Tôi không nhớ vào năm nào, tôi đã đọc cuốn sách nói về danh nhân đất nước, thấy có tên cha mình và một dòng ghi: sinh năm 1903 mất tích năm 1946. Trong nỗi đau tột cùng cả nhà tôi bàn định về ngày giỗ cha. Vợ tôi, mẹ tôi cho là nên lấy ngày rằm tháng bảy. Tôi không đồng ý; cha tôi có tội gì đâu mà xá tội! (tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân). Ông chỉ có một tội - nếu coi nó là tội - là không biết an phận làm một nhà giáo, làm một nhà văn, kiếm tiền nuôi vợ con, ngày ngày dạy dỗ những người con cho chúng học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng, đất nước lúc đó còn bị Pháp đô hộ. Gương cha ông, ông ông, tổ tiên của ông làm sao ông an phận được!
Những năm xa xưa, cũng chưa xa lắm đâu, đời sống tinh thần trong xã hội oi bức lắm! Tôi cố tình quên cha. Quên đi cho đầu óc thảnh thơi. Quên đi để làm một công dân tốt, làm thày giáo tốt giúp ích cho đời. Tôi cố quên cha đi bằng những lập luận đơn giản - thậm chí dối lòng.
Cha mình không đáng là một nhà văn. Nhà văn chi mà không phân biệt nổi giữa thể loại ký sự với tiểu thuyết. Sau này in lại tuyển tập cho cha. Tôi vẫn đề là tiểu thuyết giữ đúng chữ viết của cụ.
Tôi cố quên đi vì những hoạt động chính trị của cụ.
Nhưng chết nỗi người đời lại nhớ.
Có người nhớ để nhắc tôi viết lại lý lịch của mình, khi họ thấy chưa vừa ý họ. Đến lúc ấy thì tôi lại không quên. Tôi bảo vệ tới cùng khi mình xác định những điều ấy là đúng.
Có những người nhớ đến cha tôi đã âm thầm giúp đỡ tôi. Thầy Nguyễn Hữu Kim đã cho tôi vào lớp học khi tôi không có một tí giấy tờ gì cả. Nhờ sự giúp đỡ này mà tôi đã trở thành một trí thức của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 2010 tôi tới thăm nhà văn hoá Hữu Ngọc vì biết trước kia cụ là đồng nghiệp của cha tôi. Sau khi nghe lời tự giới thiệu của tôi, cụ hỏi:
- Anh là con thứ mấy của cụ Luật
- Dạ con là con thứ hai
- A! Thằng Căn! Thế mà bây giờ tóc đã bạc cả rồi! Ngày xưa …
Vâng, ngày xưa… cách đây bảy mươi năm tôi còn là một đứa trẻ. Tôi hỏi cụ nhiều lắm. Cụ đã chỉ bảo cho tôi nhiều điều bổ ích.
Năm 2010 tôi vào chơi trong thành phố Hồ Chí Minh, các học trò cũ cho biết trong này có một đường phố mang tên Nguyễn Triệu Luật.
Thế ra mọi người còn nhớ đến cha mình!
Vậy tại sao tôi lại cố tình quên?
Phải nhớ lại! Phải tìm đến sách báo để đọc! Đọc để hiểu về cha.
Năm 1956 nhà thơ Đông Hồ đã tái bản sách của cha tôi. Cụ nêu lên nguyên tắc: in lại như nguyên bản không sửa chữa. Những đoạn nào không cần thiết có thể cắt bỏ. Tôi tuân theo lời cụ khi chuẩn bị bản thảo để in sách. Việc in lại sách đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui. Tôi được biết cha tôi là một thầy giáo được học trò yêu mến. Người đời thường nói: phù thịnh. Lúc cha tôi ở vào thời suy, thời mà mọi người nhìn cha tôi với con mắt khe khắt: Cụ Nguyễn Nghĩa Nguyên đã giám viết bài “Nhớ giáo sư Nguyễn Triệu Luật, người thầy dạy sử uyên bác của chúng ta”; Cụ Thái Văn Hiển đã nhắc lại một kỷ niệm về thấy Nguyễn Triệu Luật; Cụ Hồ Mậu Đường, một nhà thơ, còn giữ được bản viết lưu niệm viết cho học trò của Nguyễn Triệu Luật. Họ giữ được những tấm ảnh lưu niệm thầy Luật chụp cùng học trò buổi chia tay. Mỗi khi gia đình tôi tụ họp đông đủ, mẹ tôi thường nhắc tới những người bạn của cha tôi. Người được nhắc nhiều nhất là ông đốc (ông Hiệu trưởng). Thật tình cờ cụ Nguyễn Chí Tình, con trai ông đốc Nguyễn Đức Bính cũng viết một bài nhắc lại những kỷ niệm của gia đình với Nguyễn Triệu Luật.
Ông Nguyễn An Kiều đã giúp rất nhiều trong việc in lại tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật. Tôi cứ tự hỏi: sao lại có người tốt thế? “tử tế thế”? dần dà anh em chúng tôi biết về nhau: Hoá ra các cụ tổ của chúng tôi đã dẫn chúng tôi lại với nhau. Cụ Nguyễn Duy Thì (cụ tổ của cụ An Kiều), Cụ Nguyễn Thật (cụ tổ của tôi) hai người cùng đỗ tiến sỹ, cùng làm quan đại thần, cùng đi sứ! Ông Kiều là người thành đạt, tôi lem nhem quá. Tôi xấu hổ khi nhắc đến tổ tiên. Ông Kiều an ủi tôi: Tôi gặp may hơn ông. Tôi được các cụ dạy dỗ từ bé đến lúc trưởng thành. Tôi được học trong một trường Tây, trường ra trường, thầy ra thầy.
Còn tôi xa cha từ thuở nhỏ, nhà nghèo, lại thất học. Khi được đi học tiếp tôi lại học trong ngôi trường kháng chiến, nội dung chương trình sơ lược, môn ngoại ngữ bị loại bỏ… Thôi tiếc cũng chẳng được, số phận đã an bài.
Cũng dịp này, tôi được làm quen với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, nhà sử học tiếng tăm. Tôi được các vị tặng sách. Những lời đề tặng làm cho tôi thấy tự hào là con của cụ Nguyễn Triệu Luật. Nhắc đến Nguyễn Triệu Luật Phó giáo sư Chương Thâu viết: Cụ Nguyễn Triệu Luật là người dẫn dắt ông vào con đường nghiên cứu lịch sử. Giáo sư Đinh Xuân Lâm, tiến sỹ Chân Quỳnh (tác giả của bộ sách Thi Hương Thi Hội) viết trong lời đề tặng sách là cảm phục và mến trọng Nguyễn Triệu Luật.
Tôi đã cố quên để có thể sống và làm việc. Nhưng lúc này cần nhớ lại thì được nhiều người giúp tôi nhớ lại nhanh hơn.
Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2012