Có một loạt bài về văn hóa viết trên Tao đàn tạp chí ông nêu khá tập trung những quan niệm của mình về ý tưởng “gây dựng” ấy. Bài đầu là Làm sao mà gây được một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam (đăng trên số 5, 1939) nêu vấn đề có tính khái quát và phương pháp luận, những bài sau đi vào nhiều vấn đề cụ thể, từ việc chuẩn xác cách xưng danh các dòng họ, “quốc hiệu” của nước, đến việc chuẩn hóa về ngôn ngữ văn tự. Chuẩn hóa việc ghi danh, như đề nghị gọi tên nước là Lạc Việt, danh xưng của các họ có thể gắn liền với nơi phát tích, với triều đại ... là Một cách để gây cho dân tộc ta một cái nguyên tắc tinh thần; Điển chế văn tự, cách làm quyển sách “mẹo” tiếng Việt, cải cách chữ quốc ngữ... là “để gây dựng một nền văn học vững vàng”... Trong bài này tôi chỉ xin trình bày mấy ý nghĩ về ý tưởng gây dựng một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam của Nguyễn Triệu Luật, quan sát từ bài viết đầu của chùm bài về vấn đề văn hóa của ông. Xin tóm tắt mấy luận điểm chính của Nguyễn Triệu Luật trong luận văn này.
Nguyễn Triệu Luật quan niệm mỗi nước có một nền văn hóa riêng. “Mỗi dân tộc có một cách vận chuyển, phô diễn tư tưởng riêng”, đó là “tinh túy riêng của một ngôn ngữ, một dân tộc”, là “Quốc hồn”. Cơ sở triết lý của sự khác nhau đó là: “Người Âu châu lấy cá nhân chủ nghĩa làm gốc cho văn hóa, tư tưởng của mình, đặt mình làm trung tâm vũ trụ”, còn “Người Đông phương lấy mình là một hiện tượng nhỏ mọn giữa vũ trụ ...”, “Tư tưởng của người Tây từ trong ra ngoài. Tư tưởng của người Nam từ ngoài vào trong”. Muốn gây dựng một nền văn hóa riêng trước hết phải xuất phát từ cơ sở triết lý đó. Nhưng Nguyễn Triệu Luật viết bài này khi nước ta đang bị người Pháp đô hộ. Chính phủ bảo hộ mở trường nhằm mục tiêu chính là đào tạo những người làm việc cho chính phủ, tất nhiên dạy theo chương trình Tây, văn hóa Việt không phải là vấn đề mà nhà trường quan tâm. Và trong quá trình “Tây hóa” đó, hàng ngày hàng giờ tâm hồn Việt, tính cách Việt bị bào mòn tiêu hao dần. Để chống lại điều đó, để truyền bá, cổ súy nâng cao văn hóa dân tộc, Nguyễn Triệu Luật đặt niềm tin trước hết vào sự nghiệp giáo dục, “hết thảy những ai lấy cái tương lai tinh thần của giống nòi làm sự băn khoăn tha thiết trên mọi băn khoăn tha thiết” phải thấy “Bổn phận của ta là phải gây lấy một cái trường của ta”. Thực ra đây là một vấn đề rất lớn phải đặt ra ở quy mô quốc gia, nhưng bấy giờ ta là dân nô lệ, triều đình không thể tự quyết, cho nên “Cái trường của ta” mà thực chất là giới trí thức yêu nước đương thời phải tự nguyện gánh vác. Nguyễn Triệu Luật đã nhân danh “Cái trường của ta” đề xuất những vấn đề quan trọng.
Thứ nhất là cách đối đãi với các nền văn hóa ngoại nhập. Theo ông, đối với các nền văn hóa ngoại nhập, về kỹ xảo cơ khí, tư tưởng triết học học thuật, ta có thể thu nhận mà “không hại gì cho cá tính của ta”, bởi “tính cách phổ thông” của các bộ môn khoa học ấy. Tuy nhiên muốn thu nhận chúng thì tốt nhất là phải dịch ra tiếng Việt. Ông cho rằng dịch, cắt nghia bằng tiếng ta thì mới chuyển tải được tư tưởng, văn hóa của nước khác cho ta. “Văn dịch sẽ làm giàu nền văn của ta”. Ngày ấy chúng ta học tiếng Tây, học văn hóa Pháp, nhưng không thể chỉ thạo tiếng Tây mà phải giỏi. Giỏi để thu nhận, học hỏi kỹ thuật kỹ xảo phương Tây, chắt lọc những điều hay, điều tốt từ tư tưởng triết học, học thuật, văn minh phương Tây để làm giàu cho văn hóa nước nhà. Theo ông, điều quan trọng khi học hỏi văn hóa các nước khác là phải “Việt hóa” được, “nắm được cái lẽ phải riêng cho mình”, nói như chúng ta ngày nay là học để làm việc có ích cho dân tộc mình chứ không phải chỉ bắt chước, “học đòi” để làm sang, để trở thành những “Tây lai” “mất hết tính cách cũ của giống nòi”, để rồi khinh thị dân tộc mình, coi rẻ văn hóa nước mình. Ông đưa ra mấy dẫn chứng thành công trong việc tiếp thu văn hóa ngoại nhập của một số nước, ví như Trung Hoa khi dịch hết kinh chữ Phạn sang chữ Trung Quốc thì đạo Phật đã thành “của riêng Trung Quốc rồi”, kinh Phật đã bị lọc qua cái bình lọc của ngôn ngữ Trung Hoa mà bị Trung Hoa hóa; Đạo Gia Tô khi đã dịch ra chữ latin thì đã bị latin hóa, không còn nguyên vẹn như khi ở phía nam dãy Hi Mã Lạp Sơn nữa; Nhật Bản Âu hóa mà vẫn giữ được nguyên tinh thần của Nhật cũng vì “Nhật họ Âu hóa bằng tiếng bản quốc, họ Âu hóa cái đã bị Nhật Bản hóa”. Ông còn dẫn ra một nhân vật khá cực đoan của Nhật là giáo sư Gorai, thày dạy lịch sử, triết học và văn chương ở trường Đại học Đông Kinh. Ông Gorai không viết thạo, nói thạo một thứ tiếng nào của châu Âu, bởi vì ông chủ trương học để biết để “xem sách của họ và hiểu họ thôi” chứ không học để làm văn. Đồng thời ông cũng cảnh báo cách làm trái ngược ở nước ta. Trong các trường Tây ở nước ta hồi đó có những thày giáo “tự phụ mình là Tây lắm. Song nói đến văn hóa Âu – Tây thì mù tịt”, lại “chúa ghét” những loại sách có tư tưởng, như Kant, Descartes, thậm chí cả Georges Sand, còn về văn hóa Việt thì các vị ấy coi thường, có thể còn xấu hổ khi phải dùng tiếng mẹ đẻ! Đối với những vị ấy đương nhiên văn hóa dân tộc chẳng trông mong gì. Nhưng ngay cả nếu có những ông thày tận tâm, dạy được nhiều người thạo tiếng Pháp cũng chưa hẳn đã đào tạo được người tài để làm văn hóa dân tộc. Quan sát cách dạy tiếng Pháp đương thời, Nguyễn Triệu Luật cho rằng dùng phương pháp trực thụ để dạy (penser en francais), luyện mãi thì thành công, nhưng đối với mọi vấn đề của đất nước lại không đủ bản lĩnh để bảo vệ lối tư duy, “phô diễn” Việt nên kết quả là “cái óc Việt Nam cứ lùi bước dần dần cho đến khi bị tiêu hẳn”. Cho nên ông cho rằng mỗi giờ giảng văn Pháp, ngữ pháp tiếng Pháp là một giờ dùng vào việc “phá hoại quốc hồn Việt”; thày giáo Pháp văn nào càng thạo thì sức phá hoại càng tai hại...
Thứ hai là trên lĩnh vực trí tuệ, học giới và giáo giới nước nhà phải phá bỏ cái “quái trạng” ngoại chủng hóa. Biểu hiện trầm trọng của căn bệnh đó là “Ở một nơi gọi là trí thức” thì một ông nhà nho phải toàn nói chữ, một ông Tây học phải trưng ra được dăm ba câu tiếng Pháp, một ông giáo dạy môn quốc văn cũng phải “tậm tọe” được dăm ba câu tiếng Pháp. Như thế mới được coi là giỏi, “bao giờ có khinh tiếng mẹ đẻ thì bấy giờ mới đứng đắn; bao giờ có ngoại chủng hóa mình đi được thì mới là sang, là nền! Người ta không có kiêu ngạo làm người Việt Nam bao giờ!”. Dường như nhận xét này của Nguyễn Triệu Luật ngày nay cũng đang còn ý nghĩa thời sự. Tư tưởng vọng ngoại, tin người ngoài hơn tin người nhà, bắt chước cách ăn nói của nước ngoài, “bê vác nhặt nhạnh” nguyên xi cả những thứ độc hại thiên hạ đã vứt bỏ đem về làm gia bảo ... cũng là hiện tượng ngày nay thường thấy trên rất nhiều lĩnh vực. Còn cái tinh thần “kiêu ngạo làm người Việt Nam” cũng lại đang là một vấn đề. Điều này chúng ta cũng đã từng có và từng mạnh mẽ đến mức trở thành một ảo tưởng. Nhưng hiện nay thì tình cảm này chưa biết thế nào! Có một điều cần được khẳng định là niềm tự hào và sự xấu hổ về chỗ yếu kém xấu xí của mình là hai điều không hề mâu thuẫn nhau. Dân gian ta xưa có câu “Giấy rách thì giữ lấy lề”. Nói giấy rách là biết mình nghèo, mình dở, thậm chí còn không thể dùng được nữa, nhưng giữ lấy lề là giữ lấy những điều tốt đẹp, bền chặt, bản chất. Cái lề cũ ấy chỉ còn là một biểu tượng, nhưng nó là cốt cách, có thể là biểu tượng thiêng liêng để người ta có thể từ đó mà làm nên những cuốn sách mới sang trọng hơn, hữu ích hơn. Kiêu ngạo một cách vô lối sẽ là lố bịch, nhưng không còn niềm “kiêu ngạo”, tự yêu, tự trọng nữa cũng sẽ có thể dẫn đến trạng thái tâm lý “bất cố liêm sỉ”! Đó cũng là một thảm họa. Nghĩ rằng dân ta với nguồn gốc Lạc Việt có nửa triệu năm văn hiến sẽ đủ sức đề kháng để chống lại thảm họa đó. Các nhà giáo dục, các nhà văn hóa Việt Nam ngày nay đã thật sự đau đáu một khát vọng tìm cách “gây dựng một nền văn hóa riêng cho dân tộc” mình hay chưa và đã tìm được biện pháp gì chưa cũng đang còn là một câu hỏi? Ngày nay trong thời đại “hội nhập toàn cầu” chúng ta tiếp xúc với rất nhiều nền văn minh, làm sao để không “lai”, làm sao để có những nhà Việt Nam học, những công dân Việt Nam thực sự có bản lĩnh, giữ vững bản sắc, cội nguồn văn hóa dân tộc, để “sánh vai với cường quốc năm châu” như Hồ Chủ tịch từng nhắn nhủ, thực sự là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược, phải đầu tư suy nghĩ nghiêm túc.
“Bổn phận” thứ ba mà Nguyễn Triệu Luật đặt ra cho “cái trường của ta” là nâng cao trình độ cho “dân trí thức”.
“Dân trí thức” (ông dùng từ này để gọi những người dân biết đọc sách, biết chữ - “độc thư thức tự”) theo Nguyễn Triệu Luật có hai phần. Phần thứ nhất ít hơn, là nhóm tinh hoa, chừng độ một hai phần nghìn, bao gồm những người trước tác, văn sĩ, học giả. Nhóm này cần được đào tạo để trước tác, để trở thành những nhà giáo, những nhà ngôn ngữ gìn giữ và truyền bá văn hóa dân tộc mà trước hết là “cái lối tư duy Việt”, “quốc hồn”, tinh thần Việt, để sáng tác được những tác phẩm tầm cỡ mà không phải chỉ là loại truyện cho người gác cổng. Ông không ngần ngại nói thẳng rằng “Mình đã mất nước”, “Nếu mình lại bị để thôn tính về tinh thần nữa thì mình còn gì!” Ông có nói đến chính sách văn hóa của Pháp đối với Việt Nam. Pháp “không nỡ” làm nốt cuộc thôn tính tinh thần, vì thế ở các lớp Tiểu học còn có mỗi tuần ba giờ quốc văn, còn có bằng Sơ học yếu lược, nhưng họ chỉ để “lắt lẻo cho không mất mà chẳng để tâm tài bồi”, “chẳng thừa hơi”! Cái phần việc tài bồi ấy là của nhóm “dân trí thức” (nhóm thứ nhất – tinh hoa); ông dẫn một lời người xưa: “Tự cầu đa phúc” (tự cầu mong, tìm kiếm thì được nhiều phúc) và kết luận “Mình chẳng vì mình, mình chẳng trọng mình thì ai trọng, ai vì?”,
Đối với phần (dân trí thức) còn lại, đông hơn, ông rất coi trọng việc nâng cao văn hóa cho họ. Họ “là những khách hàng, những người nâng đỡ bọn trên”, họ như là vườn ươm cây, đất có tốt thì cây mới đơm hoa kết quả, nếu đất xấu, “bọn này mà kém thì bọn trên dù hay cũng phải tiêu ma”. Nâng cao trình độ nhóm người thứ hai này (họ tuy không thuộc dân chúng đông đảo nhưng cũng không thuộc lớp người chọn lọc tiêu biểu), trước hết phải trang bị cho họ một tri thức phổ thông, tuy không cao xa gì nhưng nếu thiếu nó thì “đừng mong có văn hóa”. Thực hiện nhiệm vụ này, theo ông, là phải dạy những kiến thức cơ bản nhất về địa lý, sử ký, hóa học, vật lý học, số học, sinh vật học “để gây lấy cái trí thức phổ thông của dân đọc sách”, mà phải dạy bằng quốc văn. Chính vì thế ông đề cập đến việc giữ gìn lối tư duy, phô diễn dân tộc, giữ gìn và phát triển ngôn ngữ dân tộc, do vậy phải chuẩn hóa chữ quốc ngữ, bao gồm những việc “điển chế hóa” chữ viết, mẹo viết và cải cách chữ quốc ngữ; kể cả việc lấy lại quốc hiệu là Lạc Việt, chuẩn hóa cách viết tên các dòng họ để “gây cho dân tộc ta một cái nguyên tắc tinh thần”. Ông tin tưởng Việt ngữ “có đủ mềm mại, phong phú, đủ hoạt bát để diễn đủ các loại tư tưởng từ cái rất cao rất tinh vi đến cái rất uyển chuyển rất thông thường.” Có lẽ Nguyễn Triệu Luật là người rất sớm (sớm nhất?) đề xuất ý kiến các trường trong nước ta, từ Trung học tới Tiểu học, các môn khoa học, sử học, địa lý đều dạy bằng tiếng Việt hết; các loại sách thuộc loại tư tưởng đều dịch hết ra tiếng Việt và “bắt” học trò phải học; Tiếng Pháp chỉ học như một ngoại ngữ thứ nhất. Nhóm “dân trí thức” ở phần thứ hai này Nguyễn Triệu Luật yêu cầu phải có trình độ ngang với tú tài tây (trình độ này cũng đã khá cao), cũng như ngày nay ta yêu cầu bằng tốt nghiệp Phổ thông Trung học. Và như vậy một công việc cấp bách của giáo dục lúc ấy là biên soạn bộ Giáo trình cơ sở bằng tiếng Việt cho các môn học, cũng giống như Bộ Sách Giáo khoa của chúng ta ngày nay. Đề xuất này của Nguyễn Triệu Luật đưa ra từ năm 1939, mãi mấy năm sau (khoảng 1944), đến Hoàng Xuân Hãn mới được hoàn thành, thường được gọi là Chương trình Hoàng Xuân Hãn. Và từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945), nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, chúng ta mới có một hệ thống giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh: Trường Việt, Thày Việt, Chương trình Việt, Giáo trình bằng ngôn ngữ văn tự Việt. Nhưng từ bấy đến nay, gần một thế kỷ đã qua, trên một đất nước độc lập, ta toàn quyền chủ động, vậy mà những vấn đề mục tiêu, chương trình, giáo trình, phương pháp phương châm dạy và học, tài và hạnh ... vẫn đang còn nhiều vấn đề rất bất ổn. Thực tiễn đó cho thấy những ý tưởng của Nguyễn Triệu Luật về giáo dục quả thật đã không chỉ có ý nghĩa đối với thời đại ông.
Nguyễn Triệu Luật là người của một thời. Những vấn đề ông đặt ra cho việc gây dựng một nền văn hóa riêng cho dân tộc Việt Nam, trong đó đặc biệt là những vấn đề của Giáo dục, cách đây đã trên bảy mươi năm. Có những việc đã được giải quyết, có những đề xuất đã bị thời gian vượt qua, nhưng những ý tưởng cốt lõi vẫn còn nguyên giá trị, kể cả tính thời sự của vấn đề. Xây dựng một nền văn hóa riêng của Việt Nam, một nền Giáo dục Việt Nam để đào tạo những con người Việt Nam biết tự “kiêu ngạo”, biết tiếp thu cái hay cái đẹp của văn minh nhân loại mà vẫn đủ sức bảo vệ cốt cách dân tộc, giữ gìn di sản tinh thần, giữ gìn tiếng nói, phát triển văn chương dân tộc, có thể đàng hoàng “đứng trong trời đất” là một ý tưởng thật sâu sắc, cao cả. Một tầm suy nghĩ như thế, một tấm lòng tha thiết với đất nước dân tộc như thế quả thật rất xứng đáng để chúng ta cảm phục, trân trọng và đặc biệt là nghiên cứu, khai thác, sử dụng.
Viết tại Ô Đồng Lầm
Những ngày tháng 8 năm 2012.
Ghi chú: Nguyễn Triệu Luật (1903-1946) là một nhà báo, nhà viết tiểu thuyết lịch sử có tên tuổi của văn học Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Ông còn là một nhà giáo, một người Việt Nam yêu nước, bạn cùng chí hướng với Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài, từng bị Pháp bắt giam. Sau khi được thả, từng dạy trường tư thục Lễ Văn ở thành phố Vinh khoảng những năm 1937-1939. Ông có nhiều bài viết bàn về ngôn ngữ, giáo dục, văn hóa văn học, tâm lý học ... với những ý tưởng mới mẻ đăng trên Tao Đàn, Nam Phong, Trung Bắc tân văn, Tiểu thuyết thứ Bảy ... Ngày 23/8/2012, nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn, Hội nhà văn Hà Nội đã tổ chức cuộc hội thảo Nguyễn Triệu Luật – Con người và tác phẩm. Bài viết trên là tham luận của Trần Thị Băng Thanh trong Hội thảo.