Do tính chất liên văn bản mà giữa văn bản cá nhân và văn bản vĩ mô truyền thống, giữa văn bản văn học và văn bản của các loại hình khác nhau đã có sự xóa nhòa về ranh giới. Liên văn bản cũng tạo nên sự lên ngôi của các văn bản truyền thống và các văn bản khác để chúng cùng hiện hữu và tồn tại trong văn bản hiện thời. Bởi lẽ: “… khi miêu tả tính biện chứng của tồn tại văn học, ngoài cái thực tại tồn tại bên cạnh nhà nghệ sĩ, anh ta còn có quan hệ với văn học trước đó và văn học cùng thời với mình, văn học mà anh ta luôn cùng nó “đối thoại” và cuộc “đối thoại” này được hiểu như cuộc đấu tranh của nhà văn với những hình thức văn học hiện tồn”[2]. Đọc tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986, người đọc dễ dàng nhận ra có sự tương tác, xếp chồng trong một văn bản nhiều những “văn bản” thể loại, những loại hình nghệ thuật và phi nghệ thuật khác.
Thơ xuất hiện khá nhiều trong các sáng tác của các nhà văn về đề tài lịch sử. Ở bất kì tác phẩm nào, người đọc cũng cảm nhận được chất thơ bàng bạc trong mô thức tự sự của nghệ sĩ. Thơ được dùng làm đề từ, để dẫn dắt, định hướng người đọc vào ý đồ nghệ thuật của tác giả hoặc tư tưởng của tác phẩm: Huyền Trân công chúa: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Trần Nhân tông), Thăng Long nổi giận: “Đến nay nước sông tuy chảy hoài/Mà nhục quân thù không rửa nổi” (Bạch Đằng giang phú - Trương Hán Siêu). Nhiều tác phẩm, thơ đề từ gợi nguồn cảm hứng sáng tạo cho tác giả: Hội thề: “Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên” (Hoàng Cầm), Con đường định mệnh: “Có thì có tự mảy may/Không thì cả thế gian này cũng không/Vầng trăng vằng vặc in sông/Chớ nên chấp trước có không mà lầm” (Thiền sư Từ Đạo Hạnh). Thơ đề từ còn xuất hiện sau tiêu đề để chuyên chở chủ đề, tư tưởng cho mỗi phần, mỗi chương. Giàn thiêu gồm bốn phần thì mở đầu ba phần đều bằng thơ (Phần 2. Ru cá bơn, phần 3. Bài ca đầu lâu dã nhân, phần 4. Bài ca chu sa đỗ tễ). Ngoài chức năng tạo và giữ nhịp cho tác phẩm, thơ đề từ còn là sự dẫn dụ tinh tế vào văn bản, tạo sự phấn khích, tò mò, khơi gợi trí tưởng tượng, đối thoại, thức nhận về những vấn đề lịch sử và con người (Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng, Hồ Quý Ly)…
Bên cạnh làm đề từ để dẫn dụ người đọc vào văn bản, thơ xuất hiện trong tiểu thuyết lịch sử Việt Sau sau 1986 như những đoạn trữ tình ngoại đề hoặc thơ được “motif hóa”. Xen giữa quá trình diễn biến của các sự kiện và nhân vật trong cốt truyện, những đoạn trữ tình ngoại đề là phương diện quan trọng giúp tác giả soi sáng thêm nội dung tư tưởng của tác phẩm; bộc lộ đầy đủ và tập trung hơn thái độ, sự đánh giá đối với nhân vật cũng như quan niệm nhân sinh của mình (Bí mật hậu cung, Hồ Quý Ly, Đất trời…). Thơ được “motif hóa”, do nhân vật đọc hoặc hát, một mặt là phương thức “trưng bày” tâm trạng, bộc lộ suy nghĩ một cách gián tiếp, mặt khác là hình thức để tác giả chuyển tải tư tưởng, triết lí nhân sinh sâu sắc. Trong Bí mật hậu cung, Bùi Anh Tấn không những biết cách tháo gỡ sự căng thẳng của các tình tiết một cách bất ngờ, mà còn biết hãm và kéo dài sự căng thẳng đó bằng việc đan cài vào mạch phát triển của câu chuyện những bài thơ vô cùng thú vị (27 bài thơ Đường và 2 bài thơ Việt). Trong sáng tác của Hoàng Quốc Hải, thơ Thiền xuất hiện khá nhiều. Nhiều bài thơ như là sự định hướng cho đạo trị nước, an dân (thơ Đỗ Pháp Thuận trong Thiền sư dựng nước), là sự giác ngộ chân lí (thơ Huệ Năng, Thần Tú trong Con ngựa nhà Phật), là sự thức tỉnh, giải thoát cho những u mê, lầm lạc (thơ của Viên Chiếu, Tịnh Giới trong Con ngựa nhà Phật), là niềm lạc quan, an nhiên tự tại, thấm nhuần lẽ vô thường trước những biến thiên của vũ trụ (kệ Thị đệ tử của Vạn Hạnh trong Thiền sư dựng nước, kệ Cáo tật thị chúng của Mãn giác thiền sư trong Con đường định mệnh, kệ Bát nhã chân vô tông của Lí Thái tông trong Con ngựa nhà Phật)… Trong nhiều tác phẩm còn chứa đựng những bài hát đồng dao, dân ca, các làn điệu quen thuộc của dân gian (Đất trời, Giàn thiêu, Mẫu Thượng ngàn...). Trong những tác phẩm ấy, nhà văn đã để cho nhân vật của mình tìm về suối nguồn đồng dao, dân ca như là sự trở về với ký ức tuổi thơ êm đềm bị đánh mất của đời người, như sự tự thanh lọc bản thân và sự tự xoa dịu tâm hồn đã chịu quá nhiều sự tổn thương.
Ngoài việc sử dụng thơ, các tiểu thuyết gia còn sử dụng kinh điển của tôn giáo (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo), các câu nói nổi tiếng của nhân vật lịch sử, các trước tác lịch sử, các bài hát đồng dao làm đề từ trong các sáng tác của mình. Với tính triết lí, cô đúc và ý nghĩa giáo hóa, kinh điển tôn giáo không chỉ là “điểm tựa”, “kim chỉ nam” cho suy nghĩ và hành động của các nhân vật (lời Khổng Tử, lời Phật dạy, Luận ngữ trong Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng), mà còn là mệnh đề tư tưởng để thức tỉnh con người, đối thoại giữa Đạo - Đời (lời Phật dạy trong Giàn thiêu). Nhiều câu nói của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cũng được các nhà văn sử dụng làm đề từ. Trong Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng, các câu nói này là những vấn đề để luận bàn, đối thoại hay thể hiện ý chí, tư tưởng của thời đại. Bên cạnh làm đề từ, các kinh điển tôn giáo, các điển tích, điển cố được rất nhiều nhà văn sử dụng trong diễn ngôn của người kể chuyện và nhân vật. Nhờ sự cổ kính, trang nghiêm cũng như cái ảo diệu, thâm trầm của các diễn ngôn ấy, không khí văn hóa, xã hội được tái hiện một cách chân thực, sắc nét. Bên cạnh đó, lời đề từ còn là các trích dẫn trong chiếu chỉ như là sự kết tinh cho ý chí, trí tuệ lớn lao (Chiếu dời đô của Lí Thái tổ, Di chiếu lúc lâm chung của Lí Anh tông trong Thiền sư dựng nước, Chiếu xá thuế của Lí Thái tông trong Con ngựa nhà Phật), là lời hát văn gợi lên không khí linh thiêng, huyền ảo dẫn dụ vào tác phẩm (Mẫu Thượng ngàn). Do nhiều tác phẩm sử dụng lời đề từ có xuất xứ từ bên ngoài, ở những thời đại khác nhau, vì vậy, người đọc buộc lòng phải tìm hiểu và nối kết tinh thần, ý nghĩa của hai hay nhiều văn bản với nhau. Mặc dù những lời đề tựa rất cô đọng, súc tích, song đó là một trong những “kênh”, “mã” vô cùng quan trọng để xâm nhập vào chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Việc nối kết các văn bản hay “giải mã” các “tiền văn bản” sẽ là cách nhà văn tái lập nghĩa trong văn bản hiện tồn, đồng thời truy tìm sự vận động của cuộc sống, kinh nghiệm thẩm mĩ, của những giá trị văn hóa và tinh thần thời đại trong tính liên tục của dân tộc và nhân loại.
Các văn bản chính luận như hịch, chiếu, biểu, cáo… và các thể loại văn học trung đại như phú, hát nói, truyện truyền kì, quái dị… xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm. Các văn bản vừa mang hơi thở thời đại (Đất trời, Hồ Quý Ly, Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lí…), đồng thời chuyển tải tư tưởng nhân văn, tinh thần tự tôn dân tộc của thời đại (Bình Ngô đại cáo trong Hội thề, Đất trời, Hịch tướng sĩ trong Thăng Long nổi giận, Nam quốc sơn hà trong Bình Nam dẹp Bắc, Bí mật hậu cung)… Nhiều loại hình nghệ thuật mang đặc trưng văn hóa truyền thống với nhiều biểu tượng phong phú cũng được nhà văn vận dụng như điêu khắc, hội họa, kiến trúc (tạo hình dân gian đạo Mẫu trong Mẫu Thượng ngàn), âm nhạc, diễn xướng dân gian (ca trù trong Đàn đáy, hát văn, múa đồng trong Mẫu Thượng ngàn, dân ca quan họ, ví dặm trong Đất trời), các thủ pháp, kĩ thuật dán ghép, đồng hiện của điện ảnh (Hội thề, Giàn thiêu, Bí mật hậu cung, Bức huyết thư)… Đường biên thể loại được mở rộng, xóa nhòa khi các nhà văn có nhiều thể nghiệm rất thú vị khi có sự kết hợp giữa đề tài đồng tính, võ hiệp huyền ảo với đề tài lịch sử (Bí mật hậu cung, Bức huyết thư). Việc sử dụng các thủ pháp và đưa các loại hình nghệ thuật vào sáng tác khiến cho tác phẩm cùng một lúc tạo nên sự “lạ hoá” cho đối tượng, đồng thời hiện thực bộn bề, đa tầng của cuộc sống từ đó mà hiện lên.
2. Tính đối thoại và mối tương liên nhà văn - văn bản - độc giả
M. Bakhtin đã chỉ ra rằng, “bản chất của đời sống là đối thoại. Sống có nghĩa là tham gia vào đối thoại: đặt câu hỏi, lắng nghe, trả lời, đồng ý”. Thông qua sự đối thoại, con người thể hiện được sự tồn tại của mình. Trong công trình Mikhail Bakhtin, những nguyên tắc đối thoại, Tz.Todorov đã chỉ ra: vấn đề đối thoại giữa các nhân vật với nhau, giữa tác giả và bạn đọc, giữa nhà văn và bạn đọc đã hình thành nên một cuộc đối thoại lớn của tiểu thuyết. Trong quá trình nghiên cứu về tiểu thuyết của Dostoiexki, M.Bakhtin đã chỉ ra rằng quy luật của sáng tạo tiểu thuyết khiến cho lời nói, lời phát biểu luôn có chiều hướng “liên văn bản”. Ông cho rằng: “xu hướng đối thoại rõ ràng là hiện tượng tiêu biểu của tất cả mọi diễn ngôn. Đó là mục đích tự nhiên của mọi diễn ngôn sống động. Diễn ngôn của người này tiếp giáp với diễn ngôn của người khác trên tất cả mọi con đường dẫn tới đối tượng và nó không thể không đi vào mối tác động qua lại tích cực và sống động với đối tượng đó”[3].
Ảnh hưởng “tiếng gọi của trò chơi”, tiểu thuyết lịch sử sau 1986 trở thành mảnh đất để các nhà văn tự do sử dụng các thủ pháp nghệ thuật khác nhau, tiến hành những thử nghiệm, tạo ra những bước đột phá để đi tới mục đích tối hậu là truy tìm “một sự thật của con người”. Lúc này, nhà văn có quyền công khai bày tỏ sự thức nhận của mình trước những chân lí, tín điều, những kinh nghiệm cộng đồng đã và đang tồn tại trong tâm thức và suy nghĩ của con người ở quá khứ và hôm nay. Tiểu thuyết gia có thể phán xét cả lịch sử, chưng cất lại lịch sử, “cãi ngầm” với sử học về nhân sinh, thế sự để giúp nhận thức thêm, nhận thức lại lịch sử[4]. Độc giả không thể tìm thấy trong tiểu thuyết lịch sử những phán xét duy nhất đúng về các chân lí mà là những giả thuyết về đời sống của nhà văn. Bởi xét cho cùng, tiểu thuyết là lĩnh vực của cái có thể, của những điều tưởng tượng, giả định, là nghệ thuật làm lung lay các xác tín, rung chuyển các định kiến. Nếu ở bên ngoài tiểu thuyết người ta sống trong thế giới của những điều khẳng định thì trong lĩnh vực tiểu thuyết người ta sống với những trò chơi và giả thuyết[5].
Trung thành với các sự kiện lịch sử, tái hiện chân thật bức tranh thời đại, với Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Quang Thân, đó không phải là mục đích cứu cánh mà chỉ là phương tiện để nhà văn luận giải, đối thoại với lịch sử và độc giả. Cái đích cuối cùng của nhà văn là truy tìm, giải mã những chân lí có tính phổ quát, soi rọi quá khứ bằng cái nhìn và tinh thần hiện đại, từ đó soi sáng và tìm ra những bài học cho hiện tại. Với những vấn đề được đặt ra trong Hồ Quý Ly như cách tân hay bảo thủ, cách tân như thế nào, vai trò và cách hành xử của trí thức trước thời cuộc, vấn đề đổi mới với quyền lực, vấn đề số phận, bi kịch những cá nhân, cộng đồng trong cơn cuồng nộ của lịch sử…, tác giả khiến người đọc phải trăn trở, suy ngẫm, nối kết quá khứ với thực tại tình hình đổi mới đất nước hôm nay. Cùng với đó, nhà văn đã lựa chọn Hồ Quý Li, một nhân vật lịch sử gai góc, “có vấn đề”, để thể hiện những suy tư về lịch sử của mình. Bi kịch cá nhân của nhà cải cách hóa thành bi kịch của đất nước, bi kịch đổi mới bằng mọi giá, bất chấp sự quay lưng hững hờ phản đối của nhân dân. Cách nhìn của Nguyễn Xuân Khánh về Hồ Quý Li và công cuộc canh tân đất nước có tính phản biện, đối thoại lại cách nhìn của sử sách chính thống và kinh nghiệm cộng đồng. Trong Hội thề, sự trở đi trở lại của chủ đề chính là sự xung đột gay gắt giữa quyền lực võ biền với trí thức Thăng Long mà Nguyễn Trãi là một đại diện, Nguyễn Quang Thân đã làm một “giải minh lịch sử” theo cách riêng của mình. Qua việc tập trung thể hiện cái kế lạ “xưa nay chưa từng có” và sự đặt cọc bằng máu của Nguyễn Trãi, nhà văn đã đề cao tài trí, tấm lòng của vị trí thức khoa bảng Thăng Long khi giúp nhân dân ta giành chiến thắng trong hòa bình, tránh nạn binh đao về sau. Đó không đơn thuần là sự chọn lựa hay phương thức hành xử của cá nhân, mà đó chính là việc xác lập tư tưởng, chọn hướng đi cho dân tộc.
Đối thoại, truy tìm cội nguồn bản sắc dân tộc, những tác phẩm của Nam Dao, Nguyễn Mộng Giác, Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh, Trần Thu Hằng… không chỉ dừng lại ở việc tái hiện các sự kiện, biến cố lịch sử, khám phá tấn bi kịch của những số phận cá nhân trong cơn biến thiên của lịch sử, mà còn kiếm tìm những giá trị vĩnh hằng trong văn hóa tâm linh người Việt. Mẫu Thượng ngàn là sự suy tư của Nguyễn Xuân Khánh về vấn đề cội nguồn sức mạnh văn hóa dân tộc, làm sao để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong khu vực và trên thế giới, tìm kiếm giá trị của các thành tố văn hóa trong cộng đồng người Việt. Các vấn đề về tín ngưỡng đa thần bản địa, lên đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng hóa và phản đồng hóa được nhà văn đặt dưới nhiều điểm nhìn, với sự va đập của nhiều tiếng nói khác nhau. Từ đó, nhà văn đã làm một cuộc thức nhận, “tranh cãi” quyết liệt về mạch nguồn sức sống của văn hóa Việt trong sự giao lưu, tiếp biến với văn hóa phương Tây. Nếu như trong Gió lửa, Nam Dao truy tìm mô thức trong văn hóa Việt để giải mã mệnh đề “có cái gì trong mẫu hình văn hóa của chúng ta khiến đất nước này luôn luôn bị rình rập với một cuộc nội chiến?”, thì Đàn đáy thông qua số phận của một giáo phường ca trù và bi kịch của người nghệ sĩ, Trần Thu Hằng đã đi tìm nét đẹp, sức mạnh “vượt thoát” của dân tộc trong cơn biến thiên của lịch sử.
Bên cạnh những đối thoại về lịch sử, văn hóa, tư tưởng, các tiểu thuyết gia còn đối thoại với người đọc những vấn đề liên quan đến các nhân vật, đặc biệt là những thần tượng của dân tộc. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh đến hai xu hướng đối thoại, một là xu hướng nhằm chiêu tuyết, “thiêng hóa” vai trò, công tích của các nhân vật, hai là xu hướng “giải thiêng” các thần tượng, anh hùng dân tộc. Ở xu hướng thứ nhất, Hoàng Quốc Hải trong các sáng tác của mình đã lấp được những “lỗ hổng”, “khoảng trắng” bằng những kiến giải khách quan, biện chứng về các nhân vật phức tạp, “có vấn đề” của lịch sử như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Li. Bên cạnh đó, nhà văn có cái nhìn công bằng hơn về công tích, tầm cao trí tuệ, nhân cách của những nhân tài mà các sử gia phong kiến cũng như trong các sáng tác trước đó chưa đánh giá một cách đầy đủ. Trong xu hướng đối thoại thứ hai, rất nhiều các thần tượng của dân tộc được đưa ra phán xét, nhiều các sự kiện, những “khoảng tối” của lịch sử được nhìn nhận lại.
Với việc đặt điểm nhìn lịch sử từ bên trong, tác giả của Hội thề đã khám phá tấn bi kịch của nhân vật lịch sử từ góc độ đời thường nhất. Không riêng Nguyễn Trãi, cả Lê Lợi được nhìn nhận không chỉ với tư cách là linh hồn của cuộc khởi nghĩa mà còn là những con người với những tấn bi kịch tâm hồn: bi kịch cô đơn, “bị lịch sử chọn”, bi kịch tha nhân, đánh mất bản thể. Võ Thị Hảo trong Giàn thiêu đã “giải thiêng” thần tượng nguyên phi Ỷ Lan, khơi mở bí mật và những xung đột của lịch sử. Tác giả của Giàn thiêu đã vén lên phần tối trong cuộc đời Ỷ Lan, mạnh bạo và dám đi sâu vào sự thật còn khuất lấp: ý chí tham vọng quyền lực, ghen tuông và tàn nhẫn khi bức tử Dương Thái hậu cùng 76 cung nữ. Từ nhận thức của con người đương đại, nhà văn đã giải phóng cách nhìn ra khỏi sự sùng bái lịch sử: chỉ ca ngợi một chiều về công đức của nguyên phi Ỷ Lan, từ đó muốn đối thoại với độc giả: không nên phong thánh cho con người. Với cùng một cảm thức đó, Bùi Anh Tấn trong Bí mật hậu cung đã “giải thiêng” anh hùng dân tộc Lí Thường Kiệt bằng việc xây dựng nên mối tình đồng tính kì lạ giữa Lí Thường Kiệt và đương kim thái tử Nhật Tông. Dưới ngòi bút của mình, tác giả đã chạm vào những khắc khoải cô đơn, những hoài nghi, trăn trở trong nội tâm nhân vật. Trong những khoảnh khắc ấy, nhà văn đã khiến người đọc tạm quên đi hình ảnh người anh hùng kiệt xuất của dân tộc, để trải lòng mình với những xúc cảm đời thường, và trên hết, thấu hiểu tấn bi kịch tâm hồn của một con người: không biết mình là ai, không dám thừa nhận giới tính của mình, không được sống thật với con người, không được quyền lựa chọn hạnh phúc riêng tư cho mình.
Vậy là để thể hiện cái nhìn mới về lịch sử, nhiều nhà văn đã đặt các nhân vật trong vô vàn mối quan hệ đời thường, để nhân vật đối thoại với chính mình, xoáy sâu vào phần khuất lấp và bi kịch nội tâm, nơi có sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, phi thường và đời thường, tìm ra “tiếng nói tối hậu về con người” (như Nguyễn Huệ trong Sông Côn mùa lũ, Gió lửa, Nguyễn Trãi trong Oan khuất…). Những góc tối, những vùng mờ mà lịch sử “bỏ quên”, nay đã được soi rọi và giải mã không chỉ ở bề mặt, mà còn ở các “bề sau, bề sâu, bề xa”. Từ đó, những bí ẩn và xung đột lịch sử được phân tích thấu đáo, lịch sử trở thành ấn tượng và suy tư cá nhân, cá nhân trở thành trung tâm của tự sự.
3. Kết luận
Đặt tác phẩm trong mối tương tác liên văn bản thể loại, thông qua “trò chơi” xuyên văn bản, cho thấy nỗ lực rất lớn trong việc làm mới/làm mềm thể loại của các nhà văn viết về đề tài lịch sử sau 1986. Chính điều đó khiến đường biên, ranh giới của thể loại như được xóa nhòa, quan niệm về tiểu thuyết lịch sử được mở rộng. Tiểu thuyết lịch sử có thể dung chứa trong nó những khả năng lớn lao trong việc nhận thức và diễn đạt bản chất của hiện thực và con người. Sự xếp chồng các văn bản cũng chính là cách thức để nhà văn “đối thoại”, luận giải nhiều vấn đề từ quá khứ - hiện tại đến tương lai. Những “đối thoại lớn” được mở ra, cũng là lúc nhà văn và người đọc, có thể ở nhiều không gian và thời gian khác nhau cùng truy tìm hằng số có khả năng kiến tạo lịch sử, văn hóa Việt, có sức cố kết cộng đồng, mang sức mạnh vượt thoát qua bao cuộc chìm nổi, thăng trầm của lịch sử dân tộc từ xa xưa cho đến tận ngày hôm nay.
An Hòa, 10&11.2012
Chú thích
[1]: M.Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường viết văn Nguyễn Du, H.
[2]: Ilin và Tzurganova (chủ biên, 2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20, Nxb. Đại học Quốc gia, H.
[3]: Huy Liên, “Từ đối thoại tiểu thuyết của Bakhtin đến phê bình đối thoại của Todorov”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1/2005.
[4]: Đỗ Ngọc Thạch, “Thái Vũ và tiểu thuyết lịch sử”, nguồn: http://www.vanchuongviet.org.
[5]: M. Kundera (1998), Tiểu luận (Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội), Nguyên Ngọc dịch, NXB. Văn hóa thông tin, H.