Những góc nhìn Văn hoá

Lịch sử tư tưởng Việt Nam thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX (Đề cương chi tiết)

I. Độc tôn Nho giáo để giữ quốc gia thống nhất và củng cố chuyên chế
1. Một cục diện thống nhất từ trước chưa có
Nguyễn ánh đánh bại Tây Sơn, làm chủ một đất nước từ Lạng Sơn đến Hà Tiên. Đó là lãnh thổ rộng lớn và thống nhất từ trước chưa bao giờ có. Không chỉ xóa bỏ sự chia cắt Đàng Trong và Đàng Ngoài, giữa đất đai của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, điều đã thực hiện dưới thời Tây Sơn mà Gia Định, Hà Tiên, trước đây Nguyễn Lữ đã để mất vào tay Nguyễn ánh cũng đã nhập lại. Cảnh tượng thống nhất đất nước không chỉ gây cho nhân dân cả nước cảm giác về một kỷ nguyên thái bình thịnh trị mà gây cho triều đại cầm quyền một hào khí về sự hùng cường, kích thích tham vọng to lớn cho các vua đầu đời Nguyễn. Họ Nguyễn lên làm vua mang sẵn bản chất quý tộc, đại địa chủ, mặc cảm tội lỗi bán nước và thất tín, thất dân tâm nên có tâm lý nghi kỵ, nghi kỵ nhân dân và nghi kỵ vùng Đàng Ngoài. Qua một thời gian lâu dài bị chia cắt, đất nước tuy đã quy về một mối, nhưng vấn đề thống nhất chưa phải đã giải quyết xong. Các vua đầu đời Nguyễn nỗ lực tiến hành việc hợp nhất, áp đặt chính quyền tập trung chuyên chế, khuất phục nhân dân các vùng và xâm lược các nước láng giềng để gây thanh thế.
Những công việc mà Gia Long và Minh Mạng tiến hành như bỏ trấn lập tỉnh, giết công thần, đặt Nội các, ban bố Luật Gia Long, quy định các thể chế chính trị-xã hội. ..đều nhằm mục đích đó.
2. Độc tôn Nho giáo
Nhằm bảo vệ sự chuyên chế cực đa nghi, nhà Nguyễn sử dụng một bộ máy quan liêu to lớn, dùng Nho thần thay thế các công thần. Cho nên ngay từ đầu đã quan tâm mở rộng học và thi, quan tâm việc đề cao Nho giáo.
Trong mấy chục năm đầu đời Nguyễn, các vua hạ lệnh biên soạn nhiều côn trình địa lý, lịch sử, giáo khoa khá đồ sộ. Ngoài  ý nghĩa đóng góp lớn cho học thuật, tư tưởng của các bộ sách ấy là đề cao nội dung Đạo Lý Tống Nho. Các vua nhà Nguyễn cũng rất quan tâm đem tư tưởng Nho giáo cải tạo tư tưởng, tổ chức xã hội (ban bố Thập điều). Các Nho thần như Lý Văn Phức cũng theo tinh thần như vậy mà viết Nhị thập tứ hiếu.
Nho giáo thời Nguyễn phát đạt hơn các triều đại trước (số lượng người đi thi, người đậu đạt, số lượng sách vở…)nhưng cũng có khuynh hướng bảo thủ, khắc nghiệt hơn. Nho học ở nước ta vốn đã được truyền bá rộng rãi và lâu đời ở miền Bắc và phát triển theo hướng Đường Tống, từ chương nhiều hơn nghĩa lý. Xu hướng khảo chứng mới có từ cuối thể kỷ XVIII chủ yếu với Lê Quý Đôn và học trò chưa chiếm ưu thế. ở miền Nam Nho học phát triển chậm hơn và hẹp hơn nhưng lại trực tiếp tiếp xúc với Nho học đời Thanh ở Trung Quốc bằng con đường Hoa kiều. Nhóm Gia định tam gia có ảnh hưởng nhiều đến Nho học đầu đời Nguyễnở Huế, đến các công trình học thuật đời Nguyễn có nguồn gốc học thuật tư tưởng như vậy. Tuy về sau số lượng các nhà Nho miền Bắc chiếm tỷ lệ áp đảo nhưng ý kiến tranh cãi xung quanh cái học từ chương và nghĩa lý, thực dụng và không đàm, học Đại toàn chứ không học Toản yếu…đều là muốn phát triển một thứ Nho học "thực học" nghĩa là có nội dung Tống Nho đầy đủ chứ không phải học để làm văn chương. Thứ Nho giáo nghĩa lý tủn mủn, trung hiếu khắt khe như vậy không chỉ chi phối đám vua quan trong triều đình mà cả các bậc đại sư ở các địa phương, những người đào tạo ra nhiều ông nghè, ông cống, những người về mặt con người xứng đáng có những uy vọng lớn. Nội dung các bài bàn luận về học thuật cũng như nội dung các văn tập thời đó đều là như vậy. Và học để thi Tiến sĩ nên cũng không thể nào khắc phục được khuynh hướng từ chương.
3. Phản ứng với chế độ chuyên chế và Nho giáo khắc nghiệt
Tư tưởng chống đối với chế độ chuyên chế và Nho giáo khắc nghiệt không xuất hiện trong nghị luận của các nhà tư tưởng mà xuất hiện trong văn học. ở thế kỷ XVIII trong ngâm khúc và truyện nôm đã xuất hiện một khuynh hướng nhân đạo chủ nghĩa, chống lễ giáo, đòi hỏi giải phóng cá nhân. Đến đây xu hướng đó lại phát triển cao hơn trong Truyện Kiều  và thơ Nguyễn Du. Nguyễn Công Trứ  đầu tiên là người say mê với nghĩa quân thân, với hào khí nam nhi, say sưa cổ vũ và ra sức phục vụ cho những giáo điều Tống Nho, cho chế độ chuyên chế, nhưng cuối cùng tỉnh ngộ, phẫn uất tố cáo ông Trời hay đố kỵ "trẻ không thương mà già cũng không tha". Cao Bá Quát trẻ hơn cũng hăng hái nhập thế bằng con đường học vấn, cuối cùng cũng uất ức tố cáo thực tế xấu xa đến nỗi nổi lên "làm loạn". Trong những bài hát nói phóng túng của hai người ta có thể đọc được bản tụng ca về tự do, về cá nhân, về thú vui. Khuynh hướng tư tưởng như vậy tạo ra những con người như Nguyễn Quý Tân, Ông ích Khiêm, Nguyễn Hàm Ninh, thời đó rất được hâm mộ. Họ phê phán Trời, Mệnh, giải thích những bất công bằng Nghiệp, nghĩa là vẫn loanh quanh tìm lời giải đáp trong khuôn khổ Tam giáo nhưng rõ ràng là bất bình với không khí ngột ngạt khó thở của thực tế.
II. Sự đụng độ với phương Tây và tình hình gay gắt trong đấu tranh tư tưởng giữa thế kỷ XIX
1. Việt Nam tiếp xúc với Phương Tây
 Phương Tây vào buôn bán và truyền giáo, mở đầu cuộc tiếp xúc với nước ta từ thế kỷ XVI, XVII cả ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Trong khoảng thế kỷ XVI-XVIII các chúa Trịnh Nguyễn đều lợi dụng quan hệ đó mua khí giới và hàng hoá.
Công giáo theo các thuyền buôn mà vào, đi vào quần chúng nghèo khổ, có khi cũng được cả giới quyền quý tiếp nhận, nhưng đối với đời sống văn hóa Việt Nam, công giáo vẫn là cái xa lạ. Tư tưởng Nho Phật bám chắc vào cơ chế gia đình+ làng, họ+chính quyền chuyên chế không để cho công giáo hòa vào đời sống tinh thần của xã hội. Trong cả mấy thế kỷ, tư tưởng Công giáo không thấm vào văn học, nghệ thuật, học thuật. Cũng không xảy ra tranh luận giữa Tam giáo với Tôn giáo mới đó. ở Việt Nam không có một giòng Lan học như ở Nhật Bản.
2. Nhà Nguyễn cấm thông thương và truyền giáo
Nguyễn ánh dựa vào giáo sĩ và thương nhân phương Tây để chống Tây sơn, hiểu sức mạnh kỹ thuật mà cũng hiểu dã tâm của họ. Khi đã giành được nước Gia Long ruồng bỏ các cố vấn. Minh Mạng còn triệt để hơn, dùng đối sách cực đoan; cấm thông thương, giết giáo sĩ, cấm truyền giáo, an tháp giáo dân…Một mặt Minh Mạng-nhà vua, nhà chính trị lỗi lạc nhất của triều Nguyễn-tưởng bằng cách xa lánh, cắt quan hệ, tự cô lập có thể tránh được họa xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây, mặt khác tưởng có thể dùng lý thuyết Âm Dương, Ngũ hành tiến hành các thí nghiệm đuổi kịp khoa học kỹ thuật phương Tây, dùng Nho giáo để củng cố nội bộ.
Qua vài chục năm đến thời Thiệu Trị, Tự Đức, tình hình nghiêm trọng hơn. Một mặt trong nước có nhiều khó khăn hơn, chính quyền suy yếu hơn, mặt khác thực dân quyết tâm dùng vũ lực xâm lược, huy động giáo dân làm lực lượng bạo loạn. Thiệu Trị, Tự Đức, càng áp dụng triệt để chính sách của Minh Mạng càng làm nguy cơ tăng thêm.
3. Ba vấn đề gay gắt trong đấu tranh tư tưởng
Trước nguy cơ của dân tộc, ba vấn đề nổi lên gây tranh luận gay gắt:
- Duy tân hay thủ cựu
- Chính đạo hay tà thuyết
- Chiến hay hòa
Tranh luận không chỉ đóng kín, trong phạm vi vua tôi ở triều đình mà mở rộng ra hỏi kiến quan lại địa phương, làm đầu đề văn sách hỏi kiến sĩ tử. Ba vấn đề đó thành vấn đề của công luận.
4. Nguyễn Trường Tộ và các nhà cải cách
Nhiều người đề xuất những yêu cầu duy tân cải cách, tiêu biểu hơn cả là những lời điều trần của Nguyễn Trường Tộ.
Nguyễn Trường Tộ chủ trương đổi mới ở những chỗ nào? Học phương Tây cái gì? Có thái độ đối với Nho giáo ra sao?  Đó chính là chỗ làm căn cứ để đánh giá tư tưởng duy tân, Âu hóa lúc đó.
Trong thực tế nguy cơ đã quá gần, nhiều người thấy được thực tế nhưng trong tư tưởng chưa ai thoát khỏi quỹ đạo cũ nhìn ra nhu cầu phá bỏ cơ sở kinh tế-xã hội của chế độ chuyên chế giải thoát khỏi Nho giáo. Cải cách cũng chỉ để phú quốc cường binh mà thôi.
III. Pháp xâm lược và nội dung tư tưởng yêu nước cuối thể kỷ XIX
1. Pháp xâm lược và phong trào chống Pháp
Pháp nổ súng xâm lược, nhanh chóng chiếm Nam bộ. Mâu thuẫn dân tộc nổi lên hàng đầu. Vấn đề tập trung ở chỗ chiến hay hòa. Nhân dân cả nước, đứng đàng sau các nhà văn thân địa phương , lần lượt đứng lên chống giặc. Yêu nước, ứng nghĩa thành một tư trào mạnh mẽ khắp đất nước, kéo dài đến mấy chục năm. Mở đầu tư trào đó là ở Nam bộ với Nguyễn Đình Chiểu.
2. Nguyễn Đình Chiểu 
Trước khi viết hịch, làm thơ trực tiếp đứng trong cuộc kháng chiến ở Nam bộ, Nguyễn Đình Chiểu là tác giả truyện Nôm LụcVân Tiên và Dương Từ Hà Mậu. Và sau khi Nam bộ mất vào tay giặc Nguyễn Đình Chiểu là tác giả Ngư tiều vấn đáp. Nguyễn Đình Chiểu đã điều chỉnh  vấn đề của truyện nôm (xu hướng nhân đạo của Hoa tiên, Kiều) giải quyết vấn đề xuất xử theo Đạo, Nghĩa trong tất cả mọi sáng tác của mình từ Lục Vân Tiên cho đến thơ, hịch, Ngư Tiều vấn đáp. Cách phân biệt chính tà, cách giải thích Nhân nghĩa, cách giải thích Đạo của Nguyễn Đình Chiểu là nền tảng của tư tưởng yêu nước của Cụ mà cũng là cơ sở cho lẽ xuất xử của Lục Vân Tiên, của Kỳ nhân sư. Mặt khác nó cũng nhất trí với tư tưởng Âm dương, Ngũ hành trong y thuật, với thái độ chống Phật, Đạo, Công giáo trong Dương Từ Hà Mậu.
3. Tư tưởng Trung Nghĩa trong văn học yêu nước của phong trào Cần vương
Khi vấn đề rõ ràng chỉ còn là đánh hay hòa, vấn đề duy ân cải cách cũng như vấn đề hạnh phúc hay tự do của con người bị gác lại. Càng tích cực kháng chiến càng bảo vệ Nho giáo: dựa vào cương thường mà chống ngoại xâm. Đó là tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu mà cũng là tư tưởng của Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng. Nho giáo trở thành là cái của Thánh hiền, của cha ông, của dân tộc, của truyền thống. Người ta dùng tư tưởng Nho giáo củng cố quan hệ giữa Nước và Vua, giữa Vua và Dân, giữa Độc Lập và đạo Thánh (văn hóa truyền thống) và đề cao trách nhiệm cho chính quyền, cho sĩ phu và cho dân. Trong cái được coi là của cha ông, của dân tộc dùng làm võ khí chống ngoại xâm không có tư tưởng Phật và Lão Trang.
Đáng chú ý là trong bài Hịch của Lãnh Cồ, trong bài biểu của văn thân vùng Nghệ an đã trực tiếp lên án vua đầu hàng, kêu gọi một tinh thần tự nhiệm của sĩ dân, vì nghĩa mà không an mệnh. Nhưng đó cũng chỉ là những biểu hiện đột xuất, không phải là phổ biến trong tư tưởng yêu nước của thời đại.
Tư tưởng Trung nghĩa coi nước và vua là một như vậy còn khá rõ ở những người yêu nước lớp sau như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thành. Mà tư tưởng hành tàng xuất xử mà ta thấy trong tác phẩm và trong cuộc đời thực của Nguyễn Đình Chiểu ta cũng còn thấy ở các nhà Nho lớp sau như Nguyễn Khuyến.
Trong thực tế kinh tế-xã hội chưa xuất hiện cơ sở mới để thay đổi tư tưởng, để chống Nho giáo.
IV. Đông Kinh nghĩa thục và tư trào khải mông đầu thế kỷ XX  
1. Chế độ thực dân nửa phong kiến
Phải mất gần 30 năm thực dân Pháp mới làm chủ được lãnh thổ và chính quyền cả nước. Việc cai trị thuộc địa được tổ chức dần trên những vùng đất chiếm được. Có 3 nét đáng chú ý  là thực dân duy trì chính quyền và luật lệ phong kiến làm công cụ, làm tay sai, với tay xuống nắm lấy thôn xã và tổ chức chính quyền theo lối phương Tây ở các đô thị nhương địa. Khi đã ổn định được tình hình thực dân bắt tay vào khai thác thuộc địa. Việc phát triển thương nghiệp, đường giao thông và các thành phố làm thay đổi khá nhiều bộ mặt kinh tế cả nước. Về văn hóa giáo dục bên cạnh các trường Nho học tổ chức như trước, chính quyền thực dân dùng chữ quốc ngữ ra báo chí, mở trường học từ thông ngôn đến Pháp-Việt, Cao đẳng truyền bá văn hóa Pháp…Một xu hướng tư sản hóa hình thành trước hết ở các thành phố, một xu hướng tư sản hóa kiểu thực dân ở thuộc địa. Với sự đổi mới về kinh tế và văn hóa kiểu đó nước ta tham gia vào quỹ đạo của thế giới hiện đại.
Đời sống đô thị, kết cấu kinh tế-xã hội tư sản, lớp trí thức tân học, sự tiếp xúc với thế giới là những điều kiện mới trong cuộc sống của đất nước.
2. Phong trào Duy tân
Trong tình hình sôi sục của châu á sau cuộc Duy Tân của Nhật bản và Mậu tuất chính biến ở Trung Quốc các nhà Nho trẻ tuổi và yêu nước Việt nam đầu thế kỷ phát động một cuộc vận động duy tân theo gương các nước trên. Đến năm 1907 thì thành lập Đông kinh nghĩa thục và nhiều trường khác theo mẫu đó ở nhiều tỉnh. Trước hết đó là một phong trào yêu nước, một cuộc vận động giành độc lập. Nhưng đồng thời, về tư tưởng đó cũng là một cuộc vận động dân chủ, cải cách văn hóa, một phong trào Khải mông.
Tư tưởng duy tân cải cách văn hóa lan tràn khắp nước vào tận đến cả hoạt động tôn giáo (Kinh Đạo nam).
3. Nội dung tư tưởng của phong trào Khải mông cải cách văn hóa
Những nhà yêu nước trẻ tuổi dầu theo chủ trương bạo động hay cải cách cũng đều gắn yêu nước với duy tân, đều ra sức chủ trương cải cách văn hóa giáo dục, khia dân trí chân dân khí. Lần đầu tiên trong lịch sử các nhà Nho tố cáo nọc độc của cái học khoa cử, đưa người "hủ nho" mà thực tế chính là nhà nho, ra bêu diếu, đả kích. Họ phê phán các nhân vật của xã hội phong kiến, công kích các hủ tục từ ma chay, lễ lạt đến khao vọng, từ cách để tóc đến cách ăn bận. Cái mà họ đề xướng là thay đổi nền giáo dục để đào tạo con người mới. Con người mà họ muốn đào tạo là những công dân yêu nước thương nòi, trọng nghĩa đồng bào, chuộng thực nghiệp, dám mạo hiểm trong trường cạnh tranh. Cách giáo dục vừa nhằm nâng tinh thần (dân khí) vừa nhắm mở rộng tri thức lịch sử, địa lý, khoa học theo kiểu phương Tây. Và biện pháp đầu tiên là dùng chữ quốc ngữ, dịch sách vở Châu Âu ra tiếng Việt. Trong khi phe phán xã hội cũ và con người cũ, các nhà Duy tân lên án không ít những điểm khá cơ bản trong thế giới quan, lịch sử quan, chính trị quan Nho giáo. Thế nhưng họ cũng không lên án Nho giáo, thậm chí vãn rất sùng kính Thánh hiền, coi nó là cái của dân tộc, vẫn chủ trương học chính văn của kinh truyện.
Cách hiểu văn minh, văn hóa Phương Tây và cách nhìn truyền thống văn hóa dân tộc của họ quy định trình độ tư tưởng dân chủ của họ.
Trong lịch sử đầu thế kỷ, tư tưởng các nhà Nho duy tân có vận mệnh vài chục năm, biểu hiện không giống nhau ở một số đại biểu. Qua thời gian vài chục năm đó nó đi từ là cách mạng , tiền tiến đến lạc hậu bảo thủ và người nào cũng trải qua quá trình bắt đầu từ giác ngộ từ bỏ Nho giáo, say mê văn minh phương Tây đến nói suông, lạc lõng, không am hiểu và "lại giống" trở về là nhà Nho.
Có vị trí mở đầu là Nguyễn Thượng Hiền, trên dưới 20 tuổi đã đậu thám hoa, Hoàng giáp, là một trong những người đầu tiên đọc và truyền bá Tân thư. Thơ văn thời trẻ của ông chứa chan lòng trung nghĩa và xúc cảm của người ẩn sĩ giữ khí tiết. Sau khi được cảm hóa vì tư tưởng mới, ông hăng hái hô hào hợp đoàn doanh sinh, đốt văn tập, lên án văn chương cử tử rồi xuất dương cứu nước. Tiếp theo Nguyễn Thượng Hiền là cả một thế hệ mà hai người tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Hai người nhận thức khác nhau, chủ trương khác nhau và phát triển theo hai đường khác nhau. Hai cụ Phan trở thành lãnh tụ của cả phong trào lúc đó, và cũng là đỉnh cao nhất của tư tưởng yêu nước, tư tưởng duy tân, tư tưởng khải mông lúc đó.
Vào những năm 10 của thế kỷ các nhà yêu nước người thì xuất dương, người thì vào tù. Thực dân Pháp đề phòng tái diễn những phong trào như vậy cho tay sai ra mở trường (như Đông Kinh nghĩa thục), mở báo (như chủ trương của các nhà Duy Tân), dịch sách , giới thiệu văn minh phương Tây (như chủ trương của các nhà Duy Tân). Nhưng việc làm của nhóm Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ là biến cải cách cách mạng thành cải lương, biến học tập văn minh phương Tây thành tuyên truyền và đề cao văn hóa Pháp, đưa yêu nước giành độc lập vào con đường xây dựng quốc văn.
Đầu những năm 20 các chí sĩ như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng từ nhà tù Côn Đảo được thả về. Họ lại hăng hái tiếp tục công việc bị tù đày gián đoạn. Các cụ đã tỏ ra rất sắc sảo vạch mặt thực dân và tay sai nhưng những kiến giải của các cụ về chính trị, xã hội, văn hóa, có thể nói là tiền tiến với nhà Nho nhưng lại là cổ lộ, lạc hậu với thực tế, với sự hiểu biết của lớp thanh niên yêu nước có tân học.
Vì lòng yêu nước thương dân các nhà Nho không ngần ngại lột xác, tự phê phán, sẵn sàng tiếp nhận cái văn minh phương Tây tuy xa lạ nhưng cũng mới lạ. Họ được mở rộng tầm nhìn và tri thức. Nhưng với cái vốn hiểu biết về văn minh, về khoa học, về tư tưởng, phương Tây được báo chí Trung quốc lúc đó giới thiệu, các cụ còn xa mới hiểu đúng nội dung thực.
Cuối cùng khi trở thành lạc lõng, họ trở nên cô độc, làm thơ tâm sự giãi bày nỗi uất ức, đi vào con đường xa lánh giữ khí tiết. Vô tình họ bước theo vết chân của các nhà Nho xưa.
Nhà Nho không vác thay được lá cờ tư tưởng của giai cấp tư sản mà trong lực lượng dân tộc lúc đó lại chưa có lực lượng giai cấp mới. Nho giáo làm vướng víu nghiêm trọng đến nhận thức của những người thực sự nhiệt thành yêu nước và duy tân thời đó.
V. Phan Bội Châu   
1. Phan Bội Châu nhà tư tưởng
Trong lịch sử dân tộc ta, Phan Bội Châu là người tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử; thời cận đại; thời cận đại ngắn ngủi, từ lúc thời trung cổ kết thúc (thế kỷ XIX) mà thời hiện đại chưa bắt đầu (1930). Phan Bội Châu là nhà yêu nước, nhà hoạt động chính trị, là một nhà thơ lớn. Ông cũng là nhà duy tân , cách mạng, muốn đưa đất nước theo kịp các nước văn minh, và vì vậy nhiều lần nhận ra cái sai lầm cũ của mình, tiếp thu cái mới, đi từ tư tưởng quân chủ lập hiến đến tư tưởng cộng hòa, đến chủ nghĩa xã hội. Quá trình nhận ra cái cũ và tiếp nhận cái mới làm cho ông trở thành nhà tư tưởng.
Là nhà Nho ở vùng nông thôn Nghệ Tĩnh Phan Bội Châu vào kinh đô Huế, gặp Nguyễn Thượng Hiền, gặp Nguyễn Thành, được đọc Tân thư bàn tính một chương trình cứu nước có quy mô toàn quốc, dựa vào chính Đảng, liên kết cầu viện nước ngoài. Từ 1905 đến 1925 trong môi trường Châu á đang sôi sục chống đế quốc. Phan Bội Châu làm quen với nhiều hệ tư tưởng khác nhau. Với tầm nhìn và cách nhận thức của một nhà nho yêu nước, Phan Bội Châu đã xây dựng tư tưởng của mình từng bước. Tư tưởng Phan Bội Châu bao gồm cả tư tưởng chính trị-xã hội, tư tưởng mỹ học, tư tưởng triết học. Tư tưởng Phan Bội Châu tiêu biểu cho tư tưởng Việt Nam thời đó, đúng hơn là tiêu biểu cho chặng đường tất yếu từ thời trung cổ phương Đông tiến đến tư tương hiện đại.
2. Phan Bội Châu và tư tương yêu nước
Với Hải ngoại huyết thư, Việt Nam quốc sử khảo, Tân Việt Nam, Phan Bội Châu đã trình bày quan niệm mới về nước, về dân, về quan hệ nước và dân, phủ nhận tư tưởng yêu nước là trung nghĩa, quốc sử chỉ là gia sử. Với tư tưởng yêu nước mới Phan Bội Châu đề xướng đoàn kết dân tộc, nêu ra đạo lý làm người Việt Nam: yêu nước, căm thù giặc, không chịu làm nô lệ, đề xướng một chế độ cộng hoà của nhân dân…
Cách hiểu truyền thống dân tộc, con đường giành độc lập, phương hướng duy tân, chế độ cộng hoà của Phan Bội Châu có nhiều chỗ khác Phan Chu Trinh. Điều đó có? ý nghĩa lịch sử rất lớn.
3. Phan Bội Châu và các hệ tư tưởng truyền thông
Phan Bội Châu là nhà Nho nổi tiếng, chịu ảnh hưởng Nho giáo khá sâu sắc. Để kết hợp yêu nước và duy tân, Phan Bội Châu đã phải chia tay với đạo lý thánh hiền ở nhiều điểm. Nhưng trong quá trình tiếp nhận tư tưởng mới (dân chủ, xã hội chủ nghĩa) Phan Bội Châu đã phải nhìn lại và chịu không ít những ràng buộc với tư tưởng Nho giáo.
Vào những năm 30 Phan Bội Châu viết mấy tác phẩm cóý?  nghĩa đánh giá các hệ tư tưởng truyền thống; Khổng học đăng, Phật học đăng, Dịch kinh chú giải. Trong các tác phẩm đó ngoài? ý nghĩa trình bày giới thiệu các học thuyết ta cũng thấy rõ cách đưa nội dung yêu nước, duy tân vào các học thuyết cổ, cách sauy nghĩ, cách nhận thức của ông về các vấn đề tư tưởng.
4. Phan Bội Châu và chủ nghĩa xã hội
Phan Bội Châu có viết Chủ nghĩa xã hội, Nhân sinh triết học và trong một số bài thơ, truyện ngắn, theo ? ý của tác giả nói đến sự đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Đọc các tác phẩm ấy ta thấy rõ Phan Bội Châu đi từ tư tưởng bình quân của nông dân, tư tưởng Đại đồng của Nho gia đến chủ nghĩa xã hội thế nào.
Trong lịch sử tư tưởng phương Đông cận hiện đại, Phúc Trạch Dụ Cát của Nhật Bản, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu của Trung Quốc và Phan Bội Châu của Việt Nam đã đi bằng bước chân của dân tộc mình mà đến thế giới hiện đại.
                                                                                      XII/1986
                                                                            

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512831

Hôm nay

2368

Hôm qua

2400

Tuần này

2768

Tháng này

219704

Tháng qua

121356

Tất cả

114512831