Nếu chỉ dựa vào đó dễ gây nghi ngờ về sự tồn tại của Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Hào. Hoặc cũng như nhiều nhân vật khác, Hoàng thái hậu chỉ là nhân vật trong truyền thuyết dân gian “tử giả vi thần” chết rồi thành thần do lúc sống có công lao nên được dân làng phụng thờ làm thành hoàng.
May mắn thay Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm- Viện sử học trong khi nghiên cứu đã có công “Góp thêm những tư liệu tiếng Pháp, Hán Nôm và tiếng Việt ghi chép, nghiên cứu về Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Hào được phụng thờ tại thôn Liên Minh, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh” (bản vi tính- 2004). Đây là tài liệu rất quý, cung cấp nhiều thông tin giá trị, giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Hào. Điều đặc biệt đáng chú ý là những nhận xét rút ra của tác giả sau khi nghiên cứu kỹ các tài liệu đó cho biết:
1, Bà Trần Thị Ngọc Hào hiệu Bạch Ngọc là một nhân vật lịch sử có thực, sống vào giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Bà là con gái của ông Trần Công Thiện (theo Le Broton bà là con gái Trân Công Nhu), người làng Tri Bản, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Bà là vợ vua Trần Duệ Tôn (1373- 1377); nhạc mẫu của vua Lê Lợi, thường được gọi là Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Hào.
2, Bà Trần Thị Ngọc Hào đã có cống hiến đáng kể đối với vương triều Lê, đặc biệt là cùng với con gái là Công chúa Huy Chân (tức Trần Thị Ngọc Hiên) và cháu ngoại là Công chúa Trang Từ (tức Lê Thị Ngọc Châu), đã tích cực ủng hộ quân lương cùng nhiều của cải vật chất, góp phần vào thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống giặc xâm lược Minh do Lê Lợi lãnh đạo ở thế kỷ XV. Ngoài ra Hoàng thái hậu đã cùng con cháu và nhân dân khai khẩn rất nhiêu ruộng đất tại những vùng núi hoang vu.. tạo nên nhiều xóm làng trù phú tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, huyện Đức Thọ, huyện Can Lộc. Chính tay bà đã lập hai ngôi chùa tại Tiên Lữ, xã Mỹ Xuyên và chùa Am, xã Phụng Công đều thuộc huyện Đức Thọ.
3, Để tưởng nhớ công ơn của bà Trần Thị Ngọc Hào cùng con cháu đối với đất nước và quê hương, dân làng trong vùng Đức Thọ đã tôn bà là Thành hoàng, lập miếu thờ tự..[1]
Như vậy qua nghiên cứu kỹ những tài liệu còn lại có thể tin rằng Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Hào là một nhân vật lịch sử có thật, sinh trưởng vào khoảng nửa sau thế kỷ XIV và mất trong thời Hồng Đức (1470- 1497).
Song do tài liệu bị mất mát, số còn lại rất ít nên còn nhiều khoảng trống trong cuộc đời (gia thế, nhân thân) và sự nghiệp của Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Hào còn chưa được sáng tỏ, cần được tiếp tục nghiên cứu. Song có một thực tế không thể phủ nhận chính gia cảnh, thời thế, cựng với nỗ lực cá nhân đã tạo nên tư chất, bản lĩnh của Hoàng thái hậu đưa đến những cống hiến đóng góp quan trọng đối với cộng đồng, xó hội. Ở bất cứ lúc nào cũng vậy con người cá thể khó tránh khỏi sự tác động, chi phối của thời đại mà mình đang sống.
Có thể đoán rằng bà Trần Thị Ngọc Hào sinh vào khoảng nửa sau thế kỷ XIV, khi mà hào quang Đông A (Trần)- ba lần đánh thắng quân Nguyên- Mông đã lắng xuống. Triều đại nhà Trần từ chế độ quân chủ quý tộc đã chuyển dần sang chế độ quân chủ quan liêu, vua và quan ngày càng xa dân. Đến vua Dụ Tông (1341-1369) hoang dâm phóng túng, lười chính sự. Vua Nghệ Tông (1370- 1372), Duệ Tông (1373-1377), Trần Phế Đế (1377-1388) không chú ý đến võ bị để Chiêm Thành nhiều lần (1371- 1377- 1378...1389) vào tận kinh đô cướp bóc; giặc cướp nổi lên ở nhiều nơi. Quan lại nhiều kẻ tham nhũng, tập trung nhiều ruộng đất trong tay khiến đời sống nhân dân luôn bị đe doạ, bất ổn. Trong tình thế đó Hồ Quý Ly bằng tài năng và nhiều thủ đoạn đã thu dần quyền lực về tay. Năm 1400 Hồ Quý Ly ép vua Trần Thiếu Đế (1398- 1400) nhường ngôi dựng lên triều Hồ, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, Quốc hiệu là Đại Ngu.
Năm 1397 Hồ Quý Ly đã tiến hành cải cách hành chính- đổi giáp làm hương. Hương là đơn vị hành chính tương đương với tổng thời Mạc, cấp hành chính lớn hơn xã, nhỏ hơn huyện. Bỏ chức Đại tư xã và Tiểu tư xã; giữ lại chức Quản giáp, chức Đại tư xã thường hàng ngũ phẩm thuộc ngạch bậc quan lại Nhà nước (Xã quan). Việc cải cách nếu được thực hiện triệt để sẽ giảm bớt gánh nặng trả lương đối với Đại tư xã, Tiểu tư xã (người đứng đầu hàng xã), hạn chế nhũng nhiễu đối với dân do Đại, Tiểu tư xã gây ra. Theo bản sao tài liệu xã Tri Lễ, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An mà chúng tôi có được, trên thực tế việc cải cách trên không được thực thi triệt để. Cho đến niên hiệu Bình Định vương năm thứ 3 (1420 hiệu của Lê Lợi) Xã quan Nguyễn Đức Vỹ, Xã bộ Lê Báo, Biện sự Ngô Vinh vẫn ký và điểm chỉ vào tờ giao ước xã Tri Lễ, tổng Đặng Sơn, huyện Thanh Chương, phủ Đức Quang khi tiếp đón Bình Định vương đi qua. Đến thời vua Lê Thái Tổ vẫn duy trì chức Xã quan thuộc các Đại xã và Tiểu tư xã. Chứng tỏ cải cách hành chính từ thời Hồ Quy Ly chưa được thực hiện triệt để.
Đáng chú ý là cải cách Hạn điền năm 1397 “Đại vương và trưởng Công chúa thì ruộng không hạn chế, dần đến thứ dân thì ruộng chỉ 10 mẫu thôi..”[2]
Năm 1401 Hồ Hán Thương định phép Hạn nô- “Chiếu theo phẩm cấp có số khác nhau, thừa ra thi sung vào Nhà nước..”[3]
Cùng năm này Hán Thương cho phát hành tiền giấy ở các Lộ. Về Cải cách của Hồ Quý Ly đã có nhiều công trình nghiên cứu đánh giá. Lợi đâu chưa biết mà làm mất lòng người, lòng dân đối với triều Hồ. Các quý tộc Trần bị thu hẹp ruộng đất, thu nô. Những nô tỳ thân phận cùng cực hơn, do họ từ tư nô (nô tỳ của nhà quan) đã bị biến thành quan nô - nô tỳ công; bị đóng dấu vào mặt và phục dịch vô hạn độ... Tiền giấy không tiện cho người buôn bán. Rõ ràng đối với họ chưa phải lúc tiêu tiền giấy; gây thiệt hại cho việc kinh doanh.
Giữa lúc bất lợi như vậy, quân Minh lấy cớ tìm lại con cháu họ Trần dựng lại vương chế. Vào tháng 4 năm 1406 vua Minh sai Chinh nam tướng quân Hữu quân Đô đốc đồng tri là Hàn Quan, cùng tham tướng Đô đốc đồng tri là Hoàng Trung đem 10 vạn quân ở Quảng Tây mượn tiếng đưa ngụy Trần vương là Trần Thiêm Bỡnh về nước, sang xâm lược nước ta. Quân Minh hộ tống Trần Thiờm Bỡnh đi đến cửa Lónh Kinh (khu vực Đáp Cầu, Bắc Ninh ngày nay) thỡ bị quõn đội nhà Hồ đánh tan phải tháo chạy về nước; Trần Thiêm Bỡnh bị bắt giết). Tháng 9- 1406, nước Minh sai tướng quân Trượng Phụ và Mộc Thạnh đem 80 vạn quân theo 2 đường từ ải Pha Lũy (Nam Quan) và ải Phú Lệnh (gần thị xã Hà Giang) sang xâm lược nước ta[4].
Nhà Hồ đã tổ chức kháng chiến, nhưng thất bại nhanh chóng. Sau nửa năm vua tôi nhà Hồ bị bắt đưa về Kim Lăng (Hồ Nam, Trung Quốc).
Thất sách lớn nhất của nhà Hồ là không được lòng dân (đã nêu trên). Dù có quân trăm vạn, nhưng “trăm vạn người trăm vạn lòng” không thể thắng được giặc mạnh. Kháng chiến chỉ dựa chủ yếu vào quân đội và thành quách, không dựa vào nhân dân (sai lầm lớn về chiến lược và sách lược) thất bại tất không tránh khỏi.
Hồ Quý Ly là một người tài năng, cải cách không gặp thời đã không thành công; ông là một người yêu nước, dám tổ chức lực lượng chống lại giặc Minh; nhưng rút cuộc là một người anh hùng thất bại. Trong bài thơ Quan hải- đóng cửa biển- Nguyễn Trãi đã viết:
“Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên..”
Dịch nghĩa: Họa phúc có manh mối không phải một ngày
Anh hùng để mối hận mấy nghìn năm sau... [5]
Đất nước ta bị quân Minh chiếm đóng, dày xéo. Tội ác của chúng chồng chất khiến “chặt hết trúc Nam sơn, chẳng đủ ghi hết tội ác” (Đại cáo bình Ngô ). Sử thần Ngô Sĩ Liên là người đương thời chứng kiến và ghi lại: “Giáo mác đầy đường, đâu chẳng là giặc Minh cuồng bạo; sách vở cả nước, đều trở thành đống tro tàn.”[6]
Trong nước bấy giờ có nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại giặc Minh, tiêu biểu là khởi nghĩa của Trần Ngỗi năm 1407; khởi nghĩa của Trần Qúy Khoáng năm 1409. Trước cuộc khởi nghĩa Lam Sơn tất cả có đến 63 cuộc khởi nghĩa đều bị quân Minh đàn áp.
Vào đầu Xuân năm Mậu Tuất (7-2-1418) Lê Lợi và nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá).
Những ngày đầu nghĩa quân đã gặp rất nhiều gian nan, nguy hiểm. Trải qua cuộc kháng chiến chống quân Minh 10 năm với nhiều gian khổ hy sinh cuối cùng quân xâm lược bị quét sạch, non sông thu về một mối. Đại cáo bình Ngô- một áng hùng văn tuyệt vời, một tuyên ngôn của dân tộc ta được viết nên từ thắng lợi vẻ vang của công cuộc kháng chiến bình Ngô.
...Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ.
Lấy ít địch nhiều, hay dùng mai phục.
Rút cục lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn.
Lấy chí nhân mà thay cường bạo...
Đó là những tổng kết, bài học kinh nghiệm mang tính chiến lược, sách lược đánh giặc, thắng giặc từ cuộc kháng chiến chống quân Minh của tướng sĩ Lam Sơn mà thủ lĩnh tối cao là Lê Lợi. Những điều đó còn được ghi chép, đúc kết trong Lam Sơn thực lục do Nguyễn Trãi soạn cho biết:
“Khi muôn việc rỗi rãi, vua Lê Thái Tổ thường cùng các quan bàn luận về nguyên nhân hưng vong đắc thất xưa nay cùng là giặc Ngô sở dĩ bại, vua sở dĩ thắng là bởi đâu.
Quần thần đều nói:
Người Ngô hình nặng chính ác, mất hết lòng người, vua thì làm trái hẳn lại, lấy nhân thay bạo, lấy trị thay loạn, bởi vậy nên thành công mau chóng”[7].
Nhà vua bổ sung và nêu ra cặn kẽ một số nguyên nhân, trong đó khẳng định “.. Ngày nay thành công là do Hoàng thiên giúp đỡ mà tổ tiên của trẫm chứa đức tích nhân đã lâu cũng ngấm ngầm phù hộ, nên mới được thế này. Kẻ làm con cháu về sau được hưởng phú quý phải nhớ tổ tiên trẫm tích luỹ nhân đức bao nhiêu đời, và công lao trẫm dựng nghiệp khó khăn bao nhiêu..”[8]
Cũng Lam Sơn thực lục cho biết: Tằng tổ của vua họ Lê, tên huý là Hối người thôn Như Áng, huyện Lương Giang (huyện Thuỵ Nguyên, phủ Thanh Hoá) làm nghề thày cúng; tính người thực thà ngay thẳng.. Ông thấy Lam Sơn là nơi đất tốt đã đến lập nghiệp ở đó. Từ đấy họ Lê đời đời làm chúa một miền.
Tổ của vua huý là Đinh, nối dõi nghiệp cha.. hay vỗ về dân chúng, khoan nhân và thương người.. rồi bộ hạ có hơn một nghìn người.
Bà tổ của vua là Nguyễn Thị Quách, cần kiệm giữ việc nhà rất hiền hạnh... sinh được con trưởng là Tùng thứ là Khoáng, thân phụ vua, tính tình vui vẻ, hiền lành, hay làm việc thiện... yêu thương dân chúng...
Thân mẫu của vua là Trịnh Thị Ngọc Thương chăm chỉ đạo phụ nữ... việc nhà hoà thuận... Vua đến khi lớn làm Phụ đạo xứ Khả Lam.
Như vậy từ đời tổ tiên của vua Lê Thái Tổ đều chăm làm điều thiện, chứa đức tích nhân, hay giúp đỡ người, nên được nhiều người mến mộ theo phục. Có lẽ vì thế khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, nghe tiếng tốt mà nhiều danh sĩ ở bốn phương đã tìm đến tụ nghĩa; cùng làm nên đại sự thành công.
Có thể cho rằng Bình Định vương Lê Lợi gặp được hai mẹ con bà Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Hào và cưới con gái bà là Trần Thị Ngọc Hiên làm Cung phi như gặp được một thiên duyên. Trước thời thế đảo điên quân Chiêm Thành nhiều lần lấn cướp kinh thành; vua Trần Duệ Tông chồng bà Trần Thị Ngọc Hào do khinh địch mà tử trận. Bấy giờ Hồ Quý Ly đang từng bước tập trung quyền lực về tay mình, tiến hành cải cách gây mất lòng dân.. khiến bà đã từ bỏ cuộc sống hoàng cung trở về với quê hương Đức Thọ (Hà Tĩnh) để cùng nhân dân khai phá ruộng đồng gần 4000 mẫu, lập nên nhiều làng xóm mới. Bà còn mở chợ, dựng chùa giúp đỡ dân làng tạo lập cuộc sống tốt hơn; vừa tránh được sự thống trị của giặc Minh. Chính công cuộc khai hoang đó đã mang lại cuộc sống ổn định cho người dân sở tại; có điều kiện để cung cấp lương thực cho nghĩa quân Lam Sơn; góp phần tích cực vào cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, giành lại non sông.
Như vậy Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Hào, Công chúa Huy Chân (Trần Thị Ngọc Hiên) và cháu ngoại là Công chúa Trang Từ (Lê Thị Ngọc Châu) đều đã tiếp nối chăm làm việc thiện, tu nhân tích đức- truyền thống tốt đẹp của tổ tiên hoàng tộc. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Vì thế các Bà đã làm được nhiều việc có ích cho nhân dân. Công tích của các Bà đối với các huyện hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc vẫn còn đó, được nhân dân mãi mãi nhớ ơn, thờ phụng. Mong rằng những di tích đó, đặc biệt là khu di tích đền xã Liên Minh, huyện Đức Thọ cần được Nhà nước và nhân dân tôn tạo xứng với công lao, danh vị của các Bà hoàng.
Hà Nội, tháng 8 năm 2009.
Bổ sung tháng 7 năm 2012.
Tài liệu tham khảo
1. Họ Hồ và Hồ Quý Ly trong lịch sử. Tạp chí Xưa và Nay. Nxb Văn hoá Sài Gòn. 2008.
2. Lam Sơn thực lục. Ty Văn hóa Thanh Hoá. 1976.
3. Lê Quý Đôn toàn tập. Đại Việt thông sử. Nxb KHXH. H 1978.Tập III.
4. Minh thực lục quan hệ Trung Quốc- Việt Nam thế kỷ XIV- XVII. Dịch và chú thích: Hồ Bạch Thảo. Hiệu đính và bổ chú: Phạm Hoàng Quân. Nxb H 2010. Tập 1.
5. Ngô Sĩ Liên và các sử thần đời Lê. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb KHXH. H 1771-1973. Tập I- II- III.
6. TS. Nguyễn Hữu Tâm. Góp thêm những tư liệu tiếng Pháp, Hán Nôm và tiếng Việt ghi chép, nghiên cứu về Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Hào, được phụng thờ tại thôn Liên Minh, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Bản vi tính. H 2004.
7. Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb KHXH. H 1976.
8. Phan Huy Lê- Phan Đại Doãn. Khởi nghĩa Lam Sơn. Nxb KHXH. H 1997.
9. Quốc Sử quán triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb Giáo dục. H 1998. Tập I.
[1]. TS. Nguyễn Hữu Tâm. Góp thêm những tư liệu tiếng Pháp, Hán Nôm và tiếng Việt ghi chép, nghiên cứu về Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Hào được phụng thờ tại thôn Liên Minh, xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Bản Vi tính. H 2004.
[2]. Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư). Nxb KHXH. H 1972. Tập II. Tr 221.
[3] . Toàn thư. Sđd. Tập II. Tr 231.
[4] . Minh thực lục quan hệ Trung Quốc- Việt Nam thế kỷ XIV- XVII. Dịch và chỳ thớch: Hồ Bạch Thảo. Hiệu đính và bổ chỳ: Phạm Hoàng Quõn. Nxb H 2010. Tập 1. Tr 237.
- Toàn thư. Sđd. Tập II. Tr 247.
[5] . Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb KHXH. H 1976. Tr 280-281.
[6] . Toàn thư. Sđd. Tập I. Tr 20.
[7] . Nguyễn Trãi.. Sđd. Tr 71
[8] . Nguyễn Trãi.. Sđd. Tr 71-73