Những góc nhìn Văn hoá

Chữ "Tâm" trong phòng khách một nhà văn (Phần I)

                                                                                                                   Pour comprendre un système,

                                                                                                                   la première confdition est d’y entrer,

                                                                                                                     mais la senconde est d’en sortir.

                                                                                                                      Professeur Jules LACHELIER
 
 
Trong chuyến về Hà Nội vừa qua, tôi được một người anh em thúc bá gợi ý đến thăm nhà văn Sơn Tùng. Tôi là kẻ theo quy luật “rừng nào cọp nấy” nên dễ dàng chấp nhận mọi gợi ý của anh em, bạn bè khi những gợi ý đó không bị dội ra từ bản tâm tôi. Tôi được nghe phương danh Sơn Tùng trong chuyến về Hà Nội lần trước nhưng chỉ mới được làm quen với nhà văn qua một bài viết ngắn về một vị tướng lãnh đã thành danh.
 

 
Tôi đã đến để vui ngày xuân muộn với nhà văn Sơn Tùng trong một đêm trăng non rét ngọt. Vừa mới bước vào phòng khách thì tôi bị khựng lại vì thấy sẽ phải đối ẩm với nhà văn trong cái thế ngồi “truyền thống”. Đó là thế ngồi rất chững chạc, “xếp chân bằng tròn” trên chiếu hoa cạp điều. Nhưng rất tiếc, tôi là kẻ “thất cước”hơi sớm nên không có dịp để thưởng thức những cái thứ đó và ngày nay, khi đang đi những bước đầu tiên của cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” thì dù có khổ công tu luyện cũng không ĐẾN. Và nếu có ĐẾN nữa thì cũng “ĐẾN mà chẳng ĐẾN”.
Nhà văn Sơn Tùng tiếp khách bằng rượu xuân, một loại rượu có nồng độ khá cao. Về vấn đề rượu chè thì tôi không cùng một quan điểm với Thuần Vu Khôn khi “bông lơn” với Tề Uy Vương trong Hoạt Kê Liệt Truyện của Sử ký nhưng rượu chè thì quả là không xa lạ vì gần suốt đời người đã ở trong cái nghề được các cụ khoa bảng ơ trường Đại học miền Nam trước đây mang cho một cái tên nghe thật “thơm” nhưng cũng có lúc “nhột”: “Chính Trị Kinh Doanh” (Business Administration). Tuy là không xa lạ nhưng có lúc ngồi uống một chén cũng “muốn” say, có lúc uống với nhau trắng đêm cũng chưa say. Cái đó tùy cảnh ngộ.
Nhà văn Sơn Tùng có phong thái “những người muôn năm cũ”. Với nụ cười phảng phất, giọng nói nhỏ nhẹ mang một âm điệu đằm thắm thiết tha. Thỉnh thoảng lại đưa tay phác một chử chỉ như “những nét thủy mạc”. Nhà văn Sơn Tùng nói chuyện phải chăng, không thừa mà cũng chẳng thiếu và nhất là đã dừng lại những chỗ đáng để cho người nghe thấm cái “ý mênh mông ngụ trong lời ngắn ngủi” chứng tỏ là một con người giữ được chữ TRUNG trong lúc nói chuyện, nghĩa là biết đứng ở giữa, không chênh lệch, nghiêng ngả. Có điều đáng quý là nhà văn không coi tôi là “người lạ mặt”. Tôi ngồi nghe, thỉnh thoảng có đệm vào đôi chút như những nét dương cầm phụ họa cho một vài giai điệu và cũng có ý gửi một tín hiệu là nhà văn đang nói chuyện với một người cùng mang một tần số.
Thái độ “đứng chính trong thiên hạ” của nhà văn trong lúc nói chuyệ làm tôi liên tưởng đến chữ TRUNG trong “Bài Bia ở quán Trung Tân” của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là chữ TRUNG trong sách Trung Dung. Chữ TRUNG đó bao hàm cái ý của HÒA vì có HÒA mới TRUNG được. Chữ TRUNG đó lại có THỂ và DỤNG. THỂ là cái thái độ sáng suốt, ngay chính, không chếch lệch. DỤNG là thi hành ra thì làm việc gì cũng chính xác, không thái quá và cũng không bất cập. Nhà đại nho Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sống trong thời đại:
            Mưa vây tám nẻo tù chân bướm
            Mà gió xoay chiều loạn núi sông!
Nên đã gặp sự khó khăn trong việc chọn lựa. Đành rằng tài học có thừa, mà phải đợi đến cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” để cho nhà Mạc có cái thế vững vàng rồi mới ra ứng thí và làm quan. Nhưng nhà Mạc vẫn ở cái thế chênh vênh, tứ bề thọ địch. Nguyễn Bỉnh Khiêm biết rằng rồi đây nhà Mạc cũng “chẳng làm nên cơm cháo gì” nên đã có những cố gắng ngoạn mục để cứu vãn nhà Mạc và giữ hào khí của kẻ sĩ là dâng sớ đàn hặc, xin chém lộng thần nhưng không được chấp thuận nên xin về trí sĩ. Về sau vì không chịu nổi “sức ép” của nhà Mạc nên phải trở lại “xênh xang trong mũ áo Mạc triều” cho đến năm 70 tuổi. Với quan niệm “Chính, Ngụy” phất phơ của phong kiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bị kẻ sĩ đương thời mỉa mai nên đã tự lập bia mình để tỏ cho đời biết đạo hạnh của mình là một việc làm dễ hiểu. Đành rằng việc làm ấy cũng mang tính chất tự biện nhưng ở trường hợp Nguyễn Bỉnh Khiêm thì lại được hậu thế chấp nhận.
Từ chữ TRUNG trong bài bia ở quán Trung Tân tôi nghĩ đến thái độ của nhà văn Sơn Tùng trong lúc nói chuyện và từ thái độ của nhà văn trong lúc nói chuyện tôi nghĩ đến bản tâm của nhà văn. Bỗng tôi ngẩng đầu lên nhìn vu vơ vào bức tường đối diện thì bắt gặp một chữ TÂM treo trên tường. Một chữ TÂM đen viết trên giấy đỏ được lồng vào một cái khung có lẽ cũng màu đen. Đợi cho nhà văn ngưng một lát rồi tôi nói: “À, chữ TÂM”.
Tôi suýt buột miệng nói đây là chữ TÂM viết theo kiểu Lệ nhưng nhớ ngay ra đây là phòng khách nhà văn Sơn Tùng nên tôi nói chệch ra: Chữ TÂM vuông. Theo sự hiểu biết mỏng manh của tôi thì Hán tự có bốn loại thư pháp chính là Triện, Lệ, Khải, Thảo. Các loại thư pháp khác chỉ là những loại phụ của bốn loại này. Chữ Triện dùng để trang hoàng hay làm con dấu; chữ Lệ dùng để trang trí hay viết lên đá; chữ Khải là loại chữ chân phương mà chúng ta thường thấy trong sách vở hay báo chí; còn chữ Thảo thì được dùng như một nghệ thuật viết chữ. Cũng theo sự hiểu biết mỏng manh của tôi thì vào cuối đời Tần mạt hay Hán sơ gì đó, Trịnh Mạo đã dùng một loại gỗ vuông để tạo thành một loại bút chấm vào sơn mà viết trên lụa. Bởi vậy các gốc của chữ Lệ có những nét gãy vuông và các nét to nhỏ tùy theo thế chữ và tay bút ấn xuống hay hất lên.
Tôi tránh né vì sợ nói đây là kiểu chữ Lệ thì nhà văn Sơn Tùng có thể suy diễn ra là tôi đã nghĩ rằng nhà văn treo chữ TÂM để trang trí cho vui cửa vui nhà. Ở một phòng khách nào đó thì tôi đã nghĩ như vậy nhưng ở nhà ông Sơn Tùng thì khác. Khác hẳn. Nhà văn Sơn Tùng ngừng một lát rồi tiếp tục nói. Câu chuyện càng dần càng đi vào chiều sâu của vấn đề nhưng nhà văn Sơn Tùng vẫn giữ được chữ TRUNG – chữ TRUNG trong thuyết TRUNG DUNG của Nho giáo.
Đêm đã về khuya, tôi xin cáo từ ra về. Sau khi ra về, lòng tôi miên man nghĩ về chữ TÂM của Nho giáo. Tôi nghĩ rằng nhà văn Sơn Tùng chẳng những hằng ngày đối diện với chữ TÂM này mà lại còn đối thoại với chữ TÂM này trong những đêm dài khó ngủ.
***
Học thuyết Nho giáo có hai phần: phần Siêu hình là phần Hình nhi thượng và phần Nhân sinh là phần Hình nhi hạ. Phần Hình nhi thượng là phần tâm truyền nói những lời lẽ huyền bí về tạo hóa, chỉ để riêng cho một số người tự lĩnh hội lấy cái đạo lý sâu sa ấy; còn phần Hình nhi hạ học là phần công truyền, bàn về triết học nhân sinh, thì dạy chung cho thiên hạ. Trong phần triết học nhân sinh, tu thân là phần cực kỳ quan trọng “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nhưng muốn tu được thân thì phải giữ cái tâm cho chính. Tâm có chính thì mới giữ được sự “trung hòa” vì có “trung” thì tâm mới được cân bằng và có “hòa” thì tâm mới được thư thái.
Cái học tàm nguyên về nguồn gốc sự vật của Mạnh Tử là TÂM – TÍNH – LUẬN nên mọi chủ yếu của Mạnh Tử đều xoáy vào chữ TÂM và chữ TÍNH. Nhưng trước khi muốn hiểu Mạnh Tử bàn về chữ TÍNH chúng ta cần phải nhận thức là khi nói đến “tính thiện” Mạnh Tử muốn nhấn mạnh về cái bản chất trời sinh của con người luôn luôn bao hàm một “khả năng tính” của thiện và khi nói cái thiên lý Trời phú cho tức là nói cái bản nguyên của TÍNH chứ không nói đến cái TÍNH theo nghĩa chúng ta thường dùng là tính dục, gồm cả nết đẹp, tật xấu. Đó là điểm khác biệt giữa Mạnh Tử và những nhà phân tích tâm lý học về TÍNH. Cái mà Mạnh Tử gọi là TÍNH chỉ là chất liệu vốn có trong con người vì thế nên chữ TÍNH và chữ TÌNH trong sách Mạnh Tử có thể dùng để thay thế cho nhau. Sau này Đổng Trọng Thư viết nơi thiên Thâm-Sát Danh-Hiệu trong Xuân-Thu Phồn-Lộ cũng có nói: “Như cái tư chất tự nhiên sinh ra thì gọi là TÍNH. TÍNH là chất vậy. Lại nói: Cái mà thiên địa sinh ra thì gọi là TÍNH TÌNH. TÍNH cũng là TÌNH vậy”.
Về “tính-thiện-luận” Mạnh Tử đã lĩnh hội được tư tưởng “một âm một dương gọi là đạo, cái nguyên lý của đạo ấy phát ra thì tốt lành, cái tốt lành ấy – tức là cái đạo ấy – cụ thể hóa ở người – và ở vạn vật – thì gọi bằng TÍNH” trong Kinh Dịch [1]. Ngoài ra Mạnh Tử còn lĩnh hội được tư tưởng trong Luận Ngữ là “người ta lúc sinh ra thì tính vốn thiện, nhưng vì do sự tập tành và thói quen nên dần dần khác nhau[2] và tư tưởng “mệnh trời là TÍNH, suất tính ra gọi là đạo, tu sửa đạo gọi là giáo” trong Trung Dung [3]. Từ những căn bản tư tưởng của tiên nho, Mạnh Tử đưa ra những luận điểm sắc sảo là bản chất của con người đều có đầy đủ các quan năng [4] do Trời sinh và nhờ những đầu mối thiện đoan là trắc ẩn chi tâm (lòng thương xót), tu ố chi tâm (lòng thẹn ghét), từ nhượng chi tâm (biết kính nhường) và thị phi chi tâm (biết phải trái) đều ở trong lương năng lương tri của mỗi chúng ta nên khi có dịp kích thích thì phát ra ngay. Với Mạnh Tử, những quan năng thiện đoan, lương năng và lương tri đều bao hàm trong cái gọi là TÍNH. Nhưng tại sao con người lại trở nên bất thiện? Mạnh Tử lý giải rằng con người sở dĩ bất thiện là do ở sự “bất năng tận kỳ tài” nên không thể làm nẩy nở cái thiện căn bản cố hữu vì do ảnh hưởng của ngoại cảnh, do ở sự “tự bạo, tự khí” nghĩa là tự hủy hoại cái khả năng hướng thiện của mình và sau cùng là do ở sự nuôi dưỡng cái phần bỉ tiện mà xao nhãng cái phần cao đại trong mỗi một chúng ta.  
Từ căn bản TÍNH là bản nguyên do Trời phú cho, Mạnh Tử kết luận TÍNH là “chí linh chi diệu” và từ căn bản TÍNH là “chí linh chi diệu” Mạnh Tử lập ra một triết lý: Tâm học Triết lý.
Mạnh Tử lập luận con người có TÍNH ấy tất có TÂM ấy. Bởi vậy TÂM và TÍNH chỉ là một và TÂM là chủ thể tinh thần trong con người, là cái thần minh Trời cho mỗi một chúng ta. Vậy TÂM với TRỜI cũng là một và gọi nó là THIỆN TÂM, là ĐẠO TÂM, là LƯƠNG TÂM. Cái TÂM đó bao hàm cả LƯƠNG NĂNG và LƯƠNG TRI. Vậy TÂM là cái thần minh có đủ mọi LÝ để ứng xử với mọi tình huống và TÍNH là cái LÝ của TÂM. Chủ thuyết căn bản của Mạnh Tử mọi điều hay lẽ phải đều ở cái TÂM. Vậy sự học mà ông xiển dương là TỒN TÂM, giữ cho TÂM được hư linh luôn luôn bằng cách làm điều nhân nghĩa. Bậc quân tử hơn người là vì biết lấy nhân mà giữ cái TÂM và cũng biết lấy nghĩa mà giữ cái TÂM. Cái TÂM mà Mạnh Tử xiển dương là LƯƠNG TÂM con người vì con người có LƯƠNG TÂM thì mới biết điều nhân nghĩa, lẽ phải trái, nghĩa là có LƯƠNG NĂNG và LƯƠNG TRI vì khi đã có LƯƠNG NĂNG thì không học mà vẫn biết đường ứng xử và có LƯƠNG TRI thì không suy nghĩ mà vẫn biết lẽ phải trái.
            (Còn nữa - kỳ sau đăng tiếp)
 
 
 



[1] : Nhất âm nhất dương chi vị đạo, kế chi giả thiện dã, thành chi giả tính dã – Kinh Dịch, Hệ Từ truyện, chương V.
[2] : Tính tương cận dã, tập tương viễn dã – Luận Ngữ.
[3]: Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo – Trung Dung.
[4]: Quan năng là cái bản năng của khí quan như tai để nghe, mắt để thấy (Tương đương với chữ Fonction trong tiếng Pháp).

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512790

Hôm nay

2327

Hôm qua

2400

Tuần này

2727

Tháng này

219663

Tháng qua

121356

Tất cả

114512790