Những góc nhìn Văn hoá

Luyxernơ: từ sự phân thân của nhân vật trần thuật đến mẫu thuẫn của L.Tolstoy

Kết cấu văn bản tự sự Luyxernơ (với phụ đề “Thiên bút kí của công tước Nêkhơliuđốp”) cho ta thấy hiện tượng “phân thân” của nhân vật trần thuật trong thiên truyện. Sự phân thân đó tạo thành cái mà bài viết này gọi là một “Nêkhơliuđôp của câu chuyện” (chiếm phần chính của truyện) và một “Nêkhơliuđôp của kết luận” (phần kết thúc truyện). Đây chính là cơ sở để bài viết nêu kết luận Luyxernơ  đã cung cấp cho ta một ví dụ để phán đoán mâu thuẫn tư tưởng của L.Tolstoy.

Cho rằng Tolstoy đã vô tình bộc lộ “mâu thuẫn tư tưởng” của chính mình ở tác phẩm Lucerne phản ánh cách đọc đi từ nhà văn đến tác phẩm. Cách đọc đó giả định người đọc “biết trước” Tolstoi có “mâu thuẫn tư tưởng” và mặc nhiên cho rằng trình độ tư tưởng của nhân vật chính – chủ thể của thiên bút kí ngang bằng Tolstoy.

 Nói nôm na có thể đánh đồng công tước Nekhliudof với bá tước Tolstoy.  Đương nhiên ta cũng có thể giả định trường hợp một độc giả vốn văn hóa kém đến nỗi chưa từng biết gì về Tolstoy và thật thà đến nỗi đọc Lucerne như là một thiên bút kí đã từng viết ra bởi một ông công tước người Nga tên Nekhliudof có thực. Vượt lên trên những cách đọc đó, nhà phê bình cũng có quyền cho rằng Tolstoy có dụng ý tự giác trình bày ở/bằng tác phẩm này một diễn biến hoặc một giác ngộ tư tưởng hàm chứa mâu thuẫn. Trong trường hợp này có thể cho rằng trình độ tư tưởng của nhà văn hoặc cao hơn nhân vật (nhưng lại ông đã không nêu đáp án cho nhân vật) hoặc chỉ ngang bằng nhân vật (bản thân ông cũng bối rối về mặt nhận thức như nhân vật). Thế nhưng điều quan trọng lúc này không ở chỗ xem xét cái đáp án tư tưởng tình cảm trong tác phẩm như là một sở hữu chung của nhà văn lẫn nhân vật mà là chia sẻ một quá trình trải nghiệm và diễn biến tâm tư của một cá thể nhân sinh – Nekhliudof, thưởng thức một cách tự sự dưới hình thức “trích đoạn thiên bút kí”.

          Vậy mà dù gì đi nữa, việc trước hết của chúng tôi trong tư cách là một độc giả tạm gọi là chuyên nghiệp – tức một người phân tích phê bình tác phẩm truyện là phải nhận diện văn bản truyện Lucerne dưới góc nhìn tự sự học. Như ta thấy thiên truyện quen được gọi là Lucerne này đề lên hàng đầu dòng chữ có tính cách như là một phụ chú cho nhan đề truyện  – “Trích bút kí của công tước Đ.Nêkhơliuđốp” ngay từ đầu đã thông báo cho ta biết tên gọi của nhân vật xưng tôi đang kể với chúng ta – các độc giả “bút kí” câu chuyện mà anh ta chứng kiến và tham gia phần nào. Trong già nửa phần đầu thiên bút kí, Nekhliudof sau khi kể hết cho một người đọc giả định câu chuyện mà anh ta chứng kiến thì bắt đầu chuyển sang đối thoại chất vấn giả tưởng với đám người trong câu chuyện - gọi họ là “các anh”. Vào nửa sau của thiên bút kí, chủ nhân của thiên bút kí quay sang đối thoại với bản thân, nói chính xác hơn “phân thân” đối thoại với chính mình – tự gọi mình là “ngươi”. Ta không nên xem đó là “độc thoại (nội tâm)” vì màn “tự nói với mình đó” như tuồng là đang nói dưới sự chứng giám của một kẻ thứ ba vô hình – Đấng sáng suốt trên cao. Chí ít khi Nekhliudof vào cuối thiên bút kí sau khi tự tách đôi mình ra và xưng hô với nửa kia của con người mình là “ngươi” (hàm ý trách móc, lên án) thì chính là đang cùng một lúc “đẩy xa” cái “ngươi” kia ra để mình “xích gần” lại Đấng Sáng Suốt mà anh ta gọi là “Người” đang im lặng từ cao vời xa xôi kia. “Ngươi đã chứng kiến, đã phân tích sắc sảo biết bao sự kiện kẻ hát rong bị nghe quỵt bởi một đám quý ông quý bà. Và ngươi dùng một cách gần như là chơi trội kiểu cách con trẻ để trả đũa đám người văn minh giàu có, để bù đắp an ủi người nghệ sĩ nghèo hèn. Đáng phục và cảm động biết mấy, nhưng ngươi đâu hiểu hết huệ tâm và trí lự của Người. Nhân sinh rối bời và mông lung, biết làm sao bây giờ?” Độc giả hoàn toàn có thể thêm vào khúc cuối phần độc thoại nội tâm của nhân vật một đoạn như thế.

          Ông công tước Nekhliudof kể lại câu chuyện  mà ông chứng kiến trước khách sạn Svêixegốp, cái khách sạn toạ lạc một nơi mà “từ đó có thể ngắm một trong những phong cảnh lộng lẫy nhất thế giới” tại Lucerne, Thụy Sĩ (tr.258).[1]Câu chuyện đã thực sự kết thúc bằng câu nhắc tới việc ông không thể ngủ được và “Một mình đơn độc đi đi lại lại trên con đường ven hồ” (tr.284). Sự kiện về việc đám đông du khách thượng lưu có học, giàu có nghe “quỵt” người nghệ sỹ hát rong trong nửa giờ đồng hồ mà ông vừa chứng kiến đã khiến ông không ngủ được. Nêkhơliuđôp ngồi suy nghĩ miên man: “Đấy, số phận thi ca lạ lùng như vậy đó…” (tr.284).

            Thức lâu mới biết đêm dài. Đêm Thuỵ Sĩ đó đối với nhân vật chắc rất dài, đến nỗi đã xuất hiện một sự thay đổi trong bản thân anh ta: xuất hiện một con người nữa… Quả thực nếu ta theo dõi kỹ văn bản tác phẩm, ta sẽ phát hiện ra có “hai Nekhliudof p”, một Nekhliudof nhiệt huyết, hảo tâm, có tâm hồn thi sỹ, bằng một sự phân tích sắc sảo đã lý giải một cách sâu sắc sự kiện nhãn tiền và một Nekhliudof buông xuôi, hư vô chủ nghĩa với những kết luận triết lý của mình về một đấng tối cao đã kết thúc cho thiên bút ký. Chúng tôi tạm gọi đây là “Nekhliudof của câu chuyện” (chiếm phần chính của truyện Luyxernơ) và một “Nekhliudof của kết luận” (phần kết thúc truyện) xuất hiện bắt đầu từ đoạn “Là một tạo vật bất hạnh …” (tr.289) đến hết truyện. Chính sự quan sát về xung đột  giữa những phân tích sắc sảo sự kiện “ngày 7 tháng 7 năm 1857 tại Luyxernơ” với những kết luận ở phần cuối thiên bút ký khiến chúng tôi nhìn thấy cái gọi là hai con người trong một ông công tước nhân chuyến đi. Hiện tượng hai con người trong nhận vật truyện này cho phép ta nhận thấy biểu hiện cụ thể của mâu thuẫn tư tưởng nhà văn trong sáng tác cụ thể. Nói cách khác, chúng tôi dường như đã nhìn thấy những xung đột trong tư tưởng Tônxtôi phản ánh ở tâm hồn một nhân vật cụ thể trong truyện của ông – truyện Luyxernơ. Những kết luận của ông công tước khiến cho những trăn trở thao thức của chính ông trước đó trở nên hoài phí và trở nên không cần thiết. “Nekhliudof của câu chuyện” quả là một chính luận gia có tâm hồn thi sỹ, một con người lớn lao mà tinh tế. Ngay từ đầu chúng ta đã bắt gặp cảm giác khó chịu của ông đối công trình xây dựng bằng tiền và thị hiếu của đám người Anh “hý hửng” – con đường màu trắng “ngu xuẩn”, “thẳng đuỗn như cây gậy” thay thế cho chiếc cầu lượn quanh có gắn ảnh thánh cũ ở bên bờ hồ thắng cảnh Luyxernơ. Giữa cảnh thiên nhiên Thuỵ sĩ “mông lung rối bời, phóng khoáng”, “toát lên tính yếu của cái đẹp”, cây cầu của người Anh “như vết đen trên sống mũi trước mặt mình”. Giữa lúc Nekhliudof đang trở nên chán chường giữa đám người Anh vô cảm, trong lòng “trở nên lạnh giá khủng khiếp, cô đơn và nặng trĩu” thì “bỗng nhiên có tiếng nhạc…” Ông công tước ghi vào thiên bút kí: “những âm thanh đó tức thời làm tôi tươi tỉnh lên ngay. Tựa như có một thứ ánh sáng rực rỡ vui tươi rọi vào tâm hồn” (tr.264). Sức mạnh đó tạo ra một sự thật tâm hồn: “tất cả những cái đó (khung cảnh xung quanh người nghệ sĩ hát rong – người viết) đều đẹp lạ lùng, nhưng khôn tả, hoặc là tôi tưởng như vậy” (tr.264). Đây không đơn thuần chỉ là một sự thay đổi tâm trạng ở nhân vật. Tiếng nhạc, giọng hát của người nghệ sỹ thức dậy trong con người Nekhliudof “nhu cầu yêu thương, hy vọng tràn đầy và niềm vui sống… Mong muốn cái gì, ao ước cái gì? - Đấy, nó đấy, từ khắp mọi nơi mọi phía cái đẹp và chất thơ đang vậy bọc lấy anh… Tất cả là của anh, tất cả là hạnh phúc” (tr.266).

          “Nekhliudof của câu chuyện” đã chỉ ra thuyết phục biết bao sự thật thi ca, sức mạnh của nó cũng như cách nhìn nhận chân lý đời sống - đối tượng của thi ca. Tất nhiên, tất cả những điều đó không phải là mớ lý luận chay. Chúng là cả một sự chiêm nghiệm, từng trải và xúc cảm của cá nhân nhân vật. Trước mắt độc giả là một câu chuyện – câu chuyện một chuyến đi. Quả thật “Nekhliudof của câu chuyện” đang du lịch bằng cả con người chứ không phải là một sự di chuyển, di chuyển như đám người Anh trên “con đường thẳng đuột như gậy” của họ. Từ bản thân câu chuyện Nekhliudof độc giả cũng có thể liên hệ đến thuyết lây lan tình cảm trong nghệ thuật của chính tác giả thiên truyện Luyxernơ. Ý thức được sức mạnh nghệ thuật như một sự thật bằng tâm hồn tự giác - điều đó đã không dễ. Thế nhưng Nekhliudof còn thấy được một thực tế khác, cái thực tế đã khiến cho anh buồn bã cảm thán: “Đấy, số phận của thi ca lạ lùng như vậy đó, - tôi hơi trấn tĩnh lại, suy xét – Mọi người đều yêu quý, đều tìm nó, chỉ ao ước và đi tìm độc có mình nó trong cuộc đời, vậy mà chẳng ai chịu thừa nhận sức mạnh của nó, chẳng ai chịu đánh giá cao niềm hạnh phúc tuyệt vời này của thế gian, chẳng ai đánh giá cao và cám ơn những kẻ  đã đem lại cho con người niềm hạnh phúc đó” (tr.284). Xuất phát từ sự phân tích câu chuyện đám đông du khách và người nghệ sĩ hát rong, Nekhliudof đã chỉ ra thực tế về sự thực thi ca thuyết phục không được ý thức, hoặc nói cách khác thực tế về sức mạnh thi ca đã bị xuyên tạc đi trong thế giới con người văn minh như thế nào. Đây chính là một góc độ khác trong hình dung sự thực về tác động nghệ thuật – niềm hạnh phúc của con người. Phần đa số người ở khách sạn Svêixergốp đều tự lừa dối “đồng tiền là hạnh phúc tuyệt vời nhất thế gian”. Nekhliudof chất vấn: “Phải chăng người ta có thể dùng tiền, cứ cho là bạc triệu đi, để để xua đuổi các anh rời tổ quốc và tụ tậptrong cái góc bé nhỏ ở Luyxernơ này? Phải chăng người ta có thể dùng tiền tụ tập tất cả các anh trên ban công và buộc các anh đứng im lặng bất động trong suốt nửa giờ” để “nghe bài hát của con người cùng khổ bé nhỏ đó?” (tr.284). Nekhliudof vạch rõ cho đám đông: “Chỉ có độc một thứ buộc các anh hoạt động và nó sẽ vĩnh viễn chuyển động mạnh hơn mọi động cơ khác trên đời - đó là nhu cầu thi ca mà các anh không ý thức được, nhưng cảm nhận thấy, chừng nào trong các anh còn có chút chất người” (tr.285).

          Nhưng tại sao lại như vậy? Tại sao đám đông văn minh ấy rốt cuộc lại ném vào mũ người nghệ sỹ “sự lạnh lùng tàn nhẫn vô liêm sỉ” chứ không phải là “mấy xăng-tim tiền lẻ?” Tất cả sức nặng phân tích tố cáo của thiên bút ký là ở chỗ lý giải thực tế này. Nekhliudof “hầu như đã hiểu hoặc đã quen” với tình trạng tương tự trên ở đám đông dã man, ở quần chúng bị trùm bọc bởi chính sách ngu dân. “Nhưng tại sao các anh (đám đông văn minh – người viết) những đứa con của một dân tộc tự do, nhân đạo” (tr.286) lại như vậy? Nekhliudof phát hiện ra nền văn minh đồng tiền phương Tây suy cho cùng đã tạo ra một sự ngu dân mới cho chính chủ nhân của nó – xét trên phương diện ý thức tự giác về hưởng thụ nghệ thuật. Đồng tiền như một kẻ trong đám đông du khách ở khách sạn Svêixegốp thừa nhận, đã khiến cho trí tuệ của họ chỉ chấp nhận có một sự thật cuộc đời – hạnh phúc tuyệt vời nhất trên thế gian chính là bản thân đồng tiền. Trí tuệ đó theo Nekhliudof – “mới thảm hại làm sao”. Các quý ông, quý bà đó đã hưởng thụ nghệ thuật, nhưng hưởng thị một cách vô ý thức và tệ hại. Nekhliudof đã phân tích một cách chua chát niềm hạnh phúc hưởng thụ nghệ thuật của đám người quý phái: “Các anh chấp nhận lòng yêu thích thơ ca như một cái gì đó của trẻ con và của tiểu thư ngốc nghếch và rồi các anh cười cợt cái thứ độc nhất mà các anh yêu thích” (tr.285). Hưởng thụ nghệ thuật một cách vô ý thức, lại còn xuyên tạc niềm hạnh phúc này - đó chính cũng là một sự ngu dốt và tội lỗi của đám người thượng lưu có học. Điều này càng rõ ràng và trầm trọng hơn khi việc hưởng thụ nghệ thuật vô ý thức đó còn gắn với thái độ vô trách nhiệm và thói vô cảm trong quan hệ với đồng loại. Nekhliudof cật vấn và lật tẩy đến cùng lương tâm và thái độ của đám đông quý ông quý bà văn minh: “Nhưng vì sao các anh, những đứa con của một dân tộc tự do nhân đạo, những tín đồ Kitô giáo, các anh vốn là những con người, lại đã lạnh lùng và giễu cợt đáp lại cái khoái cảm trong trắng mà con người van xin bất hạnh đó đem lại cho các anh? Nhưng không, trên đất nước các anh có nơi trú ngụ cho những người hành khất kia mà. – Không có loại người hành khất, không nên có bọn họ và không nên có sự thông cảm vốn là chỗ dựa của cảnh đi hành khất. – Nhưng anh ta lao động, anh ta mua vui cho các anh, anh ta cầu xin các anh đã sử dụng. Ấy vậy mà  các anh mỉm cười lạnh lùng đứng từ trên những căn phòng hoa lệ cao rộng của mình quan sát anh ta như xem thứ đồ lạ và trong số hàng trăm người các anh, những kẻ sung sướng giàu có, không có lấy một người đàn ông, một người đàn bà nào ném được cho anh ta chút gì! Anh ta hổ thẹn, rời bỏ các anh ra đi, và đám đông cười cợt đi theo và xúc phạm không phải các anh, mà là anh ta, vì lẽ các anh lạnh lùng, tàn nhẫn và vô liêm sỉ, vì lẽ các anh đã đánh cắp khoái cảm mà anh ta đã đem lại cho các anh, và vì lẽ đó mà anh ta đã bị xúc phạm” (tr.286). Nekhliudof dùng hai từ “xúc phạm” và “đánh cắp” thật là chính xác! Không một chút mặc cảm keo kiệt, đám quý ông, quý bà cảm thấy việc mà Nekhliudof xem là sự kiện lại là một việc đương nhiên: nghe hát nhưng không cho tiền rồi cười cợt và bình thản trò chuyện khi người ca sỹ rong phải “rảo bước bỏ đi”. Một sự đương nhiên ở những kẻ đã vượt lên chuyện day dứt cỏn con – bố thí hay không, vượt qua cả niềm sung sướng bóc lột không công, đồng thời cũng quên cả ý thức về sự sòng phẳng tối thiểu – tính công lao động, một ý thức quen thuộc của giới chủ. Thật dễ hiểu khi đám người này tự mình cũng không ý thức được là mình đang hưởng thụ hạnh phúc nghệ thuật. Tâm hồn đám đông này đã được mài trơn thành những viên bi, những viên bi này đang lăn trên “con đường thẳng đuỗn” dọc bờ hồ ở “một trong những phong cảnh nên thơ nhất thế gian”.

          Chính vì vậy mà Nekhliudof đã cảnh tỉnh mọi người về sự kiện ngày 7/7/1857 này như sau: “Đây không là sự bịa đặt, mà là một sự kiện có thật, nếu ai muốn biết có thể thẩm sát qua đám khách thường trú thường xuyên tại khách sạn Svêixergốp, khi đã dò hỏi được qua các báo xem ai là người nước ngoài thuê khách sạn Svêixergốp  ngày 7 tháng 7” (tr.286-287). Không phải nhân vật kể chuyện đơn giản muốn cho mọi người tin đó là một sự thật cá biệt – theo nghĩa đã xảy ra. Nekhliudof phân biệt sự thật đời sống - đối tượng của thi ca với sự thật lịch sử: “Sự kiện đó quan trọng hơn, nghiêm chỉnh hơn và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc hơn tất cả các sự kiện đã được ghi chép lại trên các báo và trong các pho sử” (tr.287). Theo Nekhliudof những điều chép trong các báo và sử sách “tất cả là những lời lẽ che giấu hoặc phô bày điều người ta đã biết từ lâu; nhưng tôi thiết tưởng sự kiện xảy ra ở Luyxernơ ngày 7 tháng 7 là hoàn toàn mới, kỳ lạ và nó liên quan không phải  tới những phương diện tồi tệ vĩnh cửu của bản chất con người, mà liên quan tới một thời đại nhất định trong sự phát triển của xã hội. Đó là một sự kiện không phải dành cho lịch sử hoạt động của con người, mà để cho lịch sử của tiến bộ và văn minh” (tr.287). Đoạn bút kí cho ta thấy ông công tước người Nga đã phân biệt rõ chân lý đời sống với sự thật lịch sử. Hình dung và yêu cầu của ông ta về tiếp nhận nghệ thuật chân chính cũng đáng để cho chúng ta ngạc nhiên. Quan niệm câu chuyện ngày 7 tháng 7 như một sự kiện - đó là một yêu cầu đối với nhà văn. Tiến lên lý giải được sự kiện này, đó lại là một yêu cầu nữa đối với nhà văn. Nekhliudof phân tích : “vì sao sự kiện vô nhân đạo lại xẩy ra ở đây?” – “nơi nền văn minh, tự do và bình đẳng đã được nâng tới trình độ cao, nơi tụ tập các nhà du khách, những con người văn minh nhất thuộc các dân tộc văn minh nhất” (tr.288). Văn minh bởi vì có nền cộng hoà, nghị viện, mít tinh và hội đoàn. Nhưng những con người văn minh hoạt động cho sự tuyên truyền đạo và nền giáo dục châu Phi ấy “lại không tìm thấy trong lòng mình cái tình cảm nguyên sơ đơn giản của con người đối với con người”. Mối liên hệ khôn ngoan ích kỷ có được bởi nghị viện, hội đoàn, mít tinh “mệnh danh là nền văn minh” tràn đầy “bả hư vinh, thói háo danh, thói tham lam” đã “thủ tiêu và mâu thuẫn với nhu cầu của mối liên hệ dựa trên bản năng và tình thương” (tr.288). Còn “bình đẳng”? Nekhliudof cật vấn: “Chả lẽ các dân tộc giống như những đứa trẻ, có thể được sung sướng nhờ độc có âm thanh của từ “bình đẳng?” Câu chuyện mà Nekhliudof kể ra cho ta thấy đó là thứ bình đẳng của thứ bậc – không chỉ là quy định ranh giới giai cấp lạnh lẽo mà hầu như đã trở thành một tâm lý, một ứng xử thông thường: Người gác cửa và hầu bàn tự cho mình đứng cao hơn người ca sỹ chỉ vì họ “ăn mặc sang hơn”. Nekhliudof hỏi: “bình đẳng trước pháp luật ư?” và tự trả lời “chỉ có một phần nghìn cuộc đời lệ thuộc vào pháp luật, phần còn lại diễn ra trong tập tục và quan điểm xã hội” (tr.289). Vả chăng pháp luật của nền cộng hoà ấy lại cấm và có thể bỏ tù những người hát rong. Phản vấn sắc sảo của Nekhliudof - “Và chả lẽ các quốc gia mà người ta cho là thực sự tự do lại đúng là một quốc gia có tự do, khi mà trong đó ít ra có một công dân bị bỏ tù, vì anh ta không làm hại ai, không làm phiền ai, chỉ làm độc có một việc mà anh ta có thể làm để khỏi bị chết đói?” (tr.289) dường như cũng là một sự bộc lộ tập trung tinh thần của L.Tolstoy. Chính câu hỏi này đã chấm dứt phần thể hiện Nekhliudof thứ nhất – “Nekhliudof của câu chuyện”. Truyện Luyxernơ hoàn toàn có thể dừng tại đây mà vẫn đảm một sự hoàn tất nghệ thuật nhất định. Thậm chí, theo thiển ý của chúng tôi, truyện càng tỏ ra thống nhất hơn về mặt tư tưởng nếu như nó thực sự dừng lại ở câu hỏi này của tác giả thiên bút.

Thế nhưng Tolstoy đã “trích” bút ký của vị công tước Nga nhiều hơn chúng ta tưởng. Trong phần tiếp theo của thiên bút kí chúng ta bắt gặp những tổng kết, những kết luận vô hình trung đã phủ nhận trở lại chính tất cả tính tích cực của cái lôgíc tự sự mà bản thân câu chuyện đã bộc lộ ở phần trên của truyện. Sức mạnh nghệ thuật vốn có của câu chuyện ngày 7 tháng 7 được kể lại bằng hình thức bút ký người trong cuộc của nhà tự sự Tolstoy vô tình đã vượt lên và phơi bầy tính chất siêu hình của nhà triết lý Tolstoy. Ông công tước Nekhliudof đã tỏ ra sắc sảo biết bao khi nhìn nhận một sự thực đời sống mà ông mục kích sở thị trong chuyến du lịch Tây Âu, thì giờ đây khi “đêm tối im lìm chết lặng” đã buông phủ khắp cái khách sạn bên hồ này, ngồi viết trang cuối cùng cho thiên bút ký – tổng kết và rút ra những kết luận chung cho nhận thức chân lý nhân sinh, ông chợt trở nên siêu hình một cách trái khoáy. Như hình dung của Nekhliudof, câu chuyện mà ông chứng kiến – câu chuyện mà ông từng cho là “liên quan không phải  tới những phương diện tồi tệ vĩnh cửu của bản chất con người, mà liên quan tới một thời đại nhất định trong sự phát triển của xã hội” cuối cùng cũng chỉ là một làn sóng nhỏ trong cái đại dương đời sống nhân sinh mênh mông này: “Là một tạo vật bất hạnh, thảm hại, cùng với nhu cầu về những giải pháp tích cực của mình, con người bị ném vào đại dương vô cùng tận, vĩnh viễn xao động của thiện và ác, của những lý lẽ và những mâu thuẫn. Đời đời con người vật lộn và nhọc công để gạt hạnh phúc sang một bên và bất hạnh sang một bên. Các thế kỉ trôi qua và giả sử ở đâu đó có một bậc hiền mình vô tư ném thêm thứ gì đó lên các đĩa cân thiện và ác, thì các đĩa cân đó cũng sẽ không lay động và ở mỗi bên có bao nhiêu hạnh phúc thì cũng có bấy nhiêu bất hạnh” (tr.289).[2] Đọc kỹ Luyxernơ người ta thấy một Nekhliudof từng suy nghĩ một cách quyết liệt và tích cực, cuối cùng lại vấp phải một Nekhliudof kết thúc vấn đề bằng niềm mơ ước xa vời: “Giá như có được dù chỉ một người đọc được cách không xét đoán và suy nghĩ một cách quyết liệt và tích cực, và không trả lời những câu hỏi mà người ta nêu lên cốt để cho chúng vĩnh viễn vẫn là những câu hỏi” (tr.235). Nekhliudof “thứ hai” này nghi ngờ sự nhận thức, thậm chí là phủ nhận khả năng nắm bắt được sự thật và quy luật của đời sống con người. Ông ta khuyên: “Chúng ta chỉ có độc một người hướng đạo không lầm lỗi là cái tinh thần toàn thế giới (… …) nhen nhóm lên trong mỗi người khát vọng cần phải có; chính cái tinh thần ấy ở trong cây ra lệnh cho cây vươn tới ánh sáng ở trong hoa ra lệnh cho hoa gieo hạt giống vào mùa thu và ở trong chúng ta ra lệnh cho chúng ta nép sát vào nhau một cách vô ý thức”.

          Độc giả tự hỏi, vậy tại sao cái tinh thần ấy không ra lệnh cho thi ca đem lại ngoài niềm hạnh phúc tâm hồn cả cái ăn để người hát rong đủ sức đàn hát? Lẽ nào lại lấy niềm hạnh phúc tâm hồn “không đo đếm nổi” của người nghệ sỹ thay thế cho chính sự nghèo đói và bệnh tật? Ngược lại coi việc thiếu niềm hạnh phúc đó ở những kẻ “sống sau những bức tường cao, giàu sang” kia như là sự trả thù vào nỗi sung sướng vật chất của họ? Rồi vì thế mà tự nhủ mình “ngươi không có quyền thương hại anh ta” (người nghệ sĩ hát rong – người viết) và phẫn nộ trước cảnh giàu sang của vị huân tước”. Phải chăng “sự kiện ngày 7 tháng 7” đó cũng là “không mâu thuẫn”, nó xảy ra là để “đáp ứng nhu cầu hài hoà của cái vĩnh cửu và cái vô cùng…” (câu kết thúc thiên bút ký)? Chúng ta hoàn toàn có thể cật vấn nhà tư tưởng Nekhliudof như thế khi ông kết thúc thiên bút ký bằng những kết luận siêu hình. Nêkhơliuđôp cảm khái: “Thật là khôn cùng tấm lòng khoan hậu và sự sáng suốt của người đã cho phép và ra lệnh cho tất cả những muân thuẫn đó tồn tại”. Ta hãy nhớ lại cũng chính ông công tước - “Nêkhơliuđôp của câu chuyện” trước đó đã phân tích thấu triệt biết bao cái gọi là luật pháp của nước cộng hoà. Ta tự hỏi những luật lệ tự nhiên mà người nghệ sĩ nói đến phải chăng lại không phải là “các luật lệ của người đó”? Độc giả dường như ít nhiều cảm thấy dư vị của một thứ chủ nghĩa A Q quý tộc trong những luận bàn của Nêkhơliuđôp lúc kết thúc thiên bút ký.

Như hình dung của Nekhliudof, câu chuyện mà ông chứng kiến – câu chuyện mà ông từng cho là “liên quan không phải  tới những phương diện tồi tệ vĩnh cửu của bản chất con người, mà liên quan tới một thời đại nhất định trong sự phát triển của xã hội” cuối cùng cũng chỉ là một làn sóng nhỏ trong cái đại dương đời sống nhân sinh mênh mông này: “Là một tạo vật bất hạnh, thảm hại, cùng với nhu cầu về những giải pháp tích cực của mình, con người bị ném vào đại dương vô cùng tận, vĩnh viễn xao động của thiện và ác, của những lý lẽ và những mâu thuẫn. Đời đời con người vật lộn và nhọc công để gạt hạnh phúc sang một bên và bất hạnh sang một bên. Các thế kỉ trôi qua và giả sử ở đâu đó có một bậc hiền mình vô tư ném thêm thứ gì đó lên các đĩa cân thiện và ác, thì các đĩa cân đó cũng sẽ không lay động và ở mỗi bên có bao nhiêu hạnh phúc thì cũng có bấy nhiêu bất hạnh” (tr.289).[3] Sau cùng Nekhliudof kết luận “chỉ có độc một người hướng đạo không lầm lỗi là cái tinh thần toàn thế giới” có “có trí tuệ lớn lao đến mức có thể bao quát toàn bộ các sự kiện và cân nhắc chúng dù chỉ là trong quá khứ bất động” và “bằng trí tuệ đó mà tự mình thoát ly hoàn toàn khỏi cuộc đời này, dẫu là trong chốc lát, để có thể từ trên cao nhìn ngắm nó một cách độc lập” là có khả năng trả lời tất cả các câu hỏi nhân sinh. Nhưng cái tinh thần toàn thế giới đang ở đâu giữa “đại dương vô cùng tận, vĩnh viễn xao động” của đời sống và nhân tâm – cái đại dương mà Tolstoy vĩ đại đã vĩnh viễn chia tay với nó ở một ga xe lửa mùa đông năm 1910? Cuộc “đào tẩu” bất thành của nhà văn đương nhiên không phải là chuyến du lịch nhằm hướng Luyxernơ như nhân vật Nekhliudof, nhưng mối mâu thuẫn lớn lao giữa việc phân tích sâu sắc sự thực đời sống với những suy tư về lí tưởng nhân sinh thì hoàn toàn như nhau. Khác chăng, công tước Nekhliudof đã đề được ngày kết thúc thiên bút kí du lịch Thụy Sĩ trong lúc bá tước Tolstoy đâu biết ngày cuối cùng của thiên bút kí của cuộc đời chính mình!

          1995 – 2010


[1] Các đoạn trích dẫn tác phẩm đều dẫn từ  Lép Tônxtôi,  Truyện Chọn Lọc, Nxb.Văn học, 2005. Chúng tôi giữ nguyên cách phiên âm tên riêng của bản in này. 

[2] Trong một tác phẩm khác, Tolstoy nói đại ý hạnh phúc đều như nhau chỉ bất hạnh thì mỗi nhà mỗi khác.

[3] Trong một tác phẩm khác, Tolstoy nói đại ý hạnh phúc đều như nhau chỉ bất hạnh thì mỗi nhà mỗi khác.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570242

Hôm nay

2278

Hôm qua

2367

Tuần này

22625

Tháng này

228766

Tháng qua

129483

Tất cả

114570242