Những góc nhìn Văn hoá

Trò chuyện cùng Giáo sư Trần Đình Sử về đời và nghề

Nhân dịp 70 năm sinh GS TS Trần Đình Sử, một nhóm học trò của giáo su lây biệt danh là Phan Đức Đăng nêu ra một loạt câu hỏi cho GS, làm thành một cuộc trò chuyện thân mật. Dưới đây là câu hỏi và câu trả lời

 Khổng Tử trong thiên Vi chính, mục bốn, sách Luận Ngữ có nói: “Ngã thập hữu ngũ hữu chí ư học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập tòng tâm sở dục bất việt củ.”  Trong cái chằng chịt của các quan hệ xã hội, giữa trách nhiệm và nguyên tắc được quy ước của người công dân và người trí thức, Giáo sư cũng đã thất thập, vậy ông đã thấy tòng tâm sở dục được chưa?
 
Câu nói của Không Tử hiện có những cách hiểu khác nhau và do đó mà dịch cũng khác nhau, để trả lời, tôi xin tạm dịch theo cách hiểu của mình như sau.“Ta mười lăm tuổi đã có chí về học vấn, ba mươi tuổi thì có quan điểm riêng, bốn mưới tuổi không nhầm lẫn, năm mươi tuổi biết mệnh trời, sáu muơi tuổi bíêt nghe các tư tưởng khác, bảy mươi tuổi biết làm theo ý mình mà không ra ngoài quy củ.” Trước hết đó là câu của thánh nhân tự nói về mình, không phải ai cũng làm được như vậy. Tuy thế câu nói đó cũng phản ánh quy luật trưởng thành của con người nói chung, soi vào đó cũng có ích. Tôi từ hồi học sinh phổ thông đã có chí theo văn học, cùng các bạn thân trong lớp 10 Nguyễn Trãi 3 Hà Nội như Nguyến Quang Hồng, Huỳnh Phan Lê, Đặng Trọng Khánh, Phan Kì Nam lập Tạp chí “Tập viết”, in các sáng tác bằng bột nếp với mực polycorby. Chúng tôi vừa làm tác giả vừa làm biên tập viên, vừa làm nhân viên ấn loát. Tôi lại kiêm thêm chức hoạ sĩ. Ngoài bìa tôi vẽ một cậu bé lực lưỡng vác một ngòi bút lớn đi về phía mặt trời, bóng đổ dài ra phía sau lưng. Tạp chí in để chơi, để cho, làm được 3, 4 số thì chán. Khoảng những năm 36 -38 tuổi khi dạy ở trường Đại học sư phạm Vinh tôi bắt đầu hình thành thiên hướng nghiên cứu thi pháp. Năm 40 tuổi bảo vệ phó tiến sĩ ở Nga về nước đi theo hướng khoa học đã định. Năm 50 tuổi biết được giới hạn các khả năng của mình. Năm 60 mươi tuổi biết lắng nghe các khuynh hướng tư tưởng khác. Nhưng năm 70 tuổi tôi thấy vẫn chưa thể làm được theo ý mình mà không vượt ra ngoài quy củ. “Tòng tâm sở dục bất việt củ” theo tôi nên hiểu theo hình ảnh Bào Đinh làm thịt trâu trong Trang Tử. Bào Đinh là nghệ sĩ làm thịt trâu. Một khi đã nắm được cấu tạo, tổ chức của con trâu thì Bào Đinh có thể nhắm mắt, múa dao làm thịt, dao lia tới đâu, thị, da, xương rời ra đến đó mà không mẻ dao, không làm nát thịt, nát da con bò. Mổ trâu 19 năm mà dao vẫn như mới. Bào Đinh nói “tuỳ tâm sở dục, thuận lí nhi thành” (Làm theo ý muốn, thuận lí thì thành công) là thế đó. Hiểu như vậy, đối với tác phẩm văn học tôi tự thấy mình còn xa mới đạt được tài nghệ của Bào Đinh. Làm khoa học phải có quy củ, phép tắc, không được nói liều thì tôi luôn “bất việt củ”. Nếu hiểu “bất việt củ” là không ra ngoài các công thức, giáo điều xã hội thì câu chuyện mâu thuẩn với khoa học. Muốn làm cái mới mà “bất việt củ” là không được. Mặc dù một khi “việt củ” thì sẽ lắm chuyện, nhưng muốn làm khoa học thì phải cứ “việt củ”.
Nghiên cứu văn học là một ngành cực khó, không chỉ đòi hỏi năng lực nhạy bén mà còn đòi hỏi hiểu biết rất nhiều, rất toàn diện. Là một người Việt Nam lớn lên trong hai cuộc chiến tranh và những cuộc cách mạng xã hội liên tục, nghịêt ngã tôi cảm thấy thiếu thốn đủ thứ. Được sang học Trung Quốc, Liên Xô là những nước đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, rất vinh dự, tôi vẫn thấy thiếu thốn về tư tưởng, học thuật. Là người đã nắm vững tiếng Trung, tiếng Nga, song tôi luôn đau khổ vì không biết tiếng Pháp, tỉếng Anh, tiếng Đức, chưa hiểu hết nhiều điều trong lĩnh vực mà tôi quan tâm. Tôi luôn luôn cảm thấy sự lúng túng của mình. Cảm thấy thế giới của mình còn rất hạn hẹp.
Tôi là người tuổi Thìn, tuổi của những người nhiệt huyết, ham lí tưởng, thích mơ mộng, tin tưởng vào những điều tốt đẹp được hứa hẹn, tôi luôn ước mơ làm điều tốt đẹp. Người tuổi thìn thường làm nhiều hơn điều họ hưởng. Là một người làm công tác đào tạo tôi luôn luôn tâm niệm phải đem lại cho thế hệ trẻ những điều đúng, điều mới, góp phần mở mang trí tuệ, tầm nhìn trước hết cho mình và sau là cho họ. Với tâm niệm này tôi luôn học hỏi, tích luỹ, thường học hỏi những người đi trước, nhờ họ giải đáp những điều còn nghi hoặc. Khi đọc những sách giáo trình, sách giáo khoa, bài báo viết tuỳ tiện, áp đặt, giáo điều tôi thường không nén nổi niềm căm giận và sẵn sàng trao đổi. Tôi nhớ lời cổ nhân mà ông ngoại tôi dạy “Tật ố như thù” ghét cái xấu như kẻ thù. Chính với lí tưởng đó mà tôi không chỉ nghiên cứu lí luận văn học, nghiên cứu văn học Việt Nam, mà còn tham gia phê bình văn học, soạn chương trình, chủ biên, Tổng chủ biên SGK trung học từ cơ sở lên trung học phổ thông với tâm niệm làm điều công đức, tất cả vì thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.
Từ năm lên mười tôi đã thích hát bài hát của Phong Nhã đầy ám thị và giục giã đối với thiếu nhi, ngày nay vẫn còn  nhớ như in: Chúng em là mầm non xanh tươi của nước Nam. Bền chí em lo gắng công học hành. Em nay chưa đủ sức giết xâm lăng. Em học để giúp ích nước non sau này. Học thật chăm, cho xứng cháu yêu Bác Hồ. Học đi kìa non sông ngóng chờ ta. Học thật chăm cho xứng cháu yêu Bác Hồ. Học đi tương lai chờ ta. Thế mà thoắt cái đã bảy mươi tuổi rồi, thật là trời chẳng thương ta, thời chẳng đợi người.
 
Phan Đức Đăng. Nếu nhìn những vấn đề xảy ra trong suốt bảy chục năm qua thì hầu như GS đã chứng nghiệm được hầu hết các thay đổi trong lịch sử dân tộc và lịch sử văn học trong thời gian ấy. Xin cho biết GS quan tâm đến sự kiện gì và có ấn tượng như thế nào ?
Đúng vậy, người trong độ tuổi của tôi, có cái may mắn nhìn thấy các sự kiện lịch sử từ năm 1945 cho đến nay, một hành trình vĩ đại, đồng thời cũng là một quá trình đảo lộn, nghiêng ngả như ngồi trên con tàu đi giữa biển lớn đầy giông tố. Tôi nhớ những ngày tháng Tám năm 45, nhà tôi ở cửa Nhà Đồ, thành phố Huế, một hôm tự nhiên ba tôi đem về cờ đỏ sao vàng, đem cả gươm và dáo dài. Tôi nhớ đã cùng ba tôi đi xem vua Bảo đại thoái vị. Tôi được đỡ leo lên cột điện có dóng sắt đóng chéo rất đau chân để nhìn sang Ngọ môn. Sau này được nghe nói lại, trước khi vua thoái vị, ông Trần Huy Liệu đứng chống nạnh hai tay, chỉ khi vua đọc xong chiếu thoái vị thì ông mới đứng chắp tay, đón ấn kiếm. Sau đó thì mặt trận Huế vỡ, cả nhà tôi chuyển ra Quảng Trị. Khi thuyền qua huyện Hải Lăng giữa đêm khuya thì hai bên bờ vang lên tiếng hô râm ran, bắt Việt gian, Bắt Việt gian. Nghe tiếng hò náo loạn, Ba tôi thức dậy vội cầm giáo ra đứng ở mũi thuyền nhìn quanh xem Việt gian ở đâu. Một lúc thì biết, hoá ra người ta nghi ba tôi là Việt gian. Hàng chục người giáo mác lội ra giữa sông vây chặt khiến thuyền chúng tôi suýt chìm, và chúng tôi bị đưa lên bờ, giải về nhà lao Hải Lăng. Đồ đoàn bị tịch thu hết. Tôi bị giam cùng ba tôi trong xà lim. Tôi nghĩ mình nên hát quốc ca để họ khỏi hiểu lầm, và tôi đã hát quốc ca rất to trong đêm, nhưng không ai đoái hoài. Sáng hôm sau chúng tôi được đưa lên xe tải có dân quân mang gươm áp tải, đưa về thị xã Quảng Trị. Về tới nơi thì gặp toàn người thân, người ta xem giấy tờ và cho về nhà. Hồi ấy mà bị nghi Việt gian dễ chết như chơi. Có nơi nghe nói Việt gian, không xét xử gì hết chém liền. Thật hú vía. Nhà tôi ở thôn Phúc Khê, xã Triệu Sơn huyện Triệu Phong đã hai lần bị Tây lùng đốt trụi, sau đó chuyển lên chiến khu Ba lòng, ở thôn Làng Hạ, xã Triệu Nguyên. Tôi đã tham gia đội thiếu nhi cứu quốc xã, tham gia diễn kịch cương do các anh bên Ty công an tỉnh dàn dựng. Năm 51 đi bộ ra Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh học ở Trại Thiếu sinh Quảng Trị, do tỉnh uỷ Quảng Trị tổ chức cho con em trong tỉnh, cùng Ngô Thảo và nhiều bạn khác. Sau năm 54 tôi được chuyển sang trường HS miền Nam, lúc đầu ở Diễn Châu, sau chuyển ra Đan Phượng, Hoài Đức rồi Tây Tựu, Thượng Cát, Từ Liêm, sau đó về Phổ thông cấp 3 Hà Nội, rồi Nguyễn Trãi 3 Cửa Bắc. Khi ở Đức Thọ tôi đã cùng đội thiếu niên đánh trống cỗ vũ Cải cách ruộng đất, chứng kiến đấu và bắn địa chủ. Khi ra Hà Nội tôi cùng các bạn từng xe đất đắp đường Thanh Niên Hồ Tây, đắp bờ hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu. Từng chứng kiến Nhân Văn Giai phẩm. Nghe ông Hoài Thanh nói về Nhân văn Giai phảm tại hội trường trường Chu Văn An. Chứng kiến hợp tác hoá nông nghiệp. Vào tuyến lửa, chứng kiến chiến tranh leo thang, phá hoại của Đế quốc Mĩ. Chứng kiến ngày cả nước tang tóc khi Bác Hồ từ trần. Chứng kiến ngày vui toàn thắng, cả Hà Nội đổ ra Bờ hồ Hoàn Kiếm ăn mừng, rồi thống nhất đất nước. Chứng kiến người anh em núi liền núi sông liền sông đánh giết đồng bào biên giới phía bắc nước ta. Chứng kiến những ngày đất nước khốn khổ trong cơ chế bao cấp tem phiếu và bị cấm vận.  Chứng kiến và tham gia ngày đổi mới. Chứng kiến sự sụp đổ niềm tin rồi sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa. Chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt nguyên lí văn học. Tôi chú ý nhất là sự vùng lên của cả một dân tộc trong nửa thế kỉ. Tôi cũng chú ý sự lên ngôi của những giáo điều và sự sụp đổ về thực chất của chúng. Tôi mừng là chúng đã sụp đổ khá nhanh để con người có thể làm quen suy nghĩ một cách bình thường, trả lại các giá trị tự nhiên cho đời sống và cho văn học, đồng thời tạo điều kiện để tiếp thu nhiều điều mới mẻ khác của thế giới toàn cầu hoá và hội nhập. Nếu không có sự sụp đổ ấy, hãy tưởng tượng một chút, chưa chừng có thể ta vẫn sống trong sự khép kín của bốn nức tường.
 
Nhiều bài viết và sách của Giáo sư khi xuất hiện thì gây xôn xao trong phạm vi của nó, ví như bài viết 100 trang bàn về đặc trưng văn học khi ông còn trẻ, khi dạy Đại học sư phạm Vinh, các bài báo về Truyện Kiều đầu những năm 80, Thi pháp Thơ Tố Hữu, Thi pháp Truyện Kiều...GS có giải thích được những vấn đề trong và ngoài văn học (ví như tâm lí tiếp nhận, các quan niệm và thái độ xã hội đối với văn học) hay những nội dung của chúng làm nên sự chú ý đó?
 
Các bài viết mà anh nói “gây xôn xao”đó, theo tôi hiểu có cả hai nguyên nhân. Một mặt, nhiều trí thức của ta đã cảm thấy được sự sơ lược và thiếu sức thuyết phục của nhiều nguyên lí văn học thời đó. Tôi nhớ, khoảng năm 1966, có lần tôi than phiền với anh Nguyễn Duy Bình, cán bộ giảng dạy khoa Văn Đại học sư phạm Vinh rằng lí luận của ta sơ lược quá, lạc hậu so với các nước cả trăm năm, anh tán thành ngay. Anh Đậu Văn Ngọ, giảng viên lí luận văn học cũng nói với tôi: “Phân tích giai cấp của cô Kiều thì mình không thông được”. Nhiều ý kiến của Lê Đình Kỵ, Mai Thúc Luân lúc ấy cũng cho thấy họ chưa thông nhiều điều và muốn thay đổi. Tuy vậy hoàn cảnh không cho phép họ có bất cứ thay đổi nào. Vì vậy khi có ý kiến dám bàn lại, đặt lại vấn đề thì lập tức gây chú ý. Người ta không viết, nhưng người ta trông đợi những thay đổi. Những năm 80 là thời điểm biến động lớn, tạo điều kiện cho người ta chấp nhận sự thay đổi. Và mặt khác cũng do nội dung khoa học của các bài viết có những cái mới thật sự. Bởi vì lúc ấy cũng không ít người sẵn sàng chiến đấu để bác bỏ mọi cái mới mà họ cho là chưa có sức thuyết phục theo lập trường chính thống. Hãy nhớ lại công trình Tìm hiểu phong cách của Nguyễn Du trong Truyện Kiều của GS Phan Ngọc khi vừa mới ra đời đã có người lớn tiếng phê phán ngay là phi mác xít! Sự xôn xao trong khoa học không thể là ăn may được. Sau mấy công trình của tôi GS Nguyễn Hải Hà, chuyên gia văn học Nga khoa tôi đã nói với tôi: “Anh như người múa gươm dưới trời mưa mà không ướt đầu” thể hiện một tình cảm quí mến, cảm phục. Một người làm khoa học thì phải biết mình đem lại cái gì, vì anh ta phải phản biện, biện luận những lí luận hiện hành, chứng minh cái mới bằng luận cứ, chứ không phải nói khống, tuyên bố cái này đúng, cái kia sai xanh rờn như một vài nhà phê bình hiện nay thường làm.
 
GS là người được đào tạo bài bản, học cả ba nơi: Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô, có thể coi đó là hành trình lí tưởng trong con đường đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa. GS có cho rằng mình đã có đủ điều kiện cần và đủ cho phép mình đi xa vào những vấn đề khoa học mà mình được tiếp nhận từ các môi trường khoa học này?
 
Như tôi đã nói từ đầu, tuy được học cả ba nơi, song tôi luôn cảm thấy bị thiếu thốn trong kiến thức khoa học về lĩnh vực của tôi. Tôi nhớ GS. Chu Quang Tiềm, ông đã tốt nghiệp ở Trung Quốc, lại đi học ở Anh, sau sang Sorbone Paris, rồi cuối cùng sang học ở Berlin nước Đức, như thế mới có thể trở thành nhà mĩ học lớn của Trung Quốc hiện đại. Mình đâu có điều kiện học tập được như vậy? Tuy thế với những gì tích luỹ được thì tôi chỉ làm được một số kết quả như hiện có.
 
Thưa GS. ông được coi là một nhà thi pháp hàng đầu ở Việt Nam, xin GS vui lòng cho biết đôi điều cơ duyên đưa ông đến với lĩnh vực khoa học văn học này?
 
Tôi đến với thi pháp học bắt đầu từ thực tế lí luận văn học những năm 60. Hồi đó tôi dạy lí luận văn học tại khoa Văn ĐHSP Vinh và nhận thấy lí luận ấy chỉ quan tâm chủ yếu tới các thuộc tính xã hội của văn học mà ít quan tâm tới tính nghệ thuật. Qua các khái niệm về đặc trưng, tác phẩm, thể loại, lí luận ấy không dạy người ta cảm nhận được cái hay, cái thú của tác phẩm văn học. Quan niệm hình tượng văn học rất chung chung, chẳng hạn xem hình tương nghệ thuật là sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, cái chủ quan và khách quan, giữa tình cảm và lí trí. Xét ra cái gì trong thế giới con người và trong đời sống xã hội mà không có các sự thống nhất ấy? Mà một khi đã thống nhất rồi thì đâu còn là các yếu tố như khi chưa thống nhất nữa, chúng phải trở thành cái khác, nhưng khác thế nào thì giáo trình đâu có nói? Tôi bắt đầu nghiên cứu các vấn đề mĩ học như cái đẹp, phong cách, tính chủ quan, tính sáng tạo của văn học. Tôi học tiếng Nga và đọc các tài liệu của Bakhtin, Likhachev, Pospelov...đăng trên các tạp chí Nga hồi ấy như Những vấn đề văn học, Những vấn đề triết học, Văn học nước ngoài... và tiếp thu khái niệm thế giới nghệ thuật, không gian, thời gian nghệ thuật ...
Trước đó tôi học ở Đại học Nam Khai, Trung Quốc cũng đã đọc nhiều tác phẩm lí luận nước ngoài, như Tượng trưng của đau khổ của học giả Nhật là Trù Xuyên Bạch Thôn theo phân tâm học do Lỗ Tấn dịch có ấn tượng rất sâu. Tôi cảm thấy có một cách tiếp cận khác về đặc trưng văn học. Tôi đã viết một tiểu luận 100 trang về Đặc trưng của văn học như là chỉnh thể (1971), phân biệt hình tượng tái hiện, hình tượng tượng trưng và hình tượng sáng tạo, phân biệt khái quát nhận thức và khái quát nghệ thuật...Tiểu luận được đem thảo luận, có phản biện. Anh Hoàng Ngọc Hiến phản biện, chỉ ra một số khiếm khuyết, nhưng nhận xét cả công trình “không có câu nào dở”. Tôi cũng viết tiểu luận Phong cách cơ bản của thơ Tố Hữu, trong đó phân tích không gian, thời gian, ngôn từ của nhà thơ này(1974). Ông Tôn Gia Ngân vào dự đánh giá rất cao. Các nghiên cứu này gây chú ý cho cán bộ trong khoa và càng góp phần kiên định ý tưởng nghiên cứu thi pháp học của tôi. Sau này năm 1976 có dịp đi học ở Nga, trương Đại học Tổng hợp quốc gia Kiev, Liên Xô cũ, tôi đã tiếp tục con đường đó, đọc nhiều tài liệu và nghiên cứu phạm trù thời gian nghệ thuật trong chỉnh thể hình tượng, bảo về năm 1980 tại Viện văn học Ucraina ở Kiev.
 
Giáo sư cho biết lí luận thi pháp mà ông nghiên cứu có gì khác biệt so với các thi pháp khác?
 
Thi pháp học là một khuynh hướng nghiên cứu nổi bật của thế kỉ XX gồm nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trường phái hình thức Nga chủ yếu nghiên cứu các thủ pháp văn học, Jakobson chủ yếu nghiên cứu thi pháp ngôn ngữ thơ, Bakhtin nghiên cứu thi pháp tiểu thuyết, Todorov nghiên cứu ngôn ngữ trần thuật trong tự sự, Likhachev chủ yếu nghiên cứu phong cách văn học của một thời đại lớn như một chỉnh thể...So sánh với các thi pháp có thể nói là tôi đi theo hướng nghiên cứu thi pháp thế giới nghệ thuật. Hướng này kế thừa những thành tựu của nghiên cứu văn học Liên xô đương thời dồng thời có sự lựa chọn, xây dựng mô hình của tôi. Tôi không đi riêng về thể loại văn học nào, mà tìm con đường chung có thể thâm nhập vào bất cứ thể loại văn học nào. Tôi cho rằng mọi sáng tạo văn học không chỉ có văn bản ngôn từ, mà còn hướng tới tạo ra một thế giới nghệ thuật như là một văn bản hình tượng có tính kí hiệu. Các hình ảnh, biểu tượng của thế giới nghệ thuật cùng cách tổ chức của chúng chính là ngôn ngữ của văn bản này. Văn bản ngôn từ là tồn tại trực tiếp của tác phẩm, nhưng trong quá trính sáng tạo nó phụ thuộc vào sự sáng tạo thế giới nghệ thuật của nhà văn. Điều này giải thích vì sao nhà văn có thể phá vỡ quy tắc tạo từ, quy tắc ngữ pháp, đảo trật tự từ, làm nên sự lệch chuẩn ngôn ngữ trong văn bản. Đó là vì đòi hỏi của thế giới nghệ thuật và văn bản ngôn từ được nhà văn viết ra từ thế giới nghệ thuật ấy. Cho nên nghiên cứu văn bản là để tìm lại cái thế giới nghệ thuật, cái nhìn, quan niệm nghệ thuật đã làm nên khách thể thẩm mĩ. ý nghĩa nghệ thuật nằm ở cấp độ thế giới nghệ thuật chứ không ở cấp đô ngôn từ. Trong thế giới này có người kể chuyện, nhân vật trữ tình, hình tượng tác giả, điểm nhìn, giọng điệu, con người, không gian, thời gian, đồ vật... Thế giới này lại được định hình bằng văn bản ngôn từ cho nên có thể qua ngôn từ mà tìm thấy tính xác định của nó. Khái niệm thế giới nghệ thuât ở đây có nội dung tiếp thu của Bakhtin. Ông nói, “Đối tượng của phân tích thẩm mĩ là [...] nội dung của hoạt động thẩm mĩ (trực cảm) hướng tới tác phẩm.” tức là cái thế giới dược người đọc làm sống dậy từ văn bản. Thế giới nghệ thuật là khách thể thẩm mĩ, khách thể này có hai lớp hình thức: một là hình thức kết cấu, tức là hình thức do các biện pháp ngôn ngữ thực hiện, và hình thức kiến tạo, tức hình thức của cái nhìn nghệ thuật của nhà văn. Đây là hình thức của chủ thể dùng để cảm nhận cái thế giới được miêu tả. “Tôi phát hiện mình trong hình thức, [...] bởi vì tôi trong chừng mực nhất định phải ý thức được mình là người sáng tạo hình thức thì mới có thể nói đến sự thực hiện cái hình thức có ý nghĩa về mặt nghệ thuật.” Cái đặc biệt của hình thức nhệ thuật này là hình thức bên trong và có tính quan niệm, chứ không phải là sự tái hiện, sao chép giản đơn sự vật, chi tiết đời sống. Quan niệm nghệ thuật chi phối cách xây dựng nhân vật, lựa chọn ngôn từ, tổ chức điểm nhìn, kết cấu...Cho nên nghiên cứu thi pháp nhất thiết phải tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của nhà văn thể hiện trên mọi cấp độ của văn bản. Quan niệm nghệ thuật không phải là khái niệm lí tính trừu tượng mà là sự cảm nhận, lí giải đời sống, có khi vô thức, đã hoá thân thành các phương thức, thủ pháp nghệ thuật. Nhiều người quan tâm thủ pháp mà ít chú ý đến vai trò của quan niệm nghệ thuật chi phối nó. Cũng thế không ít người nghiên cứu văn bản mà bỏ qua thế giới nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật ở trong đó, giải thích nó bằng những yếu tố ngoại tại. Thế giới nghệ thuật là phạm trù sáng tạo của nhà văn, phân biệt với các thế giới phi văn học, do đó có thể trở thành nền tảng của thi pháp học. Thi pháp thế giới nghệ thuật lại chia ra thi pháp tác phẩm, tác giả, thể loại, giai đoạn văn học, bởi trong mỗi đơn vị ấy đều có những mô hình thế giới nghệ thuật nhất định. Thi pháp học thế giới nghệ thuật khi thực hiện đòi hỏi xuát phát từ văn bản ngôn từ, bởi nó tồn tại qua ngôn từ, vận dụng các khái niệm thuộc ngôn ngữ, cấu trúc, kí hiệu, biểu tượng... Đó là một quan niệm thi pháp học mở.
 
Có ý kiến cho rằng thi pháp học ngày nay đã được thay thế bằng tự sự học, tu từ học. Sau thi pháp học, GS đã tổ chức nghiên cứu tự sự học, văn học so sánh phải chăng báo hiệu điều đó? ý kiến của GS như thế nào?
 
Khoa học cũng như mọi sự trên thế giớí đều không ngừng thay đổi, thi pháp học cũng thế. Từ thời cổ đại cho đến giữa thế kỉ XX thi pháp học là bộ môn độc lập với tu từ học (Rhetorika). Nhưng với sự phát triển của kí hiệu học, lí thuyết diễn ngôn, tự sự học và tu từ học mới, thi pháp học hôm nay không mất đi mà có những nội dung mới, tương quan mới. ở Nga hiện tại toàn bộ lí luận văn học là thi pháp học với hai bộ phận là thi pháp học lí thuyết và thi pháp học lịch sử. Tuy nhiên thi pháp học ấy nằm trong lí thuyết diễn ngôn với các thể loại lời nói. Văn học chỉ là một thể loại lời nói của con người, một lĩnh vực tri thức đặc thù. Tự sự học không còn chỉ là một bình diện của thi pháp học, mà trở thành khoa học nghiên cứu mọi phức thể kí hiệu gắn kết sự kiện được kể và sự kiện kể, bao gồm cả kiến trúc, âm nhạc, báo chí...thì thi pháp học phải được nhìn trong nhiều mối quan hệ rộng lớn. Mối quan hệ giữa thế giới nghệ thuật và văn bản phải được xem xét nhiều mặt hơn. Tuy vậy khái niệm thế giới nghệ thuật vẫn không thể bị thay thế, bởi nhiệm vụ hàng đầu của nhà văn vẫn là sáng tạo những thế giới nghệ thuật, nghĩa là dùng hình thức kiến tạo và hình thức kết cấu để tổ chức kinh nghiệm sống thành một thế giới mang nghĩa mới. Hình thức vẫn là hình thức mang tính quan niệm. Nhưng con đường phân tích được bổ sung bằng các thuật ngữ và kĩ thuật của tự sự học, diễn ngôn học, tu từ học. Tôi có nhận xét là mọi văn bản nghệ thuật đều được viết ra từ trong thế giới nghệ thuật, do đó thoát li thế giới này sẽ thiếu định hướng khám phá nội dung và hình thức nghệ thuật của văn bản. Mặc dù tự sự học và tu từ học có thể mở rộng ra ngoài phạm vi văn học nhưng xét riêng về nghiên cứu văn học vẫn có thể nói, tự sự học là sự mở rộng, đào sâu của thi pháp học vào lĩnh vực tự sự, cũng như phân tích diễn ngôn là sự đi sâu của thi pháp học vào văn bản ngôn từ.
 
Xin cho biết ý kiến về tình hình nghiên cứu thi pháp học Việt Nam từ trước đến nay như thế nào?
 
Trước những năm 30 thế kỉ XX ta chỉ có thi pháp học truyền thống về phép làm thơ văn cổ điển thể hiện trong một số sách thi pháp, thi thoại. Từ những năm 30 trở đi với sự tiếp nhận lí luận văn học hiện đại phương Tây đã có ý thức mới về văn học, cách phê bình văn học đã mới hẳn, nhưng phương diện thi pháp chưa được nêu ra như một đề tài nhiên cứu. Từ thi pháp cũng đã có rải rác trong các sách của thời kì đó, nhưng phần lớn dùng để chỉ phép làm thơ. Trong thời gian 1954 đến 1975 trong các đô thị miền Nam đã có những giới thiệu và thực hành thi pháp học hiện đại, đề tài thi pháp đã bước đầu được chú ý, nhưng chưa gọi là thi pháp, chưa thành khuynh hướng. Từ những năm 80, với nhu cầu đổi mới xã hội và văn học mãnh liệt thi pháp học mới thực sự trở thành đề tài của một khuynh hướng. Trong đó ngoài thi pháp học thế giới nghệ thuật còn có thi pháp học phong cách học, ngôn ngữ học, kí hiệu học, sau đó mở rộng thêm tự sự học. Đã có những tác phẩm đánh dấu cho một giai đoạn lí luận phê bình văn học.
 
Bước sang tuổi 70, nhìn lại một thời đã qua, GS tự đánh giá thế nào về sự nghiệp nghiên cứu thi pháp học của mình?
 
Nhìn lại chặng đường qua với những gì đã làm, tôi thấy mình đã góp phần nhỏ bé vào việc đưa thi pháp học hiện đại vào Việt Nam như một đề tài nghiên cứu vào thời điểm mà xã hội rất cần sự đổi mới, chuyển hướng trong phê bình, nghiên cứu văn học, khắc phục sự độc tôn xã hội học trong nghiên cứu văn học. Nó góp phần đổi mới lí luận văn học và phương pháp nghiên cứu văn học. Bằng chuyên đề và giáo trình đại học tôi đã bước đầu giới thiệu những khái niệm mới như thế giới nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con người, không gian, thời gian nghệ thuật, nhãn quan ngôn từ của nhà văn, nội dung thể loại sử thi, thế sự, đời tư, hình tượng tác giả, giọng điệu nghệ thuật...Bằng các công trình nghiên cứu về thơ Tố Hữu, Truyện Kiều, văn học trung đại tôi đã có những khái quát và nhận định mới, cho thấy có một cách tiếp cận khác có tiềm năng, chứ không phải chỉ có cách duy nhất như trước. Thi pháp thế giới nghệ thuật với những thao tác nghiên cứu của nó dã gợi mở cho các bạn trẻ một con đương thâm nhập các thế giới nghệ thuật đa dạng thuộc nhiều thể loại khác nhau. Điều này có thể nhìn thấy trong rất nhiều luận văn tiến sĩ, cao học và các chuyên luận xuất hiện trong thời gian gần đây.
 
Xin GS đưa ra những nhận xét khái quát về thành tựu nghiên cứu theo hướng thi pháp của những người đồng nghiệp trước và cùng thời với ông ở Việt Nam.
 
Trước tôi, thi pháp học thấm vào các bài phê bình thơ của Hoài Thanh, Xuân Diệu..., trong đó, chủ yếu là lối bình thơ truyền thống tìm câu hay từ đắt, nhạc điệu. Chỉ một vài chữ hay, câu thơ hay là đủ khẳng định một tài thơ. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam nhiều lúc đã làm hơn thế. Ông muốn khám phá chỉnh thể của một thế giới thơ của thi nhân. Lê Đình Kỵ nghiên cứu Truyện Kiều về cơ bản theo thi pháp của chủ nghĩa hiện thực. Các tác giả trong đô thị miền Nam dã có những thử nghiệm theo hướng thi pháp học cấu trúc, phân tâm học. Từ những năm 80 Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc làm choáng ngợp người đọc bằng những nhận định độc đáo dựa trên các thao tác cấu trúc. Công trình này ông viết từ những năm 60 nhưng nay mới có điều kiện công bố. Hoàng Trinh muốn mở ra thi pháp học kí hiệu học về thơ nhưng ông chưa thành công. Thi pháp học lí thuyết của Nguyễn Phan Cảnh, Bùi Công Hùng giới thiệu những khái niệm mới về thơ. Đỗ Đức Hiểu nhập cuộc thi pháp học muộn màng hơn, chạy đua với thời gian, lí luận của ông còn thô sơ như là bài ghi trên lớp, nhưng ông xông xáo trong phê bình và có những bài tài hoa xuất chúng. Lí luận của ông chỉ phản ánh lí luận của các nhà phong cách học Pháp những năm 50, 60. Tuy nhiên phê bình thi pháp học của ông nhiều khi mang đậm màu sắc ấn tượng chủ nghĩa chứ chưa phải khoa học. Đỗ Lai Thuý chỉ khi vận dụng phân tâm học mới thể hiện được cái riêng của mình. Nhà phê bình này tuy giới thiệu không ít tài liệu song nghiên cứu lí luận và phê bình thường chưa thấu đáo. Hai tác giả họ Đỗ có khuynh hướng đồng nhất nghiên cứu thi pháp học với phê bình thi pháp học. Trong giới trẻ đã xuất hiện nhiều cây bút phê bình nghiêm túc, sắc sảo về mặt thi pháp như Nguyễn Thị Bích Hải, Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Điệp, Lê Huy Bắc, Phan Thu Hiền, Nguyễn Thanh Tú... Nhìn chung thi pháp học hiện đại tuy đã thành khuynh hướng nhưng thành tựu chưa đông đều. Dù thế nào nó cũng đánh dấu một sự chuyển hướng đáng kể trong lí luận phê bình văn học Việt Nam cuối thế kỉ XX.
 
 
Chúng tôi thấy phê bình văn học của GS cũng có ấn tượng, xin cho biết phê bình văn học của ông có gì đặc biệt?
 
 
Tôi viết phê bình văn học không nhiều, chủ yếu là viết vào thời kì Đổi mới. Các bài phê bình của tôi có loại viết về tác phẩm văn học, như Sao đổi ngôi, Bến quê, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Đáy nước, Tuổi thơ im lặng...Có loại phê bình tác phẩm phê bình như của các tác giả Phan Ngọc, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai...Tôi cũng chủ động tham gia tranh luận và có khi buộc phải phản phê bình. Khi phê bình tác phẩm cụ thể, tôi chú ý đến thi pháp, phong cách nghệ thuật của tác phẩm. Chẳng hạn như phong cách thế sự dân gian trong Sao đổi ngôi, phong cách trữ tình sử thi trong bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường, phong cách triết luận nghịch lí trong truyện ngắn đổi mới của Nguyễn Minh Châu, hoài niệm văn hoá làng quê của Duy Khán, hoài niệm sử thi của Nguyễn Kiên...Cách phê bình ấy đã gây ấn tượng. Khác với Hoài Thanh chỉ tìm cái hay để khen, tôi tìm cái lặp lại để xác định mô hình nghệ thuật, từ đó phê bình giá trị kiểu tư duy nghệ thuật của tác giả. Tôi chú ý đến nội dung loại hình thể loại trong tác phẩm như là yếu tố mang phong cách nhà văn. Tôi cũng có bài phê bình khuynh hướng văn học một giai đoạn như Đổi mới tư duy trong văn học 1975 – 1985. Phê bình công thức phê bình trong một tập sách phê bình thơ do Phong Lê chủ biên. Phê bình các hiện tượng văn học trước 1945 như thơ mới. Tôi nhớ trong một bài viết về phê bình văn học đương thời GS Phùng Văn Tửu có nhắc tên tôi, và GS Đỗ Hữu Châu có nói với tôi, là thích lối phê bình của Trần Đình Sử. Nhân nói về phê bình, tôi xin gợi lại một kỉ niệm về bài phê bình tập Bến quê của Nguyễn Minh Châu. Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu vào thời điểm ấy chưa có định luận. Có người bảo nó nhiều dị biệt, thiếu điển hình. Có người bảo nó nhiều ưu tư, thiếu tinh thần lạc quan cách mạng. Tôi thấy đó là sản phẩm phê bình theo quan niệm cũ, theo quan niệm ấy thì phê bình tác phẩm mới làm sao đươc. Lí thuyết điển hình và chủ nghĩa lạc quan đã không còn hiệu lực nữa. Người yêu nước lúc này phải biết ưu tư, chỉ một mực lạc quan là xa rời thực tế. Tôi đã viết một bài khẳng định cái mới của nhà văn theo quan niệm mới. Chị Ngọc Trai cho tôi biết, bài ấy ông Đào Vũ không cho đăng. Nhân ông đi công tác vắng, chị Ngọc Trai phó tổng biên tập liền cho đăng ngay, thế là tôi được một điểm. Đó là bài sớm nhất khẳng định truyện ngắn mới của Nguyễn Minh Châu. Nhà văn rất vui, ông nhắn qua GS Nguyễn Đăng Mạnh lời cảm ơn và gửi sách tặng tôi.
Phê bình học thuật tôi chú ý đến quan niệm, phương pháp, lôgich lập luận và sự phù hợp với thực tế. Các bài phê bình của tôi khi đăng báo đều bị cắt xén, ít khi được nguyên vẹn. Nhiều ý tôi tâm đắc bị cắt đi không thương tiếc. Ngày ấy chưa có máy vi tính, chưa có điều kiện lưu lại được, mất là mất luôn, rất tiếc.
Có người nói tôi là người ẩn tướng, cung nô bộc xấu, thiếu cái uy, cho nên thỉnh thoảng gặp tiểu nhân làm khó. Nhiều trường hợp đụng đến vấn đề chuyên sâu, tôi phải đương đầu mới giải quyết được, ví dụ tranh luận về hai chữ văn chương, tranh luận về SGK, về phương pháp dạy học...Có lúc người ta cố tình xuyên tạc tôi chỗ này chỗ nọ để có lợi cho họ, có dịp tôi sẽ nói lại. Tôi cũng là đối tượng của phê bình áp đặt, ví như Bàn tròn Cửa Việt và phê bình của một nhà thơ - phê bình lừa dối. Tôi thất vọng nhất là nhiều báo chí của ta chỉ đăng bài “đánh” mà không cho “người bị đánh” nói lại. Tôi không hiểu đã có luật rồi mà sao các báo vẫn ứng xử thiếu dân chủ như thế, phải chăng có một thứ luật rừng? Có lần tôi đã viết thư cho ông trưởng ban Văn hoá và tư tưởng của Đảng Nguyễn Khoa Điềm hỏi phải chăng phê bình kiểu ấy có sự bảo kê? Ông Hồng Vinh thay mặt Ban viết thư trả lời tôi là không có, nhưng sự việc vẫn như cũ. Có người nói với tôi: Có phải cái gì các ổng cũng quản lí hết được đâu. Tôi tuyệt đối không dùng phê bình như một thủ đoạn để đánh bóng mình hay làm tổn thương người khác. Đạo đức phê bình theo tôi phải trung thực, ngoài chân lí không có mục đích nào khác. Đọc bài của tôi phê bình Đào Thái Tôn, Vương Trí Nhàn cười mà nhận xét rằng tôi phê bình gay gắt nhưng hiền lành, không ác. Trong tranh luận học thuật, tôi chỉ quan tâm đến tính chân lí, trình bày hết lí lẽ để bạn đọc phán xét. Tôi không thích lối phê bình chủ quan tuỳ tiện của mấy kẻ tự xưng tài hoa, quen thói múa chữ. Phê bình như thế, ngoài phần tự biểu hiện của tác giả thì chỉ đánh lừa được người không biết chuyên môn mà thôi.
 
Xin GS cho biết vì sao hiện nay có một số người tỏ ra dị ứng với thi pháp học?
 
Tôi nghĩ sự dị ứng nếu có thì không nhiều. Sự dị ứng có thể giải thích bằng nhiều lí do. Tuy vậy, thi pháp học là một khoa học, chẳng có lí do gì để dị ứng với nó. Người ta chỉ có thể dị ứng với người làm thi pháp hoặc với tác phẩm thi pháp cụ thể của họ mà thôi. Tôi biết có người dị ứng với khái niệm thế giới nghệ thuật, đó là thuần tuý do thiếu thông tin, giống như chú AQ ở làng Mùi, quen gọi ghế dài là ghế dài, thấy người ở phố huyện gọi là “cái băng” thế là dị ứng! Tôi chỉ cần nêu một danh sách sơ lược về các công trình nghiên cứu thế giới nghệ thuật ở Nga là thấy ngay sự dị ứng ấy do thiếu hiểu biết. Ví dụ như Thế giới nghệ thuật của Gogol của Mashinski (1979), Trong thế giới của Dostoievski của Seleznev (1980), Không gian và thời gian trong thế giới nghệ thuật của chủ nghĩa lãng mạn của Fiodorov (1988), Những thế giới của tác giả trong văn học Nga nửa đầu thế kỉ XIX của Boico (2005), Con người trong thế giới nghệ thuật của A.N.Ostrovski của Salimova (2007), Bóng tối và tự do trong thế giới nghệ thuật của các nhà lãng mạn của Saprykina (2007)...Như thế thi pháp học ở Việt Nam mấy thập kỉ qua đã đồng hành cùng các đồng nghiệp Nga. ở ta vẫn có không ít người tuy không biết nhưng vẫn tự cho phép mình nói liều ngang nhiên. Trước đây ta có thói “tự kiêu cộng sản”, nói gì thì chỉ có mác xít mới đúng. Nay lại có thói “tự kiêu phương Tây”, chỉ có Tây mới sâu sắc, còn Nga thì nhằm nhò gì. Theo tôi mọi thứ tự phụ đều đáng vứt đi, mà những người tự phụ như thế chẳng qua là nói theo thần tượng họ tôn sùng, trong bụng chưa chắc đã có chữ gì. Lối tư duy theo thần tượng rất có hại cho khoa học, thậm chí là kẻ thù của khoa học. Một lí do khác, có thể là do thi pháp học tồn tại một mình trong một thời gian quá dài, mà bất cứ cái gì, một khi được sử dụng qúa nhiều, lại không biết học hỏi để tự đổi mới luôn luôn thì đều dễ trở thành lặp lại, nhàm chán. Phân tâm học, tự sự học cũng có nhiều trường hợp đang gây nhàm chán, đang thành mốt. Nhiều người muốn có sự thay đổi thực trạng ấy nhưng bất lực nên dị ứng. Cũng còn vì do mở rộng giao lưu, có nhiều cách tiếp cận mới, hé mở những khả năng mới, người ta muốn thử sức ở những lĩnh vực mới, không muốn lặp lại nên dị ứng. Theo tôi nên sử dụng năng lượng dị ứng nhằm làm ra cái mới có sức thuyết phục là hơn đi chê bai người khác, vì điều đó có lợi cho khoa học. Mặc dù vậy mọi dị ứng đều có mặt thiên lệch, thiếu công bằng, bởi vì không phải mọi công trình thi pháp học của thế hệ sau tôi đều nhàm chán. Chẳng hạn Thi pháp thơ Đường của Nguyễn Thị Bích Hải, có nhiều phát hiện khác hẳn với các học giới Trung Quốc. Thi pháp ấn Độ của Phan Thu Hiền đi theo hướng lí thuyết lịch sử. Thi pháp kết cấu truyện Nôm của Nguyễn Thị Nhàn là một công trình có tính đột phá. Nhiều công trình khác của các tác giả Lê Dục Tú, Nguyễn Thanh Tú, Nguyễn Đăng Điệp...đều nói những điều mới mẻ. Vẫn còn nhiều hiện tượng văn học Việt Nam và thế giới chờ đợi được nghiên cứu về phương diện thi pháp. Có người dị ứng với các khái niệm thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con người... nhưng đó cũng là phản ứng của người thiếu thông tin. Các phạm trù ấy được nghiên cứu trước hết rất sâu ở Mĩ, ở Đức rồi sau mới ở Nga, hiện nay giới nghiên cứu Trung Quốc mới bắt đầu quan tâm các khía cạnh này. Theo tôi thì các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc xem xét vấn đề này sau ta. Các đề tài tương tự về thời gian, không gian, quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu ở Liên bang Nga, Ucraina thể hiện trong rất nhiều luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ và chuyên luận. Xin xem danh mục các đề tài luận án tiến sĩ và phó tiến sĩ thời gian gần đây ở trên các trang Web của các nước này. ở đây còn nhiều việc cho những người nghiên cứu thi pháp. Một mặt phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các phạm trù thi pháp, mặt khác cũng cần phiên dịch, giới thiệu những tài liệu ở nước ngoài để tham khảo.
 
Thưa ông thi pháp học cho đến nay có thể nói là đã lan rộng trong nhiều trường đại học, trong các luận án các cấp học vị, có người nói đã thành một thứ “hội chứng”, một thứ “môt”, “thời thượng”. GS nghĩ như thế nào?
 
Đúng vậy đấy, quả là đã có hội chứng về thi pháp ở Việt Nam. Khi tôi mới công bố bài Thời gian nghệ huật trong Truyện Kiều(5 -1981), Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (2 – 1983) và nhiều bài báo khác đã gây chú ý cho giới nghiên cứu, vì người ta thấy trong đó có một cách tiếp cận văn học mới, khác truyền thống  mà có hiệu quả. Cho dù đối tượng đã được nghiên cứu tưởng như cạn kiệt vẫn còn có khả năng đưa ra kiến giải mới. Trong khi ấy cũng có một số người giới thiệu phương pháp mới này nọ nhưng không gây được chú ý và hứng thú. Sau hai bài báo đầu tiên tôi được mời nói chuyện về thi pháp tại Ban lí luận phê bình của Hội nhà văn (do anh Lại Nguyên Ân tổ chức), được GS Đặng Thanh Lê mời nói chuyện cho bộ môn mà bà là Tổ trưởng, GS Đỗ Đức Hiểu cũng mời tôi trình bày tại bộ môn văn học nước ngoài Đại học Tông hợp, anh Đỗ Lai Thuý mời tôi tnói chuyện tại NXB Thế giới, Hội đồng bộ môn văn Bộ Đại học tổ chức Hội thảo về thi pháp học, mời tôi và GS Nguyễn Kim Đính báo cáo. Lớp sau đại học nơi tôi dạy chuyên đề thi pháp học chủ động tổ chức Hội nghị khoa học về thi pháp học, hội thảo khoa học lần đầu tiên của các học viên cao học trong nước, có đăng tin trên báo. Giáo sư Đỗ Hữu Châu, chủ nhiệm khoa Ngữ văn hồi đó nói trước nay chưa bao giờ có hội nghị khoa học của học viên do học một chuyên đề. Sau đó tôi dược mời giảng tại ĐHSP Huế, ĐHSP Vinh, ĐHSP Thái Nguyên, nói chuyện tại Khoa Văn học và báo chí tại Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh...Cảm động nhất là một số giảng viên Đại học sư phạm Huế ghi chép bài giảng của tôi rồi đề nghị tôi cho in rôneo để sinh viên dùng. GS Mai Quốc Liên viết một bài về văn học cách mạng Việt Nam đăng trên Sài Gòn giải phóng hoàn toàn theo quan điểm thi pháp học của tôi . Tiếp theo là hàng loạt sinh viên, học viên cao học, NCS đua nhau làm thi pháp. Có lần gặp GS Lê Đình Kỵ ở Sài Gòn, ông bảo có sinh viên muốn làm không gian thời gian nghệ thuật mà tôi không biết hướng dẫn sao cả. Như thế cái gọi là “hội chứng thi pháp”thì hội chứng ấy đã lôi cuốn nhiều giáo sư đầu ngành đương thời quan tâm và nghiên cứu chứ chẳng riêng gì sinh viên, NCS. Một số nhà nghiên cứu văn học tập hợp các bài viết của mình về nhiều vấn đề rồi đặt nhan đề “Thi pháp học”, đó cũng là theo mốt.
Có một chi tiết xin kể lại. Sau khi tôi in bài báo về Thời gian trong Truyện Kiều, GS Đặng Thai Mai mấy lần nhờ PGS  Nguyễn Văn Hoàn lúc ấy là Viện phó Viện văn học nhắn mời tôi đến nhà chơi mà PGS cứ quên. Cuối cùng thì ông cũng nhớ. Nhà tôi chỉ cách nhà GS Đặng Thai Mai có ba nhà. Khi tôi đến, GS mời vào phòng khách, mời nước, than phiền lâu nay nghiên cứu văn học ta ít cái mới, khuyên tôi nên tiếp tục nghiên cứu không gian thời gian Truyện Kiều. GS đưa bút cho tôi, yêu cầu tôi viết một số chữ Hán do GS đọc. Tôi viết cho GS xem, ông khen viết được đấy, rồi đề nghị, nếu muốn làm tiến sĩ khoa học về không gian thời gian trong trong văn học Việt Nam thì ông hướng dẫn cho. Không hiểu sao lúc ấy tôi từ chối, nói cháu cảm ơn bác, nhưng Văn học Việt Nam cổ điển rất phong phú, cháu chưa đọc được bao nhiêu. GS bảo chỉ đọc sáu tháng là hết chứ lo gì. Tôi biết sức mình chưa làm được thế. Việc tôi từ chối có thể làm GS phật lòng, nhưng đúng là lúc đó tôi nghĩ thế. Đó cũng là một biểu hiện của hội chứng.
Một biểu hiện hội chứng nữa là nhà phê bình Vương Trí Nhàn phụ trách mảng sách lí luận phê bình của NXB Tác phẩm mới lúc ấy đặt tôi viết cuốn sách thi pháp thơ Tố Hữu, chuẩn bị cho các lễ kỉ niệm năm năm 1985. Tôi nhận lời. Ông bảo có muốn gặp nhà thơ Tố Hữu để hỏi han gì thì NXB sẽ bố trí cho gặp, nhưng tôi từ chối. Khi tôi nộp bản thảo, đọc xong, anh Vương Trí Nhàn tuyên bố với tôi: Cuốn này in ra tôi bảo đảm với ông sẽ có giải thưởng Hội nhà văn. Nhưng rồi chẳng có gì cả, có lẽ anh Nhàn quá lạc quan.
Còn có thể kể thêm nhiều biểu hiện hội chứng nữa như nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục khen và mời tôi đến nhà chơi, khuyến khích đi tiếp. Ông Phan Ngọc cũng vui vẻ chia sẻ, khích lệ...Trong chuyên luận của ông về Truyện Kiều duy nhất ông có nhắc đến bài viết của tôi. Có thể nói là tôi đã được đón nhận khá nồng nhiệt.
Vấn đề là hiểu hội chứng ấy như thế nào. “Hội chứng” ấy, theo tôi, một mặt, nói lên sức thu hút của bản thân thi pháp học, mà mặt khác, chủ yêú hơn là do nhu cầu muốn đổi mới, vượt qua cách tiếp cận cũ của xã hội học lúc đó rất bức thiết. Không ai muốn bó mình vào trong một cách tiếp cận cũ. Chỉ tiếc là vào những năm 80 tài liệu tham khảo còn quá ít, chưa có chuẩn bị đầy đủ để mọi người tiếp nhận thi pháp học. Sau này người ta dịch thuật một số công trình lí luận thi pháp học, nhưng phần lớn là của phương Tây, không giống với thi pháp học của tôi có cội nguồn từ Nga, nên một số người hoang mang, thất vọng. Có các công trình dịch thuật rồi nhưng cũng chưa thấy ai vận dụng được để làm nên những công trình có nghĩa lí. Không phải lúc nào và phương pháp nào cũng gây được “hội chứng” hay “mốt” nếu muốn nói như thế. Nhiều người nghiên cứu thi pháp theo lối bắt chước mà không hiểu thực chất, đó là nguyên nhân thành mốt. Mặt khác, hiểu sai, vận dụng thô thiển là chuyện hết sức thường tình trong khoa học. Có lí thuyết khoa học nào, chủ thuyết nào mà không bị hiểu nhầm và vận dụng thô thiển đâu ? Chẳng lẽ do bị vận dụng thô thiển cho nên lí luận ấy sai? Chẳng lẽ lí thuyết phải chịu trách nhiệm đối với những ai hiểu lầm? ấy thế mà lập luận “Hội chứng” xem ra đang thành định luận đối với thi pháp học!
 
Có người nói thi pháp học của ông là nàng dâu Tây do ông dắt về, là thứ F1, F2 của thi pháp học trên thế giới, ông nghĩ sao ?
 
Tôi nghĩ đó là cách nói thiếu thiện chí, ngụ ý rằng thi pháp mà tôi nghiên cứu rất xa lạ như người đàn bà mũi lõ, tóc vàng, béo ị, như kiểu lợn lai f1, f2, là thứ bê nguyên xi của nước ngoài. Có người còn khen là “bứng trồng” ngoạn mục, cũng cùng một ý đó. Đó là cách nói nhằm gây ấn tượng hạ thấp, nói rằng, tôi vận dụng sơ lược một cái gì đó có sẵn, phủ nhận sự sáng tạo ở phương diện lí thuyết trong đó. Thực ra sức thuyết phục của các bài nghiên cứu truyện Kiều hay thi pháp thơ Tố Hữu là ở chỗ nó không có gì xa lạ, sống sượng cả, trái lại là đọc rất gần gủi, nhuần nhuyễn, dễ vào. PGS. TS. Đỗ Xuân Hà còn bảo với tôi: “Thi pháp thơ Tố Hữu của anh viết như tiểu thuyết, tôi đọc một hơi thú vị”. Anh chê tôi là chưa nói được phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa của thơ Tố Hữu. Và sau đó anh sang Liên xô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học theo đề tài “Thi pháp văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Cuốn sách đã được tác giả dịch ra tiếng Việt và đã xuất bản.
 
Lịch sử sẽ sàng lọc tất cả và sự lựa chọn của nó nằm ngoài mọi quyền uy, quyền lực. Theo GS hành trình của khoa học xã hội nói chung và nghiên cứu văn học nói riêng đã có thể xem là có sự vận động, phát triển ở Việt Nam, có thể nêu được những ví dụ cụ thể và những mốc thời gian của quá trình đó?
 
Tất nhiên, trong khoa học thời gian sẽ sàng lọc tất cả, những ngộ nhận, sai lầm sẽ bị lãng quên và thay vào đó những nhận thức mới, đúng đắn, cập nhật. Có cái gì mà không bị thời gian vượt qua? Nhà nghiên cứu văn học ở nước ta tất nhiên chẳng có quyền uy quyền lực nào. Những cách tiếp cận cũ, xơ cứng, giáo điều, thô thiển thì dù có dùng quyền lực cũng không bảo vệ được. Những công trình có giá trị, cho dù có bị quyền lực cấm đoán, chôn vùi thì cũng có ngày được đào lên, phủi bụi. Các ví dụ này thì quá nhiều, ai cũng trông thấy nhỡn tiền. Những cách đọc thô thiển, chẳng hạn như xem cô Kiều của Nguyễn Du là con bệnh uỷ hoàng, hay xem Kiều thuộc thành phần tiểu tư sản do trong nhà nàng có khung dệt, gói may, sau đó lại may thuê, viết mướn thì chỉ là những ví dụ gây cười về cách cảm thụ dung tục. Mặt khác, chân lí trong nghiên cứu văn học không phải là nhận thức chính xác như toán học, mà là nhận thức theo chiều sâu, những tìm tòi có căn cứ sẽ mở ra những chiều sâu mới trong cảm thụ cho người đọc. Và phương pháp dẫn đến những tìm tòi đó sẽ có chỗ đứng lâu dài. Bởi văn học chấp nhận nhiều cách tiếp cận hợp lí chứ không phải chỉ một cách nào đó duy nhất. Những cách đó, nếu đúng đắn chỉ làm cho sự tiếp cận đối tượng phong phú thêm, chứ không phải là phủ định lẫn nhau. Chẳng hạn cách tiếp cận câu hay từ đắt trong thi thoại xưa bây giờ đọc vẫn thú vị. Các phê điểm của Thánh Thán vẫn gây cảm hứng sâu sắc cho chúng ta. Không lí luận nào có thể bác bỏ ông ấy được. Ai bác bỏ thì người ấy thiệt, thế thôi. Trước đây ông Lê Văn Hoè cho rằng Truyện Kiều chỉ có giá trị về văn chương, còn nội dung thì chỉ là vay mượn. ý đó chỉ đúng một nửa. Hoài Thanh đã chỉ ra giá trị nội dung là tiến thêm một bước.  Lê Đình Kỵ nghiên cứu Truyện Kiều theo thi pháp của chủ nghĩa hiện thực tuy không phù hợp với đối tượng, song với cảm nhận sâu sắc, ông vẫn có những cống hiến vượt ra ngoài thi pháp chủ nghĩa hiện thực, có giá trị lâu dài. Trong văn học, phương pháp có thể bị vượt qua do giới hạn của nó, song những hiện tượng văn học nhờ nó mà được khám phá sẽ được ghi lại để người sau tiếp tục nghiên cứu theo những phương pháp khác. 
Trong nghiên cứu văn học Việt Nam có thể nhận thấy một quá trình tiến bộ. Các bộ sách Lịch sử phê bình văn học sẽ nói. Riêng nghiên cứu Truyện Kiều, mọi người đều có thể kiểm chứng một quá trình tiếp nhận ngày càng sâu, càng rộng, càng khoa học, toàn diện. Điều này tôi đã viết trong Thi pháp ruyện Kiều.
 
Những thế hệ đi trước đã làm được những gì trong vai trò của họ và trong cơn say đao búa văn chương thì họ trở thành nạn nhân. Thi pháp mà ông được coi là “ông tổ” ở Việt Nam được sử dụng trong đêm trước đổi mới có phải là một cách tìm đường đi an toàn hay chỉ là một hướng khoa học thuần tuý? Tôi muôn biết về một cách lựa chon.
 
Các thế hệ đi trước trong phạm vi và điều kiện của họ đã làm được nhiều điều. Một cuốn lịch sử các phương pháp phê bình văn học ViệtNam sẽ cho ta thấy điều đó. Trong nửa sau thế kỉ XX trong điều kiện chỉ độc tôn một thứ lí luận một số người đã vùng vẫy muốn nêu những ý tưởng mới, nhưng họ chưa có cơ hội để hoàn thành ý nguyện của mình. Xuất hiện vào đêm trước của Đổi mới, thi pháp hoc của tôi là một lựa chọn khoa học. Tôi đã nói lí luận đương thời chưa quan tâm đến hình thức nghệ thuật, chúng ta còn nợ việc nghiên cứu phương diện nghệ thuật. Chúng ta còn nhớ ở Liên Xô từ những năm 60 thi pháp học đã được phục sinh, không còn bị cấm kị nữa. Lúc ấy tiếc thay ở ta đang phê phán chủ nghĩa xét lại Nga. Đến những năm 70 Nga lại là chỗ dựa của ta, sách lí luận Nga hồi ấy được dịch nhiều nhất. Khrapchenco, nhà lí luận tuyên huấn cũng đề xướng thi pháp học lịch sử thì đã có thuận lợi nhiều. Tuy nhiên ở ta do có người còn bảo hoàng hơn vua nên vẫn kiêng dè hình thức và thi pháp. Xin nêu một ví dụ. Khi bản thảo Thi pháp thơ Tố Hữu đã nộp rồi (1985) nhưng NXB vẫn chưa cho in. NXB chưa dám quyết. Anh Lại Nguyên Ân cho biết, phải xin ý kiến ông Hà Xuân Trường mới xong. Anh Nguyễn Trung Thu ở Ban Tư tưởng và Văn hoá trung ương cho biết, anh báo cáo với ông Trường, viết hộ ông Trường “Mấy lời giới thiệu”, được ông đồng ý đặt ở đầu sách, lúc đó (1987) mới in được. Điều đó chứng tỏ người ta còn e ngại lắm. Cho đến khi Thi pháp thơ Tố Hữu đã ra đời, được dư luận chú ý, nhưng khi GS Nguyễn Lai viết bài Sức mạnh hệ thống trong Thi pháp thơ Tố Hữu nhằm khẳng định cuốn sách, gửi báo Văn nghệ, thì thời ấy chị Thiếu Mai phụ trách phê bình và ông Đào Vũ làm Tổng biên tập đã không đăng. Mãi đến khi anh Hữu Thỉnh lên làm Tổng biên tập báo Văn nghệ anh mới cho đăng bài khác giới thiệu cuốn sách của tôi (9 - 1989). Anh nói với tôi chân thành: Chưa giới thiệu được cuốn sách của anh là một thiếu sót. Điều này cho thấy không phải cứ treo cái tên Tố Hữu lên đã là một bảo đảm chắc chắn. Cũng xin nhắc thêm, do anh Nguyễn Minh Tấn, phó giám độc NXB Văn học đặt hàng, một nhóm tác giả gồm Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Trần Đình Sử, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo viết chung công trình Một thời đại văn học mới NXB Văn học, (1987, năm 1995 tái bản đổi lại là Một thời đại mới trong văn học), được nhà Việt Nam học Nga Anatoli Xocolov xem là “Một sự kiện đáng kể trong đời sống phê bình văn học Việt Nam”thời ấy mà điểm nổi bật “là tinh thần sáng tạo mới”, thực chất có nhìn nhận hình thức văn học theo quan điểm thi pháp học như các bài của Trần Đình Sử và Lại Nguyên Ân (Theo bản dịch của Lại Nguyên Ân) không hề được báo giới trong nước để mắt tới cũng cho thấy giới phê bình văn học ta hồi ấy vẫn chưa sẵn sàng khẳng định cái mới trong nghiên cứu, phê bình. Nhưng tôi tin xu thế nghiên cứu thi pháp là không thể đảo ngược, ở Liên xô đã thông thì ở Việt Nam trước sau cũng sẽ thông. ở đây không có vấn đề tìm cách an toàn hay không, mà là tư tưởng khoa học và thời cơ lịch sử. Một tư tưởng khoa học đã bắt gặp được thời cơ để xuất hiện, do đó khi xuất hiện nó được hưởng ứng, dấy lên cả một phong trào. Muốn an toàn, yên thân thì tốt nhất không nên làm gì cả.
 
Theo GS, phương hướng phát triển tiếp theo của thi pháp học Việt Nam sẽ ra sao?
 
Thi pháp học có nhiều trường phái mà thi pháp của tôi chỉ là một, thuộc hệ thi pháp học Nga. Ngay hệ thi pháp học Nga cũng có nhiều nội dung phong phú. Cần mở rộng sang nhiều cách tiếp cận khác nữa. Mặt khác, trong phạm vi thi pháp của tôi, các khái niệm lí luận của nó cũng chưa phải là đã xong xuôi. Mỗi lúc người ta chỉ khai thác một số khía cạnh của nó, còn nhiều khía cạnh khác còn để ngỏ, đòi hỏi phải được nghiên cứu sâu hơn nữa. Chẳng hạn các khái niệm thế giới nghệ thuật, không gian, thời gian nghệ thuật, giọng điệu...tuy đã được xác định bước đầu bởi nhiều nhà lí luận như Bakhtin, Lotman..., nhưng vẫn có nhiều điểm cần được xác định cụ thể hơn nữa, thao tác phân tích cần được xây dựng chặt chẻ hơn nữa. Cụ thể hoá và minh xác hoá các khái niệm sẽ làm cho thi pháp học trở thành con dao phân tích văn học sắc bén. Thi pháp học cần kết hợp chặt chẻ với tự sự học và tu từ học hiện đại. Gần đây GS Nga V. I. Tiupa sang Đại học sư phạm giảng bài. Ông nghiên cứu tự sự học nhưng cách riếp cận có nhiều tìm tòi mới. Vấn đề không phải là thi pháp học hay tự sự học, mà là ai làm và làm như thế nào. ở đây không phải là vận dụng cái có sẵn mà là tìm con đường để đi vào và sáng tạo. Phương pháp trong nghiên cứu văn học không như trong khoa học kĩ thuật có thể vận dụng để làm ra sản phẩm hàng loạt, cái nào cũng như nhau. Đối tượng của nghiên cứu văn học là những hiện tượng cá biệt, không lặp lại và đa nghĩa, do đó mỗi lần vận dụng thành công là một lần làm mới.
 
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang hằng ngày mong được các nước tưbản chủ nghĩa công nhận là nên kinh tế thị trường thì nên văn học ta hiện nay là nền văn học có thể xác định một cái tên gì cho phù hợp với nội dung của nó hoặc định hướng mà nó đang hướng tới, GS có suy nghĩ gì về giai đoạn văn học mà mình đang tham dự?
 
Câu hỏi này không dễ trả lời. Trong giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa với tinh thần đấu tranh giưa hai con đường chúng ta đã có nền văn học cách mạng, phần nào văn học xã hội chủ nghĩa mà nội dung chủ yếu là khẳng định con đường của ta, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những người chiến đấu hi sinh vì con đường đó, lên án kẻ thù và phê phán những ai đi chệch con đường đó. “Yêu căm chiến lạc” là tiêu chí cứng của nó. Hiện nay chúng ta đang là quốc gia chưa phát triển đang phấn đấu để trong thời gian mươi mười lăm năm nữa sẽ là quốc gia phát triển, xậy dựng kinh tế, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chống nghèo nàn lạc hậu, tham những, nâng cao văn hóa là nhiệm vụ chủ yếu, vì thế trung ương cả chục năm nay chủ trương gọi nền văn học ta là nền “văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Cách gọi này chứng tỏ ta đã bỏ, không dùng thuật nhữ “văn học cách mạng” hay “văn học xã hội chủ nghĩa” để chỉ giai đoạn văn học hiện nay. Nhưng định ngữ “tiên tiến” có nhiều nghĩa, một mặt nó muốn ứng với “định hướng xã hội chủ nghĩa”, mặt khác lại có nội dung “tiên tiến” như ta vẫn nói về “các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”, chỉ tính hiện đại, thể hiện mọi giá trị hiện đại. Sở dĩ không nói nền “văn học hiện dại” vì sợ lẫn với chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại đi ngược với “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng văn học ngày nay có thể không sáng tác theo cái tên nguời ta đặt cho nó mà là một hành trình tự thân theo tác động của đời sống nhiều chiều. Ta sẽ không bao giờ còn có một nền văn học “thuần chủng”, “chỉ nhuộm một màu”, mà sẽ là văn học đa nguyên, đa dạng, văn học không chỉ sáng tạo tinh thần mà còn là hàng hoá, không chỉ nhận thức, giáo dục mà còn là trò chơi, không chỉ là tao nhã mà còn là thông tục theo đủ loại phong cách. Văn học không chỉ là chân, thiện, mĩ như sáng tác thế kỉ 19, 20, mà còn có thể là không chân, không thiện, không mĩ như sáng tác của Kafka hoặc của các nhà phi lí hoặc hiện thực huyền ảo. Trong thời đại giao lưu mở cửa, hội nhập, toàn cầu hoá tri thức như hôm nay thật khó mà nói trước văn học tương lai như thế nào. Chỉ biết văn học Việt Nam sẽ gần gủi với các nền văn học các nước phát triển trên thế giới, mà không còn có thể tách ra thành một chân trời riêng biệt lập như cũ. Mọi xu hướng biệt lập sẽ khó thành công. Thi pháp của nó cũng sẽ đa nguyên đa dạng.
 
Một phương pháp chung dùng cho tất cả mọi nhà văn gọi là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa hình như đã rút lui không kèn không trống. GS có suy nghĩ gì về hiện tượng này như một cách ứng xử của một đát nước nếu như được phép tạo một quảng lùi nào đó về thời gian, về sự an toàn của các phát ngôn?
 
Theo quan sát của tôi thì trong ý nghĩ của không ít người chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa hình như vẫn còn, bởi nó gắn với khái niệm “văn học tiên tiến” đã nói ở trên. Nhưng nó đã rút vào “bí mật”, nấp sau hai chữ “tiên tiến”, nói như thế dễ nghe hơn, ít bị phản ứng hơn. Tuy nhiên đó cũng chỉ là cách nói. Trên thực tế thì phương pháp ấy đã không còn nữa, bởi vì, các văn kiện chính thức không còn nhắc đến nó, và trong sáng tác cũng vắng bóng. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi miêu tả đời sống để cho thấy tiến trình đời sống khách quan dẫn dắt con người đến tư tưởng chủ nghĩa xã hội, đem tư tưởng xã hội chủ nghĩa mà giáo dục công chúng, theo yêu cầu tính đảng thì tư tưởng ấy là duy nhất đúng, có những nhân vật điển hình cho con đường ấy... Thực tế là từ những năm 80 thế kỉ XX trở lại đây văn học Việt Nam hầu như không có tác phẩm nào như vậy. Trái lại, nhiều tác phẩm phơi bày những bất cập của thời kì quá độ, miêu tả những đâu thương, mất mát trên con đường cải cách ruộng đất, hợp tác hoá, cải tạo công thương nghiệp, học tập cải tạo tư tưởng...Những tác phẩm khác thì viết về cuộc sống của thời kinh tế thị trường với nhiều cạm bẩy, tham những, hưởng thụ, sa đoạ...Văn học đã trở lại với hình thái văn học bình thường như mọi nền văn học. Trước đây đầu năm 90, trong một cuộc toạ đàm tại Tạp chí cộng sản, tôi đề xuất ta không nên tiếp tục gọi nên văn học ta lúc đó là văn học cách mạng nữa, vì tính chất văn học đã thay đổi rồi. Ta nên gọi giản đơn là văn học. Đồng chí Hà Xuân Trường lúc đó đã phê phán tôi, nhưng sau đó thực tế cho thấy chúng ta đã không còn tiếp tục sử dụng thuật ngữ ấy nữa, đúng như dự đoán.
 
Nghiên cứu và giảng dạy văn học bậc đại học bây giờ có những thuận lợi khó khăn gì, nếu nhìn từ phía nghệ nghiệp, chính trị, xã hội, và cả những tương quan mới?
 
Nghiên cứu và giảng dạy văn hoc bậc đại học bây giờ nếu nhìn từ phía nghề nghiệp thì có nhiều thuận lợi lớn mà trước kia không có. Một là người ta có được môi trường tự do tiếp xúc với nhiều khuynh hướng tư tưởng học thuật mà trước đây cấm đoán. Hai là điều kiện giao lưu, phương tiện internet cho phép người ta thường xuyên cập nhật thông tin khoa học nhiều chiều. Ba là cánh cửa tu nghiệp nước ngoài cũng rộng mở. Bốn là điều kiện công bố công trình nghiên cứu được cải thiện hơn, ít bị hạn chế hơn. Năm là do có nhiều trường đại học, nhu cầu chuyên đề chuyên luận nhiều, không lo khoa học không có nơi sử dụng. Nhưng khó khăn lớn nhất là đãi ngộ không tương xứng, kém xa các nước trong khu vực, không đảm bảo đời sống, trong khi đó nhu cầu nâng cao chất lượng đời sống rất bức thiết, ít người chịu bỏ công thật sự để theo đuổi khoa học, một con đường chông gai, kết quả không chắc, mà chỉ muốn “đi tắt”. Không phải ngẫu nhiên mà ít có công trình khoa học công bố ở tạp chí nước ngoài. Hiện tượng đạo văn, đạo giáo trình trở nên phổ biến. Từ ngày bỏ Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp cho đến nay ngành đại học hoàn toàn bị thả nổi. Các vị cầm chịch không hiểu giáo dục đại học là gì, các hình thức quản lí thiên về hình thức, không có hiệu quả. Từ năm 1995 trả lời phong vấn  báo An ninh thế giới cuối tháng tôi đã dự báo sự sa sút của đại học Việt Nam trong mặt bằng khu vực. Tôi cũng đã nêu thực trạng là những người làm dự án giáo dục gồm hai ba chục triệu đô mỗi cái không hề quan tâm chất lượng giáo dục. Lãnh đạo bộ giáo dục một thời gian đài hầu như không nghe ý kiến của các nhà khoa học. Hệ thống chuyên đề dạy sau đại học hiện nay phần nhiều sơ sài, thiếu chất lượng khoa học. Giảng viên đại học rất ít đọc sách chuyên môn. Sự hẫng hụt về thế hệ giảng viên có chất lượng rất trầm trọng. Việc sử dụng các giảng viên như vắt chanh cạn kiệt, làm cho họ không có điều kiện để tái sản xuất tri thức và năng lực trí tuệ. Chưa bao giờ giáo dục đại học rơi vào khủng hoảng như bây giờ. Đó là hệ quả của một chính sách và cơ chế quản lí đại học kéo dài rất nhiều năm, và tất nhiên phải mất rất nhiều năm mới mong khắc phục được. Hiển nhiên chúng ta có nhiều lực lượng trẻ có tài năng, nhưng làm sao để họ cống hiến hết sức mình, hết đời mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo đang là vấn đề còn để ngỏ.
 
Xin cảm ơn GS.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512831

Hôm nay

2368

Hôm qua

2400

Tuần này

2768

Tháng này

219704

Tháng qua

121356

Tất cả

114512831