Những góc nhìn Văn hoá

PHAN BỘI CHÂU VÀ MỐI QUAN HỆ MẬT THIẾT VỚI NHẬT BẢN VÀ TRUNG QUỐC - Tìm hiểu trường hợp Phan Bội Châu tiếp thu và chuyển hoá các câu chuyện anh hùng dựng nước phương Tây

 

Phan Bội Châu (1867-1940) là một chí sĩ yêu nước Việt Nam thời cận đại, tên thật là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, còn gọi là Thị Hán. Ông sinh ra vào năm 1867 trong một gia đình nhà giáo nông thôn thuộc huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An.

Từ tấm bé ông đã cùng cha (Phan Văn Phổ, không rõ năm sinh năm mất) học kinh điển Nho học, tinh thông chữ Hán. Năm 1885 ông hạ quyết tâm chống lại cuộc xâm lược và chế độ cai trị của Chủ nghĩa đế quốc Pháp, đã tập hợp hơn 60 bạn học tổ chức thành Thí sinh quân bảo vệ tổ quốc. Từ năm 1900 trở đi, ông chủ động liên lạc với các nhà yêu nước khắp nơi trên toàn quốc tiến hành các phong trào kháng Pháp. Tháng 5 năm 1904, ông thành lập “Việt Nam Duy Tân Hội” với tôn chỉ là “khôi phục Việt Nam, kiến lập quốc gia quân chủ lập hiến”. Đầu năm 1905 ông đến Nhật Bản, lần lượt làm quen với Lương Khải Siêu (1873-1929), Tôn Trung Sơn (1866-1925), Chương Thái Viêm (1869-1936) v.v., qua đó ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng hai nhân vật Lương Khải Siêu và Tôn Trung Sơn, đồng thời cũng có những mối liên hệ nhất định với các đại thần Duy Tân người Nhật Bản như Okuma Shigenobu (1838-1922) và Inukai Tsuyoshi (1855-1932). Sau đó ông đã nhiều lần đến Nhật Bản và Trung Quốc, một mặt chủ động liên lạc với những người yêu nước chống Pháp trong nước, tiến hành các công tác cách mạng ở Nhật Bản và Trung Quốc, tổ chức đưa nhiều học sinh thanh niên Việt Nam sang lưu học tại Nhật Bản trong Phong trào Đông Du. Dưới sự nỗ lực của bản thân và các chí sĩ yêu nước khác, đến năm 1907 đã có hơn 200 người Nhật Bản du học. Năm 1909, cả Phan Bội Châu cùng Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (1882-1951) đều bị chính phủ Nhật Bản trục xuất vì các hoạt động chống Pháp của các ông. Về sau, do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng Tân Hợi tại Trung Quốc, ông đứng ra thành lập Việt Nam Quang Phục Hội vào tháng 2 năm 1912 tại Quảng Châu, do chính ông làm Hội chủ, phương châm chính trị là “đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa Việt Nam”. Năm 1913 ông bị bắt giam ở Quảng Châu, đến năm 1917 mới được phóng thích. Từ đó ông đi lại nhiều nơi khác nhau ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Hàng Châu, Thượng Hải, Quảng Châu, Vân Nam, Quý Châu, kể cả sang các nước Triều Tiên, Nhật Bản và Thái Lan v.v. nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng ở Việt Nam. Năm 1924 ông giải thể Hội Quang Phục ở Quảng Châu, tiến tới thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ngày 11/5/1925, trên đường đến Thượng Hải ông bị đặc vụ Pháp bắt giữ giải về nước, giam lỏng ở Bến Ngự Huế đến năm 1940 thì qua đời([1])

Phan Bội Châu cũng như nhiều nhân sĩ Việt Nam truyền thống khác đã được học các kinh điển Trung Quốc từ tấm bé, vì thế việc ông rất am hiểu văn hóa Hán là điều không cần phải bàn cãi. Tương tự như vậy, các tác phẩm của ông đều có mối quan hệ mật thiết với văn hóa Hán. Nếu chúng ta lấy đó làm cơ sở truy tìm mối liên hệ giữa các tác phẩm của ông và văn hóa Hán, chắc chắn sẽ phải mất nhiều công sức, đồng thời cũng không thể thể hiện được đầy đủ và đúng đắn vai trò, vị trí của Phan Bội Châu giữa những biến động của thời cuộc, cũng như diện mạo đặc thù của thời đại giao lưu đa nguyên văn hóa ở các quốc gia Đông Á. Bình luận về thời cuộc đầy phong ba bão táp từ giữa thế kỷ 19 trở về sau, nhà tư tưởng Nghiêm Phục (1853-1921) từng có một so sánh rất sinh động “Ô hô! Nhìn xem thế biến hôm nay, rõ ràng là từ đời Tần về sau chưa hề có!”([2]). Trung Quốc và các quốc gia thuộc vùng văn hóa chữ Hán đều bị các quốc gia phương Tây xâm lược và uy hiếp, hết thảy đều có những thay đổi trên các phương diện chính trị, tư tưởng và văn hóa, và đều đang tìm kiếm các đối sách để chống lại. Song do tình hình mỗi nước mỗi khác nhau nên nội dung, phương thức và tốc độ của những thay đổi nói trên cũng khác nhau.

Dù vậy điểm giống nhau đáng chú ý là các trí thức khai sáng hoặc các trí thức ở Trung Quốc và các quốc gia Đông Á đều đã từng coi các quốc gia hiện đại hóa phương Tây là mô hình để cách tân. Họ không ngừng nỗ lực tìm tòi nguyên nhân đạt đến trình độ “nước giàu, binh mạnh”, “khai hóa văn minh” của các quốc gia Tây Âu này. Một mặt, họ coi Nhật Bản là đầu tàu, nước đã từng từ bỏ chính sách bán nước và xóa bỏ chính thể Mạc Phủ, thực hiện mạnh mẽ công cuộc Duy Tân Minh Trị, lần lượt trải qua hai cuộc chiến tranh là chiến tranh Giáp Ngọ (chiến tranh Trung-Nhật) và chiến tranh Nhật-Nga, trở thành quốc gia giàu mạnh nhất Đông Á, được xếp vào hàng ngũ các cường quốc thế giới. Chính điều này đã khiến cho các quốc gia Đông Á bao gồm cả Trung Quốc tích cực học tập mô hình cách tân Nhật Bản, và vì thế nhiều chí sĩ khai sáng và trí thức các nước tìm cách sang Nhật Bản du học([3]). Mà một trong các con đường quan trọng để họ tiếp thu tri thức mới, mở rộng tầm nhìn của mình là tìm đọc các thư tịch tân học của Nhật Bản, tức trực tiếp đọc các văn bản nguyên văn tiếng Nhật, hoặc thông qua đọc các quyển đã chuyển ngữ thành Trung văn để tìm hiểu nội dung. Thông qua các hoạt động ấy, tư tưởng và nội dung Tây học/ Tân học đã được truyền bá đến các quốc gia Đông Á, trực tiếp phát huy ảnh hưởng đến các quốc gia này. Phan Bội Châu đóng vai trò quan trọng của người trực tiếp tiếp nhận và truyền bá, cũng là nhà tiên phong “mở mắt nhìn thế giới” tìm hiểu cục diện tình hình thế giới tương đối sớm ở Việt Nam. Do đó, trong bài viết này chúng tôi không tập trung vào mối quan hệ giữa Phan Bội Châu và văn hóa kinh điển Trung Quốc mà lựa chọn một góc nhìn mới để xem xét vấn đề. Chúng tôi đi từ các quá trình tiếp xúc, tiếp thu, chuyển hóa và truyền bá những tri thức mới, tư duy mới của Phan Bội Châu kể từ biến cố Mậu Tuất ở Trung Quốc năm 1889, đồng thời xem xét đến mối quan hệ mật thiết giữa các tác phẩm của ông với Trung Quốc và Nhật Bản.

Phan Bội Châu trong cuốn tự truyện Phan Bội Châu Niên Biểu từng nói rằng trước khi xuất dương ông đã tiếp xúc các cuốn Doanh Hoàn Chí Lược của Từ Kế Dư (1795-1873), Phổ-Pháp Chiến Kỷ của Vương Thao (1828-1897), và Trung Đông Chiến Kỷ Bản Mạc của Thái Nhĩ Khang (1851-1921) khiến cho ông “hiểu được tình trạng cạnh khốc liệt ở trong hoàn hải, thảm trạng quốc vong chủng diệt càng kích thích trong đầu óc sâu lắm”. Ngoài ra ông cũng đã đọc các tác phẩm Trung Quốc Hồn, Mậu Tuất Chính Biến Kỷ và hai ba bài viết trên Tân Dân Tùng Báo của Lương Khải Siêu. Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất rằng Phan Bội Châu đã tìm thấy sự khởi đầu cho công cuộc cách mạng của mình từ trong các tác phẩm “Tân Thư” có nguồn gốc Trung Quốc ấy([4]).

Dĩ nhiên một vài điểm tư duy và khái niệm trong các tác phẩm “Tân Thư” này không hoàn toàn do các nhân sĩ hoặc trí thức Trung Quốc sáng tạo ra, mà nó có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nhận ảnh hưởng từ Nhật Bản, trong đó rõ ràng nhất là mặt tiếp thu và dẫn dụng của Lương Khải Siêu đối với trào lưu tư tưởng Duy Tân Minh Trị Nhật Bản. Điều quan trọng hơn nữa là thế giới tư tưởng đương thời đã mang một diện mạo phức tạp do các trào lưu tư tưởng đa nguyên không ngừng giao lưu xung đột tạo nên, trào lưu tư tưởng mới, tri thức mới thường là kết quả được thể hiện qua quá trình không ngừng tương tác đa phương ở các quốc gia Đông Á, đặc biệt là giữa tư tưởng hai nước Trung Quốc và Nhật Bản. Kết quả ấy đã có thể được cách tân làm mới theo thời gian, mối quan hệ giữa chúng có thể nói là phức tạp cũng đã góp phần làm tăng độ khó khăn trong quá trình phân tích đề tài. Vì lý do này, chúng tôi không thể quy kết sự thể hiện đơn thuần của một tư duy mới hay một tri thức mới thành một dạng ảnh hưởng của văn hóa. Để có thể làm rõ mối quan hệ mật thiết giữa các tác phẩm của Phan Bội Châu với Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta nên xem xét con đường và quá trình truyền bá các tư duy, tri thức mới này đến tay Phan Bội Châu, cũng như phương cách lựa chọn vận dụng của ông ấy về sau. Thế nhưng tư tưởng mà Phan Bội Châu đã tiếp nhận là đa nguyên và rất phong phú, cho nên để thuận tiện hơn trong việc nghiên cứu vấn đề, chúng tôi lựa chọn việc tìm hiểu và chuyển hóa các hình tượng anh hùng lập quốc phương Tây của Phan Bội Châu làm đối tượng khảo sát, qua đó cố gắng tìm hiểu mối quan hệ mật thiết giữa Phan Bội Châu và các phong trào tư tưởng Trung, Nhật. Trong số các anh hùng kiến quốc phương Tây, Phan Bội Châu thường nhắc tới hai nhân vật là Giuseppe Mazzini (1805-1872, người Ý) và George Washington (1732-1799, người Mỹ). Chúng tôi sẽ tập trung khảo sát quá trình tiếp thu và chuyển hóa các câu chuyện của hai anh hùng lập quốc này của Phan Bội Châu. Bài viết không thể không nhắc tới là làm thế nào Phan Bội Châu đã mang những tri thức mới mà mình đã học hỏi được qua phương thức “tái sản xuất”, đồng thời góp phần thảo luận về quá trình truyền bá và kết quả ảnh hưởng của các hoạt động mà nhà yêu nước Phan Bội Châu đã làm trong lịch sử Việt Nam cận đại.

 

2. Phan Bội Châu và Mazzini – một trong bộ ba anh hùng kiến quốc nước Ý

Thời niên thiếu, Phan Bội Châu rất ham mê võ công. Theo hồi tưởng, vào lúc lên 10 (tức vào khoảng năm 1876), ông đã học tập tinh thần bình Tây cứu quốc của nhiều cuộc khởi nghĩa thân hào vùng Nghệ Tĩnh, tự rèn luyện cá tính “hiếu động”. Năm 17 tuổi (1883), tinh thần quật khởi của các nghĩa binh kháng Pháp không ngừng thúc đẩy ông, và dĩ nhiên “hào hứng bộc phát”, ông soạn cuốn Bình Tây Thâu Bắc Văn Tập với mong ước có thế phát huy được sức ảnh hưởng. Năm lên 19, Phan Bội Châu cùng các bạn học ráo riết chuẩn bị thành lập đội Thí Sinh Quân, song do thực dân Pháp trấn áp quá khốc liệt nên đã sớm giải tán dù vẫn chưa chính thức hình thành. Về sau, ông phát hiện ra rằng “dục vi anh hùng” (muốn trở thành anh hùng) phải “tiềm hữu sở dưỡng” (tu dưỡng, giáo dục), “tích hữu sở mưu” (tích lũy mưu trí), vì vậy ông đã chủ động kết thân với cánh nghĩa sĩ hào hiệp, với phong trào Cần Vương, hết lòng đều vì mục tiêu khởi nghĩa, mưu sự anh hùng đại nghĩa. Từ đó có thể thấy, trong máu huyết Phan Bội Châu luôn tiềm tàng tính cách phản kháng, cá tính chiến đấu mạnh mẽ, và vì thế ta có thể hiểu tại sao ông lựa chọn cách dấy binh khởi nghĩa, hành hiệp bạo động làm phương thức chống Pháp chủ đạo.

Trước khi Phan Bội Châu xuất dương đã từng viết cuốn Thời thế và Anh hùng, trong đó đề cập nhiều đến khía cạnh một quốc gia có hưng thịnh hay suy vong mấu chốt nằm ở chỗ “quốc gia ấy có anh hùng hay không”. Giả sử ai cũng là anh hùng thì thế gian này sẽ không có nước nào là tiểu nhược. Ông viết tiếp thế này:

“夫立五洲爭競之場,正宜露我頭角,況時窮勢蹙,國破君亡,死至目前,亡懸頸後,真宜投袂而起,奮義同仇,生亦快死亦快” (trích trong Thời thế và Anh hùng)

(Ôi đứng trên trường tranh cạnh của năm châu, cần phải giơ sừng gạc của mình, phương chi gặp lúc thời thế cùng quẫn, nước phá vua mất, chết đến trước mắt, gươm kề sau cổ, vốn phải nên dứt áo đứng dậy, vì nghĩa giết thù, sống cũng sướng mà dù chết nữa cũng sướng – Chương Thâu dịch, Tổng tập văn học Việt Nam, tập 22, tr.143)

Ngoài tính cách vốn có của mình, những ảnh hưởng của thời cuộc cũng là một trong những căn nguyên hun đúc nên đức tính hành hiệp đại nghĩa, tinh thần thượng võ ở Phan Bội Châu. Thời ấy, một mặt ông hô hào nhân dân khởi nghĩa, đặt kì vọng một vị anh hùng kháng Pháp cứu quốc trong tương lai, một mặt tự trui rèn bản thân mang phong cách một “anh hùng”. Kiểu chủ nghĩa anh hùng với tinh thần thượng võ vì đại nghĩa ấy khá gần gũi với tính cách của giới trí thức Trung Quốc thời kì mạt Thanh(7). Do vậy, khi Phan Bội Châu chủ động đọc các ngôn hành sự tích của nhân vật đại nghĩa, các lãnh tụ chính trị nước ngoài hoặc khi trực tiếp tiếp xúc với họ, ông vừa thể hiện trạng thái đồng cảm vừa cảm kích, ngưỡng mộ. Ông cho rằng các nhân vật ấy có thể là những tấm gương (điển phạm) cho con đường đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam, và do vậy dưới ngòi bút của mình, ông luôn coi các nhân vật ấy là nguồn tư tưởng chính để hiệu triệu toàn dân đứng lên chống Pháp.

Trong cuốn tự truyện của mình Phan Bội Châu từng đề cập đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Ý Giuseppe Mazzini (1805-1872). Ông nói:

“…Trong Italy tam kiệt, tôi đặc biệt ngưỡng mộ Mazzini. Tôi tăm đắc nhất câu “Giáo dục và bạo động song hành”. Một mặt cổ động học sinh xuất dương du học, một mặt kích thích tư tưởng và hành động cách mạng trong dân”

Thực ra chi tiết “Truyện ba vị anh hùng người Ý” mà Phan Bội Châu đã dẫn bên trên chính là bài “Truyện ba vị anh hùng kiến quốc người Ý” của Lương Khải Siêu vốn đã được đăng trên tờ Tân Dân Tùng Báo từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1902, tức sớm hơn thời điểm Phan Bội Châu hiểu biết về Mazzini rất nhiều.

Ba vị anh hùng kiến quốc người Ý ấy lần lượt là Mazzini, Giuseppe Garibaldi (1807-1882) và Camillo B. Cavour (1810-1861). Năm 1831, Mazzini sáng lập Đảng Thiếu niên Ý (còn gọi là Đảng Thanh niên Ý), phát động phong trào thanh niên Ý yêu nước, tiến tới cuộc vận động thống nhất toàn nước Ý. Động thái này đã được Giuseppe Garibaldi hưởng ứng, song điều đáng tiếc là nó đã thất bại. Về sau, thủ tướng vương quốc Sardino tên là Camillo B. Cavour (1810-1861) đã kế thừa Mazzini đề xướng phong trào nước Ý độc lập, cộng với tài năng ngoại giao khôn khéo của chính Camillo B. Cavour, nhờ đó nước Ý đã nhận được sự ủng hộ của Pháp, Anh. Phong trào này lần lượt đẩy lùi bạo hành của đế quốc Áo, và nhất là nhận được sự trợ giúp quân sự của Giuseppe Garibaldi, cuối cùng đã thực hiện thành công công cuộc thống nhất đại bộ phận lãnh thổ nước Ý. Đành rằng nước Ý thống nhất toàn quốc không phải hoàn toàn do công sức của ba nhân vật này song sức mạnh của trào lưu độc lập mà họ khởi xướng và lãnh đạo là không thể ngăn nổi, để rồi nước Ý hoàn toàn độc lập năm 1871 trong thời kì chiến tranh Đức – Pháp.

Lương Khải Siêu trong cuốn Truyện ba anh hùng kiến quốc người Ý đã từng nêu lý do tại sao chọn ba nhân vật này như sau:

“Trong lịch sử kiến quốc các nước Châu Âu trong mấy trăm năm qua có rất nhiều những nhân vật đáng để ca ngợi, đáng để ghi vào sử sách. Cho đến thời đại tôi đang sống rõ ràng có rất nhiều anh hùng hào kiệt đáng để muôn dân ngưỡng vọng. Song châu Âu trước thời kỳ độc lập, cũng giống như Trung Quốc hôm nay, phải kể đến nước Ý. Bàn về các câu chuyện của những người yêu nước nước Ý, giống như những người yêu nước Trung Quốc hôm nay, phải kể đến ba vị anh hùng nước Ý”.

Lương Khải Siêu cho rằng tình thế nước Ý thời trước độc lập gần giống như Trung Quốc ở thời đại của ông, vì vậy khi trích thuật lịch sử kiến quốc của ba anh hùng nước Ý Lương Khải Siêu hi vọng có thể lấy họ làm gương cho người Trung Quốc. Trên thực tế quan điểm này của ông bắt nguồn từ người Nhật với tác phẩm Truyện ba người anh hùng nước Ý, đa phần được dịch lại (sang tiếng Trung) từ tác phẩm Truyện ba anh hùng kiến quốc Italy của tác giả Kumiko Hirata (Bình Điền Cửu平田久, 1872-1923) do Nhật Bản Dân Hữu Xã xuất bản năm 1892 và bài viết “Camilo B. Cavour” của Matsumura Kaiseki (1859-1939) viết trong bộ Thái Dương (612, quyển số 4, tháng 1, tháng 2 năm 1898), đồng thời bổ sung thêm tư liệu của các thư tịch khác để viết thành. Sớm từ thời Duy Tân Minh Trị người Nhật Bản đã từng song hành bàn luận về nước Ý cận đại và Nhật Bản cận đại, thậm chí Matsumura Kaiseki còn cho rằng Trung Quốc và nước Ý cùng thời cận đại có rất nhiều điểm tương đồng. Tuy rằng Lương Khải Siêu kế thừa người Nhật trong rất nhiều quan niệm song so sánh cho thấy Lương Khải Siêu đã rất đề cao Mazzini, luôn kỳ vọng rằng người Trung Quốc có thể học tập tinh thần yêu nước của nhân vật lịch sử này.

Chúng ta có thể nhận thấy cuốn Truyện ba anh hùng chiến quốc người Ý của Lương Khải Siêu trên thực tế là một tác phẩm thể hiện mối quan hệ giao lưu phức tạp về tư tưởng đa phương giữa hai nước Trung, Nhật. Khi Phan Bội Châu đọc câu chuyện này, ông ấy đã trực tiếp tiếp nhận ảnh hưởng của Lương Khải Siêu, do đó trong ông hình thành tư tưởng ngưỡng mộ tinh thần yêu nước vì đại nghĩa của Mazzini. Thông qua việc tìm hiểu quan điểm cách mạng của Mazzini, Phan Bội Châu đã đúc kết thành phương châm “Giáo dục và bạo động phải song hành” cho phong trào cách mạng đòi độc lập ở Việt Nam. Sau này, trong thời kỳ lập Hội Duy Tân, Phan Bội Châu đã phân lực lượng của mình thành hai nhóm. Trong cuốn Phan Bội Châu Niên Biểu ông từng viết: “Một nhóm là phái hòa bình, chuyên chú trọng các công tác diễn thuyết tuyên truyền học đường; còn một nhóm là phái hành động, chuyên tập trung vận động quân sự, trang bị võ trang”. Rõ ràng đây là một thể hiện của sự ảnh hưởng từ Mazzini. Dù vậy chúng ta cũng không thể bỏ qua chi tiết Phan Bội Châu gián tiếp tiếp nhận trào lưu tư tưởng Nhật Bản thông qua tác phẩm Truyện ba anh hùng kiến quốc người Ý của Lương Khải Siêu, qua đó hiểu biết được những biến động của thời cuộc thế giới, chủ động rút ra các đối sách cho các hành động về sau.

 

3. Phan Bội Châu và Washington

Tình trạng các tư tưởng đa nguyên giao lưu tác động lẫn nhau này còn có thể tìm thấy trong các tác phẩm viết về hình tượng Washington- người lập quốc nước Mỹ. Nhìn lại quá trình tiếp nhận hình tượng Washington ở các nước Đông Á, ta có thể thấy rằng chính các giáo sĩ truyền giáo phương Tây đã mang tư tưởng của Washington truyền bá vào Trung Quốc. Năm 1838 tại đây công bố bài Giản Lược Ngôn Hành Washington trên tờ Đông Tây Dương Khảo (Truyện Thống kê mỗi tháng), số tháng giêng. Ngoài ra có rất nhiều giáo sĩ trong quá trình dịch giới thiệu lịch sử nước Mỹ cũng đã đề cập tới Washington. Từ năm 1842 trở đi hình tượng Washington đã chính thức du nhập vào giới trí thức Trung Quốc, do đó trong các tác phẩm Hải Quốc Đồ Chí của Ngụy Nguyên (1792-1857), Doanh Hoàn Chí Lược của Từ Kế Dư (1795-1873), Tiêu Cổ Đường Văn Tập - Hải Ngoại Lưỡng Dị Nhân Truyện của Tưởng Đôn Phục (1808-1867), cuốn Washington Truyện của Lý Nhữ Khiêm (1852-1909) và Thái Quốc Chiêu v.v. đều có những phần ký lục hoặc miêu thuật về ngôn hành của Washington. Trong đó có lẽ gây ảnh hưởng lớn nhất là cuốn Doanh Hoàn Chí Lược của Từ Kế Dư. Dưới ngòi bút của ông này, Washington được ví như “hình tượng Nghiêu Thuấn” ở nước ngoài. Sử sách Trung Quốc về sau khi viết về Washington đại thể đều như vậy, lần lượt trích dẫn hoặc thêm thắt cho phong phú thêm.

Từ năm 1855 trở đi Washington được nhiều người Nhật biết tới, chẳng hạn Otsuki Tsunesuke/ Đại Quy Hằng Phụ大槻恒輔(1818-1857) với cuốn Viễn Tây Kỷ Lược, Kitagawa Naokai/ Bắc Xuyên Trực Dưỡng北川直养với cuốn America Độ Hải Nhật Ký, Suzuki Yaken/ Linh Mộc Di Kiên鈴木彌堅với cuốn Washington Quân Ký, Oka Shenjin岡千仞(1833-1914) và Kono Michiyuki (1842-1916) trong cuốn Mễ Lợi Kiên Chí米利堅志, ông Okamoto Kansuke/ 岡本監輔 (1839-1904) với cuốn Vạn Quốc Sự Ký v.v. lần lược trích dịch về tư liệu hoặc truyền ký về cuộc đời của Washington. Nhờ vào sự tuyên truyền vận động của các nhân sĩ và trí thức Trung-Nhật, cao trào biên dịch truyền ký Washington đã hình thành và phát triển mạnh mẽ ở khu vực Đông Á đầu thế kỷ 19.

Phan Bội Châu đã tiếp cận các câu chuyện về Washington bằng cách nào? Trong tự truyện hay các tác phẩm của mình, ông không hề nói về nguồn gốc và quá trình tìm đọc các truyền ký Washington. Dù vậy, trước khi xuất dương ông đã tìm đọc cuốn Doanh Hoàn Chí Lược của Từ Kế Dư và có lẽ lúc ấy ông đã ít nhiều biết được về ngôn hành của Washington. Trên thực tế chính cuốn Washington Truyện mà Lê Nhữ Khiêm và Thái Quốc Chiêu biên dịch mới gây ảnh hưởng lớn tới Phan Bội Châu. Nguyên nhân nằm ở chỗ Phan Bội Châu từng có tác phẩm “Sùng bái giai nhân”, nếu xem xét kỹ thì công trình này của Phan Bội Châu khá tương thích với bài dịch của hai tác giả Lê Nhữ Khiêm và Thái Quốc Chiêu. Từ đó đặt ra một yêu cầu là chúng ta nên giới thiệu sơ lược về cuốn Washington Truyện của hai tác giả Trung Quốc nói trên cũng như lược thuật những ảnh hưởng của tác phẩm này đối với giới tư tưởng đương thời.

Lê Nhữ Khiêm từ rất sớm đã nghe danh về Washington, thế nhưng ông không thể tìm đọc các trứ tác về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật này, vì vậy năm 1882 khi ông đảm nhận chức vụ Quan Lý sự Thần Hộ Nhật Bản đã nhờ “quan phiên dịch” Thái Quốc Chiêu đặt mua cuốn Cuộc đời của George Washington (The Life of George Washington) của tác giả Washington Irving (1783-1859). Sau khi xác định chất lượng của tác phẩm này, Lê Nhữ Khiêm đã ra lệnh cho Thái Quốc Chiêu dịch sang tiếng Trung. Sau ba năm ròng phiên bản dịch tiếng Trung hoàn thành, được Lê Nhữ Khiêm chỉnh lý, hiệu đính 5 lần, đến năm 1886 thì xuất bản. Thoạt đầu, cuốn sách này không gây được tiếng vang lớn. Đến năm 1896 khi Uông Khang Niên (1860-1911) và Lương Khải Siêu lần lượt cho đăng tải suốt 11 kỳ trên tờ Thời Vụ Báo (tác phẩm đã đổi tên thành Washington Toàn Truyện), và mãi đến năm 1897 khi tác phẩm này xuất bản và phát hành độc lập thì mới bắt đầu phát huy sức ảnh hưởng. Tất nhiên, chẳng bao lâu đã xuất hiện nạn đạo bản. Tác phẩm này cũng chính là “nguồn tư tưởng quan trọng” để Lương Khải Siêu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Washington cũng như các chế độ chính trị - kinh tế - quân sự nước Mỹ. Lương Khải Siêu từng nhắc đến quyển sách này trong rất nhiều các tác phẩm của mình. Phan Bội Châu có thể đã thông qua phần giới thiệu của Lương Khải Siêu mà biết đến tác phẩm. Có lẽ đây là một trong những con đường mà Phan Bội Châu tiếp cận cuốn Washington Truyện. Tháng 5 năm 1907 Phan Bội Châu xuất bản cuốn Sùng Bái Giai Nhân ở Tokyo. Mười năm trước đó, vào tháng 8 năm 1897, trong số ra đầu tiên của tờ Thực Học Báo có đăng tải những cảm nhận sau khi đọc Washington Truyện của Uông Vinh Bảo (bài viết sau khi đọc cuốn Washington Truyện). Như một sự trùng hợp lịch sử, điều đáng để chúng ta lưu ý là cả hai người thanh niên trí thức này đều quan tâm đến cùng một vấn đề. Phan Bội Châu từng đề cập đến nguyên nhân ông lựa chọn cuốn Sùng Bái Giai Nhân là:

“念最近無名之英雄,有最當紀念而為予所知者也,凡數人,其一曰高勝,其一曰隊合,其一曰管寶,短刀壓陣,殺賊將名沒片(扇),以報高公勝之仇。予摭拾各事之始末,略分為傳,顏曰「崇拜佳人」。”

(Nghĩ rằng gần đây anh hùng vô danh rất đáng ghi nhớ mà tôi được biết có mấy người: thứ nhất là Cao Thắng, tiếp theo là Đội Hợp, tiếp nữa là Quản Bảo – đoản đao áp trận, giết tướng giặc tên là Một Phiến, để báo thù cho Cao Thắng. Tôi tập hợp đầu đuôi các việc, phân ra thành truyện, nhan đề là “Sùng bái giai nhân”- Trích trong Sùng bái giai nhân, ĐLG tạm dịch)

“Giai nhân” ở đây được hiểu là các anh hùng tráng sĩ Việt Nam thời kháng Pháp. Hành động chống Pháp vì đại nghĩa và đức hy sinh cao cả của họ xứng đáng để nhân dân kính vọng và sùng bái. Chính vì vậy, Phan Bội Châu hy vọng rằng thông qua việc giới thiệu hình tượng các anh hùng có thể vực dậy tình cảm dân tộc ở muôn dân, kêu gọi mọi người học tập các chí sĩ anh hùng, cùng nhau đứng lên chống Pháp. Washington không phải người Việt Nam nhưng ông ấy đã dẫn dắt người Mỹ thoát khỏi sự quản lí của nước Anh, điều này đủ để các dân tộc bị thực dân đô hộ biểu dương, học hỏi. Phan Bội Châu từng nói:

今五洲萬國所公認為世界之第一偉大者必曰華盛頓,吾儕兄弟所以心醉而願學者亦莫若華盛頓。劍槍料理日信於東西,風雲戲場日演於宇宙,華盛頓之價值日愈高,吾同胞之腦海中無日不注此潮流矣

(Ngày nay, tất cả các nước trong năm châu đều công nhận một vĩ nhân đứng vào bậc nhất thế giới đó tức là Hoa Thịnh Đốn. Anh em chúng ta say mê muốn học tập, chẳng có ai hơn Hoa Thịnh Đốn. Ngày nay trong thời buổi mài gươm sửa súng, đi khắp đông tây, đùa gió cợt mây, diễn tràn vũ trụ…thì giá trị của Hoa Thịnh Đốn càng cao. Tôi tin rằng trong đầu óc đồng bào ta, không ngày nào là không chú ý đến trào lưu đó - Sùng bái giai nhân, Lê Ninh dịch, Phan Bội Châu toàn tập, tập 2, tr.319)

Sau khi lược thuật cuộc đời và sự nghiệp của Washington thời kì chống thực dân Anh, ông đã từng buông thêm câu cảm thán “Ôi tệ thật! Chẳng lẽ đất nước này không có một Washington hay sao?”. Tuy lời lẽ là thế, song Phan Bội Châu lại có quan điểm riêng của mình, ông cho rằng nếu dân toàn dân quen chuyện binh sự thì hết thảy đồng bào đều có “cơ duyên tuyệt hảo” với Washington. Nguyên nhân nằm ở chỗ toàn dân luyện tập quân sự sẽ có lợi cho việc ứng chiến về sau. Một mặt ông là một trong những người tiên phong phát động phong trào yêu nước yêu đồng bào, mặt khác do tham gia chống Pháp lâu ngày ông trở nên rất am hiểu mô thức hành vi của người Pháp. Đối với ông, rõ ràng đến lúc ấy việc trở thành một Washington ở Việt Nam là một việc dễ như trở bàn tay. Cuối cùng ông cũng thốt lên rằng “Hỡi đồng bào! Có muốn trở thành Washington không? Có dũng cảm như Washington không? Có thể phục vụ cho Washington không?”. Phan Bội Châu luôn chủ động sử dụng các câu chuyện và chiến công của Washington để tranh thủ tình cảm dân tộc, kêu gọi nhân dân dũng cảm lật đổ chế độ thực dân Pháp.

Nhà hoạt động Trung Quốc Uông Vinh Bảo cho rằng chế độ tuyển cử tổng thống do Washington đề xướng có thể ví như nền tảng chính trị lý tưởng sơ khai thời Nghiêu Thuấn thượng cổ. Chế độ ấy có thể đạt được “tứ thiện” và tránh được tình trạng “ngũ bệnh” chuyên chế độc tài.

Qua chế độ chính trị của nước Mỹ, Uông Vinh Bảo lên án chế độ thống trị chuyên chế của Trung Quốc, cho rằng quân chủ Trung Quốc hoàn toàn khác với chế độ tổng thống Mỹ vốn do nghị viện bầu ra. Vả lại một vị tổng thống nhiều nhất cũng chỉ có thể đảm nhiệm chức vụ hai nhiệm kỳ, tức thời gian tại vị chỉ kéo dài 8 năm, chuyện này làm cho Trung Quốc khó có thể quay trở lại với tình trạng thời Nghiêu Thuấn thượng cổ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể thông qua việc thiết lập nghị viện và trường học, tiêu trừ các tệ nạn thống trị chuyên chế. Vì vậy ông đã nói: “không dựng trường học sẽ không có người giỏi; nghị viện không phát sẽ khó có công bằng”.

Phan Bội Châu từ trong tác phẩm Washington Truyện đã rút ra được những ý nghĩa cao quý mà các dân tộc bị thực dân xâm lược có thể áp dụng kêu gọi toàn dân dũng cảm đứng lên đòi độc lập, do vậy ông không ngừng cổ động tinh thần dân tộc trong nhân dân Việt Nam, không ngừng hiệu triệu đồng bào cứu nguy tổ quốc. Ông hy vọng mọi người đều có thể là Washington của Việt Nam, hết thảy đều là Washington! Uông Vinh Bảo ở Trung Quốc qua cuốn Washington Truyện cũng đã rút ra được những ý nghĩa tương tự. Sau khi so sánh thể chế chính trị của hai nước Trung - Mỹ, Uông Vinh Bảo đã suy nghĩ, tìm tòi phương pháp cải tiến chính thể chuyên chế Trung Quốc và nhận thấy rằng việc xây dựng trường học và thiết lập nghị viện là con đường khả thi. Cả hai nhà cách mạng (Phan Bội Châu và Uông Vinh Bảo) đều đọc cùng một tác phẩm, song sau khi đọc lại có hai quan niệm khác nhau, nguyên nhân nằm ở chỗ tình hình hai quốc gia có sự khác biệt. Các chí sĩ và trí thức Trung Quốc cận đại nhìn chung đều cảm nhận sâu sắc cận cảnh suy tàn của đất nước nên họ đã thúc giục triều đình nhà Thanh sớm cải cách thể chế chính trị. Đại khái vào thập niên 1880 Vương Thao (1828-1897) và Trịnh Quan Ứng (1842-1922) đã từng đề xuất quan điểm chế độ quân chủ lập hiến và thiết lập nghị viện. Năm 1895 trong chiến tranh Giáp Ngọ, sự bại trận của Trung Quốc cũng là sự cáo chung của phong trào Tự cường, phong trào tầng lớp trí thức đòi hỏi cải cách đạt đến cực điểm, Khang Hữu Vy lãnh đạo Lương Khải Siêu và hơn một ngàn cử nhân khác ký tên dâng thư yêu cầu triều đình phải có những thay đổi (sử sách gọi là “Công Xa Thượng Thư”). Thời ấy chuyện thiết lập nghị viện là vấn đề chính trị nóng bỏng mà giới nhân sĩ trí thức bàn tán, Uông Vinh Bảo và rất nhiều nhân sĩ khác như Thôi Quốc Nhân (1831-1909), Thang Chánh (1857-1917), Tống Nộ (1862-1910)v.v. sau khi tìm hiểu các câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Washington đã liên tục suy nghĩ về việc thực thi chế độ nghị viện ở Trung Quốc. Kiến giải của mọi người có thể không giống nhau, song tất cả đều đồng hành với phong trào tư tưởng thời đại ở Trung Quốc.

Thế nhưng cái mà Phan Bội Châu phải đối mặt là nền thống trị bóc lột của kẻ thực dân cho nên vấn đề ông suy nghĩ không phải là việc cải cách thể chế chính trị mà là làm thế nào để thoát khỏi ách thực dân để có độc lập. Chính vì vậy ông đề ra khẩu hiệu “bài Pháp phục Việt”. Cho nên lúc ông nhìn thấy cuốn Washington Truyện, ông đã lựa chọn hình ảnh Washington lãnh đạo đồng bào dũng cảm chống chủ nghĩa thực dân Anh làm “nguồn tư tưởng” để phát động trong dân chúng Việt Nam. Do hình tượng anh hùng của Washington có lợi việc tuyên truyền và quảng bá quan niệm cách mạng của mình, Phan Bội Châu đã nhiều lần sử dụng các câu chuyện về cuộc đời và chiến công của nhân vật này trong các tác phẩm của ông. Chẳng hạn trong cuốn Nam Du Hồng Qua Lục có đề cập tới chủ trương cách mạng lấy “dân trí trấn dân khí” làm tôn chỉ, tới việc nhờ “khai dân trí” mà Washington có thể thoát khỏi sự thống trị của nước Anh để giành độc lập”. Ý nghĩa của các chi tiết này là mở rộng dân trí trước thì mọi người đều có thể trở thành những Washington chống lại thực dân. Trong cuốn Chân Tướng Quân, tác phẩm mà Phan Bội Châu ghi chép về các câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của nhà yêu nước Hoàng Hoa Thám (1885-1913), ông cũng nhắc tới Washington. Phan Bội Châu cho rằng giả sử Hoàng Hoa Thám sinh ở Mỹ thì chắc chắn cũng trở thành một vị anh hùng cái thế như Washington, vì vậy “không phải nước tôi không có anh hùng”, chỉ sợ nhân dân không đủ đoàn kết sẽ không có “triệu triệu Washington” để cùng cả nước chống Pháp.

Bàn về những khác biệt về tình hình hai quốc gia mà Uông Vinh Bảo và Phan Bội Châu đối mặt, “thuyết nghị viện” tuy được cho là vấn đề nóng bỏng mà giới trí thức thân sĩ Trung Quốc quan tâm nhưng vẫn tồn tại một phong trào cải cách thể chế chính trị khác, đó là phong trào cách mạng do Tôn Trung Sơn (1866-1925) lãnh đạo. Trước thời Phan Bội Châu, nhiều nhà cách mạng Trung Quốc cũng tìm thấy được nguồn tư tưởng cách mạng trong các câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Washington, họ cũng đều cho rằng có thể lấy đó kích thích lòng yêu nước trong nhân dân mình. Dưới ngòi bút của họ, Washington trở thành tấm gương cách mạng - một vị lãnh tụ dẫn dắt nhân dân đi vào con đường tự do dân chủ. Các câu chuyện về cuộc đời Washington và cả những nhân vật điển phạm có ý nghĩa tượng trưng tương tự hết thảy đều trở thành đối tượng để các nhà cách mạng học tập, trui rèn tư tưởng cách mạng cho chính mình. Về điểm này thì những hiểu biết của Phan Bội Châu về ngôn hành của Washington rõ ràng có những mối liên hệ mật thiết với phong trào vận động cách mạng ở Trung Quốc.

4. Những tác động và ảnh hưởng của các tác phẩm Phan Bội Châu đối với lịch sử Đông Á thời cận đại

[…………]

 

5. Kết luận

Trước và sau khi xuất dương, Phan Bội Châu đã không ngừng học hỏi, tiếp thu tri thức mới của phong trào Tân học. Ông tìm đọc rất nhiều trứ tác của các nhà tư tưởng, các nhà hoạt động chính trị Trung Quốc, Nhật Bản, hoặc lắng nghe những kiến nghị của họ, nhờ vậy đã “mở mắt nhìn thế giới”, góp phần mở rộng tầm nhìn của mình về cục diện thế giới tình hình Đông Á. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ lựa chọn những hiểu biết và việc chuyển hóa các hình tượng các anh hùng kiến quốc phương Tây của ông làm đối tượng khảo sát, cố gắng tìm hiểu mối quan hệ mật thiết giữa Phan Bội Châu và các phong trào tư tưởng Trung, Nhật. Phan Bội Châu đã tìm hiểu, tiếp thu và chuyển hóa ý nghĩa lịch sử của các câu chuyện các anh hùng kiến quốc phương Tây mà đặc biệt là Mazzini và Washington, qua đó rút ra được các ý nghĩa thiết thực mà nhân dân bị đô hộ có thể áp dụng để mưu cầu độc lập, thậm chí còn tìm kiếm được phương châm tiến hành phong trào cách mạng. Về sau, hình ảnh Mazzini người Ý và Washington người Mỹ dưới ngòi bút của ông đã trở thành “nguồn tư tưởng” để ông cổ động tình cảm dân tộc và hiệu triệu đồng bào chống giặc cứu nước.

Phan Bội Châu đã đem những hiểu biết của mình chuyển hóa và viết sách lập thuyết, thông qua phương thức “tái sản xuất” đã góp phần tác động vào các quốc gia Đông Á. Các tác phẩm của ông không những là nguồn tìm hiểu những biến động của thế giới và kích thích tư tưởng của các trí thức Việt Nam và các quốc gia Đông Á khác mà còn là đối tượng được nhiều nhân sĩ trí thức về sau đề cập và vận dụng. Phan Bội Châu từ một nhà tiếp thu tư tưởng đã trở thành một nhà truyền bá. Qua ý thức và tinh thần yêu nước mà các tác phẩm Phan Bội Châu tác động đến nhân dân các nước Đông Á có thể thấy các quốc gia bị thực dân xâm lược ở Đông Á đã trở thành một cộng đồng có cùng chung số phận. Điều này có thể chứng minh rằng Phan Bội Châu và các tác phẩm của ông có những tác động nhất định đối với lịch sử Đông Á thời cận đại. Rõ ràng các tác phẩm của Phan Bội Châu không chỉ thể hiện mối liên hệ mật thiết với Nhật Bản và Trung Quốc mà còn bộc lộ rõ diện mạo phức tạp của các quá trình giao lưu văn hóa không ngừng ở Đông Á.

Thông qua việc nghiên cứu mối quan hệ mật thiết giữa các tác phẩm của Phan Bội Châu và Trung Quốc, Nhật Bản, chúng tôi hi vọng có thể tìm hiểu được mối giao lưu tác động đa phương giữa Phan Bội Châu, các tác phẩm của ông với những thay đổi lịch sử, biến động chính trị và trào lưu tư tưởng văn hóa ở Đông Á thời cận đại. Trong các công trình tiếp theo chúng tôi sẽ đi sâu nghiên cứu quá trình tiếp thu lý giải và tái sản xuất của Phan Bội Châu đối với các nhà tư tưởng phương Tây và các nhân vật tiên phong trong phong trào Duy Tân Nhật Bản, cũng như phân tích mối quan hệ phức tạp giữa “hiện đại” và “truyền thống”, “tư duy mới” và “quan niệm cũ” trong tư duy của ông.

Nguyễn Ngọc Thơ dịch


 


*

Trần Ích Nguyên – GS, Trưởng Khoa Trung văn, ĐH Thành Công, Đài Loan; La Cảnh Văn – NCS Khoa Trung văn, ĐH Thành Công, Đài Loan

([1]) Xem Thư viện Viện NC Hán Nôm Hà Nội Việt Nam “Phan Bội Châu niên biểu”, số mã VHC1725, không rõ số trang. Do chỉ sử dụng cuốn này nên từ đây trở xuống chúng tôi không chú thích nữa. Ngoài ra, phần giới thiệu bằng các tiếng Pháp, Anh, Nhật v.v. có thể xem Trần Khánh Hạo 2007: Từ các phát hiện các tiểu thuyết tiếng Hán của Phan Bội Châu (1867-1940) bàn về nghiên cứu chỉnh thể văn hóa Hán; dẫn lại trong Vương Tam Khánh, Trần Ích Nguyên cb 2007: “Kỷ yếu Hội thảo học thuật quốc tế Văn học chữ Hán và văn hóa dân tục Đông Á (Đài Bắc: Lạc Học xuất bản, 12/2007), trang 2. Hiện có rất nhiều bản tiếng Việt của cuốn Phan Bội Châu Niên Biểu, quan trọng nhất phải kể đến cuốn trong bộ Phan Bội Châu toàn tập do Chương Thâu cb [2000, Hà Nội].

[2] Nghiêm Phục: “Nghiêm Phục Tập. Luận Thế Biến chi cực”. Đài Bắc: Trung Hoa thư cục, 1/1986, trang 1.

[3] Về tình hình lưu học sinh Trung Quốc ở Nhật Bản có thể xem bản dịch tiếng Trung (Đàm Nhữ Khiêm, Lâm Khải Sản dịch): “Lịch sử lưu học sinh Trung Quốc ở Nhật Bản” Bắc Kinh: Sinh Hoạt-Độc Thư-Tân Tri Tam Liên xuất bản, 1983)…

[4] Willian J.Duiker“Phan Boi Chau:Asian Revolutionary in a Changing World”,The Journal of Asian Studies Vol.31,No.1(Nov.1971),pp.78-79

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512921

Hôm nay

222

Hôm qua

2436

Tuần này

2858

Tháng này

219794

Tháng qua

121356

Tất cả

114512921