Những góc nhìn Văn hoá

Núi Non Nước - một bảo tàng bia quý

Núi Non Nước (Sơn thủy sơn) ở trong khu vực thành tỉnh. Phía bắc trông xuống ngã ba sông Non Nước. Trương Hán Siêu người đời Trần vì yêu cảnh đẹp nơi đây đổi gọi là núi Dục Thúy, về già ông làm nhà ở đây.

 Danh nhân xưa nay đi qua đây đề vịnh rất nhiều, hiện còn lại chữ khắc trên vách đá. Phía bắc núi nhìn xuống sông có động. Trong động có đền thờ thần Tam phủ. Bên eo núi có tảng đá nằm sát mặt sông, trên có khắc 3 chữ lớn Hám giao đình (Đình ngắm giao long). Phía tây nam núi có đền thờ thần Sơn Tinh, Thủy Tinh. Trên đỉnh núi xưa có chùa Non Nước (Sơn Tinh tự). Khoảng năm Gia Long người trong ấp chuyển chùa đến núi Cánh Diều. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), vua ngự giá Bắc tuần, nhân lên núi ngắm cảnh, ban sắc chỉ cho dựng ngôi lầu trên núi. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) vua ngụ giá Bắc tuần, nhân lên núi ngắm cảnh, ban sắc chỉ cho đổi tên là Hộ Thành sơn (núi Hộ Thành - lấy núi làm bức tường thành phía bắc), lại lệnh cho xây tường bao quanh và đắp ụ tường và chỗ đặt pháo ở trên núi. Vua còn làm thơ khắc vào bia và dựng nhà bia ở sườn núi.

Đoạn dẫn trên rút ra từ sách Đồng Khánh địa dư chí(1) viết về núi Non Nước, thuộc phường Thanh Bình thành phố Ninh Bình tỉnh Ninh Bình ngày nay. Một số cuốn địa chí khác viết về Ninh Bình cũng có nội dung tương tự.

Núi Non Nước nằm ở ngã ba sông: sông Đáy chảy phía bắc núi, sông Vân Sàng phía tây núi. Người Ninh Bình thường tự hào với “Sông Vân núi Thúy” nhưng thực ra chuyện đó là của ngày xưa, còn bây giờ núi Non Nước soi mình xuống dòng sông Đáy là chính, câu thành ngữ “trên non dưới nước” thì “dưới nước” cũng là sông Đáy đấy.

Núi Non Nước có độ cao trung bình khoảng hơn 10m, nơi cao nhất là mỏm núi đông nam, khoảng 20m, không kể cái lô cốt thời Pháp trên đó. Chiều dài núi theo hướng đông tây khoảng 50m, chiều ngang theo hướng nam bắc khoảng 40m. Và phía đông, phía tây đều dựng đứng và hiểm trở, chỉ có phía nam là còn có chỗ thoai thoải, người xưa đã tạo bậc lên xuống để trèo lên đỉnh núi mà ngắm cảnh. Đỉnh núi có một khoảng rộng bằng phẳng gần vuông, mỗi chiều ước 15-20m. Theo sử sách thì thời cổ chùa Non Nước được dựng ở đây, đời Gia Long chuyển chùa về núi Cánh Diều gần đó. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821) vua cho dựng phương đình ở đây, các lầu vuông đó nay vẫn còn, mặc dù chỉ là sản phẩm làm lại sau này. Mặt bằng là chỗ để khách vãng cảnh phóng tầm mắt ra bốn phía nhìn ngắm trời đất bao la, tìm lại hình dáng người xưa còn phảng phất đâu đó, nào Trương Thăng Phủ, nào sư Trí Nhu, sư Đức Văn, Đức Môn, nào hoàng hậu nhà Lý, công nương triều Trần, hoàng đế thời Lê, danh sĩ đời Nguyễn... Đâu rồi chùa Non Nước, tháp Linh Tế, quán Tế Bệnh, viện Báo Ân... tất cả chỉ còn là dĩ vãng. Cũng may còn đó một “bộ sưu tập” văn bia ngoài trời vô giá của nhiều triều đại để lại, mà chúng tôi sẽ giới thiệu dưới đây:

1. Hiện trạng văn bia

Về hiện trạng, có thể nói các bia ở đây không được bảo quản tốt, không có cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào bảo quản. Vì thế hiện trạng văn bia rất xấu. Nhẹ thì bị nước chảy, rêu mọc làm mờ lấp chữ, nặng hơn thì bị rễ cây mọc chằng chịt ngang dọc, ăn xuyên cả vào mặt bia, hoặc bị vỡ mảng lớn, thậm chí có bia thời Trần “Bắc Trường thập sào” rơi từ trên cao xuống chân vách núi từ lâu, nhưng đến cuối năm 2008 đã bị kẻ gian lấy trộm. Còn văn bia khắc sát đường đi, trán tạc đôi rồng yên ngựa thế kỷ XVI - XVII, đã bị xóa hết chữ rồi đục chồng lên mặt bia dòng chữ: “Kỷ niệm hoàn thành cầu Ninh Bình, tháng 10 - 1958...” Một số bia khác cũng bị người đời sau khắc tên lên mặt bia, khiến cho bia bị hư hại nghiêm trọng.

2. Vị trí văn bia

Văn bia được khắc chủ yếu ở mặt nam của núi, mặt khác nơi kề sông Đáy có 4 bia với 1 bia Lê, 2 bia Nguyễn, 1 bia mờ không rõ đời nào. Trên đỉnh núi có một số bia phần lớn bằng chữ Quốc ngữ thời Nguyễn. Như vậy những văn bia cổ thời Trần - Lê nằm hết cả ở vách núi phía nam, nơi có đường đi dưới chân núi và lối lên núi. Phía đông, nơi hiện nay có chùa Non nước, phía tây núi nơi có đền thờ thần Sơn Tinh, Thủy Tinh xưa, đền thờ Trương Hán Siêu nay và một phần tiếp giáp sông, không có bia nào.

3. Số lượng văn bia

Trong tổng số 63 văn bia đã được thống kê từ trước cho đến năm 2008, có 9 bia thời Trần, 8 bia thời Lê, 39 bia thời Nguyễn, 3 bia chưa xác định được niên đại, và 4 bia mờ hoàn toàn, 59 bia còn đọc được cho biết có 6 bia khắc bằng chữ quốc ngữ, 53 bia chữ Hán, trong đó có 6 bia chỉ còn lại bản rập ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhưng ở núi thì không còn nữa. Riêng bài thơ Sơn sắc chính y y nổi tiếng của Trương Hán Siêu mà rất nhiều bài viết cho rằng được khắc ở núi Non Nước, thì không hề thấy ở trên núi, mà trong kho tư liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng không có bản rập này, vì không thấy Viện Nghiên cứu Hán Nôm giới thiệu bản rập. Như vậy, hoặc là bài thơ đó được khắc ở núi nhưng đã mất rất lâu rồi, hoặc bài thơ đó chưa bao giờ được khắc lên núi Non Nước, nhưng nhiều người cứ ngộ nhận là thơ bia. Không biết những bia bị mờ hoàn toàn ở núi, có nằm trong số 6 bia đang được lưu giữ bản rập ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm không (tất nhiên là không có bia Sơn sắc chính y y? Nhưng 6 bia đó đều có niên đại Nguyễn.

Một điều nữa cũng cần nói rõ là theo văn bia Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký do Trương Hán Siêu soạn vào năm Thiệu Phong thứ 3 (1343) đời vua Trần Nhân Tông thời Trần, thì còn có một bia từng được khắc ở núi, mà Trương Hán Siêu đã đọc, mới biết rằng thời Lý nơi đây từng có ngôi chùa Tháp, xin trích: “Quê ta có nhiều cảnh đẹp, thuở thiếu thời dạo chơi, in dấu chân hầu khắp. Từng dừng thuyền lên núi này, vỗ tấm bia bên vách núi, cạo rêu mà đọc kỹ(2), mới biết ngôi tháp cũ đây xây từ năm Tân Mùi niên hiệu Quảng Hựu thứ 7 triều Lý (1091)(3). Tháp thời Lý đã đổ từ lâu, mà tấm bia nói về tháp, cũng không còn, trong số các bia hiện có ở núi cũng như các bản rập được lưu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đều không có bia này, do đó không thể biết niên đại bia, Trương Hán Siêu cũng không nói bia thuộc thời nào. Mặc dù vậy có thể khẳng định bia đó thuộc thời Lý hoặc thời Trần. Thuộc thời Lý là vì thông thường khi hoàn cảnh một công việc quan trọng gì đó, người ta cho dựng bia. Tháp cũ được xây dựng năm Quảng Hựu thứ 7 đời vua Lý Nhân Tông là một sự kiện lớn, tất phải khắc bia ghi lại sự kiện đó. Như vậy bia được tạc năm 1091? Thuộc thời Trần là vì, cũng như bia Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký có niên đại 1343 thời vua Trần Dụ Tông, nhưng nhắc lại sự kiện dựng tháp thời Lý. Tuy vậy, khả năng bia thuộc thời Lý nhiều hơn.

Tóm lại, qua bao nhiêu biến cố thời cuộc, số lượng và chất lượng bia ở núi Non Nước bị mất mát hư hại nhiều. Tháp cũ thời Lý xây rồi đổ, tháp Trần dựng lên lại hư nát, chùa Non Nước vốn xây trên đỉnh núi, thời Nguyễn dời đến núi Cánh Diều, nhà Nguyễn biến núi thành pháo đài canh phòng cho tỉnh thành Ninh Bình (năm 1842), người Pháp phá đá xây nhiều lô cốt trên núi, trong chiến dịch Quang Trung năm 1951, bộ đội ta tiến đánh quân Pháp ở núi, rồi giặc Mỹ ném bom phá cầu Ninh Bình, bom đạn tơi bời... Ngày nay, người ta chỉ lo bán vé khách tham quan, còn khách lên chơi núi viết vẽ bậy và làm bậy những gì, ảnh hưởng đến các bia vách núi ra sao, không cần biết. Chưa từng có một dự án, chương trình nào để bảo tồn “bộ sưu tập” văn bia núi Non Nước cả.

4. Nội dung văn bia

Trong số 9 bia Trần hiện còn trên núi (tính đến năm 2008), có 1 bia ký sự, 1 bia sắc chỉ vua ban, 1 bia thơ, 6 bia còn lại thuần túy là bia tiến cúng. Bia ký sự chính là bia Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký do Trương Hán Siêu soạn vào năm Thiệu Phong thứ 3 (1343) thời Trần, năm khánh thành tháp trên núi. Cùng năm này còn có bia Nhất ký Thiên Long tự thường trụ Tam bảo vật nói về việc tiến cúng. Bia ký sự được khắc trên vách đá dựng đứng ở vị trí trang trọng, bên trên có gắn những phiến đá mỏng làm mái che. Bia tiến cúng được khắc vào một tảng đá to nằm cạnh lối lên xuống núi, gần mặt đất. Bia sắc chỉ do Thái thượng Hoàng đế Trần Hiến Tông khắc năm Thiệu Phong Kỷ Sửu (1349), được tạc ở góc bên trái (ngoài nhìn vào) vách đá có bia Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký. Bia thơ tức bia Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh đề khắc ở vị trí thấp ngang mặt người đứng, bên phải (ngoài nhìn vào) bia Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký. Bia này chính là bút tích của Phạm Sư Mạnh, thể thơ 5 chữ 8 câu, lời lẽ thanh thoát, ý tứ hàm súc, nét chữ bay bướm khoáng đạt. Chỉ tiếc là bia đó bị người cùng thời với ông (thời Trần), lợi dụng mặt bia chung quanh, tạc “ké” vào một văn bia cúng ruộng khác, khiến cho bia thơ bị lẫn vào bia tiến cúng. Sáu bia tiến cúng ghi họ tên người tiến cúng, quê quán, chức hàm (nếu có), số ruộng đất tiến cúng và vị trí của chúng, số tiền tiến cúng cho chùa Non Nước, cho Tế Bệnh quán (quán chữa bệnh), cho việc cúng giỗ cha mẹ... Nhờ những bia tiến cúng này mà chúng ta biết được một số họ người, chức tước, phẩm hàm một số quan chức, hoàng tộc, các tên đất, các cấp hành chính thời Trần.

Cũng nhân đây nói thêm, từ trước tới nay nhiều người cho rằng ngôi tháp trên núi Non Nước có tên gọi là Linh Tế tháp, đó là sự nhầm lẫn. Thực ra ba chữ linh tế tháp xuất hiện trong tựa đề bia Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký của Trương Hán Siêu chỉ dùng để gọi loại tháp mộ, hoặc chứa xá lỵ (tro hài cốt sau khi hỏa táng) của Đức Phật, hoặc của những bậc cao tăng mà thôi. Sách Kim thạch học của Chu Kiến Tâm (Trung Quốc) ghi rằng, văn khắc đá thời cổ đại ở Trung Quốc có 10 loại chính là: Khắc thạch, Bi kiệt, Mộ chí, Kinh chàng (tràng), Tạo tượng, Thạch khuyết, Ma nhai, Địa biệt, Tháp minh và Phù đồ. Khi các sư tăng mất, được táng trong các ngôi tháp (phù đồ), gọi chung là công đức tháp. Văn bia khắp ở tháp, nói về tháp, goi là chí văn, phương phần ký, linh [tế] tháp ký, hoặc gọi chung là tụng(4). Như vậy, linh tháp ký hay linh tế tháp ký không phải là tên riêng mà là tên gọi chung cho hai trong mười loại hình văn khắc đá (tức văn bia) thời cổ mà thôi, ở đây là loại hình văn bia Phù đồ, Tháp minh như đã dẫn. Người thời Trần đã du nhập, tiếp thu từ Trung Quốc cách gọi để đặt cho ngôi tháp chứa xá lỵ của Phổ Tuệ tôn giả ở trên núi Non Nước vậy.

Về 8 bia thời Lê ở núi, có 3 bia ngự đề của các vua Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 8 (1467) đề là Dư bái yết, Lê Hiến Tông năm Cảnh Thống thứ 4 (1501) đề là Ngự chế đề Dục Thúy sơn, Lê Tương Dực năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) đề là Bảo Thiên động chủ đề Thực chất, đây là 3 bia khắc bài thơ do các vua Lê lên chơi núi về vịnh, nội dung tả tình tả cảnh chung chung, không có thông tin cụ thể gì, tiếp đó là 2 bia đại tự (chữ lớn): Vũ trụ dĩ lai (từ khi có đất trời đã có núi này) của Ngô Thì Sĩ đề năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770) của Ngô Thì Nhậm đề thêm vào trong năm Cảnh Hưng thứ 43 (1782), Hám giao đình (nơi ngồi ngắm giao long) của vua Lê Hiển Tông, do quan Cung tá Nguyễn Huy Tự phụng khắc vào năm Cảnh Hưng Nhâm Dần (1782), một bia Trùng tu Sơn Thủy tự Phật tượng bi ký (Văn bia tu sửa tượng Phật chùa Non Nước), thuộc thế kỷ XVII, dù bia bị xóa nội dung cũ, đục chồng lên dòng chữ “Kỷ niệm khánh thành cầu Ninh Bình” nên không đọc được niên đại, nhưng đôi rồng yên ngựa ở trán bia cho biết thuộc thời Lê, cuối cùng là 2 bia thơ Sơn du ngẫu đề khắc năm Cảnh Hưng thứ 29 (1768) và [Tước khôn phách khảm cự linh công] do Nguyễn Huy Oánh đề tạc (1713 - 1789).

Như thế, các bia thời Lê căn bản là bia thơ, bia đại tự, duy nhất có một bia thuộc loại bi ký nói về việc tu sửa tượng Phật của chùa Non Nước mà thôi. Trong số 8 bia Lê, thì 4 bia do các vua trực tiếp (ngự đề) hoặc sai quan đề (phụng đề), 2 bia do các bậc văn sĩ đề. Bia Vũ trụ dĩ lai thực ra là bia Đại tự của người cha, nhưng về sau người con khắc thêm vào đó một bài thơ tứ tuyệt, thành ra bia Vũ trụ dĩ lai vừa là bia Đại tự vừa là bia thơ.

Bia thời Nguyễn chiếm số lượng lớn nhất trong “rừng” bia ở núi Non Nước: 39 bia. Phân theo chữ viết thì có 33 bia chữ Hán, 6 bia chữ quốc ngữ. Phân theo các đời vua ta có:

Đời vua Minh Mạng: 2 bia

Đời vua Thiệu Trị: 1 bia

Đời vua Tự Đức: 17 bia

Đời vua Thành Thái: 2 bia

Đời vua Duy Tân: 1 bia

Đời vua Khải Định: 5 bia

Đời vua Bảo Đại: 10 bia

Không xác định: 1 bia

Như vậy, trong tổng số 13 ông vua Nguyễn, 39 bia rải rác trong khoảng thời gian trị vì của 7 vua, trong khoảng thời gian tại vị của 6 ông vua còn lại (Gia Long, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh) không có bia nào được khắc ở núi Non Nước. Dưới triều vua Tự Đức có 17 bia, nhiều nhất trong số 7 vua tại vị, dưới triều vua Bảo Đại có 11 bia, nhiều thứ hai, ít nhất là khoảng thời gian trị vì của vua Thiệu Trị, Duy Tân, mỗi đời vua chỉ có 1 bia. Ngoài ra còn có 1 bia Nguyễn nhưng không đề niên đại tuyệt đối, mà chỉ đề năm can chi là Mậu Thân xuân. Sở dĩ biết bia Nguyễn vì dưới cùng đề dòng lạc khoản Ninh Bình phủ viện, mà tên gọi Ninh Bình bắt đầu có từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822) và kéo dài cho mãi về sau này.

Văn bia thời Nguyễn ở núi Non Nước đa phần là bia thơ của vua quan, các bậc tao nhân mặc khách đề tựa mỗi lần về qua Ninh Bình. Ngoài ra có 1 bia đại tự: “Y nhiên thiên cổ” (ngàn năm vẫn thế) khắc năm Duy Tân thứ 2 (1908), 1 bia có tựa đề “Loạn hậu đăng Dục Thúy sơn” khắc năm Tự Đức thứ 27 (1874) nói lên nỗi hoài cảm sau thời loạn lạc (Pháp đánh chiếm tỉnh Ninh Bình năm 1873), cuộc đời đổi thay dâu bể. Một bia khắc vách động Tam phủ sát mép nước có tựa đề Dục Thúy sơn thủy bi ký năm Minh Mạng thứ 18 (1837) ghi rằng nhà phú hộ Lê Thế Trường ở vạn Châu Hộ đã xuất tiền thuê người khắc lại văn bia bị mờ trên núi.

Như đã trình bày phần trên, trong số 39 bia thời Nguyễn, có 6 bia khắc bằng chữ quốc ngữ. Những bia này nằm ở góc đông nam trên đỉnh núi, nơi có lối trèo lên lô cốt cao nhất. Bia chữ quốc ngữ được tạc trên mặt đá ít được chế tác kỹ càng, công phu như phần lớn bia chữ Hán. Kích thước các bia chữ quốc ngữ cũng nhỏ bé, nằm ở những vị trí không “đắc địa” lắm. Tác giả của các bia này thường là các quan lại địa phương hoặc những văn sĩ đầu thế kỷ XX đang “tập” làm thơ quốc ngữ. Tất cả 6 bia đều khắc một kiểu chữ in hoa, nét mảnh, nông và nói chung là xấu. Nội dung tả tình tả cảnh đầy cảm thán, riêng thơ Từ Đạm, viên quan Tuần phủ Ninh Bình ăn lương người Pháp và làm việc cho giặc Pháp thì rất phản động: “Giăng gió vui cùng hắn/Lầm than bận kệ ai/Ham chơi non với nước/Có phúc được ngồi dai”.

Tóm lại, núi Non Nước có tất cả 63 bia đá, trong đó có 9 bia thời Trần, 8 bia thời Lê, 39 bia thời Nguyễn, 3 bia chưa rõ niên đại và 4 bia mờ hoàn toàn. Có những bia đã bị mất từ lâu, có 1 bia mới bị lấy trộm cuối năm 2008.

Từ trước tới nay đã có nhiều bài viết, tập sách giới thiệu văn bia núi Non Nước, nhưng chỉ tập trung vào bia Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký cùng nhân vật Trương Hán Siêu, và các bài thơ, còn các bia khác ngoài thơ văn, nhất là bia tiến cúng thì không đề cập đến. Không những trong các bài viết văn còn phiến diện mà cũng còn những sai sót về chữ nghĩa, về tính chính xác của văn bản.

Rất mong rằng thời gian tới, danh thắng Non Nước sẽ được quan tâm hơn nữa, không chỉ dừng ở sự khai thác giá trị di tích để thu tiền, mà còn dành kinh phí đầu tư cho việc bảo tồn “rừng bia” cổ nơi đây, để giúp chúng có tuổi thọ lâu dài trước dòng thời gian vô thủy vô chung. Đồng thời, cần tiến hành gấp việc nghiên cứu toàn bộ văn bia đã biết, sưu tầm những bia vốn có nhưng đã mất, có thể đã bị vùi lấp dưới đất, rơi xuống sông nước, hoặc bị lấy trộm. Đó chính là sự tri ân đất trời đã ban tặng cho Ninh Bình từ thuở "vũ trụ dĩ lai" cho đến nay vẫn “Y nhiên thiên cổ” như là người xưa đã khắc tạc vào đá núi. Làm được như vậy, hẳn Trương Hán Siêu nơi chín suối sẽ không còn băn khoăn mà rằng: “Than ôi, mai sau mấy trăm năm nữa, chốc lát cảnh tượng biến đổi, nếu có kẻ lại buông lời than thở như ta, lẽ nào không có vài người như Trí Nhu xây dựng lại? Việc ấy không đoán trước được(5).

 

Chú thích:

(1) Đồng Khánh địa dư chí. Nxb. Thế giới, H. 2002. tr.1022.

(2) Nguyên văn là: Phụ kỳ nhai bi, bác đài nhận độc

(3) Dẫn theo: Thơ văn Lý - Trần. Tập II. H 1989, tr 753

(4) Dẫn theo: Trịnh Khắc Mạnh: Một số vấn đề về văn bia Việt Nam. H. 2008, tr.20.

(5) Trích bia Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký đã dẫn.

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.710-719

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570219

Hôm nay

2255

Hôm qua

2367

Tuần này

22602

Tháng này

228743

Tháng qua

129483

Tất cả

114570219