Những góc nhìn Văn hoá

HAI NGÀY ĐÁNG GHI NHỚ MÃI (Tường thuật cuộc gặp gỡ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ trong hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987)

Hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987, tại thủ đô Hà Nội đã diễn ra một sự kiện quan trọng: cuộc gặp gỡ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 văn nghệ sĩ và nhà hoạt động văn hóa.

Mặc dầu vì điều kiện xa xôi, các anh chị ở miền Nam không ra dự được nhiều, song trong một chừng mực nhất định, có thể nói quây quần trong cuộc trò chuyện thân mật mà nghiêm trang với người lãnh đạo cao nhất của Đảng hôm nay là một phần tinh hoa giới trí thức văn hóa nghệ thuật của đất nước. Có mặt các nhà văn Nguyễn Khải và Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng và Nguyễn Kiên, Nguyễn Đình Thi và Tế Hanh, Nguyên Ngọc và Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh và Bằng Việt, Chính Hữu và Chu Văn…; các nhà hoạt động sân khấu Dương Ngọc Đức và Tất Đạt, Lưu Quang Vũ và Tào Mạt, Phạm Thị Thành và Hồ Ngọc, Thanh Hương và Nguyễn Đình Nghi…; các nhà hoạt động âm nhạc Huy Du và Phạm Tuyên, Ái Vân và Xuân Thanh, Hoàng Vân và Đàm Linh, Trung Kiên và Vũ Tự Lân…; các nghệ sĩ tạo hình Nguyễn Tư Nghiêm và Phan Kế An, Đặng Thị Khuê và Dương Viên, Nguyễn Quân và Nguyễn Thụ, Thái Bá Vân và Phạm Viết Hồng Lam…; các kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật và Trọng Chi, Hoàng Nghĩa Sang và Ngô Thúc Hoàng…; các nhà hoạt động điện ảnh Trần Đắc và Hải Ninh, Trần Văn Thủy và Bùi Đình Hạc, Đoàn Lê và Lý Thái Bảo, Như Quỳnh và Đặng Nhật Minh…; các nhà nhiếp ảnh Hoàng Tư Trai, Hoàng Kim Đáng, Đinh Ngọc Thông…; cùng các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện, Phan Huy Lê, Nguyễn Hồng Phong, Vũ Khiêu, Nông Quốc Chấn, Phan Hữu Dật… Những tên tuổi gắn liền với những công trình sáng tạo văn hóa và nghệ thuật đã đành. Những tên tuổi ấy, cũng gắn liền với những tìm tòi, trăn trở trong nhiều năm qua về những vấn đề lớn, nóng bỏng của đất nước, của xã hội, của thời đại. Vâng, chứ không phải chỉ của nghệ thuật. Bởi vì, suy cho cùng, những trăn trở sâu xa nhất về nghệ thuật bao giờ cũng bắt nguồn từ những suy tư, quằn quại về xã hội, về dân tộc và thời đại. Và cuối cùng, cũng lại để hướng về đó. Chính vì thế mà cuộc đối thoại hôm nay giữa đồng chí Tổng Bí thư của Đảng và các văn nghệ sĩ của Đảng về những vấn đề cấp thiết của văn hóa nghệ thuật lại mang đậm đà âm hưởng của những biến đổi rộng lớn đang diễn ra trong xã hội, những biến đổi mà sự khởi đầu được đánh dấu bằng Đại hội lần thứ 27 Đảng Cộng sản Liên Xô và Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc đối thoại hôm nay là nằm trong, là một bộ phận của tiến trình rộng lớn đó.
Có một con số có lẽ cũng rất đáng chú ý: hai ngày làm việc, tổng cộng khoảng gần 15 tiếng đồng hồ, thì sau vài lời giới thiệu của đồng chí Trần Độ, Trưởng Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ nói mấy lời mở đầu trong chừng 5 phút, và trước khi kết thúc cuộc họp, đồng chí phát biểu trong đúng 50 phút. Còn thì, suốt hai ngày, đồng chí Tổng Bí thư chăm chú lắng nghe ý kiến của anh chị em. Nhà phê bình văn học NGUYỄN ĐĂNG MẠNH hồi tưởng và nhận xét: những lần trước đây gặp các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thường các đồng chí ấy nói từ đầu đến cuối, hoặc gần như thế, còn chúng tôi thì nghe, rồi về. Lần này, ngược lại… Chỉ riêng điều này thôi cũng đã là một dấu hiệu của sự đổi mới rồi…
Lời mở đầu của đồng chí Tổng Bí thư là một câu hỏi nhìn thẳng vào sự thật. Đồng chí nói: “… Tôi có một băn khoăn: hình như từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay những thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo hơn trước, không biết có đúng thế không? Nếu không đúng như thế, thì tôi mừng. Còn nếu đúng như thế thì tại sao? Hay do lãnh đạo có sự kiểm duyệt, sự hạn chế gì?… Nếu có tình hình ấy, tôi đề nghị có thể đó là một chủ đề để chúng ta trao đổi. Tôi mong được nghe ý kiến các đồng chí…”.
Nhà thơ HUY CẬN nói về sự trưởng thành đội ngũ, về những cản trở do sự thiếu hiểu biết của các cấp ủy địa phương đối với văn học nghệ thuật, về chức năng của nghệ thuật mà theo anh là “đưa con người trở về với cộng đồng”, về vấn đề những vốn văn hóa nghệ thuật dân tộc bị mất mát v.v… Có lẽ vì anh đề cập cùng một lúc đến nhiều vấn đề quá, nên khó có vấn đề nào nói được thật thẳng và sâu. Nhà thơ TẾ HANH nói đôi ý nghĩ về con đường thơ 30 năm của ta…
Cuộc hội thảo sôi nổi hẳn lên với tham luận của nhà lý luận HỒ NGỌC khi anh trả lời thẳng câu hỏi của đồng chí Tổng Bí thư. Anh nói: “Vâng, văn nghệ ta nghèo, vừa nghèo vừa lạc hậu như đất nước ta hiện nay vậy”. Đi tìm nguyên nhân của tình hình đó, anh đề cập thẳng đến một vấn đề nóng bỏng và thật là rất “khó”, khó bởi vì lâu nay ta vẫn thường né tránh nó như một thứ “húy kỵ”, mặc dầu dường như người làm văn nghệ nào cũng thấy có cái cấn, có chuyện không ổn ở đây: vấn đề mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Hồ Ngọc cho rằng vấn đề này ở ta chưa bao giờ được đề cập một cách công khai và được giải quyết một cách đầy đủ, đến nơi đến chốn… Do đó trong thực tiễn của đời sống văn học nghệ thuật đã đẻ ra biết bao nhiêu chuyện rắc rối, thậm chí đau lòng… Anh nêu luận điểm “văn nghệ và chính trị là hai hình thái ý thức nằm chung trong một thượng tầng kiến trúc…”, có mối “quan hệ biện chứng” với nhau, “rất phức tạp” là “mối quan hệ thống nhất nhưng không đồng nhất”. Vậy mà, theo anh, chúng ta đã “đồng nhất, thậm chí đồng hóa văn nghệ với chính trị, coi văn nghệ là công cụ của chính trị, phục vụ chính trị một cách thô thiển, đơn giản… biến văn nghệ thành vũ khí tuyên truyền, thành tuyên truyền…”. Anh cho rằng mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị cho đến nay “vẫn vướng mắc, cần được tháo gỡ không chỉ về mặt quan niệm, nhận thức… mà ở các khâu tổ chức, cán bộ Đảng hiện đang làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý văn nghệ…”.
Những ý kiến của Hồ Ngọc có thể còn cần được thảo luận về nhiều mặt, nhưng rõ ràng anh đã đưa được cuộc nói chuyện hôm nay vào trung tâm của vấn đề. Để đi đến chỗ đạt được điều đó hôm nay, không dễ. Có lúc, ngay hôm nay, khi đang trình bày ý kiến của mình, Hồ Ngọc vẫn thấy phải rào đón cẩn thận trước sau để tránh những sự “hiểu lầm” lắm khi cho là cố ý. Nhắc nhở trong một lúc anh có hơi ngập ngừng như vậy, đồng chí Tổng Bí thư nói:
- Còn rào đón thì chưa chuyển biến được đâu!
Nhà văn hóa NGUYỄN KHẮC VIỆN không rào đón. Bản tham luận của anh ngắn gọn, súc tích, vì nó đi thẳng ngay vào thực chất của tình hình và chỉ thẳng ngay nguyên nhân nguồn gốc. Anh cho rằng văn nghệ sĩ là những người “nhạy cảm với tâm tư nguyện vọng của nhân dân, với những gì mới chớm nở, họ nuôi những ước mơ cao hơn những người khác, họ cũng xót xa hơn những người khác trước những điều tiêu cực; và tất cả những buồn vui hào hứng hay căm giận tủi nhục của mọi người được họ đúc kết lại, diễn đạt ra bằng những bài thơ, quyển truyện, vở kịch, cuốn phim, bức tranh, pho tượng…”. Anh nói thẳng: “Trong những năm qua, văn học nghệ thuật của ta chưa đóng được đầy đủ vai trò của nó. Vì bị trói buộc. Sự lãnh đạo văn nghệ trong mấy năm qua nhiều lúc còn thô sơ, tỉa cành bắt sâu trong một vườn hoa quý lại dùng dao búa làm rừng khai hoang… Những người làm báo, viết văn, làm phim thường xuyên được nhắc nhở: phải làm như thế này, không được làm như thế kia, bị trói buộc bởi một loạt húy kỵ… Lâu lâu lại nổ ra một vụ án: bài báo này, quyển sách kia, cuốn phim nọ bị kết án là “xét lại”, là “chống Đảng”, là “có tính kích động”… Mà “thông thường bản án nào cũng có kỳ hạn, mãn hạn ra tù, còn bản án văn học thì cứ mãi mãi treo lơ lửng trên đầu… một bản án chung thân, có khi còn hại đến cả con cháu…”. Từ những nhận định thẳng thắn, nghiêm trang đó, anh đi đến một số những kiến nghị cụ thể về “Những việc cần làm ngay” trong lĩnh vực lãnh đạo văn nghệ.
Đồng chí Tổng Bí thư đã bắt tay thân thiết anh Nguyễn Khắc Viện và nhận lấy bản tham luận từ tay anh. Nhà văn ANH ĐỨC, nhà viết kịch TÀO MẠT không tự đóng khung ý kiến của mình trong những vấn đề “nghề nghiệp” của văn học nghệ thuật. Các anh nói nhiều và sâu về một yêu cầu lớn của nhân dân, của xã hội ta hiện nay, “yêu cầu dân chủ hóa”. “Dân chủ là lời hứa của Đảng ta với nhân dân từ những ngày chống ngoại xâm. Đảng cũng phải giữ lời hứa với dân”. Cũng phải thấy rằng “chúng ta chưa có truyền thống dân chủ”. Yêu nước, phải biết tự hào về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhưng lại cũng phải biết nhìn rõ những nhược điểm của dân tộc. Tào Mạt nói: “Không những phải làm một cuộc tự phê bình của toàn Đảng mà còn phải làm một cuộc tự phê bình của toàn dân tộc, thì chúng ta mới tiến lên được”. Chính trên cơ sở một nhận thức như vậy, mà các anh suy nghĩ về nhiệm vụ của văn học nghệ thuật hôm nay.
Họa sĩ PHAN KẾ AN nói về những sai lầm hẹp hòi, thiển cận, cứng nhắc, thô bạo đối với văn học nghệ thuật trong một thời kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của những quan điểm “mao ít” mà theo anh cho đến nay chúng ta vẫn còn chưa thật dũng cảm tự phê bình.
Nhà viết kịch LƯU QUANG VŨ đặc biệt nhấn mạnh đến điều anh gọi là “sự bao cấp về tư tưởng” từng phổ biến suốt một thời. Đó là tình trạng “chỉ cần một người suy nghĩ cho mọi người, một cái đầu tối cao suy nghĩ cho mọi cái đầu”. Một tình trạng độc đoán về tư tưởng như vậy tất yếu bóp chết mọi sáng tạo, làm khô kiệt văn học nghệ thuật.
Cũng diễn đạt ý đó, từ một góc độ khác, nhà phê bình văn học NGUYỄN ĐĂNG MẠNH nói: “Vấn đề sinh tử của văn nghệ là tự do. Văn nghệ cũng như con chim, trói nó lại thì nó không hót. Hoặc nó hót vớ vẩn! Mà thả ra thì lại sợ nó bay mất! Lãnh đạo giỏi là phải làm sao cho con chim văn nghệ bay bổng và hót vang trên bầu trời tự do của chúng ta…”.
Anh cũng nói đến một vấn đề sinh tử khác của văn nghệ: vấn đề nhân phẩm của người văn nghệ sĩ. Theo anh, có thời “lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ. Mà con người bị coi thường, khinh bỉ thì tự nhiên thấy mình như cũng hèn kém, nhỏ lại. Biết tôn trọng con người thì con người lại tự thấy mình cao lớn hơn lên…
Nhà thơ BẰNG VIỆT tập trung nói một vấn đề lớn, theo anh, trong sự lãnh đạo văn học nghệ thuật: vấn đề chăm sóc, rèn luyện để tạo nên những tài năng, những đỉnh cao. Anh nói: “Chúng ta mắc một chủ nghĩa bình quân hết sức nặng trong những năm qua. Chủ nghĩa bình quân vô hình trung khuyến khích cái trung bình, cái dễ dãi nhưng hợp thời, cái sơ lược nhưng mà vừa ý lãnh đạo. Hơi khúc mắc một tí là ta ngại “có vấn đề”. Nếu văn học nghệ thuật không khơi dậy những “vấn đề” thì có nó làm gì?…”.
Kiến trúc sư TẠ MỸ DUẬT nói về ý nghĩa của kiến trúc mà ta thường nhầm lẫn đánh đồng với xây dựng. Chúng ta đã “rất cẩu thả về cảnh quan”, xây dựng nhiều, tốn kém mà ít hiệu quả và đơn điệu. Anh cũng lên tiếng báo động về tình hình các di tích lịch sử bị phá hoại nghiêm trọng.
Đạo diễn TRẦN ĐẮC và đạo diễn HẢI NINH nói đến những quan niệm hẹp hòi, thiển cận đang hạn chế những khả năng lớn của ngành điện ảnh chúng ta. Anh Trần Đắc đề nghị “Trung ương lãnh đạo cho văn nghệ đổi mới” để phá vỡ những nề nếp hạn chế cũ kỹ, định kiến, cản trở một cách vô lý những tiềm năng của văn nghệ… Đồng chí Tổng Bí thư nhắc tất cả anh chị em trong cuộc đấu tranh còn rất quyết liệt, gian khó hiện nay cho sự đổi mới: “Mình hãy tự cứu lấy mình đi, rồi trời sẽ giúp mình”.
Nhà văn NGUYỄN QUANG SÁNG trở lại với câu hỏi ban đầu của đồng chí Tổng Bí thư. Anh nói: “…Văn học nghệ thuật của chúng ta mấy năm qua còn nghèo…” nhưng “vốn đã nghèo lại càng nghèo” vì người lãnh đạo lại đánh giá nhầm lẫn: “cái hay thì chê là dở, cái dở lại tưởng là hay, bốc lên. Càng hại!”.
Bằng kinh nghiệm chính cuộc đời lao động nghệ thuật của mình, anh nói chân thật, thẳng thắn: “Muốn có tác phẩm hay, phải có ba điều kiện, mà anh gọi đùa là ba chữ T: Tài năng, Tiền (tức là những điều kiện sống và làm việc tối thiểu, trong đó có vấn đề nhuận bút hiện nay đang thấp đến mức kỳ quặc, vô lý), và Tự do“.
Theo anh, hiện nay người viết chưa thật sự có tự do sáng tác. “Rõ ràng là người viết luôn luôn có mối lo, nói là sợ thì quá đáng, nói sờ sợ thì đúng hơn. Sợ trên, sợ chung quanh và nỗi sờ sợ ấp ủ ngay trong bản thân mình…”.
Người nghệ sĩ còn sợ, làm sao có sáng tác hay, nói gì đến “tác phẩm lớn!”.
Nhà biên kịch TẤT ĐẠT, nữ đạo diễn PHẠM THỊ THÀNH, hai nữ nghệ sĩ ÁI VÂN và XUÂN THANH, thông qua thực tế sinh động của ngành sân khấu, mà cũng nói đến những vấn đề chung của văn học nghệ thuật ta hiện nay: vấn đề tự do sáng tạo bị cản trở thậm chí có khi bị “chà đạp” vì những quan niệm lãnh đạo ấu trĩ, thô bạo, sai trái: vấn đề một thứ “chế độ kiểm duyệt” vô hình và không có pháp luật; vấn đề đời sống và điều kiện lao động nghệ thuật của người diễn viên sân khấu bị bỏ bê đến tồi tệ…
Từ góc độ lý luận, nhà sử học NGUYỄN HỒNG PHONG đề cập đến ba vấn đề thuộc số những vấn đề vừa là cơ bản vừa là cấp thiết của văn hóa nghệ thuật: Vấn đề Đảng lãnh đạo văn nghệ; vấn đề công chúng của văn nghệ; vấn đề giao lưu văn hóa nghệ thuật.
Đảng dứt khoát phải lãnh đạo văn nghệ. Nhưng Đảng là ai? Và lãnh đạo như thế nào?… Đảng lãnh đạo phương hướng, không nên quá đi sâu vào chuyên môn.
Chúng ta nói văn nghệ phục vụ đại chúng. Nhưng nếu từ đó mà chủ trương văn nghệ phải lấy tiêu chuẩn là làm cho đa số quần chúng hiểu, đại đa số thích, thì ta chỉ có văn nghệ trung bình. Văn nghệ phục vụ đại chúng, nhưng là đại chúng phải có văn hóa, do đó phải là quần chúng tiên tiến. Có hai cái phục vụ: phục vụ trực tiếp, và phục vụ gián tiếp…
Trong lịch sử, có hai cái chết về văn hóa: đóng cửa lùi về cổ sơ, và tha hóa, không giữ được bản sắc của mình. Trong thế giới ngày nay, phải có trao đổi với những nền văn hóa khác mình thì mới đổi mới được. Giao lưu văn hóa cũng là yêu cầu sống còn.
Trong những khâu quan trọng nhất cần phải tháo gỡ để “giải phóng tiềm năng sáng tạo” của văn học nghệ thuật, nhà văn NGUYÊN NGỌC tập trung nói về vấn đề chức năng, hay là vai trò xã hội của nền văn học nghệ thuật, mà theo anh là vấn đề then chốt hiện nay. Anh cho rằng từ nhiều năm qua, chúng ta đã có sự thô thiển trong những quan niệm về vấn đề này, không chỉ ở “cấp địa phương” như nhiều người thường nói, mà là ở ngay “hệ chính thống”, do đó đã tạo nên sự cản trở lớn đối với văn học nghệ thuật. Anh nói về chức năng dự báo xã hội của văn nghệ, và từ đó nói về tác dụng “gây men”, chuẩn bị tư tưởng sâu sắc của văn học nghệ thuật cho những đổi mới, những biến đổi xã hội rộng lớn…
Nhà văn NGUYỄN ĐÌNH THI trình bày một số suy nghĩ của anh về vấn đề dân chủ, đặc biệt ở các nước xã hội chủ nghĩa và ở ta; anh cũng nói về sự đánh giá những thành tựu văn học của chúng ta, mà theo anh là “một nền văn học lớn”…
Tất nhiên, sự chờ đợi của mọi người tập trung vào những lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư NGUYỄN VĂN LINH.
Đồng chí nói thân mật, giản dị, ngắn gọn, sâu sắc. Có lẽ để lại mạnh mẽ trong những người nghe trước hết là một ấn tượng này: đồng chí Tổng Bí thư, người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đã lắng nghe và thấu hiểu những vấn đề vừa là căn bản nhất vừa là nóng bỏng nhất của văn học nghệ thuật ta hiện nay; và với một cái nhìn thẳng không tránh né, không khoan nhượng, đồng chí đã chỉ ra – như có lẽ trước nay chưa ai thực sự chỉ ra được rành rẽ đến thế – thực chất của tình hình. Đồng chí nói: “…Tôi hết sức hoan nghênh tất cả những ý kiến của các đồng chí đã phát biểu hai ngày nay, tất cả đều thẳng thắn, chân thành, đa dạng, phong phú, sâu sắc. Có lẽ bởi vì đó là những suy nghĩ các đồng chí đã dằn vặt trong đáy lòng từ lâu…”. Đồng chí nói rằng qua ý kiến anh chị em, đồng chí nhận ra ba điểm thống nhất:
Một là: sự lãnh đạo của Đảng trong nhiều năm qua đã đánh giá thấp vai trò vị trí của văn học nghệ thuật và của văn nghệ sĩ.
Hai là: chẳng những thế, sự lãnh đạo ấy còn thiếu dân chủ, trói buộc văn nghệ, nhiều khi độc đoán, sát phạt.
Ba là: cơ chế quản lý tổ chức không đúng, nhiều chính sách bất công, không chỉ làm cho đời sống các đồng chí khổ cực mà công việc của các đồng chí rất khó khăn, phức tạp.
Sự đồng cảm của đồng chí Tổng Bí thư với những trăn trở dằn vặt của anh chị em văn nghệ sĩ thấu đạt đến tận nguồn gốc sâu xa của những trăn trở ấy. Đồng chí nói về những khó khăn hiện nay của người cầm bút, về tình trạng còn là “tranh tối tranh sáng” trong hiện thực đời sống xã hội, về cái xấu cái tiêu cực còn lan tràn mà văn nghệ nhiệm vụ phải phanh phui, về tình trạng văn nghệ còn bị “trói buộc”, cần phải được cởi trói cho sự sáng tạo. Và đồng chí khuyên anh chị em: phải làm theo câu thơ của Bác Hồ: Ở trong thơ cần có thép. Phải dũng cảm. Đồng chí nói: Đừng chùn bước. Lịch sử sẽ chứng minh cho mình… Phải nắm vững trường phái tả chân xã hội chủ nghĩa. Văn nghệ phải nói lên sự thật, dù là sự thật phũ phàng, nhưng mà có thật… Nếu như còn bị trói thì thà đừng viết, chưa viết. Hãy đi vào trong thực tế quần chúng đã. Cởi trói được rồi hãy viết, Chứ đừng uốn cong ngòi bút của mình, đừng uốn cong tư duy, tình cảm của mình. Đừng viết cho “hợp thời”. Làm thế tức là vứt bỏ hết chất cách mạng của mình rồi…
Đồng chí cũng nói về chức năng dự báo tốt đẹp của văn nghệ. Cần tinh tường nhìn thấy và chỉ ra những mầm non của cái mới đang nảy sinh, dù nó mới chỉ là rất ít, rất nhỏ.
Đồng chí cảm ơn anh chị em về những lời nói chân tình, thẳng thắn đã được nghe trong hai ngày qua. Đồng chí nói: Tôi tin tưởng rằng những sợi dây ràng buộc bị cắt đi thì ngành ta sẽ tung cánh, bay cao trên bầu trời tươi xanh, văn học nghệ thuật ta sẽ giàu có, phong phú. Đồng thời đồng chí cũng chỉ rõ: Đại hội VI của Đảng đã mở cánh cửa lớn. Nhưng không phải mọi sự đã suôn sẻ đâu. Cánh cửa đã mở nhưng bản lề còn sét rỉ… Cuộc chiến đấu còn phức tạp, lâu dài và quyết liệt. Chính vì vậy mà lời chúc của đồng chí với anh chị em là: “Tôi chúc các đồng chí mạnh khỏe, kiên trì và dũng cảm”.
Lời chúc, mà cũng là một lời kêu gọi lớn.
Có lẽ sẽ còn rất lâu nữa mới có thể hiểu hết, đánh giá hết ý nghĩa và tác động của cuộc gặp gỡ hai ngày này. Hình như với thời gian, với kinh nghiệm và sự từng trải, ngày nay mỗi chúng ta đều muốn trầm tĩnh và chín chắn hơn trong mọi tình cảm, mọi sự nhìn nhận của mình. Vậy mà với tất cả sự trầm tĩnh ta vẫn muốn dùng mấy từ sau đây để nói về cuộc gặp gỡ này: một sự kiện lịch sử!
Anh Nguyễn Kiên là một nhà văn thường được anh em trong giới coi là người rất trầm tĩnh, thận trọng, chín chắn. Anh đứng lặng rất lâu sau khi bước ra khỏi khu hội trường, rồi nói nhỏ, chậm rãi: “Có cảm giác là chúng ta đã bắt đầu bước sang một thời kỳ khác”.
P. V. lược ghi
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 42 (17-10-1987)
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512857

Hôm nay

2394

Hôm qua

2400

Tuần này

2794

Tháng này

219730

Tháng qua

121356

Tất cả

114512857