Người xứ Nghệ

Lê Hồng Phong với việc bảo vệ quan điểm cách mạng của Nguyễn Ái Quốc

 LÊ HỒNG PHONG thuộc lớp cán bộ tiền bối của Đảng. Sinh ra ở Hưng Nguyên, Nghệ An năm 1902, đầu năm 1924 qua đường Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Xiêm, Lê Hồng Phong  đi Quảng Châu, trung tâm phong trào cách mạng của Trung Quốc lúc bấy giờ. Tháng 4-1924, Lê Hồng Phong gia nhập tổ chức Tâm Tâm xã(1). Đây là sự kiện mở đầu khẳng định lòng yêu nước bắt đầu được huy động bằng tổ chức. Tháng 11 năm 1924, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Lê Hồng Phong và nhóm Tâm Tâm xã được gặp Người. Từ cuộc hội ngộ kỳ thú đó của lịch sử, Lê Hồng Phong ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc, quyết định đi theo con đường cứu nước của Người.

Lê Hồng Phong vào học Trường Quân sự Hoàng Phố(2) Khóa II từ ngày 18-8-1924 đến 12-1925. Trong thời gian này, Lê Hồng Phong nhiều lần được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người lựa chọn vào nhóm Việt Nam thanh niên Cộng sản, tháng 2-1925 (gọi tắt là Cộng sản đoàn). Tháng 6-1925, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong và nhóm Cộng sản đoàn, đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Lê Hồng Phong được tham gia công tác đào tạo cán bộ của Hội. Anh cũng tham gia Hội các dân tộc bị áp bức do Nguyễn Ái Quốc và một số nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Malaixia, Ấn Độ, Inđônêxia, Thái Lan thành lập năm 1925.  Tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Phong thi vào Trường Hàng không Quảng Châu và theo học từ tháng 1-1926 đến tháng 10-1926. Sau đó, được sự quan tâm giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong được Chính phủ cách mạng Quảng Châu cử sang học tập ở Liên Xô. Hơn một năm đầu, Lê Hồng Phong được cử vào học Trường Lý luận quân sự không quân ở thành phố Lêningrát. Tháng 12-1927, sau khi tốt nghiệp, Lê Hồng Phong thi vào Trường Hàng không quân sự BBC, được xét chuyển vào học năm thứ hai. Sau gần một năm vẫn đang trong quá trình say mê học tập, do yêu cầu của cách mạng, Lê Hồng Phong được chuyển sang học một chương trình lý luận dài hạn tại Mátxcơva ở Trường Đại học cộng sản của những người lao động phương Đông (gọi tắt là Trường Đại học Phương Đông) Khóa III, từ tháng 12-1928 đến tháng 5-1931.

Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 đến với Lê Hồng Phong và các đồng chí của anh qua Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi các học sinh Việt Nam đang học tập ở Trường Đại học phương Đông ngày 05-4-1930 là một nguồn động viên, khích lệ, cổ vũ lớn lao. Nhận thức rõ tinh thần khoa học và cách mạng trong các văn kiện thành lập Đảng mà tác giả là Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong có cơ sở củng cố thêm niềm tin vững chắc vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vào con đường mà anh đã lựa chọn.

Một tháng trước khi Lê Hồng Phong tốt nghiệp Trường Đại học phương Đông, Đảng Cộng sản Đông Dương đã được Quốc tế Cộng sản công nhận là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản(3). Đây là một cột mốc đánh dấu bước trưởng thành của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, Đảng Cộng sản Đông Dương có điều kiện tiếp nhận nhiều hơn sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, đồng thời có điều kiện phát huy vai trò lãnh đạo cách mạng của mình. Tuy nhiên, sau cao trào cách mạng 1930-1931, do sự khủng bố ác liệt của kẻ thù, phong trào cách mạng Đông Dương bước vào giai đoạn thoái trào. Trong Thư gửi các đồng chí cộng sản Pháp, tháng 4-1932, một số đồng chí lấy danh nghĩa Trung ương lâm thời chấp ủy Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định: “Tương quan lực lượng có lúc lợi cho quần chúng Đông Dương, nay nghiêng về phía chủ nghĩa đế quốc. Quần chúng công nhân bị lung lay trước những cú sốc liên tiếp của những thất bại của Đảng dần dần rời bỏ cuộc đấu tranh. Những cuộc biểu tình quy thuận của nông dân ở Cao Lãnh và Nghệ - Tĩnh mà người ta ngờ là do chủ nghĩa đế quốc bày đặt ra cũng là một dấu hiệu chứng tỏ cuộc đấu tranh của quần chúng đang đi xuống. Và từ đó, bắt đầu một cuộc tan rã thực sự trong đội ngũ cán bộ của Đảng. Các cuộc biểu tình cực kỳ mãnh liệt ở Bến Tre, Quảng Ngãi và Nghệ - Tĩnh chứng tỏ rằng đó là những cố gắng tuyệt vọng nhằm phục hồi phong trào”(4).

Vấn đề cấp bách có ý nghĩa sống còn là phải nhanh chóng tái lập hệ thống tổ chức cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở để kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Với thành tích xuất sắc qua quá trình học tập, rèn luyện ở nhiều trường lớp, Lê Hồng Phong, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học phương Đông, đã được cử về Đông Dương để khôi phục tổ chức và xây dựng đường lối cách mạng của Đảng với tư cách là “cán bộ của Ban Trung ương Chấp ủy của Đảng”.

Sau khi về nước (11-1931), Lê Hồng Phong đã xây dựng đường lối và tổ chức phong trào cách mạng theo tinh thần Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương(5). Chương trình hành động là một văn kiện mang nhiều dấu ấn tư tưởng cách mạng trong các văn kiện thành lập Đảng. Để tăng thêm sức mạnh và hiệu quả cho Chương trình hành động, Lê Hồng Phong đã cho xuất bản tạp chí Bônsơvích. Trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn những năm 1932-1935, những hoạt động nêu trên của Lê Hồng Phong giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc củng cố mặt trận chính trị tư tưởng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng với một tổ chức chặt chẽ và kỷ luật nghiêm ngặt, quyết tâm thi hành cho được những nhiệm vụ của cuộc cách mạng phản đế và điền địa.

Giữa năm 1933, Lê Hồng Phong nhận được chỉ thị của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau hơn nửa năm tích cực hoạt động, đầu năm 1934, Ban Chỉ huy ở ngoài được thành lập.

Dưới sự chỉ đạo của Lê Hồng Phong, Ban Chỉ huy ở ngoài chuẩn bị triệu tập Hội nghị Đảng ở Ma Cao và tiến hành đại hội lần thứ nhất của Đảng vào tháng 3-1935. Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ huy ở ngoài (6-1934) nhằm xem xét, kiểm điểm về tư tưởng và hành động của Đảng theo tinh thần Chương trình hành động của Đảng. Đại hội lần thứ nhất của Đảng là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu việc Đảng ta đã được khôi phục về tổ chức, các cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở được lập lại. Tuy nhiên, Đại hội Đảng lần thứ nhất tiến hành khi Đảng mới khôi phục và diễn ra trước Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (7-1935) nên khó tránh khỏi một số hạn chế.

Trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ nhất của Đảng, Lê Hồng Phong dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Trên diễn đàn đại hội VII, Lê Hồng Phong đã khẳng định ý nghĩa lớn lao của sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Báo cáo của Lê Hồng Phong phản ánh tư tưởng lớn của Nguyễn Ái Quốc là phải biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và bổ sung vào kho tàng lý luận đó những cơ sở cứ liệu của xứ thuộc địa.

Sau khi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong về Trung Quốc cùng Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên chỉ đạo các cấp ủy đảng tiếp tục củng cố, phát triển Đảng dưới ánh sáng Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và theo tinh thần chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc về việc lập mặt trận dân chủ rộng rãi chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc.

Ngày 27 tháng 6 năm 1936, tại Thượng Hải, Trung Quốc, Lê Hồng Phong cùng với Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên tổ chức cuộc họp (được gọi là Hội nghị Trung ương) quán triệt và vận dụng đường lối Đại hội VII Quốc tế Cộng sản vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Đông Dương.

Hội nghị xác định chiến lược cách mạng ở Đông Dương vẫn là “cách mệnh tư sản dân quyền - phản đế và điền địa - lập chính quyền công nông bằng hình thức xôviết, để dự bị điều kiện đi tới cách mệnh xã hội chủ nghĩa”. Song hội nghị đã phân tích mối quan hệ giữa mục tiêu trực tiếp và mục tiêu lâu dài: “Xét rằng cuộc vận động quần chúng hiện thời cả về chính trị và tổ chức chưa tới trình độ trực tiếp đánh đổ đế quốc Pháp, lập chính quyền công - nông, giải quyết vấn đề điền địa, mà là “nhiệm vụ lập mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi bao gồm các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, các dân tộc ở xứ Đông Dương để cùng nhau  tranh đấu đòi những điều kiện dân chủ đơn sơ”. Mặt trận nhân dân phản đế là hình thức tổ chức để thực hiện việc đoàn kết rộng rãi các giai tầng trong xã hội đấu tranh đòi những quyền lợi hàng ngày cho nhân dân, chống chế độ thuộc địa vô nhân đạo, chuẩn bị điều kiện cho cuộc vận động dân tộc giải phóng được phát triển. Tinh thần của Hội nghị là chiến lược chống đế quốc và chống phong kiến của cách mạng Đông Dương do Nguyễn Ái Quốc đề ra trong các văn kiện đầu tiên là không thay đổi. Nhưng nhiệm vụ trước mắt của Đảng và nhân dân Đông Dương là chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình.

Hội nghị Trung ương tháng 7-1936 đã quán triệt tinh thần dân tộc và đề xuất việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong toàn Đảng. Đây là một điểm mới so với Luận cương cách mạng tư sản dân quyền tháng 10-1930, Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1932 và Nghị quyết chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng tháng 3-1935. Hội nghị tháng 7-1936 đích thực trở về với tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc, nêu cao tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc(6).

Từ sau khi được trả lại tự do vào mùa xuân 1934, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc gặp gỡ Đ. Manuinxki - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành và nhiều đại diện có trách nhiệm trong Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản như P.Míp, V.Vaxiliêva, G.Đimitơrốp, người anh hùng của nhân dân Bungari và nhiều thành viên khác của Quốc tế Cộng sản. Khoảng cuối tháng 9-1934, Nguyễn Ái Quốc được Ban Phương Đông gửi đến điều dưỡng tại nhà an dưỡng Crưm. Tháng 10-1934 Người được nhận vào học Trường Quốc tế Lênin năm học 1934-1935. Thời gian này Nguyễn Ái Quốc có dịp gặp gỡ và trao đổi công việc với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Tốt nghiệp khóa học, Nguyễn Ái Quốc mong ước sớm được về Tổ quốc. Người tích cực chuẩn bị kế hoạch xin về nước. Trong khi đang làm tờ khai lý lịch, hộ chiếu, giấy đi đường thì kế hoạch phải hủy bỏ vì tình hình thay đổi. Trong khi chờ đợi một dịp khác, từ mùa hè năm 1936, Nguyễn Ái Quốc vào làm việc tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Sau đó Người được tuyển chọn vào lớp nghiên cứu sinh do Viện này mở.

Như vậy, tính từ ngày 6-6-1931 đến ngày 6-6-1938 Nguyễn Ái Quốc có bảy năm, bước sang năm thứ tám ở trong “tình trạng không hoạt động” và “giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”. Đó là một “tình cảnh đau buồn”(7). Sở dĩ có tình hình đó là vì Quốc tế Cộng sản, do không nắm đầy đủ thông tin về vấn đề thuộc địa, lại có tư tưởng “tả” khuynh nên đánh giá không đúng về Nguyễn Ái Quốc, coi Người mang tư tưởng “dân tộc chủ nghĩa”. Quan điểm của Quốc tế Cộng sản lúc bấy giờ có phần ảnh hưởng và làm phân tâm tư tưởng của một số cán bộ, đảng viên. Nhưng chính trong bối cảnh đó, khi phần lớn thế giới đang nhấn mạnh vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp thì ngày 3-10-1936, Ban Chỉ huy ở ngoài gồm Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Hà Huy Tập đã có “Thư gửi các đồng chí” khẳng định quan điểm dân tộc, lợi ích dân tộc theo tinh thần Nguyễn Ái Quốc. Thư viết: “Nếu chúng ta chỉ hoàn toàn đứng trên quan điểm giai cấp để kích động và phát triển cuộc đấu tranh thì chúng ta có nguy cơ ngăn cản phong trào giải phóng dân tộc và gián tiếp ngăn cản phong trào giải phóng quần chúng”(8). Dù rằng một số nhà tư bản và địa chủ đã đào ngũ, “cũng không nên suy ra từ đó rằng “các nhà tư bản và địa chủ không muốn hợp tác với công nhân, nông dân và tiểu tư sản” và quá vội vàng tách khỏi họ. Chúng ta phải giữ những người cảm tình và những người còn chưa đào tẩu. Bằng những phương tiện nào để làm được điều đó? Hãy nắm các khẩu hiệu sau đây: trong lúc cần thống nhất hành động của tất cả các đảng thì tất cả các phần tử của tất cả các giai cấp, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên tất cả; lợi ích này là lợi ích của tất cả các tầng lớp, tất cả các giai cấp xã hội và đặc biệt là của quần chúng nhân dân rộng rãi”(9). Thư đề cập tới “quan điểm dân tộc” trên tất cả các mặt hoạt động như tập hợp lực lượng cách mạng, lợi ích của cách mạng, quyền tự do dân chủ, chế độ bầu cử thật sự dân chủ cho toàn bộ đất nước. Đặc biệt khi bàn về bản chất giai cấp của Đảng, thư của Ban Chỉ huy ở ngoài nói rõ quan điểm: “Chủ nghĩa cộng sản là Đảng của những người vô sản, điều đó là hoàn toàn phù hợp với học thuyết của Các Mác. Nhưng trong tình hình đặc thù (tôi nhấn mạnh) ở nước ta và trong giai đoạn hiện thời của phong trào giải phóng quần chúng, chúng ta cũng không kém mácxít, lêninnít, xtalinnít hơn khi nói rằng chủ nghĩa cộng sản bảo vệ các lợi ích của toàn thể dân cư. Điều đó đem lại cho chúng ta nhiều ảnh hưởng hơn và nhiều người đi theo hơn… Điều mà bọn đế quốc sợ nhất, đó là chúng ta tự đặt mình ở hàng đầu của phong trào giải phóng các chủng tộc”(10). Như vậy, Lê Hồng Phong và các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài đã xuất phát từ hoàn cảnh, điều kiện nước ta, một nước thuộc địa, giai cấp công nhân chiếm tỷ lệ nhỏ bé để xác định Đảng của toàn thể dân cư. Đây là một trong những điều căn cốt nhất, hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất giai cấp công nhân của Đảng.

Trong thư, Lê Hồng Phong và những người trong Ban Chỉ huy ở ngoài cũng đã có sự lý giải mang chất lượng khoa học và cách mạng về vấn đề “thế nào là nhà mácxít” theo tinh thần Hồ Chí Minh. Theo đó, nhà mácxít là những người bảo vệ lợi ích của toàn dân tộc. Thư trình bày một cách ngắn gọn quan điểm “Đảng chúng ta, Đảng tự đặt mình là người tiên phong của cuộc đấu tranh cho những yêu sách sơ đẳng, Đảng không được sợ phát triển trong quần chúng những xu hướng cải lương… Chúng ta phải tranh thủ những nhà tư bản bản xứ tán thành phong trào đứng về phía sự nghiệp của chúng ta, hoan nghênh những người tham gia phong trào và những người tận tâm vì lợi ích chung, vạch mặt bọn phản bội đồng bào mình, nhằm vừa giảm hoạt động, vừa giảm ảnh hưởng của các nhóm phản động”(11).

Những đoạn dẫn nêu trên trong Thư của Ban Chỉ huy ở ngoài cho ta thấy rõ ít nhất ba điều: Một là, Lê Hồng Phong và những đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài thể hiện được bản lĩnh và trí tuệ của những người cộng sản kiên trung trong một bối cảnh quốc tế mà vấn đề nhận thức tư tưởng có những diễn biến phức tạp. Hai là, những quan điểm trong thư trở lại với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc từ những năm hai mươi đến khi thành lập Đảng và cả giai  đoạn Người “không được hoạt động, như ở bên cạnh, bên ngoài của Đảng”. Ba là, những quan điểm đó tiếp tục được phản ánh trong di sản Hồ Chí Minh trong Đại hội II (2-1951) và cả thập kỷ năm mươi, sáu mươi được thực tiễn cách mạng Việt Nam khẳng định là đúng đắn.

Ngày 30-10-1936, Ban Chỉ huy ở ngoài ban hành tài liệu Chung quanh vấn đề chiến sách mới. Những quan điểm trong tài liệu này nói rõ những vấn đề chiến lược hay có ý nghĩa chiến lược theo tinh thần của Quốc tế Cộng sản, nhưng đồng thời xuất phát từ thực tiễn Đông Dương thuộc địa nên có những chiến sách mới. Chiến sách mới không làm thay đổi chiến lược (mục đích). “Đảng nhắc lại cho các đảng viên biết rằng một dân tộc bị áp bức như xứ Đông Dương vấn đề dân tộc giải phóng là một nhiệm vụ quan trọng của người cộng sản. Vậy Đảng phải mật thiết với các đảng quốc gia hơn nữa”(12). Văn kiện nêu một quan điểm theo tinh thần Hồ Chí Minh trong các văn kiện thành lập Đảng: “Cuộc dân tộc giải phóng không nhất định kết chặt với cuộc cách mạng điền địa. Nghĩa là không thể nói rằng: muốn đánh đổ đế quốc cần phải phát triển cách mạng điền địa, muốn giải quyết vấn đề điền địa cần phải đánh đổ đế quốc. Lý thuyết ấy có chỗ không xác đáng”(13).

Từ năm 1919, trong bài Tâm địa thực dân, Nguyễn Ái Quốc đã viết rằng “chúng tôi đã nhấn mạnh những chữ những tên thực dân độc ácnhững viên chức tàn bạo, vì chúng tôi biết rằng có những người thực dân chính trực và những viên chức công bằng”(14). Quan điểm đó của Nguyễn Ái Quốc được nhắc lại trong chiến sách mới rằng “chính sách của Đảng Cộng sản Đông Dương không phải là chống người Pháp, mà chỉ chống đế quốc Pháp”(15).

Phân tích mối quan hệ đấu tranh chống đế quốc và đấu tranh chống phong kiến giải quyết vấn đề điền địa, văn kiện kết luận; “Nói tóm lại, nếu phát triển cuộc đấu tranh chia đất mà ngăn trở cuộc đấu tranh phản đế thì phải lựa chọn vấn đề nào quan trọng hơn mà giải quyết trước. Nghĩa là chọn địch nhân chính, nguy hiểm nhất, để tập trung lực lượng của một dân tộc mà đánh cho được toàn thắng”(16). Đây là một quan điểm đúng, phù hợp với tư tưởng chiến lược của Nguyễn Ái Quốc trong các văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930.

Sau Hội nghị Thượng Hải, Lê Hồng Phong thôi đảm nhận chức vụ Tổng Bí thư. Từ khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11-1937 đến trước khi bị bắt (22-6-1939), Lê Hồng Phong tiếp tục tham gia Ban Thường vụ Trung ương, về nước hoạt động theo lời dặn của Nguyễn Ái Quốc khi Người đang hoạt động ở Liên Xô: “Trung ương Đảng phải chuyển về trong nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào; không được thỏa hiệp với bọn tờrốtxkít; lập Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc”(17). Trong giai đoạn này, Lê Hồng Phong tích cực đấu tranh trên mặt trận báo chí. Những bài báo của Lê Hồng Phong đăng trên tờ Dân chúng, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam Kỳ thể hiện nhất  quán quan điểm cách mạng không thỏa hiệp với các phần tử tơrốtxkít, đồng thời nhằm tập hợp tối đa lực lượng cho cuộc đấu tranh chống chiến tranh. Các bài báo của Lê Hồng Phong cũng thể hiện rõ thái độ bônsêvích trong tự chỉ trích, đấu tranh tự phê bình và phê bình, điều mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh và thực hành từ khi phác thảo Đường cách mệnh trong những năm hai mươi.

Những hoạt động, cống hiến của Lê Hồng Phong và các đồng chí của anh - ở những mức độ và thể hiện khác nhau - là sự tiếp tục khẳng định, bảo vệ và nêu cao tư tưởng Nguyễn Ái Quốc, góp phần quan trọng đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Lê Hồng Phong, người cộng sản kiên cường, nhà tư tưởng, lý luận xuất sắc của Đảng, sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

 ------------------

(1) Tâm Tâm xã do Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn cùng một số thanh niên trí thức yêu nước khác thành lập năm 1923 tại Quảng Châu, Trung Quốc.

(2) Trường Quân sự Hoàng Phố được thành lập tháng 5-1924.

(3) Tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản lần thứ XI ngày 11-4-1931

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t.4 (1932-1934), tr.32.

(5) Chương trình hành động được khởi thảo trước tháng 4-1932, được Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản thông qua tháng 6-1932. Trong thời gian ấy, Lê Hồng Phong đang hoạt động ở Trung Quốc.

(6) Sau Hội nghị và thực hiện Nghị quyết của Hội nghị, từ ngày 12-8-1936 Hà Huy Tập về Sài Gòn khởi động việc tái lập Ban Trung ương Đảng. Sau hai tháng nỗ lực, ngày 12-10-1936, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được tái lập lại ở Nam Kỳ

(7) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.117

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, 1936-1939, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.128-129.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.6, Sđd, tr.129.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.6, Sđd, tr.129-130

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.6, Sđd, tr.132-133.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.6, Sđd, tr.147.

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.6, Sđd, tr.152.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.6-7.

(15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.6, Sđd, tr.149.

(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.6, Sđd, tr.152.

(17) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nxb.Chính trị quốc gia. Hà Nội. 1993.t2.tr 1954.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442954

Hôm nay

2150

Hôm qua

2318

Tuần này

2767

Tháng này

218128

Tháng qua

112676

Tất cả

114442954