Những góc nhìn Văn hoá

Tìm hiểu những đặc điểm nghệ thuật của Thiền Uyển Tập Anh

 1. Thiền uyển tập anh (Anh tú vườn thiền) là một trong những cuốn sách cổ của văn xuôi dân tộc – văn học Phật giáo nói riêng – trong đó ghi lại tương đối hệ thống các tông phái Thiền học và tiểu truyện các Thiền sư nổi tiếng kể từ khoảng giữa thời Bắc thuộc, trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý và một số năm đầu đời Trần. Về mặt văn bản, các nhà thư tịch đã tương đối thống nhất niên đại của tập sách được biên soạn hoàn chỉnh vào khoảng mấy thập niên giữa hai thế kỷ XIII-XIV, sau đó được khắc in, và đến nay còn giữ được bản chữ Hán trùng san in vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).

 Về giá trị, Thiền uyển tập anh mặc nhiên được thừa nhận “là một tác phẩm truyện ký có giá trị không chỉ riêng về văn học mà cả về sử học, triết học, văn hoá dân gian, v.v...”(1), song giá trị đến đâu là điều còn phải xác định. Từ trước đến nay các học giả phần nhiều đã chú trọng khai thác các phương diện sử – triết của tập sách, nhưng đề cập đến đặc trưng văn học của nó thì hầu như chưa mấy ai làm(2)... Thành thử, nói đến giá trị văn học của Thiền uyển tập anh chúng ta thường chỉ nghĩ đến cái giá trị tàng trữ các sáng tác thi ca Ngô - Đinh – Lê – Lý trong sách mà ai cũng thấy rõ, mà ít nghĩ đến giá trị tự thân của phần truyện ký làm nên xương cốt của tập sách(3). Giá trị này cố nhiên không hẳn là đột xuất, nếu ta đặt trong tương quan với những tác phẩm cùng thể loại và cùng thời điểm xuất hiện như Việt điện u linh, nhất là Lĩnh Nam chích quái. Nhưng dù sao, đây cũng là một giá trị cần được làm sáng tỏ. Bài viết này bước đầu đặt vấn đề tìm hiểu một số đặc điểm thuộc về bút pháp nghệ thuật, kết cấu thể loại của Thiền uyển tập anh và nhận diện chúng thông qua các định hướng môtip, các phương thức miêu tả và khắc hoạ diện mạo nhân vật.

2. Như một ước thúc của văn chương trung đại, đặc tính nguyên hợp văn – sử – triết bất phân, dù mức độ đậm nhạt ở từng tác phẩm có khác nhau, song vẫn là nét phổ quát và Thiền uyển tập anh cũng không đi ra ngoài thông lệ. Trong cách nhìn bao quát, có thể coi đây là một tập hợp, hợp tuyển, tuyển tập những phác thảo chân dung các vị Thiền sư - những con người đã từng sống, tham gia truyền giáo và trực tiếp tạo nên diện mạo văn hoá Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ VI-XIII. Xét về hình thức nghệ thuật, Thiền uyển tập anh nằm trong loại hình tiểu truyện các Thiền sư vốn phổ biến ở các nước chịu ảnh hưởng của cái nôi văn hoá Phật giáo Ấn Độ như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam... Về hình thức thể loại, dễ thấy chúng gần gũi với các tác phẩm bi ký, phả ký, thực lục, liệt truyện, hoặc truyện danh nhân, truyện ký, thậm chí chỉ như một phác thảo lý lịch vắn tắt năm bảy dòng. Do đối tượng phản ánh là các vị Thiền sư và mỗi vị được trình bày như một đơn vị tác phẩm độc lập nên có thể duy danh đặt Thiền uyển tập anh trong loại hình thể loại tiểu truyện các Thiền sư - một thuật ngữ văn học còn mới mẻ nhưng đã được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng, và tỏ ra đắc dụng, xác đáng về nội hàm khái niệm(1).

3. Khảo sát các tiểu truyện Thiền sư - đặc biệt ở những tiểu truyện tiêu biểu nhất như về Khuông Việt, Định Hương, Mãn Giác, Pháp Thuận, Huệ Sinh... có thể thấy cách dựng truyện thường theo kết cấu tuyến tính khá thống nhất: nguồn gốc nơi sinh - đặc điểm sự hành đạo (con đường xuất gia nhập giới tu hành, quá trình tham thiền đắc đạo và sự truyền đạo...) – và cuối cùng thường là ấn tượng về ngày viên tịch. Trong tính chất lý tưởng nhất, ở mỗi tiểu truyện thường ghi rõ năm sinh, năm mất và lối ghi chép theo niên biểu biên niên sử được tôn trọng tối đa với các cách đặt câu chuyển đoạn kiểu như khi, khi ấy, sau khi, canh năm hôm ấy, trong khoảng niên hiệu, vào ngày... tháng... năm... niên hiệu... Cách ghi này nhằm hiện thực hoá các chi tiết, sự kiện, tạo nên hình ảnh “người thực việc thực”, mặc dù bản thân chúng chứa đầy các môtip nghệ thuật, các huyễn tưởng tôn giáo, các nét phóng đại và cách điệu. Có thể nói cũng như tất cả các thể loại liệt truyện phương Đông khác (liệt truyện trong sử và liệt truyện trong thần tích, dã sử), phương thức ghi chép theo lối biên niên sử là đặc điểm tạo nên kết cấu chung nhất của loaị hình tác phẩm được định danh là “tiểu truyện về các Thiền sư”.

4.1. Trong cách thức miêu tả, các tiểu truyện có thể (hoặc không) kể lại sự ra đời của các Thiền sư, song ở những truyện có kể lại sự ra đời thì bao giờ cũng gắn với hiện tượng lạ, những điềm lạ, giấc mơ lạ. Đó là Thiền sư Vân Phong (?-957) “khi mang thai bà mẹ thường trai giới, tụng kinh niệm Phật. Đến khi sinh thấy hào quang toả sáng khắp nhà, cha mẹ cho là điều lạ, có ý định ngày sau sẽ cho con xuất gia”; là Thiền sư Ngộ Ấn (1020-1088) có bà mẹ họ Cù “khi chưa lấy chồng nhà ở cạnh nghĩa địa gần khu rừng, thấy người ta đặt bẫy bắt hết cả chim, bà nói: “Thà chết mà làm người thiện còn hơn sống mà làm kẻ ác”. Một hôm bà đang ngồi dệt vải có con khỉ lớn từ trong rừng chạy ra ôm lấy lưng bà suốt ngày mới bỏ đi. Sau đó bà biết mình có mang”; là Thiền sư Chân Không (1046-1100) “Khi mẹ ông mang thai, cha ông mộng thấy vị sư người Ấn Độ trao cho cây tích trượng, sau đó sinh ra ông”... Đặc điểm này dường như xa gần liên hệ tới hai vấn đề sau. Trước hết, trong tư duy dân gian, ở các truyện cổ tích, truyền thuyết vẫn thường kể về bà mẹ mơ thấy nuốt sao, ướm vào dấu chân người khác (như kiểu truyền thuyết Thánh Gióng)... để suy tôn người anh hùng “mẹ hiền sinh con thánh”, coi sự ra đời của mỗi danh nhân là sự khế hợp của thiên cơ, sự chung đúc của khí thiêng sông núi, và do sự chỉ định của lực lượng cao cả siêu nhiên nào đó. Thứ hai, trong cách hình dung của Phật giáo, con người hiện thời là quả kiếp tiền duyên, là hiện hữu của quá khứ(1). Do đó các vị Thiền sư đạo cao đức cả phải là những người sinh ra như là kết quả của cái chân – thiện, từ những giấc mơ lạ, những nhân cách đẹp. Phải chăng đó là cơ sở để lý giải về sự ra đời thường gắn với các hiện tượng lạ, hư ảo, siêu thực ở các Thiền sư.

4.2. Khi phác hoạ hành trạng cuộc đời các Thiền sư, cùng với việc gắn sự ra đời với các hiện tượng lạ còn là việc lựa chọn các chi tiết tạo ấn tượng vừa lạ hoá vừa ảo hoá, có phần cách điệu so với con người và cuộc sống trần tục. Phương thức nghệ thuật này được vận dụng triệt để ở cả sự miêu tả về chính con người Thiền sư lẫn mối quan hệ giữa Thiền sư với ngoại giới. Có khi sự lạ hoá được khắc hoạ ở hình thể, dáng vẻ bề ngoài như Thiền sư Đạo Huệ (?-1073) “tướng mạo đoan chính, giọng nói trong trẻo”; Thiền sư Pháp Hiền (?-626) “thân cao bảy thước ba tấc”; Thiền sư Sùng Phạm (1004-1087) “dáng mạo to lớn, tai dài đến vai”... Mặt khác, sức mạnh nội tâm nội lực của các Thiền sư cũng chi phối được cả ngoại cảnh ngoại giới, có khả năng hàng long phục hổ, thu phục muôn người muôn vật bằng cái tâm đạt đạo của nhà Phật. Đó là Thiền sư Trường Nguyên (1110-1165) “Sau vào núi Vệ Linh ẩn tích, ăn rau rừng, hạt dẻ, làm bạn với suối, khe, khỉ, vượn, suốt ngày dồi luyện thân tâm cho đạt được sự hồn thuần để tụng kinh, niệm Phật”; Thiền sư Không Lộ (?-1119) “Rồi sư thấy tâm thần, tai mắt ngày càng sáng láng, thông tỏ, bay trên không, đi dưới nước, hàng long phục hổ, muôn nghìn phép lạ không lường hết được”; thậm chí Thiền sư còn có khả năng điều khiển cả vũ trụ, ứng cảm được với tự nhiên như Tịnh Giới (?-1027) “Sư có phép hàng long phục hổ, cảm hoá thần thông... Trong lúc đi các nơi quyên mộ để đúc chuông làm trống, có khi trời kéo mây đen sắp mưa, sư đứng giữa sân giơ gậy trừng mắt nhìn lên, chỉ trong chốc lát mây tan, mặt trời lại xuất hiện”. Còn với Thiền sư Đạo Huệ “Tiếng sư tụng kinh ngày đêm cảm hoá cả khỉ vượn trong núi, khiến chúng kéo từng đàn đến chùa nghe kinh”, v.v...

Cùng với phương thức tạo ấn tượng vừa lạ hoá vừa ảo hoá như trên, nhiều tiểu truyện trong Thiền uyển tập anh còn đi sâu khai thác khía cạnh linh dị huyền hoặc, thấp thoáng sắc màu truyền kỳ chí dị. Trong cách nhìn hiển ngôn, có nhiều Thiền sư tinh thông Tam giáo – xin nhấn mạnh ở Đạo giáo; hay đó là những dấu hiệu rõ rệt của Mật tông? – như Quốc sư Thông Biện, các Thiền sư Hiện Quang, Vạn Hạnh, Đạo Hạnh... Các Thiền sư này được mô tả như những người siêu phàm, có khả năng hô phong hoán vũ, làm bùa chú, phương thuật phong thuỷ, yểm mạch trừ tà. Nhiều Thiền sư bộc lộ pháp thuật tài giỏi giống như các Đạo sĩ: Thiền sư Tịnh Giới có thể đứng ở sân chùa tụng niệm cầu khấn mà trời đổ mưa, được nhà vua gọi là Vũ sư (vị sư giỏi thuật cầu mưa); Trưởng lão La Quý An đã cho trồng cây gạo, đắp đất để trấn chỗ đất mà trước đây Cao Biền từng cắt yểm long mạch; Thiền sư Ma Ha có tài niệm chú vào nước lã rồi ngậm phun mà người hủi khỏi bệnh, lại có lần phù phép chống lại người hương hào họ Ngô khi bị ép uống rượu, bắt phải ăn đồ mặn thịt cá bằng cách: “Bấy giờ sư chắp tay niệm... Rồi cúi xuống nôn hết các thức ăn, các món thịt liền biến thành thú đi vật chạy, các món cá biến thành cá vùng quẫy, rượu thì biến thành nước gỉ đồng”... Chung quy, ở đây có nhiều chi tiết biến ảo, song nó mặc nhiên được thừa nhận như những sự tích, biến cố gắn liền với hành trạng Thiền sư. Chính vì những lẽ đó mà các tiểu truyện tuy không sáng tác theo định hướng hư cấu, tưởng tượng vẫn bộc lộ rõ nét xu thế ngưỡng vọng, kỳ vĩ hoá, siêu nhiên hoá các hình tượng danh nhân theo các thao tác tư duy dân gian mà truyền thuyết dân gian thường có. Có thể nói ở đây xuất hiện khả năng dân gian hoá, folklore hoá Phật giáo; hoặc ngược lại, những phương thức tư duy dân gian tiềm tàng trong đời sống xã hội được tiếp nhận và chuyển hoá vào Thiền uyển tập anh. Một sự khảo sát thấu đáo hơn hẳn sẽ cho thấy những dấu nối trong cách thức miêu tả nhân vật trong văn xuôi dân tộc buổi sơ kỳ, với tính chất nguyên hợp văn – sử – triết bất phân, giữa Thiền uyển tập anh với Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh và cả phần liệt truyện trong An Nam chí lược, Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư...

4.3. Nếu như những đặc điểm khi sinh của các Thiền sư đã được chú ý diễn giải thì hiện tượng khi chết – qua đời, hoá, quy hoá, tịch, thị tịch, quy tịch, viên tịch – lại càng trở thành một chuẩn mực quy phạm, một lời kết hầu như không thể thiếu được. Xem xét trong tổng số 68 tiểu truyện thì có tới 64 lời kết nhắc tới cái chết (chỉ trừ ở 4 tiểu truyện về vua Lý Thái Tông, Thiền sư Biện Tài, Tức Lự và Cư sĩ Ứng Vương). Nói chung, cái chết ở đây phần nhiều được khắc hoạ như một sự quy hoá thuận lẽ tự nhiên, chủ động và thanh thản. Dường như quan niệm triết học về bản thể tồn tại, sinh – diệt, hữu – vô... trong cách hình dung kiếp sống “sinh ký tử quy” đã trở thành ấn tượng sâu đậm và chi phối cách bày tỏ thái độ kiểu này. Thông thường quan niệm trên đã được phản ánh gián cách qua lối ghi chép kiểu như Thiền sư Cảm Thành (?-860) “không bệnh mà qua đời”; Pháp Dung (?-1174) “sư không bệnh mà hoá”; hoặc an nhiên “trở về” sau khi đọc lời kệ như Thiền sư Ngộ Ấn (1020-1088) “Đọc xong sư thanh thản qua đời”; Thiền sư Đạo Huệ (?-1073) “Canh ba đêm ấy sư lặng lẽ qua đời”; Đại sư Khuông Việt (933-1011) “Nói xong sư ngồi kiết già mà qua đời”... Có đôi nét khác hơn cái chết trong tư thế ngồi kiết già thanh thản là Thiền sư Bảo Tính và Minh Tâm (?-1034) đã cùng ngồi thiền định phát ra lửa, tự thiêu cháy thân xác; hoặc Thiền sư Hứa Đại Xả (1120-1180) “Canh năm hôm ấy sư uống thuốc độc mà qua đời, thọ 61 tuổi”, song xét cho cùng, đó cũng đều là những cái chết của bậc minh triết, của sự bừng sáng giải thoát thân xác, sự bình tĩnh “trở về” sau khi đã chủ động suy nghiệm, giảng kinh, đọc lời kệ và dặn dò chúng sinh, đệ tử. Vì thế con đường “trở về” này đôi khi còn gắn với những ẩn dụ cực tả niềm vui giải thoát, chẳng hạn có vị như Bảo Giám đã “cười”, đọc kệ xong trao pháp cụ cho Tịnh Giới rồi quy tịch; hoặc Thiền sư Giới Không “Đọc kệ xong, sư cười lớn một tiếng, rồi chắp tay mà viên tịch”... Ngoài ra, liên quan tới sự quy hoá thường rất hiếm xuất hiện những quan sát ngoại cảnh, song mỗi khi ngoại cảnh được điểm xuyết thì đó đều là những biểu tượng mang tính ấn tượng sâu sắc. Đó là Thiền sư Giác Hải lâm bệnh đã gọi đệ tử đến đọc kệ, và “Đêm ấy có ngôi sao lớn rơi xuống phía đông nam nhà phương trượng. Sư ngồi nói chuyện đến sáng rồi trang nghiêm qua đời”; hoặc với Thiền sư Y Sơn (?-1213) “Trước khi thị tịch, sư gọi môn đồ đến bảo:

- Ta không trở lại cõi này nữa!...

Bấy giờ cây hoa trước Phật đường tự nhiên rụng bông, yến sẻ kêu buồn suốt ba tuần”... Như thế, rõ ràng cái nhìn Phật giáo đã chi phối cách ghi chép tiểu truyện các Thiền sư, coi cái chết như một sự trở về, cái chết – tái sinh và chuyển sang một trạng thái khác. Cùng với việc ghi chép kỹ hơn về lễ hoả táng, thu xá lị, xây tháp, đắp tượng, đèn hương cúng dàng... thì các thao tác nghệ thuật trên có ý nghĩa đặc định, bất biến, và không thể thiếu được ở loại hình tiểu truyện Thiền sư.

5. Cũng như các bia ký, Thiền uyển tập anh tỏ ra tôn trọng các tư liệu gốc, đơn cử như trường hợp sao chép lại một cách trung thực tiểu truyện Thiền sư Vô Ngôn Thông (người mở đầu cho một Thiền phái lớn ở Việt Nam) từ sách Truyền đăng lục do Hoà thượng Đạo Nguyên (đời Tống) biên soạn(1). Thông qua các tiểu truyện Thiền sư, Thiền uyển tập anh giữ vị trí tập đại thành, tự nó phác hoạ được diện mạo lược sử đời sống văn hoá Phật giáo trong ngót sáu, bảy thế kỷ. Và cũng từ đây, loại hình tiểu truyện các Thiền sư tiếp tục xuất hiện với Tam tổ thực lục, Kế đăng lục, Hương Hải Thiền sư ngữ lục... góp phần làm phong phú cho thể tài và cả bộ phận văn chương Phật giáo Việt Nam. Điều đáng chú ý hơn, khi so sánh với một số tác phẩm văn xuôi đương thời như Đại Việt sử lược – được ghi nhận là “có những đoạn ghi chép đầy đủ, chi tiết, sinh động, hóm hỉnh như văn truyện ký”(1) – đặc biệt với bộ sưu tập văn học dân gian Lĩnh Nam chích quái và tập tiểu truyện về các vị thần Việt điện u linh tập... thì ngoài hệ thống những tín hiệu nghệ thuật đã nêu trên vẫn thấy sự “thông kênh” tương ứng trên những nét lớn về cách thức tư duy, về bút pháp nghệ thuật, về phương thức ghi chép chân dung danh nhân, biện pháp khắc hoạ diện mạo nhân vật. Đó cũng là phương hướng mở cho việc xác định vị trí Thiền uyển tập anh trong dòng văn xuôi trung đại Việt Nam và so sánh với các tác phẩm cùng loại hình tiểu truyện Thiền sư ở Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

 


(1) Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thuý Nga dịch, chú thích, giới thiệu). Phân viện Nghiên cứu Phật học và Nxb. Văn học, H, 1990; tr.5.

(2) Xin xem: - Trần Văn Giáp: Việt Nam Phật giáo sử lược. Hội Tăng ni Bắc Việt xuất bản, H, 1950.

                - Nhiều tác giả: Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1988.

(3) Nguyễn Huệ Chi trong phần Khảo luận văn bản đầu sách Thơ văn Lý – Trần, Tập I, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1977, có một nhận định tổng quát: “Cuốn sách là một tập chân dung các nhà Thiền học, với những phác hoạ đôi khi rất có cá tính, đã vượt khỏi mọi tiểu sử nhạt nhẽo mà đạt đến những chân dung văn học có giá trị” (tr.115); tuy nhiên ý kiến này chưa được triển khai chi tiết.

(1) Xin xem: - Mục Nguồn sách vở của nhà Phật, phần Khảo luận văn bản của Nguyễn Huệ Chi; Thơ văn Lý – Trần, Tập I. Sđd; tr.107-124.

                - Xem các mục từ Tam tổ thực lục, Thánh đăng lục, Huyền Quang, Pháp Loa của Nguyễn Huệ Chi... trong Từ điển văn học. Nxb. Khoa học xã hội, H, Tập I, 1983; Tập II, 1984.

- Xem Lời giới thiệu của Ngô Đức Thọ, trong sách Thiền uyển tập anh. Sđd; tr.4-22.

- Thiền sư Trung Hoa, hai tập (Thanh Từ dịch). Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành, 1990...

(1) Xem Khantipàlo: Mục Tái sinh, sách Tìm hiểu đạo Phật (Chơn Thiện dịch). Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản, Tp. Hồ Chí Minh, 1990; tr.54-56.

(1) Xem tiểu truyện về Thiền sư Vô Ngôn Thông trong Thiền sư Trung Hoa. Tập I. Sđd; tr.357-361.

(*) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: The ưork "Thien Uyen Tap Anh" (An Elite Assemblage in Buddhist Gathering Place) in the Visibility of Researchers in Vietnam Studies (Tác phẩm Thiền uyển tập anh trong tầm nhìn các nhà Việt Nam học). Vietnam Social Sciences, số 6 (98) - 2003, tr. 71-74.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570327

Hôm nay

276

Hôm qua

2287

Tuần này

276

Tháng này

228851

Tháng qua

129483

Tất cả

114570327