Những góc nhìn Văn hoá

Trớ trêu trí thức, bẽ bàng tình nhân*

Thân phận trớ trêu ai bằng  Nguyễn Trãi?Ông như con công khoa bảng lạc giữa đàn gà chọi võ biền, không phải đá thì cũng phải đạp”,  không chỉ một lần, nhân vật Nguyễn Thị Lộ nơm nớp lo âu cho tình nhân. (Từ đây tới cuối bài, xin lược bỏ từ nhân vật. Bởi,  không riêng bà Lộ mà tất cả nhân vật khác, từ người Việt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi cho tới tướng Ngô, Vương Thông, Thái Phúc…  đều là nhân vật trong Hội Thề. Các con người này từng sống thật trong lịch sử hoặc chưa từng có  ngoài đời, nhưng tất cả, đều bước vào cuốn tiểu thuyết thông qua nhãn quan và bàn tay nhào nặn của nhà văn).

Rời thành Đông Quan, Nguyễn Trãi đã  thấy trước mai hậu kết cục bi thảm của mình: “…Cây cung này sẽ bắn hạ được con thỏ kia, nhưng khi thỏ chết thì cung bị bẻ gãy!”. “Cung gãy cũng đành, miễn là hạ được thỏ”- Ông quyết dấn thân vì nghĩa lớn. Và cái đêm mưa gió não nề ấy, Nguyễn Trãi trốn khỏi thành Đông Đô, tìm tới với nghĩa quân Lam Sơn. Kế sách Bình Ngô được chấp thuận, thực thi. Nhưng “đàn gà chọi” tới tấp đá “con công” lắm phen rụng lông sứt mỏ. Kẻ vô học tham lam với người tài cao học rộng như nước với lửa. Các dũng sĩ Lam Sơn đều xông pha trận mạc, lăn lộn vào sống ra chết tự buổi đầu, họ không thể hòa hợp với gã nho sĩ Bắc Hà trói gà không chặt, nhập cuộc giữa chừng mà được minh chủ ban ơn ăn trên ngồi trước…Bọn Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Vấn thù ghét Nguyễn Trãi ra mặt. Bất kỳ ở đâu, giữa cuộc bàn thảo việc quân, hay bên bàn rượu thù tạc, hễ đôi bên chạm trán là tóe lửa. Khi miệt thị. Khi xúc xiểm. Cả khi thắng lợi gần kề còn rắp tâm mưu hại: “Đêm hôm ấy (Lê Ngân tiếc rẻ nhắc lại cơ hội cái buổi tối Nguyễn Trãi bị Lê Lợi sai Phạm Vấn giam lỏng) mà vào tay tôi thì một cơn nhồi máu là xong!” Sắp vào tiếp quản Đông Quan, họ còn ma mãnh bày cho trẻ rêu rao bài đồng dao bêu riếu đời tư và xuyên tạc chủ thuyết hòa hiếu lấy đại nghĩa thắng hung tàn của Nguyễn Trãi: “… Ông nghẻ ông nghè/Ông đè bà chiếu/Ông thiếu lá gan?Ông gàn bát sách/Ông lắc đánh giặc/Ông gặt công hầu/Ông câu cá lớn/Ú tim ập òa…” 
Mối quan hệ tôi hiền vua sáng giữa Nguyễn Trãi với Bình Định Vương càng trớ trêu. Lê Lợi tri ân sách Bình Ngô đưa ông tới thắng lợi trọn vẹn. Nhưng, ông đãi Trãi như thượng khách mà không bao giờ coi là tâm phúc. Ông trọng dụng Trãi nhưng luôn nghi ngại, đố kỵ. Thậm chí, ghen tức cả chuyện Trãi có được Thị Lộ. “Minh chủ”  đôi lần buột miệng trách trời ở  bất công, nước chảy hoài chỗ trũng, Trãi đã tài ba lại vớ được cô nàng văn hay chữ tốt, nữ công gia chánh vẹn toàn. Chính bà Lộ khuyên Trãi chớ gần vua mà khó yên thân, và Trãi cũng chua chát nghĩ rằng Bình Định Vương là minh quân nhưng không hề là hiền vương. Hôm nay cùng nếm mật nằm gai nhưng mai sau khó chia ngọt sẻ bùi. Và giữa niềm vui ngất ngây ngày toàn thắng, Nguyễn Trãi đã bất an mường tượng đại họa làm ma cụt đầu 14 năm sau.
Trong tiểu thuyết Hội Thề, thân phận trớ trêu của người trí thức càng nổi rõ nhờ  được đặt trên cái nền bi khốc bẽ bàng của thân phận tình yêu. Có bốn mối tình, bốn cặp tình nhân, thì đều kết thúc bi thương. Nhưng sắc thái và dư vị khác hẳn nhau, thậm chí đối nghịch nhau.
Nguyễn Thị Lộ giữa đám tráng sĩ Lam Sơn, hoa giữa rừng gươm. Chính Lê Lợi nhiều lần phải nhắc Trãi dè chừng cặp mắt hau háu thèm khát của  cả tướng Việt lẫn tướng Ngô. Oái oăm thay, đệ nhất hau háu lại là cặp mắt “minh chủ”! Ngay chương đầu cuốn truyện, bạn đọc “bắt quả tang”,  khi Nguyễn Trãi bận việc vua sai lên Ải Bắc, Lợi đã gọi Lộ vào hầu, liếc, ngửi, và “nhìn bà, giống như khi ông muốn xé con gà luộc bốc hơi nghi ngút…” Rồi Trãi về, được ân sủng vua ban củ sâm lấy sức gần vợ. Nhưng Trãi còn phải chong đèn “từ mệnh” vua, thảo thư dụ hàng, mặc Thị Lộ âu yếm khơi gợi, ca cẩm “thiếp làm gái góa đã nửa tuần trăng”. Trong khi nàng sửa sọan rượu tẩy trần và chỉ mong được chồng kéo lên giường, thì Trãi không hỏi lấy một câu, mà múa bút lôi tất cả vào trận cuồng phong của chiến chinh. Cuộc tình manh nha tuyệt đẹp tại Tây hồ “Nàng ở đâu ta bán chiếu gon…”, thương thay hủy diệt ở Lệ Chi Viên, khi bà Lễ Nghi Đại học sĩ phải tiếp tục hầu hạ… vua con, dẫn tới thảm án tru di tam tộc.
Song, thê thảm tới mức không hiểu nổi là đoạn kết cuộc tình Bình Định Vương- hoàng hậu Ngọc Trần. Ném vợ  xuống vực sâu để tế thủy thần! Hơn một trăm năm trước đó, công chúa Huyền Trân suýt bị hỏa thiêu chết theo vua Chiêm Chế Mân. Dù dã man, nhưng còn lý giải được. Ấy là theo tục lệ nước Chiêm. Và là vợ chết theo chồng. Đằng này, là quẳng người vợ yêu dấu xuống vực sâu dâng cho thủy quái. Mà Ngọc Trần là ai? Là thiếu phụ sắc nước hương trời, tính nết cứng cỏi như con trai, mơ mộng như nhà thơ. Là bậc mẫu nghi sinh hạ thái tử Nguyên Long sau này nối ngôi Lê Thái Tổ. Quả là không tiền khoáng hậu, thảm kịch tuyệt sắc giai nhân hủy họai tấm thân ngà ngọc trọn kiếp hầu hạ một lão thuồng luồng dị hợm tanh hôi ất ơ nào đó. Để làm gì? Để đánh đổi, đưa chồng con leo ngôi cửu trùng. Cứ ngỡ tột đỉnh cao sang, nào ngờ ngai vàng là cái ghế quả báo độc địa chầm chậm giết người. Ông chồng không sống sót tới tuổi tri thiên mệnh. Thằng con thảm hại hơn, bất đắc kỳ tử trước tuổi hai mươi thực sự làm người!
Buông sách rồi, mà không dứt nổi ám ảnh hai cuộc tình bi phẫn.
Đối nghịch hoàn toàn, trong Hội Thề, lạ thay, là cuộc tình của hai tướng Ngô bại trận với hai cô gái Việt số kiếp tưởng chừng hẩm hiu. Chỉ cần mươi  trang bay bổng với đôi nét chấm phá đã để lại bao dư vị ngọt ngào! Bại tướng Thái Phúc, mười năm trận mạc “hết Thanh Hóa tới Nghệ An không hề biết mùi đàn bà…”, trong tuần cuối cuộc chiến đã ra tay cứu vớt nàng kỹ nữ “ả đào đệ nhất” chốn kinh kỳ bị tên a đầu cưỡng bức lưu lạc vùng biên. Cuộc hạnh ngộ của đôi tri kỷ trai tài gái sắc lờ lững trên đò xuôi sông Nhị, có tiếng cười rúc rích xác thịt trần tục, có tiếng đàn cò, ca cổ thánh thót thanh tao. Có thế thôi, mà mãi không nguôi. Trang cuối sách khép lại, nàng kỹ nữ “khuôn mặt tươi tắn như một bông bạch trà dưới ánh sáng mờ ảo trong góc vườn đêm hội” còn mở dòng ký ức hôi hổi: “Hôm tiễn Thái quân về nước, thiếp và ông ấy cùng khóc hết nước mắt”.
Giây phút chia tay giữa bại tướng Vương Thông với cô gái bản xứ còn dữ dội hơn nhiều. Nàng chỉ là một thôn nữ Đại Việt mà Vương thái thú sau trận tao ngộ chiến, trên đường lui quân, ngẫu hứng quờ tay hốt lên yên ngựa mang về thành. Nhưng chỉ một nàng, chăn chiếu cả năm. Ngày tận thế tuyệt vọng cơ đồ sụp đổ ở Đông Quan, Vương Thông tìm tới tình nhân. Mê đắm hung bạo như dã thú vầy vò: “nàng hãy điên với ta lần cuối, hãy phi ngựa trên mình ta…” Tưởng chừng bướm chán ong chường, rồi ra cô thôn nữ sẽ bị vứt bỏ như cọng rau héo. Nhưng không. Khoảnh khắc sau cuộc làm tình lần chót, một chéo khăn mỏ quạ bọc đầy vàng bạc châu báu đặt vào tay người tình. Hai trăm kỵ binh gươm giáo sáng lòe rầm rập chờ ngoài cửa. Tổng binh thân chinh đột phá vòng vây trùng điệp. Vương Thông, tay trái ôm chặt cô gái, tay phải tuốt kiếm, dẫn đầu đoàn kỵ binh mở đường máu phóng qua Cửa Bắc. Trận đột kích xéo lên hòa ước diễn ra ngay đêm trước Hội Thề lịch sử. Vương thái thú xông pha liều mạng sống, bởi không đang tâm bỏ mặc tình nhân. “ Ta cướp nàng ở chỗ nào thì đưa nàng nguyên lành trở về chỗ ấy với cha mẹ nàng!”
Nguyễn Quang Thân ơi, nhà văn nhắm nhe điều gì khi công phu tỉa tót đối sánh bốn cuộc tình trớ trêu? Có phải đây chính là sự đối sánh chuyên biệt  một góc sâu lắng của tình yêu nhân loại, giữa hai hạng người? Một đằng là người thắng, đại thắng, trong tay có tất cả, duy chỉ tình nhân yêu dấu nhất đời là nhẫn tâm mang làm hòn đá lót đường tiến thân, làm khí cụ tranh giành ngôi báu, đâu còn nữa! Một đằng là người bại, đại bại, trong tay không còn gì hết. Chỉ còn tình yêu ở lại…
_______________________________________________
 (*)  Đọc tiểu thuyết lịch sử HỘI THỀ của NGUYỄN QUANG THÂN , NXB Phụ Nữ- Hà Nội 2009   

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512791

Hôm nay

2328

Hôm qua

2400

Tuần này

2728

Tháng này

219664

Tháng qua

121356

Tất cả

114512791