Những góc nhìn Văn hoá

Tản mạn về phân tích diễn ngôn

 Gần đây nhiều trang mạng văn học có đăng tải nhiều bài liên quan đến Diễn ngôn, Lý thuyết diễn ngôn, Phân tích diễn ngôn. Thiết nghĩ, đây là một vấn đề rất thú vị và gợi mở nhiều tranh luận, nhiều cách nhìn, hướng tiếp cận đối với hiện thực cuộc sống, đối với văn bản, chủ thể văn bản, người làm nghiên cứu. Với một người làm nghiên cứu lịch sử như tôi, việc tiếp xúc với các văn bản đa dạng từ văn học, báo chí, báo cáo chính trị, diễn văn, bài phát biểu, cho đến các công trình nghiên cứu,  bài viết, bình luận..v..v.. là công việc thường xuyên.  Hoạt động đó cũng có nghĩa bao gồm phân tích văn bản, rồi từ đó  nâng cao lên một bậc là phân tích diễn ngôn. Ở đây tôi muốn bàn một chút về phân tích diễn ngôn, cũng là cơ hội tìm kiếm sự chia sẻ với các đồng nghiệp.

Đối tượng của phân tích diễn ngôn là văn bản mà chất liệu của nó là ngôn ngữ. Cho đến nay người ta vẫn cho rằng diễn ngôn là một khái niệm rất khó định nghĩa vì nó có nhiều nội hàm khiến việc đưa ra một định nghĩa duy nhất có thể dẫn đến thiếu hụt một nội hàm tiềm ẩn nào đó. Ấy là bởi vì diễn ngôn, với cái vỏ ngoài là ngôn ngữ (thể hiện bằng văn bản viết hoặc nói), tưởng chừng chỉ giới ngôn ngữ mới có đặc quyền đặc lợi được phép bàn đến, còn bao hàm nhiều yếu tố như tâm lý, lịch sử, chính trị, tri thức, phong cách, tình huống…Điều này tạo cơ hội cho nhiều giới cùng tham gia bàn luận,mổ xẻ vấn đề. Thông thường, có thể phân tích diễn ngôn dựa trên đơn văn bản và siêu văn bản.

Phân tích đơn văn bản đòi hỏi những thao tác kỹ thuật về ngôn ngữ lời nói, tình huống, tâm trạng.

Dưới đây là một đoạn thoại giữa hai vợ chồng nhà nọ trong truyện ngắn “Sau chớp là giông bão” của nhà văn Y Ban. Đoạn thoại này diễn ra trong bối cảnh người vợ vừa có cuộc hẹn hò với người tình

“Chồng nàng đã thức giấc:

  • Em không ngủ à?
  • Em đã ngủ cả ngày rồi mà.
  • Thôi chết đã bảy giờ rồi cơ à? Em đói rồi phải không? Anh đưa em đi ăn nhé. Hôm nay anh thấy em có vẻ là lạ thế nào và lại xinh nữa. Phải chiều thôi, kẻo không có ngày lại mất vợ.

Nàng giật mình và vội vàng trở lại bộ mặt hơi câng câng của mình”

Trong văn bản, chúng ta không thể nhìn thấy được khuôn mặt và giọng nói của người đàn bà

thay đổi thế nào so với ngày thường để ông chồng phải nhận xét “hôm nay anh thấy em có vẻ là lạ thế nào”. Câu trả lời “Em đã ngủ cả ngày rồi mà” hẳn được thốt ra với một giọng khác thường nào đó mà chỉ ông chồng mới  nhận biết được, nó nhẹ hơn, hiền hơn, hay âu yếm, khoan dung hơn. Nếu xét về mặt nội dung, câu nói trên  không thể hiện điều gì, vậy mà có thể khiến ông chồng cuống cả lên vì lo vợ đã thay đổi (?). Và bà vợ ngay lập tức điều chỉnh lại hành vi cho đúng với thói quen hàng ngày “vội vàng trở lại với bộ mặt câng câng của mình”. Từ đó có thể suy luận câu trả lời thông thường của người vợ có thể là “Ngủ hay không thì liên quan gì” hay “Ai mà ngủ được như anh” (câu trả lời không hợp tác).Người chồng thấy lạ vì có thể người vợ đã thay đổi từ thái độ bất hợp tác sang thái độ hợp tác hơn (một cách để chuộc tội lỗi vừa mắc phải???)

Phân tích diễn ngôn này để thấy rằng, việc ông chồng phát hiện ra sự khác lạ của vợ mình

cũng giống như một người muốn bắt đầu làm việc với diễn ngôn phải hiểu thấu đáo lý lịch, tâm lý diễn ngôn mà mình định phân tích. Bà vợ không cần phải nói ra lời “em đã khác trước” nhưng người chồng đã cảm nhận ngay được sự thay đổi đâu đó của vợ mình.

Như vậy, để phân tích diễn ngôn cần một điều kiện hết sức quan trọng là người phân tích phải hiểu rõ ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản đó, nắm vững các quy tắc ngôn ngữ, đồng thời phải nắm bắt được các yếu tố ngoài văn bản, như một ông chồng hiểu rõ được ngôn ngữ, lời nói và phong cách của vợ mình vậy.

Giáo sư Nguyễn Đức Dân đã công bố một nghiên cứu sâu về phân tích diễn ngôn đơn văn bản trong  Ngữ dụng học[1], trong đó trình bày các vấn đề lý thuyết và thực hành phân tích diễn ngôn, đi sâu tìm hiểu cấu trúc và đặc tính của diễn ngôn trên chất liệu hội thoại.

Thường ta hay thấy hội thoại người Việt như thế này:

  • Hôm nay ở lớp con ăn gì?
  • Thịt sốt cà chua với cả rau muống xào mẹ ạ.
  • Thế con có học thêm được bài gì mới không?
  • Con học thêm bài hát “Con cò” mẹ ạ.

Kiểu hội thoại này lặp đi lặp lại rất nhiều trong văn học cũng như trên phim ảnh Việt Nam. Các tác giả dường như đã quên mất một trong những đặc tính của diễn ngôn là tính tình huống hoặc vận dụng những ngầm ý đã thoả thuận/biết sẵn từ trước giữa các chủ thể diễn ngôn vốn đã có một mối quan hệ xã hội nào đó. Nếu vận dụng những yếu tố đó, một diễn ngôn mới có thể được xây dựng:

  • Hôm nay ở lớp con ăn gì?
  • Vẫn như mọi khi thôi mẹ ạ.
  • Bài học thì chắc là mới chứ?
  • Ùi, bài Con cò thì mẹ con mình nghe đến cả trăm lần rồi

Như vậy, ở đoạn hội thoại thứ hai, em bé đã vận dụng tình huống có sẵn để trả lời bà mẹ.

Cùng một nội dung tương tự nhưng hội thoại giữa hai vợ chồng lại có thể khác:

  • Trưa nay ở cơ quan anh ăn gì, nghe nói dạo này món rau sạch sẵn lắm ấy
  • Ờ, chưa tìm ra mớ nào sạch nên cứ ăn rau bẩn

Để hiểu được đoạn hội thoại thứ hai, người đọc cần nắm được bối cảnh xã hội chung và

phải ở một độ tuổi nào đó mới hiểu những ám chỉ từ diễn ngôn nói trên. Như vậy, diễn ngôn có thể “hoạt động” trong một giới nào đó hay một nhóm tuổi nào đó.

Phân tích diễn ngôn cũng có thể dựa trên liên văn bản hay siêu văn bản khi nhiều văn bản có cùng một giọng điệu, cùng một định hướng, cùng một ý tưởng, cùng một viễn tượng, vân vân. Chính vì thế người ta cho rằng diễn ngôn liên quan mật thiết đến chủ nghĩa cấu trúc xã hội. Một số vấn đề mà người ta hay bàn đến khi phân tích diễn ngôn siêu văn bản là giới tính, tính dục, quyền lực, tri thức hay thuộc địa/giải thuộc địa. Truyền thông là siêu văn bản hay  được đưa ra phân tích . Chẳng hạn ở Việt Nam, trong các thông tin tuyển dụng ta  đọc thấy “Tuyển nữ thư ký có ngoại hình”. Nếu phân tích vỏ ngôn ngữ bên ngoài, sẽ không thấy yếu tố tính dục nào cả nhưng tìm hiểu bối cảnh xã hội Việt Nam có thể thấy  đây là một diễn ngôn có hàm ý tính dục nhiều hơn là hàm ý nghề nghiệp. Người Việt Nam có truyền thống dùng lối nói tế nhị để chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ Bây giờ mận mới hỏi đào/Vườn hồng đã có ai vào hay chưa/Mận hỏi thì đào xin thưa/Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào. Diễn ngôn này không hề có từ nào trực tiếp liên quan đến tính dục nhưng lại hàm ý tính dục rất mạnh. Diễn ngôn có thể được thể hiện dưới những vỏ bọc khác nhau nhưng đều có chung hàm ý.

Phân tích diễn ngôn là hoạt động phổ biến trong chính trị học hay quan hệ quốc tế và đặc biệt cần thiết cho nghiên cứu lịch sử. Nghiên cứu về mối quan hệ Anh-Mỹ, tác giả Stephen Dyson  khảo sát hai tình huống: liên minh Anh-Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Iraq qua  quyết định chính trị của thủ tướng Anh Wilson (cùng với tổng thống Mỹ Johnson trong chiến tranh Việt Nam) và Blair (cùng với tổng thống Mỹ Bush trong chiến tranh Iraq). Câu hỏi đặt ra là bất chấp lời kêu gọi thống thiết từ phía Mỹ “Chúng tôi luôn giành chỗ cho quân đội Anh ở đây, dù với số lượng bao nhiêu cũng được. Chỉ vài người lính trong trang phục quân đội Anh cũng có thể gây một hiệu ứng tâm lý và chính trị to lớn” và “Chỉ một trung đội cũng được, miễn là người ta nhìn thấy cờ Anh ở miền Nam Việt Nam”[2], tại sao thủ tướng Wilson vẫn tỏ thái độ bất hợp tác. Trong khi đó, ở một tình huống tương tự, Thủ tướng Blair đã gửi quân sang Iraq. Câu chuyện ở đây không chỉ là mối quan hệ giữa các thủ tướng Anh với đồng minh số một  là  Mỹ, mà đằng sau họ là nền chính trị trong nước, chính là công luận nước Anh. Qua phân tích diễn ngôn báo chí và thông điệp của các nghị sĩ, với sự nhạy cảm chính trị, thủ tướng Blair tin rằng ông ta có thể thuyết phục công luận, điều mà thủ tướng Wilson không vượt qua được bởi vì bản thân ông “hoàn toàn tuân theo “đường lối cơ bản” và phục tùng công luận trong nước, khi cuộc chiến tranh Việt Nam là “phi đạo đức”. Với các chính trị gia Anh, “đường lối cơ bản” ở đây là dõi theo thái độ của người dân, thể hiện qua truyền thông và các đại diện của họ trong nghị viện. Và không một liên minh chính trị quốc tế nào được đặt cao hơn sự đồng thuận của người dân. Chuẩn mực này được thể hiện với tần số cao nhất trong các diễn ngôn chính trị và việc lệch chuẩn có thể sẽ là tai họa cho các chính trị gia.

Như vậy, việc phân tích diễn ngôn có thể bao hàm tìm kiếm những yếu tố trong văn bản và những yếu tố ngoài văn bản. Đó có thể là tìm kiếm những chuẩn mực, quy tắc, thói quen, hành vi ngôn ngữ/xã hội đã được định hình hoặc sự thay đổi của chúng, nhưng cũng có thể là những yếu tố mới nổi lên, đang nhen nhóm và đang định hình.



[1] Nguyễn Đức Dân (1998), Ngữ dụng học, Giáo dục, Hà Nội.

[2] Stphen Benedict Dyson (2007), Alliances, Domestic Politics, and Leader Psychology: Why Did Britain Stay out of Vietnam and Go into Iraq? Political Psychology, Vol.28, No.6 (Dec.2007), 649

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114571207

Hôm nay

253

Hôm qua

2308

Tuần này

2956

Tháng này

229731

Tháng qua

129483

Tất cả

114571207