III- GIÁ TRỊ MỘT BẢN DỊCH
Gérard de Nerval mới hai mươi tuổi diễn Pháp văn xong vở kịch Faust của Goethe, thi hào Đức, viết hồi thi hào hăm ba tuổi xuân.
III- GIÁ TRỊ MỘT BẢN DỊCH
Gérard de Nerval mới hai mươi tuổi diễn Pháp văn xong vở kịch Faust của Goethe, thi hào Đức, viết hồi thi hào hăm ba tuổi xuân.
Nhiều năm qua sau khi Goethe qua đời, Nerval tiếp được của một người không quen biết ở nước Đức gửi sang cho chàng một bức thư của Goethe viết khen tặng chàng. Bức thư ấy, người nặc danh kia rút trong quyển Những cuộc hội kiến với Goethe trong các năm sau cùng của đời ông, do Jean Pierre Eckermann biên tập bằng tiếng Đức, xuất bản vào năm 1838.
Bức thư ấy của Goethe đề ngày chủ nhật 3 Janvier 1830. Người bạn không quen biết lại có nhã ý diễn nó ra Pháp văn, khi gửi cho Nerval.
Ở bài tựa kỳ xuất bản lần thư tư bản dịch vở kịch Faust, Nerval có chép bản Pháp văn bức thư ấy của người bạn ẩn danh; trong đó, ta đọc được mấy lời khen tặng Nerval này của Goethe:
“Tôi không còn thích đọc kịch Faust bằng tiếng Đức nữa; mà trong bản Pháp văn ấy, tất cả đều hoạt động lại với vẻ tươi sáng và nhanh nhẹn… kịch Faust dầu sao cũng là một cái gì hoàn toàn vô lượng vô biên, và tất cả xu hướng làm cho nó thích hợp bằng lý trí (thông minh) đều vô ích. Người ta tưởng cũng không nên quên rằng đoạn thứ nhất của bài thơ đã thoát ra khỏi một trạng thái hoàn toàn đen tối (lộn xộn) của cá nhân; nhưng lại chính sự đen tối ấy nó đánh thức lòng hiếu kỳ của người ta, và chính vì thế mà người ta quan thiết đến nó như bao nhiêu vấn đề khó giải quyết” (Je n’aime plus lire le Faust en allemand; mais, dans cette traduction francaise, tout agit de nouveau avec fraicheur et vivacité… Le Faust, pourtant, est quelque chose de tout à fait incommensurable et toutes les tentati es de l’approprier à la raison (l’intelligence) sont vaines. L’on ne doit pas oublier non plus que la premìere partie du poème est sortie d’un état tout à fait obscur (confus) de l’individu; mais c’est précisé-ment cette obscurité qui éveille la curiosité des hommes, et c’est ainsi qu’il s’en préoccupent comme de tout problème insoluble)...
Một bản dịch được tác giả thành thật và hết lời khen tặng như bản Pháp văn kịch Faust, thật là một sự hạn hữu! Vinh hạnh thay cho Gérard de Nerval, nhà dịch sách trẻ tuổi tài hoa của nước Pháp!
Trông người, lại soi đến ta: nào xứ ta từ xưa đến nay đã có nhà dịch sách nào được cái hân hạnh của Gérard de Nerval?
Buồn thay cho câu trả lời, trước sự thật: - Thưa, chưa hề có!
Thật vậy, chưa hề có một bản quốc văn nào được tác giả khen tặng. Vì hiếm hoi thay những ông văn sĩ Âu Tây biết đọc văn quốc ngữ ta để có thể phê phán, như Goethe phê phán Nerval. Còn những tác giả của các bộ sách Hán văn được diễn quốc âm thì lại chết tự tám mươi đời vương (!), còn đâu mà hòng phê với phán?
Thế nên, dịch giả xứ ta cũng đừng nên buồn vì chẳng bao giờ được cái hân hạnh của Gérard de Nerval.
Và giá trị của một bản dịch ở xứ ta, thưa bạn đọc, cũng chẳng phải là không có.
Hồi Nam phong tạp chí còn, ông Phạm Quỳnh có dịch nhiều truyện ngắn giá trị của Pháp đem đăng tải. Lối dịch của Phạm tiên sinh rất lưu loát: dùng những danh từ An Nam trăm phần trăm để dịch những đoạn văn tả cảnh của người Pháp, khiến độc giả cứ tưởng đó là một câu “văn Phạm Quỳnh”, chớ chẳng phải một câu văn dịch. Ví thử đọc những câu này của Phạm tiên sinh: “Cảnh sông con thì thanh thú thật, nhưng là cái cảnh lưu thủy hành vân, đi luôn chảy luôn, không cầm lại được”, thì ai còn tưởng là văn dịch được? Văn dịch của ông Phạm Quỳnh càng khó nhận ra ở đoạn sau này vì dịch giả dùng lối ăn nói của một tên bợm An Nam để dịch ngôn ngữ của một tên bợm Pháp:
“Bạn tôi là bác Cồ Đô, chúng tôi thường gọi đùa là anh cồ béo, vì bác ta to lớn phục phịch, nói to như người tức giận!
- À! Phải, tuổi thiếu niên dại thật là dại vô ngần! Thật các anh ạ! Ngày nay có lúc hồi tưởng đến thuở trước mà tôi đỏ mặt lên, tức mình, giận mình làm sao mà khờ dại đến nước ấy, làm sao mà si ngốc đến bậc ấy, làm sao mà ngờ nghệch một cách thảm hại đến thế! Chà! Chà bây giờ mà lại phải thế nữa…” (Trích truyện Ôi! Thiếu niên).
Người diễn quốc âm bộ trường thiên tiểu thuyết Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo, ông Nguyễn Văn Vĩnh, cũng có lắm đoạn văn dịch thần tình. Đoạn dịch về cát sụt (l’enlisement) trong Những kẻ khốn nạn của Nguyễn tiên sinh đã có lần khiến chúng tôi đọc mà hồi hộp và cảm động chẳng kém như mọi khi chúng tôi thưởng thức nguyên tác của Victor Hugo:
“Những vùng bờ biển xứ Bretagne, xứ Ecosse, khách bộ hành và người đi đánh cá, thừa khi nước triều cạn mà đi ngoài bãi biển, ra xa bờ quá thì, bỗng hay gặp những nơi khó bước. Bãi cát dưới chân hình như lầy nhầy, đế giày dính xuống, không phải là cát nữa, là nhựa. Bãi cát thì thật khô, nhưng mỗi bước chân hồ nhấc đế giày lên lại thấy dấu giày hóa ra vũng nước…
“Người cứ việc đi, cứ thẳng trước mặt mà đi lảng dần vào trong bờ. Không lo sợ gì cả. Vả sợ gì? Duy nghe chân bước thấy mỗi ngày một nặng. Rồi thình lình thụt. Thụt xuống chừng hai ba tấc. Quyết là đi lạc mất đường tốt rồi. Đứng lại để tìm phương hướng. Bỗng nhìn cuống chân thì thấy chân đã thụt sâu rồi. Cát trùm kín rồi. Rút chân lên muốn đi lộn trở lại, quay lưng trở về thì lại thấy thụt sâu nữa. Cát lên đến mắt cá, cố rút chân lên mà bước sang tay trái, thấy cát lại lên đến nửa ống chân; lại bước sang tay phải, lại thấy cát lên đến bụng chân. Bấy giờ mới hoảng lên mà nhận ra rằng đã sa chân vào nơi cát sụt, thất đảm lên mà nhận ra rằng đã lạc vào một chốn mà người không thể đi, cá không thể lội. Trên mình có mang cái gì cũng ném đi, như một chiếc tàu sắp đắm, họa may có nhẹ bớt chút nào, nhưng cũng đã chậm quá mất rồi, cát đã lên khỏi đầu gối…”.
Nghệ thuật dịch văn của hai ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh? Giá trị cũng có, công phu cũng có, lưu loát cũng có, phổ cập cũng có; nhưng nếu đem đối chiếu với nguyên tác, ta thấy nó thường không qui theo nguyên tắc phiên dịch của Âu Tây một cách chặt chẽ; hoặc mạch văn của nguyên tác đi một đàng thì nó lại đi một ngả; hoặc có đoạn nó chỉ thoát ý nguyên tác thôi, chứ chẳng dịch đúng theo nguyên văn. Chúng tôi xin miễn kê dẫn ra đây. Độc giả hiếu kỳ một chút sẽ thấy rõ ngay.
Đã đành rằng: “Bản dịch phải làm nổi sự sống. Hay nói khác, phải sao cho người dịch, ví dầu ông ta có vì đó cần đi xa nguyên tác một chút, khiến kẻ đồng thời cảm thấy được sức mạnh của những tình cảm nó làm sống các nhân vật quyển truyện hay là nó kích thích ngay tác giả quyển truyện khi ông bắt các nhân vật của ông nói chuyện hay hành động… Tất cả điều ấy muốn cho ở người dịch không phải một công việc chuyển vị các tiếng như máy, theo rất nô lệ mạch văn các câu, mà quả là một tân công trình cải tạo những tình cảm sống hay truyền ra bởi một cổ nhân, một công trình cải tạo, trong khuôn khổ của chính xã hội của dịch giả, những tình cảm đã sống trong một xã hội khác bởi một người khác. Công trình cải tạo ấy lẽ tất nhiên dung nạp một phần lớn sự giải thích riêng của mình, sự thấu triệt hoàn toàn tâm lý người đọc và tâm lý tác giả được dịch. Trong hai tâm lý ấy, đối với chúng tôi dường như dịch giả rất nên tìm lấy cái tâm lý quan trọng nhất của các độc giả mình; chính trên tâm lý ấy người dịch phải dựa vào để giải thích, canh cải các tình cảm của quá khứ nó không còn tìm thấy ngày nay những cái tương tự với nó trên đời” (Il faut que la traduction rende la vie. Autrement dit, ilfaut que le traducteur, quand même devrait-il pour cela s’êcarter un peu loin à ses contemporains la vigueur des sentiments qui animai ent les personnages du roman on plutôt qui animaient l’auteur luimême du roman quand il faisait parler ou agir ses personnages.. Tout cela suppse chez le traduc teur non pas un travail de trans position mécanique des tournures de phrases, mais bien un travail de recontruction moderne des senti timents vécus on relatés par un ancien, de reconstruction dans le cadre de sa propre socíeté des sen timents qui ont été vécus dans une autre par un autre homme. Cette reconstruction comporte naturelle)(1)...
Nhưng “một bản dịch phải đâu là người thật, nó chỉ là một bức chân dung thôi: một ông thầy tên tuổi có thể họa nên một bức chân dung tuyệt mỹ: đành rằng như vậy; nhưng nếu bản chánh được đặt gần bản sao lại, xem sẽ thấy nó mỗi người theo cách mình và khác hẳn nhau về phê phán đối với sự giống. Phiên dịch, chính là tận tụy với cái nghề bạc bẽo nhất và không bao giờ được thèm muốn dầu rằng ít nhất; là đánh giặc với các chữ, đặng khiến trả lại cho các chữ ấy, bằng một thổ ngữ lạ, một tình cảm, một tư tưởng biểu hiện cách khác, một âm thanh mà các chữ ấy không có trong tiếng mẹ đẻ của tác giả.
Xin người ta đừng nghĩ theo đây rằng tôi đã chẳng có đặt một ý chí nào vào công việc của tôi: tôi có thể bảo rằng công việc ấy là tác phẩm trọn đủ của đời tôi, bởi đã ba mươi năm rồi tôi đọc đi đọc lại và dịch Milton(2). Tôi biết trọng công chúng: công chúng muốn đối đãi với anh không ra làm sao, nhưng lại không có phép cho anh được đối với công chúng bằng sự tự nghĩ đến công chúng, công chúng càng nghĩ đến anh ít hơn thế nữa.
“Sự dịch nguyên văn đối với tôi bao giờ cũng có vẻ hay nhất!”, một bản vừa dịch vừa thuật sẽ là sự hoàn mỹ của thể văn dịch, nếu người ta có thể cởi bỏ cho nó cái gì vụng dại mà nó có.
Trong lối dịch nguyên văn, sự khó khăn là không nên dịch một chữ thanh cao bằng chữ tương đối có thể thấp kém, là không nên làm nặng nề một câu bóng bẩy, và làm bóng bẩy một câu nặng nề, nhờ những quan thoại giống nhau, nhưng không cùng một âm hưởng trong hai thứ tiếng” (Trích trong “Lời cảnh cáo” của quyển Essais sur la littèrature anglaise của Chateaubriand).
Chúng tôi chủ trương với văn hào Chateaubriend rằng: Bản dịch nguyên văn bao giờ cũng hay nhất. Vì nó đã phổ cập cho đại chúng, lại còn giúp ích hạng thượng lưu trí thức bằng cách giới thiệu những lối hành văn mới mẻ của ngoại quốc trong các nguyên tác.
Một bản vừa dịch vừa thuật hay một thiên phỏng tác là công trình của một kẻ lười biếng, nêu lên vấn đề phổ cập cho đại chúng để đậy miệng hạng thượng lưu trí thức. Bản ấy hay thiên ấy chẳng giúp ích được bao nhiêu cho văn học nước nhà, vì nó có diễn dịch được các lối hành văn tân kỳ của nguyên tác ngoại quốc đâu!
Nhân bàn về giá trị một bản dịch ở đây, chúng tôi xin mạo muội tỏ bày một thiển kiến: tại sao dịch sách Âu Tây, người dịch xứ ta lại diễn âm cả đến tên nhân vật, tên miền, tên xứ của Âu châu? Những tên xứ lớn của châu Âu đã phổ thông như: Anh, Pháp, Đức, Ý… thì diễn âm đã đành, cớ sao người ta còn diễn âm cả những tên thôn mạc nhỏ trên đất Âu Châu làm cho độc giả Việt Nam chẳng còn biết thôn mạc ấy nằm nơi nào trên Âu Châu, ví dầu độc giả ấy có giỏi khoa địa dư mấy đi nữa cũng vậy! Còn nói đến tên nhân vật Âu Tây diễn quốc âm thì chúng tôi không làm sao khỏi buồn cười khi đọc đến tên con mụ Bí-bơ-le-te, thằng Trọc tiết… của bản dịch Những chuyện bí mật thành Ba Lê năm xưa đăng trên mặt báo Tiểu thuyết thứ bảy.
Chúng tôi rất thích đọc bản dịch. Nhưng hễ gặp những bản dịch có tên nhân vật diễn âm kỳ cục như thế thì chúng tôi không bao giờ đọc hết một trang được.
Còn nhớ có một lần chúng tôi đọc say sưa bản dịch, vở kịch Andromaque của Racine ví dầu nguyên tác vở kịch ấy hồi còn ở nhà trường chúng tôi đã đọc đi đọc lại trong lớp và trong giờ “ê tuýt” không biết mấy lần. Sở dĩ có sự say sưa ấy là vì dịch giả Nguyễn Giang - con ông Nguyễn Văn Vĩnh - đã để y tên nhân vật bằng chữ Pháp chớ không diễn âm lố lăng.
Trái lại, chúng tôi không bao giờ đọc bản dịch kịch Giết mẹ của Vũ Trọng Phụng, ví dầu chúng tôi rất yêu văn tài Vũ quân, vì Vũ quân đã diễn âm tên nhân vật của Âu Tây, chúng tôi biết rằng Lữ cách bạo gia của Vũ Trọng Phụng dịch giả vốn là Lucrèce Borgia của Victor Hugo, tác giả cũng không làm sao đọc hết bản dịch của họ Vũ được.
Buồn thay cho sự gàn dở của chúng tôi! Nhưng còn biết làm sao bây giờ? Vả lại, để trả lời cho những ông bảo rằng diễn quốc âm tên nhân vật Âu Tây là để dễ phổ cập cho đại chúng, thì chúng tôi xin thưa:
- Đại chúng dốt quá, chúng tôi lấy kinh nghiệm mà dám quả quyết, không bao giờ thích đọc bản dịch. Chỉ có hạng đại chúng thiểu học nghĩa là cũng đã biết qua loa chữ Pháp và hạng thượng lưu trí thức mới thích đọc bản dịch thôi. Đối với hai hạng ấy, tên nhân vật, tên miền, tên xứ của Âu Tây, hẳn không làm bối rối họ đâu, mà các ông dịch giả nước nhà phải nhọc lòng lo cho mệt!
Tri Tân, số 54, tháng 7-1942.
In lại trong Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam.
NXB Thanh niên, H., 2009.
2136
2299
2136
221719
129483
114563195