Những góc nhìn Văn hoá

Nhân vật trẻ thơ trong sáng tác của Nam Cao

Có thể nói, thế giới nhân vật trong sáng tác của Nam Cao luôn thấp thoáng bóng dáng trẻ thơ. Tuy nhân vật chính trong tác phẩm của nhà văn là những ông bố, bà mẹ, người bà, người dì, nhưng chỉ qua một vài nét chấm phá, cái mặn chát, đắng cay và sự thảm thương của thân phận con người. Chúng thực sự là những nhân vật phụ xuất sắc tạo nên sức gợi cảm và sức ám ảnh trong những trang viết của Nam Cao.

Nhân vật của Nam Cao là những con người luôn luôn bị dằn vặt, bị cắn rứt, bị đày đọa đến khổ sở vì cái đói, cái nghèo. Ngòi bút phân tích tâm lý sắc sảo của ông đã làm nổi bật bi kịch nhân cách, bi kịch tinh thần của con người. Nhân vật của Nam Cao luôn phải đối mặt, phải chống chọi với cái đói và miếng ăn. Sự vật lộn dai dẳng và khốc liệt đó đã tạo ra những cách ứng xử, hành vi, thái độ và tình cảm của con người đối với con người nói chung và của người lớn đối với trẻ em nói riêng. Trong cảm quan sáng tác của mình, Nam Cao đã không thể dửng dưng với những điều tưởng như vặt vãnh, bình thường, và nhỏ bé ấy của con người.
Trực tiếp hay gián tiếp trong sáng tác Nam Cao, trẻ em là nạn nhân của người lớn. Nạn nhân của một lối sống vô tâm, vô trách nhiệm đến mất cả nhân tính của những người làm cha, làm mẹ mà nguyên nhân sâu xa cũng chỉ vì cái đói, miếng ăn, chỉ vì túng quẫn, bần hàn. Đó là những ông bố chỉ vì thỏa mãn cái dạ dày và dục vọng tầm thường của chính mình mà vất bỏ nhân cách và lương tâm, để mặc cho những đứa con sống qua ngày với những cái bụng lép kẹp, và hồn nhiên tin rằng Trẻ con không biết đói, Trẻ con không được ăn thịt chó.
Như một nhân vật của Nam Cao đã than thở: “Nếu người ta không phải ăn thì đời sẽ giản dị biết bao”, Nam Cao đã phân tích tâm lý nhân vật để phát hiện và lý giải các vấn đề, tình huống xoay quanh cái đói, miếng ăn. Trong truyện Trẻ con không được ăn thịt chó, nhà văn tạo nên sự tương phản giữa một bên là người bố cùng với khách đang háo hức bên mâm thịt chó đầy đặn, hấp dẫn, một bên là vợ và bốn đứa con nhỏ đang bị cái đói hành hạ bởi mùi vị tỏa ra từ những món thịt chó. Đau xót thay, hình ảnh người đàn ông đã không còn nhớ đến bổn phận làm cha đối với những đứa con tội nghiệp, thậm chí đánh mất nhân tính khi ăn cho đến không còn một hạt cơm, một miếng thịt, chỉ còn lại đống bát đũa chỏng chơ trước sự chờ đợi, thắc thỏm của những đứa con.
Với truyện Từ ngày mẹ chết, nhân vật người đàn cha cũng đã tự làm cho tiêu mòn đi, thui chột đi nhân cách làm cha. Từ ngày vợ chết, người đàn ông, cha của hai con nhỏ, đã bỏ đi biền biệt, lao vào rượu chè, đánh bạc xóc đĩa đến thân tàn ma dại, khuynh gia bại sản. Khi chỉ nghĩ đến bản thân, anh ta đã quên mất cốt nhục của mình, quên mất trách nhiệm một người cha. Anh ta không tự ý thức được khi mình khổ một, bất hạnh một, thì hai đứa con của anh ta khổ sở và bất hạnh gấp trăm lần. Trong truyện ngắn của một ngòi bút hiện thực khác như Tam Kính (1943-1944) cũng đã xuất hiện những ông bố lấy trộm tiền mừng tuổi của con đi đánh bạc (Mối thù bất cộng đới thiên), những ông bố vô tâm, ích kỷ (Người không rọt), đó như một sự thật buồn thảm, khắc nghiệt trong cuộc sống và xã hội đương thời. Trở lại với Nam Cao, so với những đứa trẻ không được ăn thịt chó thì tình cảm của những đứa trẻ phải ăn “chè” cám để trừ bữa, để đánh lừa cảm giác đói trong truyện Nghèo, không biết ai khổ hơn ai, ai tủi nhục hơn ai trước sự bủa vây, săn đuổi ráo riết của cái nghèo. Không thể không nhận thấy đằng sau sự miêu tả lạnh lùng, ráo riết của cái nghèo. Không thể không nhận thấy đằng sau sự miêu tả lạnh lùng, tỉnh táo đến chua chát ấy là sự sục sôi, đầy thương cảm của Nam Cao đối với con người, đặc biệt đối với những tâm hồn thơ trẻ.
Trong truyện Bài học quét nhà, cũng chỉ vì hoàn cảnh túng quẫn, nợ nần chồng chất mà bố của bé Hồng đã phải tính toán chi ly: “Cái hồng ngót năm tuổi rồi, chẳng còn bé bỏng gì, trao cho nó giữ em. Ngày mai đi chợ, nhớ mua một củ nâu. Bao nhiêu quần áo trắng của tôi, của chúng nó nhuộm tất cả đi cho bền và đỡ tốn xà phòng”. Đối với người lớn, cái sự ăn, kể cả của trẻ con chỉ là để tồn tại “miễn không chết thì thôi”. Nhưng nếu đó chỉ là câu chuyện của người lớn, là sự chịu đựng của chính họ, lại là một nhẽ. Điều đáng nói ở đây là những đứa con nhỏ vô tội bỗng dưng lại phải gánh chịu những lời mắng nhiếc, thậm chí bị đòn oan chỉ vì bố mẹ chúng không biết giải tỏa sự căng thẳng, lo lắng cho cuộc sống hàng ngày như thế nào, ngoài cách trút tức giận vào những đứa con mà họ đã dứt ruột đẻ ra và thương chúng đến thắt lòng (Bài học quét nhà, Trăng sáng).
Sáng tác của Nam Cao không chỉ là những tiếng nức nở nghẹn thắt, những tiếng thở dài của lão Hạc, ông giáo Thứ, dì Hảo, chị Nhu, mà còn là những giọt nước mắt, những tiếng khóc tủi thân của trẻ thơ trước thân phận nhỏ bé và bất lực của chúng. Nước mắt của những nhân vật tý hon đã thấm trên từng trang viết của nhà văn. Đó là “tiếng khóc ti tỉ” đòi cơm của thằng cu (Nghèo), là tiếng khóc “òa lên” của thằng cu con, tiếng khóc “rưng rức” của cái gái, cu Nhớn, cu Nhỡ chờ cả buổi mà không được một miếng cơm thừa canh cặn (Trẻ con không được ăn thịt chó), là sự nghẹn ngào “nước mắt ứa ra” của bé Ninh trước cảnh người ta dỡ nhà (Từ ngày mẹ chết), là những giọt nước mắt tức tưởi “chảy ra đầy má” của bé Hồng (Bài học quét nhà), là tiếng khóc “thút thít” ấm ức của cô con gái nhỏ đang bị ốm của một văn sĩ nghèo (Trăng sáng).
Dễ nhận thấy trong truyện ngắn của Nam Cao vì sự lầm than, nhọc nhằn, vật vã, thậm chí vô tâm, tàn nhẫn của nhân vật chính mà những đứa trẻ - nhân vật phụ - trong sáng tác của nhà văn ít tiếng cười và niềm vui, chúng chỉ biết im lặng và rơi nước mắt. Cùng với bố mẹ, chúng sớm phải chịu đựng và nhận vào mình những đắng cay, tủi nhục, tai ương của số phận đang trùm lên cuộc sống của gia đình và bản thân chúng.
Dưới ngòi bút hiện thực nhân đạo của Nam Cao, số phận bất hạnh của trẻ thơ và con người trong sáng tác của ông, suy cho cùng là những hồi chuông cảnh tỉnh, là thông điệp của nhà văn muốn gửi tới người đọc: “Hãy cứu lấy những nhân cách đang bị hủy diệt, những linh hồn đang héo hắt chết mòn, chết mỏi vì miếng cơm manh áo”, để cho tuổi thơ thay vì đói nghèo là no ấm, đầy đủ thay vì tiếng khóc là tiếng cười, niềm vui. Có thể nói, những vấn đề mà Nam Cao chuyên chở trong sáng tác của ông, dù viết về người lớn hay trẻ thơ, hơn nửa thế kỷ qua, cho đến nay vẫn mang ý nghĩa thời sự và nhân bản.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513681

Hôm nay

2154

Hôm qua

2313

Tuần này

21618

Tháng này

220554

Tháng qua

121356

Tất cả

114513681