ru ? ấy chính là truyện Đoạn trường tân thanh vì đấy mà làm ra vậy(...). Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm Truyện Thúy Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một, người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thật là một cái thông lụy của bọn tài tử khắp trong gầm trời và suốt cả xưa nay vậy”. Nhấn mạnh nỗi thương tình, liên  tài của Đoạn trường tân thanh là một mạch cảm hứng quan trọng của nhiều nhà nho khi đọc tác phẩm này. Chu Mạnh Trinh ở cuối thế kỷ XIX tự coi mình là nòi đa tình, thương cảm sâu sắc với nàng Kiều như người đồng điệu (bộc bản đa tình, cảm thâm đồng điệu- chúng ta cũng là kẻ đa tình, thương cảm sâu sắc người đồng điệu)  và muốn gọi hồn nàng về.

Thế kỷ XIX cũng chứng kiến cách đọc Truyện Kiều quen thuộc của nhà nho: phê bình nhân vật theo quan điểm đạo đức nho giáo , lối phê bình vẫn tiếp tục đến đầu thế kỷ XX. Nguyễn Văn Thắng viết một loại sách độc đáo : làm án các nhân vật Truyện Kiều. Làm án là đưa từng nhân vật ra bình luận, khen chê. Ngoài ra, nhiều tác giả khác cũng viết thơ phê bình nhân vật của tác phẩm này. Nhân vật đầu tiên bị đưa ra bình giá đương nhiên là Thúy Kiều, và một tình hình có thể dự đoán trước đã diễn ra: vua Minh Mạng trong bài Tổng thuyết bằng chữ Hán [3] khen Kiều đủ trung trinh hiếu nghĩa “nêu danh giáo và phong lưu cho muôn thưở” nhưng Nguyễn Công Trứ lại lên án Kiều với lời kết tội nặng nề : Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm ! Vấn đề là  mỗi người nhìn vào một khía cạnh trong hành xử của Kiều. Nếu nhìn vào việc bán mình chuộc cha, việc rút dao đâm cổ tự tử khi vào lầu xanh mụ Tú thì khen như Minh Mạng là có căn cứ. Nhưng nếu một người nghiêm khắc đứng trên lập trường Tống Nho xem “chết đói là sự nhỏ, thất tiết là sự lớn” [4]thì quả thật việc Kiều đã không tự tử khi bị buộc phải tiếp khách ở nhà chứa mà chấp nhận cuộc sống nhục nhã đó suốt hàng chục năm trời là điều đáng lên án. Việc khen chê Kiều theo tiêu chuẩn đạo đức nho giáo đã sớm cho thấy  tính chất đa chiều, phức tạp không dễ gì lược qui vào một phạm trù nào của nhân vật này. Sang thế kỷ XX, điều đó sẽ lại được kiểm nghiệm một lần nữa.

                                                ***

3.2.  Tiếp nhận Truyện Kiều trong thế kỷ XX : Bước sang thế kỷ XX, với sự hỗ trợ đắc lực của báo chí và nhà xuất bản, nhất là báo chí, việc tiếp nhận Truyện Kiều trở nên năng động hơn, sôi nổi hơn. Nhờ có báo chí, những phản ứng về một kiểu đọc, kiểu bình luận Truyện Kiều nào đó cũng nhanh nhạy hơn, tạo nên không khí tranh luận sôi nổi, mở rộng. Cũng trong thế kỷ XX, nhờ có tiếp xúc từ rất sớm với các phương pháp phân tích, khảo cứu tác giả, tác phẩm văn học của Tây phương, mà thế hệ trí thức Tân học đã có những ứng dụng khoa học vào nghiên cứu Truyện Kiều, đặt những viên gạch đầu tiên cho những công trình nghiên cứu qui mô, theo nhiều phương pháp khác nhau sẽ tiếp tục mãi cho đến ngày nay. Nếu nhìn lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều từ góc độ phương pháp đọc văn bản, lại thấy trong thế kỷ XX, đã diễn ra những chặng đường khác nhau, ở mỗi chặng đường, mỗi phương pháp đọc được lựa chọn lại đem lại kết quả khác nhau.

Giai đoạn tiếp nhận Truyện Kiều từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 1945 có đặc trưng là cách phê bình đầy cảm xúc chủ quan dần dần chuyển qua sự phân tích, nghiên cứu khoa học. Khoa nghiên cứu Truyện Kiều đã xây dựng được một hệ thống các vấn đề cho phép nhìn nhận toàn diện tác phẩm. Trên tạp chí Nam Phong ta vẫn có thể gặp những bài viết của các nhà cựu học chủ yếu bình giá nhân vật theo các chuẩn mực đạo đức Nho giáo, nghĩa là vẫn đọc Truyện Kiều theo lối cũ; nhưng ta cũng có thể đọc được những bài khảo cứu hiện đại về hệ thống vấn đề và quan điểm, những bài khảo cứu chưa từng có trong thế kỷ XIX. Chẳng hạn, Nguyễn Đôn Phục trên Nam Phong năm 1922, dùng thể vấn đáp rất truyền thống để chủ yếu bình luận về từng nhân vật Truyện Kiều (mặc dù tên bài viết  là Văn chương và nhân vật trong Truyện Thúy Kiều). Cách thức triển khai về cơ bản không khác với Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng ở thế kỷ XIX, nhằm mục đích tìm ý nghĩa giáo huấn của tác phẩm qua mỗi nhân vật: “Nhân vật trong Truyện Thúy Kiều , thực là một bức tranh đủ mọi vẻ ở trên nhân thế, những vẻ nhỏ nhặt không kể chi; song cũng đủ làm gương cho mắt tục, làm bia cho miệng đời, được sáu vẻ người; nay tôi xin giải ra từng vẻ mà tôi dông dài điểm xuyết ra như sau đây...”.  Những đoạn phê bình của ông nghiêng hẳn về phê bình đạo lý, bảo vệ đạo đức nho giáo, mà không quan tâm đến hệ thống vấn đề của tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ ông phê bình Kim Trọng: “Cậu Kim Trọng cũng là một cậu si tình đấy thôi...Sao cậu đã vội bắt chước ai những thói nổi trận mây mưa toan những siêu nền vàng đá như vậy ? Nếu cô Thúy Kiều không biết giữ gìn lấy một chút trinh tâm, thời cũng chẳng khác gì con Thôi Oanh Oanh nhục bẽ một đời; cô Thúy Kiều đoan chính dễ nghe như thế nọ, cậu Kim Trọng lả lơi khó coi như thế kia; Kiều nương, Kiều nương, chớ nên nhận lầm Kim si lang là tri kỷ” [5] . So với cách đọc này thì dễ thấy cái mới mà nhà viết kịch tân học Vũ Đình Long  mang lại. Cũng trên tạp chí vừa nói, năm 1924, Vũ Đình Long đã công bố loạt bài khảo cứu về Văn chương Truyện Kiều từ quan điểm nghệ thuật kể chuyện, điều mà chúng ta ngày nay gọi là nghệ thuật tự sự. Sở dĩ có thể khẳng định được Vũ Đình Long vận dụng phương pháp phân tích hiện đại vì căn cứ vào hệ thống các vấn đề được ông chia tách ra để lần lượt xem xét: phân tích cốt truyện và kết cấu, xét về văn chương, xét về cách kể chuyện (ông gọi là văn tự sự), ngôn ngữ đối thoại ( văn vấn đáp), miêu tả nhân vật (văn tả người), miêu tả tâm lý (văn tả tình), văn tả cảnh, triết lý và luân lý Truyện Kiều. Thao tác làm việc như vậy là rất đơn giản đối với chúng ta ngày nay, những thế hệ đã làm quen với phương pháp phân tích khoa học, nhưng đối với các nhà nho trước đây, quả thật là điều mới mẻ. Thậm chí ông quan tâm đi tìm những yếu tố kỹ thuật với con mắt của người làm nghề sáng tác văn chương nhằm tìm ra những bài học nghề nghiệp ở Truyện Kiều. Một định nghĩa về tiểu thuyết của ông có dáng dấp của định nghĩa hiện đại “Tiểu thuyết là hình ảnh cuộc đời, mà đời người là một cuộc chiến đấu kịch liệt của người đối với vận mệnh”. Kỹ thuật kể chuyện để thỏa mãn nhu cầu giải trí-  vấn đề được ông quan tâm phân tích hàng đầu- cũng không thuộc về quan niệm văn học nho gia: “Tiểu thuyết là truyện bịa đặt ra, cốt khiến cho người đọc vui lòng hứng trí, nhưng nếu muốn cho truyện được nhất trí, nghĩa là truyện phải là một truyện chứ không phải nhiều truyện hợp nên, thời cần nhất là phải có chủ não nhất định, bao nhiêu sự hành động của nhân vật, bao nhiêu tình tiết trong truyện đều quay đầu cả về chủ não ấy” [6] . Từ đó, ông tìm cái “chủ não” ấy: theo ông, chữ “tình” (hy sinh cho chữ hiếu) làm chủ não toàn truyện, chi phối toàn bộ các tình tiết, diễn biến của truyện. Ông còn tìm “bí thuật” tạo ra “hứng vị” cho tác phẩm là “làm cho hứng vị tăng tiến từ đầu cho đến cuối truyện”. “Phàm tiểu thuyết, kịch bản hay, tất cái hứng vị phải dần tăng tiến từ đầu chí cuối, sự hành động cũng lần lần nở nang ra, mỗi đoạn phải đậm đà hơn đoạn trước, những việc vặt của câu chuyện phải gìn giữ cái hứng vị ấy, không bao giờ nên bảo trước cho độc giả những việc sau, phải khiến cho độc giả không thể đoán được chuyện sau ra làm sao ra làm sao mà có khi đọc đến đoạn kết cục phải ngạc nhiên mà sinh cảm”[7] . Mặc dù có cảm tưởng là Vũ Đình Long vận dụng lý thuyết phân tích tác phẩm ở một số điểm chưa thật nhuần nhuyễn, rằng ông vẫn cố gắng minh họa cho các lý thuyết đó hơn là thâm nhập vào văn bản tác phẩm thật sự, vẫn phải ghi nhận đây là một trong những dấu ấn sớm nhất cho biết bắt đầu một thời kỳ mới trong lịch sử đọc Truyện Kiều.

 Thế kỷ XX cũng chứng kiến sự tham dự tích cực của Truyện Kiều vào đời sống chính trị, văn hóa, xã hội. Nhân vật trong Truyện Kiều trước hết là Thúy Kiều, trở thành một thứ thuốc thử độc đáo để kiểm nghiệm sự thay đổi của tư tưởng văn hóa trong giai đoạn giao thời. Năm 1929, trên báo Phụ nữ tân văn (Sài Gòn) đã có một cuộc thảo luận ở qui mô vừa phải song rất đáng chú ý. Ban biên tập báo nêu câu hỏi: “Kiều nên khen hay nên chê ?”. Có nhiều bài trả lời khác nhau, trong đó không ít ý kiến tỏ thái độ phê phán theo lập trường đạo đức Nho giáo rất cũ kỹ về trinh tiết. Song cũng có ý kiến bênh vực Kiều trên quan điểm nữ quyền khá hiện đại. Chẳng hạn đã có người viết: “Mấy nhà phê bình mà chê Kiều đây phỏng hiểu chi về cái ý sâu xa của chữ tự do, và óc chắc cũng khá nặng những tánh di truyền thủ cựu (conservateur par atavisme) mà thủ cựu một cách hẹp hòi thì sao lại không cho là hủ ? Còn Kiều khi bị “thất trinh” vì Giám Sinh, có nhiều người cho là sống hèn! Ai đã hiểu cuộc đời, đã từng đèn sách, tôi xin hỏi : “Đời người đàn bà chỉ có chút đó là trọng thôi à ? Ngoài ra còn có nghĩa vụ gì không ?”. Hỏi vậy cũng đủ cãi cho Kiều” [8]. Trong giai đoạn văn hóa Việt Nam đang ở bước chuyển từ văn hóa phương Đông truyền thống sang nền văn hóa hiện đại với ảnh hưởng rõ rệt của văn hóa phương Tây, vấn đề “nền quốc học” đã được đưa ra bàn luận. Nền quốc học phải được xây dựng trên những tảng nền nào ? Tiếng Việt có ý nghĩa gì đối với một nền quốc học, nơi mà truyền thống vốn nặng về Hán văn, hiện tại đang bị đè nặng bởi Pháp văn ? Thế là nhiều người, nhất là thế hệ trí thức tân học nghĩ đến vai trò của Truyện Kiều, nghĩ đến tiếng Việt của Truyện Kiều.  Phạm Quỳnh là người đã viết năm 1924: “ Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ” [9]. Một số nhà nho yêu nước đã phê phán lời hô hào như vậy. Các cụ phê phán Phạm Quỳnh vì một số lý do khác, nhưng vì Phạm Quỳnh đã ca ngợi Truyện Kiều nên logic dễ hiểu là các cụ đã phê phán luôn Truyện Kiều, bác bỏ khả năng đưa Truyện Kiều vào hàng quốc học, do vậy đã có những nhận định bất công với kiệt tác này. Các cụ vẫn đứng trên lập trường đạo đức nghiêm khắc để xét đoán tác phẩm, cho rằng tuy văn chương hay nhưng không thể tránh khỏi “cái vẻ ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng, bi, rằng tác phẩm chỉ để ngâm vịnh chơi bời, chứ quyết “không phải là thứ văn chương chính đại”. Đối với các cụ, vấn đề Truyện Kiều trước hết là vấn đề văn hóa đạo đức, vấn đề quốc học với chủ trương nền quốc học phải gắn với Hán học, Khổng học chứ không thể đi với tác phẩm mua vui, giải trí như thế. Đến năm 1956, Trương Tửu đã đẩy lên thành chuyện chính trị, cho rằng Phạm Quỳnh (và cả Trần Trọng Kim) đã dùng Truyện Kiều gây một phong trào văn học có mục đích  như ru ngủ thanh niên và nhân dân để họ yên phận làm nô lệ với ảo tưởng là “Truyện Kiều còn...nước ta còn” [10]. Thực ra nếu đọc kỹ báo chí cuối những năm 20 đầu 30, chúng ta sẽ hình dung được ý thức của người Việt Nam lúc đó về tầm quan trọng của tiếng Việt đối với sự thống nhất dân tộc. Trên báo chí Sài Gòn, đã có một cuộc thảo luận về tiếng Việt và sách giáo khoa ở hai miền Nam Bắc. Phan Thứ Khanh trên tờ Thần chung tháng 2-1930 đã viết: “ Quốc văn là cái nguyên khí của một nước, một dân tộc”, “Quốc văn tức là cái trí tuệ, cái tư tưởng, cái cảm giác của một dân tộc đúc ra’[11].

Trong các thập niên ba mươi và bốn mươi của thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu văn học được đào tạo theo truyền thống nghiên cứu Tây phương đã bắt đầu áp dụng các lý thuyết mới ở phương Tây vào nghiên cứu văn học Việt Nam nói chung, Truyện Kiều nói riêng. Các hướng tiếp cận như tiếp cận văn hóa, tiếp cận xã hội học, tiếp cận phân tâm học, tiếp cận hình thức đều có thể  bắt gặp trong những trang viết về kiệt tác này của nhiều nhà nghiên cứu khác nhau.  Viết Khảo luận về Kim Vân Kiều, Đào Duy Anh có thể đã vận dụng phương pháp văn hóa xã hội thực chứng, ví dụ như của Gustave Lanson , một học giả Pháp vốn rất có ảnh hưởng đến thế hệ các nhà tân học nước ta ở đầu thế kỷ XX [12]. Đào Duy Anh đã lần đầu tiên ở nước ta, trước khi phân tích Truyện Kiều, đã nghiên cứu các yếu tố văn hóa quanh về tiểu sử Nguyễn Du đặc điểm văn hóa của vùng đất quê hương, của dòng họ; đã khảo sát nhân tố thời thế có liên quan đến gia đình và bản thân tác giả, mô tả hành trạng và văn nghiệp nói chung của Nguyễn Du. Trước khi phân tích Truyện Kiều, ông cũng so sánh Kim Vân Kiều truyện với Đoạn trường tân thanh, sau đó, tìm hiểu kết cấu tác phẩm. Việc phân tích nhân vật của nhà nghiên cứu cũng không đơn giản chỉ là bình luận đạo đức đơn thuần mà còn là tìm hiểu các quan niệm tư tưởng của tác giả (Nho giáo, Phật giáo) đã chi phối đến bản chất nhân vật, tìm hiểu vấn đề điển hình hóa, cá thể hóa nhân vật của Nguyễn Du. Đây là những điểm mới của Đào Duy Anh trong lịch sử nghiên cứu  Truyện Kiều. Phần nghiên cứu về nghệ thuật văn chương cũng được triển khai hệ thống, kể cả phân tích từ ngữ, thể thơ lục bát, các lối văn tả người, tả cảnh, tả tâm lý, tình cảm. Những phần mới mẻ của cuốn sách nằm trong chương VI- “Tư tưởng của Nguyễn Du” và chương VII- “Địa vị sách Đoạn trường tân thanh trong tư tưởng và văn chương Việt Nam”.  Là nhà khoa học, ông không đơn giản mô tả tư tưởng định mệnh mà còn chỉ rõ sự hạn chế của tư tưởng “tài mệnh tương đố”: “Người ta không chịu tìm nguyên nhân trong xã hội mà lại theo cái khuynh hướng duy tâm, thần bí thông thường mà suy ra rằng sở dĩ có những điều bất bình như thế ở trong xã hội là bởi đạo trời vốn ghét cái gì trọn vẹn đầy đủ” [13].  Đào Duy Anh cũng đã đặt thành công đột xuất của Đoạn trường tân thanh vào không khí văn hóa, văn học của thời đại, từ đó thấy điểm chung và cái riêng, điều mà sau này Phan Ngọc sẽ gọi là phong cách thời đại và phong cách của cá nhân Nguyễn Du. Theo Đào Duy Anh, Truyện Kiều không phải là một sản vật ngẫu nhiên, phi thường. Khi Nguyễn Du viết tác phẩm này, quốc văn đương thịnh hành, tuy nhiên các khúc ngâm như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm , các truyện thơ như Hoa tiên ký  chỉ phổ biến trong giới thượng lưu trí thức mà không phổ cập trong dân gian vì “lời văn điêu trác, hay dùng điển cố”, “duy có Đoạn trường tân thanh, tức là truyện Kim Vân Kiều , văn chương đủ tính nghiêm trang, đường hoàng, điêu luyện, đủ khiến cho kẻ học thức phải khâm phục và yêu mến, mà lại có đủ cả tính giản dị, phổ thông để khiến cho bình dân hiểu được mà thưởng thức”.

Trong những năm bốn mươi của thế kỷ XX, nhiều lý thuyết phê bình văn học thịnh hành ở phương Tây cũng dội đến Việt Nam. Có lẽ người tích cực nhất trong việc vận dụng các lý thuyết mới đó vào nghiên cứu Truyện Kiều là Nguyễn Bách Khoa. Tiếp theo Nguyễn Văn Hanh dùng phân tâm học để đọc thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bách Khoa đã áp dụng phân tâm học để đọc tâm lí nhân vật Truyện Kiều. Phân tâm học cho rằng ẩn ức tình dục luôn là kết quả của sự chèn ép của ý thức đạo đức xã hội, chính ý thức đạo đức đã đẩy bản năng dục vọng xuống hàng tiềm thức. Theo Nguyễn Bách Khoa, ý thức đạo đức nho giáo đã lái Nguyễn Du đến chỗ hành xử không hợp quy luật tâm lí khi miêu tả đời sống nội tâm của Kiều. Ông viết : “Tôi ngờ rằng thi sĩ Nguyễn Du đã dụng ý gạt bỏ một phần dài của giấc chiêm bao  đêm hôm ấy trong cơn thiu thiu ngủ của nàng Kiều (...). Chiêm bao vốn là sự sinh hoạt của trí tưởng tượng kéo dài từ lúc ta tỉnh sang lúc ta ngủ. Trước khi thiu thiu, trí tưởng tượng của Kiều hầu như chỉ hoạt động chung quanh Kim Trọng, chung quanh tình yêu mê li, chung quanh cuộc trăm năm mai hậu, nhiều hơn là chung quanh hình ảnh của Đạm Tiên. Theo đúng luật phân tâm học, đêm ấy Kiều phải nằm mê thấy ái ân, thấy trăng thanh gió mát, thấy cây lồng bóng sân, thấy “giọt sương gieo nặng cành xuân la đà”, thấy chàng công tử mặc áo nhuộm màu da trời đi hài xanh, dắt con ngựa bạch. Không có lí gì Kiều chỉ mê thấy có Đạm Tiên. Nguyễn Du đã cố ý gạt bỏ cái ảo ảnh của chàng Kim và chỉ cho hiện ra có người ca nhi họ Đạm ; một là để chiều theo xu hướng luân lí nho của ông, của đẳng cấp ông, của thời đại thống nhất đầu triều Nguyễn, hai là để làm  nổi bật lên từ đầu truyện mối linh cảm của Kiều về sự lưu lạc sau này”[14]. Nguyễn Bách Khoa cũng phê phán Nguyễn Du đã để cho Kiều từ chối tình yêu sắc dục của Kim Trọng trong cái đêm mà cả nhà đi ăn tiệc bên ngoại chưa về, coi đó là đạo đức giả - chữ dùng của Nguyễn Bách Khoa là “lương tâm hương nguyện” : “Cái lương tâm bịa đặt ấy, trong hoàn cảnh trăng hoa này, thật có như một âm thanh lỗi nhịp trong cuộc hoà nhạc đang bổng chìm đúng tiết tấu. Nguyễn Du đã gẩy sai một tiếng đờn chỉ vì ông  không đủ can đảm mà theo âm nhạc đang rung động, cố tình nắn sai một cung đàn để có thời giờ sửa lại cái tóc bù, cái áo lệch cho được chỉnh tề, kẻo thính giả ngồi nghe cười là không đứng đắn (...). Tất cả Truyện Kiều là sự sai cung lỗi nhịp dụng tâm ấy. Suốt trong cuộc đời Kiều, ở cảnh ngộ nào, Nguyễn Du cũng cố gán cho nàng cái lương tâm giả trá kia, chỉ cốt để thiên hạ xem nàng là hiếu nghĩa trung trinh” (tr. 166-167).

Vận dụng phân tâm học để nghiên cứu văn học có thể bổ sung cho các hướng tiếp cận khác đối với văn bản. Nguyễn Bách Khoa lại là một trong số ít người đi tiên phong ở nước ta dùng thao tác của phân tâm học đọc văn học nên cần ghi nhận công lao của ông về mặt này. Nhưng cách đọc của Nguyễn Bách Khoa rõ ràng là sự hiện đại hóa  văn học trung đại, cách đọc này giả định rằng một thiếu nữ ở thế kỷ XVIII  giống hệt như người thiếu nữ ở thế kỷ XX về phương diện văn hóa, tâm lý mà quên mất rằng môi trường văn hóa của xã hội Nho giáo nam quyền đã tạo áp lực mạnh mẽ đến cách nghĩ và cách hành xử của người xưa đến nỗi cách nghĩ, cách hành xử ấy đã từng là một sự thật.

                                                *****

Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều . Nếu nhìn lại suốt thế kỷ XIX và ngót nửa đầu thế kỷ XX, các thế hệ đọc Truyện Kiều thường giới hạn việc đánh giá, lý giải nhân vật bên ngoài các vấn đề xã hội: đủ mọi vấn đề đã được xới lên trừ vấn đề xã hội phong kiến như là nguyên nhân tối hậu gây ra tất cả những đau khổ cho con người- nhân vật Truyện Kiều.  Nào là bình luận tư tưởng, bình luận  đạo đức, khen chê Thúy Kiều,  bình luận văn chương, kết cấu, ngôn từ, các cuộc thi  vịnh Kiều, các thi tập vịnh Kiều...nhưng hầu như chưa có ai xem xét xã hội phong kiến như một hình thái xã hội với những thiết chế gây ra bất hạnh của Thúy Kiều. Cũng từng có nhà nho bóng gió về nạn ăn tiền hối lộ của quan lại xưa nhưng không đặt vấn đề phân tích cơ sở xã hội đã đẻ ra nạn ăn tiền đó. Cái mới chủ yếu của cách đọc Truyện Kiều trong bối cảnh cách mạng dân tộc dân chủ, phản đế phản phong của cả nước là xem xét tác phẩm trong ngữ cảnh xã hội phong kiến. Dưới mắt các nhà nghiên cứu, Truyện Kiều là bằng chứng cho tính tất yếu phải bị tiêu diệt của xã hội phong kiến vạn ác. Từ đây, chúng ta nói đến chủ nghĩa nhân đạo của tác phẩm gắn liền với tinh thần phản phong, với tinh thần chống nho giáo.  Với những công trình nghiên cứu có lý luận hơn, nhưng vẫn theo luồng mạch tiếp cận này, giới Kiều học bắt đầu tìm hiểu giá trị phản ánh hiện thực xã hội phong kiến, phân tích nghệ thuật điển hình hóa theo hướng chủ nghĩa hiện thực của Truyện Kiều. Nhìn chung, về lý luận phản ánh, việc tiếp nhận Truyện Kiều  từ sau 1945 nhấn mạnh giá trị phản ánh hiện thực xã hội phong kiến; về quan niệm con người, chú trọng phân tích nhân vật theo nghĩa không phải là một cá nhân mà  là một phần tử của một giai cấp, một tầng lớp- lý luận điển hình hóa xem xét nhân vật theo nghĩa điển hình giai cấp. Hai công trình nổi bật về phương diện này là Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du được Hoài Thanh hoàn thành trong thời gian kháng chiến chống Pháp (xuất bản năm 1949) và Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du do Lê Đình Kỵ công bố tại miền Bắc năm 1970. Cũng có thể đề cập sơ bộ về một cực đoan trong việc áp dụng lý luận phản ánh mà Trương Tửu vận dụng khi viết Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du năm 1956.

Công trình vừa nói của Hoài Thanh gần như là một bằng chứng về sự thay đổi quan niệm văn học của ông. Ông viết  :“Phê bình Nguyễn Du tức là chúng ta gián tiếp phê bình chúng ta vậy...Những ý kiến sau đây chỉ là ý kiến riêng của một người cố gắng phê bình để tự phê bình vì biết trong mình còn đa mang rất nhiều nghiệp cũ”[15] . Chúng ta biết nhà phê bình đã chuyển từ nghệ thuật vị nghệ thuật sang nghệ thuật vị nhân sinh  nếu dùng lại ngôn từ của các bên tranh luận một thời. Sự chuyển đổi lập trường phê bình đã thể hiện rõ trong cách giải thích nhân vật Thúy Kiều : “Sức sống của con người Thúy Kiều đã làm rạn nứt cái khuôn khổ chật hẹp của phong kiến. Thân thế trầm luân của Thúy Kiều lại là lời tố cáo những gì nhơ nhớp độc ác trong trật tự phong kiến”. Tuy nhiên, ông nhận thấy Nguyễn Du đã cố thu xếp cho trật tự phong kiến khỏi bị tổn thương và như vậy Nguyễn Du nửa đường lùi bước, không dám theo đến cùng khuynh hướng phản phong. Nguyễn Du xây dựng Từ Hải thành một người anh hùng lý tưởng : “Kiều là tiếng ta thán của Nguyễn Du và của bao nhiêu người ngột thở trong cái khuôn phong kiến. Từ Hải là một giấc mơ, một lối thoát cho những con người đó, trong khi bị bó buộc bị giày vò vẫn ao ước được vẫy vùng giữa khoảng trời cao bể rộng”. Đối với xã hội mục nát như trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mơ ước đập phá tan tành như Từ Hải nhưng rồi ông lại qui tội cho trời, cho số mệnh.  Đó là hạn chế mà Hoài Thanh muốn nhấn mạnh. Tuy nhiên, nhà phê bình đã ghi nhận  ý nghĩa phản phong như là ý nghĩa thời đại của Truyện Kiều đối với những người đang tiến hành kháng chiến chống Pháp: “ Về phương diện này, Nguyễn Du gần chúng ta lắm. Cái xã hội Nguyễn Du vẽ ra bằng những nét khinh bỉ và tức tối chính là cái xã hội chúng ta đương đạp đổ. Cái ao ước sống rộng rãi, sống sâu sắc Nguyễn Du gửi trong nhân vật Thúy Kiều, Từ Hải cũng là cái ao ước của chúng ta. Chỉ khác một điều là những ao ước ấy chúng ta được cái may mắn không phải nửa chừng bỏ dở, chúng ta đang cố thực hiện đến cùng”. Cách đọc tác phẩm phản ánh tinh thần  của những người cách mạng đang tiến hành cuộc cách mạng phản đế phản phong. Từ vựng được sử dụng trong sách của Hoài Thanh đã rất khác với truyền thống phê bình trước cách mạng tháng Tám năm 1945. 

Công trình của Lê Đình Kỵ lại cho thấy sự vận dụng lý luận chủ nghĩa hiện thực đã bắt rễ trong đời sống văn học miền Bắc nước ta thời kỳ những năm đấu tranh thống nhất đất nước.  Hoàn cảnh điển hình theo cách nhìn của chủ nghĩa hiện thực được Lê Đình Kỵ vận dụng là “những mâu thuẫn cơ bản của xã hội phong kiến đến thế kỷ XVIII thì bộc lộ sâu sắc hơn bao giờ hết” [16], “Truyện Kiều là bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội Việt Nam, phản ánh những quan hệ xã hội thực tế gắn liền với chế độ phong kiến Việt Nam trên bước đường suy vong của nó. Những quan hệ này làm nên “hoàn cảnh điển hình”, làm nên cái bối cảnh thực cho hoạt động của các nhân vật, qua đó tính cách các nhân vật được phơi bày nổi bật lên và mang được ý nghĩa điển hình sinh động”[17] . Tính cách điển hình của chủ nghĩa hiện thực là tính cách nhân vật được phân tích trong tương quan với vị trí giai cấp của nó trong xã hội có giai cấp- theo quan niệm này, không thể xem xét con người như một hữu thể độc lập, vì con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội : “Quan hệ giữa người và người ở Truyện Kiều không phải là ngẫu nhiên , tùy tiện hay siêu hình, mà là những quan hệ có tính qui luật sít sao. Quan hệ Thúy Kiều, với Mã Giám sinh, với Sở Khanh với Tú Bà, với Thúc sinh, với Hoạn Thư, với Hồ Tôn Hiến; quan hệ Tú Bà- Mã Giám Sinh- Sở Khanh; quan hệ Hoạn Thư- Thúc Sinh- Thúy Kiều; quan hệ Thúy Kiều – Từ Hải- Hồ Tôn Hiến là những quan hệ xã hội rõ mồn một, gắn liền với vị trí xã hội cũng ngang như với tâm lý riêng của từng người” [18], “Trừ Kim Trọng là nhân vật thuần túy lý tưởng, còn thì nhân vật Truyện Kiều trực tiếp hay gián tiếp, đều tiêu biểu cho những lực lượng xã hội nhất định”[19] . Đó là nguyên lý cơ bản của việc phân tích chủ nghĩa hiện thực trong Truyện Kiều cũng như các tác phẩm văn học khác. Nhưng, nói như Trần Đình Sử, “việc vận dụng khái niệm phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa vào Truyện Kiều làm cho tác giả lúng túng”[20] , công trình này đã bộc lộ mâu thuẫn trong quá trình triển khai phân tích. Không thể đồng nhất tính xã hội đậm đà của các sáng tác nhà nho nói chung và của Truyện Kiều nói riêng (những điều trông thấy) với chủ nghĩa hiện thực như một phương pháp sáng tác.  Thành thử đóng góp của các công trình về Truyện Kiều như vậy vẫn chỉ dừng lại ở khám phá về giá trị tư tưởng của tác phẩm, về nội dung xã hội như là cơ sở quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du. Những đặc trưng loại hình độc đáo của thi pháp trung đại khi nhận định theo tiêu chí của thi pháp hiện thực chủ nghĩa lại hóa ra là “những ràng buộc của mỹ học đương thời”.

Trương Tửu là người vận dụng cực đoan nhất lý thuyết phản ánh để nghiên cứu Truyện Kiều. Đồng nhất hiện thực lịch sử ngoài đời với xã hội được thể hiện trong tác phẩm, ông viết : “Muốn hiểu tác giả Truyện Kiều, phải nghiên cứu ông như một hiện tượng tâm lý phản ánh cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thành và bại. Lịch sử tâm hồn Nguyễn Du cũng như nội dung ý thức Truyện Kiều sẽ thành một bí ẩn không hiểu được, nếu ta tách nó ra khỏi lịch sử phong trào Tây Sơn. Cái khung, cái chất, cái sắc thái đặc biệt ấy của thời đại Nguyễn Du không gì khác hơn là nội dung lịch sử của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn” [21]. Từ đó, tác giả dành nhiều trang mô tả không khí lịch sử xã hội, biến công trình khảo cứu Truyện Kiều thành một khảo sát lịch sử xã hội khô khan, để chứng minh cho luận điểm phản ánh trung thành hiện thực. Các nhân vật được ông phân tích theo quan điểm giai cấp một cách triệt để. Ví dụ, về Hoạn Thư, ông viết : “Hoạn Thư là điển hình của hạng quí tộc thống trị thâm độc, giả trá, nham hiểm, không lùi bước trước một thủ đoạn dã man nào khi cần bảo vệ quyền lợi giai cấp của chúng bị đe dọa”. Quan  hệ Kiều – Thúc Sinh được ông lý giải như là sự liên minh của thị dân nghèo và phú thương bị đại quí tộc là Hoạn Thư đập tan [22]. Cách nghiên cứu văn học giản đơn như thế sang những năm 60-70 ở miền Bắc đã được khắc phục đáng kể.  Các nhà nghiên cứu Đặng Thanh Lê, Nguyễn Lộc đã có những trang viết khám phá về thể loại truyện Nôm của Truyện Kiều, về các kiểu điển hình hóa và  ngôn ngữ Truyện Kiều rất thú vị. Nhưng nhìn chung, họ vẫn đứng trong dòng mạch của phương pháp nghiên cứu văn học ở miền Bắc giai đoạn đó.  

Sẽ là không đầy đủ nếu không nói đến mảng nghiên cứu Truyện Kiều tại đô thị miền Nam trước giải phóng, trước 1975. Nếu phần viết về Truyện Kiều trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ xuất bản năm 1961 vẫn tổng hợp các thành tựu nghiên cứu từ trước cách mạng tháng Tám và cả công trình nghiên cứu của Hoài Thanh ( Phạm Thế Ngũ có một mục về “quyền sống của con người”) thì về sau, các công trình xuất bản ở miền Nam lại chịu ảnh hưởng rõ rệt của lý luận đọc văn học đến từ các trào lưu ở phương Tây giai đoạn này. Có thể khái quát một vài nét đặc trưng  của phương pháp tiếp cận tác phẩm văn học ở các đô thị miền Nam trước 1975 qua các quan niệm lý thuyết văn học và thực tiễn phê bình Truyện Kiều. Về mặt lý thuyết, có thể dẫn, chẳng hạn Nguyễn Văn Trung, tác giả của bộ Lược khảo văn học, bàn về văn học và nguyên lý văn học. Nguyễn Văn Trung phân biệt hai kiểu nghiên cứu văn học. Một là kiểu cắt nghĩa văn học, “áp dụng ý hướng cắt nghĩa trong công tác văn học là tìm giải thích tác phẩm văn chương bằng những cái không phải là văn chương”, “khuynh hướng “cắt nghĩa”, “giải thích” văn chương đưa tới chỗ coi tác phẩm văn chương chỉ là kết quả của một số nguyên nhân hay là tổng cộng của một số dữ kiện: tâm lý, chính trị, kinh tế, xã hội, sinh lý, lịch sử; hoặc văn chương chỉ là phản ánh của những thực tại trên, chữ phản ánh hiểu theo nghĩa tiêu cực thụ động; như khi nói cái bóng là phản ánh của một vật” [23]. Ông coi đó là cách phê bình đứng ngoài tác phẩm, gạt bỏ tác phẩm vì chủ đích là tìm hiểu xã hội, tâm lý, triết lý, thẩm mỹ. Hai là kiểu xem xét tác phẩm như là một tác phẩm văn nghệ, một vũ trụ nghệ thuật tự lập tương đối từ ý hướng sáng tạo đến qui luật cấu tạo. “Nhiệm vụ của nhà phê bình là mô tả bày tỏ những tiêu chuẩn thẩm mỹ rút ra từ chính tác phẩm và phê bình tác phẩm căn cứ vào chính những tiêu chuẩn trên đó tác phẩm đã được xây dựng, cấu tạo” [24]. Có thể nói hầu hết những công trình nghiên cứu lớn nhỏ về Truyện Kiều ở miền Nam trước 1975 triển khai trên quan niệm tương tự: tập trung khảo sát văn bản tác phẩm và ít quan tâm đến việc đối chiếu với hiện thực được phản ánh. Những triết thuyết đương thời, chẳng hạn phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, ở phương Tây đã được vận dụng để phân tích Truyện Kiều . Nguyễn Đình Giang viết: “Tất cả mọi sự diễn tả trong văn chương rút cục lại chỉ là một lời tâm sự, một cách sống bù trừ của phần tâm lý bị dồn ép hay bị bất lực không thực hiện nổi những khát vọng của mình trong tư tưởng, tình cảm hay hoạt động thực sự ở đời” [25] . Từ đó, ông giải thích các nhân vật hiện diện thể hiện các trạng thái tâm lý của Nguyễn Du. “Đoạn trường tân thanh là một lời tâm sự của Nguyễn Du. Trong đó các nhân vật gồm hai vai chính: một vai đại diện bộc lộ hết tâm tình hoài bão mà Nguyễn Du ôm ấp, tôn trọng, kể cả những điều sống thực lẫn những điều khao khát mộng tưởng; một vai đối thoại, bộc lộ những điều mà Nguyễn Du phủ nhận, từ chối” [26]. Mối quan hệ giữa con người với tư cách một cá nhân và xã hội dưới cái nhìn của chủ nghĩa hiện sinh được lý giải rất khác với quan niệm coi con người là một bộ phận của giai cấp. Trần Bích Lan cho rằng một cá nhân có quyền tự do lựa chọn hành động, sự tự do thể hiện nỗi âu lo và từ sự tự do ấy đưa đến định mệnh : “Hoàn cảnh vận hạn của gia đình họ Vương là một sự kiện rõ rệt. Kiều nằm trong hoàn cảnh đó cũng như mỗi người bị chi phối bởi vô số hoàn cảnh của cuộc đời. Nhưng hoàn cảnh không bắt ta có một thái độ cố định. Ta chọn lấy thái độ của ta trước hoàn cảnh. Thằng bán tơ không hề bắt buộc hoặc khuyên nhủ Kiều bán mình chuộc cha. Cha mẹ Kiều cũng không bắt buộc nàng. Trái lại, các người còn can ngăn vì e ngại...Nhưng đứng trước hoàn cảnh đó Kiều đã lựa chọn(...). Cho nên có một hoàn cảnh trớ trêu nhưng cũng có một Thúy Kiều tự do chọn lựa con đường đi của mình trước hoàn cảnh đó [27].  Đó là một vài ví dụ cho thấy một góc bức tranh nghiên cứu Truyện Kiều tại miền Nam trước năm 1975.

                                                            *****

Từ năm 1975, khi đất nước đã thống nhất, một thời kỳ mới mở ra cho lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều. Những nhiệm vụ do cuộc cách mạng dân tộc- dân chủ đặt ra đã hoàn thành, việc gắn liền nghiên cứu tác phẩm với nhiệm vụ cách mạng đã là câu chuyện quá khứ. Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế, khả năng tiếp nhận các phương pháp đọc tác phẩm văn học đã mở rộng hơn bao giờ hết. Như để bù đắp lại những thiếu hụt một thời do quá đề cao nội dung tư  tưởng, giá trị phản ánh tố cáo hiện thực xã hội phong kiến của tác phẩm mà coi nhẹ phương diện hình thức, những công trình thành công nhất về phương diện nghiên cứu hình thức Truyện Kiều đã xuất hiện vào thời kỳ sau 1975, nhất là ở chặng đường đổi mới khoảng 20 năm trở lại đây.

Khái niệm “hình thức” giờ đây được quan niệm rộng, chỉ các dạng hình thức mang tính nội dung chứ không chỉ đơn giản là ngôn từ nghệ thuật. Các nhà nghiên cứu càng ngày càng thấy rõ tầm quan trọng của việc nghiên cứu hình thức Truyện Kiều . Dẫu cho điều này không hề là mới trong lịch sử nghiên cứu cả thế kỷ XX, song như ta thấy, trước 1975, cả ở miền Bắc và miền Nam, chưa có các công trình tiếp cận hình thức Truyện Kiều như vậy. Chúng tôi muốn nói đến Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc và Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình Sử.

Xuất bản lần đầu tiên năm 1985, thực ra, như Phan Ngọc viết trong lời nói đầu, sách đã được viết căn bản từ năm 1965 nhưng chưa công bố. Dễ hiểu là trong bối cảnh những năm 1960 ở miền Bắc, một công trình như thế dễ bị qui kết vào bệnh hình thức. Nhưng giờ đây, hướng tiếp cận hình thức lại gợi mở nhiều điều mới mẻ, hợp lý. Ông viết: “Nội dung tư tưởng Truyện Kiều dù có hay đến đâu cũng là hay với thời đại, không thể so sánh với nội dung tư tưởng của thời đại chúng ta được. Cái còn lại hiện nay là tinh thần lao động nghệ thuật của ông và những thao tác mà ông đã làm” [28]. Các chương mục, hệ thống các vấn đề do ông nêu lên để khảo sát có chút gì đó gợi nhớ tới quan điểm của nhà hình thức Nga V.B. Sklovski, người chủ trương  rằng tác phẩm là tổng số các thủ pháp nghệ thuật. Phương pháp nghiên cứu của Phan Ngọc nhấn mạnh vào những cống hiến kỹ thuật của riêng Nguyễn Du trong việc diễn tả nội dung, luôn đối lập ( so sánh) để tìm cái mới của Nguyễn Du so với truyền thống. Phan Ngọc đã có những phát hiện mới mẻ thú vị do chọn được điểm nhìn mới. Chẳng hạn, ông khảo sát phương pháp tự sự của Nguyễn Du trên cơ sở “đối lập” với truyền thống kể chuyện của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, chỉ rõ Nguyễn Du đã gạt bỏ hầu hết mưu mô, gạt bỏ cả chi tiết bên ngoài, số câu tự sự còn rất ít (con số thống kê là 17, 5 % tác phẩm) nhưng câu chuyện kể vẫn hấp dẫn. Đó là vì Nguyễn Du áp dụng các thao tác: lập hồ sơ, đưa ra đánh giá sự việc; đặt sự việc vào thế đối lập (như đối lập một hành động với hành động khác, tạo tương phản khiến người đọc phải rút ra kết luận...). Song song với các thao tác kể chuyện trên, Nguyễn Du còn có những cách kể mới lạ chẳng hạn như xây dựng hình ảnh “con người cô độc” , các con người “ngồi một mình”. Với con người ngồi một mình đó, tác giả đã vứt bỏ cái ly kỳ của sự kiện bên ngoài để “vùi vào nội tâm con người”, mở ra con đường mới cho tiểu thuyết hiện đại. Về kỹ thuật phân tích tâm lý nhân vật của Nguyễn Du, Phan Ngọc khảo sát ba phạm trù mỹ học mới mà Nguyễn Du cho xuất hiện: phạm trù ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ thiên nhiên. Còn nhiều phát hiện khác không thể liệt kê hết ở đây. Nếu nhìn vào tính ứng dụng của các thao tác này, ta thấy ý đồ của nhà nghiên cứu rất táo bạo: muốn tìm những kỹ thuật sáng tác thành công - từ dùng của ông là “thao tác”-  để cống hiến cho người viết văn hiện nay.  Tất nhiên, cũng có những khái quát của Phan Ngọc còn có thể tranh luận, song hướng đi như thế là mới trong lịch sử đọc Truyện Kiều.

Thi pháp  Truyện Kiều của Trần Đình Sử là kết quả của những suy ngẫm và thực hành nghiên cứu nhiều năm theo hướng “thi pháp học”. Thi pháp học tập trung tìm hiểu tất cả các phương tiện sáng tạo nghệ thuật của tác phẩm. Nhà thi pháp học nghiên cứu văn bản như một thế giới độc lập, có giá trị tự thân mà không quan tâm đến phương diện phản ánh hiện thực khách quan của tác phẩm. Chính tác giả xác định nhiệm vụ của mình là: “Tập trung tìm hiểu thế giới nghệ thuật của Truyện Kiều, bắt đầu từ việc xác nhận thế giới nghệ thuật của các tác phẩm Trung Quốc viết về Vương Thúy Kiều, dẫn đến bước đổi mới sáng tạo của Nguyễn Du...xem xét mối quan hệ của Truyện Kiều với các thể loại văn học dân tộc và truyền thống tư tưởng văn học dân tộc. Sáng tạo của Nguyễn Du bắt đầu từ chủ đề tư tưởng mới, cái nhìn nghệ thuật mới về con người, đến các đặc trưng về không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, chân dung tác giả và màu sắc nghệ thuật. Các hình thức ngôn từ như độc thoại nội tâm, đối ngẫu, điển cố, ẩn dụ, hình thức cốt truyện, loại hình tự sự... đều thể hiện thi pháp của Nguyễn Du” [29]. Thực ra, trong số các vấn đề kể trên, có những cái rất truyền thống như đối ngẫu, điển cố, độc thoại nội tâm đã được nhiều người bàn tới nhưng Trần Đình Sử chọn điểm nhìn mới, xem xét chúng  trong chỉnh thể thế giới nghệ thuật của tác phẩm nên vẫn có những phát hiện thú vị. Ông có ý thức về điều này : “Thông thường người ta thưởng thức câu hay, chữ đắt, thưởng thức các nhân vật ( chân dung, tính cách, lời nói, tâm lý...). Thế giới nghệ thuật cho ta khả năng thưởng thức tác phẩm như một thể toàn vẹn, một mô hình nghệ thuật” [30].  Có thể dẫn ra một cách khá ngẫu nhiên một số nhận xét mới mẻ mà cách tiếp cận thi pháp của ông mang lại. Ví dụ về hiệu quả của việc áp dụng khái niệm “điểm nhìn trần thuật”: “Nhược điểm của nghiên cứu so sánh cốt truyện lâu nay là chỉ chú ý tới cốt truyện như là hệ thống biến cố nhân quả nằm ngoài chi tiết cụ thể và ngoài lời kể (lời trần thuật), do đó thường rút ra kết luận thiếu sức thuyết phục về tính sáng tạo của Nguyễn Du. Nhận xét về việc rút gọn chi tiết xuống mức thấp nhất cũng chưa cho thấy rõ tính chất sáng tạo ấy. Sáng tạo của Nguyễn Du thể hiện trước hết ở việc đổi thay điểm nhìn trần thuật. Những chỗ Kim Vân Kiều truyện trần thuật theo quan điểm của người đứng ngoài, thì Nguyễn Du trần thuật theo con mắt nhân vật, tự bên trong, nên mang nội dung tâm lý. Những chỗ Thanh Tâm tài nhân chỉ giản đơn kể việc thì Nguyễn Du bổ sung thêm các chi tiết tâm lý, tình cảm” [31]. Về quan niệm con người, nhà nghiên cứu cũng có nhận xét thú vị : “cái mới của Nguyễn Du chính là đã chuyển cảm hứng từ tỏ lòng sang thế giới tấm lòng”, “sự tập trung vào thế giới tấm lòng đã làm thay đổi  cấu trúc tự sự của truyện. Trong cấu trúc nhân vật Truyện Kiều thế giới bên trong chiếm ưu thế so với sự biểu hiện hành động bên ngoài, gương mặt bên trong cụ thể hơn gương mặt bên ngoài. Lời nói bên trong ( độc thoại nội tâm, ngôn ngữ nửa trực tiếp) chân thật và sinh động hơn lời đối đáp bên ngoài. Cảnh và vật bên ngoài có xu hướng nội tâm hóa, đối thoại bên ngoài có xu hướng độc thoại hóa...” [32].  Với Thi pháp Truyện Kiều, hướng tiếp cận thi pháp học đã cho thấy khả năng tiềm tàng trong việc khám phá tính nghệ thuật của tác phẩm văn học.

                                                 *****

Khoảng hai chục năm trở lại đây, mảng nghiên cứu Truyện Kiều của Việt kiều ở hải ngoại cũng có những thành tựu nhất định. Có thể nói đến hai cuốn sách, một của Vũ Đình Trác- Triết lý nhân bản Nguyễn Du và một của Thích Nhất Hạnh- Thả một bè lau, Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán. Công trình của Vũ Đình Trác- vốn là luận án tiến sĩ- tìm hiểu chủ thuyết nhân bản (humanisme) của Nguyễn Du trên nền tảng tư tưởng nhân bản của Nho học với những biến thái đặc biệt trong đời sống, với mục đích xác lập một Đạo sống nhân bản tâm linh cho cả dân tộc, cả vùng á Đông [33].  Cuốn sách của Thích Nhất Hạnh lại đưa ra một cách đọc Truyện Kiều – không phải như một tác phẩm văn học- mà như một bản kinh, từ đó có thể  học được nhiều điều về cuộc sống. Ông viết : “Ngày xưa tôi cũng đã từng dạy văn chương Việt Nam và đã dạy Truyện Kiều. Nhưng tâm của tôi lúc đó không được như bây giờ. Tôi đã dạy với tư cách một giáo sư văn chương mà chưa bao giờ dạy với tư cách một thiền sư. Nhìn với tư cách một thiền sư là nhìn sâu, nhìn kỹ, nhìn bằng sự khám phá của thiền quán mọi sự kiện qua những nhận thức, đau khổ, thành công, thất bại và qua sự tu học của mình” [34].  Cả hai công trình này đều không quan tâm đến nội dung phản ánh của tác phẩm, cũng không đọc tác phẩm như một kiệt tác văn chương với những kỹ thuật sáng tạo độc đáo. Một dựa trên sự đối chiếu với Nho giáo, một triển khai trên cơ sở phân tích tinh thần Phật học, cả hai như ngẫu nhiên hay cố ý bổ sung cho nhau về một Đạo sống của người Việt. Hai công trình này đòi hỏi được nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng trước khi có đánh giá, trao đổi.

                                    *****

Chúng tôi đã nhìn lại khoảng hai trăm năm hành trình của Truyện Kiều từ chỗ là bản thảo viết tay đến khi được khắc bản in, phổ biến bằng chữ quốc ngữ với rất nhiều chủ trương biên tập khác nhau, được các thế hệ người Việt đọc với nhiều mục đích, nhiều phương pháp, nhiều lý thuyết đọc khác nhau, cho nhiều kết quả khác nhau. Với mấy chục trang thế này, mục tiêu đầy tham vọng đó dường như khó có thể thỏa mãn. Nhưng khuôn khổ và nhiệm vụ của sách này không cho phép chúng tôi đi quá chi tiết vào mọi vấn đề bề bộn. Chúng tôi hy vọng những phác họa sơ sài như trên về hành trình Truyện Kiều có thể giúp độc giả phần nào có được định hướng nhất định khi chuẩn bị đọc văn bản Truyện Kiều , để có thể lựa chọn cho bản thân một cách đọc, hay là đưa ra một cách đọc mới. Cuộc tái sinh của Truyện Kiều trong lòng người đọc là vĩnh cửu.

            ( Lời giới thiệu cho cuốn Truyện Kiều (Khảo -chú- bình), Trần Nho Thìn (chủ biên), Nguyễn Tuấn Cường. NXB Giáo dục, H. 2007.                                        



[1] Hiện không có tài liệu để đánh giá tình hình phổ biến Truyện Kiều trong nhân dân nói chung, những người lao động không biết chữ trong thế kỷ XIX (muốn đọc Nôm thì cũng phải biết chữ Hán). Chúng tôi nghĩ rằng, rất có thể bản Kiều quốc ngữ mà Trương Vĩnh Ký đã cho phát hành ở Sài Gòn từ năm 1875 đã góp một phần không nhỏ phổ biến Truyện Kiều ra công chúng đông đảo.  Nhưng tài liệu để xác nhận điều này vẫn chưa tìm ra. (Từ điển Annam- Pháp của Génibrel dẫn khá nhiều câu Kiều có thể gián tiếp cho biết mức phổ cập của Truyện Kiều ở cuối thế kỉ XIX.)   

[2]Đào Thái Tôn (Văn bản Truyện Kiều, nghiên cứu và thảo luận.Sđd) cho hay ông Vũ Thế Khôi đã mách cho biết tên bài thơ này là Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm ( dựa theo Lập Trai tiên sinh di thi tập ).   

[3] Minh Mạng có tập Thanh Tâm tài tử cổ kim minh lương đề tập biên. Bài Tổng thuyết đặt ở đầu tập này. Vấn đề cần xác định là : Minh Mạng vịnh Truyện Kiều của Nguyễn Du hay Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ? Về lý lẽ hình thức, có thể nói đó là Kim Vân Kiều truyện. Nhưng việc có nhiều nhà nho thế kỷ XIX không phân biệt  hai tác phẩm là một sự thực, nên chúng ta vẫn có thể coi trên thực tế, Minh Mạng vịnh Truyện Kiều của Nguyễn Du.    

[4] Lời của  Trình Y Xuyên, danh nho đời Tống, chép trong sách Cận tư lục.

[5] Nguyễn Đôn Phục, Văn chương và nhân vật Truyện Kiều (dùng thể vấn đáp), Nam Phong, năm 1922; dẫn theo sách Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm, Sđd, tr. 187. 

[6] Vũ Đình Long, Văn chương Truyện Kiều. Nam Phong, năm 1924, dẫn theo Nguyễn Du, về tác gia, tác phẩm, Sđd, tr. 225-226.

[7] Vũ Đình Long, Văn chương Truyện Kiều, Sđd, tr. 227.

[8] Dẫn theo Thanh Lãng, 13 năm tranh luận văn học, NXB Văn học- Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh, 1995, tr. 16.

[9] Liệu có phải Phạm Quỳnh muốn nhân việc ca tụng Truyện Kiều để đánh lạc hướng tinh thần đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam khi đó hay không ? Thật khó trả lời. Theo chúng tôi biết, có một tư tưởng tương tự  được nói trong truyện ngắn “Buổi học cuối cùng” của nhà văn Pháp Anphông Đôđê (1840- 1897). Tại vùng Andát và Loren của Pháp, thầy giáo Hamel dạy buổi cuối cùng bằng tiếng Pháp cho các học trò. Lệnh của quân Đức chiếm đóng buộc từ nay chỉ dạy bằng tiếng Đức : “Thày Hamel nói với chúng tôi về tiếng Pháp, cho đó là thứ tiếng hay nhất thế giới, sáng sủa nhất, vững vàng nhất: phải giữ gìn nó và không bao giờ xao lãng, bởi vì, khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, mà chừng nào họ vẫn giữ vững được tiếng nói của họ thì chằng khác nào kẻ bị giam nắm được cái chìa khóa của nhà tù” [tác giả chú thích thêm : “Nếu họ giữ vững tiếng nói của họ, họ giữ cái chìa khóa để giải thoát họ khỏi xiềng xích” – P. Mixtrat] (xem Anphông Đôđê, Những vì sao, truyện ngắn chọn lọc, Trần Việt, Anh Vũ dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 1981, tr. 281). Có thể nhà tân học Phạm Quỳnh đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng này. Về vai trò của Truyện Kiều đối với tiếng Việt thì trước và sau Phạm Quỳnh đã có nhiều người nói. Nguyễn Đôn Phục : “Văn chương trong Truyện Kiều ở nước Nam ta, thực là vạn thế bất hủ; chẳng khác gì một bức tràng thành để hộ vệ cho nam âm, bức tràng thành ấy còn thì nam âm còn, bức tràng thành ấy mất thì nam âm mới mất; nhưng tôi chắc rằng bậc tiên dân ta xây đắp nên cái tràng thành ấy, đã đủ cái tư cách dãi dầu được nắng mưa, ngăn được sóng gió, không bao giờ có thể mất được” ( Sđd, tr. 182) ; Đào Duy Anh : “Nguyễn Du đã gieo vào lòng ta một mối tin chắc chắn, một mối hy vọng dồi dào đối với tiếng nói của ta” (Sđd, tr. 409). 

[10] Trương Tửu, Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, Xây dựng xuất bản, Hà Nội, 1956, tr. 22.

[11] Phan Thứ Khanh, Chữ quốc ngữ đối với dân ta, Thần chung, số ra ngày 16-17/2- 1930 và 28/2-1930. Dẫn lại theo Lại Nguyên Ân, Một cuộc thảo luận về sách giáo khoa tiếng Việt trên báo chí Sài Gòn 1929-1930, Tạp chí Xưa và Nay, số 152, tháng 11- 2003.

[12] Nguyễn Văn Hoàn : “Về môn văn học, trường học ở Việt Nam thời thuộc Pháp đã giới thiệu hầu như đủ các trường phái phê bình văn học của Pháp, từ trường phái thực chứng, ấn tượng, cấu trúc...Đặc biệt do việc cuốn Lịch sử văn học Pháp (1894) của Gustave Lanson (1857-1934) được sử dụng làm sách giáo khoa về văn học Pháp trong suốt thời Pháp thuộc, đã khiến cho phương pháp so sánh và nghiên cứu lịch sử mà Lanson áp dụng vào công việc nghiên cứu các tác phẩm văn học, đã có một ảnh hưởng nổi bật ở Việt Nam...Việc Lanson nhấn mạnh phải tìm hiểu tiểu sử tác giả, khảo sát các bản thảo, chú ý đối chiếu văn bản tác phẩm qua các lần tái bản, phải quan tâm phân tích kỹ lưỡng bản thân tác phẩm, thực sự đã tạo ra một xu hướng mới có ý nghĩa khoa học trong công tác nghiên cứu văn học” (Văn học sử những quan niệm mới, những tiếp cận mới, Viện thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr. 132)

[13] Đào Duy Anh, Sđd, tr. 399.

[14] Nguyễn Bách Khoa, Nguyễn Du và Truyện Kiều, in lần thứ hai,  Hàn Thuyên xuất bản, năm 1946, tr. 159-160.

 

[15] Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, dẫn theo sách Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm, Sđd, tr. 454.

[16] Lê Đình Kỵ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, tr. 37.

[17] Lê Đình Kỵ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Sđd, tr. 318.

[18] Lê Đình Kỵ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Sđd, tr. 229.

[19] Lê Đình Kỵ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Sđd, tr. 319.

[20] Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, Sđd, tr. 18.

[21] Trương Tửu, Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, Xây dựng xuất bản, Sđd, tr. 100-101.

[22] Trương Tửu, Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, Sđd, tr. 168-169.

[23] Nguyễn Văn Trung, Lược khảo văn học, Những vấn đề tổng quát, tập I, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn, 1962. 

[24] Nguyễn Văn Trung, Lược khảo văn học, Sđd, tr. 43.

[25] Nguyễn Đình Giang, Thử tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều theo một phương pháp mới, Tạp chí Đại học, số 8/ 1959;  dẫn theo sách 200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều, NXB Giáo dục, Sđd, tr.411. 

[26] Nguyễn Đình Giang, Thử tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều theo một phương pháp mới, Sđd, tr. 434.

[27] Trần Bích Lan, Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do, Sách Chân dung Nguyễn Du, NXB Nam sơn, Sài Gòn, 1974, dẫn theo sách 200 năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều, NXB Giáo dục, Sđd, tr. 877.

[28] Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2001, tr. 268.

[29] Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, Sđd, tr. 24.  

[30] Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, Sđd, tr. 106.

[31] Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, Sđd, tr. 62.

[32] Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, Sđd, 130, 132.

[33] Vũ Đình Trác, Triết lý nhân bản Nguyễn Du, Sđd, tr. 8.

[34] Thích Nhất Hạnh- Thả một bè lau, Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2007.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522781

Hôm nay

231

Hôm qua

2282

Tuần này

21555

Tháng này

220720

Tháng qua

121009

Tất cả

114522781