Những góc nhìn Văn hoá

Lý Thương Ẩn - Hoa lan trong rừng vắng (5)

QUAN NIỆM VỀ TÀI - MỆNH

1. ta mộng được truyền bút ngũ sắc…

(Ngã thị mộng trung truyền thái bút)

Từ nhỏ, Lý Thương Ẩn đã tỏ ra mình có tài: “Năm 16 tuổi đã viết Tài luận, Thánh luận, bằng tài viết cổ văn mà xuất hiện giữa chư công”[1]. Ý thức về tài năng của ông được biểu hiện qua thơ ca muôn hình vạn trạng. Như đã nói, thời đại Vãn Đường là thời đại suy vi, trong triều chia bè kéo cánh, tàn hại nhân tài, hiền sĩ; ngoài triều giặc giã quấy nhiễu biên cương. Chiến tranh loạn lạc liên miên khiến dân tình điêu đứng. Sống trong bối cảnh đó, Lý Thương Ẩn cũng như những nhân tài hiền sĩ khác đều bị đè nén dưới gọng kiềm của một xã hội phong kiến thối nát với mục đích củng cố thế lực chính trị của giai cấp thống trị. Nhưng kết quả, đó không phải là cách để giữ cho vương triều Đường thoát khỏi sự suy vi và sụp đổ, mà ngược lại. Nhìn thấy cảnh suy vi ấy, những tài tử như Lý Thương Ẩn không thể không biểu hiện tài năng để mong được trọng dụng, được khuông phò quốc gia, được thi triển tài năng và hoài bão. Nhưng một thực tế phũ phàng là, những tài tử đều có chung số phận không mấy tốt đẹp trong cái xã hội phong kiến đầy biến động và tao loạn. Càng bộc lộ tài năng càng bị những kẻ khác gièm pha, ganh tỵ và kìm hãm. Xưa nay, chuyện ấy có lạ gì. Từ Khuất Nguyên, Giả Nghị, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị… tất cả đều không thoát khỏi tình trạng đó. Dẫu thế nhưng bản chất của một tài tử là vẫn thể hiện tài, bộc lộ tài, muốn thi thố tài năng của mình. Lý Thương Ẩn cũng không ngoại lệ, ông cũng muốn thể hiện và thi thố tài năng của mình. Trong nhiều bài thơ, thi nhân thường mượn những hình ảnh khác nhau để nói về tài năng của mình, nói về những nỗi đau bất hạnh của một tài sĩ không có đất dụng võ, có điều, ông nói rất kín đáo và sâu sắc.

Mượn hình ảnh một cô gái theo thời gian học hỏi thành tài, để nói về tài năng của ông:

Bát tuế thâu chiếu kính,

Trường mi dĩ năng họa.

Thập tuế khứ đạp thanh,

Phù dung tác quần xái.

Thập nhị học đàn tranh,

Ngân giáp bất tằng tá…

(Tám tuổi trộm soi gương,

Mày dài đã biết vẽ.

Mười tuổi đi đạp thanh,

Biết dùng hoa phù dung trang điểm trên quần.

Mười hai tuổi học chơi đàn,

Móng bạc chưa từng tháo rời tay.)

Hình ảnh cô gái tám tuổi biết soi gương, biết làm đẹp, mười tuổi biết may vá, mười hai tuổi biết đánh đàn,… theo các nhà nghiên cứu thơ Lý Thương Ẩn, hình ảnh đó có bóng dáng của ông. Sách Thượng Thôi Hoa Châu chép rằng Lý Thương Ẩn “lúc lên năm tuổi thì đọc kinh sách, bảy tuổi chơi với bút nghiên”, mười sáu tuổi Lý Thương Ẩn xuất hiện trước mọi người bằng tài viết cổ văn của mình với tác phẩm Tài luận, Thánh luận. Qua đó, có thể thấy, điều mà các nhà nghiên cứu thi ca Lý Thương Ẩn nói là đúng. Thế nhưng, một người tài hoa như thế lại phải chịu cảnh cô đơn, tủi thầm rơi lệ trong ngày xuân tươi đẹp:

Thập tứ tàng lục thân,

Huyền tri do vị giá.

Ngũ thập khấp xuân phong,

Bối diện thu thiên hạ.

Vô đề (Bát tuế…)

(Mười bốn tuổi sống trong gia đình,

Cha mẹ vẫn chưa hứa gả cho ai.

Mười lăm tuổi khóc thầm cùng gió xuân,

Úp mặt tủi buồn dưới xích đu.)

Nỗi đau của cô gái đang độ thanh xuân, và tài hoa giỏi giang, nhưng không người biết, không người tri ngộ còn được thấy trong những bài thơ vô đề khác như Cận tri danh A Hầu, Chiếu lương sơ hữu tình, Hà xứ ai tranh tuỳ cấp quản… Đó cũng chính là nỗi đau thân thế và tài năng nhưng không gặp vận của Lý Thương Ẩn:

Cận tri danh A Hầu,

Trú xứ tiểu giang lưu.

Tế yêu bất thăng vũ,

Mi trường duy thị sầu.

Hoàng kim kham tác ốc,

Hà bất tác trùng lâu?

Vô đề (Cận tri danh…)

(Gần đây nghe tiếng A Hầu,

Chỗ ở có dòng sông nhỏ chảy qua.

Eo thon nhưng không thể múa,

Nét mày dài chỉ có nỗi buồn.

Đã chịu làm nhà vàng cho ở,

Sao không làm cả lầu cao?)

Bài thơ trên, Lý Thương Ẩn tỏ ra mình là một người tài và ông không ngần ngại yêu cầu được đãi ngộ. “Nhà vàng ở được, lầu đài sao không?”, chính là nói lên cái tâm sự và khát vọng được đãi ngộ cao hơn. Tài năng không nhường một ai, nhưng không được trọng dụng, chỉ có nỗi sầu về cùng người tài tử.

Nếu không biết Lý Thương Ẩn mượn hình ảnh người thiếu nữ trẻ đẹp tài hoa để ví với tài năng của mình thì người đọc sẽ lấy làm ngạc nhiên khi trong thơ Lý Thương Ẩn luôn xuất hiện hình ảnh cô gái đẹp đau buồn vì không ai biết đến:

Lật Dương công chúa niên thập tứ,

Thanh minh noãn hậu đồng tường khán.

Quy lai triển chuyển đáo ngũ canh,

Lương gian yến tử văn trường thán.

Vô đề tứ thủ, bài 4

(Công chúa Lật Dương tuổi vừa mười bốn,

Khi tiết thanh minh ấm áp cùng đi ngắm cảnh xuân.

Lúc trở về trằn trọc đến canh năm,

Chỉ có con én trên xà nhà nghe tiếng thở dài.)

Hoặc như:

Thanh lâu hữu mỹ nhân,

Nhan sắc như mai khôi.

Ca thanh nhập thanh vân,

Sở thống vô lương môi.

Thiếu niên khổ bất cửu,

Cố mộ lương nan tai!

Đồ linh chân châu bễ,

Ấp nhập san hô tư.

Hý đề Xu Ngôn thảo các tam thập nhị vận

(Lầu xanh có cô gái đẹp,

Nhan sắc như ngọc hồng.

Lời ca trong trẻo vút vào mây xanh,

Mà đau buồn vì không có mối nào tốt.

Rất tiếc tuổi xuân lại quá ngắn,

Quyến luyến cũng không được!

Buồn làm lệ ngọc rơi tầm tã,

Thấm ướt cả đôi má hồng như san hô.)

Có lúc, ông dùng hình ảnh hoa mai nở sớm để nói về tài năng của mình:

Táp lộ đình đình diễm,

Phi thì ấp ấp hương…

… Vị thùy thành tảo tú,

Bất đãi tác niên phương.

Thập nhất nguyệt trung tuần chí Phù Phong giới kiến mai hoa

(Cây mai bên đường rành rành đẹp biết bao,

Chưa đến lúc đã nở hoa, hương thơm nhuốm áo người...

… Hoa vì ai mà nở sớm đẹp đẽ như thế?

Chẳng cần chờ lúc sang xuân.)

Lý Thương Ẩn còn tự ví mình tài năng xuất chúng như cội tùng cao vượt khỏi những cây bờ cỏ bụi khác, vì đơn độc, xuất chúng quá nên phải ở một mình nơi trời xa:

Cao tùng xuất chúng mộc,

Bạn ngã hướng thiên nhai…

… Hữu phong truyền nhã vận,

Vô tuyết thí u tư.

Cao tùng

(Cây tùng cao vượt cả đám cây cỏ,

Làm bạn cùng ta bên trời xa…

… Có gió thì phát ra tiếng vi vu trong trẻo,

Không có tuyết sương để tỏ tư chất tài năng.)

Hình ảnh cây tùng xưa nay vẫn thường được các nhà nho dùng để ví với cốt cách, tâm hồn của một người quân tử, một đấng trượng phu. Nhưng ở Lý Thương Ẩn, chúng ta bắt gặp một cái nhìn hơi khác về hình ảnh cây tùng. Cây tùng không những để ví với tinh thần cao khiết mà còn để bộc lộ tài năng. Vì tài cao như thế nên tùng không có chốn dung thân phải lưu lạc nơi chân trời xa. Như chính bản thân tác giả, phải lưu lạc tha phương làm chức quan nhỏ, không có chỗ để biểu lộ tài năng của mình, khác gì cội tùng không tuyết sương để thi thố dáng vẻ tốt đẹp, bản chất của tùng.

Thi nhân có khi tự ví tài khí của mình như măng tre mọc thẳng lên trời xanh. Phải chăng vì thế nhà thơ Thôi Giác mới xưng tài ông là “lăng vân tài”:

Nộn trạch hương bao sơ xuất lâm,

Ô Lăng luận giá trọng như câm (kim).

Hoàng đô lục hải ưng vô số,

Nhẫn tiễn lăng vân nhất thốn tâm.

Sơ thực duẫn trình tọa trung

(Cây măng xanh mướt hương thơm vừa ra khỏi rừng,

Xuống Ô Lăng giá măng đắt hơn vàng.

Nơi đô hội sản vật nhiều vô kể,

Sao nỡ cắt tấc lòng vượt trời mây.)

Hoặc tự ví mình như cây hoàng bách bên góc trời dãi dầu sương gió không được người lương y biết đến.

Kim nhật giản đê tùng,

Minh nhật sơn đầu bách.

Phòng trung khúc

 (Hôm nay ta vẫn là cây tùng nơi đáy suối khe,

Ngày mai vẫn cứ là cây bách ở đầu non.)

Tiếng lòng uất nghẹn bật ra mạnh mẽ hơn khi người vợ sớm giã từ đi vào cõi khác trong nỗi cô đơn. Tình cảnh ấy chẳng khác gì câu chuyện chia lìa của đôi vợ chồng Tần Gia và Từ Thục đời Hán:

Sầu đáo thiên địa phiên,

Tương khán bất tương thức.

Phòng trung khúc

(Buồn đau đến đất trời nghiêng ngửa,

Nhìn nhau nhưng chẳng nhận ra nhau.)

Trong bài Mẫu đơn, ông mượn vẻ đẹp của hoa mẫu đơn để ví với tài năng văn chương của mình. Xưa Giang Yêm mộng thấy có người đàn ông đến đòi lại cây bút ngũ sắc, khiến cho tài thơ cạn kiệt, thì nay Lý Thương Ẩn mộng thấy có người đến trao cho ông bút ngũ sắc:

Ngã thị mộng trung truyền thái bút,

Dục thư hoa phiến ký triêu vân.

Mẫu đơn

(Ta mộng được truyền bút ngũ sắc,

Muốn viết tờ hoa gửi làn mây sớm.)

Chẳng có ai dám bạo gan bác bỏ tài thơ của Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn và Sơ Đường tứ kiệt như Lý Thương Ẩn. Đối với ông, chẳng qua chỉ giỏi tài đối chữ mà thôi:

Đương thì tự vị tông sư diệu,

Kim nhật duy quan đối chúc năng.

Mạn thành ngũ chương, bài 1

(Thời ấy tôi cũng cho là tuyệt, mà tôn học,

Ngày nay nhìn lại chỉ thấy giỏi đối câu.)

Khẩu khí ấy thật sự không kém phần ngông ngạo. Thảo nào trong sách Tân Đường thư, khi chép chuyện về ông, cho rằng Lý Thương Ẩn là người “cậy tài”. Chính vì ý thức về tài năng mà cá tính của Lý Thương Ẩn cũng trở nên ngang ngạnh, như ông từng nói: “Trung lộ nhân tuần ngã sở trường” (Đã nửa đời rồi ta vẫn theo cái sở trường, cái tính tình của ta) (Hữu cảm). Điều này cũng như Nguyễn Du từng nói: “Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn” (Tính tình ta đã như ống chân hạc đâu dễ gì cắt ngắn đi được) (Tự thán, bài 1), hay như Đỗ Phủ: “Quân khan lỗi lạc sĩ, Bất khẳng dịch kỳ thân” (Hãy nhìn xem những người lỗi lạc, không bao giờ họ chịu đổi thân mình) (Tam vận tam thiên).

Thương Ẩn là người sớm mang chí hồng hộc, ông hoàn toàn không tự hài lòng làm một nho sinh chỉ biết làm thơ làm văn. Người tài tử ấy muốn “dục hồi thiên địa”, đạp bằng sóng lớn, chấn hưng nước nhà:

Vĩnh ức giang hồ quy bạch phát,

Dục hồi thiên địa nhập biên chu.

An Định thành lâu

(Luôn nhớ chuyện tuổi già đầu bạc về ở với sông hồ,

Lại muốn lập nên nghiệp lớn, lên thuyền nhỏ đi.)

Lý Thương Ẩn chưa bao giờ nguôi khát vọng thi triển tài năng dẫu khi về ở nơi quê nhà. Cái hùng tâm muốn vượt ngàn trùng sóng gió ấy cứ cuồn cuộn trong lòng ông:

Dục trục phong ba thiên vạn lý,

Vị tri hà lộ đáo long tân?

Xuân nhật ký hoài

(Muôn dặm sóng gió, lòng muốn vượt,

Chưa biết đường nào đến bến rồng?.)

Khi thấy cục diện thời Vãn Đường bị suy đồi, ông đã từng hăng hái thử sức muốn lập công dựng nghiệp:

Thả ngâm Vương Xán tùng quân lạc,

Bất phú Uyên Minh quy khứ lai.

Ngẫu thành chuyển vận thất thập nhị cú tặng tứ đồng xá

(Hãy ngâm câu tòng quân vui vẻ của Vương Xán,

Đừng đọc phú về ẩn nơi ruộng vườn của Đào Uyên Minh).

Trong nhiều bài thơ, Lý Thương Ẩn muốn vứt bỏ bút nghiên để tòng quân ra sa trường lập công:

Hữu khách hư đầu bút,

Vô liêu độc thướng thành.

Thành thượng

(Có khách quẳng bút nghiên,

Một mình buồn bã bước lên thành cao.)

Rồi cũng có khi, tài năng và hùng tâm, dẫu như Thẩm Ước hay Phan Nhân cũng phải bị lụi tàn trong niềm cô độc, trong những cuộc biệt li. Lý Thương Ẩn gởi cho Bùi Hành nỗi niềm ấy khiến người đọc cũng phải ngậm ngùi tiếc thương cho một số phận tài năng:

Biệt địa tiêu điều cực,

Như hà cánh độc lai?

Thu ưng vị hoàng diệp,

Vũ bất yếm thanh đài.

Thẩm Ước chỉ năng sấu,

Phan Nhân khởi thị tài?

Li tình kham để ký,

Duy hữu lãnh ư hôi.

Ký Bùi Hành

(Nơi li biệt cảnh sắc tiêu điều,

Cớ sao một người trở về trong cô độc?

Thu sang lá vàng rụng,

Mưa rơi đẫm rêu xanh.

Thẩm Ước giờ gầy ốm,

Phan Nhân há chẳng tài?

Tình xa khôn gởi hết,

Riêng lòng lạnh như tro !)

Khát vọng công danh của Lý Thương Ẩn cứ bàng bạc trong rất nhiều bài thơ. Tuổi trẻ trôi qua, công danh mù mịt là nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời ông. Thế nhưng, Lý Thương Ẩn vẫn tin có một ngày, ông sẽ lập nên sự nghiệp to lớn, ông vẫn tin đời người đâu thể bôn ba mãi. Kìa những người hào kiệt xưa nay dẫu chết rồi mà vẫn còn báo đền ơn chúa, nghĩa át trời thu, huống gì là mình còn trẻ khoẻ. Tự vấn, tự cổ vũ cái hùng tâm của mình, nhưng rốt cuộc, những tư niệm dĩ vãng, lòng mơ màng thương nhớ quê hương của người lữ khách về gieo trên mái đầu du tử một màu trắng thời gian:

Ích Đức oan hồn chung báo chủ,

A Đồng cao nghĩa trấn hoành thu.

Nhân sinh khởi đắc trường vô vị?

Hoài cổ tư hương cộng bạch đầu.

Vô đề (Vạn lý phong ba…)

(Oan hồn của Ích Đức cũng báo đền ơn chúa,

A Đồng nghĩa khí át cả hơi thu.

Đời người há cứ phải vô dụng mãi,

Hoài cổ nhớ quê hương, khiến khách phải bạc trắng đầu.)

Thế nhưng, trong xã hội tăm tối thời Vãn Đường, bọn bất tài lên ngôi, bè đảng khuynh loát, không dùng hiền tài, lại còn bức hại họ, tiểu nhân đắc thế. Những kẻ tài tử trong thiên hạ lúc này không có đất dụng võ:

Giả Sinh du nhẫn cực,

Tác phú hựu luận binh.

Thành thượng

(Giả Sinh tài năng có thừa,

Làm thơ phú và bàn luận việc quân.)

Giả Nghị tài như thế cũng chỉ được vua hỏi thăm chuyện quỷ thần chứ không phải hỏi thời chính. Người tài lúc bấy giờ muốn được trọng dụng thì phải có người tiến cử, hay phải luồn cúi. Nhà thơ tuy vịnh Chiêu Quân, nhưng lại ngầm thác ngụ thân phận mình.

Mao Diên Thọ họa dục thông thần,

Nhẫn vị hoàng kim bất cố nhân.

Vương Chiêu Quân

(Mao Diên Thọ tài vẽ thông thần,

Nhưng chỉ vì vàng bạc chứ không đoái hoài đến người ta)

Chính vì gã mà Chiêu Quân mới bị cống Hồ, trên lưng ngựa đàn khúc đàn ai oán. Gã thợ vẽ Mao Diên Thọ kia chính là hình ảnh tượng trưng của bọn quan lại triều đình bưng bít sự thật, bức hại hiền tài và Chiêu Quân chính là nỗi niềm tâm sự của Lý Thương Ẩn.

Một nho sinh chân chính không hề có quan niệm đảng phái như Lý Thương Ẩn, dù có văn thao võ lược cũng không được trọng dụng. Lý Thương Ẩn hai lần ra vào Bí thư tỉnh, rốt cuộc cũng bị đố kị bài xích. Không còn cách nào khác, thi nhân đành gửi gắm vào thơ ca nỗi sầu oán vì bất đắc chí và bị bài xích. Trong những bài thơ vịnh vật trữ tình và ca tụng những anh hùng thời xưa, đều tràn đầy nỗi bi phẫn, nỗi đau tráng chí không được trọng dụng …

Tài năng không được thi thố, hùng tâm không được thực hiện, Lý Thương Ẩn cũng có lúc tìm đến với tư tưởng Phật, Lão, nhưng chưa bao giờ Lý Thương Ẩn có ý định quy ẩn như một nhà nho ẩn dật. Có chăng, Lý Thương Ẩn chỉ tìm đến khung cảnh của nhà chùa, của đạo quán để tìm một niềm yên ổn trong tâm hồn, để rồi sau đó, cái khát vọng muốn được thi triển tài năng trong ông lại trỗi lên mạnh mẽ hơn.

2. xưa nay tài mệnh khéo là ghét nhau…

(Cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương)

Theo giáo sư Phan Ngọc, “trong tư tưởng Trung Quốc, từ đời Hán về trước, không ai nói đến chuyện tài mệnh tương đố. Nhiều lắm chỉ thấy nói bóng gió tư tưởng sinh không gặp thời… Từ khi Trung Quốc thống nhất dưới thời Hán, thì tư tưởng chủ đạo là chấp nhận hoàn cảnh của mình, vui với địa vị thấp hèn, bởi vì lúc này không phải lúc đua tài. Vào thời Lục triều trở đi, nhất là từ đời Đường, có nhắc đến tài mệnh tương đố, nhưng nhắc đến một cách bâng quơ, đượm một chút ái ngại, chứ không hề có cái nhìn cay đắng nghiệt ngã như trong Truyện Kiều.[2] Có thể lấy ý kiến của giáo sư Phan Ngọc để làm lằn ranh về quan niệm tài mệnh tương đố khởi phát từ đời Đường.

Trong thơ Lý Thương Ẩn, chúng ta bắt gặp quan niệm này, trước tiên là sự cảm khái cuộc đời của những tài tử, có tài văn chương, tính tình khí khái, lại không bằng một kẻ võ phu:

Nhậm Phưởng đương niên hữu mỹ danh,

Khả liên tài điệu tối tung hoành.

Lương đài sơ kiến ưng trù trướng,

Bất đắc Tiêu công tác kỵ binh.

Độc Nhậm Ngạn Thăng bi

(Năm xưa Nhậm Phưởng là người tên tuổi nổi tiếng,

Thương thay một đời tài điệu, lại phải bôn ba.

Khi Lương đài mới dựng lên, lòng buồn bã,

Chẳng bằng như Tiêu công làm một gã kỵ binh.)

Đời Đường, có nhiều bài thơ nói về nỗi cảm khái tài năng văn chương, dẫu như Dương Hùng, Tư Mã Tương Như cũng không bằng những kẻ võ biền. Nhà thơ Lý Hạ, thi tài thời Trung Đường, cũng từng nói văn chương là vô ích:

Bất kiến niên niên Liêu Hải thượng,

Văn chương hà xứ khốc thu phong.

Nam viên thập tam thủ[3]

(Há không thấy mấy năm nay cứ ở Liêu Hải mãi,

Chuyện văn chương dẫu ở đâu cũng chỉ khóc cùng gió thu.)

Nỗi niềm cảm khái về tài năng và số phận ấy còn bắt gặp nhiều ở những bài thơ kín đáo khác, nhất là những bài thơ vịnh những nhân vật tài tử.

Đưa tiễn người bạn họ Lý đi xa, Lý Thương Ẩn cũng có niềm cảm khái về tài cao phải lưu lạc nơi xa xứ:

Nhân cao thi khổ trệ Di Môn

Biện thượng tống Lý Dĩnh chi Tô Châu

(Tài cao thì thơ khổ, lại khốn đốn nơi Di Môn)

Quan niệm này trải dài từ bao đời nay, những tài tử hầu như không ai không thấu hiểu điều đó. Tài năng bao giờ cũng đi liền với bạc phận. Có tài thường hay bị ganh ghét. Hay nói như Nguyễn Du thì “Có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần”:

Vạn cổ sơn không bích,

Vô nhân mấn miễn hoàng.

Hoa lưu ưu lão đại,

Đề quyết đố phân phương.

Sùng Nhượng trạch Đông đình túy hậu miến nhiên hữu tác

(Rừng xanh muôn thuở vẫn còn xanh,

Kiếp người không ai tránh khỏi chuyện tóc hóa vàng.

Ngựa hoa lưu cũng còn e ngại tuổi già,

Chim cuốc hay ganh với hoa thơm.)

Cũng như các nhà thơ cổ trung đại khác, Lý Thương Ẩn cũng có quan niệm văn chương không ích gì cho cái buổi loạn lạc. Một đời đàn sách thành vô ích, chẳng bằng những kẻ cờ lọng chinh chiến mà lập được công, chia ba thiên hạ:

Đãn vấn cầm thư chung nhất thế,

Hà như kỳ cái ngưỡng tam phân.

Mạn thành ngũ chương, bài 3

(Thử hỏi một đời đàn sách,

Sao bằng những kẻ lọng cờ (đi chinh chiến) mà được chia ba thiên hạ.)

Từ chiêm nghiệm lịch sử đến tự thân, bao giờ cũng thấy, đời loạn văn chương thành vô ích:

Không hồ trinh nhưỡng chân hà ích,

Dục cử hoàng kỳ cánh vị thành.

Lãm cổ

(Vách hồ giấy đỏ (văn chương) nào ích gì,

Muốn giương ngọn cờ vàng (võ nghiệp) lại càng chẳng thành.)

Lý Thương Ẩn từng suy tư về chuyện theo nghiệp văn chương chẳng ích gì, lại chỉ làm khổ thân. Hay thơ thì đã sao, một đời lận đận gặp toàn cảnh thê lương vùi dập, một kiếp anh hùng cũng đành vùi theo nỗi cô đơn. Theo nghiệp thơ văn, nào có quả báo tốt, có chăng tóc bạc theo về thúc giục tuổi già:

Tùng thi đắc hà báo?

Duy cảm nhị mao thôi!

Giang Đình tán tịch tuần Liễu lộ ngâm quy quan xá

(Theo nghiệp thơ văn được kết quả gì,

Chỉ thấy hai màu tóc xô nhau.)

Với Lý Thương Ẩn là thế, còn Nguyễn Du băn khoăn về chuyện văn chương vô dụng trong cuộc đời, theo nghiệp thơ văn chỉ được “người ta thương”:

Văn tự hà tằng vi ngã dụng,

Cơ hàn bất giác thụ nhân liên.

Khất thực

(Chuyện chữ nghĩa chưa từng có ích gì cho ta,

Lại còn phải chịu cảnh đói rét để cho người ta thương.)

Cũng cùng một cảm thức với những thi nhân thời cổ đại về văn chương nghệ thuật vô ích, Nguyễn Du còn cho rằng theo nghiệp thơ văn chỉ tự mình làm ngu mình:

Nhất sinh từ phú tri vô ích,

Mãn giá cầm thư đồ tự ngu.

Mạn hứng

(Một đời chuyên về từ phú, biết là vô ích,

Sách đàn đầy giá, chỉ mình làm ngu mình.)

hay chỉ làm cho người ta cùng khổ, làm tấm thân sáu thước trôi nổi trong vòng trời đất:

Bách niên cùng tử văn chương lý,

Lục xích phù sinh thiên địa trung.

Mạn hứng, bài 2

(Cuộc đời trăm năm nghèo chết trong văn chương,

Tấm thân sáu thước sống lênh đênh trong vòng trời đất)

Cũng chính những suy nghĩ đó khiến Lý Thương Ẩn phải khuyên con trai mình sau này chớ lo giữ mãi một pho sách, chớ theo nghiệp thơ văn như cha, mà hãy học binh pháp để thành bậc thầy của đế vương. Dẫu rằng trước đây ông từng tự hào về tài năng văn chương của ông có hồn, có thần, đẹp đẽ như được thần truyền cho cây bút ngũ sắc, bây giờ, văn chương trở nên vô ích:

Gia tích hiếu độc thư,

Khẩn khổ tự trứ thuật.

Tiều tụy dục tứ thập,

Vô nhục úy tao sắt.

Nhi thận vật học gia,…

… Đương vi vạn hộ hầu,

Vật thủ nhất kinh trật.

Kiều nhi thi

(Khi xưa cha rất thích đọc sách,

Khắc khổ tự mình viết lách.

Mới bốn chục tuổi mà thân hình tiều tụy,

Gầy ốm (không thịt) nên sợ loài muỗi rận.

Con chớ nên học theo cha làm gì,…

… Hãy nên lập công để được phong tước hầu vạn hộ,

Chớ nên giữ lấy mãi một pho kinh sách.)

Từ cảm thức về tài năng văn chương là vô dụng, thi nhân đi đến chỗ cho rằng số phận của những người tài tử là bất hạnh:

Giả Sinh niên thiếu hư thùy thế,

Vương Xán xuân lai cánh viễn du.

An Định thành lâu

(Giả Sinh tuổi trẻ rơi lệ uổng,

Vương Xán xuân về cất bước đi xa.)

Số phận những người tài tử không khác gì số phận của kẻ hồng nhan:

Tô tiểu tiểu phần kim tại phủ?

Tử lan hương kính dữ chiêu hồn

Biện thượng tống Lý Dĩnh chi Tô Châu

(Mộ phần của Tô tiểu tiểu nay còn không?

Đường hoa lan tía thơm ngát như chiêu hồn.)

Những kẻ hồng nhan cũng có số phận không mấy tốt đẹp chẳng khác gì những người tài tử. Hồng nhan thì ắt phải lưu lạc, cuộc đời bạc bẽo:

Hồng nhan vô định sở

Đắc thất tại đương niên.

Hiểu tọa

(Đời hồng nhan thật vô định,

Chuyện được mất ở ngay năm ấy.)

Lý Thương Ẩn còn cho rằng đa tình là cái để dẫn đến bạc mệnh:

Đa tình chân mệnh bạc

Chúc tật

(Đa tình đúng thật phận mỏng manh)

Và ông cho rằng hồn trinh của những người tài tử, giai nhân luôn nương theo bóng chiều, gửi mình trong bao la vũ trụ, vì không còn biết nương cậy vào đâu nữa:

Thanh Lăng đài bạn nhật quang tà,

Vạn cổ trinh hồn ỷ mộ hà.

Thanh Lăng đài

(Bên đài Thanh Lăng bóng nắng chiều dọi nghiêng,

Muôn thuở hồn trinh thường nương theo ráng chiều.)

Hồn trinh kia chính là những tâm hồn yêu thương của những tài tử giai nhân bao đời. Từ hồn trinh của đôi vợ chồng Hàn Bằng, hồn trinh của đôi giai nhân tài tử Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài ở Trung Quốc đến “hồn trinh còn ở trần gian, nhập vào bướm trắng mà sang bên này” của Nguyễn Bính ở Việt Nam, cũng không khác nhau mấy, đều là diễn tả một tình yêu của đôi trai tài gái sắc bạc mệnh, hữu duyên vô phận.

Có thể nói rằng, quan niệm này được Lý Thương Ẩn thể hiện một cách rõ ràng và cụ thể nhất trong một bài thơ, nói về mối quan hệ giữa tài và mệnh, nói về cá tính của người lỗi lạc, như Đỗ Phủ từng nói “Quân khan lỗi lạc sĩ, Bất khẳng dịch kỳ thân” (Hãy nhìn xem những người lỗi lạc, không bao giờ họ chịu đổi thân phận của mình) (Tam vận tam thiên) hay như Nguyễn Du cũng từng nói “Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn” (tính như chân hạc làm sao dễ cắt ngắn được), thì với Lý Thương Ẩn:

Trung lộ nhân tuần ngã sở trường,

Cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương.

(Nửa đời rồi vì theo cái chí sở trường,

Xưa nay tài và mệnh vốn hại nhau.)

Tuy nhiên, Lý Thương Ẩn vẫn không thoát ra được suy nghĩ “bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao” (Nguyễn Du):

Khuyến quân mạc cưỡng an xà túc,

Nhất trản phương lao bất đắc thường.

Hữu cảm (Trung lộ nhân tuần…)

(Khuyên người chớ gượng vẽ thêm chân rắn,

Một chén rượu cũng không được nếm.)

Điều ấy cho thấy mặt hạn chế trong tư tưởng của các nhà nho nói chung và thi nhân nói riêng. Cái tư tưởng thiên mệnh, thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong vẫn như cái bóng đè nặng trong tư tưởng người xưa (và có lẽ còn gây ảnh hưởng đến ngày nay.) Không thể trách tác giả bởi đó là những hạn chế mang tính lịch sử, mang tính thời đại. Dẫu sao, điều ấy không làm cho một người thơ Lý Thương Ẩn mất đi trong cõi thơ muôn màu của những tài tử bất tử.

Quan niệm “tài mệnh tương phương” phải chăng là hệ quả của một sự suy nghiệm từ những cuộc đời của vô vàn tài tử xưa nay và của chính cuộc đời nhà thơ? Chỉ những ai gặp phải hoàn cảnh khảm kha bất bình mới có thể có được sự chiêm nghiệm đó. Thi nhân không “tri đạo” theo kiểu những đạo sĩ Lão Trang, không thấu “ngộ” lẽ vô thường theo kiểu các tăng sĩ. Thế nhưng ở Lý Thương Ẩn, ta vẫn thường bắt gặp những khoảnh khắc thăng hoa tinh thần chứa chan đạo vị. Một người từng than thở về tài năng, số phận, từng chìm đắm trong biển ái, trong phong ba cuộc đời, trong bụi hồng danh lợi như Lý Thương Ẩn vẫn có những giây phút thanh lọc hồn mình bằng sự trở về với đạo pháp. Một cuộc hành hương chưa thật sự trọn vẹn, nhưng đã thắp lên trong tâm hồn thi nhân một ngọn đuốc tuệ giác, và lòng ông chớm nở một đóa vô ưu…

3. … ba đời cùng lắng một lầu chuông

(Tam sinh đồng thính nhất lâu chung)

Lý Thương Ẩn tìm đến Phật giáo hay Lão giáo không phải như một liệu pháp nha phiến tinh thần, mà trước đó, thời trẻ, ông đã từng giao du cùng với các đạo sĩ, tăng sĩ để bàn đạo. Đời Đường, trong đời sống văn hoá tinh thần, không ít các thi sĩ, văn nhân giao du với các đạo sĩ, các vị sư để bàn luận đạo pháp. Có thể tìm thấy nhiều bài thơ trong các sáng tác của các thi nhân thời Đường viết về việc giao du bàn đạo với đạo sĩ, tăng lữ. Lý Thương Ẩn là một trường hợp trong số đó.

 Qua nhiều bài thơ, rõ ràng Lý Thương Ẩn bộc lộ sự thông hiểu kinh điển Phật giáo. Nhiều bài mang ngữ khí thiền kệ rất đậm, khác với một phong cách ngôn ngữ hoa lệ, tình ý miên man thường thấy ở ông. Như bài Đề tăng bích (Đề lên vách chùa) có những câu:

Xả thân cầu đạo hữu tiền tung,

Khất não uyển thân kết nguyện trùng…

(Bỏ thân cầu đạo chuyện xưa từng,

Cắt não băm mình nguyện lớn xưng…)

Hai câu thơ này, Lý Thương Ẩn ẩn đã dẫn dụng điển trong kinh Nhân quả: Xưa có vị bồ tát vì muốn cầu đạo chân chính vô thượng mà chịu bố thí đầu mắt não tuỷ của mình cho người khác. Và kinh Báo ân: “Có một vị bà la môn đến xin đầu của nhà vua, vua đồng ý, vị bà la môn ấy liền chặt đầu vua xách về bổn quốc”, và tích nữa là “có vị chuyển luân thánh vương muốn cầu Phật pháp, có một vị bà la môn đến nói rằng, nếu như ông có thể dùng kim châm mình thành muôn nghìn lỗ để lấy dầu thắp đèn cúng dường cho ta, ta sẽ vì ông mà giải nói pháp Phật.”

Và hai câu kết:

… Nhược tín bối đa chân thật ngữ,

Tam sinh đồng thính nhất lâu chung.

Đề tăng bích

(Tin chắc kinh bày chân thật ngữ,

Ba đời cùng lắng một lầu chuông.)

Hai câu kết của bài thơ hay nói đúng hơn là bài thiền kệ, đã gợi mở cho thấy có một niềm tin vững chắc trong lòng thi nhân đối với Phật giáo. Lý Thương Ẩn rõ ràng đã nghiên tập kinh điển Phật giáo ngay từ lúc còn trẻ, cho đến những năm cuối đời, niềm tin ấy của ông vẫn không hề thay đổi.

Thế nhưng, Lý Thương Ẩn như cánh bèo trôi giạt trên đầu ngọn sóng trong lòng đại dương quan hoạn. Tấm lòng muốn thi thố tài năng nơi triều đình của ông chưa lúc nào vơi, bao giờ cũng thiết tha một ngày trở lại cửa khuyết, ước mong một ngày được mưa móc tưới đến, được nắng mai chiếu rọi tài năng của ông:

Tưởng tượng Hàm trì nhật dục quang,

Ngũ canh chung hậu cánh hồi trường.

Tam niên khổ vụ Ba Giang thủy,

Bất vị li nhân chiếu ốc lương.

Sơ khởi

(Mơ tưởng Hàm trì tỏa ánh dương,

Canh năm chuông điểm, giục sầu vương.

Ba thu chìm giữa Ba Giang khói,

Chẳng dọi mái nhà khách viễn phương!?)

Chính những khắc nghiệt như thế trong hoạn lộ khiến tâm tình của Lý Thương Ẩn vừa luôn mong có ngày trở về nơi triều nội, vừa chán nản muốn trở về nơi núi xưa để lòng mình thanh thoát. Trong nỗi buồn bất đắc chí, Lý Thương Ẩn tìm đến triết lý của Lão Trang, đến cảnh tiên, mong gặp lại thầy xưa học đạo cho tâm hồn thanh thản sau bao năm bôn ba trên đường đời, ngụp lặn trong huyễn mộng:

Tự hữu tiên tài tự bất tri,

Thập niên trường mộng thái hoa chi.

Thu phong động địa hoàng vân mộ,

Quy khứ Tung Dương tầm cựu sư.

Đông hoàn

(Tài tiên có sẵn mà lại không tự biết,

Mười năm trong giấc mộng dài mải lo hái hoa chi,

Gió thu cuốn bụi bay trong buổi chiều mây vàng,

Ta trở lại núi Tung Dương tìm thầy ngày xưa.)

Ông nhận ra cuộc đời như huyễn mộng, như đám mây nổi hợp rồi tan. Cuộc đời chìm nổi lưu lạc của ông nào có ai biết ngoài rượu; giấc mộng được trở về quê nhà cũng chỉ có ngọn đèn thấy rõ. Đau đớn nào hơn bằng sống trong cô độc. Lý Thương Ẩn có lúc từng tin cuộc đời sẽ đổi thay, đời người không thể vô vị mãi được, thì có lúc chính ông lại nói, đời ta há phải đến già như thế này ư? Thà rằng ta gởi lòng vào cội tùng trong sương tuyết nơi núi Tung Dương kia còn hơn:

Phù thế bổn lai đa tụ tán,

Hồng cừ hà sự diệc nan phi?

Du dương quy mộng duy đăng kiến,

Hộ lạc sinh nhai độc tửu tri.

Khởi đáo bạch đầu trường chỉ nhĩ?

Tung Dương tùng tuyết hữu tâm kỳ.

Thất nguyệt nhị thập cửu nhật Sùng Nhượng trạch yến tác

(Đời như mây nổi vốn nhiều tan hợp,

Hoa sen việc gì cũng chịu cảnh tả tơi?

Giấc mộng trở về dằng dặc này chỉ có ánh đèn thấy,

Cuộc sống lênh đênh lưu lạc của ta thì chỉ riêng rượu mới hiểu.

Há đến lúc đầu bạc cũng lận đận thế này mãi?

Lòng đã hẹn cùng tùng và tuyết nơi núi Tung Dương.)

Bài Quy lai diễn tả mối cảm hoài khi thi nhân trở về núi cũ. Trên lộ trình về với thiên nhiên, về với cõi thanh tịnh xa chốn trần gian của Lý Thương Ẩn, dường như người đọc thấy đây đó ông vẫn chưa có cơ duyên nhập đạo. Sự trở về chốn cũ của Lý Thương Ẩn không hề có niềm vui thật sự, chỉ thấy cảnh vật như xưa, người cũ không còn, buồn động trong lòng, tràn lên khóe mắt để sớm mai ngắm hồng lê với mắt đầy sóng:

Cựu ẩn vô hà biệt,

Quy lai thuỷ cánh bi.

Nan tầm Bạch đạo sĩ,

Bất kiến Huệ thiền sư.

Thảo kính trùng minh cấp,

Sa cừ thuỷ thướng trì.

Khước tương ba lãng nhãn,

Thanh hiểu đối hồng lê.

Quy lai

(Chốn ẩn xưa nào khác,

Trở về càng buồn thay.

Khó tìm Bạch đạo sĩ,

Chẳng thấy Huệ thiền sư.

Lối cỏ trùng rền rĩ,

Bờ ao nước liếp đầy.

Mắt trong đầy ngọn sóng,

Mai sớm ngắm hồng lê.)

Đưa tiễn Trăn thiền sư về núi, thi nhân vừa tán dương đạo hạnh của nhà sư, vừa bày tỏ tình ý quyến luyến học đạo. Hy vọng một ngày được thực sự tắm gội nơi biển pháp vi diệu:

Tích khứ Linh Sơn phi phất tịch,

Kim lai thương hải dục cầu châu.

Lăng Già đỉnh thượng thanh lương địa,

Thiện nhãn tiên nhân ức ngã vô?

Tống Trăn sư nhị thủ, bài 1

(Kiếp trước Linh Sơn không bỏ chỗ,

Ngày nay biển thẳm muốn tìm châu.

Thanh lương trên đỉnh Lăng Già ấy,

Thiện nhãn tiên về có nhớ tôi?)

Trong pháp hội, sư nào phải là những bọn tăng thượng mạn kia bỏ về khi nghe Như Lai diễn bày Diệu pháp. Ngày nay sư vẫn một lòng cầu đạo vô thượng. Khi sư về trên chốn thanh lương ở đỉnh Lăng Già, có còn nhớ tôi chăng? Tình cảm của thi nhân đối với nhà sư qua bài thơ trên nào phải là một tình cảm bình thường khách sáo. Dễ nhận thấy lòng nuối tiếc chân thật khi thân này chìm đắm trong biển đời và lòng cầu đạo chân thành của nhà thơ. Ở bài thứ hai, ta thấy điều ấy rõ hơn, dường như nhà thơ muốn bổ sung cái tình ấy, ý ấy:

Khổ hải mê đồ khứ vị nhân,

Đông phương quá thử kỷ vi trần?

Hà đương bách ức liên hoa thượng,

Nhất nhất liên hoa hiện Phật thân?

Tống Trăn sư nhị thủ, bài 2

(Biển khổ đường mê còn vướng chân,

Phương Đông qua đó mấy vi trần?

Bao giờ trăm ức hoa sen nở,

Trên mỗi hoa sen hiện Phật thân?)

Nỗi mong nhớ bạn, một vị tăng nhân tên là Trụ (Khuông) Nhất, thi nhân viết những lời thật chân thành. Qua đó bày tỏ lòng mong mỏi được trở về cùng đạo pháp, cỏ hoa, sông núi, thiên nhiên:

Vô sự kinh niên biệt Viễn công,

Đế thành chung hiểu ức tây phong.

Yên lô tiêu tận hàn đăng hối,

Đồng tử khai môn tuyết mãn tùng.

Ức Trụ Nhất sư

(Rảnh việc nhiều năm cách Viễn công,

Đế thành chuông sớm nhớ Tây phong.

Lửa lò tiêu hết, đèn le lói,

Đồng tử lùa song tuyết trắng tùng.)

Dõi theo lòng cầu đạo của người thi sĩ tài tử, ta thấy có một lần, dường như chàng thi sĩ thật sự giác ngộ, giác ngộ trong chính hiện tại, trong chính bản tâm tự tính.

Lý Thương Ẩn từng đến thăm một vị tăng nhân nơi núi non quạnh quẽ, nhìn cảnh thanh u, mây lạnh phả mờ đường non uốn lượn, khách thơ dạo bước, nghe chuông, dừng chân đứng nghỉ. Tiếng chuông chiều hôm là phạm âm thức tỉnh mọi mê vọng sở chấp giữa cuộc đời phiền trược trong lòng tác giả. Thi nhân trở thành hành giả trong núi non thanh tịnh, mây lạnh khói sương vương lối. Trong khoảnh khắc nghe tiếng khánh vang giữa chiều hôm tịch mịch, lòng ghét, lòng yêu của thi nhân rũ sạch như được tắm gội nơi biển pháp. Thế giới thu trong mảy bụi, yêu ghét chi bận lòng! Đó là chỗ mà đạo Phật gọi là sát na đốn ngộ chăng?

Tàn dương tây nhập Yêm,

Mao ốc phỏng cô tăng.

Lạc diệp nhân hà tại?

Hàn vân lộ kỷ tầng.

Độc xao sơ dạ khánh,

Nhàn ỷ nhất chi đằng.

Thế giới vi trần lý,

Ngô ninh ái dữ tăng?

Bắc Thanh La

(Bóng tà xuống núi Tây,

Nhà cỏ đến thăm thầy.

Lá rụng người đâu thấy,

Mây thu lối bủa vây.

Đầu hôm vang tiếng khánh,

Nhàn đứng dựa thân mây.

Thế giới trong mảy bụi,

Ghét, yêu rũ sạch bay.)

Một người luôn gắn lòng mình với hoài bão kinh luân, thi thố tài năng kinh bang tế thế, một người mà trái tim luôn tràn đầy những tình yêu tha thiết, mơ mộng như Lý Thương Ẩn lại có những phút giây giũ sạch mọi sở chấp ghét yêu trong đời thật khiến người ta kinh ngạc. Nhưng dường như Lý Thương Ẩn chưa hề vui cảnh điền viên thật sự như Đào Tiềm hay Vương Duy… khi về ở ẩn; và cũng chưa hề vui với đạo, đi đến đạo như Tô Đông Pha, Vương An Thạch… nhưng có hề chi, khi con người ta chỉ cần có phút giây thật sự trong đời được sống với bản tâm của mình ấy là đạt đến đạo rồi. Thế thôi cũng đủ với một người như thi nhân.

Rõ ràng tư tưởng Phật, Lão giáo có ảnh hưởng ít nhiều đến dòng thơ của Lý Thương Ẩn. Những câu thơ mang tư tưởng Phật, Lão giáo cứ thế bàng bạc trong sáng tác của ông như những minh chứng cho một sự thật nghiệt ngã của cuộc đời quan hoạn trong thế giới vô thường và niềm an lạc trong tâm hồn ở bến bờ thanh lương.

Thương Ẩn không phải chỉ là một thi nhân của tình ái, với ông, một người trải qua nhiều cảnh ngộ cuộc đời, tiếng thơ của ông cũng là những tiếng nói phong phú về nhiều cảnh ngộ trong trần thế. Lý Thương Ẩn có tìm đến Lão giáo, Phật giáo, nhưng tài năng và tâm hồn ông dường như vẫn khiến ông mãi là một nhà nho tài tử. Vẫn tích cực nhập thế nhưng càng tích cực càng bị rời xa, vẫn một lòng hướng đến cõi thanh tịnh nhưng lại vẫn vướng chân trong hồng trần. Tài năng lớn, hoài bão lớn, hùng tâm không khoát thì lòng khuông phò quốc gia cũng như thế. Nhưng nỗi nghiệt ngã của cuộc đời trong thời đại thi nhân như chiếc lưới khổng lồ bủa vây người tài tử. Những mâu thuẫn cứ thế lớn dần trong tâm hồn, trong cuộc đời của thi sĩ. Hùng tâm ấy vẫn dang dở cho đến cuối đời ông đi vào cõi vĩnh hằng trong niềm uất ức và ân hận khôn nguôi…

Dẫu có lúc ông đã lên đường về bến đạo, nhưng hoài bão và cuộc đời khiến cuộc hành hương của ông chưa thật sự trọn vẹn. Đóa vô ưu chớm nở trong lòng ông đã không kịp nở hết mùa. Trong nụ vô ưu vẫn cứ nảy mầm hạt “sầu ưu”. Từ trong lòng thi nhân, những hạt giống khác nhau cứ đan xen nảy nở và tàn tạ. Ông vẫn tin một ngày nào đó, một khi nào đó, hay chỉ một niệm, một sát na nào đó, cả thảy chúng sinh “ba đời cùng lắng một lầu chuông”…!

 L.Q.T



[1] Dẫn theo Lục Vĩnh Phẩm, sđd., tr.1.

[2] Phan Ngọc, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb. Thanh niên, 2003, tr. 45.

[3] Dẫn theo Diệp Thông Kỳ, sđd., tr. 220.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114560741

Hôm nay

2125

Hôm qua

2289

Tuần này

22059

Tháng này

228284

Tháng qua

122920

Tất cả

114560741