Gặp anh, trò chuyện “bù khú” với nhau, mới thấy sức nghĩ của anh còn rất khoẻ, lối nói vẫn tinh tế hóm hỉnh, nụ cười của anh vẫn có thể làm xiêu lòng không ít người không hẳn chỉ là cùng giới. Thế nhưng, lưng anh đã còng thêm, dáng đi chậm chạp hơn, nét nhăn trên mặt lại hơi nhiều và mái tóc anh dù chưa bạc hết như một số bạn khác hoặc như tôi, nhưng phần “muối” đã lấn hẳn phần “tiêu”.
Nhớ lại, chúng tôi quen nhau thấm thoác đã 45 năm. Một buổi chiều hè năm 1965, tôi đến chơi với anh Nguyễn Hoành Khung (một trong vài ba chuyên gia hàng đầu về giai đoạn văn học Việt Nam 1930 – 1945) mà bọn tôi thường gọi đùa là “công tử Bảo Khánh” (vì anh ở phố Bảo Khánh, gần hồ Hoàn Kiếm và còn vì anh có vóc dáng thanh mảnh, nho nhã, rất …. công tử).
Buổi đó lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Đặng Mạnh. Anh mới ở đại học Vinh ra Hà Nội đọc sách. Vượt 300km, mất đứt một ngày ngồi ô tô hàng (xe đò) loại cổ lỗ sĩ, anh cũng như các đồng nghiệp khác ở Vinh mới đến được với các thư viện ở Hà Nội, chủ yếu là Thư viện Quốc gia phố Tràng Thi – “thánh đường trí tuệ” của chúng tôi thời ấy. Không thể khác được, vì dù những người lãnh đạo đại học Vinh đã rất cố gắng nhưng thư viện trường vẫn nghèo lắm. Năm đó lửa chiến tranh phá loại mới chớm lan ra miền Bắc, các anh chị còn có thể đi ô tô hàng, chứ vài ba năm sau ai nhiệt tình với sách vở, xin là cứ kẽo kẹt ngựa sắt dong duổi “tam bách lý” từ xứ Nghệ non xanh nước biếc ra Thủ đô. Anh Mạnh mấy năm liền, trước khi chuyển công tác ra ĐHSP Hà Nội, cũng thuộc trong số ít những người nhẫn nại tuyệt vời ấy. ấn tượng gặp anh lần đầu ấy, đến bây giờ vẫn còn in dấu trong tôi. Cũng cùng cảnh nghèo “Xê – Bê – Giê – Dê” (CBGD = cán bộ giảng dạy, cách gọi đồng loạt, “cá mè một lứa” khá kỳ cục trong mấy chục năm trường, về các thầy cô già – trẻ, cũ – mới, giỏi – dở ở các trường đại học miền Bắc) nên trang phục của chúng tôi cũng chẳng hơn kém gì nhau bao nhiêu. Nhưng tôi nhớ không lầm, trông Nguyễn Đăng Mạnh “phong trần”, “bụi” hơn chúng tôi nhiều. Cái áo sơ mi pôpơlin màu cỏ úa như nhàu hơn, cái quần kaki Trung Quốc như sờn hơn, đôi dép lốp của anh khó có thể mòn hơn. Và nét đặc trưng - mà đến 40 năm sau, đầu thế kỷ XXI, nhà giáo cao niên Hoàng Như Mai còn nhắc – là luôn kè kè bên anh một chiếc mũ lá đã bợt mép. Hình ảnh “Nguyễn Đặng Mạnh với chiếc mũ lá tuềnh toàng” có lẽ phải sau thời kỳ đổi mới mươi năm mới xoá đi được.
Trong giới đại học ngành Văn của cả nước ta, chỉ có một người địch được với anh Nguyễn Đăng Mạnh về cung cách ăn mặc giản dị đôi khi có phần luộm thuộm như thế, đấy là GS Lê Đình Kỵ – một cây đại thụ về chuyên ngành Lý luận văn học, thuộc biên chế trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chỉ có điều anh Kỵ rất “ngoan cường”, tuyệt đối không đổi lối sống cho đến lúc từ trần (24/10/2009). Còn anh Mạnh của chúng tôi, có lẽ do được số tri kỉ vong niên như các anh Đỗ Ngọc Thống, Phan Ngọc Thu “giác ngộ” nên từ 1995 – 1996 trở đi, anh ăn mặc tươm tất, lịch sự khác trước.
Quay lại buổi chiều gặp gỡ đầu tiên ấy, tôi nhớ, anh say sưa trao đổi với hai chúng tôi những suy nghĩ của anh về nhà văn Nguyễn Tuân – một đề tài anh đang theo đuổi, và sau này có những thành quả khoa học rất có giá trị. Tôi không ngạc nhiên, khi thấy anh tỏ ra rất hiểu biết đối tượng mình đang nghiên cứu – anh không chỉ nhắc đến những tác phẩm đã in thành tập, mà còn lưu ý cả những bài viết của ông Nguyễn có lẽ rất ít người còn nhớ, đăng trên báo chí thời trước 1945. Ai muốn làm ăn lương thiện nghiêm chỉnh trong nghiên cứu khoa học cũng phải thế thôi. Điều đáng quí là ở chỗ, anh không thoả mãn về những gì mà người ta đã viết về nhà tuỳ bút có một không hai này – kể cả những điều khen và những ý chê. Anh băn khoăn, tìm cách lý giải tại sao có sự khen chê thiếu “mắt xanh tri kỉ” như thế. Sâu hơn, anh muốn tìm những nét độc đáo đã tạo nên cái “tạng” mà chỉ trong văn Nguyễn Tuân mới hằn nổi. Tóm lại, tôi hiểu anh muốn viết đúng, mới và hay về Nguyễn Tuân.
Cả một buổi chiều qua đi nhanh chóng. Hai anh bạn quí của tôi có thể quên, nhưng tôi cứ nhớ. Bởi lẽ, buổi trao đổi thoải mái ấy đã giúp tôi hiểu nhiều điều khá cơ bản về anh. Mấy chục năm qua, anh liên tiếp gặt hái được những kết quả tích cực trong lĩnh vực học thuật, để trở thành một trong số ít những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XX chứ không chỉ thu hẹp trong giai đoạn 1930 – 1945 như lúc đầu anh được phân công. Nguyên nhân thật dễ thấy nhưng rất khó theo: phải thực sự “say” với công việc, hết mình với nó. Phải luôn không tự bằng lòng với suy nghĩ cuả mình, để rồi tiếp tục lật xới, bóc tách những ý tứ có khi tưởng đã là chân lý. Hoá ra nhà nghiên cứu muốn có bản lĩnh thực sự, để rồi có được những trang viết sáng giá, quả là không đơn giản.
Từ 1968, anh được chuyển về Hà Nội – may mắn ấy có được một phần là nhờ chị Thoại – Nguyễn Đăng Mạnh phu nhân. Chị và cháu Thanh (còn nhỏ) ở tít tận Thái Nguyên. Thời bình đã đáng chiếu cố, nữa là thời chiến. Tổ chức đã chiếu cố, dù có phần muộn màng. Vì thế, trong phạm vi gia đình, anh chị chỉ còn cách nhau 75km. Một thời gian ngắn sau, chị lại được chuyển về Hà Nội, chấm dứt cảnh sống Ngưu Lang – Chức Nữ. Có lẽ để mừng “ thắng lợi” lớn lao ấy, anh chị có thêm cháu Thuỷ. Còn về chuyên môn, từ đó chúng tôi được làm việc gần nhau dưới sự lãnh đạo của vị tổ trưởng chuyên môn lý tưởng: anh Huỳnh Lý. Xin dừng một chút để trân trọng nói đôi lời về người tổ trưởng được cả tổ quí mến này. Anh Huỳnh Lý cao tuổi nhất tổ, và nhất cả khoa nữa. Anh đã thành danh trong lĩnh vực văn chương – cả nghiên cứu lẫn sáng tác Anh chỉ vẽ tận tình cho lớp giảng viên trẻ, không chỉ trong phạm vi tổ. Đức độ ấy khiến bọn tôi cứ nói vụng: lẽ ra các cụ phải đặt tên anh là Huỳnh Tình mới đúng. Anh Nguyễn Đình Chú (hơn anh Mạnh 1 tuổi) thì nhại Kiều một cách ý vị: “Bề ngoài là Lý bên trong là Tình”. Mấy năm sơ tán ở thôn Quần Ngọc (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) nghĩ lại thấy khổ thì khổ thật nhưng đầm ấm lạ. Ai cũng hăng hái làm việc (lên lớp và vô số việc không tên khác) và say sưa học hỏi, nghiên cứu. Tổ trưởng Huỳnh Lý hể rảnh là đi câu hoặc bắn chim (anh có một khẩu súng hơi, cả tổ đều quí, vì đây là nguồn “sản xuất” protit động vật quan trọng). Thị lực không còn tốt, mà lần nào “ra quân” anh đều có “chiến quả”: một xâu cá, mấy con chim. Tối ấy, cả tổ tôi lại linh đình mở hội. Mấy anh có vợ (như Nguyễn Xuân Tự) hoặc có tiềm lực (như Hoàng Dung) lại góp thêm chút thực phẩm mắm muối cho mười phần phong phú. Lúc ấy mỗi người một việc, tuỳ khả năng. Nhặt rau, mổ cá, nướng chim…. những việc đòi hỏi trình độ cao, không ai được tín nhiệm ngoài anh Tự và chính tổ trưởng. Giải chiếu, sắp xếp bát đĩa đã có các bạn Đoàn Trọng Huy, Nguyễn Văn Long và tôi. Anh Mạnh cũng như anh Khung hoá ra vụng về nhất, chuyên môn phải nhận khâu rửa nồi niêu bát đĩa. Tôi chắc hai anh “hậm hực” lắm, nhưng năng lực chỉ có thế, nên đành chịu thế.
Kể cũng lạ, tiếp xúc với các anh đã kinh qua kháng chiến chống Pháp, tôi thấy nhiều người rất tháo vát. Anh Mạnh như một ngoại lệ. Nhìn anh rửa bát theo “lệnh” tổ, tôi thấy anh thật lóng ngóng, vụng về. Sau này khi anh chị và hai cháu đã có điều kiện quây quần đoàn tụ trong cái “làng Vũ Đại” (-khu nhà lá tập thể của Khoa Văn trong trường ĐHSP Hà Nội-), tôi thấy anh cũng chẳng “tiến bộ” gì hơn. Chị Thoại bảo gì, anh làm nấy, và vẫn vụng về lóng ngóng. Được bà vợ đảm, yêu và trọng chồng, nên anh cũng ít bị sai vặt. Tôi nhớ, có thể trước khi chuyển ra khu nhà gạch Đồng Xa - 1 bước “lên cấp, lên đời” quan trọng - anh có làm được một việc lớn: chở từ Hà Nội vào Cầu Giấy một cái chạn đựng bát đĩa theo yêu cầu của chị Thoại. Chuyển bằng xe đạp. Một mình, vào giữa trưa. Nhiệm vụ chẳng to tát gì lắm đã được anh thực hiện tốt đẹp. Chỉ mỗi chuyện ấy mà anh cao hứng khoe với chúng tôi trong các buổi uống trà, cao đàm, khoát luận đủ thứ trên trời dướt đất đến hơn một năm. Cái huyênh hoang ấy mới dễ thương làm sao!
Lại nhớ, khi chị Thoại chưa được chuyển về Hà Nội, cứ mỗi tháng anh lại hì hụi đạp xe lên Thái Nguyên thăm vợ con một lần. Có lần đi về anh kể chuyện với chúng tôi, đầy vẻ bực mình. ở với vợ con được vài ngày, anh trở về Quần Ngọc. Hồi ấy, để phòng máy bay Mỹ, việc đi lại chủ yếu trong đêm. Giữa đường anh bị cán bộ thuế ách lại, đòi kiểm tra bọc hành lý khá kềnh càng. Họ nghi anh buôn lậu trà Thái Nguyên, đưa về Thủ đô kiếm lời. Rốt cuộc họ chưng hửng, vì trà Thái (móc câu hẳn hoi) có đấy, nhưng chỉ có một gói nhỏ không đáng kể. Anh mang về, để tổ uống cho vui. Còn toàn là sách, quần áo và một mớ khoai, sắn.
Tổ chống buôn lậu rút đi vô tư. Người bị nghi buôn lậu trơ lại, lúng túng với các món đồ lỉnh kỉnh của mình. Anh lại vốn rất vụng về trong việc đóng gói. Để nhẹ nợ, anh đã cho người bán quán số khoai sắn. Cả tổ tiếc, vì hụt bữa cải thiện, nhưng ai cũng buồn cười vì không hiểu tại sao một người trông rất “lớ ngớ” như anh mà lại nghi là buôn lậu!
Tôi có một vài kỷ niệm riêng khá thú vị với anh về mặt viết lách, nghiên cứu. Năm 1968, khi Nguyễn Minh Châu cho xuất bản tiểu thuyết Cửa sông, tôi đã có 1 bài viết chung với anh Trần Tuấn Lộ (bạn học đồng môn đồng khóa 1956-1959), sau này là PGS.TS Giáo dục học). Anh Mạnh với tôi gặp nhau: cùng thích văn cũng như con người Nguyễn Minh Châu, ngay cả khi Dấu chân người lính chưa ra đời. Chúng tôi trao đổi khá nhiều với nhau về những truyện ngắn của anh đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội cũng như về tiểu thuyết Cửa sông. Mấy lần chúng tôi đến chơi với nhà văn chưa thật nổi tiếng này. Anh Châu ở một căn hộ trong khu tập thể quân đội (Quận Ba Đình). Có lần có cả anh Hoàng Hữu Yên (giáo sư rất vững về trung đại) vốn là “đồng hương, đồng khói” với anh Châu. Chị Doanh - nội tướng của anh Châu - thu xếp rất nhanh : “1 xị rượu cuốc lủi, một tô lạc rang (Nghệ An vốn là thủ đô của lạc mà!). Câu chuyện văn chương cứ miên man không dứt.
Hai chúng tôi quyết định viết chung một bài về nhà văn này, đúng dịp năm 1970 báo Văn Nghệ (của Hội Nhà văn Việt Nam) đang mở chuyên mục viết về các nhà văn đã thành danh. Khác với các tên tuổi kỳ cựu được đồng nghiệp của chúng tôi khắc họa chân dung, đối tượng mà hai anh em tôi định “tạc tượng” lại là một cây bút thuộc loại “Ganefo” –loại mới nổi, tiếng tăm chưa lừng lẫy, thành tựu chưa thật dầy. Thế nhưng “anh hùng đoán giữa trần ai mới già!”. Thế là tôi viết, anh sửa chữa, thêm bớt. Rồi tôi lại “thò bút” vào đôi ba chỗ. Anh Mạnh chọn tên cho bài, mà tôi rất tán thưởng: Hướng đi và triển vọng của Nguyễn Minh Châu.
Bài được đăng gọn 1 trang trên báo số 364 (năm 1970). Bài viết này ít nhiều làm cho anh Châu xúc động, vì thế mối quan hệ giữa chúng tôi với anh ngày càng thân mật.
Sau đó có hàng loạt dịp chúng tôi cộng tác chặt chẽ: cùng biên soạn Tổng tập văn học Việt Nam (tập 30A và 30B, có cả anh Hoàng Dung cùng tham gia), cùng viết Ôn tập và luyện thi Văn tốt nghiệp Trung học phổ thông và thi đại học cao đẳng; cùng hăng hái và lặng lẽ hình thành bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng (3 tập); cùng miệt mài biên soạn Sách giáo khoa Văn bậc Trung học phổ thông (sách cải cách), rồi Sách giáo khoa Văn THPT (ban khoa học xã hội).
Mỗi vụ việc trên để lại cho chúng tôi không ít kỷ niệm, vui nhiều buồn ít, cá biệt có lúc tưởng “rụng tim”. Hãy nói về 2 cuốn trong bộ Tổng tập văn học VN. Đây là một công trình đầu tiên thực sự qui mô, tất cả có trên dưới 50 tập, mỗi tập trên dưới 600 trang, tuyển lựa tinh hoa văn học dân tộc từ thế kỷ X đến 1945, do nhiều nhóm nhà nghiên cứu sưu tầm, biên soạn, giới thiệu. Hai cuốn của nhóm tôi tập hợp những thành tựu của văn xuôi hiện thực từ 1939 đến 1945. Tài liệu sách báo về văn học giai đoạn này còn lại ở miền Bắc chẳng được bao nhiêu. May làm sao, năm 1978, cả hai chúng tôi được trường ĐHSP TP.HCM mời giảng. Hai anh em, ngoài giờ lên lớp cứ chúi mũi vào các thư viện ở Sài Gòn, đặc biệt là khai thác triệt để kho sách chất ngất trong Sở Văn hoá Thông tin thành phố. ở đó có một chị trưởng phòng – chị Hoàng Thị Xuân (hình như có học đại học tại chức ở Hà Nội, chúng tôi có lên lớp mỗi người vài mươi tiết giảng) rất nhiệt tình, cho chúng tôi tha hồ lục lọi những sách mới tập trung trong đợt “truy quét văn hoá đồi truỵ”. Chúng tôi mừng quá thể, vì kiếm được ở đây rất nhiều tuần báo, tạp chí cần thiết xuất bản trước 1945: ích hữu, Trung Bắc chủ nhật, Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san v.v… Lúc đó đã làm gì có máy photocopy, vì thế hai anh em mượn về chia nhau đọc, rồi huy động cả một số giảng viên trẻ vốn là học trò cũ của khoa Văn ĐHSP Hà Nội như Bùi Mạnh Nhị, Bạch Văn Hợp, Hoàng Văn Cẩn vào cuộc. Các anh đó cũng tham gia đọc, lọc lựa, rồi … chép tay rất hăng hái. Hàng mấy trăm trang tác phẩm của Lê Tam Kính, Văn Cao, Nguyễn Văn Xuân …. những người có thực tài nhưng chưa hề được văn học sử nhắc đến – đã được công bố trong Tổng tập. Kể cũng thú!.
Về bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng. Anh Mạnh và tôi hào hứng chuẩn bị bản thảo từ 1985 trên cơ sở thoả thuận với anh Lý Hải Châu – Giám đốc nhà xuất bản Văn học, một cựu tù Côn Đảo. Lúc ấy nhà xuất bản chủ trương cho in một hệ thống tuyển tập của các tác gia hiện đại tiêu biểu của nước ta. Với những nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao … thì thật đơn giản, nhưng đến Vũ Trọng Phụng – một nhà văn “phức tạp”, “có vấn đề”, tên tuổi danh dự đã từng bị đưa lên giàn hoả, tác phẩm bị đưa vào phòng đọc hạn chế của Thư viện Quốc gia muốn đọc thì phải có giấy giới thiệu của Đảng uỷ cơ quan – thì quả là thiên nan vạn nan.
Anh Lý Hải Châu rất “chịu chơi”, rất có trách nhiệm và thực sự tâm huyết với văn học dân tộc. Nghe chúng tôi trình bày, anh đồng ý liền. Việc sưu tầm hồi ấy mới vất vả làm sao! Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê… tìm không khó, kể cả truy cho ra bản in lần đầu. Nhưng còn hệ thống truyện ngắn, hài kịch một màn, phóng sự ngắn (Một huyện ăn tết chẳng hạn) thì phải lục tìm trong các báo chí hồi ấy. Lại một đợt sục vào các thư viện trong Nam ngoài Bắc và cả tủ sách của các văn nghệ sĩ trí thức Sài Gòn. Cũng là cái duyên may, trong một đôi lần gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Nguyên (tức Nguyễn Ngọc Lương, nguyên chủ nhiệm tờ tuần báo Tin văn rất nổi tiếng ở Sài Gòn hồi 1966-1967), khi biết chúng tôi đang tập hợp tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, anh đã cho 3 chương đầu của tiểu thuyết Người tù được tha. Các anh Phan Kim Thịnh, Thế Nguyên, Nguyễn Văn Trung … cũng rất nhiệt tình giúp đỡ, cho mượn sách báo, tạp chí.
Anh Mạnh viết bài giới thiệu, in đầu sách. Bài viết rất công phụ, rào đón kỹ lưỡng. Phải “rào trước đón sau” kỹ vì hồi ấy mới rục rịch đổi mới chứ có như mấy năm sau đâu. (Ngay việc lấy ý kiến của cơ quan có trách nhiệm, anh Lý Hải Châu cũng phải “xuất tướng”, và với cách làm rất khôn khéo không tiện viết ra đây). Về Vũ Trọng Phụng, anh Mạnh chuyên sâu hơn tôi nhiều, nhưng viết xong bài giới thiệu anh vẫn yêu cầu tôi đọc lại kỹ, thật kỹ, với tinh thần “chẻ sợi tóc làm tư” để tránh “tai nạn lao động”. Tôi nhớ, anh cứ nhắc đi nhắc lại ý đó. Bản thảo hoàn thành tháng 7-1986. Đầu tháng 8, tôi đưa gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Một ngày rưỡi ngồi xe lửa xuyên Việt, tôi đọc lại toàn bộ bản thảo đã đánh máy, sửa được không ít lỗi kỹ thuật. Vào đến Sài Gòn, tôi tìm gặp ngay anh Hoàng Lại Giang – trưởng chi nhánh nhà xuất bản Văn học. Anh Giang đã được anh Lý Hải Châu trao đổi kỹ, vả lại anh vốn là con người của đổi mới, miệng nói tay làm, nên anh cho triển khai một cách khẩn trương và khá độc đáo: 3 tập in tại 3 nơi, nên tiến độ in rất nhanh, xong cùng một lúc và phát hành khá gọn lẹ. Người đọc đón nhận nhiệt tình, sách nhanh chóng được tái bản. Cơ quan chủ quản cấp trên của nhà xuất bản không có ý kiến gì. Bây giờ thỉnh thoảng có dịp xem lại bộ Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tôi không khỏi buồn cười: 3 tập, 3 màu giấy đen trắng, dầy mỏng khác nhau. Cọc cạch quá! Điều quan trọng là nó không bị “thổi còi, thẻ đỏ” – điều mà như trên đã nói, anh em tôi hồi hộp từng ngày tưởng muốn rụng tim. Mấy năm gần đây, tuyển tập và cả toàn tập Vũ Trọng Phụng (thực ra đã đủ đâu mà gọi là toàn tập!) in ra hơi bị nhiều. Thế nhưng bộ sách chúng tôi làm, ra mắt bạn đọc hồi tháng 10-1986 vẫn có ý nghĩa, giá trị riêng: nó mở đầu cho việc “chiêu tuyết” cho nhà văn đa tài nhưng yểu mệnh họ Vũ và góp một chút xíu vào bước khởi đầu cho công cuộc đổi mới trong văn học nửa cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Quan hệ bằng hữu với Nguyễn Đăng Mạnh trong ngần ấy năm, cộng tác thân mật về chuyên môn với anh trong không ít vụ việc, tôi thấy không có gì vướng gợn. Chúng tôi biết nghe nhau, phối hợp khá ăn ý. Chuyện viết lách, cả hai đều nghiêm túc cẩn trọng, nhưng luôn coi nó là một cuộc chơi tao nhã, không quá quan trọng hoá nó. 45 năm là bạn, và những ngày tới có thể còn rất dài nữa chứ! Đó quả là một trong những niềm vui, ít nhất là của tôi. Ngồi viết những giòng này, tôi nghĩ lan man đến nhiều kỷ niệm khác. Chẳng hạn cái “hạn” của anh năm 1980 ở Sài Gòn: anh bị xuất huyết bao tử và phải điều trị tại bệnh viện Trưng Vương hơn 2 tuần. Tôi điện xin ý kiến ông Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội, rồi ở lại, hằng ngày đạp xe vào viện. Chẳng có tác dụng gì to tát, nhưng để ít nhất anh đỡ cô đơn. Những ngày ấy, cũng khối chuyện thuộc loại “bí mật” đáng được công bố, nhưng phải xin tự kiềm chế thôi.
Dịp này, mừng anh bước vào tuổi bát thập, tôi cứ tin 10 năm nữa, sẽ được mừng anh đến ngưỡng 90, như chúng tôi mới mừng 2 vị giáo sư Lê Trí Viễn – Hoàng Như Mai. Tôi lại cả tin, với sức sống rất mạnh của anh, đồng nghiệp, bằng hữu và các thế hệ học trò của anh 20 năm nữa sẽ có dịp họp mặt mừng GS Nguyễn Đăng Mạnh tròn 100 tuổi, như chúng tôi ở TP.HCM đang chuẩn bị mừng ông thầy khả kính của mình – GS Trần Văn Giàu – vào dịp đầu xuân Canh Dần sắp tới.