2/ Ở câu 36
Xuân xanh xấp xỉ ……….tuần cập kê
chữ thứ 5 là chữ gì ? Bản Duy Minh Thị (DMT) in LÊN và bản Abel des Michels (ADM) đính ngoa thành TRÊN. Phó Giáo sư Đào Thái Tôn phản bác ADM :”nhưng đã XẤP XỈ mà lại TRÊN thì liệu cảm thức ngôn ngữ Việt có chấp nhận được không ?” Và PGS chấp nhận TỚI của bản Liễu Văn Đường (LVĐ).
Theo ý chúng tôi, sau khi có 4 câu giới thiệu chung về 2 chị em Thúy Vân ,Thúy Kiều
Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Một người một vẻ mười phân vẹn mười
rồi tiếp đến 4 câu về Thúy Vân
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
Và 12 câu về Thúy Kiều
Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm,liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành trọi /đòi ?/ một tài đành hoạ hai
Thông minh vốn sẵn tư trời
Pha nghề thư hoạ đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương
Khúc nghề tay lựa nên xoang
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân
thì cụ Nguyễn Du lại nói chung về cả hai chị em :
Phong lưu rất mực hồng quần
Xuân xanh xấp xỉ trên tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai
Chúng tôi hiểu hai chị em “ xuân xanh xấp xỉ “ nhau : khoảng 16,17 hoặc 17,18 hoặc 18,19 , nghĩa là đều trên tuổi 15 cả . Vậy giữa XẤP XỈ và TRÊN TUẦN CẬP KÊ không có sự mâu thuẫn nào !Chứng cớ là ngày nay chúng ta vẫn có thể nghe những câu như:
---Hai vợ chồng nó tuổi xấp xỉ nhau : đều trên 30 cả ;
---Đường đi chợ A chợ B dài cũng xấp xỉ trên 3 cây số cả ;
---Độ cao 2 ngọn núi bên phải bên trái đều xấp xỉ trên 100 mét .
Hơn nữa,về mặt ngôn ngữ ,TỚI TUẦN và TRÊN TUẦN thì cũng có gì khác nhau lắm đâu : nói TỚI TUẦN được thì nhất định nói TRÊN TUẦN cũng được .
Đó là chưa nói đến chuyện : Thúy Vân, Thúy Kiều có “trên tuần cập kê” thì Vương Quan mới đến tuổi có thể là bạn thân của một chàng trai 20 tuổi như Kim Trọng.Trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, có khi Kim Trọng còn gọi Vương Quan bằng cả cái cái danh xưng là “tôn huynh “, lẽ nào Vương Quan chỉ là một cậu bé 13 tuổi, em của hai chị mới “tới tuần cập kê “ ?
3/ Ở câu 229
….. …. chơi mả Đạm Tiên
bản Duy Minh Thị mở đầu bằng hai chữ NGÀY .Vậy nên hiểu như thế nào ? Theo ý chúng tôi , ở hai tỉnh Nghệ An , Hà Tĩnh chữ NGÀY thường nói là NGAY ví dụ :
---Hắn đi mô, hai ngay chưa về (=Nó đi đâu, 2 ngày chưa về )
---Giỗ ngay mô ? (= Giỗ ngày nào ? )
Vậy hai chữ đầu câu 229 người Nghệ Tĩnh có thể đọc thành NGAY NGAY’ với hai cách hiểu : * hiểu là lặp NGÀY NGÀY
* hoặc hiểu là NGAY NGÀY
Cách hiểu NGÀY NGÀY chúng ta không thể chấp nhận được vì hai lẽ:
a) căn cứ cốt truyện , ba chị em Thúy Kiều mới đến mộ Đạm Tiên một lần , nên không thể nói “ Ngày ngày chơi mả Đạm Tiên “ được ;
b) và trong Truyện Kiều có 3 lần dùng NGÀY NGÀY:
--- Song hồ nửa khép cánh mây
Tường đông ghé mắt NGÀY NGÀY hằng trông ( câu 284)
--- Trông vời gạt lệ phân tay
Góc trời thăm thẳm , NGÀY NGÀY đăm đăm ( câu 910)
--- Cửa hàng buôn bán cho may
Đêm đêm hàn thực , NGÀY NGÀY nguyên tiêu ( câu 942) .
Nhưng 3 lần này bản Duy Minh Thị đều chỉ khắc chữ NGÀY đầu tiên còn chữ NGÀY sau đó thì ghi dấu lặp , khác hẳn với trường hợp câu 229 mà chúng ta đang xét .
Vậy chỉ còn lại cách hiểu NGAY NGÀY. Cách hiểu này rất đúng với cốt truyện vì , theo TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT ( Hoàng Phê chủ biên), NGAY có nghĩa là “từ biểu thị ý nhấn mạnh tính xác định của một địa điểm, thời điểm, ĐÚNG ở nơi hoặc vào lúc nói đó, chứ không phải ở nơi hoặc vào lúc nào khác “ . Và câu 229 có thể giải thích là
NGAY NGÀY (=Đúng ngày ) chơi mả Đạm Tiên
Nhắp đi thoắt thấy ứng liền chiêm bao
Về mặt tự dạng ,quả chữ NGAY này viết khác với qui tắc thông thường . Ở trong Truyện Kiều, theo Đào Duy Anh , có cả thảy 19 chữ NGAY : ở các câu 120, 378, 414, 560, 940, 950, 1182, 1185, 1391, 1439, 1614, 1647, 1663, 1718, 1846, 2070, 2378, 2596, 2774 NGAY đều viết với thanh phù NGHI và nghĩa phù CHÍNH, riêng trường hợp này viết như NGÀY, với nghĩa phù NHẬT và thanh phù NGẠI (viết tắt). Nhưng đó cũng không phải là một chuyện gì đáng lấy làm lạ, hay đáng được xem là một phản chứng. Nhiều trường hợp khác, ở trong bản Duy Minh Thị, cũng có tình hình tương tự: so sánh chữ TIỄN ở câu 1499 với cách viết TIỄN thành TIỆN theo tiếng Nghệ ở câu 872 ; so sánh thêm chữ NGÀY không có bộ NHẬT ở câu 1254 với chữ NGÀY có bộ NHẬT ở hơn 80 câu còn lại trong bản Duy Minh Thị .Chữ NGÀY không có bộ NHẬT này có khi trùng cả với cách viết chữ NGƯỜI !
Cố nhiên, viết NGÀY NGÀY mà đọc NGAY NGÀY thì rất khó hiểu đối với những ai không quen với tiếng Nghệ Tĩnh. Nhưng thay vì đính ngoa cách viết NHẬT + NGẠI thành NGHI+ CHÍNH, đa số các bản Kiều khác lại đính ngoa NGAY thành BUỔI :
BUỔI ngày chơi mả Đạm Tiên
Đây là một sự đính ngoa thiếu thận trọng, trước NGÀY, ĐÊM chỉ có thể dùng BAN chứ không thể dùng BUỔI! BUỔI là chữ chỉ có thể đứng trước những quãng thời gian nhỏ như SÁNG, TRƯA, CHIỀU, TỐI mà thôi.
4/ Ở câu 325
Xương mai tính đã …… mòn
chữ thứ 5 ở bản Duy Minh Thị cũng là một chữ đã được Phó Giáo sư Đào Thái Tôn đem ra bình luận. Theo PGS đó là chữ THÂU mà sau này bản Kiều Oánh Mậu đã hoàn toàn nhất trí. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, PGS đã sai lầm vì xét tự dạng không kĩ. Như mọi người đều biết, ở góc dưới, bên phải chữ THÂU là chữ NGUYỆT và bộ ĐAO. Như vậy có 3 chi tiết cần lưu ý:
a) cách viết ở chữ NGUYỆT ;
b) cách viết ở bộ ĐAO ;
c) và khe hở giữa NGUYỆT và ĐAO.
Xét bản Duy Minh Thị 1872 chúng ta thấy có khe hở c) chia làm 2 bộ phận tách rời nhau như ở THÂU; nhưng ở bản Duy Minh Thị 1879 lại không có khe hở đó: có một nét ngang dài ở trên, nối liền bộ phận bên trái với bộ phận bên phải. Như vậy chưa thể kết luận dứt khoát được là THÂU hay không phải THÂU .
Nhưng đi vào điểm a) chúng ta thấy rõ ràng không phải là chữ NGUYỆT vì chữ NGUYỆT có 2 nét ngang trên và dưới còn trong hai bản DMT 1872,1879 thì bộ phận bên trái chỉ có một nét ngang nhỏ ở giữa; Còn nếu đi thêm vào điểm b) thì chúng ta lại thấy: bộ phận bên phải cũng không phải là bộ ĐAO của chữ THÂU. Bộ ĐAO thì có 2 nét sổ rời nhau, tạo thành một khe hở cách li chúng; trong 2 bản DMT 1872, 1879 thì trái lại: không còn khe hở giữa hai nét sổ nữa, vì có hai nét ngang nhỏ ở trên và ở giữa, nối liền hai nét sổ với nhau. Rõ ràng những chi tiết ở 2 điểm a) và b) không ủng hộ cho cách đọc PGS Đào Thái Tôn đã đề nghị. Vậy chữ thứ 5 ở câu 325 nêu trên đây, ở bản DMT không viết chữ THÂU mà viết một chữ LUÂN với nghĩa là “ bánh xe “như trong LUÂN HỒI . Chữ LUÂN Hán Việt đó đọc Nôm thành RÒN. Và chúng ta có câu thơ là:
Xương mai tính đã ròn mòn.
Ở các từ điển cổ như Huỳnh Tịnh Của, Génibrel RÒN được giải thích là “ốm o dần, gầy guộc dần đi”. Có cả RÒN RÕI,RÒN MỎI,MÒN MỎI, nên mới có RÒN MÒN như ở bản Kiều Duy Minh Thị .
5/ Sau khi Thúy Kiều dùng dao tự tử, chúng ta có đoạn 4 câu 1001,1002,1003,1004:
Thuốc thang suốt một ngày thâu
Giấc mê nghe đã dầu dầu vừa tan
Tú Bà chực sẵn bên màn
Gieo lời …. …. mơn man gỡ dần
Hai chữ thứ ba,thứ tư trong câu 1004, bản Duy Minh Thị khắc là ỎN THÓT. Phó Giáo sư Đào Thái Tôn thấy bản Liễu Văn Đường dùng hai chữ KHUYÊN GIẢI nên ngờ rằng cư sĩ Duy Minh Thị đã chữa KHUYÊN GIẢI thành ỎN THÓT.
Chúng tôi xin nêu 2 lí lẽ phản bác để PGS cân nhắc lại :
---KHUYÊN GIẢI là một từ phổ thông, ai cũng hiểu được , ỎN THÓT là một từ cổ, phải tra từ điển mới rõ nghĩa: vậy không lẽ cư sĩ DMT lại bỏ một từ dễ hiểu để thay vào một từ hiểm hóc, khó hiểu ?
---Hơn nữa , ỎN THÓT là một từ không có trong Nam, không được thu thập trong Huỳnh Tịnh Của và Génibrel; và xưa kia nó chỉ có mặt ở miền Bắc !
Từ điển Khai trí tiến đức đã thu thập ỎN THÓT và định nghĩa như sau: ỎN THÓT là “nịnh nọt, dèm pha”, ví dụ “nó ỏn thót làm cho người ta phải chia rẽ”. Duy Minh Thị là một cư sĩ ở thành Gia Định, làm sao ông biết được từ cổ của miền Bắc này? Và nếu ông có biết thì chắc đại đa số độc giả miền Nam cũng không biết: lẽ nào ông lại dám đem một từ cổ xa lạ như vậy để thay cho 2 chữ KHUYÊN GIẢI mà bất kì người đọc miền Nam nào cũng đều rất quen thuộc ?
Phó Giáo sư Đào Thái Tôn có viện cớ rằng Tú Bà là người bề trên , mụ ta không cần phải nịnh nọt Kiều. Nhưng xét vào hoàn cảnh cụ thể thì chúng ta lại thấy:
---Khi Kiều tự tử bằng dao, chuyện vỡ lở thì Tú Bà rất lo sợ, phải chạy chữa cho Kiều :
Nỗi oan vỡ lở xa gần
Trong nhà người chật một lần như nen
Nàng thì bằn bặt giấc tiên
Mụ thì mét mét / ngáy ngáy, cầm cập / mặt nhìn hồn bay
Vực nàng vào chốn hiên tây
Cắt người xem sóc, chạy /rước / thầy thuốc thang
Và mụ phải luôn luôn ở ngay bên cạnh
Tú Bà chực sẵn bên màn
Cho nên mụ ỎN THÓT là phải!
---Và căn cứ vào những lời Tú Bà nói, chúng ta cũng thấy vậy .
Định mua Kiều về làm đĩ mà phải hứa không nài ép, đợi dịp thuận tiện sẽ gả bán đường hoàng:
Cũng là lỡ một lầm hai
Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây
Lỡ chân trót đã vào đây
Khoá buồng xuân để đợi ngày đào non
Người còn thì của hãy còn
Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà
Nếu không tạm thời phải nhún nhường thì làm gì Tú Bà có chuyện đưa ra những lời hứa mềm mỏng, dễ nghe nhưng không thật bụng này? Rõ ràng là
Tú Bà đã ỎN THÓT và đã
Kề tai mấy nỗi NẰN NÌ
---Hơn nữa ,KHUYÊN GIẢI thì hợp với một nhân vật thân thiết, quân tử; còn ỎN THÓT thì phải dành cho một con buôn, tiểu nhân như mụ Tú Bà mới đúng.
6/ Cuối cùng, ở câu 2655 :
Ma ….. lối. quỉ đem đường
bản Duy Minh Thị lại dùng chữ GIỦI. Giống như ỎN THÓT, chữ GIỦI cũng là một tiếng cổ, khó hiểu, chỉ có ở miền Bắc, không có ở miền Nam. Trong các từ điển xuất bản ở Gia Định như từ điển của Huỳnh Tịnh Của, từ điển của Génibrel đều không có mục từ GIỦI. Chỉ Việt Nam tự điển của nhóm Khai trí tiến đức là có thu thập từ này và có giải thích như sau: GIỦI là ” ma làm cho người mê mẩn mà đưa đến một chỗ nào”, ví dụ : “ma giủi người vào bụi”. Phó Giáo sư Đào Thái Tôn lại gạt bỏ GIỦI. PGS cho rằng chính Duy Minh Thị đã thay ĐƯA bằng GIỦI, và đề nghị phục nguyên ĐƯA như ở bản Liễu Văn Đường .
Theo ý chúng tôi, có thể phản bác ý kiến của PGS một lần nữa với những lập luận y như ở trường hợp ỎN THÓT trên đây: sao Duy Minh Thị lại gạt bỏ một từ dễ hiểu để thay bằng một từ hiểm hóc? Và sao cư sĩ lại không cho độc giả miền Nam được đọc một từ phổ thông như ĐƯA mà bắt họ lại phải làm quen với một tiếng cổ miền Bắc như GIỦI?
Phó Giáo sư Đào Thái Tôn lại còn dựa vào các câu lục có sơ đồ 2+2+2 để chê GIỦI thuộc thanh trắc, không phù hợp qui luật lục bát. Nhưng câu 2655 này là một câu lục có cấu trúc 3+3, gồm hai vế ở thế có tiểu đối:
Ma giủi lối, quỉ đem đường
cũng như ở các câu
Mai cốt cách, tuyết tinh thần ( câu 17 )
Người quốc sắc, kẻ thiên tài ( câu 163)
……..v.v.
Ở loại câu đó, thanh điệu của GIỦI hoàn toàn phù hợp.
Còn nếu PGS viện dẫn đến chuyện trong thành ngữ thường nói
Ma đưa lối, quỉ đem đường
thì xin thưa : thành ngữ cũng không phải là không biến đổi theo ngôn ngữ ,qua thời gian ! Biết đâu xưa vốn là GIỦI, sau khó hiểu người ta mới đổi lại thành ĐƯA ?
*
* *
7/ Đến đây chúng ta đã có thể thấy : Phó Giáo sư Đáo Thái Tôn đã dựa chủ yếu vào bản Liễu Văn Đường để bác bỏ những gì lạ có ở bản Duy Minh Thị. Đó là quyền của PGS. Nhưng rõ ràng cách lập lụân của PGS thì còn những điểm chưa có thể cho là có đầy đủ sức thuyết phục, đáng tin cậy. Vì vậy chúng tôi xin nêu lên để trao đổi lại./.