Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã đi tới nhiều nơi trên thế giới, nhưng có lẽ Trung Quốc là một trong mấy nước Bác lui tới nhiều lần nhất, sinh sống ở đó trong thời gian dài nhất, có cống hiến rất lớn cho phong trào cách mạng cũng như để lại ở đó nhiều tình cảm nhất.
Trong bài viết nhỏ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh của Bác này, tôi không dám đề cập tới mọi vấn đề mà chỉ muốn nhắc tới một vài bài học từ Bác mà trong quá trình nghiên cứu về Trung Quốc tôi không bao giờ dám quên.
Thứ nhất, Hồ Chí Minh luôn tỏ ra tôn trọng và tán thành vai trò nước lớn mà Trung Quốc cần phải có và xứng đáng phải có trong quan hệ Xô Trung cũng như trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bác rất coi trọng tình đoàn kết Trung Xô, không đồng tình với một số việc làm thái quá của ban lãnh đạo Liên Xô…, nhưng khi phía Trung Quốc đi quá mức, Bác đã khôn khéo tỏ thái độ không tán thành, giữ vững chính kiến của mình và tiến hành đấu tranh, hành động theo đường lối của đảng ta mà Bác là linh hồn chứ không một chiều với Trung Quốc. Trong lĩnh vực này, tôn trọng vai trò và lợi ích nước lớn của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế với Bác không có nghĩa là không tôn trọng lợi ích chung của phe xã hội chủ nghĩa của phong trào cộng sản quốc tế, của nhân dân các nước khác.
Thứ hai, Bác vui lòng chấp thuận vai trò nước lớn mà Trung Quốc nên có và nhất định phải có trong quan hệ với nước Việt Nam láng giềng nhỏ hơn, cần sự giúp đỡ của họ. Bác thực lòng muốn chung sống hữu nghị với Trung Quốc. Bác tôn trọng dân tộc Trung Hoa và ngưòi lãnh đạo của họ, nín nhịn, tinh tế khi xử lý vấn đề nhưng không phải bằng bất cứ giá nào. Khi lợi ích dân tộc, chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm, khi đối phương đi quá mức có thể chấp nhận được thì không bao giờ Bác từ bỏ nguyên tắc độc lập, tự chủ, bình đẳng dân tộc và tỏ ra sợ hãi. Với Bác tôn trọng vai trò nước lớn và gìn giữ tình hữu nghị của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam không có nghĩa là nhắm mắt làm theo, từ bỏ lợi ích chính đáng của dân tộc.
Tôi có đầy đủ dẫn chứng để chứng minh cho hai luận điểm trên, nhưng nếu kể ra hết thì rất dài. Vì vậy chỉ xin nêu một vài ví dụ.
Chúng ta đều biết đầu những năm 60 của thế kỷ trước, bất đồng Trung Xô từ chỗ âm ỉ dần dần công khai bộc lộ. Để lôi kéo Việt Nam đứng hẳn về phía minh chống Liên Xô, ông Đặng Tiểu Bình, lúc đó là Tổng Bí thư TWĐCSTQ, và Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc đã bí mật sang thăm Việt Nam, với lời hứa Trung Quốc sẽ bao toàn bộ số viện trợ của Liên Xô cho Việt nam không phải hoàn lại… Và như chúng ta đều biết, Đảng ta và Bác đã khôn khéo nhưng thẳng thắn tỏ rõ lập trường của mình và từ chối “lòi mời” trên.
Khi phong trào “chống xét lại Khrushchov” phát triển, đã có lúc giới truyền thông nước ta do lý do này nọ hầu như quên không nói đến Liên Xô, thì Bác vẫn lặng lẽ viết bài ca ngợi nhân dân Liên Xô. Vai trò của Bác trong việc giữ gìn sự đoàn kết và bảo vệ Trung Quốc tại hai hội nghị lớn của các đảng cộng sản và công nhân thế giới vào các năm 1957 và 1960 không ai không biết. Chính Bác đã mấy lần đứng ra làm trung gian hoà giải bất đồng Trung Xô. Tôi buộc phải nói ra điều không muốn nói này: ngay cả khi đã lìa khỏi cõi đời, cái chết của Bác đã tạo cơ hội cho cuộc gặp gỡ hai Thủ tướng Trung Quốc và Liên Xô tại sân bay Bắc Kinh tháng 9 nắm 1969, góp phần mở đầu cho tiến trình đàm phán bình thưòng hoá quan hệ Trung Xô sau này.
Một ví dụ nữa. Tôi được biết bằng việc nắm chắc tình hình đấu tranh trong nội bộ Trung Quốc nên Bác đã chỉ đạo đảng ta không phản đối nhưng cũng không ủng hộ cái gọi là “đại cách mạng văn hoá” và chính chủ trưong sáng suốt đó đã khiến chúng ta tránh khỏi bao nhiêu nguy hiểm, phiền phức. Ban đầu tôi tưởng chỉ có thế, nhưng sau này qua những tài liệu của chính ngưòi Trung Quốc mà tôi đọc được, tôi mới biết là Bác đã làm hơn như vậy. Thời kỳ đầu của cách mạng văn hoá khi các tiểu tưóng Hồng Vệ Binh phê phán đấu tố các vị Bành Chân, La Thuỵ Khanh… Bác đã nói với Ngũ Tu Quyền, Phó ban đối ngoại của ĐCSTQ: nhân dân Việt Nam khá quen biết mấy đồng chí này, nay xử lý họ như vậy chúng tôi biết nói với nhân dân Việt nam thế nào.( theo Hồng Tả Quân-nguyên Cục trưỏng Ban Đối ngoại TWĐCSTQ, Tạp chí”Thế giói trí thức” số 13 năm 1999) Sau đó, trong một lần gặp Bác, Mao Trạch Đông mời Bác khi tới Hàng Châu, ghé thăm Trường Đại Học Chiết Giang xem “ Báo chữ lớn”, Bác vui vẻ trả lời: “Tôi nhất định đi, Việt Nam không phải là không có vấn đề, nhưng trước mắt chưa thể làm cách mạng văn hoá. Chúng tôi còn phải làm đại cách mạng ‘vũ hoá’”(tức cuộc đấu tranh chống Mỹ giành thống nhất đất nước). Mao Trạch Đông (đành phải) nghiêm túc trả lời “Đúng vậy, Việt Nam chưa thể làm đại cách mạng văn hoá.(theo Văn Trang trong “Nhớ Hồ Chí Minh” Nhà xuất bản Hồng Công tháng 5 năm 2009, tr 144) Còn khi Khang Sinh, một trong những ngưòi lãnh đạo chủ chốt cách mạng văn hoá lúc đó đến thăm Bác, ông ta giới thiệu với Bác rất nhiều về cách mạng văn hóa, đặc biệt nhấn mạnh việc phát động quần chúng chống kẻ cầm quyền đi đưòng lối tư bản chủ nghĩa trong đảng. Nghe xong, Bác hỏi lại: đảng uỷ có vấn đề, không thể lãnh đạo, nhưng phát động quần chúng mà không có sự lãnh đạo của đảng thì sẽ ra sao? Suy nghĩ một lúc, Khang Sinh mới trả lời: lần cách mạng văn hoá này là do Mao Chủ tịch lãnh đạo và phát động. Nghe xong Bác không nói gì, nhưng sau khi Khang Sinh ra về, Bác đã nói với Văn Trang(tác giá cuốn sách ): phong trào quần chúng mà không có đảng lãnh đạo sẽ loạn(nguồn nt trang 244)
Qua mấy mẩu chuyện trên có thể thấy Bác không đồng tình với chủ trương lớn này của ngưòi lãnh đạo Trung Quốc, không ủng hộ và không làm theo(một việc mà theo lý, đã là bạn đồng minh nhất là lại đang được họ viện trợ to lớn lẽ ra phải nên có, ít ra cũng là một chút đồng tình) nhưng bằng những câu nói và thái độ hết sức thông minh, khôn khéo nhưng rõ ràng Bác đã nêu được lập trưòng, thái độ của mình mà người ta không thể không chấp thuận, cho dù có không đồng ý cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”
Tôi muốn nói thêm một điều, đánh giá quan hệ hai nước sau khi Bác mất, cần có thái độ khoa học, nghiêm túc, không đổ lỗi hết cho người nhưng cũng không được hèn yếu nhận hết lỗi về mình. Năm 2001, trong dịp kỷ niệm hai nước Việt Trung bình thường hoá quan hệ 10 năm, tôi cùng một người bạn Trung Quốc có dịp nói chuyện riêng với nhau. Tôi chủ động hỏi: tôi đã nghỉ hưu và bạn cũng nghỉ hưu, ta hãy nói chuyện thẳng thắn và có trách nhiệm với nhau về một vấn đề nhé. Theo bạn vì sao giữa hai nước chúng ta lại xẩy ra cuộc chiến tranh biên giới năm 1979? Sau một lúc trầm ngâm, ngưòi bạn Trung Quốc đã trả lời tôi như sau: có thể kể ra nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân không thể xem thường, đó là bên tôi có ông X. một con ngưòi không chịu ai, còn bên bạn có ông Y. một con ngưòi không sợ ai. Hai con người đó cụng nhau thì chỉ có đánh nhau. Nếu còn Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai, nhất định điều bất hạnh trên không thể xẩy ra. Tôi cho rằng người bạn Trung Quốc này đã thực lòng khi nói như vậy.
Vì sao Bác Hồ được các nhà lãnh đạo và người dân Trung Quốc đương thời tôn trọng và ngưỡng mộ như vậy? Một lý do quan trọng là Bác luôn coi sự nghiệp và lợi ích của cách mạng Trung Quốc như của chính mình. Ngoài một số chuyện như đã kể trên, xin nói thêm mấy việc nữa. Ngay trong thời hoạt động ở Pháp, Bác đã giúp đỡ nhiều nhà cách mạng Trung Quốc như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân(sau này chính thủ tướng Chu Ân Lai đã nói với ta, ông coi Bác như bậc huynh trưởng và đã thân quen với Bác trước nhiều ngưòi Trung Quốc khác, ông chỉ vào Phó thủ tưóng Lý Tiên Niệm và nói thêm, chỉ sau này khi về nuớc tôi mới quen biết đồng chí ấy). Với tư cách là đảng viên đảng cộng sản Pháp, Bác đã giới thiệu 3 nhà hoạt động cách mạng Trung Quốc lúc đó tại Pháp vào đảng cộng sản Pháp (trong đó có nhà thơ nổi tiếng Tiêu Tam sau này)
Trong ba lần hoạt động dài ngày ở Trung Quốc, có lúc Bác tham gia chi đội Bát Lộ Quân của Diệp Kiếm Anh nhưng ngay cả những lúc chuyên hoạt động vì cách mạng Việt Nam, Bác cũng không quên cách mạng Trung Quốc.
Bộ “Toàn tập Hồ Chí Minh” mà tôi có trong tay được xuất bản vào những năm quan hệ hai nước chưa bình thường và tôi biết có một số bài viết của Bác về Trung Quốc không được đưa vào, nhưng chỉ bằng vào những bài đã được công bố trong đó, tôi có thể mạnh dạn nói rằng ngay từ khi ở Pháp, ở Liên Xô cho đến khi hoạt động ở Trung Quốc và về Việt nam, khi còn là nhà cách mạng hoạt động bí mật cho đến khi trở thành người đứng đầu một nước, Bác luôn là ngưòi nước ngoài tuyên truyền cổ vũ nhiều nhất cho cách mạng Trung Quốc.
Để vận dụng tốt hai bài học trong ứng đối với Trung Quốc của Bác tôi nghĩ mỗi người Việt Nam chúng ta, nhất là những người lãnh đạo và đông đảo những nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nhà quản lý các địa phưong.. cần nghiêm túc tu dưỡng rèn luyện không ngừng về ba mặt chủ yếu: trí tuệ, bản lĩnh, nghệ thuật. Trong hoạt động đối ngoại đó là ba điều không thể thiếu, nhưng học cho thấu đáo và vận dụng được chúng không dễ. Ở đó không có đất cho sự dốt nát, lười biếng, rút rát, e sợ, thô lỗ, hay quị luỵ, tính toán cá nhân…
Học và làm theo gưong Bác không phải là những lời hò hét rỗng tuếch, những việc làm hời hợt.
Những ngày tháng năm, năm 2010 nhớ Bác
..................................................................................................................................................................
* Bài đã đăng trên Vietnamnet. Đây là bản tác giả gửi cho VHNA